Chính trị - Xã hội

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội pha chế dung dịch sát trùng tay phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

TĐKT - Do yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã giao Ban Chủ nhiệm Khoa Dược tổ chức nghiên cứu triển khai pha chế dung dịch sát trùng sử dụng nội bộ cho cán bộ nhân viên và sinh viên trong toàn trường.   Kiểm nghiệm nguyên liệu bằng Phân cực kế Thực hiện chủ trương của Ban Giám hiệu, từ ngày 9/2, dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Phạm Dương Châu, Khoa Dược đã phối hợp với Phòng Quản Trị A, Tổ cung ứng vật tư, Trưởng và Phó Bộ Môn Bào chế - Công nghiệp Dược, Trợ lý phụ trách Phòng Thí nghiệm và các kỹ thuật viên … thảo luận và xây dựng kế hoạch thực hiện.   Pha chế thử nghiệm công thức Trong cuộc họp ngày 9/2, PGS. TS. Phạm Dương Châu đồng ý với đề xuất của Ban Chủ nhiệm Khoa Dược tổ chức pha chế dung dịch sát trùng tay theo Công thức I được giới thiệu trong tài liệu kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organisation). Ngày 10/2, Tổ vật tư đã cung ứng đủ các nguyên liệu (theo tiêu chuẩn dược dụng). Sáng ngày 11/2, cán bộ, giảng viên và kỹ thuật viên đã có mặt tại Khoa Dược để tiến hành các công việc: Kiểm nghiệm các nguyên liệu, nghiên cứu pha chế thử theo quy trình do Bộ môn Bào chế - Công nghiệp dược biên soạn… PGS. TS. Phạm Dương Châu và Chủ nhiệm Khoa xem xét lần cuối bản vẽ nhãn dung dịch sát trùng, quyết định về hình thức đóng gói lẻ thành phẩm…   Sản phẩm được cung cấp cho cán bộ, nhân viên, giảng viên và sinh viên toàn trường Sau khi đã khẩn trương chuẩn bị chu đáo các điều kiện, Khoa Dược quyết tâm tổ chức sản xuất đủ yêu cầu số lượng dung dịch sát trùng tay phòng, chống virus nCoV theo yêu cầu của Ban Giám hiệu phục vụ công tác chống dịch của Nhà trường, cung cấp cho cán bộ nhân viên, giảng viên và sinh viên toàn trường. Phương Linh              

