TĐKT - Gio Hòa là một xã thuộc vùng kinh tế mới miền Tây của huyện Gio Linh, có xuất phát điểm thấp, khi mới xây dựng nông thôn mới (NTM) xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã, đến nay Gio Hòa đã trở thành một trong những điển hình xây dựng NTM, đạt 19/19 tiêu chí (năm 2016) và đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là xã đạt chuẩn NTM.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân
Mặc dù không phải là xã điểm về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của huyện, nhưng xã Gio Hòa luôn tự lực, tự cường, sáng tạo tìm hướng đi riêng phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để quyết tâm về đích 19 tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2016.
Mô hình trồng cây tiêu ở xã Gio Hòa
Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Gio Hòa đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi, cải tạo vườn tạp, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Vốn là một xã trung du gò đồi đất đỏ bazan nằm ở miền tây của huyện Gio Linh, Gio Hòa rất thuận tiện cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, cây ăn quả.
Nắm bắt được những thuận lợi mà tạo hóa ban tặng cho vùng đất và con người nơi đây, chính quyền xã tích cực phối hợp với các đơn vị thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động tại địa phương; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, cao su, phòng bệnh cho gia súc gia cầm, sử dụng thuốc thú y, kỹ thuật chăn nuôi lợn, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt… nhằm trang bị cho bà con kiến thức để mạnh dạn phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn toàn xã có trên 90% lao động có việc làm thường xuyên.
Song song với đó, xã Gio Hòa tập trung lựa chọn phát triển các loại cây, con phù hợp. Trong trồng trọt, Gio Hòa thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp thành những vùng trồng cây tập trung. Từ 6,5 ha diện tích trồng hồ tiêu năm 2011, đến năm 2016 diện tích tiêu toàn xã đã tăng lên 15,5 ha; 13 ha trồng cây bơ (năm 2011) đã mở rộng gần 27 ha (năm 2015); 80 ha cao su (năm 2011) đã mở rộng thành gần 126 ha (năm 2016)… Ngoài ra, 6 năm qua xã quy hoạch vùng trồng tre măng bát độ và một số loại cây ăn quả mang lại thu nhập lớn cho nhiều gia đình với mức thu nhập hàng năm đạt 90 - 100 triệu đồng/mô hình.
Cùng với quy hoạch trồng cây, Gio Hòa phát triển các mô hình chăn nuôi phù hợp: duy trì mô hình nuôi bồ câu pháp, nhím, chồn hương mang lại thu nhập bình quân khoảng 100 - 120 triệu đồng/ mô hình. Ngoài ra, phát triển thêm các mô hình nuôi cá chình lồng, mô hình laisin, zebu hóa đàn bò, mô hình nuôi bò nhốt gia trại, nuôi lợn bán công nghiệp, mô hình nuôi cá nước ngọt trên lòng hồ Hà Thượng…
Kết quả, nhờ chọn và phát triển phù hợp các mô hình kinh tế, đời sống của nhân dân trong xã ngày càng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm rõ rệt, từ 28,3 % (năm 2011 ) giảm xuống còn 4,3% (năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,1 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 26 triệu đồng năm 2016.
Khẳng định sức mạnh từ phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”
Về xã Gio Hòa hôm nay, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi nó như khoác lên mình chiếc áo mới. Từ một địa phương gặp nhiều khó khăn, hôm nay hệ thống điện, đường, trường, trạm được quy hoạch, xây dựng một cách đồng bộ. Những ngôi nhà tạm bợ năm nào đều đã được làm mới, khang trang, sạch sẽ. Người dân phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.
Nhân dân xã Gio Hòa tích cực tham gia bảo vệ môi trường
Ông Lê Thanh Quý, Chủ tịch UBND xã Gio Hòa cho biết: có được thành quả đó là nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân.
Là một đơn vị cấp xã tuy còn nhiều khó khăn nhưng Gio Hòa lại triển khai rất tốt việc huy động nguồn lực xây dựng NTM. Hơn 5 tỷ đồng do nhân dân đóng góp, cộng với 600 ngày công lao động phục vụ công tác chỉnh trang nông thôn, vệ sinh đường làng ngõ xóm; gần 3500 m2 đất hiến để làm đường giao thông nông thôn và sân tập thể thôn; hàng trăm cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao trị giá gần 300 triệu đồng chặt bỏ, di dời phục vụ cho nông thôn mới… Đó là những con số biết nói, cho thấy công cuộc xây dựng NTM được nhân dân đồng thuận và ủng hộ nhiệt tình.
Tất cả các công trình, cơ sở hạ tầng xây dựng và sửa chữa trên địa bàn xã đều thấm đẫm những giọt mồ hôi của từng người dân, cán bộ, đảng viên trong xã. Từ nâng cấp hồ chứa Bàu Đưng, đến bê tông hóa kênh mương, xây dựng, chỉnh trang hệ thống các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa; xây dựng tuyến đường điện thắp sáng đường quê dài 4,5 km….đều có sự vào cuộc của chính quyền và nhân dân.
Trên địa bàn, 5/5 thôn được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, trong đó 1 thôn được công nhận làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Số hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ 88%. Các thôn đều đã phát động ra mắt khu dân cư an toàn về an ninh, trật tự…
Tuy thời gian triển khai chương trình NTM trên địa bàn xã Gio Hòa chưa dài nhưng kết quả đạt được thực sự đáng ghi nhận. Năm 2016, xã đạt 19/19 tiêu chí. Mới đây, chính quyền và nhân dân xã Gio Hòa vinh dự đón nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây là niềm tự hào đồng thời là động lực để chính quyền và nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, phát huy tốt những thế mạnh, tiềm năng, nguồn lực của địa phương để phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu.
Hưng Vũ