TĐKT - Tối 16/12, tại Hà Nội, Quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật, gặp gỡ nhân chứng lịch sử mang tên “Kiên cường Việt Nam” và Lễ công bố 2 kỷ lục quốc gia tôn vinh giá trị bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
“Nhật ký thời chiến ViệtNam” là một bộ sách đồ sộ, mang tính nhân văn sâu sắc, được xem như là “một công trình tượng đài di sản phi vật thể”; là bộ hồ sơ đặc biệt về văn hóa Việt Nam và chiến tranh giải phóng dân tộc. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang gồm 31 nhật ký của 31 tác giả, do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng làm chủ biên; Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” phối hợp với CLB “Trái tim người lính” tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành.
TS. Thang Văn Phúc - Chủ tịch Hội Kỷ lục Việt Nam trao Bằng xác lập kỷ lục tôn vinh cho TS KHQS, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20 và nhà văn Đặng Vương Hưng - Chủ biên bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam"
Bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” là công trình tâm huyết được thực hiện trong thời gian 16 năm (2004 – 2020) của cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng, cùng nhóm cộng sự.
Kể từ khi ra mắt độc giả, 30/4/2020, bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao của dư luận, bạn đọc gần xa. Vào những ngày này của 15 năm trước, tháng 12 năm 2005, Bộ Văn hóa – Thông tin (tiền thân của 2 Bộ hiện nay: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông) đã bình chọn 2 tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2005. Đó là 2 cuốn nhật ký đã tạo nên hiện tượng xã hội hiếm có, với hàng triệu bản in đã được phát hành, cùng phong trào “Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20” của các cựu chiến binh và tuổi hệ trẻ cả nước suốt một thời gian dài…
15 năm trôi qua (2005 – 2020) đã có thêm nhiều tác phẩm nhật ký chiến trường được công bố. Đã có 2 cuộc toạ đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử giới thiệu bộ sách với sự chứng kiến của báo giới tại Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội. Đã có hàng ngàn bài viết, chương trình phát thanh, truyền hình giới thiệu về bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”. Hàng vạn bản PDF nội dung ruột của bộ sách đã được chia sẻ miễn phí qua nhóm facebook “Trái tim Người lính”, với hơn 40.000 thành viên tham gia diễn đàn.
Với những nỗ lực đó, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh Quỹ Mãi mãi tuổi 20 (TP Hà Nội) - Đơn vị có công tổ chức bản thảo và ấn hành bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh tại Việt Nam. Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1000 trang. Đồng thời, tôn vinh Kỷ lục gia, Nhà văn Đặng Vương Hưng - Nhà văn Việt Nam có công sưu tầm, giới thiệu và chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” trong 16 năm 2004 – 2020; tổng hợp và biên soạn 31 tác phẩm nhật ký của 31 tác giả trong thời chiến tranh Việt Nam.
Mai Thảo
Văn hóa - Thể thao
Kỷ niệm 30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội
TĐKT - Sáng 27/11, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) tổ chức Lễ kỷ niệm và Hội thảo khoa học "30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học xuất bản số đầu tiên". Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước tặng Tạp chí Nghiên cứu Phật học và hòa thượng Thích Gia Quang Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm và Hội thảo, hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học cho biết: Ngày 17/09/1990, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4204/QĐ-UB cho phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đặt tại số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Việc thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho việc nghiên cứu Phật học mà còn chung cho việc nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc. Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học phát biểu khai mạc Đồng thời với việc thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định xuất bản Nội san Nghiên cứu Phật học để đăng tải các công trình nghiên cứu Phật học và là diễn đàn của tăng ii, Phật tử trong công tác học thuật và nghiên cứu Phật học. Đến năm 1996, Nội san chuyển thành Tạp chí Nghiên cứu Phật học có giấy phép xuất bản do Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch (nay là Bộ thông tin và truyền thông) cấp phép. Tạp chí hiện tại phát hành 2 tháng/số, 6 số/năm, in giấy couche, 4 màu, kích thước 20×28 cm, số trang từ 68 – 76 trang tùy theo từng số. 30 năm qua (1990 – 2020), Phân viện và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có những đóng góp về phương diện học thuật, hoằng dương Phật pháp, cũng như phản ánh về đời sống tôn giáo tốt đẹp tại Việt Nam, trọng tâm là sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trên tất cả các mặt. Thực hiện công tác nghiên cứu, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản và in ấn hàng chục loại đầu kinh sách để phổ biến cho các đạo tràng, cộng đồng phật tử và học sinh một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; thẩm định nhiều bản kinh sách, phim ảnh về đề tài Phật giáo và liên quan đến