Chính trị - Xã hội

Từ ngày 1/7 áp dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm

TĐKT - Từ ngày 1/7, giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành. Theo Quyết định số 838/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn về Quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN), quy trình này gồm: đăng ký tham gia giao dịch điện tử; đăng ký tham gia BHXH, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định tại Nghị định số 166/2016/NĐ-CP. Phạm vi áp dụng giao dịch điện tử được mở rộng đối với thủ tục giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Quy định này sẽ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức (cơ quan BHXH; Tổ chức I-VAN; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT; trung tâm dịch vụ việc làm; cơ quan bưu điện; đơn vị sử dụng lao động,..). Đặc biệt, quy trình này còn áp dụng đối với các cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử hoặc cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Việc quy định đối tượng áp dụng đối với cá nhân tạo điều kiện cho người lao động, thân nhân người lao động thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH, BHYT và BHTN. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT Nội dung quy trình quy định cụ thể cách lập và gửi hồ sơ điện tử và nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử; nhiệm vụ của cơ quan BHXH trong đó quy định cụ thể tới các phòng, tổ nghiệp vụ, trách nhiệm của lãnh đạo BHXH tỉnh/huyện trong việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ khi giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Quyết định đã quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong việc lập, lưu trữ hồ sơ, chứng từ; trách nhiệm của tổ chức I-VAN trong quá trình truyền tải thông tin, chuyển hồ sơ, chứng từ BHXH điện tử đến Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam; trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH các địa phương trong việc tổ chức thực hiện giao dịch điện tử với tổ chức, cá nhân theo đúng quy định. Triển khai giao dịch điện tử lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử, góp phần thực hiện có hiệu quả công  tác cải cách hành chính của Chính phủ. Hồng Thiết

Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây

TĐKT – Sáng 22/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu tổ chức Hội nghị Điện toán Đám mây Việt Nam 2017 với chủ đề:“Việt Nam và cách mạng 4.0: Thúc đẩy chuyển đổi số với điện toán đám mây”. Chương trình có sự tham gia của gần 400 đại biểu từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng điện toán đám mây hàng đầu trong nước và quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn được gọi là cuộc cách mạng số) đã và đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên toàn cầu, thông qua các công nghệ: internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng khuyến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức… Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Tại Hội thảo, PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), đã trình bày báo cáo khảo sát về ứng dụng điện toán đám mây tại trên 500 doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam. Báo cáo nêu rõ, trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước có tốc độ tăng chi tiêu cho điện toán đám mây trong giai đoạn 2010 - 2016 cao nhất (64,4%/năm), cao hơn hẳn mức bình quân của ASEAN (49,5%) và thế giới (42.5%). Tuy nhiên, về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam còn rất thấp (1,7 USD/người năm 2016), thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan; và 1,3 lần so với Philippines. Những con số trên phản ánh thực tế đang có rất nhiều rào cản trong việc thúc đẩy Cloud (máy chủ ảo) tại Việt Nam. Rào cản lớn nhất là việc dùng phần mềm không bản quyền còn phổ biến, sự thiếu hiểu biết về lợi ích của Cloud, lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin, chất lượng dịch vụ Cloud tại Việt Nam chưa thực sự đảm bảo. Theo các chuyên gia, Việt Nam, cũng như các quốc gia ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng ICT, đặc biệt là kết nối băng thông rộng và ứng dụng điện toán đám mây tới một cấp độ chiến lược trong quy hoạch kinh tế để kích hoạt các nguồn nội lực và đạt được tăng trưởng bền vững. Đồng thời, cần có chính sách ưu tiên cho điện toán đám mây như là một chất xúc tác mạnh, để kích hoạt quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng dữ liệu lớn và IoT. Bên cạnh đó, hội nghị cũng được lắng nghe những chia sẻ hữu ích về những kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc triển khai Cloud, lợi ích thiết thực mà Cloud mang lại từ những đơn vị cũng cấp nền tảng Cloud hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, GE; những doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và dịch vụ cloud lớn nhất của Việt Nam như FPT, Viettel; đến những đơn vị ứng dụng rất hiệu quả như Ngân hàng Việt Á, Ngân Hàng Bưu điện Liên Việt… Theo Tiến sĩ Astrid Tuminez, Giám đốc Hợp tác, Đối ngoại và Pháp lý, Microsoft khu vực châu Á, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều được xuất phát từ một sáng chế đột phá: máy hơi nước, năng lượng với động cơ đốt trong, bộ vi xử lý của những cuộc cách mạng công nghiệp trước. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là điện toán đám mây với các trung tâm dữ liệu khổng lồ mang mọi thứ vào trong tầm tay chỉ với 1 thiết bị kết nối internet. Châu Á với sự năng động của mình đã đóng góp 53.8% vào tăng trưởng GDP toàn cầu (2000 - 2010). Với sự nhạy bén công nghệ đặc biệt những công nghệ mang tính định hướng, chiến lược, châu Á đang có cơ hội lớn để nâng tầm, tạo lập châu Á 2.0 – trung tâm phát triển của thế giới. Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VINASA cho biết thêm: điện toán đám mây mang lại nhiều lợi ích to lớn: sự chuẩn hóa sản phẩm và dịch vụ, giảm thiểu chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và linh hoạt trong mô hình kinh doanh, sẵn sàng mở rộng khi cần thiết. Chính phủ cần có những chính sách định hướng cấp thiết, các doanh nghiệp, tổ chức cần có những chiến lược nghiên cứu, đầu tư, ứng dụng Cloud sớm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh góp phần phát triển kinh tế đất nước, đưa Việt Nam tiến nhanh, mạnh trong Cuộc cách mạng 4.0 này. Nguyệt Hà

