Xây dựng nông thôn mới

Tiền An: gắn xây dựng nông thôn mới với mở rộng sản xuất rau an toàn

TĐKT –  Nhằm phát triển kinh tế địa phương, đồng thời nâng cao mức sống của người dân, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tiền An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đã tập trung chỉ đạo và khuyến khích bà con dồn điền đổi thửa, thâm canh để phát triển vùng sản xuất rau an toàn. Nhờ đó, đời sống nhân dân trong xã đã được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Nghề trồng rau xuất hiện ở Tiền An từ những năm 1990 với quy mô nhỏ lẻ, thu nhập không đáng kể, rau chủ yếu bán quanh địa bàn xã. Vì lợi ích trước mắt, nhiều người dân đã sử dụng các loại thuốc tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật không rõ xuất xứ, gây ra hậu quả khó lường, cho sức khoẻ con người, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt... Trước nhu cầu thực tế, xã Tiền An đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn từng bước triển khai xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng tập trung trên địa bàn xã. Năm 2013, từ nguồn vốn của tỉnh và thị xã Quảng Yên, xã Tiền An đã xây dựng dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển vùng sản xuất rau an toàn thị xã Quảng Yên” với tổng đầu tư hơn 35 tỷ đồng, và dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu “Rau an toàn Quảng Yên” với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng. Năm đầu tiên thực hiện dự án, diện tích rau an toàn là 52 ha, bước sang năm 2014 đã phát triển lên thành 102 ha và có 185 hộ nông dân tham gia, với 4 vùng sản xuất lớn và 63 tiểu vùng tại các xóm trên địa bàn xã. Đến nay, các vùng sản xuất rau an toàn đã và đang được triển khai đồng bộ, thực sự phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân xã Tiền An chăm sóc rau theo quy trình, kỹ thuật rau an toàn Ông Đàm Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã Tiền An cho biết: để thực hiện thành công dự án sản xuất rau toàn, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức sử dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng cho bà con nhân dân. Cùng với đó, quy trình sản xuất rau được tăng cường quản lý chặt chẽ hơn trước. Mỗi người trồng rau đều được các cán bộ chuyên môn xã hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau cụ thể. Công tác vệ sinh đồng ruộng như thu gom vỏ bao bì của thuốc sau khi sử dụng cũng được nông dân thực hiện nghiêm túc và đảm bảo. Các tuyến kênh mương được nâng cấp, kiên cố hóa, trục đường giao thông nội đồng được xây mới, cứng hóa, thuận tiện cho việc sản xuất, giao thương. Ngoài ra, xã Tiền An còn khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rau an toàn theo hướng hàng hóa và hỗ trợ các xã, phường thành lập tổ hợp tác. Điển hình, HTX rau an toàn Tiền An nằm tại xóm Đình được thành lập từ năm 2012 là ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng các vùng sản xuất rau an toàn ở Quảng Yên. Hiện nay HTX có 186 hộ xã viên, với hơn 52 ha chuyên canh rau màu, bình quân thu hoạch 10 tấn/ngày. HTX có vườn lưới thực hiện việc ươm giống tại chỗ, đảm bảo cây giống tốt, không  sâu bệnh. Một mô hình tiêu biểu khác là mô hình trồng rau an toàn khép kín của Công ty cổ phần đầu tư Song Hành Quảng Ninh tại xóm Vườn Chay. Để được công nhận là rau an toàn, cơ sở sản xuất phải đáp ứng hàng chục tiêu chí từ vị trí, đất, nước, không khí khu vực trồng rau, cho đến quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản rau; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất hoá học trên cây rau... Công ty còn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng trọt, giúp hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, sương giá, nắng hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của rau và ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hàng tháng, công ty đều gửi các mẫu rau, đất, nước… đi kiểm nghiệm. Đến thời điểm hiện tại toàn xã đã có 684 ha gieo trồng rau an toàn, sản lượng ước đạt 12.312 tấn rau. Cơ cấu cây trồng tập trung chủ yếu vào cây rau gia vị, rau cải các loại, rau ăn quả: cà chua, đậu đỗ, bầu, bí, mướp... Rau được trồng, chăm sóc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách). Chất lượng được kiểm soát chặt chẽ bởi nhóm giám sát nội bộ.  Nhờ trồng rau an toàn, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập khá, thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Theo ước tính của xã Tiền An mỗi năm các cánh đồng rau của người dân sản xuất từ 2 - 4 vụ, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 100-150 triệu đồng/vụ. Rau sản xuất ra được thu mua ngay tại ruộng và xuất bán tại các trung tâm đô thị lớn của Quảng Ninh. Rau của Tiền An được cấp giấy chứng nhận “Rau an toàn Quảng Yên” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Ông Đàm Quốc Toản cho biết: trong thời gian tới, khai thác những lợi thế của địa phương, xã sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển vùng trồng rau an toàn trở thành những vùng rau sạch. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của xã đó chính là vốn đầu tư phát triển các vùng sản xuất rau sạch. Trong sản xuất rau an toàn, không chỉ cần đảm bảo các yếu tố về phân bón, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật mà còn phải đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà lưới, xưởng chế biến, kênh mương nội đồng... để đảm bảo chất lượng của rau. Nhìn nhận từ thực tế khách quan cho thấy, bước đầu người nông dân đã dần tiếp cận được phương thức sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh nhưng khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Do đó, hy vọng trong thời gian tới, các cấp các ngành sẽ có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm rau an toàn của xã. Nguyệt Hà

