Công khai, minh bạch trong hỗ trợ người dân
15/04/2020 - 10:02

TĐKT – Trước những ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, ngày 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trên cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng của Chính phủ được quyết định triển khai trên cả nước đã nhận được sự mong đợi lớn từ người dân. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đặt ra là việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai, minh bạch và đến nhanh nhất với người thụ hưởng, không để xảy ra tình trạng chính sách chạy lòng vòng.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung, trong quý I/2020 đã có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn do phần đông đã phải nghỉ việc.

 

Những suất cơm hỗ trợ, làm ấm lòng những người nghèo trong những ngày dịch Covid -19 diễn biến phức tạp

Trước thực trạng đó, ngành LĐ-TB&XH đã tiến hành đánh giá, khảo sát và kiểm tra thực tiễn ở rất nhiều đơn vị, cơ sở. Nếu tiếp tục đà dịch như thế này thì tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người, nhưng nếu dịch tiếp tục bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ lên đến khoảng 3,5 - 4 triệu người. Bởi vậy, cần có những giải pháp mạnh để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Ngày 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô cả nước để triển khai thực hiện. Để công tác hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch và đến nhanh nhất với người thụ hưởng, ngành LĐ-TB&XH phấn đấu về cơ bản ở trong tháng 4 là sẽ triển khai hỗ trợ đến người dân.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được thụ hưởng chính sách trong tháng 4. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của hệ thống chính quyền địa phương. Thời điểm nào có hồ sơ, thì sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng mong muốn nhận được sự tham gia giám sát tích cực của MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể và nhân dân, nhằm đảm bảo việc phân bổ sẽ đến với người dân một cách công khai, minh bạch và thuận lợi nhất. Đồng thời tin tưởng với sự kết nối của tinh thần đoàn kết, Mặt trận sẽ cùng với Đảng, Nhà nước củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin trong nhân dân, từ đó góp phần tạo thêm nhiều nguồn lực giúp đất nước vượt qua những khó khăn của dịch bệnh.

Chia sẻ về việc này, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch của UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Thời gian qua, trước những khó khăn của đại dịch, tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam được phát huy mạnh mẽ. Trách nhiệm của nhân dân cùng với Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch được nêu cao. Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, nhiều nghĩa cử cao đẹp trong chung tay ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Đó là hình ảnh người mẹ Liệt sĩ Nguyễn Thị Ba ở Hà Tĩnh đã 90 tuổi, còng lưng xách 5kg gạo đi bộ đến ủng hộ khu cách ly khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt, hay hình ảnh mẹ và vợ liệt sĩ Lê Thị Chi 91 tuổi ở Đà Nẵng yêu cầu con gái chở đến phường để quyên góp số tiền 5 triệu đồng dành dụm bấy lâu từ tiền lì xì và đồng quà của con cháu để ủng hộ phòng, chống dịch. Đặc biệt trong những ngày này, những cây ATM gạo được mọc lên tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… với mong muốn không để ai “đứt bữa” trong giai đoạn khó khăn này….

Vì vậy, khi người dân lao động phải gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã quyết định triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng. Đây là giải pháp kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân trong lúc đại dịch đang diễn biến phức tạp.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, việc phân bổ hỗ trợ cần được công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc trục lợi trong thực hiện chính sách. Chính vì vậy, với vai trò giám sát của mình, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhất là ở cơ sở sẽ tham gia triển khai và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh để các chính sách hỗ trợ đến được với người dân kịp thời, đúng đối tượng.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định: “Ở bất cứ nơi đâu trên khắp mọi miền Tổ quốc, việc chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình người có công luôn là những việc làm có ý nghĩa nhân văn cao cả. Bởi giúp mỗi gia đình yên tâm phát triển về kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là sứ mệnh của những người làm Mặt trận, sứ mệnh của những người làm nhiệm vụ an sinh xã hội”.

Mai Thảo