Lễ hội Trung thu 2017
29/09/2017 - 08:06

TĐKT - Được tổ chức từ 2-4/10/2017 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Lễ hội Trung Thu 2017 mang đậm màu sắc Trung thu truyền thống, ấn tượng và mang tính giáo dục với chủ đề: “Trung thu với đồ chơi dân gian truyền thống” cùng nhiều hoạt động hấp dẫn: hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống, biểu diễn nghệ thuật, xiếc, phá cỗ Trung thu…

Với mong muốn đưa trẻ em về với Tết Trung thu truyền thống, sôi động trong ánh đèn lồng lung linh, những món đồ chơi giản dị nhưng ý nghĩa, chứa đựng giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, Triển lãm “Trung thu với đồ chơi dân gian truyền thống” sẽ cùng các em đến với những giấc mơ, những câu chuyện thần kỳ…là lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng của bao thế hệ về tinh thần hiếu học và hiếu nghĩa.

Triển lãm sẽ cho các em hiểu rõ hơn về các làng nghề vùng quê Việt nơi các nghệ nhân vẫn âm thầm và miệt mài, bảo tồn nét dân tộc qua từng chiếc đèn ông sao, mặt nạ bồi giấy, đèn kéo quân…Đó là làng nghề Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên với rất nhiều loại đồ chơi truyền thống; làng Báo Đáp (NamTrực, Nam Định) với những chiếc đèn sao đượm hồn Việt; Làng Gạo (Vụ Bản, Nam Định) có nghề làm đầu sư tử lâu năm; Làng sản xuất tiến sĩ giấy với mong muốn khuyến khích sự học (Hậu Ái, Hoài Đức, Hà Nội); làng Đàn Viên        (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) với những chiếc đèn kéo quân truyền thống quen thuộc vào dịp Trung thu…; nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa, phố Hàng Than với những chiếc mặt nạ giấy bồi; nghệ nhân Vũ Thị Minh Tâm, phố Hàng Lược với nghề làm thiên nga bông; nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng, Thanh Xuân, Hà Nội với nghề làm tàu thủy sắt tây…

Các trò chơi dân gian luôn hấp dẫn các em tại Lễ hội Trung thu các năm

Tại không gian của Triển lãm còn trưng bày, sắp đặt mâm cỗ Trung thu truyền thống và đồ chơi Trung thu gồm các sản phẩm được làm thủ công từ những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên: đèn ông sao, đèn cù, trống ếch, chuồn chuồn tre, mặt nạ giấy, tò he…

Tại Lễ hội Trung thu 2017 sẽ có khu hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống do trực tiếp các nghệ nhân đến từ nhiều làng nghề hướng dẫn: làm chuồn chuồn tre, nặn tò he và bong bóng nghệ thuật, làm mặt nạ giấy bồi. Ngoài ra còn có các hoạt động biểu diễn và hướng dẫn múa sư tử, tìm hiểu nghệ thuật múa rối cạn…Các khu vui chơi: bịt mắt đập niêu, rồng rắn lên mây, kéo co…

Cùng với đó là chương trình lễ hội và giao lưu văn hóa nghệ thuật đặc sắc: Chương trình khai mạc và truyền hình trực tiếp “Chú cuội chơi trăng”, giao lưu và trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Đêm hội “Ánh trăng tuổi thơ”; Chương trình biểu diễn xiếc, bày cỗ trông trăng và phá cỗ Trung thu…

Lễ hội Trung thu 2017 chắc chắn sẽ là điểm thăm quan hữu ích, đưa các em trở về với Trung thu truyền thống với những nét đẹp dân tộc vẫn được lưu giữ.

* Chương trình hoạt động:

·        Ngày 02/10/2017:

- 19h30’: Khai mạc Lễ hội Trung thu 2017 và Truyền hình trực tiếp “Chú cuội chơi trăng”.

+Biểu diễn nghệ thuật.

+ Giao lưu và trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

+ Phá cỗ Trung thu

- 17h00: Bày cỗ trông trăng.

·        Ngày 03/10/2017:

- 19h30’: Chương trình đêm hội “Ánh trăng tuổi thơ”.

+ Biểu diễn nghệ thuật của các em thiếu nhi, nghệ sĩ.

+ Các đơn vị tài trợ tặng quà cho một số trường nuôi dạy trẻ thiệt thòi.

+ Phá cỗ.

·        Ngày 4/10/2017:

- 19h30’: Chương trình xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

 

Mai Thảo