Phật giáo của các đối tác liên kết gửi đến nhờ thẩm định tính chuyên môn về Phật học. Sau 30 năm thành lập, đến tháng 11/2020, Tạp chí Phật học đã xuất bản 165 số, được tăng, ni, phật tử và các nhà nghiên cứu Phật học ở trong và ngoài nước đón nhận. Tạp chí đã đăng tải các công trình nghiên cứu của Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, các cộng tác viên, học sinh cao học và nghiên cứu sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đủ điều kiện để bảo vệ luận án thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các lĩnh vực sử học, triết học. Tạp chí không chỉ tuyên truyền, phản ánh những đóng góp của Phật giáo Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác quốc tế, mà còn là một kênh thông tin truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo để chức sắc, tín đồ Phật giáo biết và thực hiện đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp, góp phần đấu tranh trên lĩnh vực tự do tôn giáo và nhân quyền. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân Tại Lễ kỷ niệm và Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá về những đóng góp của Phân viện và tạp chí trong 30 năm qua, thảo luận về hướng phát triển trong thời gian tới. Để nâng cao chất lượng hiệu quả về đề tài liên quan đến Phật học, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội sẽ liên kết, phối hợp với các trung tâm, viện nghiên cứu về triết học, tôn giáo, Phật học để hợp tác và trao đổi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về dịch thuật, biên dịch, trở thành địa chỉ tin cậy cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, tăng, ni phật tử muốn nâng cao trình độ Phật học tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu. Đồng thời, Phân viện sẽ tập trung nghiên cứu, phiên dịch, ấn tống và phát hành tác phẩm cũng như công trình nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên nghiệp; phối hợp với Ban Thông tin và Truyền thông (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), các nhà dịch thuật, nghiên cứu để xuất bản ấn phẩm về lịch sử Phật giáo một số nước trên thế giới, giúp cho nhu cầu tìm hiểu tư liệu Phật giáo các nước của các trường Phật học cũng như nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên, bắc nhịp cầu củng cố và phát triển quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam và những nước có truyền thống Phật giáo. Dự kiến, Phân viện sẽ xuất bản các ấn phẩm liên quan đến lịch sử Phật giáo các nước Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Butan… Đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng Bằng công đức cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội Nhân dịp này, Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hòa thượng Thích Gia Quang, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra, 4 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 7 cá nhân được tặng Giấy khen của Ban Tôn giáo Chính phủ; 4 tập thể và nhiều cá nhân được tặng Bằng tuyên dương công đức của Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Phương ThanhKhởi động giải golf gây quỹ hỗ trợ giáo dục ở những vùng khó khăn
TĐKT - Sau thành công của Cup Bát Hùng 2019, năm nay sự kiện giao hữu golf giữa các CLB trường đại học trên địa bàn Hà Nội tiếp tục được tổ chức với quy mới lớn hơn, mang tên “Giải golf Thập Hùng 2020 - Swing for Education". Giải golf Thập Hùng khởi động với mong muốn góp phần gây quỹ hỗ trợ giáo dục cho vùng sâu, vùng xa và học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và các vùng bị lũ lụt tại tỉnh Quảng Trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của phong trào golf. Toàn cảnh lễ khởi động giải golf Thập Hùng 2020 Giải sẽ chính thức diễn ra vào ngày 5/12 tại sân SkyLake với sự tham dự của 240 tuyển thủ đến từ 10 trường đại học miền Bắc: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Xây dựng, Học viện Tài chính, Đại học Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Ngoại thương, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Thương mại. Với thông điệp “Hội tụ - Kết nối - Hợp tác - Sẻ chia - Thành công”, giải đấu tăng cường giao lưu, kết nối giữa các học viên, cựu học viên các trường đại học miền Bắc, tạo sân chơi golf văn minh, trung thực, hào hoa và đầy tính cạnh tranh của giới trí thức miền Bắc. Những golfer tham gia giải đấu bắt buộc phải là học viên, cựu học viên của các trường đại học. Mỗi đội tuyển tham gia giải đấu gồm 24 golfer chính thức và 12 golfer dự bị được chia thành 6 bảng đấu. Các đội thi đấu theo thể thức đối kháng fourball và foursome không tính điểm chấp handicap. Mỗi bảng đấu sẽ có 1 trận đấu fourball và 1 trận đấu foursome. Mỗi trận thắng được tính 1 điểm, hòa được 0,5 điểm và thua được 0 điểm. Điểm số của đội tuyển là tổng điểm của các trận đấu tại các bảng. Mai ThảoTĐKT - “Quyết tâm luyện rèn, thi đấu đạt thành tích cao mang vinh quang về cho quê hương, đất nước” - Đó là những lời quyết tâm, tự dặn với lòng mình của chàng trai trẻ quê hương Bắc Ninh Đỗ Tú Tùng (sinh năm 2004) - Gương mặt trẻ tài năng của Cử tạ Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nơi từng tạo nên nhiều vận động viên cử tạ xuất sắc nên chàng trai trẻ Đỗ Tú Tùng sớm bén duyên với môn thể thao sức mạnh này.
