Văn hóa - Thể thao

Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác” năm học 2017-2018

TĐKT - Ngày 16/5, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018 - 2019. Cuộc thi nhằm tuyên truyền và nhân rộng các tấm gương thầy giáo, cô giáo đã và đang tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người; các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu, học trò sáng tạo, vượt khó vươn lên trong học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực về tư tưởng đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa to lớn của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng Ban Tổ chức Triệu Ngọc Lâm, phát biểu tại Lễ tổng kết và trao giải Năm học 2018 - 2019, Cuộc thi tiếp tục nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc trên cả nước, đạt gần 15.000 tác phẩm tham dự. Các tác phẩm dự thi được viết ở nhiều thể loại khác nhau, với nhiều câu chuyện xúc động không chỉ ở trên bục giảng, nhà trường mà còn trong cuộc sống thường nhật của các nhà giáo. Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại Triệu Ngọc Lâm, sau khi chấm vòng sơ khảo, 63 bài thi chất lượng đã được lựa chọn vào vòng chung khảo. Ban Giám khảo đã thống nhất trao giải cho 11 tác phẩm, bao gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích. Ông Vũ Minh Đức, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao giải nhất cho tác giả Trần Văn Toản, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, số 12 Lê Lợi, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với tác phẩm “Người ươm mầm nhân ái” Theo đánh giá của Ban tổ chức, chất lượng các bài thi khá tốt, nội dung phong phú và có chiều sâu. Nhiều bài viết đã để lại những xúc cảm cho người đọc bởi những tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn hết lòng vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục. Tiêu biểu như cô Tôn Nữ Quỳnh Dương - người giáo viên tận tụy, tình nguyện làm công tác xã hội. Cô đã giúp đỡ, dạy học cho nhiều học sinh nghèo, có mảnh đời cơ cực tại Nhà Bảo trợ học sinh nghèo hiếu học Phú Thượng, Thừa Thiên - Huế… Hay hình ảnh người thầy giáo mù truyền lửa cho các em học sinh khiếm thị ở Tam Kỳ, Quảng Nam; là tấm gương về nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tâm huyết trong giảng dạy, yêu nghề, “cắm bản” gieo chữ, vận động bà con đóng góp để xây thêm phòng học, vận động gia đình để học sinh đến trường ở thôn Trấm (Quảng Trị); hình ảnh thầy giáo ở vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) nhiều năm âm thầm nuôi dưỡng các em mồ côi tại trường, trong khi nhiều năm thầy cô giáo trẻ lo lương không đủ trang trải; câu chuyện về cô giáo Điệp ở huyện Si Ma Cai (Lào Cai) quyết tâm xây dựng mô hình bán trú cho học sinh vùng cao… Những tấm gương điển hình này đã khơi gợi tình cảm, ý thức trách nhiệm của các nhà giáo, giúp nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho các cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục, nỗ lực phấn đấu tích cực làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể. Cuộc thi viết “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ III, năm học 2019 - 2020 sẽ nhận bài dự thi từ ngày 16/5/2019 – 28/2/2020. La Giang    

Phát động chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước ở trẻ em năm 2019

