Văn hóa - Thể thao

15 thí sinh khu vực miền Bắc lọt vòng Chung kết Hoa khôi Sinh viên Việt Nam năm 2020

TĐKT - Tối ngày 6/1, tại trường Đại học Công đoàn, Hà Nội, Cổng Tri thức Thánh Gióng, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam phối hợp với Công ty Truyền thông Giải trí JSpecial tổ chức vòng Bán kết khu vực miền Bắc - phần thi “Duyên dáng áo dài” cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam năm 2020. Tại vòng Bán kết này, các thí sinh đã trải qua 3 phần thi: Tìm hiểu kiến thức xã hội; thi tài năng và trình diễn áo dài. Sau những phần thi trên, Ban Tổ chức đã công bố 15 thí sinh khu vực miền Bắc bước vào vòng Chung kết của cuộc thi, dự kiến được tổ chức từ ngày 16 -  24/2/2020 tại TP Hồ Chí Minh. 15 thí sinh khu vực miền Bắc lọt vòng Chung kết Hoa khôi Sinh viên Việt Nam năm 2020 Trước đó, từ ngày 19/12/2020 đến ngày 29/12/2020, Ban Tổ chức Cuộc thi “Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020” đã tổ chức vòng Sơ khảo tại 6 địa điểm gồm: TP Hải Phòng, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các tỉnh, thành Đoàn, Hội LHTN Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các tỉnh, thành phố (địa điểm tổ chức) cùng sự làm việc nhiệt tình nghiêm túc và khách quan của Ban giám khảo, vòng Sơ khảo Cuộc thi “Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020” đã thành công tốt đẹp, tạo sự lan toả lớn trong xã hội, nhất là trong cộng đồng sinh viên. Tại vòng Sơ khảo, các thí sinh đã trải qua 2 phần thi về kiểm tra kiến thức nhân trắc học và trình diễn trang phục tự chọn, thí sinh có sự trải nghiệm thú vị với các thành viên Ban Giám khảo. Với sự đầu tư, chuẩn bị cẩn thận, chu đáo cùng với các câu trả lời thông minh, dí dỏm, các thí sinh đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của người xem. Sau vòng Sơ khảo, Ban Giám khảo đã lựa chọn 120 thí sinh từ ba khu vực Bắc, Trung, Nam và các thí sinh đủ điều kiện đặc cách theo Thể lệ của Cuộc thi vào vòng Bán kết. Cùng với TOP15 nữ sinh viên có lượt bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội GAPO trong Chương trình đồng hành Trường tôi là số 1 (đủ điều kiện theo Thể lệ của Cuộc thi), các thí sinh trên đã bước vào vòng Bán kết Cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020 diễn ra tại 3 điểm thi gồm: TP Hà Nội (6/1), Đà Nẵng (8/1) và TP Hồ Chí Minh (12/1). Mai Thảo

