Chính trị - Xã hội

Đặt tên cho bệnh do vi rút corona mới (COVID-2019) và vi rút gây bệnh

TĐKT - Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công bố tên chính thức cho loại vi rút gây ra sự bùng phát của dịch COVID-19, trước đây gọi là vi rút corona mới (2019-nCoV) và căn bệnh mà nó gây ra. Tên chính thức là: Bệnh: Bệnh vi rút corona (COVID-19); Vi rút: Vi rút corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2) Đặt tên cho bệnh do vi rút corona mới (Covid-19) và vi rút gây bệnh Tại sao vi rút và bệnh có tên khác nhau? Vi rút và bệnh mà chúng gây ra thường có tên khác nhau. Ví dụ, HIV là vi rút gây ra bệnh AIDS; và chúng ta thường chỉ biết tên một bệnh, chẳng hạn như bệnh sởi mà không biết tên vi rút gây ra bệnh sởi là rubella. Có một số quy trình và mục đích khác nhau để đặt tên cho vi rút và bệnh. Vi rút được đặt tên dựa trên cấu trúc gien của chúng để tạo điều kiện cho việc phát triển các test chẩn đoán, sản xuất vắc xin và thuốc chữa trị. Ủy ban quốc tế về phân loại vi rút - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chịu trách nhiệm đặt tên cho các loại vi rút. Việc đặt tên bệnh nhằm hỗ trợ việc trao đổi thông tin về phòng bệnh, sự lây lan, phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng và việc điều trị. Với trách nhiệm chuẩn bị và ứng phó với các căn bệnh của nhân loại, WHO sẽ đặt tên chính thức cho các căn bệnh trong Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD). Vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban quốc tế về phân loại vi rút - ICTV thông báo: “Tên của loại vi rút mới (trước đây gọi là nCoV) là Vi rút corona 2 gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2). Tên này được chọn bởi đặc tính gien của vi rút này liên quan đến loại vi rút corona gây dịch bệnh SARS vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 loại vi rút này là khác nhau. Cũng trong ngày 11 tháng 2 năm 2020, WHO thông báo: “CoVID-19 là tên của bệnh do vi rút corona mới gây ra, dựa theo các hướng dẫn trước đây cùng với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO). WHO và ICTV đã trao đổi với nhau về việc đặt tên cho vi rút corona mới và căn bệnh mà nó gây ra. Tên của WHO sử dụng cho vi rút là gì? Từ góc độ của truyền thông nguy cơ, sử dụng tên SARS cho vi rút mới có thể gây ra những hệ lụy không lường trước được khi tạo ra nỗi sợ hãi không cần thiết cho một số bộ phận người dân, đặc biệt là ở châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS năm 2003. Vì lý do đó cũng như những vấn đề liên quan, WHO đề cập đến việc sử dụng tên gọi của vi rút này là “Vi rút gây bệnh COVID-19” hoặc “Vi rút COVID-19” khi truyền thông đến công chúng. Tuy nhiên, cả hai cách gọi này không có ý định để thay thế tên chính thức của vi rút là SARS-CoV-2 đã được thống nhất với ICTV. Các tài liệu xuất bản trước khi loại vi rút này được đặt tên chính thức sẽ không được cập nhật trừ khi cần thiết để tránh nhầm lẫn. Hồng Thiết    

Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cao Bằng và trao tặng khẩu trang cho 9 trung tâm y tế huyện