Họp báo ra mắt Không gian sáng tạo khởi nghiệp

TĐKT - Ngày 21/6, UP Coworking Space và Hanoi Creative City tổ chức họp báo ​ra mắt “Không gian sáng tạo Creative Lab by UP” sẽ chính thức khai trương tại Tổ hợp sáng tạo Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên, Hà Nội) vào ngày 25/6 tới. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của không gian sáng tạo, làm việc chung quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, hứa hẹn đem đến cho cộng đồng nhà sáng tạo (maker) và khởi nghiệp (start-up) cơ hội gặp gỡ, làm việc, lập trình trong môi trường sáng tạo, đột phá. Họp báo ra mắt Không gian sáng tạo khởi nghiệp Doanh nghiệp và cộng đồng những người sáng tạo, tìm tòi, ưa thích sự cải tiến những sản phẩm mới đã và đang là xu hướng phát triển khắp thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tiền đề của sự phát triển của các không gian sáng tạo; trong đó có các không gian chế tạo, phòng thí nghiệm là nơi cung cấp các trang thiết bị, dụng cụ, phần mềm chuyên dụng và hiện đại nhằm giúp các start-up, maker hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo, thể hiện cá tính và khả năng sáng tạo vô hạn của họ. Hiện nay, tại Việt Nam, quy mô của cộng đồng khởi nghiệp, sáng tạo mới chỉ thu hẹp ở những phòng thí nghiệm trong các trường đại học, câu lạc bộ, hội nhóm đam mê kỹ thuật… và phần nào bị hạn chế do thiếu tính liên kết, phạm vi hoạt động chỉ tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù nhất định. Nhận thức được vấn đề này, “Creative Lab by UP” ra đời với tầm nhìn tạo nên một cộng đồng start-up, maker có quy mô lớn bao gồm các nhóm khởi nghiệp chuyên về kỹ thuật, những kỹ sư tại gia, sinh viên, học sinh với bộ óc sáng tạo, những nhà thiết kế… cùng nhau thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Từ đó, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nói riêng và trong khu vực nói chung.   Ông Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập “Creative Lab by UP” cho biết, tại đây, các doanh nghiệp, các bạn trẻ có thể sử dụng cơ sở vật chất là các trang thiết bị, máy móc hiện đại, thiết kế, xây dựng phát triển các sản phẩm mới, đồng thời, xây dựng và phát triển các mối quan hệ với các đối tác. “Creative Lab by UP” được trang bị những máy móc hiện đại: máy in 3D, máy cắt laze, CNC, máy Scan 3D, các máy kỹ thuật đo đạc điện tử, hệ thống phòng Lab cho gỗ như máy cắt, tiện, bào…, và khoảng 5.000 đầu sách về nghệ thuật thiết kế, kỹ thuật, kinh doanh… “Trong tháng đầu tiên khai trương “Creative Lab by UP”, cộng đồng sáng tạo sẽ có cơ hội trải nghiệm miễn phí. Trong tương lai sẽ có những gói sử dụng theo tiêu chí tiết kiệm nhất cho người sử dụng, thấp nhất khoảng 1 triệu/tháng”, ông Nam nói. Mai Thảo

