Chính trị - Xã hội

Đảng bộ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trao Huy hiệu 60, 50, 45 năm tuổi Đảng

TĐKT - Ngày 25/2, Đảng bộ Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội long trọng tổ chức Lễ trao Huy hiệu Đảng cho các đảng viên: Nguyễn Sỹ Cát (60 năm tuổi Đảng), chi bộ Phòng Tổ chức - Cán bộ; Phạm Văn Duyên (60 năm tuổi Đảng), chi bộ Phòng Khoa học; Bùi Quý Lực (50 năm tuổi Đảng) chi bộ Khoa Cơ Điện tử; Nguyễn Phúc Thọ (45 năm tuổi Đảng), chi bộ Khoa Kinh tế; Hà Thúy Bình (45 năm tuổi Đảng), Đặng Tất Tế (45 năm tuổi Đảng) chi bộ Phòng Công tác sinh viên.   Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội phát biểu và chúc mừng các đồng chí nhận huy hiệu Đảng Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội ghi nhận những công lao đóng góp của các đồng chí được trao tặng Huy hiệu Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước cũng như sự phát triển của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đồng chí nhấn mạnh, Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng là dấu mốc có ý nghĩa lớn lao trên con đường phấn đấu, trưởng thành và cống hiến của các đồng chí đảng viên, là niềm vinh dự, niềm vui chung của chi bộ nơi các đồng chí sinh hoạt và của tất cả các đảng viên trong toàn Đảng bộ; là sự nhắc nhở mỗi đảng viên cần nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, tinh thần phấn đấu, rèn luyện đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng chí Đỗ Minh Cương Bí thư Đảng ủy nhà trường phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Minh Cương, Bí thư Đảng ủy nhà trường - Phó Hiệu trưởng chúc mừng các đồng chí nhận huy hiệu Đảng. Bí thư Đảng ủy mong muốn và tin tưởng rằng, thêm một tuổi đời, một tuổi Đảng, các đảng viên càng thêm dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ để tiếp tục có những đóng góp thiết thực, quan trọng hơn nữa trên mỗi cương vị của mình; đồng thời tiếp tục giữ vững phẩm chất tốt đẹp của người đảng viên, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, phát huy hơn nữa thành tích trong công tác, học tập, làm gương để các thế hệ trẻ noi theo. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Quý Lực (50 năm tuổi Đảng) chi bộ Khoa Cơ điện tử đã bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và cảm ơn sự ghi nhận, quan tâm sâu sắc của Đảng ủy Trường. Nhớ lại ngày đầu còn đứng dưới lá cờ Đảng để tuyên thệ, đến nay đã 50 năm trôi qua, đồng chí Bùi Quý Lực càng cảm thấy trân trọng và vinh dự khi nhận được sự công nhận, vinh danh cao quý này. Để có được thành quả ấy, không chỉ là sự tự phấn đấu vươn lên không ngừng của cá nhân mà còn là kết quả, công sức bồi dưỡng, dìu dắt của Đảng, các đồng chí, đồng nghiệp trong suốt thời gian qua. Bích Hạnh – Huy Thuyết

Các phòng xét nghiệm của Việt Nam có thể xét nghiệm COVID-19

TĐKT - Theo Bộ Y tế, Việt Nam có 30 đơn vị có thể xét nghiệm bệnh Covid-19. Việc đáp ứng xét nghiệm tốt sẽ giúp phát hiện sớm, chính xác các tác nhân gây bệnh. Các phòng xét nghiệm của Việt Nam có thể xét nghiệm COVID-19 Được biết, trong tình huống COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ngay từ thời gian đầu Bộ Y tế đã chỉ đạo kịp thời các Viện vệ sinh dịch tễ/Viện Pasteur, các bệnh viện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, sinh phẩm hóa chất để có thể triển khai xét nghiệm kịp thời. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng để sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. Hiện nay đã có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19 trong thời gian tới bao gồm:  Thứ nhất, các viện: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng Trung ương. Thứ hai, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Lào Cai. Thứ ba, các bệnh viện: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (TƯ), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Nhi TƯ; Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện TƯ Huế. Thứ tư, một số đơn vị khác: Viện Thú Y; Viện Vệ sinh phòng dịch Quân đội; Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga; Trung tâm chẩn đoán Thú Y trung ương, 6 Chi cục thú y vùng. Hồng Thiết  