TĐKT  Ngày 15/5, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước năm 2019 sẽ diễn ra sáng 19/5 tại Trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao quận Long Biên, Hà Nội. Lễ phát động lần này sẽ thu hút từ 3.000 – 5.000 thanh, thiếu nhi, học sinh và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội tham dự. Ở cấp cơ sở sẽ đồng loạt hưởng ứng vào ngày 30/5 và ngày 1/6 tại các bể bơi hiện có trên phạm vi toàn quốc. Đây là dịp để các địa phương triển khai các hoạt động hè cho thiếu nhi, học sinh cả nước. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại buổi gặp mặt Tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Nguyễn Hồng Minh nêu rõ: Theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2010 – 2015, trung bình mỗi năm có trên 3.000 thanh, thiếu nhi tử vong do đuối nước, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi khoảng 2.200 em. Tuy nhiên, con số trên giảm xuống dưới 2.000 em trong năm 2017 và giảm 782 trường hợp tại 42/63 tỉnh, thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018.  Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị đuối nước đa phần là do chưa biết bơi, thiếu kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; thiếu sự quản lý, giám sát của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường không an toàn; do thiên tai bão lũ… Nhằm giải thiểu số trẻ đuối nước trong thời gian tới, năm 2019, Tổng cục Thể dục thể thao cùng các ban, ngành chức năng liên quan sẽ triển khai một số nhiệm trọng tâm. Trong đó, các ngành chức năng cần hướng dẫn, phổ biến, triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao nhằm mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, từng bước giảm tai nạn đuối nước, nhất là ở trẻ em. Ngoài ra, Tổng cục Thể dục thể thao cũng sẽ tập trung đổi mới nội dung dạy trẻ em học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước; hướng dẫn tiêu chí kiểm tra, đánh giá trẻ em biết bơi và kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Đây cũng là các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và hướng tới mục tiêu chính là giảm thiểu tình trạng trẻ em bị đuối nước. Những năm qua, ngành mới chú trọng việc dạy bơi mà chưa quan tâm giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Hồng Thiết  

Lễ công bố phim “Hồ Chí Minh phác hoạ chân dung một chính khách”

TĐKT - Chiều 14/5, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Lễ ra mắt phim “Hồ Chí Minh phác hoạ chân dung một chính khách”của đạo diễn Gérard Guillaume (Pháp), phát sóng lần đầu vào năm 1973 tại Pháp. những thước phim tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công chiếu tại Việt Nam. Bản quyền phim thuộc về cơ quan Ciné- Archives (Thư viện Phim ảnh của Đảng Cộng sản Pháp), đã được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nghiên cứu, lựa chọn và mua bản quyền sử dụng bản sao thuộc khuôn khổ Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là bộ phim quý, có nhiều thông tin, hình ảnh lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam. Phim tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ việc Người tham dự Đại hội Tours năm 1920 đến các hoạt động đấu tranh giành độc lập cho đất nước. Trong phim sử dụng nhiều tư liệu, tài liệu lưu trữ và phỏng vấn nhiều nhân vật lịch sử.  Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kêu gọi nhân dân Việt Nam tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng và duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, trong khuôn khổ Đề án "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam", Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã sưu tầm từ nước ngoài và giới thiệu đến đông đảo công chúng trong nước sáu bộ phim tư liệu và hai cuốn sách quý có giá trị và ý nghĩa lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như các thời khắc quan trọng của lịch sử Việt Nam. Phim sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam vào 20 giờ 10 phút ngày 15/5/2019. Hồng Thiết

