Chính trị - Xã hội

Bộ Y tế cung cấp thông tin về điều trị ngộ độc rượu Methanol

TĐKT- Chiều 11/1, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về trường hợp điều trị ngộ độc rượu Methanol bằng cách truyền 15 lon bia tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các đơn vị có liên quan của Bộ Y tế: Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Vụ Pháp chế; Vụ Truyền thông; Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Thạc sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị: Trong 2 ngày ngày 24 - 25/12/2018, Bệnh viện lần lượt tiếp nhận 3 bệnh nhân là Lê Văn X, 64 tuổi; Nguyễn Văn N, 47 tuổi và Lê Văn T, 24 tuổi đều thường trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bộ Y tế cung cấp thông tin về điều trị ngộ độc rượu Methanol Qua khai khác cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều 23/12/2018 và cùng uống chung một loại rượu. Triệu chứng ban đầu là đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu, mệt mỏi, sau đó vật vã kích thích, hôn mê, rối loạn hô hấp, suy hô hấp, thở yếu, suy tuần hoàn, nhìn mờ. Bệnh nhân Lê Văn X. được chẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc Methanol. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế điều trị vào lúc 5 giờ 30 phút ngày 25/12/2018 và được tiên lượng trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhân Nguyễn Văn N. và Lê Văn T. được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Methanol. Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn N. có hàm lượng Methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc Methanol. Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, một trong số đó là truyền bia (có Ethanol) vào dạ dày qua ống thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và xuất viện ngày 2/1/2019. Theo hướng dẫn xử trí ngộ độc Methanol của Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Ngoài ra, trong quá trình lọc máu thải độc, Ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với Methanol có trong máu. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ. Theo Bộ Y tế, Methanol là chất cồn thường dùng trong công nghiệp, bị nghiêm cấm sử dụng trong pha chế, sản xuất rượu, thực phẩm. Methanol khi vào cơ thể chuyển hóa thành chất gây độc lên hệ thần kinh, gây tổn thương não, tổn thương võng mạc dẫn đến mù lòa, nặng hơn là suy đa phủ tạng và tử vong. Chất cồn có trong rượu, bia phải là cồn thực phẩm (Ethanol) đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Tuy nhiên, Ethanol cũng là chất có nguy cơ gây ngộ độc, có thể gây hôn mê, suy hô hấp và tử vong nếu uống rượu, bia nhiều. Hồng Thiết

Kịp thời xử lý thông tin, bảo đảm quyền lợi cho người dân

TĐKT - 17h38p ngày 10/01/2019, qua diễn đàn của một số nhà báo trên mạng xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhận được thông tin về gia đình chị Trần Thị Hợi (37 tuổi) thường trú tại xóm 10 xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Chị Hợi đang chăm sóc cháu Tuấn trong bệnh viện. Do điều kiện gia đình, hai vợ chồng anh chị đi làm xa tận Khánh Hòa. Con trai anh chị là cháu Phan Anh Tuấn 17 tuổi (sinh năm 2002) hiện đang học lớp 11 ở nhà với ông bà ngoại. Vào ngày 7/1/2019, cháu Tuấn bị tai nạn do nổ bình ga khi nấu ăn khiến bỏng toàn thân. Hiện nay cháu đang được điều trị ở phòng 206 Khoa Hồi sức cấp cứu của Viện Bỏng Quốc gia tại Hà Đông, Hà Nội. Theo các bác sĩ, tình trạng của cháu rất nặng và chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng. Nhưng cháu Tuấn lại không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Ngay trong tối 10/1, BHXH Việt Nam đã kết nối với gia đình chị Hợi để có thêm thông tin, chỉ đạo BHXH tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra sự việc. Qua tìm hiểu, được biết, năm 2018, gia đình chị Hợi thuộc hộ cận nghèo, cháu Tuấn được cấp thẻ BHYT của đối tượng cận nghèo, mã số CN3424221380675, có giá trị sử dụng từ ngày 9/5/2018. Do năm 2019 gia đình chị không còn trong danh sách hộ cận nghèo nên không thuộc đối tượng cấp thẻ BHYT cận nghèo. Gia đình lại không nắm được thủ tục để tham gia BHYT tiếp cho cháu nên thẻ BHYT cũ không sử dụng được. BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện các thủ tục gia hạn thẻ cho cháu Tuấn trên hệ thống ngay trong tối 10/1. Sáng 11/1, BHXH tỉnh đã trao thẻ BHYT của cháu Tuấn cho gia đình chị Hợi để thực hiện các thủ tục cho cháu được hưởng quyền lợi BHYT tại bệnh viện. Đồng thời BHXH tỉnh Hà Tĩnh cũng gửi tới gia đình 1 suất quà, chia sẻ những khó khăn của gia đình trong điều trị cho cháu Tuấn. Chị Thương, dì ruột của cháu Anh Tuấn thay mặt gia đình nhận thẻ BHYT và quà của cơ quan BHXH Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị Hợi nghẹn ngào xúc động trước sự tận tâm, trách nhiệm của cán bộ BHXH tỉnh Hà Tĩnh. Dù sự việc xảy ra là do sơ suất từ phía gia đình, chưa quan tâm đầy đủ đến việc gia hạn thẻ BHYT để được bảo đảm quyền lợi nhưng khi có thông tin, phía cơ quan BHXH tỉnh đã rất chủ động gia hạn thẻ BHYT cho cháu Tuấn. Chị Hợi cũng mong các gia đình cần quan tâm đến việc tham gia BHYT, tìm hiểu về thủ tục tham gia và gia hạn thẻ đúng quy định để được hưởng quyền lợi khi rủi ro, tránh gặp phải tình huống như gia đình chị. Tuệ Anh