TĐKT - Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế về làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cao Bằng, thăm Cửa khẩu Trà Lĩnh và trao tặng 45.000 khẩu trang y tế cho 9 trung tâm y tế huyện, 5.000 khẩu trang y tế cho Bộ đội biên phòng tại Cửa khẩu Trà Lĩnh. Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cao Bằng và trao tặng khẩu trang cho 9 trung tâm y tế huyện Nói về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Cao Bằng, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống nCoV từ tỉnh đến các huyện, các xã và xây dựng kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh. Tỉnh Cao Bằng đã tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để nhân dân không hoang mang, lo lắng; vận động, tuyên truyền nhân dân ở khu vực biên giới không sang Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương. Đồng thời, công bố đường dây nóng (0812.848.389) để tiếp nhận thông tin và chỉ đạo kịp thời; bảo đảm các cơ sở khám, chữa bệnh đầy đủ thuốc men, phương tiện cấp cứu, khu cách ly, giường bệnh… Ngoài ra, lực lượng biên phòng đã lập 70 điểm chốt để quản lý việc qua lại khu vực đường mòn trên biên giới; thực hiện khai tờ khai y tế và kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu. Tỉnh cũng tổ chức rà soát, thống kê số lượng người dân địa phương đi làm việc tại Trung Quốc (hợp pháp và bất hợp pháp) đã trở về địa phương hoặc đang ở Trung Quốc, số lao động Trung Quốc làm việc trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phun khử trùng tại các trường học, bến xe khách, các cơ quan, đơn vị, các khu vực tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới tỉnh Cao Bằng; Tỉnh đã bố trí hơn 20 tỷ đồng dành cho hoạt động phòng, chống dịch, trong đó ngân sách nhà nước cấp tỉnh bước đầu trên 15 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp huyện. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã thành lập đội đáp ứng nhanh đối với lĩnh vực dự phòng, và đội cơ động nhanh với lĩnh vực điều trị; bệnh viện đa khoa tỉnh và 14 đơn vị y tế huyện đã tổ chức khu vực cách ly y tế có từ 10 - 20 giường bệnh để điều trị người bệnh cách ly. Về phía UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh cho rằng, hiện số người cần cách ly trên địa bàn khá lớn, dự báo số lượng còn tăng trong thời gian tới, do vậy Cao Bằng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng cơ sở vật chất để phục vụ cho việc cách ly. Cụ thể, theo ông Thảo, do số công dân Việt Nam từ Trung Quốc về qua biên giới tỉnh Cao Bằng tăng nhanh, các cơ sở cách ly tập trung trong tỉnh sẽ khó khăn để có thể tiếp nhận, quản lý, phục vụ nên ngày 14/2/2020 tỉnh Cao Bằng phải chuyển 173 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến Bắc Kạn. Ngày 17/2/2020 tiếp tục chuyển 148 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến Bắc Kạn; ngày 21/2/2020 chuyển 181 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến Thái Nguyên. Do vậy, lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Cao Bằng có thêm nguồn lực trong tổ chức, thực hiện phòng, chống Covid-19, đảm bảo tạo điều kiện cho người cách ly được chăm sóc tốt hơn. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu khẩu trang của người tăng cao, các đối tượng trục lợi đã gom hàng, tuồn hàng thiết bị y tế lớn sang Trung Quốc, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với cơ quan Hải quan bắt được lượng lớn khẩu trang lậu. Qua kiểm tra sơ bộ phát hiện một số lượng lớn khẩu trang có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng song còn một số khác qua quan sát bằng mắt thường nhận thấy một số dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, nghi ngờ dùng giấy vệ sinh để sản xuất. Lắng nghe báo cáo của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng về công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá cao tỉnh Cao Bằng đã triển khai công việc chống dịch một cách quyết liệt và chuẩn bị tương đối tốt về cơ sở vật chất tiếp nhận người từ biên giới trở về, tiến hành cách ly. Với khó khăn trong tương lai gần của tỉnh Cao Bằng về thiếu vật tư y tế, quá tải trong việc cách ly, di chuyển người cách ly tới các tỉnh bạn của Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để có chính sách khắc phục, huy động sự hỗ trợ sự tham gia của các tỉnh bạn trong việc giúp đỡ Cao Bằng phòng dịch. Bên cạnh đó, để đảm bảo đồng bộ trong công tác phòng dịch song vẫn đảm bảo an ninh trật tự, Bộ Y tế sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 để có biện pháp phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng bảo đảm việc theo dõi đối tượng nhập cảnh về Việt Nam theo đường mòn, lối mở. Hồng Thiết

Khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch

TĐKT - Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID - 19, Bộ Y tế đã  có công văn số 831/BYT – MT khuyến cáo đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch. Về phạm vi, đối tượng: Hướng dẫn này áp dụng cho trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch (sau đây gọi tắt là khu dịch vụ).  Đối tượng thực hiện: Ban quản lý, người phụ trách, giám đốc khu dịch vụ (sau đây gọi chung là ban quản lý), người sử dụng lao động, người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ, khách hàng vào khu dịch vụ. Đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ trước khi đến khu dịch vụ phải tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị. Không đến khu dịch vụ nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ: Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, người dân: Cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hạn chế bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng khoảng cách dưới 1 m (nếu có thể). Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch tại các thời điểm: Trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn, sau khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay… Không khạc nhổ bừa bãi. Nếu phát hiện bản thân hoặc người làm việc, người bán hàng cùng hoặc khách hàng có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải báo cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại khu dịch vụ và người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Khuyến cáo đối với khách hàng: Không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến chỗ đông người theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế trong thời gian có mặt ở khu dịch vụ vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn… Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không khạc nhổ bừa bãi. Thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ khi bản thân thấy có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở. Khuyến cáo về vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu dịch vụ: Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Tổ chức khử khuẩn khu dịch vụ như sau: Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung: Khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: Khử khuẩn ít nhất 4 lần/ngày. Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi,… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày. Trách nhiệm của ban quản lý và người sử dụng lao động: Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu dịch vụ. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ và khách hàng. Đối với người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn. Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng. Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức thông tin truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động, làm việc, bán hàng và khách hàng. Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện các nội dung của khuyến cáo này. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 9095 hoặc 1900 3228). Hồng Thiết      

Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Cộng hòa Séc chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

TĐKT - Ngày 20/2, chuyến hàng hỗ trợ đầu tiên từ Cộng hòa (CH) Séc đã được chuyển đến tận tay bà con nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đang được coi là tâm dịch Covid-19 tại Việt Nam. Sau 4 ngày, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại CH Séc cùng các đơn vị là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại CH Séc đã kêu gọi ủng hộ bà con nhân dân huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với số hàng và số tiền gần 250 triệu đồng.   Hàng hỗ trợ đang được vận chuyển đến Vĩnh Phúc Toàn bộ số tiền quyên góp dành để mua những yếu phẩm phục vụ công tác chống dịch tại Vĩnh Phúc gồm: 40.000 chiếc khẩu trang y tế, 10.000 chiếc găng tay, 137 bộ quần áo chống dịch chuyên dụng cho bác sĩ, 30 máy đo thân nhiệt, lọ gel, nước khử trùng, khăn khử trùng… Số hàng này được chuyển về Việt Nam và được Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc trao tận tay bà con nhân dân huyện Bình Xuyên. Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại CH Séc cho biết, đây là chuyến hàng đầu tiên và những chuyến hàng tiếp theo sẽ được chuyển đến tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới. Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại CH Séc vẫn đang tiếp tục triển khai kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ bà con nhân dân tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc phòng, chống dịch Covid-19. Tuy giá trị về vật chất chưa lớn, nhưng đây thể hiện tấm lòng của những người con xa xứ, đang sinh sống, làm việc tại CH Séc vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Dự kiến chuyến hàng tiếp theo sẽ được chuyển tiếp vào tuần này. Hoàng Long      

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao đổi về hợp tác đào tạo với Học viện Quân y