Đêm hội hoa đăng và Đại lễ cầu quốc thái dân an, hòa bình thế giới

TĐKT - Tối 13/5, tại Điện Quan Âm, chùa Tam Chúc, huyện Kim bảng, tỉnh Hà Nam, Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tổ chức Đêm hội hoa đăng và Đại lễ cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu ý kiến. Đêm hội hoa đăng rực rỡ sắc màu Phát biểu khai mạc chương trình, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự, Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, Phó Tổng Thư ký Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 nhấn mạnh: Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 là sự kiện văn hóa, tôn giáo quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng, khẳng định hơn nữa vai trò, vị thế của Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng với dân tộc cũng như trong hội nhập quốc tế. Thượng tọa Thích Thọ Lạc nhận định: Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy bất an bởi chiến tranh, khủng bố, bạo động, dịch bệnh cùng với sự thách thức bởi môi trường bị tàn phá, hệ sinh thái bị ô nhiễm, sự va chạm giữa các ý thức hệ tôn giáo… khiến nền hòa bình bị đe dọa. Theo đó, lối sống vị kỷ được nâng cao, các giá trị nhân văn, đạo đức bị xuống thấp. Việc xây dựng nếp sống hòa bình, củng cố tâm đức hòa bình, trau dồi đức tin hòa bình và thành tâm cầu nguyện hòa bình là chính nguyện thiết tha và chính đáng hiện nay của con người, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo trên thế giới. Với tinh thần đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trọng thể tổ chức nghi lễ đốt nến cầu nguyện hòa bình trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019.  “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững không có gì khác hơn là mang tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ, xả) đi vào đời, giúp cho người sống khoan thứ, bao dung và chấp nhận nhau, góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình đích thực cho mỗi quốc gia và cho nhân loại trên trái đất này.” - Thượng tọa Thích Thọ Lạc khẳng định. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã thực sự trở thành một sự kiện quan trọng trong đời sống phong phú của nhiều tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, là niềm tự hào của Phật tử và người dân Việt Nam về một tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong nhiều thiên niên kỷ. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Trong lúc chúng ta đang tề tựu ở đây, không ít nơi trên hành tinh của chúng ta, nguy cơ chiến tranh, xung đột, khủng hoảng, bất ổn, thảm họa thiên nhiên vẫn tiếp tục hiện hữu. Hàng triệu người vẫn chưa được sống trong hòa bình, chưa có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, từ sự tôn kính và niềm tin của Phật tử đối với Đức Phật, với sự khát khao một cuộc sống yên bình và hạnh phúc, tất cả chúng ta có mặt hôm nay, cùng muôn triệu trái tim của những người con của Phật và những người dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu, hãy cùng thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác, yêu thương, phát huy những giá trị của đạo Phật trong cuộc sống hôm nay. Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn Phật tử và người dân Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những tinh hoa của đạo Phật, làm giàu cho văn hóa truyền thống của Việt Nam, thực hiện tốt chính sách, luật pháp của Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo và đóng góp vào việc xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, hòa bình, phát triển bền vững. Đại lễ được bắt đầu với phần nghi thức cung nghinh chư tôn thiền đức quang lâm thực hành nghi thức cầu nguyện. Đây là nét văn hóa tâm linh truyền thống của Phật giáo Việt Nam, mục đích hướng đến cuộc sống ấm no, nhân dân an lạc, thế giới thanh bình, quốc gia hưng thịnh. Hàng nghìn ngọn nến đã được thắp lên trong đêm hoa đăng. Mỗi ngọn nến với ánh sáng chói lọi sẽ tạo ra năng lượng thánh thiện, an lành, hướng nguyện thế giới hòa bình, cầu chúng sinh được an lạc. Phương Thanh  