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai tờ khai y tế đối với tất cả người nhập cảnh đến hoặc đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc

TĐKT - Bộ Y tế đã gửi Công văn số 865/BYT-DP về việc bố trí phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc hỗ trợ công tác kiểm dịch y tế tại cửa khẩu để phòng, chống dịch COVID-19 đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Hàn Quốc và có nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai tờ khai y tế đối với tất cả người nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc. Trong quá trình triển khai áp dụng tờ khai y tế bằng 3 ngôn ngữ: Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc, do hầu hết các cửa khẩu hiện đang thiếu/không có các cán bộ có thể đọc, hiểu được 3 ngôn ngữ trên nên đã gây khó khăn, trở ngại cho các đơn vị tại cửa khẩu trong việc sàng lọc các trường hợp về từ vùng có dịch để cách ly, thực hiện các biện pháp kiểm dịch y tế đối với hành khách nghi ngờ mắc bệnh, người tiếp xúc gần ngay tại cửa khẩu, cũng như việc quản lý, theo dõi hành khách nhập cảnh sau này tại địa phương.  Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, bổ sung Sở Ngoại vụ hoặc Phòng Ngoại vụ làm thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh (ở nơi chưa phải là thành viên Ban Chỉ đạo), đồng thời giao làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và cử các cán bộ có khả năng phiên dịch tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc đến làm việc tại cửa khẩu để hỗ trợ các đơn vị kiểm dịch y tế trong việc hướng dẫn người thực hiện khai báo y tế, sàng lọc tờ khai y tế cũng như thực hiện các biện pháp kiểm dịch theo quy định. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo đảm bảo đủ số lượng cán bộ hỗ trợ để thực hiện theo nội dung tờ khai. Thứ hai, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại cửa khẩu thực hiện các thủ tục cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ hỗ trợ ngôn ngữ làm việc tại cửa khẩu, hoàn thành nhiệm vụ. Các tỉnh, thành phố có hoạt động kiểm dịch y tế: Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Khánh hòa, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Tiền Giang, Quảng Bình, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bình Định, Thanh Hóa, Long An, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng tàu, Phú Yên, Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đồng Tháp, Nam Định, Bình Phước, Sơn La, Cà Mau, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Dương, Trà Vinh, Vĩnh Long. Hồng Thiết

Bộ Y tế thông tin về trường hợp nhập cảnh của ông Park Hang Seo

TĐKT - Ông Park Hang Seo, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển quốc gia bóng đá Việt Nam cùng vợ là bà Choi Sang-a nhập cảnh vào Việt Nam tối 23/2/2020 tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Vợ chồng ông Park Hang Seo sẽ chịu sự giám sát y tế chặt chẽ của ngành y tế Hà Nội Theo tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, Trung tâm đã điều tra tiền sử dịch tễ của ông Park Hang Seo và vợ. Trong 15 ngày trước khi nhập cảnh, họ ở tại Seoul, không có mặt tại vùng dịch. Hai vợ chồng ông đã được kiểm tra thân nhiệt và tình trạng sức khỏe tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, tình trạng khỏe mạnh. Do tính chất công việc cũng như phải tập huấn cho Đội tuyển quốc gia bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo và vợ được nhập cảnh, chịu sự giám sát y tế chặt chẽ của ngành y tế Hà Nội. Hồng Thiết

Nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh bằng video ngắn

TĐKT - Sáng 25/2, tại Hà Nội, phối hợp cùng Bộ Y tế, Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam (VACHE) đồng hành cùng TikTok Việt Nam và CLB Influencer Việt Nam (VIC) công bố phát động chiến dịch truyền thông bằng phim ngắn mang tên "Kiến thức phòng dịch". Với cách tiếp cận mới mẻ, gần gũi với cộng đồng chiến dịch hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức về sức khỏe chuẩn xác, nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người dân, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đang diễn tiến phức tạp hiện nay. TikTok và VACHE ký kết hợp tác và phát động chương trình truyền thông #Kiến thức phòng dịch Chương trình truyền thông này là một hoạt động cụ thể nằm trong chuỗi các hoạt động hợp tác giữa VACHE và TikTok để triển khai “Chương trình phối hợp giữa Bộ Y tế và VACHE trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2019 - 2026”, đã được ký kết ngày 7/11/2019. Theo đó, chương trình “Kiến thức phòng dịch" sẽ diễn ra từ ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 đến ngày 27/3 trên nền tảng TikTok. Với 2 hashtag challenges (thử thách chủ đề) mang tên #KienThucPhongDich và #VuDieuRuaTay, chương trình khuyến khích người dùng đăng tải các video về chủ động dự phòng các nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh thông qua các tình huống thú vị, kết hợp với âm nhạc và vũ đạo sinh động. Chương trình đặt mục tiêu thu hút 5.000 video và 50 triệu lượt xem trên nền tảng trực tuyến. Các video truyền tải thông tin, khuyến cáo y tế dưới hình thức mới mẻ, hấp dẫn, hứa hẹn sẽ lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, mang đến hiệu quả tích cực trong việc truyền thông y tế tại Việt Nam. Hiện nay, dịch COVID-19 đang bùng phát trên hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; Việt Nam là một trong số các nước đang khống chế hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc người dân có ý thức tự nâng cao sức đề kháng, dự phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cộng đồng. “Một trong những mục tiêu ưu tiên của VACHE trong năm nay là mở rộng tuyên truyền kiến thức phòng, chống bệnh tật, cũng như hướng dẫn rèn luyện sức khỏe cho người dân. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn tiến phức tạp, việc các thông tin được truyền tải đến người dân một cách trực quan, chính xác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng tôi rất vui vì được đồng hành cùng TikTok - một nền tảng trẻ, sinh động và tích cực trong chiến dịch lần này, để đến gần hơn với cộng đồng thế hệ mới, lan tỏa kiến thức y tế một cách hiệu quả”, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch VACHE, cho biết. Là một nền tảng video ngắn hàng đầu với hơn 12 triệu người dùng tại Việt Nam, TikTok đã và đang đóng góp tích cực cho việc lan tỏa các thông điệp ý nghĩa, bổ ích trong cộng đồng. Với chương trình "Kiến thức phòng dịch", TikTok sẽ chung tay cùng các đơn vị, cơ quan chức năng lan tỏa các nội dung về y tế, dịch tễ, hướng đến mục tiêu giúp người dùng tìm được mọi nội dung mình quan tâm trên nền tảng video ngắn. “Kiến thức về phòng bệnh đơn giản như giữ ấm, đeo khẩu trang hay rửa tay đúng cách là những những thường thức khoa học cơ bản, quan trọng nhất mà mỗi người dân đều cần nắm rõ, nhưng lại thường bị bỏ quên. Tận dụng các thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, âm nhạc của mình, TikTok hy vọng các video sôi động, thú vị và bổ ích của "Kiến thức phòng dịch" có thể là cầu nối, đưa các thông tin quan trọng, có nguồn gốc chuẩn xác, đáng tin cậy này đến gần hơn với người dùng. Thông qua đó, mỗi một người dùng sẽ được trang bị kỹ càng cách thức bảo vệ sức khoẻ cho bản thân mình, gia đình và cộng đồng”, ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách TikTok Việt Nam, cho biết. Phương Thanh  