Phước Hưng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

TĐKT- Là 1 trong 2 xã được huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), Phước Hưng bắt tay vào thực hiện phong trào với quyết tâm cao.Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào đã có những bước phát triển vượt bậc, bộ mặt nông thôn Phước Hưng có những thay đổi rõ rệt. Phước Hưng là xã thuần nông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiếu quy hoạch đồng bộ, quản lý và thực hiện quy hoạch còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu. Môi trường một số vùng có nguy cơ bị ô nhiễm cao. Chất lượng lao động còn thấp. Sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ chưa gắn kết với tiêu thụ và chế biến, nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Trật tự an toàn xã hội còn một số mặt chưa ổn định. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Hộ nghèo trên địa bàn xã những năm qua còn cao… Xuất phát điểm thấp như vậy nên bước đầu triển khai xây dựng NTM, xã gặp không ít khó khăn. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ đời sống dân sinh, có ý nghĩa thiết yếu trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, Đảng ủy xã đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo, ban quản lý và ban phát triển xây dựng NTM. Xã đã tổ chức cho 7 thôn trên địa bàn ký kết giao ước thi đua. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp với lộ trình phù hợp với tình hình của địa phương, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt chú trọng phát huy nguồn lực của nhân dân trong thực hiện các chỉ tiêu. Giao thông nông thôn Phước Hưng đổi thay rõ rệt Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, xã đã tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững, hiệu quả, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với đó, triển khai mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" với liên kết “bốn nhà”, chủ động liên kết sản xuất giống với Công ty Giống cây trồng Thái Bình. Bình quân mỗi năm xã Phước Hưng liên kết sản xuất giống với diện tích 500 ha; nông dân xã thu lãi trên 3 tỷ đồng. Phong trào thi đua trên lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày càng được mở rộng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Các cơ sở may công nghiệp, thêu, đan xuất khẩu trên địa bàn xã tiếp tục mở rộng sản xuất, giải quyết trên 1.200 lao động của xã. Các cơ sở gia công, chế biến gỗ và gia công đồ mộc dân dụng tiếp tục duy trì và phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong những lúc nông nhàn. Các nghề tiểu thủ công nghiệp của địa phương được khôi phục, đem lại thu nhập cho kinh tế hộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, phong trào ‘Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được đẩy mạnh. Tính đến cuối 2015, xã có 91,5% gia đình đạt Gia đình văn hóa, 6/7 thôn được công nhận danh hiệu văn hóa. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đã đáp ứng tốt nhu cầu đời sống tinh thần của người dân. Công tác giáo dục được xã quan tâm, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên (3/4 trường đạt chuẩn Quốc gia). Công tác y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng được quan tâm đúng mức, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Hiện xã có 80% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Xã cũng thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm lo người có công, các đối tượng chính sách và giải quyết việc làm... Cùng với Đảng bộ và chính quyền, Mặt trận và các hội, đoàn thể của xã cũng đã triển khai nhiều nội dung thi đua thiết thực hướng vào mục tiêu xây dựng NTM. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, huy động các nguồn lực để thực hiện đề án xây dựng NTM; tham gia giám sát việc xây dựng kết cấu hạ tầng. Hội Nông dân xã vận động hội viên tích cực tham gia hiến đất làm đường giao thông, làm thủy lợi nội đồng; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, hướng tới sản xuất hàng hóa; thực hiện chương trình giảm nghèo, quản lý tốt tuyến đường hội tự quản. Hội Phụ nữ xã phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tổ chức các cuộc vận động với quy mô lớn, hỗ trợ vay vốn để xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, gương mẫu đi đầu trong phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, làm nòng cốt trong phát triển kinh tế gia trại, trang trại, cải tạo vườn tạp, xây dựng các công trình vệ sinh với phương châm ba sạch: “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”, định kỳ hàng tuần tổng vệ sinh đường làng; tích cực tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của địa phương; bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Hội Người cao tuổi tích cực hưởng ứng cuộc vận động “ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền”; khuyến khích, động viên cháu con tích cực tham gia xây dựng NTM… Nhờ hướng đi đúng đắn cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào xây dựng NTM đã làm bộ mặt xã Phước Hưng đổi thay đáng kể. Kinh tế xã Phước Hưng phát triển khá và bền vững, giá trị sản xuất hàng năm tăng trung bình 12,9%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân là 28 triệu đồng/người/năm, tăng 2,7 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức 2%, giảm 1 ,26% so với năm 2011. Xã đã đạt 19/19 tiêu chí, được công nhận xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015, được Thủ tướng chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen; UBND tỉnh tặng Cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào xây dựng NTM năm 2015. Bảo Linh

Cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Theo báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tính đến hết tháng 5/2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 22%), tăng 4,9% so với cuối năm 2015; cả nước còn 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 3,65%). Bình quân cả nước đạt 13 tiêu chí/xã, tăng 8,3 tiêu chí so với năm 2010 và 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Ở cấp huyện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận 23 huyện đạt chuẩn NTM (tăng thêm 8 huyện so với cuối năm 2015). Hiện nay, còn 10 đơn vị cấp huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận đạt chuẩn. Về kết quả huy động nguồn lực thực hiện chương trình năm 2016, dự kiến cả nước huy động được khoảng 263.127 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đã bố trí 7.374 tỉ đồng. Theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình xây dựng NTM hiện nay đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn: chất lượng đạt chuẩn tiêu chí môi trường chưa thực sự bền vững; tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM tại nhiều địa phương đang là vấn đề lớn, vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của 52/62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số nợ đọng, tính đến hết 31/1/2016 khoảng 15.212 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đưa ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2016, cả nước có khoảng 25% số xã đạt chuẩn NTM, 30 - 35 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân tại các xã trong cả nước tăng thêm 1- 1,2 tiêu chí so với năm 2015; số xã đạt dưới 10 tiêu chí còn khoảng 25%. Thu Phương

Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) biểu dương những điển hình nông thôn mới

TĐKT - Sáng 22/6, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); Chương trình 02 - Ctr/ TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân". Bắt tay vào xây dựng NTM từ một huyện có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với mức trung bình của TP (các xã trên địa bàn huyện hầu hết chỉ đạt 3-4 tiêu chí, huyện nông thôn manh mún trong nông nghiệp, dân trí thấp, trình độ quản lý còn yếu kém), nhân dân và cán bộ huyện Phúc Thọ không ngừng vươn lên, vượt mọi khó khăn để hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng lộ trình, kế hoạch. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, toàn huyện đã có 17/22 xã đạt chuẩn (từ 15-17 tiêu chí), được công nhận xã chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu đến cuối năm 2017, 5 xã còn lại tiếp tục được công nhận, đưa chương trình xây dựng NTM của huyện sớm về đích. Kết quả phong trào thi đua đã cải thiện rất nhiều đời sống của nhân dân, thu nhập tăng hơn 2 lần so với năm 2010( từ 12 triệu đồng/ người năm 2010 lên 29,2 triệu đồng/ người năm 2015). Nhiều mô hình mới, cách làm hay xuất hiện minh chứng cho hướng đi đúng hiệu quả của phong trào. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, nhiều sản phẩm rau củ quả, cây, con thành thương hiệu nổi tiếng cho giá trị thu nhập cao gấp 4-10 lần cây trồng vật nuôi truyền thống, điển hình: rau Thanh Đa, bưởi Phúc Thọ…   Bí thư huyện ủy huyện Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu trao thưởng cho các điển hình NTM Tại Hội nghị, 6 xã được nhận Bằng công nhận xã chuẩn NTM, 7 doanh nghiệp có nhiều đóng góp, 6 đơn vị chỉ đạo tốt phong trào xây dựng NTM được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Xã Hát Môn được tặng Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội. Nhiều tập thể, cá nhân được tặng Giấy khen của UBND huyện Phúc Thọ. Mai Thảo

