Chính trị - Xã hội

Ra mắt câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”

TĐKT – Tại lễ kỷ niệm 17 năm thành lập Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” diễn ra vào chiều 13/8, tại Hà Nội, CLB “Mãi mãi tuổi 20” đã chính ra mắt. Đây là tổ chức mới, mang tính kế thừa Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, tiếp tục sứ mệnh phát huy truyền thống cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ, kết nối và lan tỏa những điều tốt đẹp của cuộc sống. Do đó, chức năng, nhiệm vụ và nhận diện của CLB “Mãi mãi tuổi 20” sẽ không thay đổi so với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” trước đây. Theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, một trong những thành viên sáng lập và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”: Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” do UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập, nên phạm vi hoạt động chỉ được phép giới hạn trong địa bàn Thủ đô. Thực tế những năm qua, với tinh thần Khát vọng - Nghị lực - Cống hiến, bước chân của các thành viên Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đã in dấu ở hầu khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa; trong những ngày kỷ niệm lịch sử, truyền thống, trở lại chiến trường xưa, hay về nguồn; kể cả sau những đợt thiên tai, lũ lụt… Bất cứ thời gian nào, ở đâu cần là đại diện của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” có mặt; để mong có thêm nhiều những ngôi Nhà tình nghĩa; để tiếng chuông “Mãi mãi tuổi 20” vang xa và ngân mãi từ Tháp Tri ân Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; để những trang viết của Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” ngày càng dày thêm và đến với bạn đọc gần xa… Do đó, để phù hợp với điều kiện hoạt động trong tình hình mới, sau nhiều nhiều lần họp bàn và đã đi đến thống nhất, Hội đồng Quản lý Quỹ đã chủ động gửi văn bản đề xuất với UBND thành phố Hà Nội cho phép được tự giải thể. Đồng thời, trong khi chờ văn bản quyết định chính thức của thành phố, Hội đồng Quản lý Quỹ đã chủ động thành lập một tổ chức mới mang tên Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”, để sẵn sàng thay thế tổ chức cũ. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Mãi mãi tuổi 20 cho biết, cách đây 17 năm, vào năm 2005, sự kiện xuất bản hai tác phẩm: Nhật ký mãi mãi tuổi 20 của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm của bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Đặng Thùy Trâm, đã trở thành một sự kiện văn hóa đặc biệt, được thế hệ trẻ trên khắp cả nước đón nhận. Ngày 1/8/2005, UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập Quỹ "Mãi mãi tuổi 20", với mục tiêu tri ân các thế hệ cha anh đã anh dũng ngã xuống vì độc lập dân tộc, đồng thời cổ vũ, động viên khuyến khích thế hệ trẻ, tạo động lực cho khát vọng, ước mơ, hoài bão và nghị lực để cống hiến cho đất nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Ngày 16/8/2005, lễ thành lập Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đánh dấu sự bắt đầu của một tổ chức xã hội với bao tâm huyết, tấm lòng của các vị lãnh đạo thành phố, của những nhân vật có tên tuổi của các tướng lĩnh, sĩ quan có uy tín và đặc biệt là của hàng vạn con tim cựu chiến binh muốn hướng về cội nguồn, muốn trị ân, tưởng nhớ đồng đội và tiếp lửa cho mai sau. Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhấn mạnh: Sự thành công của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” trong 17 năm qua, không chỉ huy động số tiền xã hội hóa nhiều tỷ đồng để trao tặng, mà lớn hơn thế nữa là mang tinh thần của các anh hùng - liệt sĩ đã hi sinh xương máu trong chiến tranh, mang tình ca của các cựu chiến binh đến với cuộc sống hòa bình hôm nay, góp phần xây dựng, vận đắp những yêu thương, lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp hơn cho cộng đồng và xã hội. Tinh thần ấy là từ ngọn lửa nhiệt huyết của các cựu chiến binh và tuổi trẻ. Tình cảm đó chỉ có thể là từ trái tim đã chạm tới và kết nối các trái tim của cả triệu người Việt Nam đã đi qua chiến tranh và yêu cuộc sống hòa bình hôm nay. CLB “Mãi mãi tuổi 20” đã chính ra mắt Qua 17 năm hoạt động, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận