Chính trị - Xã hội

Khai mạc Đại hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15

TĐKT - Sáng 16/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Hội Địa chất, Tài nguyên khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á đã khai mạc Đại hội lần thứ 15 (GEOSEA XV).  Dự phiên khai mạc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, cùng Đại sứ, đại diện sứ quán, đại diện các đoàn Ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam. Phiên khai mạc Đại hội Đại hội thu hút 300 báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ, là các nước thành viên khối ASEAN và các nước có ngành địa chất, khoáng sản phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Đan Mạch, Canada, Trung Quốc. Phát biểu Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Đại hội Địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á tổ chức thường kỳ 2 năm một lần, được xem là sự kiện hàng đầu về khoa học địa chất trong khu vực. Năm nay, Việt Nam rất vinh dự là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 15. Đại hội cũng là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, thành tựu mới nhất về khoa học công nghệ và quản lý trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản và năng lượng, hướng tới phát triển bền vững của các quốc gia. Chủ đề của Đại hội lần này là: “Khoa học địa chất và tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững”. Đây là vấn đề cấp bách đặt ra đối với toàn cầu và khu vực trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp với tai biến địa chất đang đe dọa đời sống, sinh kế của người dân như thảm họa động đất, sóng thần ở Fukushima Nhật Bản năm 2011, động đất kết hợp sóng thần ở thành phố Palu, Indonesia mới đây hay sạt lở do mưa lũ ở một số nước trong đó có Việt Nam… Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên khai mạc Trong khuôn khổ GEOSEA XV, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn, ngoài việc chia sẻ những thành tựu mới nhất của khoa học địa chất trong điều tra cơ bản, tìm kiếm, đánh giá, thăm dò, khai thác và chế biến các nguồn tài nguyên của trái đất, các nhà khoa học tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan: Nghiên cứu, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong dự báo các tai biến địa chất như động đất, sóng thần, trượt lở, sụt lún đất đai..; nghiên cứu, chia sẻ các giải pháp để tìm kiếm các nguồn khoáng sản chiến lược mới nhất là khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản biển; khai thác các nguồn năng lượng mới bền vững như địa nhiệt, khí đá phiến… cho nhu cầu an ninh năng lượng quốc gia; đề xuất xây dựng chính sách phù hợp để quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đảm bảo phát triển bền vững. Phát biểu khai mạc GEOSEA XV, PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết mục tiêu của Đại hội lần này là: Khoa học địa chất và tài nguyên trái đất hướng tới phát triển bền vững; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu điều tra cơ bản địa chất, thăm dò, khai thác tài nguyên của trái đất trong cộng đồng các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới; thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 - 2025. Ngoài phiên họp toàn thể, các báo cáo của Đại hội sẽ được trình bày trong 12 Tiểu ban chuyên môn: Cổ sinh - Địa tầng - Trầm tích luận; Địa hóa - Khoáng vật; Thạch luận đá magma và biến chất; Địa chất biển; Địa vật lý; Cấu trúc địa chất - Kiến tạo - Sinh khoáng; Tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Tài nguyên năng lượng và chế biến; Địa chất thủy văn, Quản lý tài nguyên nước và Địa chất công trình; Địa chất môi trường - Di sản địa chất - Công viên địa chất; Địa kỹ thuật và địa chất đô thị; Biến đổi khí hậu và tai biến địa chất. Đại hội diễn ra từ ngày 16 – 17/10/2018. Ngoài ra, có 5 tuyến thực địa trước và sau Đại hội: Di sản thế giới Vịnh Hạ Long - Cát Bà;  Đới cắt trượt Sông Hồng - biến chất Hoàng Liên Sơn; Đới Ophyolit Sông Mã - Rift Sông Đà; Công viên Địa chất toàn cầu Đồng Văn; Đới biến chất cao và siêu cao Kon Tum. Phương Thanh

Tổng kết Chiến dịch, trao giải Cuộc thi thiết kế poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển” năm 2018

