TĐKT - 13 giờ ngày 14/3, Viện Pasteur Nha Trang cho biết mẫu xét nghiệm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế gửi đến dương tính SARS-COV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 49.
Đây là hành khách nước ngoài đi trên chuyến bay VN0054 từ London tới, nhập cảnh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sáng 2/3.
Bệnh nhân là nam giới, 71 tuổi, quốc tịch Anh, là chồng, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 30 (BN30).
Trước đó, vào ngày 8/3, bệnh nhân đã được cách ly và hiện đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế.
La Giang
Chính trị - Xã hội
TĐKT - 10 giờ sáng ngày 14/3, Bộ Y tế nhận được thông tin của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 của một bệnh nhân, cụ thể:
Bệnh nhân nam, 31 tuổi, trú quán tại phường 14, quận 10, TP Hồ Chí Minh, bệnh nhân ngồi chung xe ô tô với ca 45 và cùng đi tiếp xúc với ca số 34 tại Bình Thuận.
Được biết, sáng ngày 11/3, sau khi biết thông tin ca số 34 mắc bệnh COVID-19, bệnh nhân được hướng dẫn tự cách ly tại nhà.
Theo đó, ngày 13/3, bệnh nhân được chuyển cách ly tập trung tại Quận 10, lấy mẫu xét nghiệm và chưa có triệu chứng. Hiện nay sức khỏe ổn định.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm dương tính vào tối ngày 13/3.
Sau đó, mẫu bệnh phẩm được chuyển cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh 23 giờ ngày 13/3. Sáng nay, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.
La Giang
TĐKT - Chiều ngày 13/3, Bộ Y tế nhận được thông tin kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về 2 ca bệnh COVID-19, cụ thể như sau:
Bệnh nhân số 46: Bệnh nhân nữ, 30 tuổi, địa chỉ ở Khương Trung, Khương Trung, Thanh Xuân. Bệnh nhân là tiếp viên hàng không trên chuyến bay của từ London về Hà Nội ngày 9/3. Ngày 10/3, bệnh nhân có sốt nóng và ho đờm, không tức ngực. Ngày 11/3 bệnh nhân đi khám tại Trung tâm Y tế Hàng không, sau đó được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tại đây bệnh nhân được cách ly và lấy mẫu làm xét nghiệm lần đầu cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ngày 13/3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã đến điều tra thông tin dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm. Hiện tại, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân ổn định.
Bệnh nhân số 47: Bệnh nhân nữ, 43 tuổi, địa chỉ ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội. Bệnh nhân là giúp việc trong tòa nhà của bệnh nhân số 17 (BN17), có tiếp xúc gần. Ngày 5/3, sau khi phát hiện số 17, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã rà soát và lập danh sách tiếp xúc gần, bệnh nhân này đã được điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Đông Anh vào ngày 6/3. Hiện tại sức khoẻ của bệnh nhân ổn định
Theo kết quả xét nghiệm: Mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật: Realtime RT – PCR. Nơi thực hiện xét nghiệm: Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Hồng Thiết
TĐKT - Theo thông tin từ Bộ Y tế, 17 giờ ngày 13/3/2020, Bộ Y tế nhận được thông tin của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh thông báo kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, cụ thể:
Bệnh nhân nam, trú quán tại phường 7, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34 (BN34).
Bệnh nhân này đã ăn tối và làm việc với vợ chồng BN34 tại Bình Thuận ngày 3/3.
Ngày 4/3 bệnh nhân trở lại TP Hồ Chí Minh trên xe cá nhân cùng 3 người khác.
Ngày 10/3, sau khi biết thông tin BN34 mắc bệnh COVID-19, bệnh nhân đã tự cách ly tại nhà.
Ngày 12/3, bệnh nhân có ngạt mũi, rát họng nên đến khám và được cách ly tập trung tại quận Tân Bình, sau đó về khu điều trị tập trung tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi bằng xe chuyên dụng cách ly nghiêm ngặt.
Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định. Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh xét nghiệm dương tính lần 1 đêm 12/3. Mẫu bệnh phẩm được chuyển cho Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ngày 13/3. Chiều 13/3, cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.