hành một tổ chức xã hội không có tài sản, nguồn tiền để duy trì và hoạt động chủ yếu dựa vào sự vận động tài trợ từ các doanh nhân, tổ chức và cá nhân hảo tâm trong toàn xã hội, song, những hoạt động của Quỹ vẫn giữ nguyên sứ mệnh như ban đầu thành lập. Đó là tri ân đồng đội, thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ độc lập của Tổ quốc mà hầu hết ở lứa tuổi 20, thực hiện công tác thiện nguyện và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Mô hình hành trình tri ân - thiện nguyện của Quỹ được tổ chức vào nhiều dịp trong năm; công tác biên tập và xuất bản sách để giữ và truyền lại cho các thế hệ biết về những sự kiện lịch sử cũng như sự hy sinh của bao thế hệ cho độc lập - tự do của Tổ quốc. Các đoàn hành quân của Quỹ đã tới dâng hoa, thắp hương tưởng niệm tới các nghĩa trang khắp mọi miền Tổ quốc, các địa chỉ “đỏ” như nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Thành Cổ, sông Thạch Hãn (Quảng Trị), nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, Truông Bồn (Nghệ An), Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang), ... và rất nhiều các nghĩa trang liệt sĩ khác dọc hành trình trên cả nước. Công trình “Tháp Tri ân: Mãi mãi tuổi 20” (nằm trong tổ hợp dự án nhà khách miễn phí”) được hoàn thành vào năm 2019, đã trở thành một chốn linh thiêng tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và là một công trình biểu tượng cho những tấm lòng thành kính của tập thể Mãi mãi tuổi 20. Quỹ đã tới thăm và tặng quà ở hầu hết các Đồn Biên phòng đóng quân ở các vùng xa xôi, hẻo lánh và đầy khó khăn gian nguy như tại Điện Biên Đông, Điện Biên, Lóng Tập, Mường Lạn - Sơn La, Thanh Thủy - Hà Giang, Sóc Hà - Cao Bằng; Pò Hèn - Quảng Ninh; các đồn biên phòng dọc biên giới phía Tây thuộc Quân khu 4 như Mường Lát - Thanh Hóa; Nhôn Mai, Tam Quang, Tương Dương - Nghệ An, Quế Phong - Nghệ An, Kỳ Sơn - Nghệ An… Tại những nơi đây, Quỹ luôn quan tâm tới hoàn cảnh khó khăn của các cựu chiến binh, thương binh, mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân liệt sĩ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Quỹ đã xây tặng nhiều nhà tình nghĩa tới các hộ gia đình thương binh, gia đình lão thành cách mạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây 2 chốt trạm cho bộ đội biên phòng, tặng hàng nghìn bộ quần áo, phần nhu yếu phẩm tới trẻ em vùng cao, xây dựng nhiều tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” với hàng nghìn đầu sách tặng các trường phổ thông dân tộc (tiểu học và trung học cơ sở) tại các vùng sâu, vùng xa. Tất cả những nơi Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" tới đều là những nơi đời sống vật chất, văn hóa đều vô cùng thiêu thốn, lạc hậu và ít có dấu chân người tới thăm. Cùng với đó, tiếp lửa truyền thống tới thế hệ trẻ, góp phần vào xây dựng tương lai đất nước. Sự ra đời của CLB Ngọn lửa tuổi 20 - Đoàn Thanh niên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội vào năm 2017 là kết quả của những cố gắng truyền ngọn lửa nhiệt huyết tới thế hệ mai sau. CLB ra đời như một đứa con tinh thần của Quỹ, với sự vận động thành lập tới từ các bạn sinh viên đồng hành cùng Quỹ trên các hành trình tri ân - thiện nguyện. Trong các hành trình tri ân - thiện nguyện của Quỹ, luôn có sự đồng hành từ các bạn sinh viên. Các bạn được tới những địa chỉ đỏ, những địa danh cảm xúc, được nghe những câu chuyện hào hùng từ những nhân chứng lịch sử - từ chính những thành viên của Quỹ - các cựu chiến binh. Thường niên, Quỹ kết hợp cùng Đoàn Thanh niên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức các hoạt động, sự kiện đặc biệt kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc như Ngày thành lập Quân đội Nhân dân 22/12, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3, ... Các hoạt động, chương trình nhằm thực hiện mong muốn lan tỏa ngọn lửa của sự nhiệt huyết tới thế hệ trẻ. Đặc biệt, tại Hành trình tri ân 2022 được tổ chức và tháng 7 vừa qua, Quỹ đã nhận được sự đồng hành tới từ các bạn sinh viên từ miền Nam xa xôi, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh…Những kết quả đó càng khẳng định ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa Mãi mãi tuổi 20 sẽ cháy mãi. Mai Thảo