Rạng Đông: Tăng cường chăm lo, bảo vệ người lao động trước dịch bệnh Covid - 19

TĐKT – Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid - 19) đang diễn ra, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách bài bản, nghiêm túc. Đo thân nhiệt cho toàn bộ CBCNV đầu giờ sáng hàng ngày Với số lượng hơn 2100 lao động tại cả hai cơ sở Hạ Đình (Hà Nội) và Bắc Ninh, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã sớm có những biện pháp quyết liệt để đảm bảo sức khỏe cho người lao động và khách hàng đến giao dịch tại Công ty. Phun thuốc diệt khuẩn vào 17h00 hàng ngày Ngay sau khi cán bộ, công nhân viên (CBCNV), người lao động từ nhiều tỉnh thành trở lại làm việc bình thường từ ngày mùng 6 Tết (30/1/2020), bám sát diễn biến dịch bệnh, ngày 31/1/2020, Công ty đã ra văn bản yêu cầu các đơn vị sản xuất phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid – 19 một cách quyết liệt, tuân thủ mọi quy trình theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhằm đảm bảo sức khỏe của người lao động và khách hàng đến giao dịch tại Công ty. Tất cả khách hàng trước khi vào Công ty đều được đo thân nhiệt Cụ thể, Công ty thành lập Tổ phản ứng nhanh gồm đội y tế và bảo vệ, đầu giờ sáng và đầu giờ trưa hàng ngày tổ chức đo thân nhiệt cho tất cả CBCNV, người lao động, cấp phát vitamin C để tăng sức đề kháng. Khách hàng đến làm việc tại Công ty cũng được đo thân nhiệt và phát khẩu trang miễn phí, yêu cầu khử trùng tay trước khi vào làm việc. Toàn bộ CBCNV, người lao động buộc phải đeo khẩu trang khi đến Công ty, các đơn vị bố trí đủ xà phòng sát khuẩn tại vị trí rửa tay, đồng thời bộ phận y tế phun thuốc khử trùng tại các phòng, ban, phân xưởng hàng ngày. Tất cả CBCNV khi vào nhà ăn, đều thực hiện rửa tay sạch sẽ bằng nước rửa tay khô, đảm bảo sức khỏe của CBCNV Trường hợp phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ, đơn vị có người bị bệnh lập tức báo với tổ phản ứng nhanh và đưa lên bộ phận y tế để khám bệnh. Tuy nhiên, hiện Công ty chưa có trường hợp nào ốm bệnh, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Bên cạnh đó, Công ty cũng tổ chức tăng cường bếp ăn để phục vụ người lao động không ăn bên ngoài, đề phòng dịch bệnh. Để bảo đảm sức khỏe cho CBCNV trong quá trình lao động, sản xuất và phòng chống dịch bệnh, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chủ động thực hiện chăm lo bữa ăn cho CBCNV và hỗ trợ kinh phí để nâng cao chất lượng bữa ăn. Bữa trưa của anh em CBCNV Công ty Rạng Đông tại nhà ăn Với quan điểm chất lượng bữa ăn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe và duy trì năng suất lao động cho CBCNV, ngoài việc ngon và đầy đủ dinh dưỡng, yêu cầu về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được Công ty đặt lên hàng đầu. Tất cả nguyên liệu thực phẩm đầu vào đều được kiểm tra chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng. Các món ăn rất đa dạng, sau khi chế biến đều được kiểm tra, lưu mẫu. Nhà ăn sạch sẽ, ngăn nắp, đồ dùng bát, đĩa sau khi rửa sạch đều được đưa vào tủ sấy khô. Hàng ngày, tất cả số liệu về sức khỏe người lao động đều được cập nhật, ghi chép đầy đủ nhằm bảo vệ sức khỏe của cả Công ty trước đại dịch nguy hiểm này Bên cạnh đó, Công đoàn công ty phối hợp chặt chẽ cùng phòng y tế thực hiện giám sát, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bữa ăn của CBCNV. Khâu chế biến thức ăn được thực hiện theo đúng quy trình 1 chiều: Nhà bếp, phòng ăn, khu chế biến thức ăn sống, thức ăn chín được bố trí riêng biệt, thoáng mát. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người lao động của công ty, bữa ăn trưa được bảo đảm chất lượng, an toàn, CBCNV yên tâm công tác, nâng cao năng suất lao động. Anh Vũ Công Trường, công nhân ngành lắp ráp Led 1 cho biết: Anh em công nhân chúng tôi cảm thấy yên tâm khi ăn tại nhà ăn công ty, nhà ăn thoáng mát, sạch sẽ, các món ăn đa dạng, đủ chất dinh dưỡng và có cả hoa quả tráng miệng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Mai Thảo      

Lễ tổng kết và trao giải trực tuyến toàn quốc Cuộc thi “Viết về BHXH, BHYT”