Nguyễn Hân
Bộ Y tế khuyến cáo cho học sinh phòng tránh mắc bệnh COVID-19
TĐKT - Bộ Y tế đã và đang phát triển các nội dung khuyến cáo, hướng dẫn và sản phẩm truyền thông nhằm xây dựng các thông điệp chi tiết đến từng đối tượng cụ thể. Dưới đây là Khuyến cáo Những việc học sinh cần làm tại nhà hàng ngày và Khuyến cáo Những việc học sinh cần làm tại trường hàng ngày. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phát triển các nội dung và sản phẩm truyền thông cho các nhóm đối tượng trong trường học. Nội dung của Khuyến cáo: Những việc học sinh cần làm tại nhà hàng ngày. Khuyến cáo học sinh cần làm tại nhà Thứ nhất: Súc miệng, họng bằng nước muối/ nước súc miệng thường xuyên. Thứ hai: Giữ ấm cơ thể. Tập thể dục. Ăn chín, uống chín. Thứ ba: Rửa tay với nước sạch và xà phòng thường xuyên (trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn, sau khi đi chơi, đi học về nhà, sau khi tiếp xúc với vật nuôi). Thứ tư: Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp). Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Thứ năm: Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Thứ sáu: Không khạc, nhổ bừa bãi. Thứ bảy: Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa. Thứ tám: Tự theo dõi sức khỏe. Nếu có sốt, ho, khó thở thì phải chủ động báo cho nhà trường. Nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe. Gọi điện cho đường dây nóng 1900.9095; 19003228 để được tư vấn. Đến cơ sở y tế để được khám, điều trị. Thứ chín: Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho, khó thở. Giữ khoảng cách trên 2 mét và đeo khẩu trang nếu phải tiếp xúc Thứ mười: Tránh chỗ tập trung đông người, không tụ tập đông người Khuyến cáo học sinh cần làm tại trường hàng ngày Bên cạnh đó, cha mẹ học sinh hướng dẫn, giúp đỡ và nhắc nhở học sinh thực hiện Khuyến cáo học sinh cần làm tại trường hàng ngày. Hàng ngày học sinh phải rửa tay với nước sạch và xà phòng (hoặc dung dịch rửa tay khô) thường xuyên vào các thời điểm: Trước khi vào lớp; trước và sau khi ăn; sau khi ra chơi, nghỉ giữa giờ; sau khi đi vệ sinh; khi tay bẩn. Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi (tốt nhất bằng giấy lau sạch, khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp). Vứt bỏ khăn, giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, bình nước, khăn mặt, khăn lau tay, gối, chăn… Không khạc, nhổ bừa bãi. Bỏ rác đúng nơi quy định. Nếu bản thân hoặc thấy học sinh khác có sốt, ho, đau họng, khó thở thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ học sinh thực hiện đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học. La GiangPhát động các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới và Ngày Khí tượng thế giới năm 2020
TĐKT - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 1182/BTNMT-TĐKTT gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2020. Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2020 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề là “Water and Climate change” - “Nước và Biến đổi khí hậu”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài nguyên nước, các giải pháp quản lý bền vững nguồn nước trong việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu. Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2020 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề “Climate and Water” - “Khí hậu và Nước”, nhằm hướng đến mục tiêu toàn cầu về sự phát triển bền vững, thực hiện thông qua các hoạt động cộng đồng, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước của mỗi quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức các nội dung phù hợp hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2020. Cụ thể: Treo băng rôn, pano, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp nhằm tuyên truyền chủ đề Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới năm 2020. Tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các dự án, công trình lĩnh vực khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Tổ chức hội thảo, tọa đàm trực tuyến, hướng dẫn việc ưu tiên về thời điểm, tăng tần suất và thời lượng đăng phát về chủ đề tài nguyên nước, dự báo khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu; hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương tuyên truyền các nội dung về tài nguyên nước, biến đổi khí hậu, dự báo, phòng, chống thiên tai… Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước... Phát hiện, biểu dương, khen thưởng, động viên kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, phòng, chống thiên tai và giải pháp, sáng kiến có hiệu quả trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN HƯỞNG ỨNG NGÀY NƯỚC THẾ GIỚI, NGÀY KHÍ TƯỢNG THẾ GIỚI NĂM 2020 Ngày Nước thế giới năm 2020: - Sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. - Tài nguyên nước phải là yếu tố trung tâm của các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. - Hãy góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc thay đổi các thói quen sử dụng nước hằng ngày. - Nước là tài nguyên quý giá! Hãy chung tay bảo vệ tài nguyên nước. - Sử dụng nước hiệu quả là trách nhiệm của mỗi chúng ta. - Con người cần nước để tồn tại. Vì vậy, cần quản lý nước một cách an toàn và bền vững. Ngày Khí tượng thế giới năm 2020: - Đong đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước. - Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời. Bình NguyênTĐKT - Bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng lây lan nhanh từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, vì vậy tổ chức cách ly y tế triệt để và tuân thủ các quy định về cách ly là một trong những biện pháp căn bản, quan trọng để phòng, chống sự lây lan của bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách ly y tế bao gồm cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Việc cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú được áp dụng đối với những người tiếp xúc với người có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân được xác định nhiễm vi rút SARS-CoV-2 (đối tượng F2), những người tiếp xúc gián tiếp (đối tượng F3, F4). Thời gian cách ly được quy định là 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn nghi ngờ truyền nhiễm.
Cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú có thể được thực hiện tại bất kỳ nơi ở, nơi lưu trú nào như nhà riêng; căn hộ chung cư; nhà ở tập thể; phòng ký túc xá của trường học, khu công nghiệp, xí nghiệp; phòng nghỉ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và các phòng lưu trú của các cơ quan, đơn vị. Việc tuân thủ các quy định cách ly tại nhà, nơi lưu trú cũng như thực hiện tốt những yêu cầu về vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân tại nơi cách ly không những giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh ra cộng đồng mà còn giữ an toàn cho những người thân trong gia đình và những người xung quanh.
Điều trước tiên là cần phải lựa chọn địa điểm phù hợp tại nơi ở, nơi lưu trú để làm phòng cách ly. Tốt nhất là bố trí cho người được cách ly ở một phòng riêng, nên chọn phòng ở cuối dãy, cuối hướng gió, xa khu vực đông người qua lại. Trong trường hợp cách ly tại nhà cũng cần bố trí phòng riêng cho người được cách ly, nếu không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 m và xa khu sinh hoạt chung.
Phòng cho người cách ly cần đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ và các đồ đạc vật dụng trong phòng, có nhà vệ sinh với đủ xà phòng rửa tay và nước sạch. Trong phòng đặt thùng đựng rác có nắp đậy và được đem đi đổ hàng ngày.
Phòng ở của người được cách ly và khu vực sinh hoạt chung tại nơi ở, nơi lưu trú cần phải được làm vệ sinh khử trùng hàng ngày. Có thể dùng các các chất tẩy rửa thông thường, các dung dịch khử khuẩn chứa 0,05% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 10 phút) hoặc 0,1% Clo hoạt tính (đảm bảo thời gian tiếp xúc trên bề mặt là 1 phút) hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Dùng giẻ hoặc khăn lau bằng nước sạch trước, sau đó lau bằng chất tẩy rửa hoặc dung dịch khử khuẩn theo nguyên tắc lau từ chỗ sạch đến chỗ bẩn, từ trong ra ngoài, từ, từ trên xuống dưới.
Các bề mặt cần lau bao gồm:
Thứ nhất, nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật tại khu vực công cộng (sảnh chờ, khu vui chơi, khu thể dục thể thao…), khu vệ sinh chung, cầu thang bộ, thang máy (nếu có). Đối với các khu vực này cần tiến hành lau khử trùng ít nhất 01 lần/ngày.
Thứ hai, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, lan can; nút bấm, cabin thang máy: Cần được lau khử trùng ít nhất 02 lần/ngày.
Lưu ý người làm vệ sinh cần sử dụng găng tay, đeo khẩu trang khi thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa. Tổ chức thu gom rác thải và xử lý hàng ngày.
Bên cạnh vệ sinh khử khuẩn và vệ sinh môi trường, người được cách ly cần ký cam kết thực hiện cách ly với chính quyền địa phương và chấp hành tốt việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định. Hàng ngày người được cách ly tự đo thân nhiệt, tự theo dõi sức khỏe, đồng thời ghi lại kết quả đo, tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày và thông báo cho nhân viên y tế xã, phường, thị trấn.
