Xây dựng nông thôn mới

Cần lan tỏa phong trào "Ngày thứ 7 vì nông thôn mới"

TĐKT- Thời gian qua, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thu hút nguồn lực đầu tư quan trọng, tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình, mỗi địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào một cách phù hợp, hiệu quả. Được khởi xướng từ năm 2011 tại Hà Tĩnh, phong trào“Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, là điểm sáng để nhân rộng ra nhiều địa phương. Năm 2011, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức phát động phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”. Tận dụng triệt để quỹ thời gian, trong những ngày thứ 7, chủ nhật, các cấp ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương, cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; kiểm tra, hướng dẫn, bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; thực hiện cụ thể từng nội dung trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đã có sự tham gia tích cực và đầy trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể. “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đã trở thành phong trào sâu rộng từ tỉnh đến thôn xóm, vì sự đổi thay cuộc sống của người dân. Phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” tại tỉnh Hà Tĩnh đạt kết quả quan trọng. Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Tĩnh, tổng huy động đạt hơn 42 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng 33.408 tỷ đồng; vốn vay được hỗ trợ lãi suất hơn 2.200 tỷ đồng... Đến hết 2015, tỉnh đã phấn đấu có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 23% trên tổng số xã, vượt 3% kế hoạch đề ra). Đời sống người dân Hà Tĩnh đã có sự thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo từ chỗ 37-38%, nay chỉ còn 5,6%... Xuất phát từ tính thực tiễn của phong trào, mới đây, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cũng đã chính thức tổ chức lễ phát động phong trào "Ngày thứ 7 vì nông thôn mới". Sau buổi lễ phát động, toàn thể lãnh đạo cùng cán bộ, công chức, viên chức và bà con nhân dân xã Bằng Lang, huyện Quang Bình tham gia tu sửa, nâng cấp đường đi; đào rãnh thoát nước hai bên đường với tổng chiều dài hơn 1.000 m, mặt đường rộng là 3,5m. Đây cũng là công trình nhiều ý nghĩa nhằm thiết thực chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hà Giang. Thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục nhân rộng phong trào này quy mô  rộng lớn nhằm huy động nguồn lực để thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; góp phần giải quyết các vấn đề của đời sống dân sinh như: Mở rộng, nâng cấp đường sá; kiên cố hóa kênh mương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vệ sinh môi trường... Phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” là mô hình thiết thực, là gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với người dân; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thiết thực tại các địa phương cơ sở; góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân, vì vậy cần được nghiên cứu và nhân rộng. Phạm Ngọc Bách

Khởi sắc sau 5 năm xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh

TĐKT-  Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Trà Vinh có nhiều thay đổi. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ, các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, Trà Vinh đã có 20 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 57 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và còn 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được coi là khâu đột phá, được nhân dân đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã huy động trên 3.450 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Trong 5 năm tỉnh đã đầu tư trên 445 công trình giao thông các loại. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, công ty, doanh nghiệp, tiêu biểu như hỗ trợ xi măng cho các huyện, xã để xây dựng đường bê tông. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường với diện tích lớn như xã Phú Cần, Nhị Long Phú… Nhờ vậy, hệ thống giao thông đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.  Trên địa bàn 85 xã, các tuyến đường liên xã được nhựa hóa đúng theo quy định đạt 92%; đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 55,6%; các tuyến đường ngõ, xóm được bêtông hóa đạt 44,7% và đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 29,5%. Song song với đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng 30 công trình thủy lợi với 4.217 km tuyến kênh, kiên cố được 64,6 % cống bọng trên địa bàn 85 xã. Các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng có 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, trong đó có 263.000 hộ sử dụng điện an toàn đạt 98,4%. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục được tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong 5 năm, Trà Vinh đã đầu tư trên 160 công trình trường học các loại. Về cơ sở vật chất văn hóa, tỉnh đã đầu tư trên 300 công trình cơ sở vật chất các loại, trong đó có 40/85 nhà văn hóa xã cơ bản đạt chuẩn, chiếm 47%; 243/680 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn, chiếm 35,7%; 25 sân vận động ở các xã phục vụ nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao của địa phương. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, Trà Vinh đã tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Đến nay hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành bằng cách xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng. Trong 5 năm tỉnh đã đầu tư trên 160 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Điển hình như: Mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng lúa ở xã Hưng Mỹ - huyện Châu Thành; mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất kém hiệu quả sang làm vườn ở xã An Phú Tân - huyện Cầu Kè; mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn ở xã Phú cần - huyện Tiểu Cần... Cùng với đó, việc hỗ trợ sản xuất được quan tâm thực hiện với việc hỗ trợ hơn 100 mô hình khác nhau, trong đó có một số mô hình rất hiệu quả như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình lúa chất lượng cao; mô hình nuôi gà, vịt theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình; dự án Heifer hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo, bò; trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng màu dưới chân ruộng, mô hình trồng đậu phông trên đất giồng cát… Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân mua máy cày, máy gặt, máy sấy đã được nhiều huyện triển khai mạnh mẽ, đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâư này tăng từ 50% - 90% như: Càng Long, cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần... Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất, cùng với việc tăng cường hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 91 hợp tác xã, 2.089 tổ hợp tác và nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Sau 5 năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo được 844 lớp nghề trình độ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho hơn 19.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo n ghề đến nay đạt 39,03%. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan đã tổ chức trên 6.000 lớp tập huấn ngắn hạn cho trên 214.987 lượt người dự, với nội dung về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Nhờ chính sách hỗ trợ tích cực trong xây dựng NTM đến nay thu nhập chung của tỉnh đạt 24,06 triệu đồng/người/năm (tăng 4,59 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 84,69%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 7,66%... Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Trà Vinh từng bước đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, có 1 huyện đạt chuẩn NTM. Riêng năm 2016, tỉnh phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Tin rằng với những bước đi đúng đắn, Trà Vinh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bảo Linh

