Chính trị - Xã hội

Nhiều cơ hội mới cho lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc

TĐKT – Ngày 5/9, tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Việt Nam đến thăm và làm việc với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản. Vui mừng được đón tiếp Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sang thăm và làm việc, Ngài Kato Katsunobu Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ của Bộ LĐTBXH Việt Nam với các cơ quan ban ngành của Nhật trong việc đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong thời gian qua. “Phía Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định và kỹ sư là lĩnh vực ưu tiên quan trọng”, Bộ trưởng Kato Katsunobu khẳng định. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản Kato Katsunobu Trong thời gian qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đã rất kiên quyết trong việc xử lý đối với các doanh nghiệp, nghiệp đoàn vi phạm các quy định tiếp nhận thực tập sinh, nhất là đối với các hành vi bạo hành người lao động nước ngoài, không đảm bảo điều kiện làm việc. “Bộ chúng tôi đã áp dụng biện pháp mạnh đó là rút giấy phép, đình chỉ việc tiếp nhận tu nghiệp sinh đối với doanh nghiệp vi phạm, bạo hành tu nghiệp sinh Việt Năm vừa qua”, ngàì Kato Katsunobu nhấn mạnh. Cảm ơn người đồng cấp Nhật Bản đã dành thời gian đón tiếp và hội đàm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản với phía Việt Nam trong thời gian qua. “Để có được kết quả hợp tác như hiện nay, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn thì có sự đóng góp rất lớn của ngài Bộ trưởng Kato Katsunobu khi lần thứ ba ông giữ cương vị Bộ trưởng và cả những đóng góp của ông khi trên cương vị Chánh Văn phòng Nội các, Chánh Văn phòng Đảng Dân chủ Tự do (LDP)”,  Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu. Tại Hội đàm giữa Bộ LĐTXH Việt Nam và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, hai bên nhất trí mở rộng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc trong thời gian tới Đánh giá cao những kết quả hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực an toàn lao động, an sinh xã hội và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay Nhật Bản là một trong những thị trường lao động ngoài nước được nhiều lao động Việt Nam ưa thích do có điều kiện làm việc tốt, mức thu nhập ổn định, đến nay đã có trên 370 ngàn thực tập sinh trong tổng số gần 500 ngàn người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật. Trong 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản làm việc thì Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh tiếp nhận hàng năm và tổng số đang làm việc đã phản ánh lên điều đó. Tuy nhiên, để việc hợp tác giữa hai bên đạt kết quả cao hơn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn đề nghị Bộ trưởng Kato Katsunobu báo cáo Chính phủ Nhật Bản để cùng thống nhất đề xuất một số nội dung có tính đột phá, như: Mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe buýt… Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản đẩy mạnh việc tiếp nhận nhân lực chất lượng có kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng và tay nghề cao hướng đến tương lai trở thành cầu nối phát triển các lĩnh vực ngành nghề công nghiệp, dịch vụ… giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam như phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác. Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung tại Hội đàm Thống nhất với những đề xuất từ Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Ngài Kato Katsunobu ghi nhận và cho biết sẽ báo cáo Chính phủ, đồng thời, tiến hành phối hợp với các Bộ liên quan của Nhật Bản sớm xem xét việc mở rộng ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, trao đổi với Bộ Tài chính về đề xuất liên quan đến miễn thuế cư trú và thuế thu nhập cho lao động Việt Nam sang làm việc./. Hồng Thiết      

Quận Long Biên (Hà Nội): Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 100% tiền đóng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn khi tham gia BHXH tự nguyện

TĐKT - Từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và hỗ trợ theo cơ chế đặc thù của thành phố Hà Nội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên (Hà Nội) khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ thêm, nâng tổng mức hỗ trợ lên 100% trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, theo quy định chung, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn: 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% với người thuộc cận nghèo và 10% với các trường hợp khác.   Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 100% tiền đóng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn Ngoài mức hỗ trợ chung áp dụng cho cả nước, theo Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của Hội đồng nhân dân TP Hà Nội, từ ngày 01/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, Hà Nội hỗ trợ thêm 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác trên địa bàn, nâng tổng mức hỗ trợ lần lượt của các trường hợp này lên thành: 60%, 50% và 20% (tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn). Đặc biệt, theo Kế hoạch số 361/KH-UBND-UBMTTQ ngày 16/8/2022 của UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên (Hà Nội) về thực hiện hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2022 - 2025, 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được hỗ trợ chính sách BHXH tự nguyện, đủ điều kiện tham gia thì được hỗ trợ 100% tiền đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Như vậy, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và ngân sách của thành phố, đối với hộ nghèo,quận Long Biên sẽ hỗ trợ thêm 40% trên mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (tương ứng 132.000 đồng/người/tháng); đối với hộ cận nghèo, hỗ trợ thêm 50% mức đóng cho hộ cận nghèo (tương ứng 165.000 đồng/người/tháng). Riêng đối với người thuộc hộ cận nghèo của quận Long Biên đang tham gia BHXH tự nguyện mà thoát hộ cận nghèo nhưng còn khó khăn (có xác nhận của UBND phường); ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (10%) và ngân sách thành phố (10%) thì được Quỹ vì người nghèo của địa bàn hỗ trợ thêm 30% trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (12 tháng kể từ tháng thoát nghèo). Căn cứ các quy định trên, tổng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người dân Hà Nội và người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn quận Long Biên như sau: Người tham gia thuộc: Mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn Tỷ lệ % hỗ trợ Số tiền hỗ trợ Mức thấp nhất phải đóng sau khi được hỗ trợ NSNN Hà Nội Long Biên Tổng Hộ nghèo 1.500.000 30% 30% 40% 100% 330.000 0 Hộ cận nghèo 1.500.000 25% 25% 50% 100% 330.000 0 Hộ thoát nghèo còn khó khăn 1.500.000 10% 10% 30% 50% 165.000 165.000 Khác 1.500.000 10% 10% 0% 20% 66.000 264.000 Người đủ điều kiện được hỗ trợ trên địa bàn quận Long Biên giai đoạn 2022 - 2025 phải đồng thời đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo có tên trong các Quyết định phê duyệt của UBND quận từ năm 2022 đến năm 2025 và có nhu cầu hỗ trợ. Người đủ điều kiện thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định về BHXH. Địa bàn quận Long Biên gồm 14 phường có 228 hộ cận nghèo trong đó có 330 người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Theo Kế hoạch, chỉ tính riêng kinh phí hỗ trợ thêm từ Quỹ vì người nghèo cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện năm 2022 - 2023 dự kiến là hơn 925 triệu đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ vì người nghèo của quận và các phường hằng năm. Chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, nhất là đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo là chính sách rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước nói chung, thành phố Hà Nội và quận Long Biên (Hà Nội) nói riêng đối với các nhóm người chưa tham gia BHXH, nhằm quyết tâm hướng đến mục tiêu BHXH toàn dân, để mọi người dân đều được chăm lo an sinh xã hội, có cơ hội được hưởng lương hưu - nguồn thu nhập ổn định khi về già, có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe. La Giang        