Ngay khi mới lên 10, Tùng đã trúng tuyển trong đợt tuyển sinh hàng năm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Kể từ đó, Tùng đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ, thậm chí những chấn thương để dần khẳng định mình.
Tùng cho biết, cử tạ là môn thể thao nặng, đặc thù tập luyện và thi đấu với tạ. Vận động viên nâng tạ với trọng lượng nặng hơn cơ thể nhiều lần và trong tập luyện rất dễ xảy ra những chấn thương về dây chằng, cơ, xương khớp.
Đỗ Tú Tùng (thứ hai từ phải sang)
Trong tập luyện, Tùng cũng từng nhiều lần bị chấn thương nhẹ, chấn thương nặng phải nghỉ dài ngày, sau đó tập luyện hồi phục và rất nhiều những khó khăn khác. Nhưng với sự quan tâm, hướng dẫn tận tình của các thầy, cô; được các lãnh đạo Trung tâm, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tạo mọi điều kiện tốt nhất trong tập luyện và thi đấu từ; cộng với ý chí quyết tâm, tinh thần vượt mọi khó khăn, luôn tự giác tích cực trong tập luyện của bản thân, Tùng có cơ hội được phát huy hết khả năng của mình và ngày càng có tình yêu với môn thể thao cử tạ.
Tùng cho biết, thời gian tập luyện hàng ngày từ 6 - 8 tiếng. Để việc sinh hoạt hàng ngày được hợp lý và hiệu quả, vấn đề sắp xếp thời gian học văn hóa, thời gian nghỉ ngơi phải khoa học thì mới đảm bảo sức khỏe đáp ứng được mọi yêu cầu huấn luyện viên đưa ra trong mỗi buổi tập cũng như cả một chu kỳ tập luyện và thi đấu.
Tùng cho rằng, tuổi trẻ cần phải có hoài bão, ước mơ và không ngừng quyết tâm, phấn đấu trong học tập. Đặc biệt, khi bản thân đã lựa chọn lĩnh vực nào thì phải luôn đặt ra mục tiêu và quyết tâm hoàn thành mục tiêu mình đề ra.
Vì vậy, bản thân là một vận động viên, Tùng nhận thức rất rõ: Phải biết hy sinh những mong muốn nhỏ của bản thân để vượt qua chính mình, hoàn thành mục tiêu lớn đã đề ra. “Có giai đoạn tôi phải ép cân, chỉ được ăn những món quy định, uống thuốc bổ và thực phẩm chức năng để đảm bảo cân, sức khỏe cho thi đấu. Điều đó luôn gây cho tôi cảm giác thèm những món không được ăn. Thèm được uống nhiều nước, được ăn các món có nhiều đường, chất ngọt, chất béo…. Nhưng tôi phải cố gắng vượt qua, bởi vì nếu không tuân thủ, sẽ làm tăng cân, gây ảnh hưởng đên chất lượng rèn luyện và kết quả thi đấu.” – Tùng chân thành chia sẻ.
Ngoài ra, là vận động viên thể thao, anh luôn luôn lắng nghe những lời chỉ bảo dậy dỗ của thế hệ đi trước, các thầy, cô và ban huấn luyện… Luôn đặt ra cho bản thân không được tự mãn, đặt ra những mục tiêu lớn hơn nữa để phấn đấu hoàn thành.