Bệnh viện 108 thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống

TĐKT – Sáng 24/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 đã tổ chức công bố thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, đồng thời là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống. Bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương, 31 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội). Trước đó, năm 2016, trong quá trình lao động, anh Vương bị tai nạn do máy đột dập khiến toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn. Anh Vương đã được đưa đến Bệnh viện TWQĐ 108 cấp cứu. Do vết thương dập nát quá nặng nề và hoàn toàn không còn khả năng bảo tồn, các bác sĩ đã buộc phải đưa ra chỉ định cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái cho anh. Vết thương mỏm cụt liền sẹo kỳ đầu và anh được xuất viện sau 2 tuần điều trị, tuy nhiên nỗi đau tinh thần vì sự mất mát khi bị cụt một tay ngay từ khi vẫn còn trẻ tuổi khiến anh luôn ám ảnh. Cuộc sống của anh Vương kể từ đó gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân với bàn tay đang phục hồi rất tốt, chụp hình cùng các y, bác sĩ đã thực hiện ca ghép chi thể đầu tiên từ người cho sống trên thế giới. Ngày 3/1/2020, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiếp nhận một ca bệnh nặng và phức tạp do băng chuyền của máy tải gạch cuốn và đè ép trực tiếp lên tay trái từ vùng 1/3 dưới cẳng tay cho đến sát nách. Trong 3 tuần điều trị với 3 lần mổ, các bác sĩ khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật đã nỗ lực để cứu cánh tay của bệnh nhân nhưng tình trạng hoại tử vùng khuỷu tay và cơ, nhiễm trùng không cứu vãn được và đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Bệnh nhân đã được hội chẩn nhiều lần qua các cấp trong Bệnh viện và thống nhất chỉ định phải cắt cụt chi thể ngang mức 1/3 trên cánh tay. Khi thăm khám bệnh nhân, các bác sĩ cũng nhận thấy rằng: Phần thừa của chi thể sẽ bị cắt cụt (đoạn từ 1/3 dưới cẳng tay đến bàn tay) còn tương đối bình thường và có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng. Bệnh nhân và gia đình đã đồng ý và tự nguyện “hiến” một phần chi thể của mình cho anh Vương như một nghĩa cử nhân văn và vô cùng cao đẹp. Vì phần chi thể từ cánh tay đến cẳng tay của chi thể chuẩn bị cắt cụt đang bị hoại tử và bội nhiễm thứ phát nên bàn tay sẽ được ghép đối diện với nguy cơ nhiễm trùng rất cao. Sau khi cân nhắc cẩn thận và kỹ lưỡng mọi nguy cơ có thể xảy ra, với quyết tâm cao, Giám đốc Bệnh viện GS. TS. TTND Mai Hồng Bàng cùng toàn thể Ban Giám đốc Bệnh viện và kíp phẫu thuật trong phiên hội chẩn đặc biệt trước mổ, đã quyết định sẽ thực hiện ca mổ “ghép bàn tay mới” cho anh P.V.Vương. Kíp mổ do trực tiếp GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng các bác sĩ của khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật của Bệnh viện thực hiện. Sau 8 giờ, ca mổ "ghép cẳng tay và bàn tay mới" từ người hiến sống cho anh bệnh nhân Vương thành công. Tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi và bàn tay ghép đồng loại được tưới máu đầy đủ giống như tay bên lành. Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhúc nhích được các ngón tay của bàn tay ghép. Cho đến nay, chỉ hơn 1 tháng sau ghép, anh đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số các đồ vật thô. Thành công này mở ra hướng điều trị mới trong tương lai, không chỉ ghép chi thể từ người hiến chết não mà còn từ người sống cho những người bệnh không may bị mất đi chi thể. “Trồng nối chi thể đứt rời” là kỹ thuật được thực hiện thường quy từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước và cho đến nay, Bệnh viện là một trung tâm y học hàng đầu về lĩnh vực này đã thực hiện thành công hàng chục ngàn ca tại Bệnh viện. Những “cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay” bị đứt rời có thể nối lại được trong vòng từ 5-8 giờ với kết quả chức năng thuận lợi nếu như bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện kịp thời. Trồng lại chi thể đứt rời ứng dụng kỹ thuật vi phẫu là một kỹ thuật rất khó, phức tạp, là đỉnh cao của phẫu thuật tạo hình và vi phẫu tuật mạch máu thần kinh. Trồng lại chi thể đứt rời tự thân ứng dụng kỹ thuật vi phẫu đã được Bệnh viện TWQĐ 108 chuyển giao kỹ thuật cho nhiều bệnh viện khác trong cả nước và cho đến nay đã có nhiều bệnh viện thực hiện được phẫu thuật này. Phẫu thuật trồng lại chi thể đứt rời tự thân kỹ thuật khó khăn và phức tạp, nhưng phẫu thuật ghép chi thể đồng loại còn khó khăn hơn. Cho đến nay, mặc dù đã có hàng chục ngàn ca trồng lại chi thể đứt rời tự thân được thực hiện thành công trên thế giới, ghép chi thể đồng loại lại không như vậy, đây là kỹ thuật phức tạp đòi hỏi người cho - người nhận phải tương thích từ nhóm máu đến hệ thống miễn dịch và sau phẫu thuật sử dụng thuốc chống thải ghép thật phù hợp, chặt chẽ, cẩn trọng hơn ghép nhiều mô tạng khác. Mai Thảo  