Ban Tôn giáo Chính phủ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

TĐKT – Sáng 21/6, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Hội nghị cộng tác viên của Tạp chí Công tác Tôn giáo và Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ. Ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì Lễ kỷ niệm; cùng dự có các nhà nghiên cứu tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ đại diện cho các tổ chức tôn giáo; cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên của Tạp chí Công tác Tôn giáo và Trang Thông tin điện tử tiếng Việt, tiếng Anh của Ban Tôn giáo Chính phủ. Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, ông Dương Ngọc Tấn, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Khẳng định công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực tôn giáo luôn được Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp quan tâm. Ông Dương Ngọc Tấn mong rằng các phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên tiếp tục có nhiều tác phẩm hay, đóng góp xứng đáng vào công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này.   Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Hội nghị cộng tác viên của Tạp chí Công tác Tôn giáo và Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ Tại Lễ kỷ niệm, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các cộng tác viên của Trang Thông tin điện tử và Tạp chí Công tác Tôn giáo đã đánh giá khái quát kết quả và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các ấn phẩm. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên Tạp chí Công tác Tôn giáo đã đoàn kết, thống nhất, động viên nhau khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tạp chí thực hiện xuất bản đúng định kỳ vào ngày 15 hằng tháng với số lượng phát hành ngày một tăng lên. Năm 2016, Tạp chí Công tác Tôn giáo đã phát hành được gần 21.000 cuốn, tăng gần 2.000 cuốn so với năm 2015. Sáu tháng đầu năm 2017, tạp chí đã phát hành được gần 10.000 cuốn. Nội dung các số tạp chí đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát chương trình công tác và yêu cầu chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, của ngành, không có sai phạm về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và Luật Báo chí. Năm qua, nội dung của các số tạp chí nhìn chung đảm bảo chất lượng, có nhiều bài viết chuyên sâu, đảm bảo thông tin về tình hình hoạt động của các tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nhiều vùng, miền và địa phương trong cả nước, được nhiều độc giả khen ngợi. Nhiều bài viết có chất lượng tốt, trở thành những tư liệu quý cho những người làm công tác tôn giáo và các giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học có liên quan đến tôn giáo.   Các đại biểu, cộng tác viên đóng góp ý kiến tại Lễ kỷ niệm Cùng với Tạp chí Công tác Tôn giáo, năm qua, Trang Thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực tôn giáo. Trang đã kịp thời chuyển tải những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, tập trung phản ánh hoạt động của ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo, của Ban Tôn giáo Chính phủ và cung cấp các thông tin về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có nhiều hoạt động của các tổ chức tôn giáo ở địa phương trên cả nước, tin tức tôn giáo trên thế giới tới đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước. Nhân dịp này, các đại biểu, cộng tác viên đã có những ý kiến góp ý thiết thực, bổ ích tới Tạp chí Công tác Tôn giáo và Trang Thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ nhằm phát huy những ưu điểm đã đạt được và khắc phục những tồn tại, khuyết điểm để ngày càng có nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ bạn đọc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo. Bình Nguyên

Hội thảo “Công tác quản lý báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam”