Người được cách ly cần phải hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác. Tuyệt đối không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
Người được cách ly cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân sau đây:
Thường xuyên đeo khẩu trang. Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng có nắp đậy và mang đi xử lý hàng ngày.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn chứa ít nhất 60% cồn.
Không dùng chung các đồ dùng vật dụng cá nhân như bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt… với người khác. Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.
Mỗi người dần cần nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt các quy định cách ly, vệ sinh phòng dịch là góp phần chiến thắng giặc dịch COVID-19.
Bảo Hân
TĐKT - Ngày 12/3, Bộ Y tế công bố thêm 5 ca nhiễm COVID-19 ở Bình Thuận, đều liên quan bệnh nhân thứ 34.
Khu cách ly Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận
Được biết, Viện Pasteur Nha Trang nhận 56 mẫu bệnh phẩm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận thu thập. Mẫu bệnh phẩm này là trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp có tiếp xúc gần những bệnh nhân mắc COVID-19 tại tỉnh Bình Thuận đã được công bố trong các ngày 10 và 11/3/2020. Kết quả xét nghiệm có 5 mẫu của bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, cụ thể như sau:
Bệnh nhân thứ 40 là bệnh nhân nữ, 2 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.
Bệnh nhân thứ 41 là bệnh nhân nam, 59 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận có tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.
Bệnh nhân thứ 42: Bệnh nhân nam, 28 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận tiếp xúc gần với bệnh nhân số 34.
Bệnh nhân thứ 43 là bệnh nhân nữ, 47 tuổi, quê quán thành phố Phan Thiết, Bình Thuận tiếp xúc gần với bệnh nhân số 38 (BN 38 là con dâu của BN34).
Bệnh nhân thứ 44 là bệnh nhân nam, 13 tuổi, quê quán huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với bệnh nhân số 37 (BN37 là nhân viên của BN34).
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Thuận cho biết đã triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo cơ sở vật chất khu vực điều trị, khu vực cách ly những người mắc bệnh và những người liên quan.
Hiện nay các trường hợp mắc COVID-19 và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận; các trường hợp tiếp xúc gần được đưa đi cách ly tại Trung đoàn 812.
Hồng Thiết
TĐKT - Ngày 12/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng thông tin Nhân đạo Quốc gia 1400 phối hợp tổ chức phát động chương trình nhắn tin “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam 2020”.
Với cú pháp nhắn tin: DA CAM gửi 1409 (20.000 đồng/tin nhắn), Ban tổ chức kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên cả nước, giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam vượt lên nỗi đau, thêm động lực, vươn lên trong cuộc sống. Chương trình được triển khai từ ngày 9/3 đến ngày 8/5/2020.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã kêu gọi toàn thể người dân cả nước hưởng ứng và nhắn tin ủng hộ chương trình.
Ngoài hình thức nhắn tin qua Cổng thông tin Nhân đạo Quốc gia 1400, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam còn kêu gọi các cá nhân, tổ chức cả nước ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật hoặc chuyển tiền qua tài khoản của Trung ương Hội. Toàn bộ số tiền ủng hộ từ chương trình sẽ được Ban tổ chức dùng để hỗ trợ nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, cấp thuốc, học nghề, tặng sổ tiết kiệm, sửa chữa nhà ở dột nát cho các nạn nhân chất độc da cam trên cả nước.
Mọi thông tin ủng hộ, các tấm lòng hảo tâm có thể liên hệ số điện thoại của chương trình: 19001530; email: cong1400@vtc.vn hoặc liên hệ trực tiếp tới Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, địa chỉ: Số 35 đường Hồ Mễ Trì, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội; điện thoại: 024 6265 2645; email: tuyentruyenvava@gmail.com. Tài khoản nhận tiền ủng hộ: Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; số tài khoản: 0031101234005, tại Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội – Chi nhánh Thanh Xuân (Hà Nội).
Từ năm 2011 đến nay, hằng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đều tổ chức chương trình nhắn tin ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tổng số tiền thu được trong gần 10 năm là hơn 20 tỷ đồng.
