TĐKT - Sáng 26/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dự và phát biểu tại Hội nghị.
Luật Trợ giúp pháp lý được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển công tác trợ giúp pháp lý theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm thuận lợi trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý.
Đây là một trong những đạo luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của nhà Nước đối với các đối tượng chính sách, thiệt thòi trong xã hội.
Ngày 12/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và một số bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Hội nghị này là một trong những công việc nằm trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Thủ tướng Chính phủ.
Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh cho biết: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác trợ giúp pháp lý và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội. Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý theo các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý và điều kiện đặc thù của đất nước.
Nhằm khắc phục thực tiễn về một số thủ tục tiếp nhận, thực hiện trợ giúp pháp lý chưa thuận lợi, Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, tăng cường cơ chế bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý như quy định phải công bố danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình; có thể yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thụ lý giải quyết khi người yêu cầu chưa thể cung cấp hồ sơ theo quy định nhưng cần thực hiện trợ giúp pháp lý ngay như vụ việc sắp hết thời hiệu, sắp đến ngày xét xử. Điểm mới này thể hiện rõ nét quan điểm lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân biết và thực hiện quyền của mình, bảo đảm trong những vụ việc cụ thể thì quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý được bảo vệ kịp thời.
Nhằm triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Cục trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cần tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý; nâng cấp và vận hành trang thông tin điện tử trợ giúp pháp lý, phần mềm quản lý tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần tổ chức tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho đội ngũ thực hiện trợ giúp pháp lý.
Phương Linh