Thay đổi nhận thức của chính quyền và nhân dân, doanh nghiệp về tài nguyên nước

TĐKT – Chiều 10/1, tại Hà Nội, Viện Khoa học Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Công Thành dự và phát biểu ý kiến. Là một đơn vị mới thành lập, bước đầu Viện Khoa học Tài nguyên nước đã xác định các nhóm nghiên cứu mũi nhọn; tăng cường hợp tác quốc tế và ổn định tổ chức hoạt động. Từ đó, Viện đã tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu phòng, chống xâm nhập mặn, chống xói lở bờ biển, nghiên cứu đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác giám sát, quan trắc chất lượng nước, tích cực thực hiện các hợp đồng dịch vụ theo đặt hàng của các tổ chức và cá nhân... Năm 2018, Viện đã phát huy thế mạnh trong cảnh báo, dự báo, thông tin dữ liệu, hạn hán, xâm nhập mặn, quản lý lưu vực sông đến các lĩnh vực liên quan đến thể chế, rà soát lại luật tài nguyên nước... Quang cảnh hội nghị Viện đã hoàn thành 100% kế hoạch, chủ động xây dựng đề xuất 7 nhiệm vụ, đề tài, dự án, đặc biệt là phối hợp với Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ đảm bảo các đề xuất đáp ứng được một phần nhu cầu thực tiễn. Đáng chú ý là việc đánh giá nội dung báo cáo đánh giá ảnh hưởng của hoạt động xả nước thải trong điều kiện cả cụm nhà máy của Trung tâm Điện lực Duyên hải cùng hoạt động bằng mô hình tại xã Duyên Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; điều tra, đánh giá sơ bộ hoạt động lấy nước từ dòng chính sông Mê Kông của các trạm bơm dã chiến dọc biên giới Lào -Thái trong mùa khô đến chế độ dòng chảy vùng hạ nguồn Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long. Viện cũng chủ động hợp tác với các tổ chức quốc tế có tiềm năng như Hội đồng nước châu Á (AWC), Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC)... trong nghiên cứu tổng thể về quy hoạch nước và năng lượng; các giải pháp bảo vệ tài nguyên nước của Việt Nam và quản lý nguồn nước xuyên biên giới... Biểu dương những thành tích mà Viện Khoa học Tài nguyên nước đã đạt được trong năm 2018, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành đề nghị thời gian tới, Viện phải suy nghĩ tìm hướng nghiên cứu mới phù hợp với thực tiễn của lĩnh vực tài nguyên nước. Đặc biệt, phải có những đề tài nghiên cứu khoa học mang tính đặc thù, nổi bật để "biến" năm 2019 thành một năm về tài nguyên nước. Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn, với sức trẻ năng động, sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết cao nhất, năm 2019 tập thể Viện Khoa học Tài nguyên nước bắt tay vào việc với những nghiên cứu có tính "đột phá" sẽ đánh dấu mốc thay đổi nhận thức của chính quyền và nhân dân, doanh nghiệp về tài nguyên nước. Bình Nguyên

