Chính trị - Xã hội

Cập nhật tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút nCoV

TĐKT - Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 11 giờ 00, ngày 31/1/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau: Tổng số trường hợp mắc: 9.832, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 9.699. Tổng số trường hợp tử vong: 213, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 213. Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 133. 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc như sau: Hồng Kông, Trung Quốc: 15 trường hợp; Nhật Bản: 14 trường hợp; Thái Lan: 14 trường hợp; Singapore: 13 trường hợp; Úc: 9 trường hợp; Đài Loan, Trung Quốc: 9 trường hợp; Malaysia: 8 trường hợp; Ma Cao, Trung Quốc: 7 trường hợp; Pháp 6: trường hợp; Hàn Quốc: 7 trường hợp; Mỹ: 6 trường hợp; Đức: 5 trường hợp; Việt Nam: 5 trường hợp; Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 4 trường hợp; Canada: 3 trường hợp; Ý: 2 trường hợp; Campuchia: 1 trường hợp; Phần Lan: 1 trường hợp; Ấn Độ: 1 trường hợp; Nepal: 1 trường hợp;  Philippine: 1 trường hợp; Sri Lanka: 1 trường hợp. La Giang  

Tạm dừng lễ hội để phòng, chống nCoV

TĐKT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương trong trường hợp cần thiết tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 79-CV/TW ngày 29/1/2020 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCov) gây ra, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở VHTT&DL, Sở VH&TT, Sở VHTTTT&DL tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCov gây ra. Trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Điều 8 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội. Trước đó, ngày 29/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công điện số 389/CĐ-BVHTTDL về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Các Sở VHTT&DL, Sở VHTTTT&DL, Sở DL, các lực lượng chức năng tại địa phương, chính quyền cơ sở tập trung kiểm soát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do virus nCoV; yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người nhiễm bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam. Đối với khách du lịch Trung Quốc đang thực hiện chương trình du lịch tại Việt Nam phải thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, theo dõi chặt lịch trình, tình hình sức khỏe và khuyến nghị hạn chế di chuyển. Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và kinh doanh dịch vụ du lịch chú trọng công tác phòng, chống dịch liên quan đến khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách và người lao động. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh cần chủ động phối hợp với các cơ sở y tế địa phương thực hiện cách ly theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ cũng yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân không đi du lịch đến vùng có dịch. La Giang

Cập nhật thông tin ca bệnh nCoV

TĐKT - Theo thông tin tại cuộc họp Chính phủ chiều ngày 30/1, đến 15h20 phút, các mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTƯ) cho kết quả thêm 3 ca nhiễm nCoV dương tính là công dân Việt Nam, trở về từ Vũ Hán. 1 ca đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, 2 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại 2 cơ sở của bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Cả 3 bệnh nhân đều có chung tiền sử dịch tễ: Cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 2 thángvà cùng trở về Việt Nam ngày 17/01/2020 trên cùng chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China. Công tác khử trùng dịch trên máy bay Thông tin cụ thể các bệnh nhân như sau: Bệnh nhân Nguyễn Thị Tr, nữ, 25 tuổi, nghề nghiệp: Công nhân, địa chỉ: Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Bệnh nhân khởi phát ngày 24/1/2020, được trung tâm kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Thanh Hoá lấy mẫu ngày 24/1/2020 chuyển đến Viện VSDTTƯ cùng ngày. Tiền sử dịch tễ: Ngày 17/01/2020 về Việt Nam bằng đường hàng không qua sân bay Nội Bài, sau đó được công ty đón bằng xe công ty di chuyển về trụ sở tại xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 23/01/2020 bệnh nhân bắt xe ra bến xe Giáp Bát và di chuyển bằng xe khách về Yên Định lúc 18h00 cùng ngày, đến khoảng 22h00 bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho. Đến 13h00 ngày 24/01/2020 bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Yên Định khám và đươc chuyển xuống điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BVĐK tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng tỉnh táo, sốt, ho. Hiện tại, bệnh nhân đang được được cách ly tại BVĐK tỉnh Thanh Hóa, trong tình trạng ổn định. Bệnh nhân Phạm Văn Ch., nam, 29 tuổi, địa chỉ: huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân khởi phát ngày 21/01/2020, được Viện VSDTTƯ lấy mẫu ngày 26/01/2020. Tiền sử dịch tễ: Bệnh nhân khi có triệu chứng khởi phát ngày 21/01/2020 đã đi khám bệnh tại phòng khám tư tại huyện Tam Dương, sau đó đến bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc ngày 23/01/2020. Bệnh nhân điều trị không khỏi nhập bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng ngày 26/01/2020. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Giải Phóng. Bệnh nhân Nguyễn Thị D., nữ, 23 tuối, địa chỉ: huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân khởi phát ngày 25/01/2020 tại nhà, được Viện VSDTTƯ lấy mẫu ngày 27/01/2020. Tiền sử dịch tễ: Ngày 25/01/2020, bệnh nhân đi taxi cùng bố đẻ đến nhập viện bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Kể từ khi nhập cảnh vào Việt Nam ngày 17/1/2020 đến khi nhập viện, bệnh nhân tiếp xúc với nhiều người thân, họ hàng. Kết quả xét nghiệm: Cả 3 mẫu bệnh phẩm của 3 bệnh nhân trên đều dương tính với vi rút nCoV bằng cả 2 kỹ thuật, bao gồm: Giải trình tự gien thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS); Realtime RT – PCR. Nơi thực hiện xét nghiệm: Khoa Vi rút, Viện VSDTTƯ. Hồng Thiết