Chương trình nghệ thuật quốc tế “Đại lộ di sản” chào mừng Đại lễ Vesak 2019

TĐKT - Tối 12/5, Chương trình nghệ thuật quốc tế “Đại lộ di sản” chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 đã diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, Hà Nam. Chương trình đón chào các chư tôn đức tăng ni, các phái đoàn Phật giáo quốc tế và hàng vạn Phật tử, những người yêu mến đạo Phật khắp nơi về tham dự. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với màn trình diễn pháo hoa ấn tượng Chương trình bao gồm 2 phần: Phần I với chủ đề “Việt Nam - Đất Phật ngàn năm” và phần II với chủ đề “Đại lộ di sản”. Trong phần I, khán giả đã được xem những phóng sự về di sản tín ngưỡng Việt Nam và thưởng thức những màn trình diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng, tái hiện sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam như: Việt Nam Phật giáo rạng ngời, Phật trong cõi nhân gian, Khai giác… Phần II của chương trình là những màn trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia như: Múa Nivarna (Ấn Độ), múa Nirtta Ranga (Srilanka), múa Ondel Ondel (Indonesia), tiết mục múa “Lục cúng hoa đăng” - điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn (Việt Nam), múa The Defeat of Mara (Thái Lan), múa Awa Odori (Nhật Bản), bạch mã thồ kinh (Trung Quốc), múa Cham (Bhutan)… Tiết mục múa “Lục cúng hoa đăng” Chương trình do Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 làm cố vấn, đạo diễn Việt Tú dàn dựng kịch bản. Các tiết mục biểu diễn đặc sắc, thể hiện nét văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia trên thế giới. Riêng đất nước chủ nhà Việt Nam, các tiết mục được dàn dựng công phu với nội dung phong phú: Các làn điệu dân ca đặc trưng ba miền Nam, Trung, Bắc, tân nhạc, cổ nhạc, kinh nhạc, múa, nhạc kịch… Ngoài những đoàn biểu diễn đến từ các nước: Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…, các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam cũng tham gia biểu diễn cúng dường như: Phi Nhung, Ngọc Sơn, Quách Tuấn Du, Ngân Huệ, Trọng Phúc, bé Ngọc Ngân, bé Minh Nhật, Tùng Dương, Mỹ Linh, Đông Hùng, Dương Hoàng Yến và nhiều nhóm múa... Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt biểu diễn của hơn 300 tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Tất cả đã gửi đến khán giả một đêm văn nghệ hoành tráng, ấn tượng, để lại dấu ấn khó phai trong lòng bạn bè khách quốc tế. Cuối chương trình văn nghệ là màn bắn pháo hoa chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019, cũng là món quà đặc biệt trao tặng đến quý quan khách và bạn bè quốc tế. Phương Thanh

Các chương trình nghệ thuật đặc biệt hướng tới ngày quốc tế thiếu nhi

 TĐKT - Tiếp nối thành công của chuỗi chương trình “Bay lên những ước mơ”, từ ngày 1/6/2019  đến mùa hè 2020 dự án nghệ thuật “Bay lên những ước mơ” sẽ chính thức khởi động với 80 suất diễn đặc biệt dành riêng cho trẻ em tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đều đặn 3 suất diễn mỗi tuần. Sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ được biết đến là địa chỉ quen thuộc của các bậc phụ huynh và các em nhỏ tới để thưởng thức những món ăn tinh thần bổ ích, vui nhộn, giàu tính nhân văn và giáo dục. Đã thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp hè về, Nhà hát Tuổi trẻ lại cho ra mắt những chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ đông đảo thiếu nhi mọi lứa tuổi. Từ ngày 1/6/ 2019 đến mùa hè 2020 dự án nghệ thuật "Bay lên những ước mơ" sẽ chính thức khởi động với 80 suất diễn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh Tiếp nối thành công của chuỗi chương trình “Bay lên những ước mơ” trong suốt mùa hè 2018, mang các vở diễn nghệ thuật đặc sắc đến với hơn 12.000 em nhỏ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận, Vietjet và Nhà hát Tuổi trẻ phối hợp tổ chức dự án nghệ thuật đặc biệt kéo dài suốt năm “Bay lên những ước mơ”. Theo đó, từ ngày 1/6/2019 đến mùa hè năm 2020, dự án nghệ thuật “Bay lên những ước mơ” sẽ chính thức khởi động với 80 suất diễn đặc biệt dành riêng cho trẻ em tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đều đặn 3 suất diễn mỗi tuần. Các nghệ sĩ của Nhà hát sẽ dàn dựng và biểu diễn nhiều vở diễn đặc sắc như “Con chim xanh”, “Sơn Tinh –Thủy Tinh”... để đáp ứng nhu cầu của khán giả đến với không gian sân khấu của mình. Chương trình sẽ có nhiều suất diễn trong ngày để trình diễn và truyền tải tới khán giả nhí thông điệp bảo vệ môi trường thiên nhiên, giá trị của tình bạn và lòng nhân ái. “Con chim xanh” là vở kịch thần thoại dàn dựng từ kịch bản của nhà văn người Bỉ Maurice Maeterlinck viết về cuộc hành trình của hai bạn nhỏ cùng nhau đi tìm kiếm con chim xanh – được biết đến là sứ giả của hạnh phúc mang về chữa bệnh cho một em bé hàng xóm. “Sơn Tinh – Thủy Tinh” là vở diễn mới nhất được các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng từ cốt truyện quen thuộc cùng tên với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam, vở nhạc kịch được sân khấu hóa với một không gian nghệ thuật rực rỡ sắc màu và âm nhạc sôi động, hấp dẫn và thu hút… “Giấc mơ của nàng tiên cá” là chương trình tạp kỹ ca - múa - nhạc - kịch dành cho lứa tuổi mẫu giáo và bậc tiểu học. Vở diễn được phóng tác từ câu chuyện “Nàng tiên cá” của Đại văn hào Andersen. “Giấc mơ của nàng tiên cá” được Nhà hát Tuổi trẻ mạnh tay đầu tư về cảnh trí lung linh huyền ảo, trang phục lộng lẫy đầy màu sắc cùng âm nhạc hấp dẫn hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại niềm vui thích cho trẻ em dịp hè 2019. Nghệ sĩ Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết, chuỗi chương trình nghệ thuật “Bay lên những ước mơ” ra đời với mong muốn mang tới những câu chuyện ý nghĩa, chuyển tải những giá trị nhân văn, nuôi dưỡng và chắp cánh cho những hoài bão, ước mơ em nhỏ, trở thành nguồn động lực vượt qua khó khăn để vươn tới những tương lai tốt đẹp.  Với hàng chục ngàn vé miễn phí, “Bay lên những ước mơ” sẽ mang các bạn nhỏ tới gần hơn với các chương trình biểu diễn nghệ thuật chân chính, đầy tính nhân văn, ươm mầm tình yêu với nghệ thuật sân khấu, chắp cánh cho những ước mơ nghệ thuật. Hồng Thiết