Gia Phong tập trung mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn

TĐKT- Những năm qua, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn xã Gia Phong (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Huyết mạch giao thông nông thôn được nối liền, rộng khắp, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo đà cho xã xây dựng nông thôn mới (NTM).   Ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện phong trào, Gia Phong đã xác định giao thông nông thôn là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM. Bởi vậy, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về xây dựng giao thông nông thôn, phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến và phát động rộng rãi đến từng thôn, xóm, phân công thành viên Ban chỉ đạo bám địa bàn để vận động; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và dân chủ trong huy động sự đóng góp của nhân dân. Từ đó đã tạo được niềm tin trong nhân dân; thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, gia đình ủng hộ tiền, đóng góp ngày công, vật tư… Tuyến đường trục liên xã được bê tông hoá Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, phá dỡ tường bao, chặt cây cối để mở rộng mặt đường. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, 5 năm qua, nhân dân Gia Phong đã ủng hộ, hiến hơn 400 m2 đất và 1.578 ngày công trong xây dựng xây dựng giao thông. Điển hình về hiến đất trong xây dựng nông thôn ở Gia Phong có gia đình ông Đinh Công Cẩn (xóm 2 Ngọc Động), ông Quách Hùng Mạnh (xóm 5 Lỗi Sơn)... Ngoài ra xã nhận được sự ủng hộ bằng tiền, hiện vật của con em xa quê đã góp phần chung tay xây dựng NTM. Với sự hưởng ứng tích cực của người dân, xã đã nâng cấp, sửa chữa được 80 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 5 km. Tiêu chí đường giao thông nông thôn đã cơ bản hoàn thành. Đến nay trên 80% đường làng, ngõ xóm trên địa bàn xã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân, làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Toàn bộ phần đường trục hai thôn Lỗi Sơn và Ngọc Động đã được đổ bê tông. Đường trục xã, liên xã thuộc dự án phân lũ, chậm lũ đã được bê tông đoạn từ trạm biến áp Ngọc Động đến đê sông Rịa, đoạn từ xóm 4 Lỗi Sơn đến ngã ba núi Con Mèo. Ngoài đoạn đường được xây dựng theo dự án phân lũ, chậm lũ, xã cũng đã tiến hành xây dựng tuyến đường kết nối từ đường ĐT477C để đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân xóm 4 Ngọc Động với tổng chiều dài hơn 2,2 km. Theo ông Đinh Huy Lựa, Chủ tịch UBND xã Gia Phong, để có những bước thành công như vậy trong xây dựng giao thông, xã đã phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và trực tiếp người dân hưởng lợi”. Mọi khoản đóng góp, quyền lợi, nghĩa vụ của nhân dân được công khai, minh bạch, đồng thời phát huy vai trò của chi bộ và ban quản lý bản. Các tổ chức đoàn thể, tổ chức hội thực hiện hàng nghìn buổi tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn sâu sát, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với kết quả tổ chức triển khai thực hiện... Có thể thấy, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Gia Phong thực sự thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện xã đang phấn đấu hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn, ưu tiên các nguồn vốn và lồng ghép các chương trình đề án, dự án hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn. Bảo Linh