Người dân chủ động phòng, chống nCoV như thế nào?

TĐKT - Bộ Y tế và WHO khuyến cáo người dân thực hiện 7 giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh do virus Corona (nCoV) mới gây ra. Bộ Y tế và WHO khuyến cáo người dân thực hiện 7 giải pháp để phòng, chống nCoV. Bộ Y tế và WHO khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng chống nCoV: - Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế. - Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. - Khi ho, hắt hơi hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay sạch sẽ. - Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch cần thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. - Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín. - Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các động vật nuôi hoặc hoang dã. - Đeo khẩu trang khi đi đến chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh. Hồng Thiết

Hơn 2 triệu suất quà Tết tặng người nghèo và nạn nhân chất độc da cam xuân Canh Tý

TĐKT - Tối 18/1, tại Hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chương trình Sức mạnh Nhân đạo, với chủ đề “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Canh Tý 2020 do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam và trực tuyến trên Truyền hình trực tuyến Việt Nam kết nối toàn cầu - GCTV. Dự buổi lễ có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, đại diện cơ quan ngoại giao, các đối tác trong phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các doanh nghiệp, nhà tài trợ, các nghệ sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn tin ủng hộ Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam Tại Chương trình Sức mạnh Nhân đạo 2020, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tôn vinh các tổ chức, cá nhân đã đồng hành với Hội trong các hoạt động nhân đạo năm 2019 và vận động, ủng hộ trực tiếp tại chương trình số tiền 80 tỷ đồng và 200 triệu đồng từ chương trình nhắn tin nhằm có thêm nguồn lực triển khai phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”. Đến nay, các cấp Hội trong toàn quốc đã và đang trao tặng hơn 2 triệu suất quà cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, với tổng trị giá đạt 1.000 tỷ đồng. Biểu dương và tôn vinh 30 tập thể, cá nhân đã đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo năm 2019 Phát biểu tại Chương trình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đây là Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy mạnh mẽ tinh thần “tương thân tương ái” bao đời của dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tiếp tục chung sức với Đảng và Nhà nước trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội - “Hãy trao đi yêu thương để nhận về hạnh phúc”. Thủ tướng Chính phủ mong muốn Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục làm nòng cốt đi đầu trong hoạt động nhân đạo, là địa chỉ tin cậy để các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi gắm lòng tin, chia sẻ, đóng góp, thực hiện hoạt động nhân đạo. Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi và trực tiếp nhắn tin tại Chương trình (với cú pháp TET gửi 1409, mỗi tin nhắn sẽ đóng góp 20.000 đồng hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết Canh Tý 2020. Chương trình kéo dài đến ngày 7/2/2020). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu “Sau 21 năm thực hiện, phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, trở thành phong trào của toàn dân, thu hút hơn 7.700 tỷ đồng, trợ giúp trên 25 triệu lượt hộ nghèo và nạn nhân chất độc da cam, gia đình chính sách, các hộ bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, với các hình thức trợ giúp đa dạng và thiết thực như: Cấp tiền mặt, tặng bò, tặng nhà, các công trình nhân đạo, khám bệnh cấp thuốc miễn phí....” - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu đã phát biểu tại Chương trình. Phương Thanh