Trao học bổng HiteJinro 2019 cho sinh viên tiêu biểu

TĐKT - Ngày 9/5, tại Hà Nội, Công ty TNHH HiteJinro Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng HiteJinro với tổng trị giá 200 triệu đồng cho 20 sinh viên có thành tích học tập tốt và có nhiều hoạt động ngoại khóa sôi nổi tại Khoa Tiếng Hàn, Đại học Hà Nội. Đại diện Công ty Hitejinro Việt Nam trao học bổng cho các em sinh viên. Những năm gần đây, làn sóng Hallyu phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu với những hiện tượng như BTS, BlackPink, TWICE... mê hoặc khán giả trẻ, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa Hàn Quốc. Nhận thấy sự quan tâm nồng nhiệt đến văn hóa Hàn Quốc của các bạn trẻ Việt Nam - Quỹ học bổng HiteJinro Việt Nam được thành lập và trao những suất học bổng đầu tiên vào năm 2017 nhằm hỗ trợ, động viên những sinh viên đang theo học chuyên ngành tiếng Hàn và văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam, có thành tích học tập xuất sắc, cũng như tích cực trong các hoạt động giới thiệu văn hóa Hàn Quốc, từ đó thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc. Đặc biệt, phần lớn những sinh viên được trao học bổng  HiteJinro đều là những fan của dòng nhạc Kpop, làn sóng Hallyu. Điều này góp phần xóa đi những định kiến về những bạn trẻ hâm mộ cuồng nhiệt những nghệ sĩ Hàn Quốc. Ông An Ju Hyun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH HiteJinro Việt Nam cho biết: “HiteJinro với tư cách là một thành viên của xã hội Việt Nam luôn luôn nỗ lực để nhận được nhiều sự yêu thương của khách hàng và giữ vững tốc độ tăng trưởng cao mỗi năm. Với nền tảng cho sự tăng trưởng liên tục sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa cho các hoạt động xã hội tại Việt Nam, trong đó có việc trao học bổng cho sinh viên. Chúng tôi coi việc trao học bổng HiteJinro là một hoạt động thường niên không thể thiếu của HiteJinro”. Năm 2019, Quỹ học bổng HiteJinro Việt Nam tiếp tục trao 20 suất học bổng (10 triệu đồng/suất), mức học bổng này sẽ tăng thêm hàng năm theo sự lớn mạnh của Công ty. Kinh phí trao học bổng được trích từ tiền bán sản phẩm của Công ty. Sau lễ trao học bổng này, HiteJinro dự kiến sẽ mang đến một cuộc thi đặc biệt, dành cho các bạn sinh viên Việt Nam với nội dung rất hấp dẫn về văn hóa Hàn Quốc, trào lưu Kpop và làn sóng Hallyu với giải thưởng hấp dẫn và quy mô trải dài ở nhiều trường đại học. Mai Thảo  