TĐKT - Tối ngày 12/10, tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam, Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp với Hãng hàng không Vietjet đã tổ chức Tổng kết cao điểm Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” năm 2018. Chiến dịch được diễn ra từ ngày 2/6 đến ngày 31/8/2018, là một trong những nội dung trọng tâm của Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2018. Chiến dịch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò của biển đối với đời sống con người, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hành động bảo vệ môi trường biển bằng các hoạt động thiết thực; đồng thời hỗ trợ, động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh ven biển Việt Nam tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Kim Quy, Ủy viên BCH Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet trao 2 giải nhất cho 2 tác giả đạt giải Cuộc thi Qua 3 tháng triển khai các hoạt động cao điểm của Chiến dịch, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, cùng với sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan đơn vị, các cấp bộ đoàn, cấp bộ Hội đã tổ chức, triển khai các hoạt động làm sạch biển với nhiều nội dung phong phú nhằm tăng cường nhận thức, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho đoàn viên, thanh niên và cộng đồng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến đối tượng đoàn viên, thanh niên là ngư dân và khách du lịch tại 28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển. Các tỉnh, thành đoàn đã chủ động phát hiện những điểm đen về ô nhiễm môi trường biển, từ đó tổ chức các đội hình tình nguyện nòng cốt duy trì thường xuyên các hoạt động thu gom rác thải, xử lý dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm rác thải, tổ chức tuyên truyền cho ngư dân và khách du lịch nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định, huy động nguồn lực tặng thùng rác, trồng cây chắn sóng, lắp đặt biển tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển, tặng quà cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, tổ chức các hoạt động “đổi rác lấy quà”. Đoàn viên, thanh niên tham gia dọn sạch rác tại bờ biển khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên Với việc triển khai hiệu quả tại 28/28 tỉnh, thành phố có đường bờ biển, các cấp bộ Đoàn, cấp bộ Hội đã tổ chức 13.039 đợt ra quân với 99.364 đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia các hoạt động làm sạch biển; xây dựng 367 điểm duy trì hoạt động hãy làm sạch biển tối thiểu mỗi tuần 1 lần tại ít nhất 1 điểm bị ô nhiễm rác thải và thu gom được 1.282 tấn rác thải. Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết các hoạt động từ thiện cộng đồng, bảo vệ môi trường, là một phần trong đời sống của cán bộ, nhân viên của Vietjet. Đây cũng là một phần trong kế hoạch phát triển bền vững được Vietjet xây dựng và thực hiện đều đặn mỗi năm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và du khách đối với môi trường biển, phát triển con người, kiến tạo nên cộng đồng văn minh và ngày càng tốt đẹp hơn.          Với tư cách là đại diện đơn vị đồng hành, ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng giám đốc Vietjet, đánh giá rất cao kết quả đạt được của chương trình Hãy làm sạch biển trong năm 2018. Chương trình đã thật sự tác động tích cực đến nhận thức của người dân sống tại những khu vực ven biển về tầm quan trọng của giữ gìn môi trường biển, động viên ngư dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục ra khơi bám biển, phát triển kinh tế. Đặc biệt, đơn vị tổ chức chương trình là Hội LHTN Việt Nam, đây là một đơn vị có nhiều thế mạnh như nguồn nhân sự trẻ, rộng khắp, năng động, luôn tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, hơn thế nữa còn có nhiều ý tưởng sáng tạo, những mô hình có tính khả thi cao khi áp dụng vào thực tiễn, điều này đã thể hiện rất rõ nét thông qua Cuộc thi thiết kế poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển” năm 2018. Trong thời gian tới, ông Quang hy vọng Hội LHTN Việt Nam sẽ tiếp tục cùng phối hợp với Vietjet tổ chức nhiều chương trình hơn nữa có ích cho cộng đồng, xã hội đồng thời nâng cao nhận thức cũng như sự tiên phong của giới trẻ Việt Nam với đất nước Nhân dịp này, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tặng Bằng khen cho 5 đơn vị có thành tích xuất sắc trong triển khai Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” hè 2018 là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Bến Tre, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên và Đoàn Thanh niên Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Cũng tại Lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao tặng Bằng khen, giấy chứng nhận  cho hơn 20 tập thể, cá nhân đạt giải Cuộc thi thiết kế poster và sáng kiến “Hãy làm sạch biển” năm 2018. Các tác phẩm gồm 60 poster Hãy làm sạch biển đã được lựa chọn để trưng bày, tuyên truyền cho các em học sinh trường THCS Hùng Vương, TP Tuy Hoà. Tất cả các tác giả đạt giải Cuộc thi đã cùng đoàn viên, thanh niên Phú Yên vẽ bức tường dài 20 m với các hình ảnh là 9 thiết kế poster được giải tại khu vực đường bờ kè từ sân bay Tuy Hoà về trung tâm thành phố. Đây là mô hình tuyên truyền rất ý nghĩa và hiệu quả dành cho người dân cũng như khách du lịch về việc bảo vệ môi trường biển khi đi du lịch tại Phú Yên. Cùng ngày, hàng trăm đoàn viên, thanh niên, người dân Phú Yên đã tham gia hoạt động tuyên truyền cho người dân cũng như tổ chức dọn dẹp, thu gom rác thải tại điểm nóng về ô nhiễm rác thải khu vực bờ biển khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Hưng Vũ  