“Giọt hồng sẻ chia” – lan tỏa những tấm lòng nhân ái

TĐKT – Trong 2 ngày 9/1 – 10/1, Chương trình hiến máu nhân đạo “Giọt hồng sẻ chia” đã huy động được 1.036 đơn vị máu do các sinh viên và cán bộ, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) hiến tặng. Chương trình thu hút nhiều bạn trẻ tham gia Chương trình do Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức, thiết thực hưởng ứng ngày hội Chủ nhật đỏ lần thứ 11 năm 2019 với thông điệp “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”, nhằm chuẩn bị lượng máu dự trữ đủ cho cấp cứu và điều trị - vốn luôn thiếu mỗi khi dịp Tết Nguyên Đán gần kề. Thông điệp về hiến máu cứu người đã được truyền tới các bạn trẻ HUBT từ nhiều ngày trước đó, thông qua các hình thức: Tuyên truyền trên lớp học, qua các cuộc họp chi đoàn, qua đội, nhóm của Câu lạc bộ, qua mạng xã hội… Sự kiện diễn ra trong 2 ngày với không khí sôi nổi, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của sinh viên, cựu sinh viên, cán bộ, giảng viên, nhân viên trong nhà trường. Đặc biệt, chương trình thu hút sự tham gia của Top 16 Hoa khôi xinh đẹp, tài năng trong cuộc thi Miss HUBT 2018. Bạn Hoàng Thị Minh, lớp Tr22.03, sinh viên năm thứ 2 Khoa Tiếng Trung, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chia sẻ: “Đây là lần thứ hai em tham gia hiến máu tình nguyện. Em cảm thấy vui vì có thể góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ người khác. Trước đây, mỗi lần nhìn thấy kim tiêm là em rất sợ, nhưng nỗi sợ ấy dần dần biến mất khi nghĩ tới việc những giọt máu của mình cho đi sẽ giúp được nhiều người đang cần đến. Hơn nữa, các anh, chị tình nguyện viên rất nhiệt tình, chăm sóc, hỏi thăm em rất chu đáo. Nếu lần sau sức khỏe của em tốt, em sẽ lại tham gia hoạt động ý nghĩa này.” Phong trào hiến máu tình nguyện là một trong những nghĩa cử cao đẹp của sinh viên Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, tạo dấu ấn sâu sắc về một thế hệ sinh viên giàu lòng nhân ái, biết chia sẻ với cộng đồng.   Được tổ chức hai lần mỗi năm, chương trình đã thu hút hàng trăm lượt sinh viên và cán bộ giảng viên tham gia, huy động được hơn 10.000 đơn vị máu, cứu sống hàng trăm người bệnh, mang lại niềm hạnh phúc cho bao gia đình. Trong những năm qua nhiều sinh viên của trường đã được nhận Bằng khen trong phong trào Hiến máu tình nguyện.  Phương Thanh

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

TĐKT - Chiều 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị. Sau một thời gian biên soạn và lấy ý kiến nhân dân, chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành vào ngày 26/12/2018. Chương trình giáo dục phổ thông được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Quang cảnh Hội nghị Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kĩ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: Học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động. Việc hoàn thành biên soạn chương trình được coi là thành công bước một, bước tiếp theo rất quan trọng, quyết định thành bại của chương trình mới là chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình, cụ thể là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ cùng các Sở, Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; các chương trình bồi dưỡng theo chuẩn; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình. Hồng Thiết

