Kỷ niệm 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện
03/05/2018 - 15:04

TĐKT - Trong 10 năm trở lại đây, hoạt động hiến máu tình nguyện của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng. Tỷ lệ dân số hiến máu, số lượng máu được tiếp nhận tăng dần hàng năm góp phần rất lớn vào sự phát triển của ngành truyền máu nói riêng và ngành y tế nói chung.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động hiến máu tình nguyện giai đoạn 2008 - 2017

Dù trong giai đoạn nào thì nhu cầu nguồn máu phục vụ cấp cứu và điều trị đều trở nên cấp thiết, quyết định sự sống còn của bệnh nhân cần máu trên cả nước. Theo đó, ngày 26/2/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 235/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Năm 2008, Ban chỉ đạo quốc gia đã xây dựng “Chiến lược phát triển chương trình Hiến máu tình nguyện (HMTN) giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến 2020.

Kết quả năm 2008, cả nước vận động tiếp nhận được hơn 518.000 đơn vị máu thì năm 2017 vận động tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị. Trong giai đoạn 2008 – 2017, cả nước đã tiếp nhận được gần 10,2 triệu đơn vị máu. Đồng thời, số đơn vị máu của người hiến máu tình nguyện ngày càng chiếm ưu thế, số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh... Tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 72% (năm 2008) lên 98% (năm 2017). Hơn 10,2 triệu đơn vị máu được tiếp nhận từ năm 2008 - 2017 đã căn bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh.

Hàng năm, thường trực Ban chỉ đạo quốc gia hướng dẫn các cơ quan thành viên và Ban chỉ đạo cấp tỉnh tổng kết công tác vận động HMTN và lập kế hoạch năm tiếp theo; ban hành kế hoạch thực hiện các chiến dịch và các sự kiện lớn: Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng; sự kiện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4; Chiến dịch “Những giọt máu hồng” hè và “Hành trình Đỏ”, “Chủ nhật đỏ”… đã căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống.

Hơn hết, công tác truyền thông gắn với các chiến dịch, sự kiện HMTN được tổ chức càng bài bản, chuyên nghiệp, có sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Tiêu biểu là Chiến dịch vận động HMTN dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu trước, trong và sau Tết Nguyên đán hàng năm.

Từ đầu năm 2008 và 2009, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Ban chỉ đạo TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức Lễ hội Xuân hồng. Trong 1 ngày của Lễ hội đã có hàng nghìn người dân Thủ đô tham dự. Năm 2008, Ban tổ chức tiếp nhận được 2.610 đơn vị máu; năm 2009 tiếp nhận 4.158 đơn vị máu.

Tiếp nối những thành công đó của Hà Nội, từ năm 2010 đến nay, Ban chỉ đạo quốc gia đã phát động chiến dịch HMTN dịp Tết và tổ chức Lễ hội Xuân hồng trong toàn quốc; thời gian thực hiện từ 2 - 3 tháng (trước và sau Tết Nguyên đán); đỉnh cao của chiến dịch là “Lễ hội Xuân hồng” hoặc “Ngày hội Xuân hồng” (thường diễn ra trong 1- 2 ngày). Mục tiêu của chiến dịch là tiếp nhận từ 20 - 25% lượng máu của năm.

Kết quả: 100% tỉnh, thành phố đều tích cực hưởng ứng, thực hiện chiến dịch, đã vận động, tiếp nhận được 1.261.353 đơn vị máu qua các năm.

Năm 2010, có 18/63 tỉnh, thành phố triển khai lễ hội với số máu thu được trong 1 ngày là 6.485 đơn vị thì năm 2017 đã có hầu hết địa phương tham gia, với 74.523 người đăng ký và tiếp nhận 53.073 đơn vị máu trong 1 ngày hội.

Trong 10 năm qua, Ban chỉ đạo các cấp đã tổ chức được 477.266 cuộc tuyên truyền, vận động về HMTN với 15.482.986 sản phẩm truyền thông  và 11.401.885 lượt người tham dự. Hầu hết các cuộc tuyên truyền, vận động đều được Ban chỉ đạo các cấp gắn kết với các chiến dịch, các sự kiện và tổ chức các đợt HMTN.

Bên cạnh đó, công tác phát triển lực lượng và nguồn người hiến máu tình nguyện đã được Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện và Hội Chữ thập đỏ các cấp chú trọng, quan tâm. Tính đến năm 2017 trên cả nước có hơn 3.300 câu lạc bộ hiến máu với 135.000 thành viên (tăng gần 5 lần về số câu lạc bộ và 6 lần số thành viên so với năm 2008).

Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị “Ngân hàng máu sống” ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả, đảm bảo luôn có lượng máu cần thiết vào bất cứ thời điểm nào cho các ca cấp cứu. Hoạt động tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong công tác hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện cũng được triển khai thường xuyên, ấn tượng trong các cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, phong trào hiến máu tình nguyện ở nước ta mặc dù khởi đầu muộn hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên hiện đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Nhìn lại con số hơn 10 triệu đơn vị máu tiếp nhận được từ năm 2008 - 2017 mới thấy được những nỗ lực không nhỏ của những người làm công tác vận động hiến máu tình nguyện. Hành trình để mỗi giọt máu đào đến với người bệnh thực sự là hành trình của những tấm lòng nhân ái, những người luôn biết sẻ chia niềm hạnh phúc với những người kém may mắn.

Với thông điệp mang đầy ý nghĩa nhân văn “Hiến giọt máu đào - trao đời sự sống”, với công tác truyền thông phong phú, đa dạng, với nhận thức ngày càng mở của cộng đồng, công tác vận động hiến máu tình nguyện những năm tiếp theo dự kiến sẽ thu hút ngày càng nhiều tình nguyện viên tham gia để giúp đỡ nhiều người bệnh cần máu vượt qua bệnh tật, trở về với cuộc sống.

Hồng Thiết