Khánh thành trung tâm máy tính chuyên dụng Đại học Anh quốc Việt Nam

TĐKT – Mới đây, ngài Edward Vaizey, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh tại Việt Nam, Lào và Campuchia đã tới thăm trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) tại Khu đô thị Ecopark và dự Lễ khánh thành Trung tâm máy tính chuyên dụng của nhóm ngành công nghệ thông tin và thiết kế, lập trình Game. Đây được coi là trung tâm đầu tiên trong chuỗi các trung tâm học tập công nghệ cao được xây dựng với mục đích trang bị đầy đủ hơn cho sinh viên trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với mức đầu tư ban đầu hơn 250 nghìn USD và tổng giá trị đầu tư lên tới 1 triệu USD, Trung tâm máy tính chuyên dụng của BUV được trang bị hệ thống máy tính và thiết bị tân tiến nhất trên thế giới, là không gian học tập và thực hành hàng đầu cho sinh viên tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự Lễ khánh thành trung tâm máy tính chuyên dụng tại khuôn viên Đại học Anh quốc Việt Nam cơ sở Ecopark Đầu tư xây dựng khuôn viên trường với diện tích 6,5 ha, Đại học Anh quốc Việt Nam luôn phấn đấu với sứ mệnh đem lại nền giáo dục đẳng cấp Anh quốc đến với sinh viên Việt Nam. Để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động đa dạng và đổi mới từng ngày, BUV đã mở nhiều ngành học mới trong năm 2018, trong đó phải kể đến ngành thiết kế và lập trình Game. Đây cũng là chương trình cử nhân đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực Gaming, được BUV đưa vào giảng dạy và cấp bằng bắt đầu từ tháng 9 năm nay.  Với số vốn đầu tư khổng lồ, Trung tâm Máy tính chuyên dụng được trang bị hệ thống máy tính hiện đại hàng đầu với những phần mềm tối tân, được cập nhật đổi mới từng ngày để phục vụ cho hoạt động thực hành của sinh viên. Đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất cùng chương trình giảng dạy liên tục cập nhật xu hướng công nghệ thông tin tân tiến nhất trên thế giới, Trung tâm Máy tính chuyên dụng sẽ mang tới cho sinh viên BUV trải nghiệm môi trường giáo dục tiêu chuẩn thế giới, đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và đặc biệt là ngành gaming nói riêng. Ngài Ed Vaizey cùng hiệu trưởng BUV thực hiện nghi thức khai trương trung tâm máy tính chuyên dụng Theo báo cáo mới nhất của Clairfield International về xu hướng phát triển ngành công nghiệp game, quy mô của thị trường game toàn cầu sẽ tăng trưởng 14,6% từ trong vòng 4 năm từ 2017 đến 2020, với các thị trường game lớn nhất tập trung ở Trung Quốc, Mỹ và Nhật. “Những báo cáo tương tự đều cho thấy triển vọng phát triển của ngành công nghiệp mới này, cũng như mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị trong tương lai cho các bạn sinh viên yêu thích lĩnh vực khoa học máy tính và gaming, và muốn phát triển sự nghiệp trong ngành. Với việc ra đời Trung tâm máy tính chuyên dụng của BUV, chúng tôi mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các sinh viên theo học được tiếp cận công nghệ, thiết bị và các chương trình giảng dạy bài bản. Hơn hết, đó là nỗ lực của BUV trong việc đầu tư cho những cơ hội phát triển nghề nghiệp mới của sinh viên Việt Nam”, Giáo sư Raymond Gordon, Hiệu trưởng Đại học Anh quốc Việt Nam chia sẻ. Phát biểu tại sự kiện, ông Ed Vaizey chia sẻ việc Đại học Anh quốc Việt Nam phối hợp cùng Đại học Staffordshire – trường đại học đầu tiên tại Vương quốc Anh đưa khóa học thể thao điện tử (eSport) vào chương trình đào tạo, để xây dựng Trung tâm máy tính chuyên dụng là một nỗ lực vô cùng đáng ghi nhận. Rất ít trường đại học nào trên thế giới dám nghĩ dám làm và tư duy tiến bộ như BUV - một ngôi trường đại diện cho những gì hai quốc gia Anh - Việt có thể chung tay xây dựng, khi kết hợp kỹ năng và sự chuyên nghiệp trong giáo dục mà nước Anh luôn tự hào; cùng những kiến thức, kĩ năng chuyên sâu mà Việt Nam đã và đang phát triển. “Đó sẽ chính là điều giúp cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Anh Quốc thêm phần gắn kết”, ông nhận định. Ngay sau buổi lễ khánh thành, ông Ed Vaizey cũng đã tham gia Hội thảo với chủ đề “Phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin tiêu chuẩn toàn cầu tại Việt Nam", được tổ chức ngay tại BUV, dành riêng cho các học sinh đang theo học tại trường. Tại Hội thảo, ông Ed Vaizey cũng đã chia sẻ góc nhìn về sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc sở hữu nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được các nhu cầu khắt khe của thị trường trong kỷ nguyên công nghệ mới. Hưng Vũ