Hỗ trợ cộng đồng xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững

TĐKT - Ngày 31/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020.     Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, thời gian qua, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm giúp người dân cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống. Dự án “Ngân hàng bò” đã cấp gần 20.000 con bò cho các hộ nghèo tại 61 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí trên 180 tỷ đồng. Dự án “Đào tạo nghề cho người khuyết tật” đã đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho 1.500 người khuyết tật tại 6 tỉnh: Hưng Yên, Lâm Đồng, Hà Nam, Bình Thuận, Hà Nội, Hải Dương... Thực hiện tiêu chí về môi trường nông thôn mới, các cấp hội đã xây dựng được trên 60.000 giếng nước, 30.000 nhà vệ sinh, cung cấp hệ thống nước tự chảy ở một số xã vùng cao, xây dựng tài liệu và tổ chức truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, sử dụng, bảo quản nước sạch cho người dân. Với tiêu chí về trường học, các cấp Hội đã vận động hỗ trợ xây dựng nhà mẫu giáo ở một số điểm trường vùng sâu, vùng xa; tập huấn cho giáo viên và học sinh về trường học an toàn, phòng ngừa ứng phó thảm họa… Hai đơn vị ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020 Để thực hiện hiệu quả các hoạt động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình phối hợp tập trung vào những nội dung chính: đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng một số mô hình điểm về nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh nông thôn tại một số vùng, miền; kịp thời ứng phó và phục hồi hệ thống nước sạch, vệ sinh môi trường khi có tình huống khẩn cấp, thiên tai xảy ra; hỗ trợ các hộ khó khăn, đối tượng chính sách cải thiện điều kiện sống; tiếp tục thực hiện chương trình, dự án khuyến nông, phát triển sinh kế, hỗ trợ cải thiện đời sống cho hộ đặc biệt khó khăn và đối tượng chính sách… Bên cạnh đó, hai bên cũng phối hợp tổ chức chương trình trợ giúp xã hội, thực hiện hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, dự án “Ngân hàng bò”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; trao đổi về biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai lũ lụt, tập trung tìm kiếm giải pháp để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.    Nguyệt Hà

Huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La nỗ lực hết mình xây dựng nông thôn mới

TĐKT- Sốp Cộp là huyện biên giới của tỉnh Sơn La, điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Cùng với nhiều cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về làm đường giao thông nông thôn, Sốp Cộp đã huy động nhân dân cùng chung tay, chung sức, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Sốp Cộp là huyện có vị trí đặc biệt khó khăn, nằm xa trung tâm kinh tế, văn hoá, xa tỉnh lỵ. Đường biên giới dài 120 km giáp với huyện Phôn Thoong tỉnh Luông Pha Băng huyện Mường Ét và huyện Mường Son tỉnh Hua Phăn nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, đã tạo cho Sốp Cộp có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng. Tổng dân số toàn huyện 45.066 người, trong đó người nghèo là 17.643 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%. Cơ sở hạ tầng còn thấp kém, giao thông đi lại khó khăn. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc còn ảnh hưởng theo phong tục tập quán cũ. Thu nhập chính của người dân địa phương chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp nên cuộc sống bấp bênh phụ thuộc nhiều vào thời tiết khí hậu. Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ban chỉ đạo đã tích cực phối hợpcác phòng ban chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện Nghị quyết, văn bản hướng dẫn chỉ đạo của tỉnh, huyện ủy, HĐND-UBND huyện về thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, các nội dung tiêu chí về NTM. Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, đến nay huyện đã từng bước hoàn thành kế hoạch, lộ trình và đạt được những kết quả nhất định. Bộ mặt nông thôn có những chuyển biến tích cực, khá toàn diện như: Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, diện mạo 4 yếu tố cơ bản của kết cấu hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm trên địa bàn các xã có nhiều khởi sắc... Các điều kiện hỗ trợ đảm bảo cho sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình nông thôn được nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn trước. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ chính trị dần được trẻ hoá. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần…. Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Dồm Cang(huyện Sốp Cộp) Kết quả,  100% số xã hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Huyện đã tổ chức xây dựng được 6 mô hình với sự tham gia của 74 hộ gia đình, kinh phí thực hiện là 314,113 triệu đồng. Huyện đã tập huấn, đào tạo và mở 20 lớp với sự tham gia của 600 người nghèo, kinh phí là 92 triệu đồng. Đặc biệt, huyện ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, đây là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Ngoài ra, đường trục xã, liên xã cũng đã góp phần thay đổi diện mạo giao thông nông thôn huyện, được làm mới  11 tuyến với chiều dài 97,5 km, vốn thực hiện 334.454,6 triệu đồng, đạt 17,84% so đề án, đạt 47,5% so với kế hoạch giai đoạn 2011-2015. Huyện đầu tư xây dựng 452 tuyến/75,83 km đường trục nội bạn, tổng vốn thực hiện 81.750 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ: 22.560 triệu đồng, nhân dân đóng góp 59.190 triệu đồng, đạt 9,26% so với đề án đã được phê duyệt, đạt 20,87% so với giai đoạn 2011-2015. Đập thủy lợi, huyện đã xây mới 20 công trình, nâng cấp 3 công trình. Huyện cũng đã xây mới  được tổng 30,366 km kênh mương… Tuy nhiên, do điều kiện của Sốp Cộp còn gặp nhiều khó khăn nên tiến độ triển khai chương trình còn chậm, tiêu chí của các xã còn đạt thấp, tính đến ngày 30/11/2015, huyện Sốp Cộp đạt 13/19 tiêu chí; xã Dồm Cang đạt 7/19 tiêu chí;  xã Mường Và 6/19 đạt tiêu chí, Púng Bánh đạt 5/19 tiêu chí, đạt 04 tiêu chí 02 xã: Nậm Lạnh, Mường Lạn, đạt 03 tiêu chí 02 xã là Mường Lèo, Sam Kha. Khắc phục những khó khăn hiện tại, để  tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng NTM, năm 2016-2020, huyện đã tổ chức triển khai đồng bộ Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn 8 xã và ưu tiên chỉ đạo, hỗ trợ cho các xã có khả năng sớm đạt chuẩn NTM. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020 có 6 xã vùng thấp gồm các xã: Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang, Nậm Lạnh, Mường Lạn, Púng Bánh đạt bình quân 15 tiêu chí trở lên. Với những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong xây dựng NTM, huyện Sốp Cộp đã và đang nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc huy động vốn, hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đúng kế hoạch, đưa Sốp Cộp ngày càng trở thành một trong những địa phương triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết của HĐND tỉnh. Hồng Thiết