Bộ Y tế họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh

TĐKT - Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới. Bộ Y tế họp ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm phổi “lạ” xâm nhập vào nước ta Trường hợp bệnh đầu tiên khởi phát vào ngày 12/12/2019, tính đến ngày 13/01/2020 đã ghi nhận 59 trường hợp mắc, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp tử vong, 2 trường hợp đã hồi phục hoàn toàn, các bệnh nhân khác trong tình trạng ổn định và chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế bị nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người. Từ ngày 13/01/2020 đến nay, thành phố Vũ Hán chưa ghi nhận trường hợp mắc mới. Trường hợp tử vong là nam 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở thành phố Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận) và có tiền sử bị u ổ bụng và bệnh gan mạn tính. Ngày 09/01/2020, Trung Quốc đã xác định được chủng vi rút mới thuộc họ coronavirus, đã có 41 trường hợp xét nghiệm dương tính với nCoV (bao gồm cả trường hợp tử vong). Trước tình hình diễn biến phức tạp của các trường hợp viêm phổi cấp do chủng vi rút mới corona (nCoV) tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin kịp thời từ WHO, Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế, mạng lưới văn phòng đáp ứng khẩn cấp khu vực ASEAN để xác minh, cập nhật cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng, chống để chia sẻ với các Văn phòng đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng khu vực tại các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo đài và đơn vị phòng, chống dịch bệnh trong nước. Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch đáp ứng phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) với ba tình huống diễn biến dịch bệnh. Duy trì hoạt động của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng tại Bộ Y tế và các viện khu vực, tổ chức đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế (WHO, US-CDC, FAO) và các đơn vị liên quan để kịp thời đề xuất các hoạt động phòng, chống dịch phù hợp. Tăng cường việc giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu, cơ sở y tế, cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên và giám sát dựa vào sự kiện (EBS), đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ thân nhiệt khách nhập cảnh bằng máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tình trạng sức khỏe tất cả các hành khách nhập cảnh về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc; phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Hiện tất cả các cửa khẩu đã tăng cường công tác giám sát hành khách đến từ vùng có dịch, chuẩn bị các kế hoạch ứng phó, phòng cách ly tạm thời, các trang thiết bị thiết yếu phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác phòng, chống nhiễm khuẩn tại các bệnh viện, có kế hoạch phân luồng, cách ly các trường hợp khám bệnh viêm đường hô hấp cấp. Ngày 14/1/2020, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp (quốc tịch Trung Quốc, cư trú tại thành phố Vũ Hán nhập cảnh vào Việt Nam) có biểu hiện sốt tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng qua máy đo thân nhiệt từ xa và đã được cách ly, theo dõi chặt chẽ. Các mẫu bệnh phẩm đã được lấy gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; lập danh sách những người tiếp xúc gần để theo dõi sức khỏe. Bộ Y tế đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Đà Nẵng để tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. Sau khi nghe các thành viên Ban chỉ đạo; các đơn vị liên quan báo cáo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, Cục Y tế dự phòng thường xuyên cập nhật thông tin theo cấp độ, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đưa ra khuyến cáo về cách phòng, chống bệnh một cách cụ thể, hiệu quả. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh ở cửa khẩu cũng như địa bàn các tỉnh có đường biên giới hay khách du lịch từ tỉnh Vũ Hán Trung Quốc tới Việt Nam cũng như duy trì mức cảnh báo ở Việt Nam. Thứ hai, Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện đồng thời phổ biến hướng dẫn điều trị phổi cấp do chủng vi rút mới corona. Khi có dịch bệnh ở đâu phải điều trị tại đó, tránh vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên gây lây lan dịch bệnh. Thứ ba, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng cung cấp thông tin kịp thời về dịch bệnh và cách phòng, chống. Tăng cường nội dung về dịch bệnh trong chương trình điểm tin và thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời cho lãnh đạo Bộ về dịch bệnh. Thứ tư, Vụ Kế hoạch tài chính lên kế hoạch cũng như chuẩn bị kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời hướng dẫn các tỉnh, đơn vị lên kinh phí cụ thể chuẩn bị tốt cho công tác phòng, chống dịch. Thứ năm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có kế hoạch hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh, các địa phương đồng thời tăng cường giám sát lấy mẫu bệnh phẩm khi có nghi ngờ. Bên cạnh đó cần chuẩn bị phương tiện để phối hợp hỗ trợ kịp thời cho các tuyến. Các thành viên Ban chỉ đạo cần thường xuyên trao đổi để công tác phòng, chống dịch đạt được kết quả tốt nhất. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh: Việc phòng, chống dịch không chỉ của riêng ngành y tế mà cần phải có sự chung tay của tất cả các Bộ/Ngành, đơn vị liên quan. Tính đến thời điểm này, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, tuy vậy nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc. Để chủ động phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do chủng vi rút mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau: 1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. 2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi. 3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. 4. Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã. 5. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Hồng Thiết