TĐKT - Ngày 21/2, Ban Giám đốc và các phòng chức năng của Học viện Quân y - Bộ Quốc phòng đã có buổi tiếp xúc, làm việc với Ban Giám hiệu, lãnh đạo khối sức khỏe và các phòng, ban của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Tại buổi làm việc, hai bên đã giới thiệu về quy trình đào tạo; trao đổi về các nội dung đào tạo, hợp tác đào tạo, hỗ trợ xây dựng giáo trình tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng tiêu bản, mua phôi, phối hợp nghiên cứu trong phạm vi, điều kiện cho phép; giới thiệu truyền thông cho các giảng viên, sinh viên ngành Y mới ra trường, tham gia thi tuyển, nghiên cứu và học nâng cao tại Học viện Quân y. Việc nghiên cứu khoa học, thực hành, phát triển nguồn nhân lực sẽ được hai bên cùng phối hợp và triển khai trong thời gian tới. Giới thiệu về khoa Y của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và các khoa trong khối sức khoẻ, Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Hà Đức Trụ cho biết: Trường luôn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho khối sức khỏe. Khoảng tháng 6/2020, trường sẽ có khóa tốt nghiệp ngành Dược và sau 2 năm tới, khóa Y đầu tiên sẽ ra trường. Đại diện trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Học viện Quân y chụp ảnh lưu niệm Thay mặt nhà trường, PGS. TS. Hà Đức Trụ bày tỏ sự trân trọng khi được làm việc với Học viện Quân y, một trong địa chỉ đầu ngành, uy tín về đào tạo y khoa, nơi đào tạo nhiều lớp cán bộ y tế, bộ đội quân y chất lượng. GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Y trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết: Khối sức khỏe của trường có 4 khoa, trên 600 sinh viên, thực hiện nghiêm túc các quy định đào tạo theo Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. GS. TS. Lê Anh Tuấn đề nghị Học viện Quân y giúp đỡ nhà trường đào tạo nâng cao (các môn ngoại thần kinh, y học cơ sở, y học thảm họa…); mời các cán bộ Học viện Quân y tham gia Hội đồng thi tốt nghiệp ngành Y của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Trung tướng, GS. TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y phát biểu tại buổi làm việc Thay mặt cho Ban Giám đốc Học viện Quân y, Trung tướng, GS. TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện cho biết: Căn cứ theo tình hình thực tế và điều kiện cho phép, Học viện Quân y sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Về việc mời giảng viên thỉnh giảng, theo quy định, sau khi các giảng viên được nghỉ công tác, Học viện sẽ giới thiệu để cộng tác với trường. Trong không khí vui mừng, phấn khởi đầu Xuân và chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, thay mặt Ban Giám hiệu trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Hà Đức Trụ đã tặng đại diện Học viện Quân y lẵng hoa tươi thắm, ghi nhớ tình quân dân, sự khởi đầu hợp tác giữa hai đơn vị. PGS. TS. Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chúc mừng Học viện Quân y nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Phạm Dương Châu cũng cảm ơn Học viện Quân y đã có sự quan tâm, dành thời gian đón tiếp đoàn chu đáo, thân tình và kĩ lưỡng. Buổi làm việc đã đặt ra nhiều gợi ý mới cho quá trình xây dựng và phát triển khối sức khỏe nói chung và khoa Y nói riêng. Đây cũng là một địa chỉ phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng, giáo trình, thực hành cho ngành Y của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nguyễn Văn Long

Công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp tại cơ sở Từ Sơn, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

TĐKT – Tại cơ sở 2 của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội ở Từ Sơn (Bắc Ninh), công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã và đang được triển khai thường xuyên, đảm bảo an toàn để đón sinh viên trở lại trường vào đầu tháng 3 tới. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phối hợp cùng các phòng, ban chức năng của nhà trường họp triển khai công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại cơ sở Từ Sơn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường cùng Phòng khám đa khoa Phúc An, phòng quản trị B, ban quản lý ký túc xá đã triển khai các biện pháp phòng dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan y tế chuyên ngành, kịp thời giám sát, phát hiện (nếu có) các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly tạm thời các ca bệnh khi cần thiết; đã in gần 200 văn bản hướng dẫn dán tại các tòa nhà, ký túc xá, nhà giáo dục thể chất, phổ biến cho sinh viên đeo khẩu trang, ăn ở hợp vệ sinh... Cơ sở Từ Sơn đã lập khu cách ly tạm thời tại nhà K1, tầng 2, có biển cách ly. Đối tượng cách ly (nếu có) sẽ được đảm bảo ăn uống tại chỗ, ngày đo thân nhiệt 2 lần, khử khuẩn bằng Cloramin B 0.2% ngày một lần. Người được phân công làm nhiệm vụ cách ly có áo công tác, khẩu trang, mũ, khử khuẩn ngay khi tiếp xúc với người nghi ngờ. Các hướng dẫn phòng bệnh, hướng dẫn quy trình rửa tay đúng cách… được bố trí, dán tại tất cả các tòa nhà, ký túc xá… Khu Từ Sơn đã tiến hành tổng vệ sinh toàn bộ nhà K1, K2, nhà E, nhà giáo dục thể chất, nhà ăn; lau bàn ghế, khử khuẩn bằng Cloramin B 0.5%, với diện tích 17.500 m. Phòng khám đa khoa Phúc An cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh để giúp cho việc khám, chẩn đoán bệnh với những bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ. Toàn bộ cán bộ, nhân viên đều đeo khẩu trang và tiến hành phun thuốc khử khuẩn vào cuối giờ hàng ngày. Hiện tại công tác phòng dịch tại cơ sở 2 - Từ Sơn được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng theo quy định, hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Dự kiến khi sinh viên đi học, cơ sở sẽ tiếp tục tiến hành khử khuẩn tay bằng cồn sát trùng, phổ biến, giám sát đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay xà phòng, tuyên truyền thông tin truyền thông tới tất cả cán bộ, sinh viên. Nguyễn Văn Long