Xã Thông Nguyên: Xây dựng nông thôn mới bắt đầu từ giao thông nông thôn

TĐKT - Xã Thông Nguyên được chọn là xã điểm của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Mặc dù điều kiện xuất phát còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng ngay từ khi bắt đầu triển khai, Đảng ủy xã đã xác định muốn thực hiện chương trình thành công thì phải bắt đầu từ xây dựng đường giao thông nông thôn. Định hướng đúng kết hợp với cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, Thông Nguyên đã trở thành xã đầu tiên của huyện cán đích NTM vào năm 2015. Đảng ủy xã Thông Nguyên xác định đường giao thông nông thôn góp phần hết sức quan trọng cho việc thực hiện các tiêu chí khác trong công tác xây dựng NTM, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của xã. Ông Vần Kim Đưởng – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Xã Thông Nguyên là một xã có địa hình tương đối phức tạp, có độ dốc cao và địa hình bị chia cắt mạnh bởi các con suối, có những thôn ở cách xa trung tâm xã gần 9 km; có hơn nửa số thôn của xã đường đi chủ yếu là đường đất chỉ có xe máy đi lại được trong mùa khô. Vì thế, chúng tôi đã tổ chức phong trào thi đua “Huy động nội lực trong xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu như: Làm đường giao thông nông thôn để mở đường lên các thôn trong toàn xã, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện để trao đổi, mua bán cũng như phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công ích trên địa bàn xã. Phong trào được triển khai ở 13/13 thôn bản, được bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện. Kết quả trong 5 năm thực hiện làm đường giao thông nông thôn, xã Thông Nguyên đã nâng cấp 24,2 km đường từ 2,5 m lên 4,8 m, bê tông hóa 41,2 km đường giao thông các loại. Đến nay, 13/13 thôn đã có đường nhựa, đường bê tông đến trung tâm thôn. Bên cạnh đó, xã còn thường xuyên vận động nhân dân tu sửa các tuyến đường trục thôn, trục xã, đường nhóm hộ, đảm bảo thông suốt, phục vụ đi lại bốn mùa. Ngoài ra, xã được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư, nhân dân đóng góp công sức, hiến đất góp phần dựng được 1 phòng khám đa khoa khu vực; 1 nhà lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và 1 nhà ăn cho bệnh nhân; xây dựng được 2 điểm trường nhà cấp 4; 3 nhà văn hóa thôn; 1 bếp ăn cho học sinh trung học phổ thông; 1 nhà trụ sở xã; 3 cầu treo; 1 công trình chống sạt lở với tổng chiều dài là 1 km; lắp đặt 28 cống thoát nước đường giao thông thôn. Các gia đình hộ nhân dân đã xây dựng lò đốt rác, đạt 100% số hộ có lò đốt rác đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường. 100% hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước được xây dựng kiên cố. “Có được những kết quả trên cũng nhờ vào sự quan tâm, giúp đỡ từ cấp trên, đã đầu tư, hỗ trợ xi măng cho nhân dân. Chính quyền xã công khai hóa các chủ trương, cơ chế hỗ trợ của cấp trên cho nhân dân biết. Đồng thời chúng tôi làm tốt công tác vận động nhân dân, và biết khai thác tối đa nội lực trong nhân dân phục vụ công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, được nhân dân đồng tình ủng hộ.” – Ông Đưởng chia sẻ. Trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân xã, xã Thông Nguyên đã phát động phong trào thi đua “Thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả”. Qua đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả về kinh tế, thu nhập cho các hộ gia đình. Tiêu biểu như nhằm phát huy thế mạnh về cây chè Shan tuyết, xã đã quy hoạch vùng trồng chè và quy hoạch vùng chè sạch để sản xuất chè sạch hữu cơ, chè sạch đảm bảo an toàn. Để thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, xã lấy đội ngũ cán bộ chủ chốt gương mẫu thực hiện trước. Ban đầu, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã thực hiện trước, mỗi đồng chí tự chọn một mô hình. Kết quả có 5/5 đồng chí thực hiện được 5 mô hình bước đầu cho kết quả tốt về chăn nuôi cá, dê, lợn, mỗi mô hình cho thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm. Từ kết quả đó, xã nhân rộng ra tất cả đội ngũ cán bộ xã và cán bộ thôn làm trước cho người dân học tập và làm theo. Đến nay, xã Thông Nguyên đã có 26 mô hình cho kết quả tốt, từng bước nâng cao nhận thức và tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện đạt tiêu chí số 10 trong 19 tiêu chí NTM. Để duy trì hiệu quả của phong trào thi đua, xã thường xuyên phát động các đợt thi đua giữa thôn với thôn, hộ với hộ, nhóm hộ với nhóm hộ; thường xuyên thi đua với nhau thực hiện và đến cuối năm tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện tốt. Nhờ đó, đến nay, xã Thông Nguyên đã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 20,2 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo đến năm 2015 giảm xuống chỉ còn 2,96% (năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo là 32%). Số gia đình văn hóa là 544/666 hộ, chiếm 83% số hộ của xã. Các câu lạc bộ bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền được quan tâm thành lập tại các thôn, bản và hoạt động thường xuyên. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng. Các thôn, bản đều có quy ước cấm vứt rác bừa bãi, cấm bắt cá suối dưới mọi hình thức, cấm săn bắt thú rừng. Những thành tựu đạt được đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt toàn cảnh của xã. Đến tháng 12/2015, xã Thông Nguyên được công nhận là xã đạt chuẩn NTM của tỉnh Hà Giang. Chia sẻ về những kinh nghiệm trong xây dựng NTM, ông Đưởng nói: Công tác tổ chức, triển khai các phong trào thi đua phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Trong thực hiện, phải lấy sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, của người đứng đầu để mọi người học tập và noi theo. Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của địa phương mới huy động được sự hưởng ứng, tham gia của người dân và phong trào thi đua mới đạt được hiệu quả, mục tiêu đề ra. Cùng với đó, phải tổ chức sơ kế, tổng kết các đợt thi đua để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp biện pháp khắc phục những hạn chế; đồng thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng những nhân tố điển hình để động viên, khích lệ, tạo động lực cho phong trào thi đua trong thời gian tiếp theo. “Trong những năm tới, xã chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo tính bền vững trong xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.” – ông Đưởng khẳng định. Trang Lê