Đưa Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII vào cuộc sống

TĐKT – Ngày 30/8, tại Hà Nội, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII. Dự Hội nghị, có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Toàn cảnh Hội nghị Cùng dự Hội nghị, có các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Ban, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban; các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chi ủy viên chi bộ thuộc Đảng bộ Ban; lãnh đạo các vụ, đơn vị và trưởng các đoàn thể thuộc Ban, toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên thuộc Ban. Đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại Hội nghị Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi tới toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi và những điểm mới của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đưa việc học tập và triển khai thực hiện các Nghị quyết trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng bộ Ban, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Báo cáo viên Lê Văn Thái, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trình bày tại Hội nghị Hội nghị được nghe báo cáo viên Lê Văn Thái, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phổ biến về các nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, gồm 4 Nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Việc tổ chức hội nghị với các chuyên đề được quán triệt sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động của Ban có cơ hội học tập, nắm vững, làm sâu sắc thêm nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về mục tiêu, định hướng và giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới; về các chủ trương, giải pháp của Đảng về đất đai, về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, về kinh tế tập thể, về củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trân trọng cảm ơn báo cáo viên Lê Văn Thái với những kinh nghiệm dạn dày về công tác xây dựng Đảng, đã truyền tải đầy đủ, súc tích nội dung 4 Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Đồng chí mong rằng thời gian tới, báo cáo viên Lê Văn Thái sẽ tư vấn, trao đổi, truyền đạt thêm với cán bộ, đảng viên của Ban nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng. Phương Thanh

Công tác quản lý nhà nước về hải quan tại cửa khẩu đường bộ và đường thủy Khánh Bình thuộc tỉnh An Giang