Dịch COVID-19: Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch bệnh COVID-19

TĐKT - Ngày 24/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) gây ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch bệnh COVID-19. Việt Nam đủ năng lực, sinh phẩm xét nghiệm dịch bệnh Covid-19 Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân. Về xét nghiệm, Việt Nam có đủ năng lực, đủ sinh phẩm để làm xét nghiệm. Độ chính xác xét nghiệm tương đương như các nước, xét nghiệm Real-time RT-PCR (xét nghiệm kháng nguyên) nên độ nhạy và đặc hiệu cao. Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam hiện có 3 đơn vị xét nghiệm đạt chuẩn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và thống nhất chuyển giao công nghệ, thống nhất phương pháp thực hiện mẫu xét nghiệm, gồm: Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. Sau đó, các đơn vị này đã tiến hành chuyển giao công nghệ, tập huấn chuyên môn cho 22 phòng xét nghiệm là những đơn bị đủ máy móc trang thiết bị và nhân lực (đạt chuẩn do WHO công nhận). Các phòng xét nghiệm đủ năng lực cho kết quả tin cậy. Ngay cả tuyến tỉnh hiện nay như tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội hiện đã thực hiện được xét nghiệm về dịch bệnh COVID-19. Đối với các trường hợp có dấu hiệu điển hình, nghi ngờ mắc bệnh, mẫu bệnh phẩm đều được tiến hành xét nghiệm tại hai cơ sở để đối chứng và khẳng định tính chính xác. Về trường hợp nữ sinh lớp 12 trú tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế tử vong sau khi có triệu chứng ho, sốt và khó thở kéo dài trong khoảng một tuần, Bệnh viện Trung ương Huế sử dụng kỹ thuật xét nghiệm Real time RT-PCR (do Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh) để kiểm tra mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và cho kết quả âm tính. Tại Bệnh viện Trung uwong Huế, hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực xét nghiệm. Bệnh viện đã chủ động mời các chuyên gia của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh ra đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về xét nghiệm theo đúng quy chuẩn, trình tự của WHO. Tuy nhiên, để đảm bảo thông tin chính xác, Bộ Y tế đã giao Viện Paster Nha Trang tiến hành xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này để đối chứng và cũng cho kết quả âm tính với COVID-19. Hồng Thiết      