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới từ xã Đoàn Kết

TĐKT- Xã Đoàn Kết là một xã vùng ven nằm ở phía nam thành phố Kon Tum cách trung tâm thành phố khoảng 6 km. Với sự nỗ lực không ngừng, xã Đoàn Kết đã xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công từ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Phong trào xây dựng NTM trong những năm qua đã làm cho mọi người dân xã Đoàn Kết nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong tham gia chương trình xây dựng NTM, coi xây dựng NTM là nhiệm vụ của mỗi người dân, mỗi cá nhân và gia đình. Đặc biệt, phong trào xây dựng NTM đã làm cho nếp nghĩ, cách làm của mọi người dân thay đổi. Người dân ở đây ngày càng tin tưởng vào đường lối của Đảng. Chính nhờ đó, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn không ngừng được đổi mới, đời sống người dân từng bước được cải thiện, cụ thể:  Cơ sở vật chất, hạ tầng, kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư phát triển mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển.  Để có được thành công như ngày hôm nay, ngay từ ban đầu, ban chỉ đạo chương trình NTM đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền cho cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân thấy được mục đích, ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng NTM. Từ đó vận động nhân dân đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; hiến đất, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động, tiền để xây dựng các công trình công cộng, chỉnh trang nhà cửa, tường rào, đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi... Kết quả, xã Đoàn Kết đạt 19/19 tiêu chí. Hiện nay, về giao thông, tổng chiều dài đường trục xã, liên xã có 5 km đã được nhựa hóa, cứng hóa. Tổng chiều dài đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa 8 km, số đã được cứng hóa 4,9 km đạt 61%... Chia sẻ kinh nghiệm thành công từ xây dựng NTM, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đoàn Kết Nguyễn Văn Vụ cho biết, trước hết, phải có quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã. Đặc biệt là cụ thể hóa từng tiêu chí, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng cá nhân phụ trách các tiêu chí trong quá trình triển khai thực hiện. Phải xem công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng để làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân. Thứ hai, xác định rõ được quan điểm dựa vào nội lực là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, từ đó xóa dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động trong triển khai thực hiện. Thứ ba, nên lựa chọn các địa điểm có khả năng thực hiện thuận lợi trước và có sự đồng thuận cao của nhân dân. Thứ tư, việc xây dựng giao thông nông thôn không nên ấn định tuyến đường nào làm trước, tuyến đường nào làm sau, mà sau khi họp thì ban phát triển thôn, nhân dân của từng tuyến đường có sự thống nhất, có cam kết cùng với chính quyền địa phương đóng góp theo phương châm nhà nước hỗ trợ, nhân dân triển khai thực hiện và quản lý thì mới quyết định lựa chọn địa điểm thích hợp để thực hiện. Để tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong chương trình xây dựng NTM, xã Đoàn Kết đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ các tiêu chí đã đạt được nhưng chưa thật sự bền vững. La Giang

Nông thôn mới Phú Thọ đang trên đường đổi mới