Long An đi đầu trong xây dựng Nông thôn mới

TĐKT- Nhìn lại chặng đường 5 năm thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), Long An đã gặt hái nhiều thành quả nổi bật và là đơn vị đứng đầu Cụm Tây Nam Bộ về thành tích đạt được trong xây dựng NTM. Phong trào xây dựng NTM được Long An triển khai đồng bộ ở 166 xã. Với các giải pháp triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo, sau 5 năm triển khai thực hiện, Long An đã có 43 xã đạt chuẩn NTM và không còn xã nào đạt dưới 6 tiêu chí. Xác định việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM, Long An đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của tỉnh như: lúa, thanh long, bắp, mè, rau, chanh thương phẩm, gia cầm, heo, bò sữa, cá nước ngọt, tôm… Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã phát huy hiệu quả, bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, là hạt nhân để nhân rộng và phủ kín vùng lúa chất lượng cao của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Dự án phát triển giống bò sữa sử dụng tinh phân biệt giới tính; ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng tia la-de; trồng rau thủy canh trong nhà lưới… đồng thời tăng cường hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp đã được triển khai áp dụng và bước đầu chọn tạo được một số giống, dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện địa phương: giống lúa chịu mặn cho vùng hạ; giống cá trê vàng vùng Đồng Tháp Mười; giống lúa Huyết Rồng tại huyện Vĩnh Hưng… Kết hợp với công tác giống và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, Long An cũng xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, tiến tới đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm như: Sản xuất rau, dưa hấu, chanh theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi gà Tàu theo hướng an toàn sinh học; sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP… Cây thanh long được người dân Long An trồng theo  tiêu chuẩn Global GAP Việc tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã có nhiều tác động tích cực đến khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên 31,2 triệu đồng/người/năm năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,37% năm 2011 xuống còn 2,6% năm 2015. Song song với công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Long An cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Sau 5 năm, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở hầu hết các xã phát triển nhanh, nổi bật là hệ thống đường giao thông trục xã, trục ấp, điện sinh hoạt, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... ngày càng hoàn thiện, tạo đà cho phát triển chung của tỉnh. Trong đó, phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của địa phương và được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Phong trào làm đường giao thông nông thôn đã phát triển mạnh ở một số nơi như: Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức... Các dự án thủy lợi quan trọng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất lớn, chuyên canh. Song song với việc đầu tư nạo vét các tuyến kênh để dẫn nước ngọt từ Sông Tiền, rửa phèn, đẩy mặn, các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười đã tích cực vận động nhân dân đóng góp xây dựng các khu đê bao lửng để chủ động trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. LLVT huyện Bến Lức giúp dân làm đường giao thông nông thôn tại xã An Thạnh Ông Lê Văn Hoàng, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Long An nhận định: thành công của phong trào xây dựng NTM ở Long An có sự chỉ đạo, hướng đi đúng đắn của tỉnh, nhân tố quan trọng chính là sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Trong 5 năm triển khai, người dân đã tích cực hiến đất, đóng góp công lao động và tiền mặt để làm đường giao thông, kênh thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Hầu hết các công trình giao thông, thủy lợi đều được người dân hiến đất; nhiều hộ còn góp tiền mặt, công sức để xây dựng. Nhờ đó, việc giải phóng mặt bằng khá thuận lợi, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm kinh phí rất lớn. Hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM, nhiều huyện đã cụ thể hóa thành những phong trào phù hợp với thực tế cơ sở. Điển hình là phong trào “bê tông hóa” đường giao thông nông thôn của huyện Châu Thành, người dân đã đóng góp trên 82 tỷ đồng; huyện Tân Trụ thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong việc xây dựng đường giao thông nông thôn, trong đó nhân dân đóng góp trên 100 tỷ đồng... Phong  trào cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các doanh  nghiệp trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Điển hình như: Doanh nghiệp tư nhân Công Bình huyện Tân Trụ, Công ty TNHH MTV lương thực Vĩnh Hưng đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng nhà máy xay xát, tiêu thụ lúa... Đóng góp xây dựng NTM, có nhiều hộ tiêu biểu, điển hình ở xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng), gia đình ông Nguyễn Lương Duyên hiến 6 ha đất, gia đình ông Nguyễn Văn Thuộc hiến 2,5 ha đất, gia đình ông Nguyễn Hữu Khanh hiến đất xây dựng Nhà văn hóa ấp diện tích 2.200 m2… Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Long An tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết năm 2020 toàn tỉnh có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM và có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn NTM. Tùng Chi