TĐKT  - Chiều 19/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Công tác quản lý báo chí của Liên hiệp hội Việt Nam" và kết hợp gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp 21/6. Hiện nay, Liên hiệp Hội là một trong những hệ thống tập hợp báo chí lớn nhất Việt Nam hiện nay. Thống kê đến tháng 1/2017, toàn hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có 103 cơ quan báo chí và 402 ấn phẩm thông tin báo chí (gồm 126 báo, tạp chí; 65  bản tin và 211 trang tin điện tử tổng hợp). Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức – Liên Hiệp hội Việt Nam Đặng Vũ Cảnh Linh cho biết: số lượng báo và tạp chí do Đoàn chủ tịch Hội đồng Trung ương quản lý là 24 cơ quan báo chí và gần 40 xuất bản phẩm báo chí. Trực tiếp Đoàn chủ tịch quản lý gồm 4 cơ quan báo chí trong đó có 2 cơ quan báo in và 2 cơ quan báo điện tử, là Báo Đất Việt, Báo Khoa học và Đời sống, Báo điện tử Kiến Thức và Báo điện tử Tầm Nhìn.  Ngoài ra, có 20 cơ quan báo chí do tổ chức chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam quản lý bao gồm các tạp chí khoa học chuyên ngành, liên ngành và tạp chí khác. Theo báo cáo của Liên hiệp Hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, hầu hết các cơ quan báo chí đã chấp hành nghiêm các chỉ đạo thông tin của Bộ Thông tin truyền thông và Ban Tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp Hội Việt Nam, hoạt động đúng, tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của bạn đọc.  Nhiều cơ quan báo chí cũng đã đảm bảo được việc cân đối thu, chi tài chính cho các hoạt động của báo, đảm bảo sự ổn định trong các hoạt động chuyên môn và đời sống cho phóng viên, biên tập viên. Năm 2016 cũng là năm báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam ít có những vi phạm trong các vụ việc bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở, xử phạt. Chỉ có 2 trường hợp bị tạm đình bản (hiện  đã được hoạt động trở lại), không có trường hợp bị giải thể. Bên cạnh đó có một số cơ quan tạp chí mới được cấp phép hoạt động, điển hình là Tạp chí Việt Nam Hội nhập (4 số/ tháng), Tạp chí Nhà quản lý điện tử. Ngoài ra có 7 tổ chức khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam đang làm hồ sơ đề xuất xin cấp phép cơ quan báo chí. Về công tác quản lý, cùng với đề án Kiện toàn tổ chức Liên hiệp Hội Việt Nam được nghiên cứu, thực hiện từ năm 2016, vừa qua Liên hiệp Hội Việt Nam đã quyết định đổi tên Ban Thông tin và Phổ biến kiến thức, bộ phận tham mưu, giúp việc cho Thường trực Đoàn Chủ tịch trong công tác quản lý báo chí thành Ban truyền thông và Phổ biến kiến thức, với các nhiệm vụ được xác định rõ ràng, đáp ứng yêu cầu quản lý số lượng lớn cơ quan, ấn phẩm báo chí trong tình hình hiện nay. Hồng Thiết

Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô

TĐKT - Ngày 17/6, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017). Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến những người làm báo, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo, phóng viên các báo, đài Trung ương, địa phương đã luôn quan tâm, đồng hành cùng Thủ đô Hà Nội trong suốt thời gian qua. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc mong muốn các nhà báo tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, xứng đáng là lực lượng xung kích tin cậy trên mặt trận chính trị - tư tưởng của Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Lãnh đạo TP Hà Nội gặp mặt đại biểu các cơ quan báo chí  Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, để đạt được kết quả toàn diện về kinh tế - xã hội, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự đoàn kết, đồng thuận của nhân dân Thủ đô; còn có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Trung ương; sự hợp tác có hiệu quả của các địa phương trong cả nước, không thể không nhắc đến sự đóng góp quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí. Báo chí đã trở thành một công cụ tuyên truyền, một vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian qua, báo chí đã làm tốt vai trò phản biện, là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xem xét vào cuộc xử lý công tác cán bộ, nhiều vấn đề, vụ việc bắt nguồn từ thông tin của báo chí cũng như sự giám sát của nhân dân, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề, vụ việc bức xúc trong các lĩnh vực quản lý đất đai; quản lý đô thị, trật tự xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng; quản lý vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo thống kê, năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, trung bình hàng tháng có khoảng 20-30 văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố yêu cầu báo cáo, xử lý vấn đề báo chí nêu cùng với việc tổ chức theo dõi, đôn đốc xử lý tới cùng vụ việc. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố luôn coi trọng thông tin báo chí, xác định báo chí là một kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo TP Hà Nội nắm bắt thực tế đời sống hàng ngày, để kiểm tra và kịp thời đưa ra hướng xử lý phù hợp, tạo sự ổn định, đồng thuận trong xã hội. Lãnh đạo thành phố luôn trân trọng, lắng nghe các ý kiến góp ý, phê bình thẳng thắn xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, tình cảm của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.  Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: công cuộc đổi mới đất nước mở ra cơ hội cho các hoạt động và đóng góp của báo chí, nhưng đồng thời cũng đặt ra những đòi hỏi và thách thức ngày càng cao về tri thức, đạo đức và nghiệp vụ chuyên môn. Thủ đô Hà Nội cũng đang đứng trước giai đoạn phát triển mới, hướng tới mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thành phố rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ của các cơ quan thông tấn báo chí. Lãnh đạo thành phố mong muốn báo chí phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được, luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và thành phố để tuyên truyền, phản ánh kịp thời, chân thực những vấn đề thời sự trong đời sống xã hội, đồng thời, tăng cường định hướng dư luận, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp. Với những vấn đề nhạy cảm, phức tạp trên địa bàn thành phố, đồng chí mong muốn các cơ quan báo chí khi thông tin, tuyên truyền cần đảm bảo khách quan, toàn diện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân vì mục tiêu phát triển chung của Thủ đô và đất nước. Mai Thảo

Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội kỷ niệm 5 năm thành lập

TĐKT - Sáng 15/6, tại Hà Nội, Đảng bộ các khu công nghiệp và chế xuất (KCN & CX) Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập (19/6/2012 - 19/6/2017).   Ngày 19/6/2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 177 - QĐ/TU thành lập Đảng bộ các KCN & CX Hà Nội. Việc thành lập Đảng bộ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09 - NQ/TU ngày 27/2/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020". Từ ngày 13/4/2016, Thành ủy Hà Nội đã quyết định nâng cấp Đảng bộ các KCN & CX Hà Nội thành Đảng bộ cấp trên cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.   5 năm qua, Đảng bộ các KCN & CX Hà Nội đã có những bước tiến vững chắc. Với những cách làm hay, mới, sáng tạo, Đảng bộ đã cụ thể hóa các nhiệm vụ chính trị thành các chương trình, kế hoạch hành động, tạo sự chuyển biến thực chất về mọi mặt hoạt động trên địa bàn các KCN & CX Hà Nội. Đến nay, Đảng bộ đã có 57 tổ chức cơ sở Đảng với 791 đảng viên. Trong đó, có 33 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và 1 tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Có 8 KCN của Hà Nội đang hoạt động, thu hút 626 dự án, trong đó có 330 dư án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 5,34 tỷ USD; 296 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 12.337 tỷ đồng. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Quản lý các KCN & CX Hà Nội đã chủ động thực hiện và phối hợp tốt với các ngành chức năng tích cực cải thiện môi trường đầu tư vào các KCN. Công tác cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả rõ rệt. Cùng với đó, Đảng ủy luôn quan tâm phát triển các đoàn thể nhân dân, chỉ đạo, định hướng cho Công đoàn các KCN & CX Hà Nội thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động. Minh Phương