Bộ sưu tập xe đạp PEUGEOT sản xuất tại Cộng hòa Pháp xác lập kỷ lục Đông Dương

TĐKT - Sáng ngày 5/1, tại Hà Nội, Ban lãnh đạo Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và các thành viên hội đồng thành viên Tổ chức Kỷ lục Đông Dương đã tiến hành họp, tổng kết cuối năm, đánh giá những hoạt động đã đạt được trong năm qua, đồng thời đưa ra phương hướng và nhiệm vụ hoạt động cho năm 2020. Hội đồng đã cùng nhau tham quan Bộ sưu tập xe đạp của kỷ lục gia Đào Xuân Tình và tham quan phòng trưng bày tranh của danh họa Lê Đại Chúc – một trong những họa sĩ đương đại Việt Nam tiêu biểu nhất. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Chủ tịch Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Chủ tịch Tổ chức Kỷ lục Đông Dương; ông Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ lục Đông Dương đến Bộ sưu tập xe đạp Peugeot của kỷ lục gia Đào Xuân Tình Cũng trong chương trình, Tổ chức Kỷ lục Đông Dương đã trao Kỷ lục Đông Dương đến Bộ sưu tập xe đạp Peugeot của Kỷ lục gia Đào Xuân Tình. Được biết Bộ sưu tập xe đạp Peugeot của Kỷ lục gia Đào Xuân Tình đã được xác lập Kỷ lục Việt Nam vào ngày 28/10/2018, được xác lập Kỷ lục châu Á vào ngày 16/01/2019. Mới đây nhất, trong chương trình Kỷ niệm 15 năm thành lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, bộ sưu tập xe đạp Peugeot của ông đã được Liên minh Kỷ lục Thế giới xác lập là nhiều nhất thế giới. Có thể nói đây là bộ sưu tập xe đạp Peugeot độc đáo nhất thế giới bởi vì toàn bộ số xe đạp Peugeot của ông đều được sản xuất tai cộng hòa Pháp (trước năm 1988), còn nguyên bản và còn sử dụng tốt. Trong đó, có những chiếc đã tồn tại trên 100 năm, nhưng vẫn hoạt động tốt, điển hình là chiếc xe sản xuất năm 1918. Điểm đặc biệt nữa trong bộ sưu tập xe đạp của kỷ lục gia Đào Xuân Tình là ông thường sưu tập theo cặp và đôi. Ông còn được mệnh danh là người “kết duyên” cho những chiếc xe đạp Peugeot. Ông luôn tâm niệm, những chiếc xe đạp cũng là những người bạn, có văn hóa, có cảm xúc. Chính vì vậy, mỗi khi sưu tầm được 1 chiếc xe đạp ưng ý, ông luôn thường trực trong đầu suy nghĩ phải làm sao tìm bằng được chiếc xe khác giới còn lại cùng màu, cùng đời, cùng chất lượng. Hiện tại, trong bộ sưu tập của ông đã có hơn 20 cặp xe Peugeot nam, nữ. Được ông coi như những người bạn, được nâng niu, chăm sóc và bảo dưỡng chu đáo, hầu như tất cả xe đạp trong bộ sưu tập của ông luôn ở trong tình trạng sáng bóng, gần như mới. Bộ sưu tập xe đạp PEUGEOT sản xuất tại Cộng hòa Pháp của Kỷ lục gia Đào Xuân Tình Với tình yêu và niềm đam mê vô bờ với văn hóa Pháp mà đặc biệt là những chiếc xe đạp Peugeot, một kỷ vật gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội, ông luôn dành thời gian, tâm huyết để đi sưu tập, làm đồ sộ hơn cho bộ sưu tập của mình. Từ khi xác lập được Kỷ lục Thế giới vào tháng 9/2019, bộ sưu tập xe đạp Peugeot của ông mới có 128 chiếc, nhưng đến nay bộ sưu tập xe đạp của ông đã lên tới hơn 150 chiếc. Ông luôn mong muốn sau này sẽ tổ chức được một cuộc đua xe đạp, hay một chương trình hoạt từ thiện ý nghĩa xuyên Đông Dương trên chính những chiếc xe đạp Peugeot trong bộ sưu tập của mình, để giới thiệu, quảng bá và gắn kết tình hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương, bởi vì hình ảnh những chiếc xe đạp Peugeot cũng là một hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong ký ức của nhiều người dân 3 nước Đông Dương. Mai Thảo  

Sơ khảo cuộc thi “Hoa khôi sinh viên Việt Nam 2020”

