Huyện Thanh Trì (Hà Nội) đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới
26/10/2017 - 13:22

TĐKT - Sáng 26/10, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tới dự, có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng

Đến nay, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Tổng vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2016 của huyện là 2.360 tỷ đồng.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện đã chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế với tổng số tiền trong 5 năm là 23,61 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư 92 máy phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp; xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 140 ha tại Yên Mỹ, Duyên Hà; xây dựng thành công chuỗi liên kết thực phẩm rau – thịt trên địa bàn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Thanh Trì

Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa gần 817 ha đất nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng được ưu tiên đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Vùng sản xuất tập trung đã bước đầu được hình thành, đem lại hiệu quả cao: vùng cây ăn quả tập trung (các xã: Vạn Phúc, Yên Mỹ); lúa tập trung (các xã: Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng); rau an toàn (các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà); vùng nuôi trồng thủy sản (các xã: Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng)... 38 trang trại trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 trang trại tổng hợp.

Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện hoạt động khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động. Huyện đã từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động. 3 làng nghề truyền thống là dệt Triều Khúc (Tân Triều), bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà), miến, bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Phấn đấu hết năm 2017 là 38 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều được quan tâm hỗ trợ để ổn định cuộc sống đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn dưới 2%.

Mai Thảo