TĐKT - Thời gian vừa qua, tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang có tình trạng các doanh nghiệp đưa phương tiện vận tải của Campuchia vào các địa điểm tự phát không đủ điều kiện tập kết, kiểm tra, giám sát theo quy định của Luật Hải quan để thực hiện bốc dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, hàng bách hóa tiêu dùng… dẫn đến các rủi ro cao. Cơ quan hải quan không kiểm tra, giám sát để phát hiện được các lô hàng nhập lậu, khai sai số lượng chủng loại… đối với các lô hàng nhập khẩu. Còn đối với các lô hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan không được giám sát, kiểm tra việc bốc xếp hàng hóa nên dẫn đến rủi ro không quản lý được hàng hóa có đúng theo khai báo trên tờ khai hay không. Đặc biệt đối với hàng nông sản xuất khẩu là mặt hàng được ưu tiên cả trong phân luồng tờ khai, doanh nghiệp dễ dàng lợi dụng để khai khống số lượng, trọng lượng, chủng loại… để hoàn thuế giá trị gia tăng. Công tác quản lý nhà nước về hải quan tại cửa khẩu đường bộ và đường thủy Khánh Bình thuộc tỉnh An Giang Trong những năm trước đây, tại các cửa khẩu đường bộ trên toàn quốc đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp lợi dụng khai khống để hoàn thuế GTGT hàng nghìn tỷ đồng. Riêng cửa khẩu Khánh Bình cũng đã xảy ra vụ việc tương tự, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu qua cửa khẩu Khánh Bình và nhiều cán bộ hải quan cửa khẩu Khánh Bình đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để đảm bảo công tác giám sát hải quan theo đúng quy định tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 2777/TCHQ-GSQL ngày 7/7/2022 chỉ đạo Cục Hải quan tỉnh An Giang tăng cường công tác quản lý, giám sát hải quan tại các cửa khẩu biên giới thuộc tỉnh An Giang, trong đó có cửa khẩu Khánh Bình. Theo quy định của pháp luật Hải quan, hàng hóa xuất khẩu được bốc xếp lên các phương tiện vận tải nước ngoài phải chịu sự giám sát của cơ quan hải quan. Hiện nay, tại cửa khẩu đường bộ Khánh Bình được Tổng cục Hải quan công nhận 2 địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu cho 02 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, địa điểm: Công ty TNHH Dương Lan, Công ty TNHH TM Hải Thịnh Phát. Đối với hàng hóa được vận chuyển qua khu vực cửa khẩu đường bộ, việc kiểm tra, giám sát sẽ được thực hiện tại 2 địa điểm của công ty TNHH Thương mại Hải Thịnh Phát và công ty TNHH Dương Lan. Tại khu vực cửa khẩu đường bộ Khánh Bình phát sinh một số doanh nghiệp kinh doanh địa điểm lưu kho, bãi dưới hình thức tự phát để phục vụ cho hoạt động mua bán trao đổi hàng hóa qua biên giới, nhưng cho phương tiện ô tô của Campuchia vào địa điểm để nhận hàng, tự bốc dỡ hàng hóa trong các địa điểm này lên xuống phương tiện vận tải của Campuchia. Do đây là những địa điểm tự phát, không được Tổng cục Hải quan công nhận đủ điều kiện tập kết, kiểm tra giám sát hải quan (phải được trang bị các trang thiết bị đáp ứng công tác giám sát hải quan như Camera giám sát, hệ thống quản lý xuất nhập tồn hàng hóa đưa vào, lưu giữ và đưa ra địa điểm), không là địa bàn hoạt động hải quan (cơ quan hải quan không bố trí công chức hải quan thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan tại địa điểm không được Tổng cục Hải quan công nhận), nên công tác giám sát, kiểm soát hải quan gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp dễ lợi dụng để buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan ở khu vực cửa khẩu Khánh Bình, tại văn bản 2777/TCHQ-GSQL ngày 7/7/2022 nêu trên, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan tỉnh An Giang nghiêm túc thực hiện công tác giám sát, kiểm soát, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình. Cụ thể: Tại cửa khẩu Khánh Bình: Việc tập kết hàng hóa, làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cửa khẩu đường bộ và khu vực biên giới đường sông phải thực hiện trong các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biển giới được Tổng cục Hải quan công nhận . Đối với việc kiểm tra, giám sát sang tải, bốc xếp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu lên, xuống các phương tiện nước ngoài tại cửa khẩu đường bộ và khu vực biên giới đường sông phải thực hiện trong các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận. Không được thực hiện tại các địa điểm tập kết tự phát của cá nhân, doanh nghiệp thuộc khu vực cửa khẩu biên giới đường bộ và khu vực biên giới đường sông.” Theo phản ánh của một số báo, các doanh nghiệp ở An Giang lo lắng trước yêu cầu đưa hàng vào tập kết đột ngột, gặp khó khăn trong sản xuất, phân loại, tập kết hàng hóa nông, thủy sản…, chưa phản ánh đúng bản chất sự việc cũng như chức năng nhiệm vụ của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật vì: Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân loại, vận tải, bốc dỡ hàng hóa của các doanh nghiệp tại các địa điểm trong nội địa, nếu không liên quan đến phương tiện vận tải của nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hoạt động bình thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan hải quan không can thiệp, cho phép hay không cho phép thực hiện các hoạt động này. Đồng thời, không được phép thực hiện giám sát, kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại các địa điểm tự phát này do không đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan và chưa được Tổng cục Hải quan công nhận. Trường hợp các doanh nghiệp cố tình đưa phương tiện nhập cảnh của nước ngoài vào các địa điểm này này để bốc xếp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là vi phạm pháp luật. La Giang

Cảnh báo người lao động nâng cao cảnh giác với các dịch vụ mạo danh cơ quan BHXH hỗ trợ nhận trợ cấp BHXH, BHTN

TĐKT - Những ngày gần đây, BHXH Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc một số đối tượng giả danh cán bộ BHXH Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội. Cụ thể, chị N.H.T (sinh năm 1987, ngụ tại ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 11/8/2022, trong quá trình sử dụng mạng xã hội Facebook, chị T thấy có trang Bảo hiểm Việt Nam cùng dòng chữ "Cung cấp dịch vụ Giải ngân trước hạn. 1- Làm lại sổ BHXH. 2- Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn". Do đang có nhu cầu tìm hiểu và giải quyết chế độ hồ sơ quá hạn BHXH nên chị T đã liên hệ với Fanpage trên. Chị T được hướng dẫn liên hệ với một tài khoản Zalo tên Lương Uyên. Tại đây, người này yêu cầu chị T cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ cho chị T với số tiền là 17.706.000 đồng với số lần giải ngân là 5 lần. Mỗi lần giải ngân, chị T phải chuyển khoản cho chuyên viên BHXH giả này số tiền là 820.000 đồng - phí giải quyết hồ sơ - vào số tài khoản mà chuyên viên này cung cấp. Cảnh báo đối tượng lừa đảo Sau khi trao đổi, chị T đã chuyển khoản cho người này số tiền là 820.000 đồng - phí giải quyết hồ sơ - vào số tài khoản mà người này cung cấp. Sau đó, người này tiếp tục yêu cầu chị T chuyển thêm tiền vào tài khoản đã cung cấp để được nhận đủ tiền trợ cấp trong ngày. Thấy khả nghi nên chiều cùng ngày chị T tìm đến cơ quan BHXH để kiểm tra thông tin và biết mình đã bị lừa. Điều đáng nói là trước đó, chị T đã tới Cơ quan BHXH huyện Cần Giờ để hỏi về khoản tiền trợ cấp thai sản và được chuyên viên BHXH huyện giải thích kỹ càng về trường hợp của chị không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật, nhưng chị T vẫn muốn tìm cách lách luật để được hưởng quyền lợi. Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, tại các địa phương khác như An Giang cũng có tình trạng người lao động nhận được tin nhắn của một số đối tượng giả danh người của cơ quan BHXH Việt Nam nhận hỗ trợ làm thủ tục giải ngân tiền trợ cấp thất nghiệp. Các đối tượng này yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó các đối tượng sẽ giúp người lao động làm thủ tục giải ngân trong 2 ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền người lao động nhận được, số tiền này phải thanh toán trước. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người lao động cũng không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào. Hiện nay BHXH Việt Nam chỉ cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các dịch vụtư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau: Thứ nhất, cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn/; thứ hai, các trang mạng xã hội của BHXH Việt Nam: FanpageFacebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn; - Zalo Official Account: Thứ ba, Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”: Thứ tư, số hotline 1900.9068. Thứ năm, cơ quan BHXH cấp huyện/tỉnh. BHXH Việt Nam khuyến cáo, người lao động, người dân các đơn vị, tổ chức lưu ý các kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn của ngành BHXH Việt Nam nêu trên; không nên tìm hiểu thông tin tại các Fanpage, các diễn đàn,… không chính thống, tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. La Giang  