TĐKT - Ngày 28/12, tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã diễn ra vòng Sơ khảo cuộc thi “Hoa khôi sinh viên Việt Nam 2020”. Cuộc thi do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chỉ đạo Cổng tri thức Thánh Gióng, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Giải trí JSpecial tổ chức. Theo đó, cuộc thi được tổ chức từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2020 trên phạm vi toàn quốc. Với chủ đề “Vẻ đẹp của sự thông minh”, cuộc thi góp phần tôn vinh vẻ đẹp, trí tuệ, tài năng của nữ sinh viên Việt Nam; tạo sân chơi bổ ích, hấp dẫn để nữ sinh viên thể hiện phong cách sống năng động, hiện đại, trẻ trung nhưng vẫn giữ được nét thanh lịch, duyên dáng, nhân ái truyền thống vốn có của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc thi góp phần nâng cao "đức - trí - thể - mỹ" của tuổi trẻ trong xã hội hiện nay; đồng thời cổ vũ, động viên sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, có tấm lòng nhân ái bao dung, biết yêu quê hương đất nước, chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Ban giám khảo và thí sinh tham gia thi vòng Sơ khảo “Hoa khôi Sinh viên Việt Nam” tại Hà Nội Sau hơn một tháng phát động, cuộc thi “Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020” đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các bạn nữ sinh viên đăng ký. Theo thể lệ của cuộc thi, các thí sinh tham gia vòng Sơ khảo trải qua 2 phần thi: Kiểm tra nhân trắc học và trình diễn trang phục tự chọn. Kết thúc vòng Sơ khảo, Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra 120 thí sinh và 15 thí sinh có lượt bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội từ chương trình đồng hành “Trường tôi là số 1”, cùng các thí sinh đủ điều kiện đặc cách vào vòng Bán kết. Trước đó, để tạo sự lan tỏa của cuộc thi tới đông đảo nữ sinh viên, Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình đồng hành “Trường tôi là số 1” từ ngày 15/11 đến 14/12/2019 tại 30 trường đại học, cao đẳng, học viện trên toàn quốc với các nội dung: Hành trình “Tìm kiếm vẻ đẹp của sự thông minh”; phần thi “Tìm kiếm tài năng sinh viên Việt Nam” và cuộc thi Video clip “Tôi yêu trường tôi”. Cơ cấu Giải thưởng của Cuộc thi “Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020” bao gồm 1 giải Hoa khôi trị giá 200 triệu đồng tiền mặt kèm vương miện và giấy chứng nhận; 1 giải Á khôi 1 trị giá 100 triệu đồng kèm Kỷ niệm chương và giấy chứng nhận; 1 giải Á khôi 2 trị giá 50 triệu đồng kèm Kỷ niệm chương và giấy chứng nhận. Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao các giải “Nữ sinh viên tài năng”, “Nữ sinh viên mặc Áo dài đẹp nhất”, “Nữ sinh viên tình nguyện vì cộng đồng”, “Nữ sinh viên hùng biện tiếng Anh”, “Nữ sinh viên được bình chọn nhiều nhất trên mạng xã hội”, mỗi giải thưởng trị giá 30 triệu đồng kèm Kỷ niệm chương và giấy chứng nhận. Tổng trị giá giải thưởng là 500 triệu đồng tiền mặt và các phần quà của Nhà tài trợ. Đặc biệt, nữ sinh viên đạt giải cao nhất của Cuộc thi sẽ được tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa vào năm 2020. Mai Thảo