TĐKT - Ngày13/2, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết và trao giải trực tuyến toàn quốc Cuộc thi “Viết về BHXH, BHYT”. Đến dự có: Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, trong không khí của mùa xuân mới và toàn ngành sôi nổi chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập BHXH Việt Nam, Cuộc thi “Viết về BHXH, BHYT” do Báo BHXH chủ trì phát động và tổ chức từ ngày 8/7 đến ngày 30/11/2019 đã kết thúc và gặt hái thành công rực rỡ. Kết quả cuộc thi đã khẳng định, đây là một đợt tuyên truyền sâu rộng, bổ ích cho toàn thể người dân, người lao động (NLĐ); từ đó góp phần lan tỏa ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH, BHYT tới mọi tầng lớp nhân dân, giúp cho chính sách đến với mọi nhà, mọi người. Qua đó, khẳng định vị thế quan trọng của chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh và ông Hồ Quang Lợi trao giải Nhất cho tác giả Nam Hà - BHXH tỉnh Thanh Hóa và Hoàng Thị Niềm - Báo Tuyên Quang (điểm cầu BHXH Việt Nam) Đặc biệt, thông qua Cuộc thi này, người dân, NLĐ có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Từ đó, thay đổi quan niệm, nhận thức, để mỗi người dân, NLĐ, mỗi cơ quan, ban ngành, đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) đều thấy được trách nhiệm của mình trong việc chung tay thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT để trước hết là tự bảo vệ cho cuộc sống của mình; tiếp đến là san sẻ gánh nặng với cộng đồng và xây dựng xã hội ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời đưa chính sách an sinh xã hội trở thành mốc son của Nghị quyết Trung ương và quyền an sinh xã hội trong Hiến pháp.    Năm nay, cuộc thi có 2 giải Nhất được trao cho loạt bài “Tuyên truyền sáng tạo, lan tỏa chính sách” của tác giả Hoàng Thị Niềm (Báo Tuyên Quang) và loạt bài “Dấu ấn thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác BHXH, BHYT trên vùng đất Lam Sơn” của tác giả Nam Hà (BHXH tỉnh Thanh Hóa). 2 giải Nhì cho loạt bài “Thuốc đặc trị cho giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả” của nhóm tác giả Đỗ Bá - Quang Thuận (Báo BHXH/BHXH TP Hồ Chí Minh) và loạt bài “Những bước chân không mỏi nỗ lực đưa Nghị quyết số 28 vào cuộc sống” của nhóm tác giả Thân Văn Tuân - Đặng Thị Thùy (Thời báo Doanh Nhân/CTV Báo Bảo vệ pháp luật). Nhân dịp này, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cũng đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân trong và ngoài ngành đã có nhiều đóng góp cho thành công của Cuộc thi, gồm: Tặng Bằng khen cho 3 tập thể có nhiều bài dự thi là BHXH Thanh Hóa (có 477 bài dự thi); Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh (có 439 bài dự thi); Công đoàn Giáo dục tỉnh Sóc Trăng (có 420 bài dự thi). Tặng Bằng khen cho 4 cá nhân tâm huyết, đầu tư công phu nhất, gồm: Tác giả Nguyễn Thị Lâm - Công đoàn cơ sở Khối đoàn thể huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh); tác giả Nguyễn Xuân Chiến - Hội viên Chi hội Nông dân thôn Phú Dưới (xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh); tác giả Trịnh Thị Xuân - HĐND huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông); tác giả Nguyễn Thị Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Ngoài ra, còn tặng Bằng khen cho Tập thể Báo BHXH do đã tổ chức thành công Cuộc thi. Hồng Thiết

Việt Nam thêm một trường hợp nhiễm vi rút COVID - 19

TĐKT - Bộ Y tế vừa thông tin thêm về 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID - 19 như sau: Bệnh nhân N. V. V, nam, 50 tuổi, địa chỉ: Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân N. V. V là bố đẻ của bệnh nhân N. T. D (1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây). Bệnh nhân ở cùng nhà với bệnh nhân D trong thời gian lúc bệnh nhân D trở về Việt Nam từ Vũ Hán đến lúc được nhập viện cách ly. Mẹ và em gái của bệnh nhân D cũng đã được xác định mắc bệnh COVID - 19 và đang được điều trị tại cơ sở y tế. Như vậy trong gia đình bệnh nhân V có 4 người thì 3 người bao gồm vợ và 2 con gái đã đều bị mắc bệnh (đã báo cáo). Sau khi xác định vợ và 2 con gái bệnh nhân bị mắc bệnh, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa bệnh nhân Vinh vào danh sách người tiếp xúc gần, được cách ly và theo dõi sức khoẻ hàng ngày. Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Tuy nhiên, ngày 11/2/2020, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu và gửi về Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương để xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân V đang được cách ly tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Kết quả: Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính bằng kỹ thuật: Realtime RT – PCR. Nơi thực hiện xét nghiệm: Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Như vậy, đến thời điểm này, 4/4 người trong gia đình đã mắc bệnh COVID-19 (nCoV) Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 16 người bị bệnh COVID-19 (nCoV), riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 11 trường hợp. Bên cạnh đó, đã có 7 trường hợp đã khỏi bệnh. Tại các địa bàn phát hiện các ca bệnh, chính quyền địa phương tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân này. Một số người nghi mắc bệnh tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Hồng Thiết  