BHXH Việt Nam: Huy động toàn ngành quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

TĐKT - Trước các khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc trong Đoàn công tác đã phân tích, đưa ra các chỉ đạo, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng tỉnh để phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022. Vượt khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội Triển khai Quyết định số 2214/QĐ-BHXH về việc thành lập các Đoàn công tác của để BHXH Việt Nam đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; công tác khám, chữa bệnh (KCB) BHYT tại BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện 4 Đoàn công tác của BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn đã kết thúc chương trình làm việc trực tiếp với BHXH 63 tỉnh, thành phố (BHXH tỉnh) tại 8 cụm địa phương (diễn ra từ ngày 13/8 đến ngày 26/8). Giám đốc BHXH các tỉnh đã báo cáo Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc về những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm 2022, trong đó, tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác đôn đốc thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN và công tác KCB BHYT..., từ đó tham mưu, đề xuất các giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Theo báo cáo của BHXH 63 tỉnh, thành phố, thời gian qua, trong điều kiện kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, BHXH các tỉnh luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của BHXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trên địa bàn. Các quy trình nghiệp vụ của ngành luôn được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời các mảng nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, BHXH các tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng như công tác thu và đôn đốc thu hồi nợ BHXH, BHYT; giải quyết nhanh chóng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người tham gia; kịp thời triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN cho đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ), người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, BHTN… Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ về BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đơn cử, tại Hà Nội, hết tháng 7/2022, toàn thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,4% dân số với hơn 7,5 triệu người tham gia, tăng 0,5% so với cuối năm 2021. Số người tham BHXH bắt buộc đạt trên 1,9 triệu người (chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi), 64.301 người tham gia BHXH tự nguyện, đều tăng hơn 2% so với cuối năm 2021. Đến nay, trên 99,9% các đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH trên địa bàn đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, số còn lại thực hiện giao dịch qua dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, để đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân Thủ đô, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2025, Hà Nội còn có cơ chế hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH tự nguyện: 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác, nâng tổng mức hỗ trợ lần lượt của các trường hợp này lên thành: 60%, 50% và 20% (tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn). Riêng với quận Long Biên (Hà Nội), 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo của Quận có nhu cầu được hỗ trợ chính sách BHXH tự nguyện, đủ điều kiện tham gia thì sẽ được hỗ trợ 100% tiền đóng BHXH tự nguyện theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Tại TP Hồ Chí Minh, tính hết tháng 7/2022, thành phố có gần 2,5 triệu người tham gia BHXH, tăng hơn 4,1% so với năm 2021; hơn 7,7 triệu người tham gia BHYT; hơn 2,3 triệu người tham gia BHTN. Tính đến ngày 10/8/2022, BHXH thành phố đã ban hành quyết định và tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra 2.563 đơn vị. Qua thanh tra, số tiền đã khắc phục của 487 đơn vị đã được thanh tra là 52,7 tỷ đồng. Trong công tác KCB BHYT, đại diện BHXH một số địa phương cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua, trong đó có những tồn tại liên quan đến chi phí KCB BHYT của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (VTYT)… đã được BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp giải quyết. Theo báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, đa số các cơ sở y tế trên địa bàn đã cung ứng đầy đủ VTYT và hóa chất để đảm bảo công tác KCB cho người có thẻ BHYT. Còn với tỉnh Đắk Nông, hiện tỉnh vẫn đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh tham gia BHYT theo đúng quy định; trong thời gian giao thời giữa các gói thầu, Sở Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở y tế mua sắm trong các trường hợp cấp bách để luôn đảm bảo quyền lợi KCB cho người dân. Toàn cảnh hội nghị Tuy nhiên, theo báo cáo của BHXH các tỉnh, những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn trong công tác thu, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN; phát triển người tham gia BHXH, BHYT… Việc thay đổi mức chuẩn hộ nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng nên các tỉnh gặp khó trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một bộ phận người dân không còn thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ cấp thẻ BHYT… đã tác động đến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT ở một số địa phương. Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn xảy ra phổ biến. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 nên không có khả năng nộp hoặc phải chậm nộp BHXH, vẫn còn có những doanh nghiệp cố tình chây ì, trốn đóng BHXH… Linh hoạt, sáng tạo, áp dụng nhiều giải pháp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh và các Phó Tổng Giám đốc đã ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn chung của tập thể BHXH các tỉnh thời gian qua. Trước các khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc trong Đoàn công tác đã phân tích, đưa ra các chỉ đạo, giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc thù của từng tỉnh để phấn đấu đạt mục tiêu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022. Những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở KCB BHYT ở các địa phương tiếp tục được BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo và có giải pháp kiến nghị xử lý tới các cấp có thẩm quyền. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc chỉ đạo, trong những tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh cần quyết tâm, nỗ lực, linh hoạt hơn nữa trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ. Về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN phải tập trung, khẩn trương hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát, đánh giá tình hình, kết quả trong việc: Tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT và đưa chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT vào các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội đến cấp huyện, xã; ban hành các chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng từ ngân sách địa phương. Phân tích, đánh giá nguyên nhân giảm một số chỉ tiêu, từ đó đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp; tăng cường các giải pháp để tiệm cận 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT. Bám sát, theo dõi dữ liệu hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường rà soát, kiểm tra dữ liệu từ cơ quan thuế chuyển sang để phát hiện số người tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia; thường xuyên kiểm tra, đảm bảo 100% các xã, phường có điểm thu và các điểm thu đều có nhân viên trực. Đối với lĩnh vực KCB BHYT, BHXH các tỉnh cần tiếp tục giám sát, tăng cường quản lý chi phí KCB BHYT đặc biệt đối với các chỉ tiêu quan trọng, kịp thời phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT. Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thiếu thuốc, VTYT, đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT. Thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT kịp thời, đúng quy định; nếu có vướng mắc cần báo cáo BHXH Việt Nam để được xử lý giải quyết, không để cơ sở KCB thiếu kinh phí KCB… Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh cần đẩy mạnh thanh tra đột xuất các đơn vị có dấu hiệu vi phạm; chủ động đề xuất và tích cực tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc thu, thu nợ. Thực hiện linh hoạt các giải pháp để chặn nợ mới phát sinh, thu nợ cũ; phối hợp với cơ quan chức năng ngay từ sớm để ngăn chặn, xử lý khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Song song đó, Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc cũng yêu cầu, trong 4 tháng cuối năm 2022, BHXH các tỉnh cần căn cứ tình hình cụ thể của địa bàn để chủ động, sáng tạo xây dựng các kịch bản chi tiết nhằm truyền thông, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT tới cấp huyện, xã. Đặc biệt, lãnh đạo ngành nhấn mạnh, cần nêu cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức, thực hiện nhiệm vụ; sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam với BHXH các tỉnh để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh… nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2022, đảm bảo tốt quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Hồng Thiết  