Đặt tên cho bệnh do vi rút corona mới (COVID-2019) và vi rút gây bệnh

TĐKT - Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã công bố tên chính thức cho loại vi rút gây ra sự bùng phát của dịch COVID-19, trước đây gọi là vi rút corona mới (2019-nCoV) và căn bệnh mà nó gây ra. Tên chính thức là: Bệnh: Bệnh vi rút corona (COVID-19); Vi rút: Vi rút corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2) Đặt tên cho bệnh do vi rút corona mới (Covid-19) và vi rút gây bệnh Tại sao vi rút và bệnh có tên khác nhau? Vi rút và bệnh mà chúng gây ra thường có tên khác nhau. Ví dụ, HIV là vi rút gây ra bệnh AIDS; và chúng ta thường chỉ biết tên một bệnh, chẳng hạn như bệnh sởi mà không biết tên vi rút gây ra bệnh sởi là rubella. Có một số quy trình và mục đích khác nhau để đặt tên cho vi rút và bệnh. Vi rút được đặt tên dựa trên cấu trúc gien của chúng để tạo điều kiện cho việc phát triển các test chẩn đoán, sản xuất vắc xin và thuốc chữa trị. Ủy ban quốc tế về phân loại vi rút - International Committee on Taxonomy of Viruses (ICTV) chịu trách nhiệm đặt tên cho các loại vi rút. Việc đặt tên bệnh nhằm hỗ trợ việc trao đổi thông tin về phòng bệnh, sự lây lan, phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng và việc điều trị. Với trách nhiệm chuẩn bị và ứng phó với các căn bệnh của nhân loại, WHO sẽ đặt tên chính thức cho các căn bệnh trong Phân loại quốc tế bệnh tật (ICD). Vào ngày 11 tháng 2 năm 2020, Ủy ban quốc tế về phân loại vi rút - ICTV thông báo: “Tên của loại vi rút mới (trước đây gọi là nCoV) là Vi rút corona 2 gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2). Tên này được chọn bởi đặc tính gien của vi rút này liên quan đến loại vi rút corona gây dịch bệnh SARS vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 loại vi rút này là khác nhau. Cũng trong ngày 11 tháng 2 năm 2020, WHO thông báo: “CoVID-19 là tên của bệnh do vi rút corona mới gây ra, dựa theo các hướng dẫn trước đây cùng với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO). WHO và ICTV đã trao đổi với nhau về việc đặt tên cho vi rút corona mới và căn bệnh mà nó gây ra. Tên của WHO sử dụng cho vi rút là gì? Từ góc độ của truyền thông nguy cơ, sử dụng tên SARS cho vi rút mới có thể gây ra những hệ lụy không lường trước được khi tạo ra nỗi sợ hãi không cần thiết cho một số bộ phận người dân, đặc biệt là ở châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS năm 2003. Vì lý do đó cũng như những vấn đề liên quan, WHO đề cập đến việc sử dụng tên gọi của vi rút này là “Vi rút gây bệnh COVID-19” hoặc “Vi rút COVID-19” khi truyền thông đến công chúng. Tuy nhiên, cả hai cách gọi này không có ý định để thay thế tên chính thức của vi rút là SARS-CoV-2 đã được thống nhất với ICTV. Các tài liệu xuất bản trước khi loại vi rút này được đặt tên chính thức sẽ không được cập nhật trừ khi cần thiết để tránh nhầm lẫn. Hồng Thiết    

Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cao Bằng và trao tặng khẩu trang cho 9 trung tâm y tế huyện