Giúp người lao động chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT

TĐKT - Sự ra đời của ứng dụng VssID - Bảo hiểm Xã hội số (ứng dụng VssID) trên thiết bị di động là một bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Sau gần 2 năm triển khai, ứng dụng VssID ngày càng khẳng định và phát huy vai trò hữu ích của mình trong việc cung cấp thông tin chính sách về BHXH, BHYT, BHTN; thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; các dịch vụ công trong giao dịch với cơ quan BHXH… giúp người tham gia chủ động quản lý thông tin, trực tiếp giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Tiện lợi, công khai, minh bạch Tháng 11/2020, ứng dụng VssID được BHXH Việt Nam chính thức đưa vào hoạt động, cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.   Người lao động chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, BHXH Việt Nam liên tục đổi mới, cập nhật, bổ sung nhiều tính năng mới trên ứng dụng VssID bảo đảm tính ưu việt, tiện dụng hơn cho người sử dụng như: Dễ dàng tra cứu thông tin tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BHTN với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin và trong thực hiện dịch vụ công với cơ quan BHXH. Qua theo dõi quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, BHTN của bản thân trên ứng dụng VssID, người tham gia còn có thể trực tiếp tự giám sát, bảo vệ quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của mình. Đặc biệt, tại những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng ứng dụng VssID đã góp phần hiệu quả trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Đáng chú ý, từ ngày 01/6/2021, người dùng ứng dụng VssID còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng khi đi KCB thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Việc triển khai này được coi là bước đi thực sự phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính và chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam, mang lại những lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT và cơ sở KCB. Thu hút đông đảo người cài đặt, sử dụng ứng dụng Nhằm phổ biến rộng rãi ứng dụng VssID đến người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT, hướng tới phục vụ tốt hơn người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực để hướng dẫn, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT đăng ký tài khoản giao dịch điện tử, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID. Theo thống kê, tính đến ngày 31/7/2022, trên toàn quốc đã có trên 26,3 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT. Qua theo dõi các phản hồi của người dùng, trên hai kho ứng dụng, đến nay đã có hơn 6 nghìn lượt nhận xét, đánh giá và góp ý về ứng dụng VssID. Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ vui mừng về những hữu ích thiết thực của ứng dụng... giúp người dân, người lao động chủ động, kịp thời quản lý các thông tin, trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Ngăn chặn trục lợi quỹ BHXH, BHYT Thông qua ứng dụng VssID, người dùng không chỉ theo dõi được các thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN mà còn nắm rõ được lịch sử KCB BHYT của bản thân. Qua đó, giúp người dùng thực hiện vai trò giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của người sử dụng lao động và quá trình thụ hưởng các chính sách của mình, góp phần công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đây cũng được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Thời gian gần đây, BHXH Việt Nam đã nhận được một số phản ánh của người dùng ứng dụng VssID về việc thông tin quá trình KCB BHYT của cá nhân trên ứng dụng VssID không chính xác do chưa từng dùng thẻ BHYT để đi KCB tại các cơ sở KCB được hiển thị trên ứng dụng. Trên cơ sở nắm bắt các thông tin phản ánh về tình trạng trên, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ liên quan kiểm tra, rà soát, có hướng xử lý kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN, xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT (nếu có). Hiện ứng dụng VssID vẫn tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện các tính năng sử dụng ứng dụng nhằm mục tiêu đem đến cho người dùng các tính năng thuận tiện, hữu ích nhất. Trong quá trình vận hành, nâng cấp ứng dụng, đồng bộ hóa dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có thể còn trường hợp chưa chính xác về dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam mong người dùng ứng dụng thông cảm. Để hạn chế tình trạng sơ suất này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố, thường xuyên hoàn thiện và đồng bộ về dữ liệu thông tin người tham gia BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo thông tin cung cấp trên ứng dụng VssID đúng với quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách của người dùng ứng dụng. BHXH Việt Nam khuyến nghị, người dân hãy tích cực cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID, thường xuyên theo dõi, truy cập ứng dụng để nắm bắt thông tin, giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN, từ đó chủ động bảo vệ quyền lợi của mình. Ngay khi phát hiện có thông tin sai lệch về quá trình tham gia hoặc thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN của bản thân trên ứng dụng VssID, người tham gia cần phản ánh ngay với cơ quan BHXH tỉnh, huyện hoặc cơ quan BHXH Việt Nam thông qua Tổng đài hỗ trợ 1900.9068; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam (https://www.baohiemxahoi.gov.vn/hoidap/Pages/default.aspx); Fanpage Facebook của BHXH Việt Nam (https://www.facebook.com/BHXHVietNam999) để được hỗ trợ, giải đáp và xử lý kịp thời./. Hồng Thiết

Khởi công xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc Mảng tại tỉnh Lai Châu