Trao giải các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ 2, năm 2018

TĐKT - Chiều 12/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và phát động nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2018. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 Vương Đình Huệ dự và phát biểu ý kiến. Cùng dự có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu; các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTTG) giai đoạn 2016 - 2020 và đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí, truyền thông. Ban tổ chức trao giải nhất cho các tác giả có tác phẩm đạt giải Tính đến hết ngày 10/9/2018, Ban tổ chức Cuộc thi các tác phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 lần thứ 2, năm 2018 đã tiếp nhận hàng trăm tác phẩm dự thi của các cá nhân, tập thể các cơ quan báo chí trung ương và địa phương với các thể loại: Phóng sự, ghi chép, bút ký, bài phản ánh, phóng sự ảnh, chương trình phát thanh, chương trình truyền hình... Qua sàng lọc các tác phẩm dự thi, có 174 tác phẩm lọt vào vòng sơ khảo cuộc thi. Các tác phẩm dự thi được các tác giả lựa chọn, phản ánh khá đa dạng công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên cả nước, gắn với thực tiễn triển khai công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Các tác giả đã phản ánh khá đậm nét quá trình xây dựng chính sách và triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Trong các tác phẩm dự thi, có phân tích, so sánh với việc thực hiện các nhóm chính sách giảm nghèo từng giai đoạn, qua đó, truyền tới mọi người thông điệp "Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 không đơn thuần chỉ là giúp hộ nghèo có đủ cơm ăn, áo mặc mà còn phải đảm bảo để họ có thể tiếp cận bình đẳng đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Ban tổ chức đã lựa chọn được 38 cá nhân có các tác phẩm đạt giải (trong đó có 2 giải A, 9 giải B, 13 giải C, 14 giải khuyến khích) và 1 giải tập thể có nhiều tác phẩm dự thi và có nhiều tác phẩm đạt giải. Giải A thuộc về 2 tác phẩm: “Những cách làm mới trong giảm nghèo ở Hậu Giang” (2 bài) của tác giả Bích Châu, Báo Hậu Giang (hạng mục Báo in); tác phẩm “Cây sa mu trên núi cao Huồi Tụ” của tác giả Hà Thư - Văn Duy - Hoàn Huy, Trung tâm Truyền hình Nhân dân, Báo Nhân dân (hạng mục Báo hình). Phát biểu tại Lễ trao giải, đồng chí Vương Đình Huệ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 biểu dương các tác giả có tác phẩm xuất sắc được trao giải lần này. So với năm 2017, các tác phẩm năm nay có sự đầu tư công phu hơn, sát với thực tiễn hơn. Phó Thủ tướng mong muốn, Cuộc thi tiếp tục được phát động trong năm 2019, với sự tham gia nhiều hơn nữa của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Những người làm báo cần bám sát thực tiễn cuộc sống hơn nữa để phản ánh đầy đủ, toàn diện, chân thực hơn công cuộc chống lại đói nghèo và giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước; về những tấm gương vượt khó vươn lên thoát nghèo; các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia Cuộc vận động “Cả nước chung tay vì người nghèo”, góp phần đưa công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đạt được những thành tựu mới. Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTTG giai đoạn 2016 - 2020 tổ chức phát động đợt nhắn tin "Cả nước chung tay vì người nghèo" qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 do Bộ TT&TT, Bộ LĐ-TB&XH, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp tổ chức, với cú pháp: VNN gửi 1409 để hướng ứng Ngày Quốc tế chống đói nghèo và cũng là Ngày Vì người nghèo ở Việt Nam 17/10. Phương Thanh  