HUBT ký kết Hợp tác đào tạo thực hành với Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội

TĐKT - Ngày 15/1, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ký kết Hợp tác về đào tạo thực hành cho sinh viên chuyên ngành Răng Hàm Mặt với Bệnh viện. PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và bác sĩ CKII Nguyễn Văn Dĩ, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội ký kết Hợp tác đào tạo thực hành cho sinh viên chuyên ngành Răng Hàm Mặt Hai đơn vị ký kết hướng tới mục đích hợp tác phát triển đào tạo nguồn nhân lực y tế, đào tạo theo nhu cầu của ngành và của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực Răng Hàm Mặt. Qua đó, phát triển các dịch vụ y tế, hợp tác thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ công tác khám, chữa bệnh, hợp tác đào tạo thực hành về Răng Hàm Mặt với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tuân thủ đúng pháp luật về hợp tác đào tạo y học, Khoa Răng Hàm Mặt của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội triển khai các hoạt động cụ thể, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, thiện chí và xây dựng, nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho mỗi bên, gia tăng giá trị cho xã hội. Việc hợp tác giữa Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội sẽ phát huy tiềm năng, các thế mạnh của mỗi bên để cùng hợp tác triển khai và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và cung cấp các dịch vụ có liên quan; góp phần cung cấp nguồn nhân lực, các sản phẩm khoa học - công nghệ và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chất lượng cao trong hoạt động chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người dân nói riêng và cho toàn xã hội nói chung. PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, Chủ nhiệm Khoa Răng Hàm Mặt phát biểu tại buổi ký kết Hợp tác Phát biểu tại lễ ký, PGS.TS. Phạm Dương Châu, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, sự phối hợp giữa Bệnh viện và nhà trường là cơ hội hợp tác mới, triển khai đến từng khoa, từng nhân viên y tế với đích đến là 2 bên cùng có lợi, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với mục tiêu cao nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, hội nhập quốc tế. PGS.TS. Phạm Dương Châu cũng bày tỏ mong muốn sinh viên chuyên ngành Răng Hàm Mặt sẽ nhận được sự chỉ dạy nhiệt tình, giàu tâm huyết của các y, bác sĩ của bệnh viện, góp phần trong công tác phối hợp đào tạo, nâng cao ý thức, năng lực chuyên môn cũng như kiến thức nghiệp vụ của sinh viên. PGS.TS. Trần Cao Bính, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội phát biểu tại buổi ký kết PGS.TS. Trần Cao Bính, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội bày tỏ sự vui mừng khi được hợp tác với Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, khẳng định việc hợp tác lần này cũng là mong muốn của bệnh viện, sẽ góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực y tế tại bệnh viện nói riêng và trên cả nước nói chung, mang lại lợi ích cho đôi bên. Đồng thời, Phó Giám đốc Trần Cao Bính cũng cam kết sẽ luôn đồng hành và hợp tác toàn diện với nhà trường để đạt hiệu quả đào tạo tốt nhất trong thời gian sắp tới.                                                                                 Tin: Thu Hương                                                                                 Ảnh: Huy Thuyết

Chương trình “Xuân đùm bọc - Tết đoàn viên” lần thứ 6: Chung tay giúp người nghèo vui Xuân đón Tết