Bộ Y tế phát động Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 "Vui Trung thu và tựu trường an toàn"

TĐKT - Ngày 29/8, tại Phú Yên, Bộ Y tế và Unicef phát động Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 “Vui Trung thu và tựu trường an toàn”. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại Lễ phát động Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dự Lễ phát động. Chiến dịch nhằm lan tỏa thông điệp cho nhiều đối tượng người dân trên khắp mọi miền tổ quốc (thành thị, nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo) hưởng ứng chiến dịch và cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao và trẻ em. Quang cảnh Lễ phát động Đồng thời, cung cấp các thông tin minh bạch, kịp thời, chính xác đến các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh COVID-19 và tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Qua đó, chiến dịch truyền thông sâu rộng, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng COVID-19 để chung tay cùng ngành Y tế và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Bộ Y tế cho biết sau gần 4, 5 tháng triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, cả nước tiêm được gần 15,2 triệu liều vaccine. Hiện chỉ còn 2 ngày nữa để đạt mục tiêu đề ra về tiêm cho trẻ trong độ tuổi này nhưng nhiều địa phương có tỷ lệ tiêm rất chậm, thấp; trong đó 1 tỉnh tiêm mũi 2 mới đạt 19,7%. Đối với tiêm mũi 1, có 9.240.404 trẻ (82,9%) được tiêm. Tỉnh thành có tỷ lệ tiêm thấp là Đà Nẵng (58,6%); Quảng Nam (58,0%); Bình Thuận (66,3%); TP Hồ Chí Minh (54,8%); Bình Dương (60,6%). Ở mũi tiêm thứ 2, có 5.957.895 trẻ được tiêm (53,4%). Tỉnh thành có tỷ lệ tiêm thấp là Đà Nẵng (21,3%); Quảng Nam (19,7%); Đắk Lắk (35,5%); TP Hồ Chí Minh (31,5%); Bình Dương (27,2%). Tỷ lệ tiêm mũi 3 và mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn tại nhiều địa phương vẫn chậm, dù Bộ Y tế đã liên tục đôn đốc, hướng dẫn. Bộ Y tế cho biết ngày 28/8 có 1.705 ca COVID-19 mới; giảm gần 500 ca so với hôm qua; trong ngày có gần 10.000 bệnh nhân khỏi, 1 trường hợp tại Hà Nội tử vong. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.403.302 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.929 ca nhiễm). Tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi đến nay là: 10.150.122 ca; Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát có 99 trường hợp đang thở ô xy là 99 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 85 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 6 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 7 ca. Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74; trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.500 ca mắc mới mỗi ngày (có ngày ghi nhận trên 3.000 ca), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại. Bộ Y tế phát động cả nước tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền nâng cao kiến thức người dân hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh và tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của COVID-19. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương kiểm tra công tác tiêm chủng tại trường THPT Lương Văn Chánh Theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2; giám sát sự lưu hành của virus SARS-CoV-2 để phát hiện các biến thể và các biến thể phụ khác của virus thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong. Hồng Thiết

