TĐKT - Ngày 6/12, tại Quảng Ninh, Trường Đại Học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Trần Nhân Tông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - Đặc sắc tư tưởng, văn hóa”.
Hội thảo được tổ chức nhằm gia tăng và làm sâu rộng thêm những hiểu biết và khám phá về phật giáo Trần Nhân Tông và Trúc Lâm Việt Nam, làm cho những giá trị sâu bền, tinh hoa của những tư tưởng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm tiếp tục tỏa chiếu. Hội thảo được tổ chức cũng nhằm kỷ niệm 760 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh và 710 năm ngài nhập niết bàn.
Chủ tọa Hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của 400 nhà khoa học với 135 tham luận trong đó có 34 tham luận của các học giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các tham luận tập trung làm rõ hành trạng đặc sắc tư tưởng, văn hóa của Trần Nhân Tông và phật giáo Trúc lâm, vai trò, ảnh hưởng trong lịch sử, hiện tại và xu hướng tương lai. Phật giáo tại các quốc gia trong khu vực và trên thế giới - tiếp cận địa văn hóa và nghiên cứu so sánh. Phật giáo và các vấn đề đời sống con người đương đại.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết: Trần Nhân Tông sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ 1258 và tịch diệt ngày 1/11 năm Mậu Thân 1308. Ngài ở ngôi 14 năm, Thái thượng hoàng 5 năm và xuất gia 8 năm, duyên trần 50 năm. Ngài là ông vua thứ 3 của đời Trần, một thời đại văn võ đỉnh thịnh và đạo đời hồn hậu.
Trần Nhân Tông là nhân vật văn hóa lớn, là người Anh hùng dân tộc, vị Hoàng đế để lại sự nghiệp chính trị lẫy lừng, là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, người nghệ sĩ lớn, nhà nhân văn chủ nghĩa và là một lãnh tụ tôn giáo. Ông để lại nhiều dấu ấn ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia dân tộc Việt Nam ở hầu khắp các lĩnh vực. Ông được các nước trong khu vực và trên thế giới biết tới ngay từ đương thời cho tới hiện tại và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng ngày càng lớn trong tương lai.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Tầm vóc của Trần Nhân Tông thật là lớn rộng và sâu thẳm. Đã có nhiều hội thảo về ông và nhiều cuốn sách viết về ông và Trúc Lâm đã ra đời trong khoảng 10 năm qua, nhưng với di sản ông để lại, chúng ta càng ngẩng trông ta càng thấy cao, càng dùi đẽo càng thấy cứng chắc, càng thâm nhập càng thấy thăm thẳm, càng đo đếm càng thấy rộng dài, càng trắc lường càng thấy vô cùng vô tận. Với tầm vóc như vậy, có thể coi công cuộc tìm hiểu làm rõ và rạng tỏ hết các giá trị nhiều mặt của Trần Nhân Tông cũng mới chỉ bắt đầu.
Tại Hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, Phật giáo Trúc Lâm là Phật giáo bản địa đầu tiên của người Việt, đã được Phật hoàng Trần Nhân Tông Việt hóa nhằm nêu cao ý chí tự lực tự cường và thống nhất các tổ chức hệ phái của Phật giáo thành một giáo hội độc lập thuần túy của dân Việt, theo nguyện vọng của người Việt, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước Đại Việt và bản sắc văn hóa Việt. Có thể nói đây là nét văn hóa đặc sắc của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chia sẻ, giá trị tư tưởng Phật học của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm là triết lý sống đạo chân thường, nhìn thẳng vào thực tại để nội soi và phản tỉnh, đồng thời với tư tưởng “Phật tại tâm”, Phật giáo Trúc Lâm không phân biệt Tăng hay tục, xuất gia hay tại gia mà chủ trương giúp người học Phật nhận diện bổn tâm, liễu ngộ Phật tánh, tin nhân quả, sống chân thành, trau dồi đức hạnh bằng nếp sống từ bi… khiến người học đạo dễ tiếp thu, dễ thực hành, điều quan trọng là nó mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích cho con người ngay trong đời sống hiện tại.
Đặc biệt, tư tưởng thống nhất các tổ chức thiền phái trong sinh hoạt Phật giáo thời nhà Trần, do Phật hoàng Trần Nhân Tông phát khởi và thực hiện, không chỉ có giá trị sau khi Phật giáo Trúc Lâm ra đời, mà tư tưởng thống nhất tổ chức đó còn mang lại những kết quả to lớn cho Phật giáo thời nhà Trần và cho Phật giáo Việt Nam trong mọi thời đại sau này, cũng như sự hội nhập của Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Hồng Thiết