TĐKT - Ngày 13/1, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) tổ chức Chương trình "Xuân đùm bọc - Tết đoàn viên" lần thứ 6 nhân dịp Tết Canh tý 2020 nhằm giáo dục các bạn sinh viên của nhà trường tinh thần tương thân, tương ái, sống vì cộng đồng, đồng thời góp phần nhỏ bé giúp cho đồng bào nghèo vui Xuân đón Tết. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu khai mạc Chương trình Phát biểu khai mạc Chương trình, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết: Chương trình “Xuân đùm bọc - Tết yêu thương” năm nay nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo đội ngũ cán bộ giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên. Chương trình ý nghĩa này không chỉ mang giá trị nhân văn sâu sắc tới xã hội mà còn giáo dục tinh thần trách nhiệm với cộng đồng cũng như bài học về sự sẻ chia yêu thương cho các thế hệ sinh viên trong trường. TS. Đỗ Quế Lượng trao quà của Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên nhà trường cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp các bạn về quê ăn tết Chương trình Xuân đùm bọc - Tết đoàn viên năm nay, Ban tổ chức dự kiến sẽ hỗ trợ vé xe về quê ăn tết cho sinh viên HUBT có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà cho: Bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện E - Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương; bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Tâm thần Ninh Bình; bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện ung bướu Nghệ An; đồng bào khó khăn xã Hương Trà, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; làng trẻ SOS Đà Nẵng và bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng. Chương trình thu hút đông đảo sinh viên tham gia Quà tặng gồm 1100 bánh chưng; 500 kg gạo nếp; 25 vé xe về quê ăn tết cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất trị giá 300.000 đồng, 700 suất ăn bệnh lý cho bệnh nhân nghèo; lịch treo tường... Những chiếc bánh chưng được sinh viên HUBT gói bằng cả tấm lòng sẽ được chuyển tới tận tay bệnh nhân nghèo Trên đường về của Chương trình, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường sẽ tổ chức cho các bạn sinh viên vào dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ngã ba Đồng Lộc. Thông qua đó, Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên mong muốn giáo dục truyền thống yêu nước cho đoàn viên, thanh niên nhà trường, giúp các bạn có thêm hiểu biết về truyền thống cách mạng của dân tộc, về sự hy sinh của thế hệ cha ông cho độc lập dân tộc. Phương Thanh  

Chung kết toàn quốc Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam

TĐKT - Ngày 12/1, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức  Vòng chung kết toàn quốc Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự tham gia của 15 thí sinh xuất sắc vượt qua các vòng thi tuần và bán kết. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tới dự và trao giải cho các thí sinh. Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong đợt hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với chủ đề “Tuổi trẻ Việt Nam sắt son niềm tin với Đảng”, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh thiếu nhi về truyền thống cách mạng, lịch sử vẻ vang 90 năm của Đảng, khẳng định niềm tin sắt son của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và thế hệ trẻ Việt Nam đối với sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc xây dựng và bảo vệ Đảng, chế độ. Cuộc thi gồm 3 vòng. Đối tượng dự thi là thanh thiếu niên Việt Nam (từ 9 đến 30 tuổi) ở trong và ngoài nước. Để có mặt tại vòng chung kết toàn quốc, thí sinh trải qua vòng thi tuần và bán kết theo hình thức trực tuyến. Theo thống kê, qua 5 tuần thi đã có 691.356 thí sinh đến từ 67 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc và thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài tham gia. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là một trong những cuộc thi trực tuyến có số người tham gia đông đảo nhất do Trung ương Đoàn tổ chức. Đặc biệt, có gần 1.000 thí sinh là thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài như Nga, Hungary, Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Đức, Pháp, Ba Lan, Nhật, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Úc… tham gia thi. Nội dung thi là những thông tin, kiến thức về lịch sử hình thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; những nhân vật lịch sử, nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam có những đóng góp trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam qua 90 năm. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong trao giải nhất cuộc thi. Tại vòng Chung kết, trong số 15 thí sinh tham gia, có 3 học sinh THPT; 3 sinh viên (trong đó có 1 du học sinh tại Ba Lan); 4 giáo viên, giảng viên, cán bộ trường học; 4 thí sinh khối lực lượng vũ trang (trong đó có 1 giảng viên đại học); 1 cán bộ Đoàn chuyên trách; 1 kỹ sư. Các thí sinh đến từ các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc: Đắk Nông, Tiền Giang, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Đoàn Thanh niên Bộ Công an, Hội du học sinh Việt Nam tại Ba Lan. Thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia vòng chung kết là 16 tuổi. Vòng chung kết toàn quốc được tổ chức dưới hình thức đối kháng sân khấu. 15 thí sinh bốc thăm để chia thành 5 đội, mỗi đội có 3 thành viên với 4 phần thi diễn ra trên sân khấu là: Dấu ấn lịch sử, Ánh sáng soi đường, Vinh quang Việt Nam, Vững bước tương lai. Kết quả, về giải tập thể: Giải nhất thuộc về đội Tình nguyện trẻ (gồm Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho từng thành viên đội tuyển; 40 triệu đồng; 3 phiếu mua sách điện tử trị giá 5 triệu đồng/phiếu sử dụng trên website nxbkimdong.com.vn; 1 chuyến về nguồn đến với địa chỉ đỏ tại Côn Đảo cho 3 người trong 3 ngày 2 đêm). Giải nhì thuộc về đội Hành quân xanh; đội Kỳ nghỉ hồng giành giải ba; hai giải khuyến khích thuộc về đội Mùa hè xanh và Hoa phượng đỏ. Về giải cá nhân, giải đặc biệt được trao cho thí sinh Đoàn Văn Nam (giáo viên trường THPT Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Đây là thí sinh có tổng điểm số qua 3 vòng thi cao nhất toàn quốc (giải thưởng gồm Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 20 triệu đồng và chuyến tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2020). Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải cho Đoàn cấp tỉnh có thí sinh tham gia thi nhiều nhất (Thành đoàn Hà Nội) và Đoàn cấp tỉnh có tỷ lệ thanh thiếu niên tham gia thi nhiều nhất (Tỉnh đoàn Quảng Nam), mỗi giải gồm Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 20 triệu đồng. Theo Ban Tổ chức, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam được ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Lần đầu tiên ở một cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến của Đoàn, áp dụng đủ các loại hình câu hỏi dạng chữ, dạng hình, dạng âm thanh, dạng phim tạo sự phong phú về câu hỏi và hứng thú cho thí sinh. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã huy động hàng trăm chuyên gia công nghệ thông tin trẻ hỗ trợ cuộc thi, đảm bảo hệ thống thi vận hành ổn định, cung cấp đủ tài nguyên đáp ứng nhu cầu tham gia thi của hàng triệu thí sinh, đảm bảo tối đa về an toàn thông tin trên không gian mạng. Mai Thảo

Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2020: Sẻ chia khó khăn với các hộ nghèo nơi biên giới

TĐKT - Vào ngày 14/1/2020 tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Tư lệnh BĐBP sẽ phối hợp với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và UBND tỉnh tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”. Với nhiều hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chương trình thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam, là sự tri ân của cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương, của lực lượng vũ trang nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói riêng đối với nhân dân biên giới. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương của 44 tỉnh, thành phố biên giới triển khai chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” với nhiều việc làm cụ thể và ý nghĩa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Đây được xác định là hoạt động trọng điểm của toàn lực lượng trong những ngày đầu năm mới 2020. Chương trình được tổ chức tại 44 tỉnh, thành phố biên giới với nhiều việc làm cụ thể, ý nghĩa Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm nay sẽ diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực: Khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho 500 đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; tặng 10 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, 20 con “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; tặng quà Tết cho 2 cán bộ lão thành cách mạng, 400 suất quà cho các gia đình chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, 100 suất học bổng cho các cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng” và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Tổng trị giá các công trình, phần quà, hoạt động với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong chương trình Ngày hội xuân Biên phòng, bộ đội và nhân dân các buôn của xã Krông Na, huyện Buôn Đôn tổ chức giao lưu thi gói bánh chưng và các loại bánh Tết truyền thống của đồng bào, giao lưu văn hóa, thể thao, đốt lửa trại, múa cồng chiêng thể hiện nét đẹp văn hóa khu vực Tây Nguyên. Điển nhấn trong chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2020 là chương trình giao lưu nghệ thuật diễn ra vào tối 14/1 được truyền hình trực tiếp trên kênh VTC3, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, tiếp sóng trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội và Truyền hình Quốc phòng và truyền hình 44 tỉnh, thành phố biên giới. Chương trình Xuân biên phòng ấm lòng dân bản mang hơi ấm nghĩa tình của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và BĐBP nói riêng đã sẻ chia một phần khó khăn cho các hộ nghèo nơi biên giới, mang lại một cái Tết vui tươi, phấn khởi, ấm no, đủ đầy hơn đến với đồng bào; đồng thời, tăng cường tinh thần đại đoàn kết, thắt chặt tình quân - dân. Đó không chỉ là một nghĩa cử cao đẹp, mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ, tiếp sức cho già làng, trưởng bản, cán bộ địa phương, quần chúng nhân dân, những người đã và đang cống hiến tài năng, sức lực của mình, cùng với BĐBP xây dựng biên cương, hải đảo ngày càng vững mạnh. Phương Thanh

Trang