TĐKT - Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế về làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cao Bằng, thăm Cửa khẩu Trà Lĩnh và trao tặng 45.000 khẩu trang y tế cho 9 trung tâm y tế huyện, 5.000 khẩu trang y tế cho Bộ đội biên phòng tại Cửa khẩu Trà Lĩnh. Bộ Y tế làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Cao Bằng và trao tặng khẩu trang cho 9 trung tâm y tế huyện Nói về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh Cao Bằng, ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống nCoV từ tỉnh đến các huyện, các xã và xây dựng kế hoạch đáp ứng với các cấp độ dịch bệnh. Tỉnh Cao Bằng đã tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để nhân dân không hoang mang, lo lắng; vận động, tuyên truyền nhân dân ở khu vực biên giới không sang Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng cũng đã tổ chức Hội nghị tập huấn về phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương. Đồng thời, công bố đường dây nóng (0812.848.389) để tiếp nhận thông tin và chỉ đạo kịp thời; bảo đảm các cơ sở khám, chữa bệnh đầy đủ thuốc men, phương tiện cấp cứu, khu cách ly, giường bệnh… Ngoài ra, lực lượng biên phòng đã lập 70 điểm chốt để quản lý việc qua lại khu vực đường mòn trên biên giới; thực hiện khai tờ khai y tế và kiểm dịch y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu. Tỉnh cũng tổ chức rà soát, thống kê số lượng người dân địa phương đi làm việc tại Trung Quốc (hợp pháp và bất hợp pháp) đã trở về địa phương hoặc đang ở Trung Quốc, số lao động Trung Quốc làm việc trên địa bàn để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phun khử trùng tại các trường học, bến xe khách, các cơ quan, đơn vị, các khu vực tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới tỉnh Cao Bằng; Tỉnh đã bố trí hơn 20 tỷ đồng dành cho hoạt động phòng, chống dịch, trong đó ngân sách nhà nước cấp tỉnh bước đầu trên 15 tỷ đồng, còn lại là ngân sách cấp huyện. Các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã thành lập đội đáp ứng nhanh đối với lĩnh vực dự phòng, và đội cơ động nhanh với lĩnh vực điều trị; bệnh viện đa khoa tỉnh và 14 đơn vị y tế huyện đã tổ chức khu vực cách ly y tế có từ 10 - 20 giường bệnh để điều trị người bệnh cách ly. Về phía UBND tỉnh Cao Bằng, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch tỉnh cho rằng, hiện số người cần cách ly trên địa bàn khá lớn, dự báo số lượng còn tăng trong thời gian tới, do vậy Cao Bằng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng cơ sở vật chất để phục vụ cho việc cách ly. Cụ thể, theo ông Thảo, do số công dân Việt Nam từ Trung Quốc về qua biên giới tỉnh Cao Bằng tăng nhanh, các cơ sở cách ly tập trung trong tỉnh sẽ khó khăn để có thể tiếp nhận, quản lý, phục vụ nên ngày 14/2/2020 tỉnh Cao Bằng phải chuyển 173 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến Bắc Kạn. Ngày 17/2/2020 tiếp tục chuyển 148 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến Bắc Kạn; ngày 21/2/2020 chuyển 181 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua biên giới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến Thái Nguyên. Do vậy, lãnh đạo tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Cao Bằng có thêm nguồn lực trong tổ chức, thực hiện phòng, chống Covid-19, đảm bảo tạo điều kiện cho người cách ly được chăm sóc tốt hơn. Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu khẩu trang của người tăng cao, các đối tượng trục lợi đã gom hàng, tuồn hàng thiết bị y tế lớn sang Trung Quốc, lực lượng Biên phòng đã phối hợp với cơ quan Hải quan bắt được lượng lớn khẩu trang lậu. Qua kiểm tra sơ bộ phát hiện một số lượng lớn khẩu trang có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng song còn một số khác qua quan sát bằng mắt thường nhận thấy một số dấu hiệu không đảm bảo chất lượng, nghi ngờ dùng giấy vệ sinh để sản xuất. Lắng nghe báo cáo của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng về công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đánh giá cao tỉnh Cao Bằng đã triển khai công việc chống dịch một cách quyết liệt và chuẩn bị tương đối tốt về cơ sở vật chất tiếp nhận người từ biên giới trở về, tiến hành cách ly. Với khó khăn trong tương lai gần của tỉnh Cao Bằng về thiếu vật tư y tế, quá tải trong việc cách ly, di chuyển người cách ly tới các tỉnh bạn của Cao Bằng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để có chính sách khắc phục, huy động sự hỗ trợ sự tham gia của các tỉnh bạn trong việc giúp đỡ Cao Bằng phòng dịch. Bên cạnh đó, để đảm bảo đồng bộ trong công tác phòng dịch song vẫn đảm bảo an ninh trật tự, Bộ Y tế sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 để có biện pháp phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ đội biên phòng bảo đảm việc theo dõi đối tượng nhập cảnh về Việt Nam theo đường mòn, lối mở. Hồng Thiết

Khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch

TĐKT - Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID - 19, Bộ Y tế đã  có công văn số 831/BYT – MT khuyến cáo đối với trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch. Về phạm vi, đối tượng: Hướng dẫn này áp dụng cho trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch (sau đây gọi tắt là khu dịch vụ).  Đối tượng thực hiện: Ban quản lý, người phụ trách, giám đốc khu dịch vụ (sau đây gọi chung là ban quản lý), người sử dụng lao động, người lao động, người làm việc, người bán hàng tại khu dịch vụ, khách hàng vào khu dịch vụ. Đối với người lao động, người làm việc, người bán hàng trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ trước khi đến khu dịch vụ phải tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì báo cho người sử dụng lao động, ban quản lý khu dịch vụ và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị. Không đến khu dịch vụ nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Trong thời gian làm việc tại khu dịch vụ: Người làm việc tại các vị trí phải tiếp xúc với khách hàng, người dân: Cần đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hạn chế bắt tay, hạn chế tiếp xúc với khách hàng khoảng cách dưới 1 m (nếu có thể). Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch tại các thời điểm: Trước khi vào làm việc, sau giờ nghỉ giải lao, trước và sau khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn, sau khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Che kín mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay… Không khạc nhổ bừa bãi. Nếu phát hiện bản thân hoặc người làm việc, người bán hàng cùng hoặc khách hàng có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải báo cho cán bộ phụ trách phòng, chống dịch tại khu dịch vụ và người sử dụng lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Khuyến cáo đối với khách hàng: Không vào khu dịch vụ nếu có các biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi hoặc nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế. Sử dụng khẩu trang đúng cách khi đến chỗ đông người theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bỏ ngay khẩu trang sau khi sử dụng vào thùng rác đúng nơi quy định. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế trong thời gian có mặt ở khu dịch vụ vào các thời điểm: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, khi tay bẩn… Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định tại khu dịch vụ. Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh. Không khạc nhổ bừa bãi. Thông báo ngay cho người làm việc tại khu dịch vụ để được hướng dẫn và hỗ trợ khi bản thân thấy có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở. Khuyến cáo về vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại khu dịch vụ: Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như chai xịt tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa. Tổ chức khử khuẩn khu dịch vụ như sau: Đối với nền nhà, tường, bàn ghế, các đồ vật trong phòng, gian bán hàng, khu chơi của trẻ em, khu vệ sinh chung: Khử khuẩn ít nhất 1 lần/ngày. Đối với vị trí có tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, nút bấm thang máy, tay vịn lan can: Khử khuẩn ít nhất 4 lần/ngày. Tăng cường thông khí tại các phòng, gian bán hàng, khu vui chơi,… của khu dịch vụ bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ hoặc các giải pháp phù hợp khác; hạn chế sử dụng điều hòa. Chất thải phải được thu gom và đưa đi xử lý hàng ngày. Trách nhiệm của ban quản lý và người sử dụng lao động: Phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại khu dịch vụ. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy; bố trí đầy đủ khu vực rửa tay, nhà vệ sinh và đảm bảo luôn có đủ nước sạch và xà phòng cho người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ và khách hàng. Đối với người lao động, làm việc tại khu dịch vụ không thể rời khỏi vị trí trong ca làm việc, phải cung cấp dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn. Cung cấp đầy đủ khẩu trang cho người làm việc có tiếp xúc với khách hàng. Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm trong khu dịch vụ. Tổ chức tập huấn cho tất cả người lao động, làm việc, bán hàng tại khu dịch vụ về việc thực hiện khuyến cáo này và các hướng dẫn khác của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tổ chức thông tin truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho người lao động, làm việc, bán hàng và khách hàng. Đảm bảo điều kiện và tổ chức thực hiện các nội dung của khuyến cáo này. Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 9095 hoặc 1900 3228). Hồng Thiết      

Trang