148 vận động viên tranh tài tại Giải Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 37 - năm 2019

TĐKT - Chiều 9/5, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa họp báo thông tin về Giải Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 37 - năm 2019 tranh cúp PetroVietnam - Đạm Cà Mau. Diễn ra từ ngày 20/5 - 26/5 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Khánh Hòa, TP Nha Trang, giải đấu năm nay có sự tham gia của 148 vận động viên (VĐV) đến từ 16 đoàn bóng bàn của các tỉnh, thành phố, ngành, doanh nghiệp trên toàn quốc. Ban tổ chức thông tin về giải đấu Giải đấu quy tụ đầy đủ các VĐV đỉnh cao trong cả nước, sẽ góp phần thúc đẩy, động viên phong trào tập luyện thể thao nói chung, bóng bàn nói riêng của cả nước và tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, kiểm tra, đánh giá chất lượng VĐV, công tác huấn luyện, đào tạo các VĐV nói chung và các VĐV xuất sắc nói riêng của cả nước, đồng thời tuyển chọn các VĐV cho đội tuyển Quốc gia dự SEA Games 23 và các giải quốc tế trong năm 2019. Giải đấu được kỳ vọng sẽ cống hiến cho những người hâm mộ môn bóng bàn những trận đấu kịch tính và hấp dẫn. Bên cạnh những cây vợt kỳ cựu tham dự, giải đấu năm nay tiếp tục thu hút sự tham gia của nhiều cây vợt trẻ đầy tiềm năng, hứa hẹn những trận đấu kịch tính với khả năng soán ngôi các cây vợt mạnh của mùa giải năm trước. Các VĐV tham gia tranh tài ở 7 nội dung: Đồng đội nam - đồng đội nữ, đơn nam - đơn nữ, đôi nam - đôi nữ và đôi nam nữ. Việc chọn hạt giống và bốc thăm chia bảng sẽ căn cứ theo thành tích của kỳ Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 36 - năm 2018. Theo Điều lệ giải, các hạng mục đồng đội nam - đồng đội nữ sẽ thi đấu theo thể thức Swaythling (mỗi đội gồm 3 VĐV thi đấu 5 trận đơn) và chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn một sẽ chia bảng thi đấu vòng tròn xếp hạng trong bảng; giai đoạn hai sẽ thi đấu loại trực tiếp. Ở hạng mục đơn nam - đơn nữ: Đấu loại trực tiếp trong 5 ván thắng 3 (riêng các trận bán kết, chung kết, thi đấu 7 ván thắng 4). Hạng mục đôi nam - đôi nữ và đôi nam nữ thi đấu theo thể thức đấu loại trực tiếp trong 5 ván thắng 3. Mỗi tỉnh, thành phố, ngành, công an, quân đội, Hà Nội T&T, Petrosetco TP Hồ Chí Minh được cử thi đấu các đội nam và đội nữ (mỗi đội không quá 5 VĐV). Riêng các địa phương và các đơn vị đã thành lập Liên đoàn và Câu lạc bộ được Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam công nhận được cử 1 đội nam, 1 đội nữ (mỗi đội không quá 5 VĐV). Bên cạnh 7 bộ Huy chương (mỗi bộ gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 2 giải ba), tổng cộng là 28 giải được trao theo quy định, Báo Nhân Dân và đơn vị đồng hành chính là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau sẽ trao tặng: 2 giải triển vọng dành cho 2 VĐV trẻ nam, nữ xuất sắc nhất cùng 2 tặng thưởng dành cho địa phương đăng cai tổ chức giải và địa phương tích cực xây dựng phong trào thi đấu bóng bàn. Bên cạnh nhà đồng hành chính trong sáu năm qua của giải đấu là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), năm nay giải đấu đã và đang thu hút thêm sự giúp đỡ của nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, bảo đảm cho các vận động viên có đủ trang thiết bị và cơ sở hạ tầng thi đấu đúng với tiêu chuẩn quốc tế như các doanh nghiệp: Công ty Coca Cola Việt Nam, Công ty MOFICO, Công ty Butterfly, Công ty Cổ phần NEST ART. Riêng đơn vị Ứng dụng công nghệ Bảo hiểm LIAN sẽ thực hiện bảo hiểm thân thể cho các vận động viên trong thời gian diễn ra giải đấu với mức bảo hiểm 200.000.000 đồng/người/vụ cùng một năm bảo hiểm thân thể cho hoa khôi của Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân năm 2019. Ngoài ra, để động viên VĐV nữ tham gia giải, ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức bầu chọn hoa khôi Giải bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 37. Các nhà tài trợ cũng có những giải thưởng riêng với nhiều quyền lợi dành tặng hoa khôi bóng bàn. Năm nay, lễ khai mạc và bế mạc sẽ được tổ chức sôi động, hấp dẫn hơn, do đạo diễn Lê Quý Dương trực tiếp dàn dựng. Một trong những điểm nhấn của giải đấu năm nay là các hoạt động xã hội mang nhiều ý nghĩa. Trong đó, có phần tặng dụng cụ tập luyện, thi đấu bao gồm bàn bóng bàn, vợt và bóng bàn của ban tổ chức giải và giao lưu của các VĐV với bộ đội Trung đoàn 196 Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam. Phương Thanh