Bộ Nội vụ tập trung hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ

TĐKT - Chiều 9/1, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian qua, và dự kiến một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo.   Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại buổi họp báo Tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thiện công tác xây dựng thể chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và Trung ương 7 khóa XII; tổ chức thực hiện theo chương trình công tác, kế hoạch đã đề ra. Theo đó, Bộ Nội vụ đã và đang hoàn thiện các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Cùng với đó, dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng đã được Bộ Nội vụ tổ chức nhiều cuộc hội thảo xin ý kiến, hoàn thiện và sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV theo kế hoạch; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) cũng được Bộ Nội vụ trình Chính phủ đầu tháng 12/2018. Kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được tổng hợp trên Hệ thống quản lý văn bản, trong đó, số nhiệm vụ đã hoàn thành là 240 (đạt 73,4%); số nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn là 87 (26,6%). Theo chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao 32 nhiệm vụ, Bộ đã trình 28 nhiệm vụ (đạt 87,5%) và đang thực hiện 4 nhiệm vụ (12,5%)… Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh cung cấp thông tin cho báo chí Năm 2018, công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Bộ và thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ được đổi mới, hiệu quả; các đơn vị đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được thông qua theo tiến độ, đạt chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi đã mang lại hiệu quả, đảm bảo tiến độ thực hiện công việc… Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2019, trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Nội vụ đã xác định phương châm hành động của năm là “Tăng tốc, bứt phá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin” và đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác truyền thông. Theo đó, xác định được trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành: Thứ nhất, quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực Nội vụ, đặc biệt là việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII và của Quốc hội; hoàn thành 100% các văn bản, đề án được giao; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành.  Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo môi trường thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước vụ. Thứ tư, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính các cấp; đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng công khai, minh bạch… Thứ năm, tăng cường công tác truyền thông, thông tin về các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ. Hồng Thiết      

Phát huy sức mạnh truyền thống về nhân hậu, trí tuệ để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