TĐKT- Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, tỉnh có 1 huyện Lâm Thao đạt chuẩn NTM, 19 xã đạt chuẩn và 51 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 11,6 tiêu chí/xã. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả cao trong sản xuất, dân sinh. Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, lòng tin của người dân vào Đảng, chính quyền được nâng lên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Kết quả đến nay, diện tích gieo cấy lúa áp dụng biện pháp thâm canh cải tiến (SRI), gieo sạ, mạ ném... chiếm 60%. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn ngày càng phát triển, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, RFA chiếm 25,3% diện tích chè cho sản phẩm; diện tích rừng sản xuất đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) đạt 10,3 nghìn ha; diện tích bưởi Đoan Hùng được áp dụng tiến bộ kỹ thuật chiếm 74%. Các biện pháp nuôi thủy sản thâm canh, sử dụng thức ăn hỗn hợp, nuôi cá lồng trên sông đã được áp dụng ở một số vùng trọng điểm như Cẩm Khê, Thanh Thủy, Đoan Hùng,... Các giống vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao cũng dần phổ biến ở các địa phương như gà nhiều cựa, thỏ ngoại, lợn rừng... Tỷ lệ giống thủy sản đặc sản, thủy sản có giá trị kinh tế cao (Lăng, Nheo, Chiên, Trắm đen .....) chiếm 35%. Cùng với đó, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh triển khai thực hiện. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở nông thôn được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Phát triển đường giao thông nông thôn đã trở thành phong trào rộng khắp ở các địa phương, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ phù hợp nên đã huy động được nhiều sự tham gia của người dân và cộng đồng. Kết quả sau 5 năm, tỉnh đã làm mới 57 km đường; đường nâng cấp cải tạo 1.906 km (trong đó đường bêtông nhựa, đá dăm láng nhựa 614 km; đường bê tông xi măng 1.292 km); làm mới 42 cầu, sửa chữa 7 cầu; tràn làm mới 32 cái và sửa chữa 9 cái. Song song với đó, các địa phương đã tập trung chỉ đạo cải tạo và nâng cấp, kiên cố hóa, nạo vét kênh mương, xây dựng tu bổ sửa chữa, nâng cấp bờ bao, cống, trạm bơm đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất; ngành nông nghiệp đã triển khai trên 80 công trình, dự án phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Toàn tỉnh có 597 km/2.880 km kênh mương đã được cứng hóa. Điện nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp và mở rộng. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 96%. Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, từng bước được xã hội hóa; trong giai đoạn đã công nhận thêm 55 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia đến thời điểm hiện tại lên 465 trường. Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp. Giai đoạn 2011-2015 có thêm 41 nhà văn hóa kiêm trung tâm học tập cộng đồng đạt chuẩn, 36 trung tâm thể thao xã đạt chuẩn, 536 nhà văn hóa khu dân cư đạt chuẩn. Ngoài ra công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và vệ sinh môi trường được tỉnh quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đa dạng hóa và đẩy mạnh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" tiếp tục được triển khai tích cực. Đến nay toàn tỉnh có 87,6% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 86,6% khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa, 30% số xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa NTM". Tỉnh cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Các địa phương đã xây dựng, nâng cấp các công trình nước sạch tập trung, bãi thu gom rác thải, cống rãnh thoát nước thải vệ sinh. Trong 5 năm, tỉnh đã đầu tư 11 dự án cấp nước sạch tập trung; 19 dự án cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải cho 2 xã điểm (Sơn Dương, Đồng Luận) và một số mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh. Hà Anh