TĐKT - Chặng 6 chương trình "Những bước chân vì cộng đồng" đặt mục tiêu huy động ít nhất 1 triệu km đi bộ/chạy bộ, tương ứng số kinh phí 1 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc Mảng tại xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Ngày 6/8/2022, tại tỉnh Lai Châu, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và các đơn vị tổ chức khởi động chặng 6 - Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” để xây dựng Nhà văn hóa cộng động cho người dân tộc Mảng. Tham dự chương trình có anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam; anh Nguyễn Tiến Thịnh, Bí thư Tỉnh đoàn Lai Châu; cùng đại diện lãnh đạo Trung ương Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Lai Châu, các phòng ban, chuyên môn Tỉnh đoàn và đông đảo bà con nhân dân, hội viên, thanh niên tỉnh Lai Châu. Đại diện Sacombank trao biểu trưng hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc Mảng. Phát biểu khởi động chặng 6, anh Nguyễn Hải Minh, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã kêu gọi các bạn đoàn viên, hội viên, thanh niên, người dân hãy đăng ký tham gia Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng”, thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng những bước chân tình nguyện vì cộng đồng, vì mỗi bước chân chúng ta đi, không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn đồng hành cùng tổ chức Đoàn, Hội trong hành trình chăm lo đời sống tinh thần, bảo tồn, phát huy truyền thống cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Năm 2022, Chương trình được triển khai 5 chặng từ chặng 4 đến chặng 8. Trong đó, chặng 6 - Chương trình “Những bước chân vì cộng đồng” được triển khai từ ngày 6/8 đến hết ngày 28/8/2022 và được phát động cấp Trung ương tại tỉnh Lai Châu, với mục tiêu huy động ít nhất 1 triệu km đi bộ/chạy bộ, tương ứng số kinh phí 1 tỷ đồng do Sacombank hỗ trợ để xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc Mảng tại xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Chương trình được khởi động đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố vào sáng ngày 6/8 là hành động thiết thực, ý nghĩa của hội viên, thanh niên cả nước chung tay đồng hành chăm lo đời sống, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam. Đây cũng là một trong các hoạt động thiết thực, ý nghĩa của các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên cả nước thực hiện trong Hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi với chủ đề “Hành trình thanh niên đến với đồng bào dân tộc thiểu số” và chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Ban Tổ chức trao tặng 20 suất quà cho 20 học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập Nhân dịp này, Ban Tổ chức đã trao tặng 20 suất quà cho 20 già làng, trưởng bản, người có uy tín, hộ gia đình chính sách là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà an sinh); trao tặng 20 suất quà cho 20 học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt và 1 túi quà), tổng trị giá 50 triệu đồng. Trao tặng biển tượng trưng 3 công trình “Trường đẹp cho em” trên địa bàn huyện Mường Tè và huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, tổng trị giá 1,1 tỷ đồng. Tại xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, Ban Tổ chức đã khởi công công trình Nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc Mảng; tặng 100 túi quà an sinh cho người dân tộc Mảng trên địa bàn xã Nậm Pì có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 25 triệu đồng; tặng dụng cụ thể thao cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn xã Nậm Pì, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, trị giá 25 triệu đồng. Lễ khởi công xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho dân tộc Mảng. Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình, Ban Tổ chức đã khánh thành 2 công trình “Ngôi nhà hạnh phúc” cho 2 em học sinh mồ côi trên địa bàn tỉnh Lai Châu, em Vàng Thị Vũ - học sinh lớp 7 tại huyện Nậm Nhùn và em Sùng A Dỉ - học sinh lớp 4 tại huyện Phong Thổ, tổng trị giá 160 triệu đồng. Chương trình được triển khai trên quy mô toàn quốc nhằm đẩy mạnh phong trào “10.000 bước mỗi ngày”, tuyên truyền rộng rãi trong hội viên, thanh niên về việc rèn luyện sức khỏe, vận động thanh niên tự giác tập luyện thể dục, thể thao nâng cao thể chất; đồng thời phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện vì cộng đồng của các cấp bộ Hội và hội viên, thanh niên cả nước trong chăm lo, đồng hành với đồng bào dân tộc thiểu số để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của 16 dân tộc thiểu số ít người tại Việt Nam (những dân tộc có số dân dưới 10.000 người). Chương trình không giới hạn lứa tuổi, thành phần tham gia. Với mỗi km đi bộ/chạy bộ của hội viên, thanh niên, người dân, Sacombank sẽ đóng góp 1.000 đồng vào quỹ xây dựng nhà văn hóa. Nhà văn hóa cộng đồng được triển khai sẽ hỗ trợ tạo lập không gian sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương nơi đồng bào dân tộc thiểu số ít người sinh sống, đồng thời là nơi để đồng bào tương tác, sinh hoạt văn hóa, tăng cường tính đoàn kết và gắn bó. Dự kiến, từ năm 2020 đến năm 2024, Chương trình sẽ triển khai 16 nhà văn hóa cộng đồng cho 16 dân tộc thiểu số ít người, mỗi Nhà văn hóa cộng đồng có trị giá 1 tỷ đồng. Thục Anh