Hội thi Giảng viên dạy giỏi lần thứ III năm 2018 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TĐKT - Trong 2 hai ngày 10 - 11/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thi Giảng viên dạy giỏi lần thứ III năm 2018, với sự tham gia của 39 thí sinh xuất sắc nhất được lựa chọn từ các hội thi giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở của các viện chuyên ngành và các Học viện trực thuộc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Học viện trao chứng nhận Giảng viên giảng dạy giỏi cấp Học viện cho các cá nhân Đánh giá chất lượng của Hội thi, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Chính sự khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm từ công tác chuẩn bị đến tổ chức triển khai Hội thi, cùng với sự nỗ lực của các giảng viên tham gia thi cũng như tinh thần làm việc khách quan, nghiêm túc của ban giám khảo đã tạo nên thành công của cuộc thi. Đây là lần đầu tiên Hội thi tổ chức đánh giá công khai từng giảng viên. 39 thí sinh dự thi với những bài giảng và phong cách khác nhau đã minh chứng cho tâm huyết, sự nỗ lực, quyết tâm của đội ngũ giảng viên Học viện trong việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy và học. Các giảng viên dự thi dù bốc thăm được bất kỳ chủ đề nào cũng bình tĩnh, tự tin, đĩnh đạc lên lớp với tinh thần của người giảng viên trường Đảng. Đặc biệt, họ có cách tương tác hiệu quả với học viên lớp cao cấp lý luận chính trị, trong đó đối tượng học viên là lớp lãnh đạo quản lý. Các bài giảng dự thi sử dụng đồng bộ nhiều phương tiện, từ sử dụng bảng phấn cho đến thành thạo sử dụng các videoclip, powerpoint….đã tạo không khí hứng khởi, sôi nổi cho người dự nghe, người học. Đặc biệt, nhiều giảng viên nắm vấn đề bài giảng rất chắc, không chỉ dựa trên giáo trình mà còn tự cập nhật, vận dụng thực tiễn mới nhất của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong bài giảng của mình. Có những bài giảng còn cập nhật cả văn kiện Hội nghị Trung ương 8... Hội thi Giảng viên dạy giỏi lần thứ III - năm 2018 thực sự là cơ hội cho các giảng viên trong toàn hệ thống Học viện thể hiện năng lực, nghiệp vụ sư phạm và trình độ kiến thức của bản thân từng cá nhân, trau dồi kinh nghiệm với các đồng nghiệp. Đồng thời là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó giúp lãnh đạo Học viện có cách nhìn tổng thể hơn trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thi “Hiệu quả nhất của Hội thi lần này có lẽ là sự trưởng thành của các giảng viên trường Đảng. Tôi đánh giá cao sự chủ động cập nhật các Nghị quyết, kết luận mới nhất của Trung ương trong bài giảng của các đồng chí, từ đó truyền tải đến học viên sẽ có giá trị hơn rất nhiều. Tôi mong rằng các đồng chí tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý, nghiên cứu khoa học phục vụ đào tào và tư vấn chính sách của Học viện xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng”  - GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh. Sau Hội thi, vinh dự được công nhận danh hiệu “Giảng viên giỏi”, anh Nguyễn Chí Tùng, cán bộ Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Gần 2 năm giảng dạy ở Học viện, khó khăn nhất với tôi đó là yêu cầu không ngừng tự nâng cao chuyên môn, nâng cao tính thực tiễn trong giảng dạy. Là giảng viên, tôi thường xuyên thông qua trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp và học viên để tiếp thu thực tế; kết hợp đọc sách báo, nghiên cứu, bổ sung thêm các kiến thức mới. Khi đến với Hội thi, tôi mong muốn vượt qua chính bản thân mình, củng cố bản lĩnh của người giảng viên trường Đảng. Và thực sự, kết quả sau Hội thi đã cho tôi cảm giác tự tin hơn. Tôi được củng cố thêm về phong thái giảng dạy hòa đồng hơn, cách giao tiếp, tương tác với học viên một cách hiệu quả hơn. Kết thúc Hội thi, ban tổ chức đã trao chứng nhận Giảng viên giảng dạy xuất sắc và Bằng khen của Học viện cho 3 cá nhân; 13 cá nhân khác được trao chứng nhận Giảng viên giảng dạy giỏi cấp Học viện. Mai Thảo  