Khởi sắc phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh

TĐKT- Năm 2015, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đạt được những kết quả toàn diện, có chiều sâu, bền vững. Số tiêu chí NTM đạt chuẩn theo bộ tiêu chí của tỉnh bình quân đạt 11,7 tiêu chí/xã, bình quân theo bộ tiêu chí quốc gia đạt 13,7 tiêu chí/xã. Đến nay, tỉnh có có thêm 26 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn lên 52 xã, chiếm 22,6% tổng số xã; không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, ở thôn, xã được đầu tư xây dựng, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của người dân, vừa tạo ra sự khang trang, từng bước hiện đại hoá nông thôn. Trong năm 2015, các địa phương đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn 1.116 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa hơn 328 km kênh mương nội đồng; làm mới 382,95 km đường điện, di dời 4.500 cột điện vi phạm hành lang an toàn giao thông và quy hoạch NTM, nâng tổng số cột điện di dời lên 9.208 cột; xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa 51 nhà văn hóa xã, 37 khu thể thao xã, 199 nhà học đạt chuẩn quốc gia, 285 nhà văn hóa thôn, 164 khu thể thao thôn. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả quan trọng, đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản lên 7,96%, tạo động lực phát triển sản xuất. Trong năm, tỉnh đã thành lập mới được 3.335 mô hình sản xuất có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên nâng tổng số mô hình toàn tỉnh đến nay là 10.129 mô hình. Một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực thu hút được doanh nghiệp lớn vào đầu tư, tăng nhanh về quy mô, chất lượng, từng bước phát triển chuỗi liên kết như: Chăn nuôi bò chất lượng cao của Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại, chăn nuôi bò giống và bò thịt chất lượng cao của Công ty Bình Hà, phát triển các cơ sở chăn nuôi lợn nái, cung ứng giống cho liên kết quy mô vừa và nhỏ; nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao,... Nhiều mô hình có hiệu quả xuất hiện và được nhân rộng như: Mô hình chăn nuôi lợn nái quy mô 300 con liên kết với Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Hương (xóm 4, Sơn Diệm, Hương Sơn); hợp tác xã chăn nuôi lợn nái quy mô 1.200 con liên kết với doanh nghiệp tại xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc); mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Trần Tất Đạt (xã Phú Lộc, huyện Can Lộc); mô hình trồng cam, chanh leo của ông Nguyễn Văn Hiệu (xã Hương Quang, huyện Vũ Quang)…   Vườn mẫu là sáng tạo của Hà Tĩnh trong xây dựng NTM Ngoài ra, các phong trào về văn hoá, giáo dục, y tế được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng NTM được triển khai tích cực, có hiệu quả. Các hoạt động văn nghệ và thể thao quần chúng được các cấp, các ngành và đông đảo người dân tham gia. Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả khá ở tất cả các cấp; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh. Trong năm đã đào tạo cho hơn 137 lớp dạy nghề, với 5.500 lao động tham gia. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ được cải thiện; thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đặc biệt, phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu được sự đồng thuận cao trong cộng đồng và người dân đã trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM, tạo ra diện mạo mới ở nhiều địa phương. Đến nay, tỉnh có hơn 1.000 thôn đã triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó có 460 khu dân cư NTM kiểu mẫu cơ bản đạt chuẩn theo 10 tiêu chí. Phong trào phát triển kinh tế vườn, xây dựng vườn mẫu đã lan tỏa mạnh mẽ. Hiện tỉnh có trên 2.000 vườn mẫu được xây dựng, trong đó 860 vườn cơ bản đạt chuẩn theo 5 tiêu chí. Bên cạnh đó, các mô hình mẫu theo các tiêu chí tiếp tục được các sở, ngành triển khai ở một số nội dung cần có mẫu hình để nhân rộng. Trong năm tỉnh đã xây dựng thêm 48 mô hình; các mô hình cơ bản đạt yêu cầu đề ra, vừa tạo được điểm nhấn trong xây dựng NTM và có khả năng nhân rộng. Một số mô hình mới phát huy hiệu quả cao như: Mô hình chăn nuôi lợn liên kết; mô hình tưới tiết kiệm; mô hình thư viện thân thiện;... và đặc biệt là mô hình Tổ tư vấn chính sách tại xã do Văn phòng điều phối NTM tỉnh chỉ đạo thực hiện tại các xã Thạch Đỉnh, Xuân Thành, Ích Hậu, Tiến Lộc đã đưa các chính sách vào người dân nhanh và hiệu quả, giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ngân hàng phát triển sản xuất. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2016, Hà Tĩnh phấn đấu bình quân mỗi xã tăng tối thiểu 2 tiêu chí; mức độ tăng lên trong các tiêu chí bình quân tối thiểu 1,2 lần; có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã đạt dưới 9 tiêu chí; 100% số xã có các mô hình sản xuất đủ 3 loại quy mô lớn, vừa, nhỏ; bình quân mỗi xã có thêm 3 - 5 doanh nghiệp, 3 - 4 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác; 30% số hộ gia đình sản xuất kinh doanh có liên kết; 100% số xã triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu. Bảo Linh