Báo chí với việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp

TĐKT - Chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017), sáng 14/6, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo và Báo Người Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo “Báo chí với việc xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp”. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tới dự và phát biểu ý kiến. Thời gian qua, cùng với sự phát triển và hội nhập kinh quốc tế, các doanh nghiệp nước ta đứng trước việc cạnh tranh gay gắt. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu là một chủ trương được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và lấy ngày 24/4 hàng năm là ngày Thương hiệu Việt Nam. Thương hiệu là tài sản vô hình, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Thương hiệu tạo ra nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo Báo chí là một kênh thông tin nhanh nhạy, kịp thời và là người bạn đồng hành không thể thiếu trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng quốc tế, vai trò của báo chí càng trở nên quan trọng và cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, nhiều nhà báo uy tín, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nhân, doanh nghiệp và đại diện các nhãn hiệu, thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp. Hơn 20 tham luận được gửi đến, cùng với hơn 10 ý kiến phát biểu đã đưa hội thảo trở thành một diễn đàn làm sáng rõ hơn vai trò của báo chí trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu. Các cá nhân tập thể được vinh danh về thương hiệu tại Hội thảo Tại Hội thảo các tham luận, ý kiến phát biểu tập trung vào các chủ đề chính là những vấn đề về thương hiệu của doanh nghiệp; báo chí với vai trò là “kênh” xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp; mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp; thực trạng và giải pháp để phát huy tối đa vai trò của báo chí trong vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp hiện nay. “Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức hy vọng các doanh nghiệp tham gia sẽ nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thương hiệu doanh nghiệp, đồng thời có những chiến lược đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp mình để phát triển bền vững và có sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Hội thảo cũng sẽ là cầu nối hiệu quả giữa thương hiệu của doanh nghiệp với đông đảo công chúng.” - Nhà báo Đào Xuân Hưng, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Người Hà Nội nhấn mạnh. Tại Hội thảo, Ban tổ chức ghi nhận và vinh danh những thương hiệu sản phẩm, dịch vụ uy tín được người tiêu dùng yêu thích có sức cạnh tranh trên thị trường, có chất lượng sản phẩm tốt, liên tục đổi mới công nghệ sản xuất, phương thức kinh doanh, tích cực cải tiến mẫu mã, giá cả cạnh tranh hướng tới phục vụ người tiêu dùng: thương hiệu sơn ALEX, Anh văn Hội Việt - Mỹ (VUS), thương hiệu thời trang NaNa, đồ thờ gia truyền Nguyễn Viết An, nhà gỗ Phúc Hương, du lịch mặt trời Phương Nam, bánh mứt kẹo Bảo Minh, Hợp tác xã thực phẩm Sóc Sơn – bia VIHA, nước khoáng Avina (Công ty TNHH Trọng Thái), đồ thờ gia truyền Nguyễn Viết Dũng… Mai Thảo