Khẳng định vai trò quan trọng của người có uy tín tiêu biểu

TĐKT - Chiều 4/8, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi gặp mặt, trao đổi với Đoàn Đại biểu người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình. Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết: Hòa Bình là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, với dân số toàn tỉnh 85,4 vạn người, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 74,43% dân số, gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông, còn lại là một số dân tộc thiểu số khác. Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bắt tay, trò chuyện, động viên người có uy tín tiêu biểu tỉnh Hòa Bình Những năm qua, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào các dân tộc đã đoàn kết tham gia đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, đóng góp của đội ngũ những người có uy tín trên địa bàn là vô cùng quan trọng. Với tổng số 1.283 người có uy tín, những người có uy tín tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở và là những tấm gương tiêu biểu để đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng, nghe và làm theo. Đặc biệt có thể kể đến là vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, người có uy tín bằng tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, đã vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, truyền dạy chữ viết, giáo dục văn hóa, lưu truyền những nét đẹp văn hóa phi vật thể, đồng thời đấu tranh xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan. Có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống đã được người có uy tín lưu giữ và phát huy như: Nghệ thuật Chiêng Mường, Mo Mường, nghệ thuật hát Thường đang bọ mẹng dân tộc Mường; nghệ thuật múa Keeng Lóong, dân tộc Thái; nghệ thuật hát Khắp dân tộc Thái, dân tộc Tày… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ phát biểu tại buổi gặp mặt Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ khẳng định: Hơn 10 năm qua,  tỉnh Hòa Bình luôn tổ chức thực hiện đảm bảo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn; đã tổ chức gần 500 lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho gần 8.000 lượt người có uy tín cập nhật các văn bản, chính sách mới, những kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân; cấp báo thường xuyên với 2 đầu báo và một số hình thức cung cấp thông tin khác như tham quan, học tập kinh nghiệm, bản tin công tác dân tộc… đã góp phần cung cấp cơ bản đầy đủ thông tin phục vụ công tác đối với người có uy tín. Tỉnh cũng tổ chức chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chế độ thăm hỏi, tặng quà, động viên, khen thưởng người có uy tín. Qua đó, góp phần động viên, khích lệ người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương. Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc tổ chức cho những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS ra thăm Thủ đô nhằm tri ân sự đóng góp của họ. Đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định, người uy tín có vai trò quan trọng, là chỗ dựa cho nhân dân và chính quyền, góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Bên cạnh đó, người có uy tín còn gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, giữ vững bình yên và sự phát triển của các bản, làng. Từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước cũng đã quan tâm và ban hành nhiều chính sách để giúp đỡ bà con DTTS nâng cao đời sống, nâng cao thu nhập. Lãnh đạo Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà, tri ân Đoàn Đại biểu người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình Giới thiệu qua về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của đất nước, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước sẽ đưa ra nhiều chủ trương lớn và giải quyết nhiều vấn đề cơ bản mà nhân dân đang vướng mắc. Những chủ trương đó tác động lớn đến đời sống của người dân. Đồng chí Đỗ Văn Chiến mong muốn, người có uy tín tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương, gương mẫu chấp hành quy định của địa phương. Điều gì bà con chưa hài lòng thì phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, bà con đồng bào DTTS cần đoàn kết các dân tộc, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng thôn xóm, bản làng ấm no; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn tiếng nói, chữ viết, hun đúc bản tính cần cù, chăm chỉ lao động của bà con dân tộc cũng như giữ gìn an ninh trật tự, không nghe theo lời kẻ xấu. Nhân dịp này, Đoàn đại biểu người uy tín tỉnh Hòa Bình đã tặng Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam bức tranh về văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đồng chí: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tặng quà, tri ân Đoàn Đại biểu người có uy tín tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình./. Mai Thảo