Trong thi đấu, Tùng luôn thực hiện tốt yêu cầu huấn luyện viên đưa ra, luôn sẵn sàng thi đấu ở trạng thái tốt nhất, không chủ quan trước đối thủ ở bất cứ giải nào. Bản thân luôn nỗ lực và khát khao, đặc biệt ở các giải quốc tế, quyết tâm giành thành tích cao, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước.
Dù vinh dự là chủ nhân của nhiều thành tích, giải thưởng cao tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhưng Tùng vẫn không ngừng đặt ra những mục tiêu cao hơn. Thành tích nổi bật nhất mà Tùng đã nỗ lực đạt được là thành tích tại giải Vô địch trẻ Thanh thiếu niên thế giới được tổ chức tại Mỹ: Phá 3 kỷ lục thế giới ở các nội dung: Cử giật 95kg; cử đẩy 125kg và tổng cử 220kg.
Để ghi nhận thành tích xuất sắc của Tùng, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã 2 lần tặng thưởng Bằng khen và trao thưởng cho Tùng tại phiên họp UBND tỉnh tháng 3/2019 và tháng 3/2020.
“Đây là niềm vinh dự, tự hào, tạo động lực, quyết tâm giành để tôi tiếp tục nỗ lực luyện tập, để chiến thắng cao nhất trong các cuộc thi đấu sau này. Tôi mong rằng, vận động viên chúng tôi sẽ có thêm nhiều hơn nữa những điều kiện, cơ hội được tham gia, cọ sát ở những giải quốc tế, thế giới ” – Chàng trai Đỗ Tú Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, chàng trai vàng cử tạ Việt Nam Đỗ Tú Tùng cũng mong muốn, những vận động viên đang được triệu tập đội tuyển quốc gia như Tùng có thêm những chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp hơn nữa, giúp họ cố gắng, phấn đấu giành nhiều thành tích cao, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước.
Thục Anh
Bảo tồn và lan tỏa giá trị của làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
TĐKT - Tối 20/11, Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020) và 6 năm UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Di sản văn hóa từ lâu có ý nghĩa hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để phát huy vai trò của di sản văn hóa, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23 tháng 11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Đây là dịp để mọi người cùng nhau tôn vinh những giá trị di sản văn hóa Việt Nam, từ đó cổ vũ, bồi đắp thêm tình yêu, ý thức và trách nhiệm đối với quê hương đất nước. Đồng chí Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội phát biểu tại buổi lễ Xứ Nghệ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Theo dòng chảy của thời gian, người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều thể loại đặc sắc, trong đó có dân ca ví, giặm. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội cho biết: “Yêu dân ca ví, giặm là cội nguồn của tình yêu đối với quê hương đất nước. Dân ca ví, giặm ngày càng được lan tỏa bởi mạch nguồn trong trẻo và chính mạch nguồn này đã tắm mát cho tâm hồn những người Nghệ xa quê. Giữ gìn và phát huy những làn điệu dân ca ví, giặm cũng là giữ gìn và phát huy cốt cách của người dân xứ Nghệ, của dân tộc Việt Nam... Chương trình kỷ niệm 14 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 6 năm UNESCO vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ là nơi hội tụ những giọng ca ngọt ngào, những tâm hồn yêu dân ca ví, giặm, yêu xứ Nghệ thân thương…”. Toàn cảnh buổi lễ Cũng tại buổi lễ, ông Lê Doãn Hợp đánh giá cao sự ra đời và nhanh chóng khẳng định được vị thế quan trọng hơn 7 năm qua của CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội. Những buổi biểu diễn dân ca ví, giặm nhân các ngày lễ, tết, hay những buổi sinh hoạt thường xuyên của CLB vào tối thứ 7 hàng tuần, đặc biệt là các sự kiện giao lưu dân ca ví, giặm 3 miền Bắc - Trung - Nam đã thực sự ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Nhiều nghệ sĩ tham gia biểu diễn tại buổi lễ Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội bày tỏ mong muốn dân ca ví, giặm sẽ được đưa vào nhà trường nhiều hơn nữa để các thế hệ trẻ có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Tại lễ kỷ niệm, ông Lê Cảnh Nhạc, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Nguyên Tổng biên tập Báo Gia đình và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Ở đâu có người xứ Nghệ là ở đó có dân ca ví, giặm; ở đâu có dân ca ví, giặm là ở đó có văn hóa Nghệ Tĩnh… Chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi văn hóa xứ Nghệ, hồn cốt của văn hóa xứ Nghệ, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ngày càng được lan tỏa. Sự lan tỏa đặc biệt này là sự đóng góp vô cùng lớn lao của của biết bao nhiêu người…”. Đại diện Ban Lãnh đạo Hội đồng hương 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trao