TĐKT - Dòng họ Vũ – Võ Việt Nam, một trong 5 dòng họ lớn nhất của Việt Nam đã có lịch sử trên 1.200 năm đã tổ chức Đại hội và gặp mặt đầu xuân năm mới 2019 để ôn lại truyền thống tốt đẹp của cha anh đi trước. Quang cảnh buổi gặp mặt Được biết, Thủy tổ là cụ Vũ Hồn, đền thờ tại làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương (nơi có Thành hoàng là Đức Thần tổ Vũ Hồn 804-853). Từ năm 1990, nhờ sự có tâm, đoàn kết, trách nhiệm của các con cháu trong dòng họ, Hội đồng dòng họ (HĐDH) Vũ – Võ Việt Nam đã được thành lập để giáo dục con cháu hướng về cội nguồn, tập hợp khối đại đoàn kết dòng họ nhằm phát huy sức mạnh truyền thống nhân hậu, trí tuệ, phụng sự Tổ tiên, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cho đến nay, Dòng họ Vũ – Võ Việt Nam đã tổ chức được 7 kỳ Đại hội, HĐDH Vũ – Võ đã phát triển lớn mạnh với 4 cấp từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, gia tộc. Đã có 43/63 tỉnh, thành phố và hàng trăm cấp huyện đã thành lập được HĐDH Vũ – Võ; đồng thời còn có nhiều HĐDH được tổ chức theo lĩnh vực hoạt động hoặc đơn vị, cơ quan có người họ Vũ – Võ làm việc như Câu lạc bộ doanh nhân HĐDH Vũ – Võ, Hội Vũ – Võ ngành Y, HĐDH Vũ – Võ Học viện Cảnh sát nhân dân… Dòng họ Vũ - Võ là dòng họ có quy mô, quy củ nhất về mặt tổ chức ở Việt Nam. Cụ Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự, Cố vấn HĐDH Vũ - Võ Việt Nam phát biểu khai mạc tại buổi gặp mặt Điều đáng mừng là hoạt động của hầu hết HĐDH Vũ – Võ đều lấy cảm hứng từ những giá trị truyền thống tốt đẹp với cốt lõi là Nhân và Trí, đồng lòng hướng về nơi phát tích của dòng họ Vũ – Võ. HĐDH Vũ – Võ ở nhiều địa phương đã làm rất tốt công tác phát triển dòng họ, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, động viên giúp đỡ nhau trong công tác, làm ăn và trong cuộc sống hàng ngày. Công việc tu bổ, xây dựng đền thờ Tổ cũng được chú trọng đã có tác dụng tích cực trong việc tăng cường tình cảm trên tinh thần đoàn kết đồng tộc. Nhiều cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa HĐDH Vũ – Võ các địa phương được tiến hành đã tạo ra sự gắn kết, cảm thông trong cộng đồng bà con họ Vũ – Võ trên quy mô cả nước. Tại các địa phương có các di tích đặc biệt quan trọng như Lăng và đền thờ Thân Tổ Phụ ở Mộ Trạch, Lăng Tổ ở Đống Rờm và Lăng Tổ Mẫu ở Kiệt Đặc đã được các doanh nhân họ Vũ – Võ công đức tôn tạo và xây dựng thêm nhiều hạng mục làm cho di tích ngày càng khang trang, làm tăng thêm diện mạo uy nghi cho các linh tích thiêng liêng của dòng họ, khiến cho bà con đến từ mọi miền của đất nước và từ nước ngoài trở về đều hết sức xúc động và tự hào. GS, TSKH, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang phát biểu tại buổi gặp mặt Ghi nhận những đóng góp của HĐDH Vũ – Võ các địa phương, của các doanh nhân và tấm lòng của con cháu họ Vũ – Võ với dòng họ, với đất nước, nhân dịp bước sang năm mới 2019, cụ Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự, Cố vấn HĐDH Vũ – Võ Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt lãnh đạo HĐDH Vũ – Võ các tỉnh thành trong cả nước nói trên. Cụ đã biểu dương những cố gắng vì dòng họ, vì đất nước của con cháu họ Vũ – Võ thời gian qua và chỉ ra phương hướng nâng tầm hoạt động của dòng họ Vũ – Võ trong thời gian tới. Ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư – xây dựng Thiên Lộc phát biểu tại buổi lễ Theo chỉ đạo của cụ Vũ Oanh, Chủ tịch danh dự, Cố vấn HĐDH Vũ – Võ Việt Nam, hoạt động dòng họ không chỉ vì dòng họ, mà còn vì toàn dân, góp phần xây dựng đất nước hùng cường. Chính vì vậy mà hoạt động của dòng họ phải phát triển thành phong trào quần chúng sâu rộng, không ngừng phát triển thêm hội viên, nêu cao những giá trị cốt lõi và truyền thống tốt đẹp của dòng họ để góp phần giải quyết những vấn đề lớn và nóng của đất nước. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong ý kiến chỉ đạo của cụ Vũ Oanh là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và quyền tự chủ, tự quản của các địa phương; phải hết sức tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận trong các quyết định, tuyệt đối tránh việc hành chính hóa và xử lý công việc theo lối quan liêu, mệnh lệnh. HĐDH Vũ – Võ Trung ương phải trở thành hạt nhân thu hút bằng trí tuệ và sự gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp chứ không phải một cấp trên có quyền áp đặt. HĐDH Vũ – Võ cấp tỉnh, cấp huyện cũng cần hoạt động theo nguyên tắc này để quy tụ bà con dòng họ Vũ – Võ trong địa bàn của mình. Về tài chính, HĐDH các cấp hoan nghênh sự đóng góp công đức của các nhà hảo tâm, nhưng việc quản lý thì cần tôn trọng quyền tự chủ của HĐDH Vũ – Võ các cấp. 100% đại biểu dự buổi gặp mặt biểu quyết nhất trí chỉ định GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang – Cố vấn HĐDH tạm thời đảm nhiệm Quyền Chủ tịch HĐDH Vũ – Võ Trung ương Để khắc phục triệt để những khó khăn hiện nay và triển khai được việc nâng tầm hoạt động của dòng họ Vũ – Võ trong tình hình mới, sau khi nghe ý kiến của nhiều bậc cao minh, các vị trưởng thượng, đại diện cho bà con dòng họ - Võ từ khắp mọi miền đất nước phát biểu tâm tư nguyện vọng, hiến kế để hoạt động HĐDH Vũ – Võ Việt Nam xứng tầm với truyền thống cao đẹp của tổ tiên. Kiều Oanh  