Phát động cuộc thi “Thiết kế lì xì hạt giống” - Tết 2020

TĐKT - Chiều 18/12, tại Hà Nội, cuộc thi “Thiết kế lì xì hạt giống”  - Tết 2020 chính thức được phát động, nhằm tạo một sân chơi phát triển sự sáng tạo và nâng cao nhận thức của học sinh về vấn đề môi trường; đồng thời góp phần tạo dựng hình ảnh thương hiệu trường học “thân thiện với môi trường”; tạo sự khác biệt cho trường khi giúp học sinh thực hành văn hóa cho đi nhiều hơn. Theo ban tổ chức, chương trình thành công, mỗi năm lì xì hạt giống sẽ giúp hàng tỷ hạt được gieo, hàng triệu cây được trồng và hàng triệu người được truyền cảm hứng để trở thành người yêu thiên nhiên và tử tế hơn. Theo đó, thay vì mừng tuổi bằng tiền và hái lộc đầu xuân truyền thống, mọi người sẽ lì xì cho nhau bằng hạt giống và gieo hạt đầu xuân. Ảnh minh họa Cụ thể, trước Tết, mọi người sẽ tiết kiệm hạt giống sau mỗi lần ăn hoa quả rồi đem phơi khô, bọc vào trong một phong bao tự làm và viết một ra lời chúc thật hay. Món quà sẽ được các thành viên trong gia đình trao tặng cho nhau vào dịp đầu Xuân. Sau đó, vào dịp Tết, cả gia đình sẽ dùng chính những hạt giống này để cùng nhau gieo trồng cây xanh và may mắn. Cuộc thi dành cho trường học, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp. Bài dự thi sẽ được nộp tại nơi người tham dự đang công tác và học tập, mỗi bài thi gồm 2 ảnh chụp Lì xì hạt giống và lời chúc của thí sinh. Nội dung phải thể hiện đầy đủ các thông tin: Mặt trước là lời chúc; mặt sau là thông tin liên hệ cần thiết và gửi về email: lixihatgiong@gmail.com. Phong bao lì xì phải thiết kế theo đúng yêu cầu của Ban Tổ chức, thể hiện được sự khác biệt giữa lì xì hạt giống và lì xì truyền thống qua các yếu tố về môi trường, cây xanh, hoa cỏ, mùa xuân, sự bừng nở; thể hiện được tính liên kết giữa lời chúc và bức tranh trang trí lì xì. Thời hạn cuối cùng để nhận bài dự thi là ngày 4/1/2020. Lễ trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào ngày 10/1/2020 tại trường Marie Curie (Hà Nội). Mai Thảo

Họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế lần thứ XI năm 2020

TĐKT - Chiều ngày 17/12, tại Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc họp báo quốc tế giới thiệu Festival Huế lần thứ XI năm 2020. Đến dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ và đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế. Đại diện ban tổ chức Festival Huế 2020 công bố chương trình Festival Huế 2020 Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Festival Huế 2020 Nguyễn Dung cho biết, Festival Huế 2020 với chủ đề “Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển, Huế luôn luôn mới” sẽ khai mạc vào thứ tư ngày 1/4/2020 và bế mạc vào thứ hai ngày 6/4/2020. Festival quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của những vùng văn hoá tiêu biểu của Việt Nam và hàng chục quốc gia trên thế giới. Đồng thời, là cơ hội để quảng bá Huế - thành phố văn hóa, thành phố di sản, thành phố festival, thành phố xanh, thành phố du lịch đặc trưng của Việt Nam; là dịp để giới thiệu với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế về những tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống và cung đình Huế. Đặc biệt, tham gia Festival Huế cũng là cơ hội được tìm hiểu, thăm thú và trải nghiệm những giá trị độc đáo của 5 di sản đã được UNESCO công nhận: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), nhã nhạc Cung đình Huế (2003), mộc bản triều Nguyễn (2009), châu bản triều Nguyễn (2014), thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2016) và 2 di sản văn hóa phi vật thể mà Huế đồng sở hữu: “Nghệ thuật Bài Chòi”, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Festival Huế 2020 gắn với hàng loạt sự kiện và mốc thời gian trọng đại của cả nước nói chung và của Thừa Thiên Huế nói riêng: 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (1945); 45 năm ngày giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc (1975); 60 năm kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn (1960); 215 năm Kinh thành Huế được khởi công xây dựng (1805); 25 năm thành phố Huế là thành viên tổ chức các thành phố Di sản Thế giới (1995) và 20 năm Festival Huế hình thành và phát triển (2000). Festival Huế 2020 tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng nghệ thuật, kết cấu hợp lý giữa các hoạt động văn hóa, du lịch, nghệ thuật và lễ hội, có tính cộng đồng cao, mới lạ, hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ đối với công chúng. Festival Huế 2020 còn gắn với các hoạt động quảng bá, tuyên truyền môi trường, chương trình “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Xây dựng Thành phố Xanh – Sạch – Sáng” để Huế trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi du khách, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh phát triển du lịch và dịch vụ. Festival Huế 2020 tiếp tục tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của Huế như những kỳ trước trước đây. Không gian Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với hệ thống các sân khấu ngoài trời, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của những đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; các sân khấu ở Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, công viên Trịnh Công Sơn, công viên Cầu Dã Viên, các sân khấu cộng đồng khác trên địa bàn thành phố Huế và các buổi quảng diễn của những đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra. Đặc biệt, Festival Huế năm nay sẽ có sự góp mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Trung Quốc, Israel, Pháp, Nga, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Hungary, CH Séc, Mỹ, Mexico, Colombia, Cuba, Úc, Ai Cập… hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, ngoạn mục, đa sắc màu văn hóa. Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Festival Huế lần thứ XI đánh dấu chặng đường 20 năm từ khi Festival Huế được tổ chức lần đầu tiên và trở thành một sự kiện văn hóa, du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế, có sức thu hút mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế. Trải qua 10 kỳ được tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành tích nhất định, khẳng định thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới; phát huy giá trị bản sắc văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, thành nơi quy tụ, gặp gỡ, giao lưu của nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ và thông tin tích cực cho sự kiện này nhằm quảng bá thương hiệu Festival Huế ngày càng được vươn xa. Hồng Thiết      