hoa cho Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội và các nghệ sĩ Bà Nguyễn Thị Thành - Chủ nhiệm CLB dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ở Hà Nội vui mừng chia sẻ: “Gần 7 năm hoạt động, CLB ngày càng thu hút nhiều hội viên tham gia. Cùng chung tình yêu đối với những làn điệu dân ca, đối với xứ Nghệ yêu dấu, các thành viên đã say sưa sáng tạo, biểu diễn và mang nét độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian tỏa sáng trong đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cũng như người dân trên mọi miền của Tổ quốc. Năm 2020 ,mặc dù bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19 nhưng CLB vẫn rất cố gắng duy trì hoạt động để mang hồn cốt của văn hóa xứ Nghệ đến với nhiều người, đặc biệt trong những năm qua, Câu lạc bộ đã có những buổi biểu diễn thu hút hàng nghìn người tham dự”. Có được những thành quả quan trọng bước đầu ấy, ngoài sự nỗ lực của Ban Chủ nhiệm và các thành viên CLB, còn là sự giúp đỡ, động viên kịp thời của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Liên lạc Hội đồng hương tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tại Hà Nội, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, những nhà hảo tâm... Ban chủ nhiệm mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, động viên, khích lệ của các tổ chức, các cá nhân để CLB không ngừng lan tỏa và phát triển trong thời gian tới. Ra đời vào dịp kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/2014), CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Hà Nội đã ghi được nhiều dấu ấn đậm nét trong lòng người hâm mộ. Chương trình kỷ niệm 15 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam và 6 năm UNESCO vinh danh dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức lần này với mong muốn các tầng lớp nhân dân trên mọi miền đất nước cùng nhau nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị của những làn điệu dân ca ví, giặm. Đây thực sự là mạch nguồn thanh trong, ấm nồng hơi thở cuộc sống để nuôi dưỡng và nâng cánh cho mỗi tâm hồn, tạo thêm niềm tin yêu và động lực để mỗi người tự hào về nguồn cội, tích cực góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Mai ThảoTĐKT – Ngày 20/11, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội đã diễn ra họp báo thông tin về chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học (1990 – 2020).
Họp báo thông tin về chương trình
Theo đó, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập - Hội thảo khoa học với chủ đề "30 năm Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học: Thành tựu và định hướng" sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/11.
Phát biểu tại họp báo, Hòa thượng, TS. Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết: Chương trình được tổ chức nhằm ôn lại quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học trong 30 năm qua, góp phần xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc; đồng thời, vinh danh thành tích mà Phân viện và Tạp chí đã đạt được, cũng như họp mặt tri ân công đức Chư tôn đức, các nhà nghiên cứu, học giả, cộng tác viên Phân viện, Tạp chí qua các thời kỳ.
Trải qua 30 năm thực hiện công tác nghiên cứu, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội đã phiên dịch và biên soạn, tổ chức xuất bản và in ấn một số tác phẩm Kinh điển, Luật tạng tiêu biểu như Luật Tứ Phần, Từ điển Hán Việt, Từ điển Phật học Hán Việt... Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi thông tin và hợp tác nghiên cứu với một số viện và trường đại học ở trong và ngoài nước; tổ chức nhiều lớp nghiên cứu viên cho một số tăng, ni sinh đã tốt nghiệp Trường Cao cấp Phật học tại Hà Nội về phương pháp nghiên cứu Phật học; bổ túc và nâng cao kiến thức về Phật học.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã đăng tải các công trình nghiên cứu của phân viện, của các cộng tác viên, các công trình nghiên cứu của học sinh cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đủ điều kiện để tác giả bảo vệ luận án thạc sĩ và tiến sĩ thuộc các lĩnh vực sử học, triết học và phật học. Đặc biệt, Tạp chí cũng là một kênh thông tin truyền tải các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo để chức sắc, tín đồ Phật giáo thực hiện đời sống tôn giáo ngày một tốt đẹp.
Đến tháng 11/2020, Tạp chí đã ra được 165 số, kích thước 20 x 28cm, 68 trang - 100 trang/số... Tạp chí là ấn phẩm báo chí chuyên ngành, là ấn phẩm báo chí chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được tăng, ni, phật tử và các nhà nghiên cứu Phật học ở trong và ngoài nước đón nhận.