Xây dựng nông thôn mới trên mảnh đất anh hùng

TĐKT- Với truyền thống bất khuất, kiên cường một huyện anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của cán bộ và nhân dân nơi đây, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày. Xuân Lộc là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Đồng Nai. Là một huyện miền núi của tỉnh Đồng Nai, Xuân Lộc bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, ngoài lao động và đất đai, huyện không còn một thế mạnh nào khác. Nhận thức được những khó khăn đó, trên cơ sở nhận thức được những khó khăn, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã chú trọng huy động tối đa các nguồn lực, đặc biệt là sự đóng góp về tinh thần và vật chất của nhân dân cho xây dựng NTM. Xác định vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM đến tận cán bộ, đảng viên và nhân dân để tích cực, tự giác, đồng sức, đồng lòng tham gia. 5 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM của huyện là hơn 12.700 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do nhân dân đóng góp chiếm hơn 90%. Có kết quả đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, Đảng bộ, chính quyền huyện đã nêu cao tinh thần phát huy dân chủ để có trí tuệ tập thể “khó trăm lần không dân cũng chịu...” làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chung sức trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Huyện thường xuyên khuyến khích, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM.    Các công trình giao thông được Xuân Lộc thực hiện theo phương châm vừa làm vừa vận động nguồn vốn trong dân, từ đây nhân dân tận mắt thấy được kết quả thực tế nên nhiệt tình tham gia góp công, góp của, hiến đất để xây dựng cùng với Nhà nước. Đến nay, các tuyến đường do huyện quản lý đạt tỷ lệ nhựa hóa gần 90%; đường liên xã đạt trên 99,5% và đường ấp, ngõ xóm, trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%. Mỗi xã trong huyện còn có trên 10 tuyến đường tự quản trong khu dân cư đảm bảo các tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Cùng với đó là hệ thống điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân. Hiện tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 99,7%; trên 95,52% số hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Hệ thống trường học được đầu tư ngày một hoàn thiện, hiện 100% trường học trên địa bàn huyện có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, 52/67 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,6%. 15/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Xuân Lộc đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với sản xuất thị trường nên đã hình thành sự liên kết giữa nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ, đồng thời tiếp tục nhân rộng thêm các mô hình kinh tế hợp tác. Căn cứ quy hoạch nông nghiệp và quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi được ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, huyện đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để hình thành các vùng chuyên canh. Đến nay, Xuân Lộc có gần 1.570 hécta cây xoài; trên 1.870 hécta cây hồ tiêu; trên 1.900 hécta cây ăn trái đặc sản chất lượng cao như chôm chôm nhãn, chôm chôm thái; sầu riêng G6; xoài cát Hòa lộc… Ngoài ra huyện còn có gần 280 hécta cây thanh long và trên 640 hécta cây rau các loại (hầu hết đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP). Trên 90% diện tích các loại cây trồng đều sử dụng giống mới. Đặc biệt, Xuân Lộc còn được xem là thủ phủ cây bắp lai với tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên 12 ngàn hécta. Nhờ việc đầu tư mạnh trong việc nâng cấp các tuyến kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ tưới tiêu ở các địa phương diện tích bắp đông - xuân ngày càng được người dân mở rộng theo mô hình “2 bắp và 1 lúa”, cho thu nhập hơn 120 triệu đồng/hécta/năm.  Huyện cũng có 37 hợp tác xã (HTX), 2 quỹ tín dụng nhân dân và 437 câu lạc bộ (CLB) nông nghiệp, thu hút trên 12.200 hội viên tham gia với tổng diện tích cây trồng trên 12.400 hécta. Năng suất cây trồng, vật nuôi trong các CLB đều tăng từ 1,5-2 lần so với mức bình quân chung. Nhiều CLB năng suất cao như: CLB tiêu năng suất cao xã Xuân Thọ, CLB thanh long Xuân Hưng, HTX xoài Suối Lớn, HTX rau sạch Trường An, rau sạch Xuân Tiến... đều cho mức thu nhập trên 300 triệu đồng/héca. Cùng với đó, huyện cũng quan tâm đến công tác đào tạo, hướng dẫn người dân áp dụng hoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Cán bộ huyện đã kịp thời giải quyết các kiến nghị của dân, nhất là trong việc thay đổi cơ cấu trồng, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Bảo Linh