BHXH Việt Nam đề ra giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

TĐKT - Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 370/KH-BHXH, trong đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. BHXH Việt Nam đề ra giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấu phần “Nộp BHXH”, góp phần thực hiện mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số “Nộp thuế và BHXH” năm 2020 lên từ 7 đến 10 bậc. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán điện tử, phấn đấu đến năm 2021 đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất… sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ngành BHXH và các dịch vụ công trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các ngành liên quan. Các nhiệm vụ được đề ra là: Tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấu phần “Nộp BHXH” nhằm nâng xếp hạng chỉ số “Nộp thuế và BHXH” theo mục tiêu Chính phủ đề ra; chuẩn hóa thông tin dữ liệu và các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành để liên thông thực hiện các thủ tục hành chính; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành. Cùng với đó, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định cụ thể nội dung công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tăng cường trách nhiệm. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu và hệ thống phần mềm liên thông trong việc đăng ký tham gia và giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, phối hợp có hiệu quả giữa các đơn vị trong và ngoài ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. La Giang  

Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam

TĐKT - Chiều 20/2, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Phát triển hệ thống an sinh xã hội (ASXH) bền vững hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam". Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam khi đảm nhiệm đồng thời vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Đây là những trọng trách thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới về ASXH thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực, có tính kết nối của BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018 - 2019 và cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ISSA nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững ASXH trên phạm vi toàn cầu như mục tiêu ISSA đề ra. Đồng thời thúc đẩy cộng đồng ASXH ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng” trước tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0; tự do dịch chuyển lao động trong khu vực như chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Đặc biệt, trong suốt chặng đường 25 năm phát triển, BHXH Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ILO, WHO, WB, ASSA và ISSA - những tổ chức giúp cơ quan BHXH tiếp cận, nắm bắt cũng như vận dụng những kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và phát triển ngành BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân. Kết quả đạt được trong 25 năm qua là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực phát triển không ngừng của BHXH Việt Nam và sự trợ giúp có hiệu quả của các đối tác song phương, đa phương quốc tế: Hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đất nước và thông lệ quốc tế. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng với gần 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm 32% lực lượng lao động), gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số). Quỹ BHXH, BHYT trở thành quỹ an sinh lớn nhất. Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đạt nhiều kết quả nổi bật như: Cắt giảm 3/4 số thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và cấp mã định danh BHXH cho 97 triệu người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế số và chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội và đặc biệt là đưa vào vận hành Hệ thống giám định BHYT điện tử kết nối với 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện giám định tự động chi phí BHYT giúp quản lý, sử dụng quỹ BHYT công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây cũng chính là công trình của BHXH Việt Nam đã được ISSA tặng Giải thưởng toàn cầu về ứng dụng CNTT năm 2018. Thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển của Chính phủ để BHXH, BHYT thực sự trở thành hai trụ cột chính của hệ thống ASXH ở Việt Nam, mở rộng vững chắc diện bao phủ hướng tới BHYT toàn dân và BHXH cho mọi người lao động (NLĐ), từng bước hình thành và phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, năng lực quản trị hệ thống, ứng dụng CNTT, trao đổi thông tin và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, nhất là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống ASXH bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm tăng khả năng thích ứng với quá trình cải cách ASXH trên thế giới, ứng phó tốt hơn trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Hồng Thiết  