30 năm qua, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã có những đóng góp về phương diện học thuật, hoằng dương Phật pháp cũng như phản ánh về đời sống tôn giáo tốt đẹp tại Việt Nam, trọng tâm là sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trên tất cả các mặt của đời sống tôn giáo. Trong lĩnh vực đối ngoại, Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ góp phần xiển dương Phật giáo Việt Nam trong các mối quan hệ, hợp tác quốc tế, góp phần lên tiếng nói của lẽ phải trong các cuộc đối thoại về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam.
Trong tình hình mới, trước nhu cầu đòi hỏi của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như của đất nước, Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội và Tạp chí Nghiên cứu Phật học nhận thấy cần phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời xây dựng định hướng và phát triển trong thời gian tới để Tạp chí và Phân viện ngày càng có những đóng góp lớn hơn cho Giáo hội và cho Phật giáo Việt Nam.
Phương Thanh
TĐKT - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Trái tim những người lính, Tạp chí Môi trường và Đô thị và Nhà xuất bản Thanh Niên tổ chức Lễ ra mắt sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm.
Đây là những trang nhật ký hết sức chân thực của ông Đinh Đức Lâm, một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua những trang nhật ký của Đinh Đức Lâm, bạn đọc có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, sẽ được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào, nếu không may bị thương.
Bìa nhật ký thời chiến "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của tác giả Đinh Đức Lâm
Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc phải đi qua những chặng đường nào, dòng sông nào, dừng chân nghỉ ở những binh trạm đón tiếp nào… Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến đã được biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam, thì đến nhật ký của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc.
Được biết, những nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” được tác giả Đinh Đức Lâm bắt đầu ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hi sinh như Giấy báo tử của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3/2/1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm lễ truy điệu. Sự thật là ông Đinh Đắc Khâm đã bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh. Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2.049 ngày, mà phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc.
Tác giả Đinh Đức Lâm (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với gia đình và người thân tại buổi lễ ra mắt sách
Đây thực sự là tài sản tinh thần vô giá của con cháu ông nói riêng và cả cộng đồng và xã hội, góp phần quan trọng trong việc lưu giữ những giá trị lịch sử, tinh thần người lính thời chiến, từ đó lan tỏa tình yêu dân tộc đến người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Chị Đinh Thị Thúy (con gái tác giả Đinh Đức Lâm) cho biết: Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi đọc từng trang nhật ký của bố. Khi quyết định xin ý kiến ông cho thực hiện việc xin phép xuất bản là chúng tôi muốn gìn giữ một phần lịch sử của đất nước với mong muốn giá trị tinh thần tài sản vô giá này được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu, cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ sẽ có thêm nhiều bài học ý nghĩa giá trị về những phẩm chất đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, từ đó luôn có tinh thần tự hào dân tộc, tạo sức mạnh đoàn kết để vượt qua bất cứ khó khăn thách thức nào, chiến thắng bất cứ đối thủ, kẻ địch nào để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm (còn có tên khác là Đinh Văn Sai). Ông sinh ngày 31/8/1945, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân. Dù là cậu bé mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, nhưng với tình yêu thương và sự lam lũ của người mẹ nghèo, cậu bé Đinh Đức Lâm nỗ lực học tập và rèn luyện, trở thành một thầy giáo mạnh mẽ và tràn đầy tình yêu thương. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thầy ấy đã “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 25 năm dạy học, thì có tới 16 năm thầy giáo Đinh Đức Lâm làm quản lý. Mới 32 tuổi, thầy đã là Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở (cấp I + II), lãnh đạo 54 thầy cô giáo và khoảng 1500 học sinh. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, mọi người vẫn tín nhiệm bầu ông làm Hội trưởng và Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tiên Động.
Mai Thảo
TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020), sáng 16/10, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB "Trái tim Người lính", Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức sự kiện với chủ đề “Mẹ và Trái tim Người lính”.
Với 3 nội dung chính: “Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ”, “Mẹ - khoảnh khắc đời thường” và “Tự hào những người Mẹ Việt Nam”, 90 bức ảnh trong Triển lãm được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ đã khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng những người tham gia.
