TĐKT - Ngày 25/4, tại Hà Nội, Khoa Quản lý Kinh doanh (Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – HUBT) tổ chức buổi Tọa đàm và Sinh hoạt khoa học dành cho giảng viên của Khoa nói riêng và giảng viên trong toàn trường nói chung.
Khoa Quản lý Kinh doanh tổ chức buổi Tọa đàm, sinh hoạt khoa học về Năng lực cạnh tranh
Tọa đàm tập trung chủ yếu thảo luận về các vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
Ngày 1/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Mục tiêu của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
TS. Nguyễn Từ - Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý Kinh doanh cho biết: Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016 (trong đó, chỉ số thành phần tiếp cận điện năng tăng 69 bậc; nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 36 bậc; khởi sự kinh doanh tăng 17 bậc). Chỉ số hiệu quả logistic tăng 25 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc…
Đó là sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của Việt Nam trên trường quốc tế đối với các lĩnh vực phát triển kinh tế trong những năm qua. Tuy nhiên, để đạt được thứ hạng cao trong nền kinh tế thì các tỉnh, thành phố, địa phương của Việt Nam cần phải thực hiện tốt và đầy đủ các chính sách do Chính phủ đề ra; quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường xúc tiến đầu tư và quảng bá thương hiệu, củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở…
Theo TS. Hồ Sỹ Ngọc, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: Năng lực điều hành của các cơ quan cấp tỉnh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại địa phương. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực như giảm “tham nhũng vặt”, môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Tuy nhiên, PCI 2018 cũng cho thấy nhiều điểm đáng lo ngại, chẳng hạn như các tỉnh dẫn đầu năm nay không có nhiều biến chuyển, với chỉ số PCI tương đương hay thậm chí giảm nhẹ so với năm ngoái.
Tán thành quan điểm với TS. Nguyễn Từ về nâng cao năng lực cạnh tranh ở các cấp, TS. Hồ Sỹ Ngọc cũng nhấn mạnh: Yếu tố quyết định nâng cao chỉ số PCI là phải củng cố hệ thống chính trị, từng bước hoàn thiện chính quyền từ huyện đến cơ sở, bảo đảm đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị một cách toàn diện. Kế đến, “Cơ chế một cửa điện tử” của huyện phải hoàn thiện hơn với mục tiêu giảm thiểu mệnh lệnh hành chính, tăng dịch vụ hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp (DN)...
Huyện cũng đề nghị các sở, ngành liên quan của tỉnh khi cấp giấy phép thành lập và hoạt động của DN nên đề nghị DN phối hợp chặt chẽ với huyện trong việc xây dựng và kiến thiết cơ bản ban đầu, tránh tình trạng khi có mâu thuẫn với nhân dân trong khu vực, DN mới đề nghị chính quyền hỗ trợ. Buộc DN phải hoàn thiện cơ sở pháp lý ban đầu trước khi bắt tay vào xây dựng kết cấu hạ tầng và nhà xưởng sản xuất.
Cũng tại buổi Tọa đàm, PGS.TS. Vũ Văn Hân, Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý Kinh doanh chia sẻ: Từ khi thành lập đến nay, Khoa Quản lý Kinh doanh đã xây dựng được mô hình lý thuyết tương đối đồng đều và chi tiết về các vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh ở các cấp, giúp sinh viên tiếp cận gần hơn, hiểu rõ hơn về môi trường kinh doanh hiện nay, qua đó hỗ trợ những hướng phát triển, khởi nghiệp trong tương lai cho các bạn.
Khoa Quản lý Kinh doanh sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, vai trò của mình trong hoạt động giảng dạy, phấn đấu là một trong những đơn vị dẫn đầu, đạt nhiều thành tích cao, góp phần xây dựng, phát triển sự nghiệp đào tạo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thời gian tới.
Thu Hương