Đơn Dương vững tin trên chặng đường xây dựng nông thôn mới

TĐKT- Từ một huyện khó khăn thuộc tỉnh Lâm Đồng, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn huyện Đơn Dương thực sự được đổi mới; nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả theo hướng hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Tính đến tháng 9/2015, Đơn Dương có 87,25 số xã đạt 19/19 tiêu chí. Bình quân các xã trong toàn huyện đạt 18,75 tiêu chí. Hàng năm, mỗi xã tăng bình quân 3 tiêu chí. Đơn Dương là đơn vị cấp huyện đầu tiên của khu vực các tỉnh Tây Nguyên và Miền Trung đạt chuẩn NTM và được Thủ tướng Chính phủ công nhận ngày 01/09/2015. Ông Đinh Ngọc Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đơn Dương xác định việc đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng NTM là nhiệm vụ chiến lược vừa trước mắt vừa lâu dài, vì 19 tiêu chí NTM là sự cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị ở địa phương cơ sở. Việc xây dựng đề án của các xã được hoàn thành ngay từ năm 2010, xây dựng và phê duyệt quy hoạch năm 2011 và hoàn thành các nội dung của nhóm quy hoạch trong năm 2013. Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Đơn Dương đã thực sự tạo ra phong trào thi đua sôi nổi và tích cực tham gia đóng góp đất đai, tiền của, công lao động, vật kiến trúc. 5 năm qua toàn huyện đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp trên 100 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; kiên cố hóa 40 km kênh mương, 12 công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho trên 75% diện tích đất sản xuất, giải quyết các vấn đề cấp thoát nước; 4 công trình chợ nông thôn, 64 km đường điện và các công trình điện; 5 nhà văn hóa xã, 25 hội trường thôn, 3 trạm y tế, nâng cấp và xây dựng mới đảm bảo trên 75 % trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, xây dựng. Vì vậy, đến nay đã có 87,25% số xã đạt chuẩn nhóm tiêu chí hạ tầng.   Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại ở Đơn Dương Trong phát triển sản xuất, Đơn Dương đã phát huy tiềm năng, lợi thế của mình trên vùng đất tây nguyên, đồng thời đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với tổ chức liên kết, liên doanh, củng cố phát triển kinh tế tập thể… đã thực sự tạo ra nền nông nghiệp năng động, hiệu quả theo hướng hiện đại. Trong 5 năm huyện đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên 1.200 ha đất sản xuất từ trồng lúa, bắp và cây hiệu quả thấp sang trồng rau, hoa, cây đặc sản, cây có giá trị kinh tế cao và phục vụ chăn nuôi. Huyện chuyển nhanh sang sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên 5.000 ha, nâng tổng số diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 6.200 ha đạt 70% diện tích đất nông nghiệp hiện có, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ hiện đại đạt 20%. Trong chăn nuôi, phát triển mạnh mẽ, riêng đàn bò sữa đạt trên 10.000 con (tăng 3,5 lần so với năm 2010) và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập bình quân trong sản xuất nông nghiệp của huyện lên 170 triệu đồng/ ha/năm 2015 (tăng 230% so với năm 2010). Việc củng cố kinh tế tập thể được quan tâm, hình thành nhiều mô hình hợp tác, tổ hợp tác, các liên kết, liên doanh làm ăn có hiệu quả. Huyện cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện các phong trào về văn hoá  - xã hội, môi trường. Các phong trào xây dựng đời sống văn hoá, thi đua giảm nghèo nhanh và bền vững, chăm sóc người có công, xây dựng đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, phong trào thu gom và xử lý rác thải, vệ sinh đồng ruộng, bảo vệ môi trường… đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng và thực hiện đạt kết quả. Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua xây dựng NTM đã thực sự thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm, huyện đã duy trì tăng trưởng kinh tế trên 15%/năm, trong đó nông - lâm nghiệp tăng 9,5%/ năm; công nghiệp - xây dựng 20,2%/năm; dịch vụ tăng 22%/năm; thu ngân sách nhà nước hàng năm tăng đều và tăng bình quân 33%/ năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng bình quân 25%/ năm. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện phát triển đồng bộ phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống. Huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế, giáo dục. Thu nhập bình quân đầu người 48 triệu đồng/ người/ năm, tăng 2,8 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo 1,5%, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dưới 3%... Với những thành tích trên, huyện Đơn Dương đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012 và 2014, UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2012 và 05 năm 2010-2015. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương và Bằng khen của các cấp, các ngành. Bảo Linh