Tác giả của những bức ảnh đó là Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, từng là một người lính bước ra từ chiến trường. Như một cái duyên, ngay từ khi vào nghề, ông đã viết và chụp ảnh về các bà mẹ. Trong "gia tài" nghề nghiệp của ông có rất nhiều những bức ảnh về đề tài này. Dù là một bà mẹ bình thường, một vị giáo sư, một nữ anh hùng hay các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được ông trân trọng và chụp lại những khoảnh khắc trong cuộc sống với một tình yêu từ trái tim của người lính.
90 bức ảnh trong Triển lãm “Mẹ” đã khơi dậy nhiều cảm xúc trong lòng những người tham gia.
90 bức ảnh đã cho thấy cả một miền ký ức, cảm xúc của tác giả về những người Mẹ Việt Nam với sự bình dị, chân thật và đầy rung cảm. Không chỉ là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, tác giả còn tôn vinh hình ảnh của những người Mẹ với nỗ lực vươn lên để thành công, hay đơn giản là sự bình dị với thiên chức cao quý của một người vợ, người mẹ. Tiêu đề của Triển lãm - “Mẹ” chính là mẫu số chung giúp tác giả lột tả những mảnh ghép đa sắc về các Mẹ, tạo nên bức chân dung về người Phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương.
Thông qua Triển lãm, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và tác giả Trần Hồng mong muốn dành sự tri ân đến các thế hệ phụ nữ Việt Nam - những con người với tình yêu thương vô bờ, tấm lòng vị tha, đức hy sinh cao cả và trái tim nhân hậu để chúng ta - những người con, người cháu thêm tự hào, yêu thương và trân trọng họ.
Để vẻ đẹp, cùng hình ảnh của các Mẹ sẽ còn được lưu giữ mãi và giới thiệu tới nhiều thế hệ sau, tại chương trình, tác giả Trần Hồng đã trao 90 bức ảnh của Triển lãm tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Tác giả Trần Hồng đã trao 90 bức ảnh của Triển lãm tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật của các cá nhân là những người lính năm xưa nơi chiến trường. Đó là hàng trăm tài liệu, hiện vật các loại bao gồm nhật ký, ảnh, bưu thiếp, đồ dùng cá nhân… cùng với rất nhiều những lá thư tay do chính họ hoặc người thân lưu giữ lại.
Những hiện vật này không chỉ mang dấu ấn cá nhân, mà còn giúp khắc họa và gợi nhớ về một thời thanh xuân của những con người với lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước. Chúng có nhiều ý nghĩa hơn là những hiện vật về lịch sử bởi đây là kỷ vật gắn với câu chuyện về tình yêu gia đình, tình đồng đội và tình cảm đôi lứa trong thời kỳ tuy khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chan chứa sự gắn kết và tình yêu thương.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận hiện vật từ các cá nhân là những người lính năm xưa
Những hiện vật quý giá ấy của những người lính còn sống, hay đã khuất sẽ được gửi tặng Bảo tàng, giúp làm dày dặn thêm kho tư liệu về thời kỳ kháng chiến mà Bảo tàng đã dày công sưu tầm từ nhiều năm qua. Đồng thời đây sẽ là nguyên liệu để Bảo tàng khai thác cho các triển lãm, trưng bày và hoạt động giáo dục hướng tới các hoạt động tuyên truyền và giới thiệu đến công chúng trong thời gian tới.
Tại chương trình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với CLB “Trái tim Người lính” – Một diễn đàn facebook, nhằm tận dụng thế mạnh của mạng xã hội, phục vụ mục tiêu chung trong công tác sưu tầm và bảo tồn kỷ vật, cùng những giá trị nhân văn về lịch sử, truyền thống, liên quan đến mọi mặt đời sống tinh thần của người lính cùng hậu phương của họ.