Tổng Thư ký ISSA thăm và làm việc tại BHXH Việt Nam

TĐKT - Sáng 20/2, đoàn công tác Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA), do ông Marcelo Abi-Ramia Caetano - Tổng Thư ký làm Trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại Bảo  hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Ban Thu, Vụ Đầu tư quỹ và Trung tâm Công nghệ thông tin (CNTT). Buổi làm việc Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đã gửi lời chào mừng tới ông Marcelo Abi-Ramia Caetano thăm và làm việc với BHXH Việt Nam, trên cương vị Tổng Thư ký mới của ISSA (nhiệm kỳ 2019 - 2025). Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: "Với trọng trách được giao thực hiện chính sách BHXH, BHYT - hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội đất nước, những năm qua, BHXH Việt Nam đã không những nỗ lực trong phát triển người tham gia; nâng cao chất lượng quản trị, ứng dụng CNTT kết hợp cải cách thủ tục  hành chính (TTHC) để người dân được chăm sóc, thụ hưởng các chế độ, dịch vụ tốt nhất". Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, BHXH Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về mặt quản lý, khi số người tham gia ngày càng lớn; rủi ro trong đầu tư quỹ. Bên cạnh đó là những khó khăn về công tác truyền thông trong điều kiện mới; xây dựng hệ thống tương tác đa phương tiện, trí tuệ nhân tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc… BHXH Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ISSA, để phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, nhằm tăng khả năng thích ứng với quá trình cải cách an sinh xã hội trên thế giới, ứng phó tốt hơn trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và cách mạng công nghiệp 4.0. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng bày tỏ mong muốn, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của Tổng Thư ký ISSA sẽ giúp tạo cầu nối để kết nối ISSA với Hiệp hội An sinh xã hội Đông Nam Á (ASSA) trong thời gian tới. Đồng thời, cũng là dịp để ISSA hiểu rõ hơn về hệ thống hoạt động của BHXH Việt Nam. Từ đó, có những định hướng hợp tác, giúp đỡ BHXH Việt Nam đảm bảo phát triển bền vững, chuyên nghiệp và hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực phát triển đối tượng, quản trị hệ thống, đầu tư quỹ và ứng phó với tác động của cách mạng công nghiệp 4.0; cải thiện vai trò, vị thế và nâng cao hình ảnh của BHXH Việt Nam với vai trò là cầu nối cho các hoạt động an sinh xã hội quốc tế trong khu vực và trên thế giới… Tổng Thư ký Marcelo Abi-Ramia Caetano cho biết, hiện nay, ISSA đang rất quan tâm đến các dự án hợp tác với các khu vực, trong đó có ASEAN. Vì vậy, thời gian tới, ISSA sẽ cùng BHXH Việt Nam thảo luận về sự hợp tác giữa hai bên và đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng dự án. “Với năng lực của BHXH Việt Nam, tôi tin rằng, ISSA và BHXH Việt Nam nói riêng và ASSA nói chung sẽ có những sự hợp tác bền vững, hiệu quả trong tương lai” - Tổng Thư ký Marcelo Abi-Ramia Caetano nói. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thư ký ISSA diễn ra từ ngày 20 đến 22/2. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới một quốc gia thành viên ISSA trong nhiệm kỳ của Tổng Thư ký Marcelo Abi-Ramia Caetano, có ý nghĩa quan trọng khẳng định vai trò kết nối của ISSA trong cộng đồng an sinh xã hội quốc tế, góp phần thúc đẩy và tạo thuận lợi cho BHXH Việt Nam tiếp tục hội nhập, phát triển và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Hồng Thiết    