Bộ Y tế đồng hành cùng tỉnh Vĩnh Phúc phòng, chống dịch, bệnh COVID-19

TĐKT - Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ghi nhận trường hợp lây COVID - 19 (tên gọi cũ nCoV) nhiễm tại cộng đồng. Tính đến ngày 11/2/2020, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận 10 trường hợp mắc tại 3 huyện là Bình Xuyên (8 trường hợp), Tam Đảo (1 trường hợp) và Tam Dương (1 trường hợp), trong đó đã có 5 trường hợp mắc do lây truyền thứ phát tại địa bàn huyện Bình Xuyên. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và huy động toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Tỉnh đã thành lập ngay Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch, ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; tạm dừng tất cả các hoạt động chưa cấp thiết để tập trung toàn lực cho công tác phòng, chống dịch; dừng toàn bộ các hoạt động tập trung đông người, các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch trên địa bàn và cho học sinh nghỉ học đến 22/02/2020; triển khai mạnh mẽ, đa dạng công tác truyền thông qua loa truyền thanh, băng rôn, áp-phích, cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trên xe lưu động, cung cấp thông tin bằng tin nhắn, zalo trên điện thoại. Ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế như tổ chức điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch, thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp mắc và nghi mắc, phòng chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; lập danh sách, thực hiện cách ly, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tiêu độc khử trùng tại tất cả trường học, bệnh viện, khu vực công cộng, tại hộ gia đình và khu dân cư; khuyến cáo người dân tự phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang đúng cách; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai các biện pháp phòng,  chống dịch tại địa bàn. Là địa phương ghi nhận số trường hợp mắc cao nhất cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do vi rút corona. Bộ Y tế đã hỗ trợ vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và cử Tổ công tác thường trực 24/7 phòng, chống dịch hỗ trợ địa phương. Đồng thời, yêu cầu chính quyền địa phương, ngành y tế tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế với chủ trương đáp ứng ở mức độ cao nhất, khống chế nhanh và hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh tới an sinh xã hội của địa phương. Bộ Y tế cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quyết tâm phòng, chống dịch bệnh triệt để, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Hồng Thiết

Virus corona có tên mới là Covid-19

TĐKT - Tổ chức Y tế thế giới (Who) đặt tên chính thức cho chủng mới của virus corona là Covid-19, tên viết tắt của virus này – loại virus bắt đầu vào năm 2019. Theo WHO, việc đặt tên virus corona nên tránh mọi sự kỳ thị bằng cách không đề cập đến bất kỳ vị trí địa lý cụ thể, động vật, tên cá nhân, loài động vật, văn hoá, dân số, ngành công nghiệp hoặc nghề nghiệp. WHO cũng cho biết vắc xin ngừa Covid-19 sẽ sẵn sàng trong 18 tháng nữa. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: "Nếu thế giới không nâng cao cảnh giác và coi chủng mới của virus corona như kẻ thù số một của người dân, tôi không nghĩ chúng ta sẽ rút ra bài học… Chúng ta vẫn đang thực hiện chiến lược ngăn chặn và tuyệt đối không được để virus lây truyền tại chỗ". Trước đó, WHO đã thúc giục các nước chia sẻ dữ liệu nhằm thúc đẩy nghiên cứu về bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra. La Giang

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tăng cường vệ sinh phòng dịch tại cơ quan

TĐKT - Số người mắc vi rút corona và số người tử vong vì đại dịch này vẫn tăng lên từng ngày. Trước diễn biến phức tạp của dịch, nhằm nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh cho cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương đã tiến hành lắp đặt dung dịch rửa tay khô sát khuẩn tại trụ sở cơ quan Ban. Nâng cao ý thức vệ sinh phòng bệnh cho cán bộ, công chức, viên chức của Ban Dung dịch sát khuẩn tay được lắp tại các điểm có nhiều người qua lại: Phòng văn thư, phòng tiếp dân, khu vực chấm công vân tay, cửa ra vào thang máy, cửa phòng làm việc của các vụ, đơn vị… Cùng với đó, tại các khu vực này, Ban cũng gắn các bảng hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng, tránh lây nhiễm nCoV. Các nội dung được khuyến cáo: Thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; đeo khẩu trang ở nơi công cộng; tập thể dục, ăn chín uống sôi và đủ chất để tăng cường sức khỏe; giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, bề mặt các đồ vật bằng chất tẩy rửa; tránh tiếp xúc với người có biểu hiện cúm; cần đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... Phương Linh

Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an chung tay ngăn chặn dịch bệnh nCoV