Lần đầu tiên Bệnh viện K phẫu thuật robot điều trị ung thư thận

TĐKT - Anh Nguyễn Khải H., 50 tuổi, quê tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, Hưng Yên đã được phẫu thuật bằng hệ thống robot Davinci thế hệ Xi hiện đại nhất hiện nay tại Bệnh viện K để điều trị ung thư thận. Phương pháp này lần đầu tiên được thực hiện ứng dụng vào điều trị ung thư thận tại Bệnh viện K, mang lại kết quả khả quan, bệnh nhân hồi phục rất tốt sau mổ và hiện đã ra viện, hẹn tái khám sau 3 tháng. Phát hiện ung thư thận giai đoạn I nhờ tầm soát ung thư sớm Với vai trò là cơ sở chuyên khoa đầu ngành của cả nước, bệnh viện K những năm qua có bước chuyển mình tích cực trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; ứng dụng kỹ thuật cao, cập nhật các phác đồ tiên tiến nhất vào điều trị ung thư. Thực hiện mổ bằng robot điều trị ung thư thận Cách đây 1 tháng, anh Nguyễn Khải H. trong lần khám định kỳ kiểm tra sức khỏe phát hiện u thận trái. Kết quả siêu âm, chụp chiếu cho thấy anh H.có u thận đường kính 6cm, kết quả giải phẫu bệnh Carcinoma tế bào thận típ kị màu; sau khi thực hiện đầy đủ xét nghiệm, anh H. được các bác sĩ giải thích và chỉ định phẫu thuật. Các y, bác sĩ chuẩn bị cho ca phẫu thuật “Mặc dù bệnh nhân được chẩn đoán ung thư thận nhưng rất may mắn là giai đoạn I, bệnh được phát hiện rất sớm, đó là tín hiệu tích cực cho thấy nhiều người dân đã hình thành thói quen chủ động quan tâm tới sức khỏe của mình, tầm soát ung thư từ sớm để khi phát hiện thì việc điều trị rất dễ dàng, kết quả rất khả quan”. – PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ. Phẫu thuật điều trị ung thư thận bằng robot hiện đại nhất cho người bệnh Thời gian qua Bệnh viện K đã áp dụng nhiều phương pháp hiện đại trong phẫu thuật điều trị u thận. Với trường hợp bệnh nhân H., sau khi hội chẩn kỹ càng, các bác sĩ đã tư vấn cho người bệnh phẫu thuật bằng hệ thống robot Davinci thế hệ Xi hiện đại nhất hiện nay để đáp ứng tối đa những mong muốn của người bệnh và đảm bảo hiệu quả điều trị. Ngày 3/8/2022, ca phẫu thuật được thực hiện với sự tham gia của PGS.TS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện và ThS.BS CKII Đỗ Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu cùng các bác sĩ trong khoa: BSCKII.ThS. Nguyễn Việt Dũng, Phó Trưởng khoa Ngoại tiết niệu; ThS.Trần Đình Tân, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng 1; BS. Đoàn Hữu Đạt, Khoa Ngoại tiết niệu đã thực hiện thành công ca phẫu thuật cho bệnh nhân H. Khối u kích thước khoảng 6cm ở cực trên của thận trái, đây là vị trí tổn thương tương đối thuận lợi, vùng rốn thận chưa có xâm lấn, vì vậy ca phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi, đặc biệt với các bác sĩ kinh nghiệm lâu năm của Bệnh viện K. Phẫu thuật robot đảm bảo lấy trọn tổn thương, bảo toàn tổ chức lành PGS.TS. Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Phẫu thuật vẫn là phương pháp chính mang tính triệt căn trong điều trị ung thư thận. Phẫu thuật mổ mở kinh điển đã được áp dụng từ nhiều năm trước; phẫu thuật xâm nhập tối thiểu có nhiều ưu điểm hơn. Trong phẫu thuật xâm nhập tối thiểu thì phương pháp phẫu thuật bằng robot có nhiều ưu điểm vượt trội giúp phẫu thuật viện phẫu tích tỉ mỉ, hạn chế tối đa việc chảy máu, lấy được trọn vẹn khối u và hạch vùng, giảm sang chấn ở tạng lân cận. Phẫu thuật viên có thể thao tác linh hoạt bằng cánh tay Robot di dộng xoay 360 độ, quan sát rõ nét với phẫu trường 3D, của màn hình mổ, các bác sĩ có thể kiểm soát tốt cuộc mổ, kể cả các trường hợp khó. Phẫu thuật bằng Robot cho bệnh nhân H.được thực hiện đảm bảo nguyên tắc ung thư học, lấy trọn vẹn tổn thương, nạo vét hạch tối đa, bảo toàn tất cả tổ chức lành xung quanh”. Bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật Cách tiếp cận bằng phương pháp này giúp bệnh nhân giảm đau tối đa sau mổ, hồi phục nhanh chóng, sớm trở về sinh hoạt thường ngày nhanh hơn rất nhiều so với mổ mở thông thường, bệnh nhân hồi phục sau 3 - 5 ngày có thể ra viện. Sau ca phẫu thuật, anh H. và gia đình rất vui mừng vì có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và đã ra viện. Ngày 16/08, ê - kíp phẫu thuật trên của bệnh viện K tiếp tục phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân Lê Thị Ng. 30 tuổi, chẩn đoán ung thư thận cũng ở giai đoạn chưa xâm lấn, bệnh nhân Ng. được phẫu thuật bằng robot Davinci thế hệ Xi và chỉ 24h sau mổ, chị Ng. đã ngồi dậy được, không đau, tiếp xúc tốt, sau 2 ngày đã vận động trở lại. 2 ca phẫu thuật thực hiện thành công – đánh dấu bước ngoặt trong phẫu thuật điều trị ung thư thận tại Việt Nam. Đây là 2 trường hợp đầu tiên ở Bệnh viện K được phẫu thuật cắt u thận bằng robot thế hệ mới và cũng là 1 trong số rất ít ca bệnh ung thư thận ở Việt Nam được ứng dụng phương pháp hiện đại này. Hiện tại phương pháp này mới chỉ được áp dụng ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… Việc thực hiện kỹ thuật mới trong điều trị ung thư nói chung, ung thư thận nói riêng sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, khiến người bệnh yên tâm, tin tưởng vào nền y học nước nhà và nhiều người bệnh trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn điều trị tại Việt Nam. Hồng Thiết