Trao giải thi vẽ tranh “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”

TĐKT – Ngày 14/12, Lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu” đã diễn ra tại trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) với sự tham gia của hơn 1000 học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Các bạn học sinh đều phải thuyết trình về bản vẽ của mình. Cuộc thi và lễ trao giải do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Tổng cục Lâm nghiệp và Tổng cục phòng chống thiên tai tổ chức. Đây là một hoạt động của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh, UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. Trước khi tiến hành trao giải hơn 100 bạn học sinh đã cùng tham gia diễu hành. Mục đích của cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của học sinh các trường trung học phổ thông về tầm quan trọng của rừng ngập mặn nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, từ đó lan tỏa tới cộng đồng và kêu gọi sự tham gia của mọi người vào việc trồng và tái sinh rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Hướng tới các em học sinh THPT tại các tỉnh thành ven biển của cả nước, cuộc thi đã nhận được hơn 500 bài thi từ 18 trường THPT ở nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên và Cà Mau. Lễ trao giải có sự tham gia của hơn 1000 học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Cuộc thi đã thể hiện sự hiểu biết của các em về tầm quan trọng của rừng ngập mặn trong việc bảo vệ cuộc sống của con người, động thực vật cũng như giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua các nét vẽ và bài thuyết trình. Nhóm tác giả Lâm Nhật Hải - Cao Vũ Thủy (THPT Tắc Vân - Cà Mau) đạt giải nhất Giải nhất được trao cho nhóm tác giả Lâm Nhật Hải – Cao Vũ Thủy (THPT Tắc Vân – Cà Mau) với tác phẩm “Bình minh ở rừng ngập mặn”. Giải nhì thuộc về các tác giả: Cao Cẩm Nhi (THPT Tắc Vân – Cà Mau) với tác phẩm “Vai trò của rừng ngập mặn với ứng phó biến đổi và bảo vệ môi trường’, Võ Phương Thảo (THPT Phú Hưng – Cà Mau) với tác phẩm “Vai trò của rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long”. Ngoài ra còn có 3 giải ba, 6 giải khuyến khích, 2 giải tập thể dành cho đơn vị có nhiều bài dự thi nhất và 1 giải dành cho tác phẩm được yêu thích nhất thông qua bình chọn trực tuyến. Phát biểu tại Lễ trao giải, ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Thực tiễn ở Việt Nam và quốc tế đã chứng minh hiệu quả của rừng ngập mặn trong bảo vệ con người, tài sản, cơ sở hạ tầng và giảm thiệt hại do thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Ngoài ra, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của người dân, thanh lọc và làm sạch môi trường, tạo cảnh quan du lịch sinh thái, và hấp thụ khí nhà kính giúp giảm biến đổi khí hậu. Do vậy, cuộc thi này cũng nhằm kêu gọi các hành động thực tế từ các em học sinh, cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ngập mặn cho một tương lai ít bị rủi ro hơn với tác động của biến đổi khí hậu”. Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ phát triển rừng – Tổng cục Lâm nghiệp chia sẻ: “Chúng tôi phải bám sát vào 5 tiêu chí để xem xét và chấm các bài. Rất nhiều bài rất hay cả về nội dung, hình thức và cả về thông điệp gửi gắm vào bức tranh đó. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nhiệt tình tham gia của các trường cũng như các em học sinh tham gia cuộc thi này.” Cũng trong buổi lễ trao giải, hơn 100 em học sinh thuộc các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã thực hiện buổi diễu hành với thông điệp “Rừng ngập mặn bảo vệ cuộc sống, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”. Sự kiện này cũng thu hút sự quan tâm của người dân địa phương. Phương Thanh