Khai giảng Khóa hợp tác đào tạo Việt - Úc “Chương trình hợp tác sinh viên nghiên cứu thực địa không gian phố cổ Hà Nội”

TĐKT - Ngày 8/1, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) đã tổ chức Lễ khai giảng Khóa hợp tác đào tạo Việt - Úc “Chương trình hợp tác sinh viên nghiên cứu thực địa không gian phố cổ Hà Nội” với Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc). Khóa học sẽ diễn ra từ ngày 8/1 - 18/1/2019. Dự Lễ khai giảng, có: Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh; Phó Viện trưởng Viện Hợp tác quốc tế Nguyễn Bá Phúc; Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc, GS.TS.KTS. Nguyễn Hữu Dũng; TS. Đinh Quốc Phương, Trưởng đoàn đại diện Đại học Kỹ thuật Swinburne; cùng các giảng viên, sinh viên chuyên ngành Thiết kế Kiến trúc Nội thất, Thiết kế Công nghiệp và Thiết kế Đồ họa của trường. Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh phát biểu tại buổi lễ Đại học Swinburne, Australia được thành lập vào năm 1992, là một trường đại học đẳng cấp thế giới, một tổ chức đa ngành dẫn đầu trong khoa học, công nghệ, kinh doanh, thiết kế và sáng tạo. Đại học Công nghệ Swinburne cung cấp các khóa học đa dạng trên tất cả các lĩnh vực từ khoa học xã hội, kinh doanh, truyền thông, sức khỏe… Hiện tại Swinburne thu hút hơn 30.000 sinh viên, trong đó có 7.000 du học sinh đến từ hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Với 12.725 sinh viên, bao gồm 20% là các sinh viên quốc tế, đang học tập tại 3 cơ sở tại Melbourne (Úc) và 1 cơ sở tại Malaysia. Swinburne đầu tư rất nhiều trong việc cung cấp cho sinh viên và những nhà nghiên cứu các cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại bậc nhất. “Chương trình hợp tác sinh viên nghiên cứu thực địa không gian phố cổ Hà Nội” dành cho sinh viên chuyên ngành Kiến trúc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Đại học Kỹ thuật Swinburne (Úc) là một chương trình bổ ích, được xây dựng bởi các chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm của 2 bên, giúp cho sinh viên có nhiều cơ hội trau dồi kiến thức, nâng cao kỹ năng chuyên môn. Các nhóm sẽ bao gồm sinh viên của 2 trường, được tự do lựa chọn đề tài theo như chương trình đã quy định. Chiều cùng ngày, Khoa Kiến trúc tổ chức chuyến đi thực địa đầu tiên trong chương trình tại phố cổ Hà Nội. Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Hiệu trưởng Trần Đức Minh chào mừng các giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Swinburne đã đến tham dự chương trình. Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: “... Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có chương trình hợp tác đào tạo với Trường Đại học Kỹ thuật Swinburne đến nay đã là năm thứ 5. Đó là một vinh dự đối với Khoa Kiến trúc nói riêng và nhà trường nói chung, tạo ra nhiều cơ hội học tập, trao đổi kiến thức chuyên ngành của sinh viên hai bên”. Phó Hiệu trưởng hy vọng, trong lần hợp tác này, sinh viên của hai trường sẽ đạt được những kết quả học tập tốt sau khi kết thúc chuyến thực địa. GS.TS.KTS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc phát biểu tại buổi hợp tác. GS.TS.KTS. Nguyễn Hữu Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kiến trúc chia sẻ tại buổi lễ: “Phố cổ Hà Nội là một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội nằm ở ngoài hoàng thành Thăng Long. Nơi đây vẫn còn lưu giữ khá nhiều nét cổ kính vốn có và sẽ là nơi các em có thể tạo ra những ý tưởng mới trong công trình nghiên cứu của mình. Sinh viên của hai trường sẽ được phân nhóm, xen kẽ giữa sinh viên HUBT và sinh viên Swinburne, cùng với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo 2 bên, tôi chắc chắn rằng các em sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo cho đề tài...” Các sinh viên tham Khóa hợp tác đào tạo Kết quả học tập thực địa sẽ được các nhóm sinh viên hoàn thiện và báo cáo trước ngày 20/1. Thu Hương