Hà Nội: Thông xe cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên

TĐKT - Sáng 11/10, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ thông xe cầu vượt tại nút giao An Dương  - đường Thanh Niên, để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ. Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Kể từ khi hoàn thành cầu Nhật Tân và đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài từ năm 2015 đã tạo thêm một tuyến đường trục chính đô thị kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố nhanh chóng, thuận lợi. Theo đó lưu lượng giao thông kết nối với Trung tâm chính trị Ba Đình, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì cũng tăng đột biến và tạo áp lực rất lớn lên nút giao An Dương - đường Thanh Niên, cũng như tuyến đê Nghi Tàm, dẫn đến khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại và sinh hoạt của nhân dân. Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên Để nhanh chóng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên theo cơ chế đặc thù. Sau hơn 10 tháng thi công, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết, do vướng công trình ngầm nổi, tuy nhiên, với sự cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý dự án, các đơn vị thi công và các sở, ban, ngành của thành phố nên công trình đã hoàn thành đảm bảo chất lượng, mỹ quan và đủ điều kiện để thông xe đưa vào khai thác sử dụng.  Phát biểu tại Lễ thông xe, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, việc thông xe công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên có ý nghĩa rất quan trọng, một mặt giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông, tạo sự kết nối thuận lợi giữa Trung tâm chính trị Ba Đình với cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài, mặt khác, thực hiện được việc gia cố vững chắc đê điều, đảm bảo an toàn phòng, chống lũ và tạo được cảnh quan đô thị trong khu vực, góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thủ đô. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá cao và biểu dương các sở, ban, ngành của thành phố; UBND các quận: Ba Đình, Tây Hồ; các đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động… đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, lao động cật lực trên công trường để công trình hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, mỹ quan và an toàn. Từ hiệu quả mang lại của công trình này, Chủ tịch cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu để triển khai tiếp đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao Nhật Tân và sẽ báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành cho phép cơ chế để triển khai nhanh chóng thuận lợi nhằm sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đồng bộ cả tuyến, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Để công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả, Chủ tịch đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức bàn giao ngay các hạng mục cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu, quyết toán hoàn thành công trình sau đầu tư theo đúng tiến độ quy định; đẩy nhanh các thủ tục để triển khai đoạn tiếp theo từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân. Sở Giao thông Vận tải tổ chức tiếp nhận bàn giao công trình cầu để thực hiện duy tu, duy trì; phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ theo dõi tình hình giao thông đi lại của khu vực sau khi thông xe để kịp thời có phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo an toàn, thuận lợi. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức tiếp nhận bàn giao toàn bộ hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, cấp nước đã đầu tư để thực hiện duy tu, duy trì ngay các hạng mục công trình theo quy định cũng như tổ chức đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tiếp nhận bàn giao hạng mục đê bê tông cốt thép để thực hiện duy tu, duy trì; phối hợp với Ban Quản lý dự án để triển khai thực hiện đoạn tiếp theo quy định. UBND các quận Ba Đình, Tây Hồ thường xuyên tổ chức tuyên tuyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị tại phạm vi nút giao và thực hiện chỉnh trang tuyến phố, đảm bảo mỹ quan đô thị. Thục Anh