Bệnh viện 108 cứu sống bệnh nhân suy gan tối cấp do vi rút viêm gan B

TĐKT – Một bệnh nhân nam 23 tuổi bị suy gan tối cấp do vi rút viêm gan B -một bệnh có tiên lượng xấu và tỷ lệ tử vong cao, vừa được xuất viện sau 40 ngày điều trị tại Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108. Bác sĩ Trịnh Văn Sơn, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Bệnh nhân nam 23 tuổi không có tiền sử bệnh lý gan, khởi phát đột ngột với biểu hiện mệt mỏi, vàng mắt, vàng da 3 ngày trước khi vào viện. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng ý thức lơ mơ, kích thích, da niêm mạc vàng đậm. Bệnh nhân được nhận định suy gan tối cấp do vi rút viêm gan B (từ lúc khởi phát vàng da đến lúc có hội chứng não gan là 3 ngày). Các y bác sĩ chúc mừng bệnh nhân nam 23 tuổi đã được xuất viện Bệnh nhân nhanh chóng được lọc thay thế huyết tương, điều trị hồi sức tích cực và phối hợp với trung tâm ghép tạng tư vấn ghép gan. Trong thời gian chờ có tạng ghép, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực với lọc thay thế huyết tương, chống phù não, các biện pháp giảm amoniac trong máu, đảm bảo hô hấp, đảm bảo dinh dưỡng. Sau 6 ngày điều trị tích cực, chức năng gan dần hồi phục, bệnh nhân thoát hôn mê gan, chức năng đông máu cải thiện (prothrobin tăng dần lên 88%). Tuy nhiên xuất hiện nhiễm khuẩn tiết niệu và tình trạng ứ mật cải thiện chậm. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị tích cực với kháng sinh kiểm soát nhiễm khuẩn, thuốc kháng vi rút, nhuận mật, chống viêm. Tình trạng bệnh nhân dần cải thiện, hết nhiễm khuẩn, ý thức hoàn toàn tỉnh táo, chức năng gan hồi phục hoàn toàn và được xuất viện sau 40 ngày điều trị tại khoa. Ths.BSCKII. Vương Phúc Đường, Viện Lâm sàng các bệnh Truyền nhiễm - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Suy gan cấp là một thể bệnh rất nặng do hủy hoại tế bào gan một cách nhanh chóng dẫn đến suy chức năng gan, từ đó dẫn đến tổn thương thứ phát đa cơ quan như hội chứng não gan, hội chứng gan thận, rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong cao. Điều trị suy gan cấp cần điều trị toàn diện từ chăm sóc điều trị hỗ trợ các cơ quan, các biện pháp hỗ trợ chức năng gan nâng cao như lọc thay thế huyết tương, lọc gan và sẵn sàng ghép gan cấp cứu khi có chỉ định. Bệnh viện TWQĐ 108 là một trong số ít các trung tâm có hệ thống điều trị suy gan hoàn chỉnh, từ điều trị hồi sức đến đến lọc thay thế huyết tương và ghép gan. Những bệnh nhân đã có bệnh lý gan mật như viêm gan vi rút (viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C), cần phải được theo dõi và quản lý định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Khi có các dấu hiệu như mệt mỏi, tức bụng, ăn kém, tiểu vàng và vàng mắt cần phải được thăm khám và đánh giá chức năng gan càng sớm càng tốt, nhằm điều trị tích cực hạn chế tiến triển dẫn đến suy gan. Với thể bệnh có hủy hoại gan cấp tính dẫn đến suy gan cấp và suy gan tối cấp thường gặp các nguyên nhân do nhiễm độc (đặc biệt là nhiễm độc paracetamol), do các nhóm vi rút viêm gan (vi rút viêm gan A, B, C, E), viêm gan tự miễn. Với nhóm bệnh nhân này, cần nhập viện ngay và cần nhanh chóng đánh giá toàn diện chức năng các cơ quan, đánh giá chức năng gan, tình trạng ứ mật, rối loạn đông máu (tiểu cầu, prothrombin). Từ đó nhanh chóng điều trị hồi sức gan tích cực, lọc thay thế huyết tương và tư vấn sẵn sàng cho ghép gan khi có chỉ định. Hiện nay trong suy gan cấp, ghép gan vẫn được coi là biện pháp điều trị có hiệu quả giúp giảm tỷ lệ tử vong. Lọc thay thế huyết tương và lọc thay thế huyết tương thể tích cao được coi là cầu nối trong thời gian chờ ghép gan và giúp cải thiện tỷ lệ bệnh nhân có đáp ứng phục hồi tự nhiên, đặc biệt với nhưng bệnh nhân suy gan do nhiễm độc. Mai Thảo

Trang