Ra mắt sản phẩm giải pháp phát hiện và cảnh báo khói thông minh iProtect

TĐKT - Ngày 5/1, tại tòa nhà 23 Lạc Trung, Hai Bà Trưng, Hà Nội, VTC Digicom đã tổ chức họp báo ra mắt sản phẩm: Giải pháp phát hiện và cảnh báo khói thông minh iProtect. Sản phẩm là sự đột phá về công nghệ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, Cứu hộ (CNCH), 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 2.989 vụ cháy, làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại về tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ấy, VTC Digicom đã nhanh chóng nghiên cứu, sáng tạo ra iProtect - giải pháp phát hiện và cảnh báo khói thông minh nhằm giúp con người thoát khỏi những tình trạng nguy hiểm và khẩn cấp do hỏa hoạn gây ra. Lễ ra mắt giải pháp phát hiện và cảnh báo khói thông minh iProtect Tại lễ ra mắt, VTC Digicom đã giới thiệu về những ưu điểm vượt trội của iProtect: Cảnh báo đến người dùng bằng nhiều phương thức hiện đại thay vì chỉ báo động tại chỗ (tin nhắn sms, thông báo qua ứng dụng, cuộc gọi đến); người dùng có thể theo dõi tình trạng thiết bị ngay trên điện thoại, đảm bảo thiết bị luôn hoạt động. Bên cạnh việc đem lại nhiều tiện ích cho người dùng, iProtect còn giúp cơ quan chức năng định vị chính xác địa điểm cháy để có những phản ứng kịp thời thông qua công nghệ điện toán đám mây (Cloud) và Internet vạn vật (IoT). Giải pháp iProtect sử dụng pin, không kết nối tủ báo cháy nên việc lắp đặt là vô cùng dễ dàng, cơ động trong mọi công trình. Giải pháp iProtect là sản phẩm PCCC ứng dụng công nghệ 4.0 đầu tiên tại Việt Nam đã được Cục cảnh sát PCCC và CNCH - Bộ Công an cấp Giấy chứng nhận Kiểm định phương tiện PCCC số 26/KĐ-PCCC-P7 vào ngày 4/1/2019. Với những nhận xét, đánh giá tích cực từ phía các cơ quan chức năng cùng khách mời tại sự kiện, iProtect được kỳ vọng sẽ được người tiêu dùng Việt đón nhận, trở thành “người cảnh báo” hữu ích, góp phần giảm thiểu những thiệt hại về người và tài sản do hỏa hoạn gây ra. Sỹ Long