Triển lãm hình ảnh các thành tựu, kết quả 12 năm phòng, chống hàng giả, hàng nhái

TĐKT - Sáng 29/11, tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm ảnh "Trưng bày, giới thiệu hình ảnh các thành tựu và kết quả 12 năm triển khai Chương trình Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11/2007 - 29/11/2019)". Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực của Tuần lễ Phòng, chống hàng giả, hàng nhái năm 2019 do Tổng cục phát động. Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng cao, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Triển lãm được tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào chống hàng giả, hàng nhái cũng như phục vụ công tác trao đổi, kịp thời nắm bắt thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện tốt công tác phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường.  Triển lãm thu hút sự chú ý của khách tham quan Triển lãm trưng bày hơn 100 tấm ảnh về các vụ việc xử lý vi phạm: Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn bán hàng giả - hàng nhái, giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì... trên quy mô cả nước; các tấm ảnh phân biệt hàng thật - hàng giả với mục đích tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng doanh nghiệp nâng cao nhận thức trong việc sản xuất, mua bán, sử dụng hàng hóa. Đây cũng là cơ sở để người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất cùng tham gia bài trừ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Phương Thanh  

Festival Hoa Đà Lạt 2019: Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành"

TĐKT - Sáng 22/11, tại Hà Nội, UBND tỉnh Lâm Đồng họp báo giới thiệu Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019 với chủ đề "Đà Lạt và Hoa". Festival sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 24/12 tại TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng. Đây là lễ hội văn hóa du lịch đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là thương hiệu lễ hội riêng của TP Đà Lạt. Ban tổ chức thông tin về các hoạt động của Festival Hoa Đà Lạt Festival có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị của hoa và ngành hoa, thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Trong khuôn khổ Festival lần này có 12 chương trình lớn và đặc sắc, trong đó, có 9 chương trình diễn ra trên địa bàn TP Đà Lạt. Lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019 được tổ chức tại Quảng trường Lâm Viên, TP Đà Lạt sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20 giờ 10 phút ngày 20/12 với chương trình nghệ thuật đặc sắc, được dàn dựng công phu, hoành tráng. Ngoài ra, có các hoạt động: Hội thảo thúc đẩy liên kết sản xuất rau, hoa Đà Lạt, công nghệ cao Đà Lạt - Lâm Đồng; trưng bày triển lãm hoa, cây cảnh quốc tế năm 2019 gắn với hội thi "Hội tụ sắc màu lan"; Hội chợ triển lãm thương mại quốc gia Festival Hoa Đà Lạt năm 2019 tại công viên văn hóa đô thị Đà Lạt; chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc với chủ đề "Bốn mùa hoa"; chương trình tôn vinh di sản kiến trúc Đà Lạt được thể hiện qua Tọa đàm "Hướng đến xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị di sản" và chương trình nghệ thuật kết hợp hội họa "Phố bên đồi hoa 2019 - Vào miền nghệ thuật"; chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp bế mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019... Trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VIII - năm 2019, tỉnh Lâm Đồng sẽ đồng thời tổ chức Tuần Văn hóa Trà - Tơ lụa Lâm Đồng tại TP Bảo Lộc. Đây là một sự kiện văn hóa ngành nghề truyền thống của tỉnh. Qua đó, nhằm thúc đẩy việc quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển ngành nghề sản xuất trà và tơ lụa trên địa bàn TP Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung; tạo cơ hội để những người trồng, sản xuất, kinh doanh