TĐKT - “Mặc dù không được phân công tiếp nhận điều trị trực tiếp những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV), nhưng tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an luôn ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước giao phó. Nếu trường hợp dịch bệnh nCoV bùng phát, Bệnh viện luôn sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp cùng các bệnh viện khác trên cả nước làm tốt công tác phòng, chống dịch, điều trị, bảo vệ sức khỏe nhân dân.” - Đó là khẳng định của Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến, Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an. Y, bác sĩ phòng khám bệnh sốt được được yêu cầu phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ khi tiếp túc với người bệnh Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến cho biết: Trong những năm qua, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công an luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ cao cấp, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an nhân dân (CAND) và bệnh nhân bảo hiểm y tế, tự nguyện. Đồng thời, Bệnh viện làm tốt công tác y tế cộng đồng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới. Bệnh viện là một trong những cơ sở y tế uy tín của cả nước, có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng và điều trị các đợt dịch bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền mang lại hiệu quả cao như: Dịch sốt xuất huyết, cúm A, B, quai bị, thủy đậ,… Vì vậy, ngay sau khi có thông báo về tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona diễn ra hết sức phức tạp, lây lan nhanh tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc  và có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Y tế, Cục Y tế, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an đã kịp thời ban hành Kế hoạch và chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch một cách bài bản, nghiêm túc. Tất cả người bệnh đến khám tại Bệnh viện đều được yêu cầu đeo khẩu trang Bệnh viện tổ chức thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch; thành lập Tổ phòng, chống dịch. Sau đó, nhanh chóng thành lập phòng khám, sàng lọc và phân loại bệnh nhân sốt. Theo đó, Bệnh viện triển khai công tác sàng lọc, phân loại bệnh nhân, sắp xếp khu vực khám bệnh riêng để cách ly bệnh nhân sốt khi đến khám tại khoa Khám bệnh. Bệnh viện cũng tổ chức tiếp đón người bệnh: Phân công cán bộ trong Tổ tư vấn và tiếp đón người bệnh tại bàn hướng dẫn tầng 1 nhà 15 tầng (phụ trách kiểm tra nhiệt độ của người bệnh; trường hợp bệnh nhân sốt, hướng dẫn bệnh nhân vào phòng khám, sàng lọc và phân loại bệnh nhân sốt). Bệnh viện cũng triển khai lắp đặt hệ thống mạng LAN; phân công bác sĩ, điều dưỡng khám tại phòng khám sốt; thực hiện các chỉ định xét nghiệm ngay tại phòng khám sốt khi cần, hướng dẫn bệnh nhân đeo khẩu trang khi thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Bàn tiếp đón bệnh nhân luôn có cán bộ túc trực, kiểm tra thân nhiệt của người bệnh, sàng lọc và hướng dẫn bệnh nhân vào các phòng khám Các bác sĩ dựa vào “Bảng kiểm sàng lọc nguy cơ nhiễm nCoV” hỏi người bệnh/người nhà người bệnh trả lời câu hỏi ngay khi vào khám. Nếu điểm Bảng kiểm ≥ 4 thì tư vấn cho người bệnh/người nhà người bệnh và nhanh chóng làm thủ tục chuyển người bệnh tới bệnh viện chuyên khoa. Xe cấp cứu và lái xe thường trực 24/24h, luôn sẵn sàng đợi lệnh điều động; xe được làm sạch và khử khuẩn sau mỗi lần vận chuyển. Các nhân viên vận chuyển được yêu cầu phải mang đầy đủ phương tiện phòng hộ. Đối với các trường hợp