Công bố 10 sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2018

TĐKT - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 3948/QĐ-BTNMT công bố 10 sự kiện ngành tài nguyên và môi trường năm 2018. Sau đây là nội dung 10 sự kiện: Năm 2018, lần đầu tiên tìm thấy nước ngọt tại đảo Bạch Long vĩ 1. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII  ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp; đặt ra yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Xuyên suốt Nghị quyết là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Nghị quyết đề ra 05 chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển; 3 khâu đột phá; 7 nhóm giải pháp chủ yếu. 2. Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Đo đạc và Bản đồ. Lần đầu tiên, hoạt động chuyên ngành lĩnh vực đo đạc và bản đồ của nước ta được chuẩn hóa thành Luật, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0; làm nền tảng để phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, cơ sở nghiên cứu khoa học trái đất; cung cấp các dữ liệu cơ bản điều tra cơ bản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng, chống thiên tai; góp phần bảo vệ vững chắc và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và nâng cao dân trí. 3. Nhiều chủ trương của Đảng về quản lý tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu được tổng kết, sơ kết đánh giá một cách toàn diện. Điển hình: Sơ kết đánh giá Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Qua đó, khẳng định những kết quả đạt được cần phát huy; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục tập trung chỉ đạo trong hoàn thiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi để phát huy nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đất nước giai đoạn tới. 4. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Trước thực trạng tồn đọng số lượng lớn phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển, Chỉ thị yêu cầu trách nhiệm quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra đánh giá toàn diện công tác cấp Giấy xác nhận trong nhập khẩu phế liệu; không cấp mới hoặc gia hạn Giấy xác nhận nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu và chỉ cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; phương án giải quyết, xử lý các lô hàng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường... Cũng trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 chủng loại phế liệu nhập khẩu có nhu cầu sử dụng lớn hiện nay là sắt, thép; nhựa; giấy; thủy tinh; kim loại màu; xỉ hạt lò cao. 5. Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6): Sự kiện quốc tế quy mô toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức. Kỳ Đại hội có sự tham dự của gần 1.500 đại biểu gồm một số nguyên thủ, lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo cơ quan môi trường của 183 quốc gia, các tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức phi chính phủ về môi trường, các định chế tài chính quốc tế, đại diện một số đối tác phát triển tại Việt Nam, các chuyên gia về môi trường… để thảo luận những vấn đề môi trường của thế giới. Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát đi thông điệp kêu gọi cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”. Cũng trong năm 2018, nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức thành công như Khóa họp thường niên lần thứ 50 của Ủy ban Bão quốc tế; Đại hội Địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông Á lần thứ 15; Phiên họp lần thứ 25 Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế... Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. 6. Sáng kiến về thiết lập Cơ chế hợp tác toàn cầu, mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề xuất tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada và tại Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Để thực hiện sáng kiến, năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động rộng khắp phong trào chống rác thải nhựa, giảm dần sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đã được nhiều cơ quan, tổ chức và cộng đồng hưởng ứng tích cực; triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương. 7. Công viên địa chất non nước Cao Bằng được công nhận Công viên Địa chất toàn cầu tại Phiên họp lần thứ 204 Hội đồng chấp hành UNESCO được tổ chức tháng 4 năm 2018 tại Pa-ris, Cộng hòa Pháp. Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được công nhận tiếp sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang; danh hiệu thứ 38 của Việt Nam được UNESCO công nhận và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 khu vực Đông Nam Á. Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng rộng gần 3.300 km², trải rộng trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất, địa mạo độc đáo, giá trị tầm cỡ quốc tế điển hình thông qua các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ, sông, hang ngầm liên thông; nhiều di sản giá trị minh chứng khoa học lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm. 8. Hà Nội – Thành phố đầu tiên của nước ta đầu tư hệ thống mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Theo đó đến năm 2018, Hà Nội hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc không khí lưu động; 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng Trung tâm Điều hành và Quản lý dữ liệu Tài nguyên và Môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác. Số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h; công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện khác nhau để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực sinh sống. Tuy nhiên, kiểm soát ô nhiễm môi trường trước các tác động và áp lực mạnh mẽ của nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn; cần các giải pháp quản lý, kỹ thuật đồng bộ và tổng thể. 9. Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Năm 2018, ứng dụng thành công hệ thống tương tác, liên thông, xử lý, gửi, nhận văn bản, hồ sơ trực tiếp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với 63 Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan thuộc Chính phủ. Chính thức cắt giảm 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62,6%, vượt chỉ tiêu của Chính phủ là 12,6%); cắt giảm 38/74 hàng hóa kiểm tra chuyên ngành (đạt 51,3%) được quy định Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05/10/2018 của Chính phủ và Thông tư số 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 10. Tìm thấy nước ngọt tại đảo Bạch Long Vĩ. Đầu năm 2018 đã tìm ra và khoan thành công 2 lỗ khoan (BLV1 và BLV2) tại huyện đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng với độ sâu 80 m, đạt lưu lượng tương đương là 0,526l/s, 0,35l/s nước ngọt, tương đương với lưu lượng tổng cộng là 75m3/ngày; xây dựng, chuyển giao trạm xử lý nước để đưa vào sử dụng cho sinh hoạt. Phát hiện này góp phần quan trọng trong việc mở ra hướng giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho nhân dân các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo của nước ta cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội. Bình Nguyên  

Trang