Ngày hội Thông tin – Information Day Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2022

TĐKT – Ngày 27/8, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Ngày hội Thông tin - Information Day nhằm định hướng và giải đáp thắc mắc của các bạn sinh viên liên quan đến Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam năm 2022. Ngày hội được tổ chức theo hình thức trực tuyến qua nền tảng Zoom Meetings kết hợp livestream trên fanpage Viet Nam Young Logistics Talents. Ngày hội Thông tin - Information Day Mục đích của ngày hội thông tin hướng tới việc phát động Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2022; giới thiệu các thông tin quan trọng của Cuộc thi bao gồm: Đối tượng tham gia, các vòng thi, thể lệ, cơ cấu giải thưởng, các đơn vị tổ chức, nhà tài trợ đồng hành của cuộc thi; giao lưu với doanh nghiệp về đào tạo và hướng nghiệp logistics; giải đáp thắc mắc của của thí sinh, nhà trường, doanh nghiệp, báo chí về Cuộc thi; giao lưu cùng đội thi quán quân và á quân của Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2021. PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch VALOMA, Trưởng Ban Tổ chức phát biểu tại Ngày hội Phát biểu khai mạc Ngày hội, PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương - Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi nhấn mạnh: “Qua cuộc thi năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm thấy được các bạn trẻ mà đầy nhiệt huyết trong phát triển trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng,  các bạn cũng là đại sứ logistics lan tỏa tinh thần yêu nghề, lan tỏa ý thức về logistics với cộng đồng”. Bên cạnh đó, bà Phan Nguyễn Trúc An - U&I Logistics cũng nhấn mạnh rằng: “U&I Logistics luôn đề cao và tôn trọng trí tuệ, và không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình để vươn xa ở cả thị trường trong nước và quốc tế. Để hiện thực hóa điều này, chúng tôi cũng cần sự tham gia và nỗ lực của các bạn trẻ đam mê lĩnh vực logistics. Mong rằng các bạn sẽ luôn giữ được lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo và tinh thần làm việc hăng say, giúp ngành Logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn.” Chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên liên quan đến Cuộc thi. Ban Tổ chức Cuộc thi đã cung cấp đầy đủ thông tin cho tất cả những người quan tâm và theo dõi Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2022. Những chia sẻ của các doanh nghiệp tài trợ như U&I Logistics và nhiều nhà tài trợ khác, cùng chia sẻ của các thầy, cô, cựu thí sinh và Ban Tổ chức đã tiếp thêm động lực giúp cho các bạn sinh viên định hướng rõ ràng về việc tham gia Cuộc thi cũng như theo đuổi ngành Logistics như một đam mê sự nghiệp của mình. Các khách mời dự Ngày hội “Tài năng trẻ Logistics Việt Nam” – Vietnam Young Logistics Talents là cuộc thi thường niên do Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức. Bắt đầu từ năm 2018 đến nay, cuộc thi đã lan tỏa mạnh mẽ và trở thành sân chơi trí tuệ, hấp dẫn dành cho các bạn sinh viên Việt Nam tài năng và đam mê logistics ở mọi miền tổ quốc, góp phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Năm 2018, cuộc thi đã thu hút 349 đội thi đến từ 28 trường đại học cao đẳng và cơ sở đào tạo về logistics tại Việt Nam. Năm 2019, số đội tham gia dự thi đã tăng lên 396 đội đến từ 40 trường và cơ sở đào tạo, tăng 47 đội và 12 trường so với năm đầu tiên. Năm 2020, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 495 đội thi đến từ 48 trường. Năm 2021, đã có 547 đội thi tham gia đến từ 50 trường đại học, cao đẳng ở cả 3 miền đất nước. Năm 2022, mùa thứ 5 của cuộc thi chính thức quay trở lại kể từ ngày 15/08 vừa qua để tiếp nối hành trình tìm kiếm những bạn sinh viên tài năng, đồng thời khẳng định vị thế quan trọng của ngành logistics đối với nền kinh tế Việt Nam. Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2022 diễn ra hơn 2 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 9 và kết thúc vào giữa tháng 11 và có được sự hỗ trợ rất lớn từ U&I Logistics, VSICO, Khải Minh Global, Headway JSC., Delta International, Bee Logistics, ASL, Xuân Cương, Smartlog, YCH - Protrade, CMU Logistics, Phaata, Tập đoàn Vinacontrol... Vòng Chung kết dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội với sự đổi mới về các vòng thi và sự đầu tư hơn về quy mô, hứa hẹn sẽ là màn tranh tài gay cấn của những đội thi xuất sắc nhất. U&I Logistics được biết đến là Nhà tài trợ kim cương đồng thời cũng là đối tác lâu năm của cuộc thi, là một trong những công ty hàng đầu trong việc cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi và dịch vụ hàng hóa, vận tải hàng hóa quốc tế, đại lý thủ tục hải quan... Với 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng hóa trong nước và quốc tế, U&I Logistics luôn hướng tới giá trị cốt lõi là nỗ lực cung cấp dịch vụ đáp ứng đúng yêu cầu của từng khách hàng với chất lượng tốt nhất, tuân thủ giá trị cốt lõi "Trung thực - Kỹ luật - Uy tín". Phương Thanh

Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị và Hòa Bình

TĐKT - Sáng 26/8, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, liên minh ba tổ chức Plan International Việt Nam, CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC) tổ chức Hội thảo khởi động giới thiệu chương trình “Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị và Hòa Bình”. Sự kiện tạo tiền đề cho sự hợp tác với các cơ quan liên quan trong thời gian triển khai hoạt động sắp tới vì sự thay đổi tích cực cho các cộng đồng. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng và ấm cúng với sự hiện diện của khoảng 60 đại biểu đến từ Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền các cấp huyện, xã, trường học và đại diện người dân thuộc địa bàn triển khai chương trình cùng lãnh đạo và cán bộ của ba tổ chức Plan International, CARE và RIC. Chương trình “Tiến về phía trước - Cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm cộng đồng đặc biệt khó khăn tại tỉnh Quảng Trị và Hòa Bình” với sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam được thực hiện trong khoảng thời gian từ 6/2022 – 8/2023. Chương trình hướng tới cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại sáu xã của huyện Đakrông và Hướng Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị và ba xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, phòng, chống rủi ro thiên tai và áp dụng các phương thức tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm và cộng đồng quyết định. Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo Phát biểu trong buổi lễ, ông Seán Farrell - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, đã chia sẻ về chiến lược hỗ trợ của Ireland tại Việt Nam cũng như kỳ vọng đối với chương trình này: “Đây là một trong những chương trình quan trọng nhất của Ireland tại Việt Nam và khu vực. Chương trình có mục tiêu giải quyết những thách thức trên nhiều phương diện đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất như người dân tộc thiểu số nghèo, phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn, những người chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu và người khuyết tật. Các mục tiêu của chương trình phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên trong Chính sách hợp tác phát triển quốc tế của Ireland. Nội dung chương trình được xây dựng dựa trên bề dày các hoạt động hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương của Ireland tại Việt Nam và trong khu vực””. Bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc quốc gia của tổ chức Plan International Việt Nam – Trưởng nhóm liên minh triển khai chương trình, nhấn mạnh: “Thông qua chương trình này, các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, người khuyết tật và phụ nữ tại chín xã đặc biệt khó khăn thuộc hai tỉnh Hòa Bình và Quảng Trị sẽ được nâng cao năng lực để có thể ứng phó, thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu. Họ cũng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế để tự chủ hơn trong cuộc sống, nâng cao vị thế của họ trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Can thiệp của Chương trình sẽ đóng góp vào cam kết hỗ trợ 2 triệu trẻ em gái học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển trong chiến lược 5 năm của tổ chức Plan International Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025”. Trong chương trình “Tiến về phía trước”, các tổ chức trong liên minh sẽ đưa ra những hỗ trợ có tính tổng hợp và ở nhiều khía cạnh khác nhau, ví dụ như hỗ trợ các mô hình sinh kế, phát triển các mô hình quản lý và thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình trường học an toàn và thực hiện xây mới và duy tu, bảo dưỡng các công trình cộng đồng vi mô giúp người dân cải thiện cuộc sống. Ông Lê Văn Hải, Giám đốc Trung tâm RIC trao đổi thêm về phương pháp tiếp cận của chương trình: “Chương trình sẽ được thực hiện trên cơ sở cộng đồng là trung tâm của các hoạt động. Cộng đồng đề xuất các sáng kiến, tham gia vào quá trình lập kế hoạch, xây dựng sáng kiến và thực hiện hoạt động. Về hợp phần xây dựng và vận hành bảo trì công trình vi mô dựa vào cộng đồng, chúng tôi sẽ áp dụng phương pháp cộng đồng tự quản. Đây là phương pháp tiếp cận mà người dân là chủ thể của quá trình phát triển, họ có quyền và có năng lực tự đánh giá nhu cầu, xếp hạng ưu tiên, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện vận hành bảo trì và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng vi mô tại địa phương. Thông qua phương pháp tiếp cận này, người dân sẽ được tăng cường năng lực và trách nhiệm để thực hiện các sáng kiến phát triển tại địa phương để cải thiện điều kiện sống của họ”. Bên cạnh các hoạt động trực tiếp tại cộng đồng, chương trình cũng thực hiện ở cấp quốc gia với những hoạt động cụ thể nhằm kết nối các nguồn lực và tạo ra sự thay đổi một cách có hệ thống. Ở góc độ này, bà Lê Kim Dung, Giám đốc quốc gia của tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: “Chương trình này cũng thúc đẩy tiến trình học hỏi, thực hành chính sách và xây dựng các quan hệ đối tác với các cơ quan trung ương, tăng cường việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với các chương trình khác nhằm hỗ trợ các cộng đồng và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất ứng phó với những biến động của nền kinh tế cũng như thích ứng hiệu quả với các thách thức từ khí hậu và môi trường.” Hưng Vũ  

Trang