Tập đoàn Hoa Sen 21 năm – Hành trình kết nối những tấm lòng thiện nguyện

TĐKT - Kiên định với triết lý “Trung thực – Cộng đồng – Phát triển”, 21 năm qua, Tập đoàn Hoa Sen luôn nỗ lực thực hiện sứ mệnh “mang hạnh phúc sẻ chia cùng cộng đồng”. Thông điệp nhân văn xuất phát từ tâm huyết của một doanh nghiệp vì cộng đồng đã được đón nhận qua chương trình”Hát cho ngày mai”. “Hát cho ngày mai” là chương trình âm nhạc tôn vinh đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên trên cả nước. Họ đều là những trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng xông pha trong giai đoạn đất nước oằn mình chống dịch. Câu chuyện tử tế được “thắp lửa” giữa đời thường   Chương trình “Hát cho ngày mai” - Mùa 1 đã khép lại trọn vẹn với hơn 3 tỷ đồng được Hệ thống Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home trao cho 88 nhân vật. Để rồi từ đó chuyến xe nhân văn của Hoa Sen Home tiếp tục “lăn bánh” cùng những tấm lòng thiện nguyện và lan tỏa, sẻ chia những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng.   Góp mặt trong tập 13, anh Phạm Hồng Phúc (Trung úy Phòng cảnh sát PCCC – CHCN Công an TP. Hồ Chí Minh) là một trong những người lính cứu hỏa hết lòng xông pha vì cộng đồng. Nhưng cũng chính vì thế, anh Phúc chẳng tránh khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của Covid-19. Nhưng điều đó chưa thể ám ảnh, day dứt bằng câu chuyện “người mẹ tuổi đã cao của anh Phúc chuyển bệnh nặng” và câu nói quặn lòng “mẹ ơi, mẹ cố gắng thở vì con…”.  Và rồi anh Phúc cùng mẹ đã may mắn chiến thắng Covid. Với lòng nhiệt thành và trách nhiệm vì cộng đồng, người lính cứu hỏa ấy lại tiếp tục trở thành một “chiến sĩ” nhiệt huyết và nghĩa tình nơi tuyến đầu chống dịch. Hàng ngày, anh không ngần ngại chạy xe máy đến các điểm phân phối hàng cứu trợ xin lương thực, thực phẩm, rồi len lỏi vào các con đường ngõ hẻm Sài Gòn để trao cho bà con. Đặc biệt hơn, anh Phúc còn chở bình oxy đến những nơi cần sự giúp đỡ, tư vấn cho mọi người phương pháp điều trị F0 tại nhà… Ngọn lửa của tình người, của trách nhiệm xã hội đã được thắp lên qua câu chuyện của người lính cứu hỏa Phạm Hồng Phúc Trong cuộc chiến chống Covid ấy, Sài Gòn đã chứng kiến hàng triệu bàn tay thắp lửa xua tan bóng tối bằng những hành động nhỏ bé nhưng phi thường, từ những con người bằng xương, bằng thịt như Trung úy Phạm Hồng Phúc hay tình nguyện viên Huỳnh Quang Nhật Long. Thời điểm Covid-19 bùng phát trở lại vào năm 2021, khi ấy, biến thể delta có sức tấn công dữ dội, tốc độ lây nhiễm rất cao, thế nhưng anh Huỳnh Quang Nhật Long (Long “ve chai”) đã không màng đến sự hiểm nguy, không để mình đứng ngoài điểm nóng. Hễ cứ có người gọi đến là anh Long liền mang những bình oxy “chạy thần tốc” đến những nơi cần sự giúp đỡ, tiếp hơi thở “hồi sinh” sự sống cho hàng ngàn con người đang đứng trước bờ vực cửa tử. Niềm vui nhân đôi khi anh Long “ve chai” và bệnh nhân may mắn được anh cứu sống cùng hội ngộ trên sân khấu Hát cho ngày mai Tại sân khấu “Hát cho ngày mai”, một cuộc hội ngộ đầy viên mãn và ý nghĩa đã chạm đến trái tim khán giả, khiến chúng ta nhận ra rằng: Ở thời điểm đó, người được cứu cũng không biết người đã cứu mình, và người đi cứu cũng không biết người mình vừa cứu là ai. Nhưng tình người và tinh thần tương thân tương ái đã lặng lẽ nở rộ trong những lúc gian khó, hiểm nguy. Lan tỏa, nhân rộng những giá trị “sống đẹp” Đến với “Hát cho ngày mai”, các thí sinh luôn mang trong mình tinh thần mãnh liệt, nhiệt huyết của những con người đã “quên mình giữa tâm dịch” để cất lên những giai điệu yêu thương từ trái tim. Số tiền thưởng nhận được từ chương trình, họ hoàn toàn có thể giữ lại cho bản thân để trang trải cuộc sống, nhưng với tinh thần “tương thân, tương ái”, các thí sinh đều san sẻ cho những hoàn cảnh, mảnh đời khốn khó ngoài xã hội. Họ là những tấm gương “bình dị” mà “cao quý”. Với số tiền thưởng từ Hoa Sen Home, anh Phạm Hồng Phúc đã xây dựng bếp ăn thiện nguyện, lan tỏa tấm lòng yêu thương của một người lính cứu hỏa Trung úy Phạm Hồng Phúc dùng phần thưởng 20 triệu đồng đến từ nhà tài trợ Hoa Sen Home trao tặng 20 phần quà cho các em thiếu nhi mồ côi cha mẹ trên địa bàn phường 5, quận 8, TP Hồ Chí Minh. Số tiền còn lại, anh Phúc phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 2, quận 6 xây dựng “bếp ăn thiện nguyện”, nấu 100 suất cơm gửi đến các cô chú trong Hội Cựu chiến binh trên địa bàn quận nhân ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, với mong muốn thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với thế hệ trước. Còn đối với tình nguyện viên Long “ve chai”, thí sinh góp mặt trong tập gala của chương trình và giành được số tiền thưởng 25 triệu đồng chia sẻ: “Tôi sẽ dùng số tiền này để tiếp tục bảo trợ cho nhà trẻ mồ côi ở chùa Long Phước, thị xã Bạc Liêu và trích ra một phần để thành lập Quỹ mai táng 0 đồng, hỗ trợ cho những mảnh đời không người thân, không nơi nương tựa… Cảm ơn chương trình đã giúp tôi có cơ hội làm những điều ý nghĩa cho đời”. Hoa Sen Home giúp anh Long “ve chai” nối dài hành trình thiện nguyện, giúp đỡ cho gần 40 em nhỏ mồ côi tại chùa Long Phước, Bạc Liêu Trước đó, anh Long “ve chai” cũng đã dùng số tiền thưởng 35 triệu đồng sau khi tham gia tập 31 để sửa lại dàn lạnh của chiếc xe cấp cứu. Chuyến xe ấy sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng chuyến xe nhân văn của Hoa Sen Home, tiếp tục “lăn bánh”trên hành trình chia sẻ yêu thương. Mùa 1 – “Hát cho ngày mai tạm” khép lại để rồi từ đó sẽ có thêm nhiều câu chuyện ý nghĩa, nhân văn được viết tiếp ở mùa 2, thắp lên những ngọn lửa luôn sẵn sàng xông pha vì cộng đồng, ngợi ca những tấm gương sống tử tế giữa đời thường. Trên chặng đường 21 năm đồng hành cùng người Việt Nam, các chương trình cộng đồng ý nghĩa đã giúp Tập đoàn Hoa Sen có được vị trí vững chắc trong lòng nhiều thế hệ. Người tiêu dùng Việt dành sự yêu mến cho Tập đoàn Hoa Sen vì đây là thương hiệu luôn tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng. Xuân Phúc