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện

TĐKT - Tối 10/10, tại Hà Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Trung ương MTTQ tỉnh Hà Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức Lễ kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903 – 13/10/2018) và Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng”. Dự lễ kỷ niệm, có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại Lễ kỷ niệm Đồng chí Lương Khánh Thiện quê ở Mễ Thượng, tổng Mễ Tràng (nay là tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam). Năm 1923, đồng chí rời quê hương, ra TP Hải Phòng học Trường Kỹ nghệ thực hành và được giác ngộ cách mạng. Năm 1925, đồng chí tham gia vận động học sinh bãi khóa, viết đơn đòi trả tự do cho nhà yêu nước Phan Bội Châu. Tháng 4/1929, đồng chí được kết nạp vào Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hải Phòng. Tháng 8/1929, Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng thành lập, đồng chí được phân công phụ trách xây dựng cơ sở, tổ chức đảng ở Nhà máy Chai. Tháng 5/1930, đồng chí bị mật thám Pháp bắt; đến tháng 9/1936, đồng chí được trả tự do và tiếp tục hoạt động tại Hà Nội. Từ tháng 3/1937 đến tháng 10/1940, đồng chí Lương Khánh Thiện đảm nhận các chức vụ: Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bí thư Liên tỉnh B (gồm Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An) và Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Ngày 18/1/1941, đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng, sau đó đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Ngày 1/9/1941, đồng chí Lương Khánh Thiện bị xử bắn tại Kiến An (Hải Phòng). Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cuộc đời của đồng chí Lương Khánh Thiện là một trang sử vẻ vang, một tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tư chất cao đẹp của người cộng sản yêu nước. Từng giữ nhiều chức vụ quan trọng, với phương pháp và phong cách cách mạng quyết đoán, sáng tạo đồng chí đã góp quan trọng trong việc tuyên tuyền, đấu tranh, xây dựng, củng cố các tổ chức, cơ sở cách mạng, mở rộng địa bàn hoạt động của đảng ở các tỉnh phía Bắc. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt trong phong trào cách mạng của Đảng ta. Khí phách hiên ngang, tinh thần kiên trung cùng với những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện, sự hy sinh dũng cảm của các nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập, noi theo. Đồng chí đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao các quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ Nhân dịp này, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao các quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân tặng 9 nữ liệt sĩ dân quân Lam Hạ. Tại Chương trình nghệ thuật “Hà Nam đất mẹ anh hùng”, các đại biểu và nhân dân được thưởng thức các ca khúc, hoạt cảnh nghệ thuật theo 3 chương: Người cộng sản kiên trung; tiếp bước truyền thống cách mạng, các thế hệ người dân Hà Nam hăng say lao động, anh dũng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hà Nam hội nhập và phát triển. Thông qua đó, khắc họa cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện; tấm gương hy sinh anh dũng của các nữ dân quân pháo phòng không Lam Hạ; những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam trong quá trình hội nhập và phát triển. Nguyệt Hà

Phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông - Xuân

TĐKT- Chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thong tin về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng lưu hành và gặp tại hầu hết ở 63 tỉnh, thành. Bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên, số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với số ca mắc hàng năm khoảng 100 nghìn trường hợp. 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 29.324 trường hợp mắc nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Quang cảnh họp báo Số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%. Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Theo Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, bệnh sởi cũng mang đến nguy cơ cao trong mùa đông xuân. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó, có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, với 1 ca tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài). So với năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn. Các tỉnh có số ca mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, do miền Nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh: Thứ nhất, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà...). Thứ hai, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu. Thứ ba, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Thứ tư, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Thứ năm, đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Thứ sáu, khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám, xử trí kịp thời. Hồng Thiết

Đạp xe diễu hành hưởng ứng Tháng phòng, chống cháy nổ 2018

TĐKT – Sáng 10/10, gần 200 bạn trẻ tại Hà Nội đã tham gia Chương trình “Đạp xe diễu hành hưởng ứng Tháng phòng, chống cháy nổ 2018”. Chương trình do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công thương), Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và Cứu hộ, cứu nạn (CHCN) - Bộ Công an, Đại học PCCC tổ chức. Ban Tổ chức cắt băng khai mạc Chương trình Chương trình là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và một số kỹ năng trong công tác phòng, chống cháy nổ, qua đó, bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, đơn vị, tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Ông Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo – Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi mong muốn qua chương trình, toàn dân sẽ nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm đối với hoạt động PCCC, qua đó chủ động trong công tác PCCC khi có sự cố cháy nổ xảy ra.” Đại diện các đơn vị khởi động Chương trình đạp xe diễu hành hưởng ứng Tháng phòng, chống cháy nổ 2018 Theo thống kê, năm 2017 tình hình cháy, nổ trên cả nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Tình hình cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu cháy nhà dân, nhà liền kề (1290 vụ) và một số loại hình cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Mặc dù đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, nhưng vẫn còn đơn vị, cá nhân chủ quan, chưa thực sự chú trọng công tác này, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng phòng, chống cháy nổ 2018 với chủ đề “Vì bình yên cuộc sống” là hoạt động thường niên được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày 4 tháng 10 - Ngày toàn dân PCCC. Phương Thanh

Thuốc lá - gánh nặng bệnh tật và kinh tế

TĐKT - Sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng bệnh tật và kinh tế nặng nề cho Việt Nam. Theo WHO, tại Việt Nam, thuốc lá gây ra trên 40.000 ca tử vong mỗi năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả. Theo số liệu của Bệnh viện K (năm 2000), tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%; không hút thuốc lá là 3,2%. Theo nghiên cứu của Viện chiến lược và chính sách y tế (2011), bệnh tật và tử vong do thuốc lá làm mất đi hơn 1,5 triệu năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam, chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam. Thuốc lá gây ra tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1% GDP của năm, số liệu thống kê năm 2011). Những tổn thất này bao gồm chi phí điều trị bệnh, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, và tổn thất do tử vong sớm do hút thuốc gây ra ở Việt Nam. Ngoài ra, người dân Việt Nam phải bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá hút hàng năm. Giá thuốc lá ngày càng rẻ so với thu nhập, sức mua thuốc lá gia tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao nhất về hút thuốc lá ở nam giới (45,3% năm 2015) và phơi nhiễm với hút thuốc thụ động ở môi trường trong nhà. Trong năm 2013, Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia, phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, với tầm nhìn 2030, trong đó đưa ra các mục tiêu cụ thể để giảm tỷ lệ hút thuốc trong nhóm: Thanh niên (15 - 24 tuổi), từ 26% năm 2011 xuống còn 18% vào năm 2020; nam giới, từ 47,4% năm 2011 xuống còn 39% vào năm 2020; phụ nữ còn dưới 1,4% vào năm 2020. Thục Anh

Trang