Trong năm 2019, chương trình đã huy động được gần 1 tỷ đồng, hỗ trợ làm nhà cho gia đình các nạn nhân nghèo, có khó khăn về nhà ở; thăm và tặng quà các gia đình nạn nhân, trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân nhân dịp Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10/8, Tết Nguyên đán Canh Tý. Năm 2020, chương trình đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ đồng để tiếp tục hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam.
Nhân dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 4 tập thể, 4 cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam chương trình năm 2019.
Phương Linh
TĐKT - Ngày 12/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hưởng ứng chương trình hiến máu tình nguyện. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam và Tháng Thanh niên 2020. Hoạt động thường niên này đã được Bộ Y tế duy trì tổ chức từ nhiều năm nay vào mỗi thời điểm khan hiếm máu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn trực tiếp hiến máu
Ở nhiều nước trên thế giới, khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, công tác đảm bảo nguồn người hiến máu và cung cấp máu cũng bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Ở nước ta, ngay sau Tết vừa qua, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến tình hình khan hiếm máu trở nên trầm trọng tại hầu hết các địa phương.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) đã ban hành Công văn số 05/CV-BCĐQG ngày 4/2/2020 về việc đẩy mạnh hoạt động HMTN để giảm nguy cơ thiếu máu cho điều trị trong thời gian phòng, chống dịch.
Trong thời điểm khó khăn, chính các cán bộ y tế trên cả nước là những người tiên phong chia sẻ thông tin và trực tiếp hiến máu. Nhiều đơn vị thuộc Bộ Y tế và các cơ sở tại Hà Nội đã tích cực, chung tay tổ chức các ngày hiến máu với trên 5.000 đơn vị máu được hiến tặng. Tiêu biểu như: Cơ quan Công đoàn Y tế Việt Nam, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục Phòng, chống HIV-AIDS, Cục Quản lý môi trường y tế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…
Theo báo cáo của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, sự chung sức của nhiều cơ quan, đơn vị và những thay đổi về cách thức tổ chức hiến máu trong giai đoạn phòng chống dịch, Viện đã tiếp nhận 36.000 đơn vị máu trong 2 tháng của nhiều năm nay. Trong đó, riêng sự kiện hiến máu Xuân hồng đã thu hút hơn một vạn người đăng ký hiến máu trong 12 ngày tại 7 điểm (thay vì tổ chức 2-3 ngày tại một địa điểm như nhiều năm trước), tiếp nhận 9.005 đơn vị máu, gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu là 5.000 đơn vị máu.
Giai đoạn 2 của cuộc chiến chống COVID-19 với khởi phát là xuất hiện bệnh nhân thứ 17 - ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động hiến máu. Thách thức đặt ra cho các cơ sở y tế nước ta làm sao vừa chống dịch an toàn lại vừa đẩy mạnh hoạt động hiến máu để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, bên cạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện sử dụng máu lập kế hoạch sử dụng máu và chế phẩm máu tiết kiệm, hợp lý trong các trường hợp cần truyền máu và chế phẩm máu, đảm bảo an toàn người bệnh trong truyền máu, đồng thời phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động HMTN các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân tham gia hiến máu.
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của dịch giai đoạn 2, cùng với sự vắng vẻ ở các nơi công cộng thì các điểm hiến máu cũng thưa thớt người đến. Nhiều đơn vị đã có kế hoạch tổ chức hiến máu trong tháng 3 đều đã thông báo hoãn lịch hiến máu và khả năng sẽ còn tiếp tục hoãn. Từ ngày 7/3 đến nay, đã có 70 lịch hiến máu với khoảng 12.000 đơn vị máu trong tháng 3 bị hoãn.
Với phương châm “Hiến máu an toàn, đừng ngại COVID”, Viện sẽ đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A đó là: An toàn cho người hiến máu, an toàn cho người bệnh nhận máu và an toàn cho nhân viên y tế.
Hiện tại, các tài liệu liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các vi rút đường hô hấp này có khả năng lây truyền qua đường máu. Chính vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ các yêu cầu chống dịch, Bộ Y tế kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các nhà quản lý và cộng đồng tiếp tục chung sức, đồng lòng tham gia hiến máu để đáp ứng yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh cần máu.
Hồng Thiết
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 166
- 167
- 168
- 169
- 170
- …
- sau ›
- cuối cùng »