Hội đồng Giáo sư cơ sở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội họp phiên thứ hai và phiên thứ ba năm 2022

TĐKT - Ngày 2/8/2022, tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức họp Hội đồng Giáo sư cơ sở phiên thứ hai và thứ ba năm 2022. GS. TS Đinh Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp. Tại phiên họp thứ hai, Hội đồng Giáo sư cơ sở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội họp thẩm định hồ sơ của từng ứng viên. Tại phiên họp thứ ba, Hội đồng nghe ba ứng viên báo cáo tổng quan và tiến hành thẩm định năng lực ngoại ngữ. Sau nhiều giờ làm việc nghiêm túc, công bằng, khách quan, kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Giáo sư cơ sở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với số phiếu bầu 9/9, đã thống nhất cả ba ứng viên đều được thông qua Hội đồng Giáo sư cơ sở, đủ tiêu chuẩn để đề nghị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2022. Toàn cảnh phiên làm việc Phát biểu tại phiên họp, GS. TS Đinh Văn Tiến Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm cũng như các công trình nghiên cứu khoa học của ba ứng viên trong suốt thời gian vừa qua. GS.TS Đinh Văn Tiến cũng chúc mừng kết quả thành công của các phiên họp và nhấn mạnh “Hội đồng Giáo sư cơ sở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã chuẩn bị, tổ chức các phiên họp xét đúng theo hướng dẫn của Hội đồng Giáo sư Nhà nước từ hướng dẫn lập hồ sơ cho ba ứng viên, báo cáo khoa học tổng quan đến chuẩn bị các văn bản và tổ chức phiên họp chu đáo, chính xác, khách quan, đánh giá đúng năng lực của ba ứng viên”. Hạnh Trần - Việt Anh

Bộ Nội vụ được giao chủ trì xây dựng 02 Nghị định liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng

Ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp Ba (kèm theo Quyết định số 917/QĐ-TTg). Theo đó, Thủ tướng phân công Bộ Nội vụ; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế chủ trì soạn thảo 10 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng (có hiệu lực từ 01/01/2024). Bên cạnh đó, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo Thông tư của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về công tác thi đua, khen thưởng. Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (ngày 15/6/2022). Ngoài ra, Thủ tướng phân công Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo 03 nghị định và 02 thông tư quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ 01/01/2023). Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo 08 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bảo hiểm (có hiệu lực từ 01/01/2023). Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo 06 văn bản quy định chi tiết Luật Cảnh sát cơ động (có hiệu lực từ 01/01/2023). Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì soạn thảo 05 văn bản quy định chi tiết Luật Điện ảnh (có hiệu lực từ 01/01/2023). Đối với Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa (có hiệu lực từ 01/8/2022), Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo 04 văn bản quy định chi tiết. Bộ Công an được giao soạn thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết có trách nhiệm trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết theo Quyết định trên. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản; công khai nội dung, tiến độ, kết quả cụ thể từng giai đoạn trên cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ…./. ----------------------------- Xem chi tiết Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Ba tại đây. Theo tcnn.vn