Cần lan tỏa phong trào "Ngày thứ 7 vì nông thôn mới"

TĐKT- Thời gian qua, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thu hút nguồn lực đầu tư quan trọng, tạo sự đồng thuận và vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của mình, mỗi địa phương đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động, phong trào một cách phù hợp, hiệu quả. Được khởi xướng từ năm 2011 tại Hà Tĩnh, phong trào“Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, là điểm sáng để nhân rộng ra nhiều địa phương. Năm 2011, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức phát động phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới”. Tận dụng triệt để quỹ thời gian, trong những ngày thứ 7, chủ nhật, các cấp ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể đã tổ chức các đoàn công tác xuống địa phương, cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; kiểm tra, hướng dẫn, bàn bạc các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương; thực hiện cụ thể từng nội dung trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đã có sự tham gia tích cực và đầy trách nhiệm của những người lãnh đạo cao nhất tỉnh, các sở, ban ngành, đoàn thể. “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” đã trở thành phong trào sâu rộng từ tỉnh đến thôn xóm, vì sự đổi thay cuộc sống của người dân. Phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” tại tỉnh Hà Tĩnh đạt kết quả quan trọng. Sau hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Tĩnh, tổng huy động đạt hơn 42 nghìn tỷ đồng, trong đó tín dụng 33.408 tỷ đồng; vốn vay được hỗ trợ lãi suất hơn 2.200 tỷ đồng... Đến hết 2015, tỉnh đã phấn đấu có 52 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 23% trên tổng số xã, vượt 3% kế hoạch đề ra). Đời sống người dân Hà Tĩnh đã có sự thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo từ chỗ 37-38%, nay chỉ còn 5,6%... Xuất phát từ tính thực tiễn của phong trào, mới đây, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cũng đã chính thức tổ chức lễ phát động phong trào "Ngày thứ 7 vì nông thôn mới". Sau buổi lễ phát động, toàn thể lãnh đạo cùng cán bộ, công chức, viên chức và bà con nhân dân xã Bằng Lang, huyện Quang Bình tham gia tu sửa, nâng cấp đường đi; đào rãnh thoát nước hai bên đường với tổng chiều dài hơn 1.000 m, mặt đường rộng là 3,5m. Đây cũng là công trình nhiều ý nghĩa nhằm thiết thực chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Hà Giang. Thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục nhân rộng phong trào này quy mô  rộng lớn nhằm huy động nguồn lực để thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; góp phần giải quyết các vấn đề của đời sống dân sinh như: Mở rộng, nâng cấp đường sá; kiên cố hóa kênh mương, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vệ sinh môi trường... Phong trào “Ngày thứ 7 vì nông thôn mới” là mô hình thiết thực, là gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với người dân; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thiết thực tại các địa phương cơ sở; góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân, vì vậy cần được nghiên cứu và nhân rộng. Phạm Ngọc Bách