Khẳng định vai trò của công đoàn trong đời sống công nhân lao động

TĐKT – Sáng 9/6, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2017. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, Tháng Công nhân năm 2017 được các cấp công đoàn Thủ đô tổ chức triển khai sôi nổi, đồng bộ, rộng khắp, góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Các  phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được đẩy mạnh, đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô hăng hái thi đua lao động sản xuất, học tập, công tác, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Toàn cảnh Hội nghị tổng kết Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2017 Đặc biệt, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã được sự hưởng ứng, quan tâm của toàn xã hội chăm lo cho công nhân, lao động (CNLĐ), qua đó đã góp phần thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho CNVCLĐ. Đồng thời, tạo sự tin tưởng, gắn bó giữa tổ chức công đoàn với CNVCLĐ, được dư luận xã hội, CNVCLĐ và nhân dân Thủ đô đồng tình và đánh giá cao. Trong đó, nổi bật là hoạt động của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trực tiếp đối thoại với CNLĐ các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn TP. Qua đó, với 95 nội dung đề xuất, kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ đã được đồng chí Chủ tịch UBND thành phố tiếp thu, trong đó đã có 22 nội dung được Chủ tịch UBND TP trả lời và chỉ đạo các ngành giải quyết ngay (điển hình là các nội dung: việc đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp; những tồn tại liên quan đến quản lý khu nhà ở công nhân Kim Chung tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long; niêm yết công khai giá thuê nhà; cung cấp điện, nước sạch, tăng cường tự quản khu vực nhà trọ khu công nhân cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn; tăng cường đưa hàng hóa thiết yếu phục vụ tại chỗ cho CNLĐ trong khu công nghiệp; các chế độ, thủ tục liên quan đến BHXH,...) Phong trào “Ở đâu công nhân khó, ở đó có Công đoàn” được nhân rộng với nhiều hình thức và tiêu chí cụ thể. Ngoài hoạt động trợ cấp, trợ giúp, thăm hỏi tặng quà, các cấp công đoàn thành phố đã lựa chọn những hoạt động thiết thực: tổ chức 1.638 lượt khám, tư vấn sức khỏe cho 127.897 lượt CNLĐ; tăng cường hoạt động của các tổ tư vấn pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho CNVCLĐ; chỉ đạo hoạt động các tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân nhằm đảm bảo an toàn trật tự xã hội các khu nhà trọ.  Đồng thời, các cấp công đoàn Thủ đô đã đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức 1.015 hoạt động “cảm ơn” người lao động, xem người lao động là những thành viên “hữu cơ” để doanh nghiệp phát triển, qua đó thể hiện và ghi nhận sự đóng góp quan trọng của người lao động đối với doanh nghiệp, địa phương, xã hội; động viên người lao động gắn bó bền vững với cơ quan, đơn vị với tổng số 37.604 CNVCLĐ tham dự.   Tháng công nhân cũng là dịp để công đoàn các cấp Thủ đô tôn vinh công nhân giỏi và các điển hình tiên tiến trong lao động, sản xuất. Qua đó, đã biểu dương 100 “Công nhân giỏi Thủ đô” năm 2017; biểu dương nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động để động viên cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng phong trào thi đua, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của từng đơn vị, doanh nghiệp đã đề ra, lập thành tích cao nhất chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, tiến tới Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII. Tháng công nhân cũng là dịp các cấp công đoàn Thủ đô phát động và thực hiện mạnh mẽ phong trào an toàn, vệ sinh lao động thông qua các hoạt động thiết thực: thăm hỏi, tặng quà, trao Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên, CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi thủ đô năm 2017” ... Tại hội nghị, 25 tập thể đã được Liên đoàn Lao động Hà Nội tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong tổ chức Tháng công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2017. Mai Thảo

Ngày hội tư vấn cho công nhân lao động

TĐKT - Ngày 10/6 tới, tại Nhà Văn hóa Lao động Hải Dương, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức “Ngày hội tư vấn cho công nhân lao động”. Dự kiến khoảng 700 công nhân lao động sẽ tham gia Ngày hội này. Đây là lần đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức “Ngày hội tư vấn” cho công nhân lao động,  nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động, luật công đoàn, giúp đoàn viên, công nhân lao động nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng sống để tự bảo vệ mình và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Tại Ngày hội tư vấn, công nhân lao động sẽ được tuyên truyền, tư vấn về pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Tại Ngày hội tư vấn, công nhân lao động sẽ được tuyên truyền, tư vấn về pháp luật lao động, luật công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tuyên truyền về an toàn giao thông; phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong công nhân. Ngoài ra, họ còn được tư vấn về kỹ năng sống, xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân; tư vấn về chăm sóc sức khỏe; an toàn thực phẩm; cấp phát một số loại thuốc miễn phí cho công nhân; tư vấn về cách quản lý, chi tiêu tài chính tiết kiệm, hiệu quả; giới thiệu các tiện ích khi mở thẻ điện tử đoàn viên; tư vấn về sử dụng các dịch vụ viễn thông hiệu quả. Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền và tư vấn, tại Ngày hội còn tổ chức các gian hàng giảm giá phục vụ công nhân lao động của các nhà cung cấp: Vinaphone, Mobifone, Nutifood, PVOil…  tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ phục vụ công nhân. Đồng thời, mỗi công nhân lao động tham gia còn có cơ hội được nhận nhiều quà tặng và bốc thăm trúng thưởng từ Ban tổ chức và các nhà tài trợ là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, điện thoại, tivi, quạt điện… với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Thục Anh

Trang