VTV ra mắt chương trình Đại lộ Di sản

TĐKT - Chiều 7/5, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt chương trình Đại lộ Di sản - chương trình nghệ thuật quốc tế mang thương hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam với mục đích giới thiệu đến khán giả những di sản văn hoá của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Chương trình dự kiến được tổ chức hàng năm với quy mô lớn và có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Ban tổ chức trả lời các câu hỏi của báo chí Chương trình Đại lộ Di sản đầu tiên sẽ được Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vào 20h10 ngày 12 tháng 5 năm 2019, truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 từ khu du lịch tâm linh Tam Chúc - Hà Nam, đúng vào đợt diễn ra Đại lễ Vesak LHQ 2019. Mục đích của chương trình là đưa ra cách tiếp cận mới về di sản đến với khán giả, thông qua đó sẽ góp phần bảo vệ di sản, các giá trị văn hoá chân - thiện - mỹ của Việt Nam và nhân loại. Chương trình bao gồm 2 phần: Phần I "Việt Nam - Đất Phật ngàn năm" thể hiện nội dung chủ đạo: Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, trong quá trình lưu truyền đã kết hợp với văn hóa bản địa, tạo ra nét riêng vừa dân dã, vừa hàn lâm. Trong phần này, khán giả sẽ được xem những phóng sự tài liệu nghệ thuật về di sản tín ngưỡng Việt Nam và thưởng thức những màn trình diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng: Việt Nam Phật giáo rạng ngời, Phật trong cõi nhân gian (Hát ru - Đi cấy - Vào chùa), Múa trống Thượng Đường /Khai giác… với sự tham gia của các ca sĩ Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đông Hùng, Khánh Linh, Ngọc Khuê và hàng trăm diễn viên múa chuyên nghiệp. Phần II"Đại lộ di sản" giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể: Múa “Lục cúng hoa đăng” - điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc Cung đình triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại vào năm 2003); múa Odissi của Ấn Độ (một trong bảy điệu múa cổ điển của Ấn Độ); múa Awa Odori Nhật Bản (được cho là bắt nguồn từ năm 1586, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo); múa Cham của Bhutan (một điệu nhảy truyền thống thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan và có ý nghĩa mang lại sự thanh tịnh cho tâm hồn, cũng như lời chúc phúc đến với những người thưởng thức điệu múa này)…  Mỗi tiết mục múa đều ẩn chứa một câu chuyện của riêng mình. Những câu chuyện kể về tôn giáo, xứ sở và con người tại những quốc gia khác nhau trên thế giới từ xa xưa cho đến ngày nay. Những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đó hoặc của thế giới do UNESCO công nhận và phải phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn. Di sản văn hóa chính là nơi thể hiện rõ nét nhất hồn cốt của một dân tộc. Mỗi di sản đều có điểm phát tích, có những thăng trầm gắn với lịch sử và văn hoá của mỗi quốc gia. Ngoài những mặt giá trị về lịch sử, văn hóa và khoa học, ngày nay di sản văn hóa còn được nhìn nhận như một loại “tài sản đặc biệt” mà về mặt giá trị không hề bị suy giảm, ngược lại còn được gia tăng theo thời gian. Chương trình nghệ thuật thường niên Đại lộ Di sản được kỳ vọng là một trong những nỗ lực góp phần bảo vệ di sản, cũng chính là bảo vệ văn hóa của mỗi một quốc gia. Mai Thảo