Khởi sắc sau 5 năm xây dựng nông thôn mới ở Trà Vinh

TĐKT-  Sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn Trà Vinh có nhiều thay đổi. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Cơ cấu lao động có bước chuyển dịch mạnh mẽ, các công trình được đầu tư xây dựng đã và đang phát huy hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, Trà Vinh đã có 20 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí; 57 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và còn 1 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được coi là khâu đột phá, được nhân dân đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã huy động trên 3.450 tỷ đồng cho xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Trong 5 năm tỉnh đã đầu tư trên 445 công trình giao thông các loại. Nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, công ty, doanh nghiệp, tiêu biểu như hỗ trợ xi măng cho các huyện, xã để xây dựng đường bê tông. Nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường với diện tích lớn như xã Phú Cần, Nhị Long Phú… Nhờ vậy, hệ thống giao thông đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng.  Trên địa bàn 85 xã, các tuyến đường liên xã được nhựa hóa đúng theo quy định đạt 92%; đường liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 55,6%; các tuyến đường ngõ, xóm được bêtông hóa đạt 44,7% và đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 29,5%. Song song với đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng 30 công trình thủy lợi với 4.217 km tuyến kênh, kiên cố được 64,6 % cống bọng trên địa bàn 85 xã. Các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng có 100% số xã đã có điện lưới quốc gia, trong đó có 263.000 hộ sử dụng điện an toàn đạt 98,4%. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục được tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện. Trong 5 năm, Trà Vinh đã đầu tư trên 160 công trình trường học các loại. Về cơ sở vật chất văn hóa, tỉnh đã đầu tư trên 300 công trình cơ sở vật chất các loại, trong đó có 40/85 nhà văn hóa xã cơ bản đạt chuẩn, chiếm 47%; 243/680 nhà văn hóa ấp đạt chuẩn, chiếm 35,7%; 25 sân vận động ở các xã phục vụ nhu cầu hoạt động thể dục, thể thao của địa phương. Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, Trà Vinh đã tập trung phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Đến nay hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có đề án phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa dựa vào lợi thế. Việc tổ chức thực hiện được tiến hành bằng cách xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng. Trong 5 năm tỉnh đã đầu tư trên 160 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Điển hình như: Mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng lúa ở xã Hưng Mỹ - huyện Châu Thành; mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ đất kém hiệu quả sang làm vườn ở xã An Phú Tân - huyện Cầu Kè; mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn ở xã Phú cần - huyện Tiểu Cần... Cùng với đó, việc hỗ trợ sản xuất được quan tâm thực hiện với việc hỗ trợ hơn 100 mô hình khác nhau, trong đó có một số mô hình rất hiệu quả như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình lúa chất lượng cao; mô hình nuôi gà, vịt theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ vốn tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình; dự án Heifer hỗ trợ mô hình chăn nuôi heo, bò; trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ thực hiện mô hình trồng màu dưới chân ruộng, mô hình trồng đậu phông trên đất giồng cát… Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người dân mua máy cày, máy gặt, máy sấy đã được nhiều huyện triển khai mạnh mẽ, đưa tỷ lệ cơ giới hóa các khâư này tăng từ 50% - 90% như: Càng Long, cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần... Nhiều địa phương đã quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất, cùng với việc tăng cường hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 91 hợp tác xã, 2.089 tổ hợp tác và nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã bước đầu phát huy hiệu quả. Sau 5 năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo được 844 lớp nghề trình độ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho hơn 19.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo n ghề đến nay đạt 39,03%. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan đã tổ chức trên 6.000 lớp tập huấn ngắn hạn cho trên 214.987 lượt người dự, với nội dung về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Nhờ chính sách hỗ trợ tích cực trong xây dựng NTM đến nay thu nhập chung của tỉnh đạt 24,06 triệu đồng/người/năm (tăng 4,59 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm 84,69%, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 7,66%... Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện phong trào xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở Trà Vinh từng bước đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Mục tiêu của tỉnh từ nay đến năm 2020 có ít nhất 50% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM, có 1 huyện đạt chuẩn NTM. Riêng năm 2016, tỉnh phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM. Tin rằng với những bước đi đúng đắn, Trà Vinh sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bảo Linh

Trang