trà, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa... được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về vùng đất và con người xứ trà B'Lao và thủ phủ tơ lụa Bảo Lộc. Điểm mới tại Festival Hoa lần này là tiểu cảnh giới thiệu các loại hoa đặc trưng, thế mạnh của Đà Lạt theo chủ đề từng ngày trên mặt hồ Xuân Hương và ở khu vực xung quanh hồ Xuân Hương với mô hình độc đáo, mang nét đặc trưng riêng của TP Đà Lạt. Nhiều loại hoa tươi và cây lá trang trí mới, lạ có tính thương mại cao, có tiềm năng phát triển của Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ được Hiệp hội Hoa Đà Lạt kết hợp trưng bày trong không gian hoa nghệ thuật quanh hồ Xuân Hương. Không gian hoa còn được mở rộng đến các công viên, tiểu cảnh, tuyến phố, khu dân cư, điểm du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt và vùng phụ cận với sự tham gia, đồng hành tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức và từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, vườn hoa TP Đà Lạt sẽ tiếp tục được đầu tư, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để trở thành một công viên hoa độc đáo, hấp dẫn nhân dịp lễ hội. Tham gia vào các hoạt động của lễ hội, du khách sẽ được thưởng lãm những không gian hoa mang tính nghệ thuật cao, thưởng thức hương vị đặc sản địa phương tại phố trà - cà phê - rượu vang, phiên chợ rau - hoa, Đêm hội Rượu vang Đà Lạt..., tham gia nhiều hoạt động hưởng ứng sôi nổi của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Phương Thanh

Khai mạc Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam

TĐKT – Sáng 20/11, tại Hồ Văn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam đã chính thức khai mạc. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, do Trung Tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ban quản lý Hồ Văn, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Tạp chí Vietnam Heritage, Tạp chí Thế giới Di sản, Trung tâm bảo tồn và Phát triển văn hóa Việt Nam, Công ty cổ phần phát triển Rồng Châu Á phối hợp tổ chức. Nghi thức cắt băng khai mạc Tuần lễ Phát biểu khai mạc Tuần lễ, PGS. TS. Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam được tổ chức với mong muốn bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, đáp ứng nhu cầu về văn hóa ngày càng cao của nhân dân, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới; đồng thời, qua đó, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước và nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá. Trải nghiệm không gian làng nghề truyền thống dân tộc Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn: Triển lãm ảnh Di sản văn hóa Việt Nam; trình diễn trang phục áo dài Việt Nam; triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tơ lụa Vạn Phúc - Hà Đông, lụa Nha Xá - Hà Nam, tơ lụa con tằm tự dệt, tơ Sen của nghệ nhân Phan Thị Thuận, áo dài Trạch Xá, thổ cẩm người Thái ở bản Nà Phày, Mường Nọc, Quế Phong, Nghệ An, thổ cẩm và lanh đay của người Mông, người Tày, người Dao ở Quản Bạ, Hà Giang…; trình diễn quay tơ dệt lụa, dệt thổ cẩm; trưng bày các tác phẩm được tạo tác từ tre. Trình diễn trang phục áo dài Việt Nam Ngay tại Lễ khai mạc, khách tham quan đã được hòa mình vào các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc: Biểu diễn nghệ thuật pha và mời trà; biểu diễn dân ca, múa hát và cồng chiêng; nghệ thuật gói bánh chưng; thư pháp võ đạo. Biểu diễn thư pháp võ đạo Tham dự Tuần lễ, nhân dân và khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước còn có cơ hội được thưởng thức những đặc sản đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam như: Bánh chưng Bờ Đậu, thưởng trà làng nghề truyền thống Trại Cau, tỉnh Thái Nguyên… Chương trình diễn ra từ 8h sáng đến 22h tối hàng ngày, từ ngày 20 - 26/11/2019, tại Hồ Văn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, mở cửa miễn phí đón tiếp nhân dân và du khách tham quan. Phương Thanh