bệnh nhân sốt do vi rút khác, sốt xuất huyết, cúm A, B… không có yếu tố dịch tễ, chuyển điều trị nội trú hoặc kê đơn. Cùng với đó, Bệnh viện thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin tình hình dịch tới các khoa, phòng; xây dựng, soạn thảo “quy trình tiếp đón, khám, sàng lọc và phân loại bệnh nhân sốt”; tổ chức tập huấn cho bác sĩ toàn bệnh viện về công tác phòng, chống, chẩn đoán và điều trị nCoV theo hướng dẫn của Bộ Y tế; truyền thông, giáo dục sức khỏe tại Bệnh viện về cách phòng ngừa và các triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh viêm phổi cấp do vi rút Corona... Các biển chỉ dẫn nhằm phân loại người bệnh có dấu hiệu sốt, ho được đặt mới ở các lỗi đi trong bệnh viện Ngoài ra, Bệnh viện thường xuyên phun khử khuẩn và vệ sinh về mặt môi trường theo quy định; hướng dẫn các khoa, phòng quy trình rửa tay thường quy, sát khuẩn buồng bệnh, trang thiết bị dụng vụ y tế và cá nhân,…Các mặt bằng, bàn ghế ở khu vực buồng bệnh và cách ly được lau tối thiểu 2 lần/ngày bằng các hóa chất sát khuẩn. Nhân viên làm vệ sinh thường xuyên sử dụng các phương tiện phòng hộ như nhân viên y tế. Mọi chất thải rắn tại khu vực cách ly đặc biệt đều được thu gom để đem đi tiêu hủy theo quy định của Bộ Y tế. Bệnh viện luôn đảm bảo công tác cung ứng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế sẵn sàng đáp ứng cho công tác điều trị và phòng, chống dịch; chuẩn bị thuốc y học cổ truyền nâng cao thể trạng, khả năng phòng chống bệnh cho cán bộ chiến sĩ, thuốc sát khuẩn, làm sạch không khí; thường xuyên báo cáo các cấp có thẩm quyền tình hình dịch bệnh tại Bệnh viện. Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến cho biết, tinh thần chủ động phòng dịch là rất quan trọng. Tuy nhiên, dịch nCoV dù diễn ra khá nhanh và phức tạp nhưng chúng ta không nên quá hoang mang, nhưng cũng không nên chủ quan. Với kinh nghiệm của nước ta, cùng sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân và sự quyết tâm, nỗ lực của hệ thống y tế cả nước, tôi tin rằng dịch nCoV sẽ sớm bị đẩy lùi. Lãnh đạo Bệnh viện tổ chức tập huấn cho bác sĩ toàn bệnh viện về công tác phòng, chống, chẩn đoán và điều trị nCoV theo hướng dẫn của Bộ Y tế Dựa trên kinh nghiệm phòng, điều trị của các đợt dịch trước đây, trong đợt dịch nCoV này, Bệnh viện nhận định, nCoV là bệnh theo y học cổ truyền thuộc ôn bệnh. Vì vậy, “Bạch địa căn” là sản phẩm có tác dụng hạ sốt rất hiệu quả, đã và đang được các bác sĩ trong bệnh viện sử dụng rộng rãi trong điều trị hạ nhiệt, giảm các triệu chứng về hô hấp, hạn chế sự lây lan và tiến triển của bệnh. Bệnh viện cũng khuyến cáo nên sử dụng các sản phẩm thuốc y học cổ truyền để nâng cao thể trạng như: “Bổ trung ích khí, quy tỳ, lục vị, bát vị, thập toàn đại bổ,…”. Ngoài các hóa chất khử khuẩn, Bệnh viện còn dùng các tinh dầu thực vật để sát khuẩn làm sạch môi trường không khí như tinh dầu xả, bồ kết. Viên khử khuẩn do Bệnh viện sản xuất (gồm các vị bạc hà, ngải cứu, đại hồi, quế chi, kinh giới,…). “Cả nước đang chung tay ngăn chặn dịch bệnh nCoV với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, đội ngũ những người thầy thuốc Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an cũng không ngoại lệ. Chúng tôi vẫn đang ngày đêm miệt mài, tập trung tư duy, trí tuệ; luôn ứng trực, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước giao phó; luôn phấn đấu để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu” và thực sự “Sáng về y đức, sâu về y lý, giỏi về y thuật” ” -  Thiếu tướng Phạm Bá Tuyến khẳng định. Mai Thảo    