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng

TĐKT - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo "Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Thân thế, sự nghiệp và tầm ảnh hưởng", với sự tham gia của 500 đại biểu. Hội thảo được thực hiện trên cơ sở đề nghị phối hợp của UBND tỉnh Hà Tĩnh và UBND tỉnh Hưng Yên nhằm triển khai các hoạt động chuẩn bị hồ sơ đề nghị Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - ông tổ của ngành Y học cổ truyền Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu khai mạc Hội thảo Hội thảo nhằm công bố rộng rãi các nghiên cứu, phát hiện mới, các vấn đề liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: Đính chính và khẳng định lại năm sinh - năm mất, cuộc đời, sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội - lịch sử... của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; xác định tầm ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa, văn học, giáo dục, lịch sử trong nước, khu vực cũng như trên thế giới. Đồng thời, quảng bá rộng rãi về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp, cống hiến, giá trị tư tưởng, di sản do Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại. PGS. TS Nguyễn Thế Thịnh tham luận về “Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền Việt Nam” Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Hải Thượng Lãn Ông là hiện thân của một nhân cách lớn về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng công danh, phú quý, không nịnh hót kẻ giàu sang, “nghề thuốc là thanh cao nên phải giữ phẩm chất cho trong sạch”. Ông là người biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi, không tự cao tự đại, luôn tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp. Ông là một tấm gương mẫu mực cho thuật xử thế: “Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ, khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn”. Ngoài việc đề cao y đức, Hải Thượng Lãn Ông còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Về y thuật, Hải Thượng Lãn Ông cho rằng muốn làm thầy thuốc giỏi phải học tập không ngừng. Ông tiếp thu kinh nghiệm của người xưa một cách có chọn lọc, linh hoạt, sáng tạo, không hề rập khuôn, máy móc. Từ đó, ông có quan điểm về nhận định bệnh tật và phương pháp điều trị sáng tạo phù hợp con người Việt Nam. Trong suốt cuộc đời làm thuốc của mình, ông đúc kết tinh hoa của Y học nhân loại và y dược cổ truyền Việt Nam, ông đã để lại cho đời sau một bộ sách đồ sộ quý giá là bộ “Hải Thượng Lãn Ông Y Tông Tâm Lĩnh” và nhiều tác phẩm khác liên quan đến y học, văn học… Di sản của người để lại vẫn còn nguyên giá trị và được các thế hệ ngành y tế Việt Nam đã kế thừa và sử dụng nhằm góp phần vào công cuộc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quang cảnh Hội thảo Cuộc đời của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc với kiến thức uyên thâm, với tinh thần trách nhiệm cao cả trong nghề nghiệp, lòng nhẫn nại, tận tâm, đức hy sinh và lòng thương yêu người bệnh vô bờ bến. Ông thật xứng đáng là người đã dựng “ngọn cờ đỏ thắm” trong nền y học nước nhà, là tấm gương sáng chói về y đức, y đạo, y thuật cho đời sau noi theo. Thực hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam, nhằm tri ân những, công lao, đóng góp, cống hiến của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn học, văn hóa của dân tộc Việt Nam, Bộ Y tế và UBND tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024. Đây là hành động mang ý nghĩa thiết thực và có tầm ảnh hưởng to lớn với nền y học cổ truyển nói riêng và nền y học nước nhà nói chung. Đó còn là nguồn động viên sâu sắc với toàn thể các cán bộ y tế đã và đang không ngừng đem sức lực và trí tuệ phục vụ công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tại Hội thảo, 10 bài báo cáo được chọn lọc trình bày từ hơn 40 tham luận của hơn 40 tác giả với đa dạng các chủ đề như: “Lê Hữu Trác và Hải Thượng y tông tâm lĩnh từ điểm nhìn thế kỷ XXI” – PGS, TS Biện Minh Điền; "Y đức của Hải Thượng Lãn Ông, những giá trị trường tồn” - Thiếu tướng, PGS. TS Phạm Xuân Phong; “Kiểu tác giả văn sĩ - nho sĩ - thầy thuốc Lê Hữu Trác trong “Thượng kinh ký sự” – PGS. TS Nguyễn Hữu Sơn; “Ảnh hưởng của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác với nền y học cổ truyền Việt Nam” - PGS, TS Nguyễn Thế Thịnh… Trong khuôn khổ Hội thảo, những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu tham dự đã được ghi nhận nhằm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ khoa học trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tham gia lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông. Sau Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ phát động cuộc thi viết về tấm gương y đức của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong toàn ngành Y tế (dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2022 đến tháng 8/2024). Hồng Thiết

Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh

TĐKT - Ngày 2/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh”, kết nối Bộ Y tế với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì Hội nghị. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì Hội nghị. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, các bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tiếp tục xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận 283 triệu ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số ca mắc vượt 581 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của Omicron. Quang cảnh Hội nghị Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron trong cộng đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), hơn 8,5 triệu người khỏi bệnh (94,5%), gần 11 nghìn ca tử vong (0,1%). Tính đến nay, cả nước ghi nhận 10,7 triệu bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có 9,9 triệu người đã khỏi bệnh (92%) và hơn 43 nghìn bệnh nhân tử vong (0,4%). Từ đầu năm 2022 đến nay cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyể, trong đó có 45 bệnh nhân đã tử vong. Các địa phương ghi nhận số mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp. Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi. Hiện chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân và các bệnh truyền nhiễm nhóm A khác. Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận, đánh giá cao và tri ân sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của toàn ngành y tế, từ trung ương đến địa phương, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch tuyến đầu, các cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở, các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã rất nỗ lực, quyết tâm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước và mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Quán triệt quan điểm đặt tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. La Giang

Trang