Tái hiện hào khí Trường Sơn qua Chương trình nghệ thuật “Người không hát tình ca”

TĐKT - Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2019), Báo Nhà báo và Công luận, Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức Chương trình nghệ thuật “Người không hát tình ca”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam vào lúc 20 giờ ngày 12/5/2019 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.   Ban Tổ chức Chương trình trao sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh… có hoàn cảnh khó khăn thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca” là một “biên niên sử” tái hiện  những khoảng khắc lịch sử bi hùng của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến… trong 16 năm (1959 - 1975) đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại thông qua phóng sự và lời kể của các nhân chứng lịch sử giao lưu trong chương trình. Bằng các bài hát đã đi cùng năm tháng qua thể hiện của NSƯT Hồng Hạnh, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, như: Cô gái mở đường, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua, Em ở nơi đâu…, khán giả sẽ được sống lại hào khí Trường Sơn thời đánh Mỹ. Ở phần 1 “Hào khí Trường Sơn”, khán giả sẽ được giao lưu với Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 58 ô tô vận tải của Binh trạm 37, Sư đoàn 470, Đoàn 559; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tân, nguyên Trạm phó, được mệnh danh là cây sáng kiến của Trạm X340, Trung đoàn 265, Đoàn 559;  bà Tạ Thị Hoán, cựu thanh niên xung phong Đại đội 5, Đội 25 (sau này chuyển sang quân đội công tác ở Binh trạm 14, Đoàn 559). Ở phần 2 “Người không hát tình ca”, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được làm quen với chị Đỗ Thị Bình – Cựu chiến binh Trường Sơn và chị Mai Thị Thọ, Cựu chiến binh Trường Sơn, nạn nhân chất độc da cam. Ở phần 3 “Thay lời tri ân”, thông qua phóng sự “Thay lời tri ân” khán giả màn ảnh nhỏ sẽ được chứng kiến Ban tổ chức trao 25 sổ tiết kiệm với số tiền 125 triệu đồng cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, Cựu chiến binh Trường Sơn thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An nói riêng, thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn cả nước nói chung.   Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc sẽ được xây dựng ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thông qua Chương trình Nghệ thuật “Người không hát tình ca”, Ban tổ chức sẽ tặng gần 180 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh Trường Sơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ kính phí xây dựng Tượng đài “Mãi mãi tuổi 20” để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại ở xã Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị với số tiền gần 3 tỷ đồng. Phương Thanh    

Trang