Hơn 300 cán bộ y tế Bệnh viện K hiến máu trong ngày hội "Blouse trắng vì người bệnh cần máu"

TĐKT - Ngày 11/2, Bệnh viện K phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện “Blouse trắng vì người bệnh cần máu” với sự tham gia của hơn 300 các cán bộ y tế Bệnh viện K, bệnh viện tiếp nhận hơn 300 đơn vị máu. Đây là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc được tổ chức thường niên trong 5 năm qua tại bệnh viện.                                                                          Cán bộ y tế Bệnh viện K hiến máu trong ngày hội "Blouse trắng vì người bệnh cần máu" Được biết, năm 2019, Bệnh viện K tiếp đón 484.400 lượt khám bệnh, tăng 16% so với năm 2018 (417.491 lượt). Số lượt người bệnh điều trị nội trú là 78.367 người, tăng 12% so với năm 2018. Số người bệnh hóa trị và xạ trị đều tăng (hóa trị tăng 12% từ 24.397 lên 27.268 người bệnh; xạ trị tăng 1,4% từ 13.443 lên 13.633 người bệnh). Các chỉ tiêu về xét nghiệm cận lâm sàng vượt kế hoạch được giao và tăng từ 2 - 20% so với năm 2018. Những con số trên cho thấy việc điều trị và phẫu thuật có nhu cầu sử dụng số lượng lớn các đơn vị máu. Đặc biệt khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona đang diễn biến phức tạp. Tình trạng thiếu nhóm máu sẽ khiến nhiều người bệnh đối mặt với nỗi lo chờ máu hoặc phải vận động người nhà tham gia hiến máu. Gánh nặng thiếu máu trong quá trình điều trị ngày càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Đó là thách thức lớn trong công tác khám, chữa bệnh và cũng là động lực để các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cán bộ, nhân viên y tế tham gia hiến máu tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Lãnh đạo các khoa, phòng đơn vị là những người đầu tiên tham gia hiến máu. Theo đó, các cán bộ, nhân viên bệnh viện, đặc biệt là cán bộ trẻ, đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng tham gia ngày hội hiến máu Ban Giám đốc bệnh viện vận động các cán bộ tham gia hiến máu tiếp tục cống hiến hết mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là vào thời điểm diễn biến phức tạp. "Mỗi cán bộ y tế Bệnh viện chúng ta sẽ luôn phấn đấu, rèn luyện vươn lên, hoàn thiện về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để không chỉ giúp người dân gìn giữ, nâng cao sức khỏe, vượt qua bệnh tật mà còn để lại trong lòng những tình cảm ấm áp, những kỷ niệm không quên, những suy ngẫm tốt đẹp về người thầy thuốc”. Đây cũng là hoạt động Bệnh viện K tổ chức hưởng ứng 65 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp, với hơn 300 đơn vị máu được tiếp nhận, giúp nhiều người bệnh trong cơn nguy kịch được cứu sống và góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bệnh viện K hy vọng cuộc vận động hiến máu tình nguyện sẽ trở thành phong trào trong toàn xã hội và là “trách nhiệm và bổn phận thiêng liêng của mỗi người”; y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên bệnh viện sẽ cống hiến hết mình hoàn thành sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc. Hồng Thiết  

Thêm 1 bệnh nhân dương tính với vi rút nCoV

TĐKT - Ngày 11/2, Bộ Y tế thông tin thêm về 1 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp có kết quả xét nghiệm dương tính với chủng mới của vi rút nCoV như sau: Thông tin bệnh nhân và các yếu tố dịch tễ liên quan. Bệnh nhân N. G. L, nữ, 3 tháng tuổi (sinh ngày 05/11/2019), địa chỉ: Xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân N. G. L là cháu ngoại của bệnh nhân P. T. B (là bệnh nhân có liên quan đến bệnh nhân N. T. D - 1 trong 8 người đi từ Vũ Hán về đã được báo cáo trước đây, được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và được ra viện ngày 10/2/2020). Ngày 28/1/2020, bệnh nhân N. G. L được mẹ đưa đến nhà bà P. T. B (bà ngoại) chơi và hai mẹ con ở cùng nhà bà ngoại trong 4 ngày tại thôn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi xác định bệnh nhân P. T. B (bà ngoại) bị mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành điều tra lập danh sách người tiếp xúc gần trong đó có cháu N. G. L và mẹ cháu. Trong quá trình theo dõi người tiếp xúc gần hàng ngày theo quy định, y tế cơ sở phát hiện ngày 6/2/2020, cháu N. G. L có biểu hiện ho và chảy nước mũi, không rõ sốt. Ngay sau đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm. Hiện tại, bệnh nhân N. G. L và mẹ đang được cách ly cùng nhau (vì bệnh nhân còn nhỏ) tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc và đang trong tình trạng ổn định. Mẹ bệnh nhân hiện vẫn khoẻ mạnh, đang được theo dõi chặt chẽ, được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả. Kết quả xét nghiệm: Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với vi rút nCoV bằng kỹ thuật: Realtime RT – PCR. Nơi thực hiện xét nghiệm: Khoa Vi rút, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 15 người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona, riêng tỉnh Vĩnh Phúc có 10 trường hợp. Tại các địa bàn phát hiện các ca bệnh, chính quyền địa phương đã tiến hành theo dõi, giám sát chặt chẽ những người có tiếp xúc gần với những bệnh nhân này. Một số người nghi mắc bệnh tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Hồng Thiết  

Trang