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

TĐKT - Nhân kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), tối 18/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu. Cùng dự, có các Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở trung ương, TP Hà Nội, đồng bào 54 dân tộc đang sinh sống tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đoàn kết là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đặc biệt, từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, đồng bào các dân tộc trên đất nước Việt Nam luôn đoàn kết một lòng theo Ðảng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo ngày càng được củng cố, tăng cường và phát huy. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cầu nối tin cậy giữa nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Thủ tướng đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam” trong những năm qua, nhằm tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và bảo tồn những di sản văn hóa quý báu của các dân tộc anh em trên đất nước ta. Hoạt động này càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi diễn ra trong đúng dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày hội đại đoàn kết toàn dân. Thủ tướng chỉ ra rằng: Nguồn lực lớn nhất của Tổ quốc ta chính là gần 100 triệu đồng bào trong và ngoài nước thuộc 54 dân tộc anh em. Truyền thống đại đoàn kết, trên dưới một lòng đã làm nên một sức mạnh vô bờ bến không chỉ trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giữ gìn non sông, bờ cõi trước đây mà còn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong phát triển, thoát bẫy thu nhập trung bình ngày nay. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đại đoàn kết, không ngừng khơi dậy khát vọng và ý chí, lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong toàn dân; khai thác hết những tiềm năng, thế mạnh trong dân để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đưa đất nước ta vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Thủ tướng mong rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 9 đã đề ra. Tiếp tục giương cao ngọn cờ tập hợp đại đoàn kết toàn dân tộc để Tổ quốc ta, nhân dân ta đi tới được bến bờ thành công và thịnh vượng, để đồng bào 54 dân tộc anh em không kể miền xuôi hay miền ngược phát triển đồng đều, không ai bị bỏ lại phía sau. Cùng chung tay đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua trong toàn xã hội hướng tới lập thành tích thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020); 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020; 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020); chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; đoàn kết các dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết đồng bào trong nước cũng như bà con Việt kiều ở nước ngoài. Tiếp tục có nhiều hành động và việc làm cụ thể, thiết thực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai... Cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân, từng gia đình và từng người dân nỗ lực phấn đấu, hăng say lao động, sản xuất, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; giữ vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng xúi giục, lôi kéo, kích động chống Đảng, Nhà nước và chế độ, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" năm 2019 diễn ra từ 18 - 23/11/2019 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Trong khuôn khổ tuần lễ, sẽ có các hoạt động chính: Đêm hội khai mạc Tuần "Đại đoàn kết toàn dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam" năm 2019; Hội thảo khoa học nhằm nâng cao nhận thức truyền thông, báo chí trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam; hành trình về với xứ dừa Bến Tre; hoạt động của cộng đồng các dân tộc tại Làng, trong đó giới thiệu một số lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, sự kiện còn có triển lãm ảnh với các chủ đề: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc; bảo tồn, phát triển văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế… Mai Thảo  

Trang