Biểu dương những mô hình cánh đồng năng suất, chất lượng, hiệu quả

TĐKT - Sáng ngày 5/12, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) tổ chức họp báo thông báo kết quả Chương trình Cánh đồng vàng  năm 2015.  Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, sau gần 1 năm phát động chương trình, Ban tổ chức đã tập hợp được 533 mô hình trong cả nước được đề cử. Qua quá trình sàng lọc, kiểm tra thông tin  từng trường hợp, 100 mô hình cánh đồng tiêu biểu sẽ được vinh danh, trong đó có 60 cá nhân và 40 tổ chức. Tiêu chí của chương trình là xếp hạng các cánh đồng từ trên xuống theo quy mô cây trồng, diện tích, năng suất (sản lượng, diện tích) và giá trị (giá trị thu được từ việc bán sản phẩm nông sản). Những mô hình được vinh danh lần này là những cánh đồng có giá trị, cho năng suất chất lượng, hiệu quả cao; các thành tựu về phát triển nông nghiệp nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp kiểu mới.  “Chương trình Cánh đồng Vàng là cơ sở để chúng ta nhân rộng và phát triển những mô hình có hiệu quả để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa vừa đảm bảo chất lượng vừa đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập”, ông Ngọc nhấn mạnh.    Họp báo công bố kết quả chương trình Cánh đồng Vàng 2015. Đây là lần đầu tiên chương trình Cánh đồng Vàng được tổ chức, nhằm biểu dương những mô hình cánh đồng tiêu biểu cho thành tựu về phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời, tôn vinh các mô hình cánh đồng tiêu biểu của ngành nông nghiệp cả nước trong thời kỳ hội nhập, qua đó, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo hiệu ứng phong trào xây dựng và phát triển nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Dự kiến chương trình sẽ được tổ chức 2 đến 3 năm một lần. Đại diện đơn vị tài trợ - Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết: Công ty đã đang và sẽ tiếp tục đồng hành không chỉ với chương trình Cánh Đồng Vàng 2015 mà còn nhiều chương trình khác nữa nhằm hỗ trợ cho bà con về phân bón, nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị hàng hóa theo hướng an toàn và bền vững. Phương Thanh

Trang