TĐKT - Ngày 10/10, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo “Báo cáo kết quả tài khoản y tế quốc gia, tài khoản y tế tuyến tỉnh và phân tích tài khoản HIV/AIDS năm 2014 - 2015”.
Hệ thống tài khoản y tế “System Health Acount – SHA” không đơn thuần là bảng tính toán hoặc kế toán thông thường mà là hệ thống bảng cân đối tổng hợp tình hình tài chính cho y tế. Xây dựng và thể chế hóa tài khoản y tế là một trong những nội dung quan trọng để theo dõi chi phí y tế sử dụng các nguồn lực trong nước và nước ngoài; cung cấp các thông tin về mức chi phí y tế, ai chi trả, ai được hưởng lợi; tác động của chi phí đó lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, các nước trên thế giới đã xây dựng hệ thống tài khoản y tế dựa trên nền tảng hệ thống SHA 2011 (System of Health Acount), phát triển từ hệ thống SHA1.0 có các phương pháp tính toán hiện đại, toàn diện, đầy đủ, phản ánh khách quan và chính xác hơn chi tiêu cho y tế. Đây là một yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường quản lý và điều phối nguồn tài chính y tế, kiểm soát các khoản chi tiêu tiền túi của người dân cho y tế.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành và các chuyên gia trong, ngoài nước triển khai xây dựng hệ thống tài khoản y tế cho Việt Nam. Cụ thể là tài khoản y tế quốc gia, tài khoản y tế 5 tỉnh (Hà Nội, Cần Thơ, Nghệ An, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh) và phân tích tài khoản HIV/AIDS…
Báo cáo kết quả tài khoản y tế quốc gia năm 2015 cho thấy: tổng chi y tế trên 250 tỷ đồng, chiếm 5,96% tổng GDP. Trong đó, nguồn quốc tế chiếm 1,893%, nguồn ngân sách nhà nước chiếm 41,607%, nguồn doanh nghiệp chiếm 7,163%, nguồn hộ gia đình là 47,103%... Chi y tế trên đầu người là trên 2,7 triệu đồng; chi trực tiếp từ tiền túi là 40,769%.
Cơ cấu chi y tế phân theo nhóm bệnh chính: sức khỏe sinh sản chiếm 7,84%, các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng chiếm 13,4%, bệnh không lây nhiễm chiếm 50,813%, chấn thương chiếm 2,06%...
Quá trình xây dựng tài khoản y tế tại 5 tỉnh thí điểm cho thấy từ tuyến trung ương đến tỉnh đều nhận thấy tầm quan trọng và tính cần thiết của việc xây dựng tài khoản y tế; thống nhất sử dụng số liệu của các tỉnh để xây dựng hệ số phân bổ cho tỉnh và xây dựng tổng chi dựa trên báo cáo chính thức của Bộ Tài chính. Các số liệu báo của tuyến trung ương năm nay, ngoài số liệu thu thập trực tiếp từ các bên liên quan (Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) còn bổ sung thêm nguồn chi từ doanh nghiệp cho y tế bằng việc điều tra và nguồn chi y tế ngoài công lập từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính.
La Giang