Hai bên sẽ cùng đồng hành để tiếp tục hành trình sưu tầm, thu thập các câu chuyện, tài liệu, hiện vật ý nghĩa, có giá trị của những năm tháng chiến tranh hay thời bình. Từ đó, tổ chức các chương trình, hoạt động thu hút công chúng tham gia, như cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật với chủ đề “Tình yêu trong chiến tranh”, chuẩn bị cho việc xuất bản những cuốn sách cùng tên “Trái tim Người lính” và tổ chức các sự kiện “Gặp mặt đồng đội” trong thời gian tới…
Mai Thảo
Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch Ba Đình
TĐKT - Sáng 8/10, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Quận ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Ba Đình tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua Lý Thái Tổ và khánh thành bảng quét mã QR ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch Ba Đình. Cắt băng khánh thành công trình Công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch quận Ba Đình” năm 2020 do Quận Đoàn Ba Đình triển khai thực hiện từ ngày 20/8/2020, thiết thực thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Ba Đình lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới chào mừng 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Công trình thực hiện là số hóa các thông tin của 30 di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn quận; biên soạn tin, bài, hình ảnh, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của quận Ba Đình; thực hiện cấp mã QT cho 30 di tích và tổ chức lắp đặt các điểm quét mã QR tại các di tích đã được chọn lựa. Quận Ba Đình nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung sở hữu tiềm năng phát triển du lịch lớn, là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước. Trên địa bàn quận hiện có 73 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa chỉ kháng chiến, trong đó có 26 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 20 di tích xếp hạng cấp thành phố và 27 di tích chưa được xếp hạng. Tiềm năng đó đòi hỏi ngành kinh tế mũi nhọn này được quan tâm, đầu tư, nâng cấp và phát triển đúng mức. Công trình “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch quận Ba Đình” năm 2020 sẽ góp phần nâng cao hiệu quả việc cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch quận đa dạng, trực quan, phong phú hơn, phù hợp với xu thế khoa học - công nghệ phát triển như hiện nay. Minh PhươngCông bố Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề”
TĐKT – Sáng 7/10, Thành đoàn Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh Thiếu niên Hà Nội (CSS) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư SFS Việt Nam (SFS Việt Nam), Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức họp báo công bố Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề”. Hiện nay, việc giáo dục hướng nghiệp không chỉ là vấn đề của riêng ngành Giáo dục mà là vấn đề chung của toàn xã hội bởi học sinh chính là nguồn nhân lực tương lai của đất nước, là yếu tố quan trọng định hình nền kinh tế - xã hội trong tương lai. Thực hiện Quyết định số 522-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 5 năm 2018 phê duyệt Đề án: Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025, được sự chỉ đạo của Thành đoàn Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh Thiếu niên Hà Nội (CSS) phối hợp cùng Công ty Cổ phần Đầu tư SFS Việt Nam (SFS Việt Nam), Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam xây dựng và triển khai Công bố Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề”. Ban tổ chức thông tin đến báo chí về dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “Chọn nghề trong muôn nghề” Dự án sử dụng hình thức hướng nghiệp bằng thể loại nhạc kịch, được chuyển thể từ truyện dài “Trại hoa vàng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, là một bước đột phá trong việc đổi mới hình thức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đem đến một cái nhìn chân thực và toàn diện hơn cho cả phụ huynh, học sinh thông qua hình thức thể hiện mới lạ, hấp dẫn. Thông điệp mà buổi nhạc kịch hướng nghiệp mong muốn truyền tải tới các bạn trẻ đó chính là các bạn cần có ước mơ, có khát vọng và đủ nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình. Bên cạnh đó, buổi nhạc kịch hướng nghiệp cũng gửi gắm tới các bậc phụ huynh hãy luôn quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu với những mong muốn chính đáng của con trẻ, để từ đó ủng hộ, đồng hành cùng các con chinh phục ước mơ. Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, các em học sinh còn được trực tiếp chia sẻ câu chuyện với các chuyên gia tâm lý, đàm thoại với các Founder & CEO để nắm được nhu cầu thị trường việc làm của hiện tại và trong những năm tới, cần chuẩn bị những gì đáp ứng đủ yêu cầu của các doanh nghiệp. Để triển khai tới đông đảo học sinh, phụ huynh, Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp đã nhận được sự quan tâm hợp tác, đồng hành của các đơn vị: Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Công ty InvestTV, SFSmedia, Công ty JobsGO, Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà, Công ty NovaEdu, Công ty TopCV và Công ty Spiderum. Với mục tiêu nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của xã hội về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp “chọn nghề trong muôn nghề” mong muốn giúp các em học sinh có cái nhìn đầy đủ về việc chọn trường, chọn nghề, từ đó đưa ra những quyết định lựa chọn đúng đắn cho tương lai. Với mục đích đó, trong năm 2020, Dự án sẽ tổ chức tại Hà Nội 4 buổi tư vấn hướng nghiệp bằng nhạc kịch tại Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, 15 buổi tư vấn hướng nghiệp bằng nhạc kịch, sân khấu hóa tại các trường THCS, THPT và chuỗi 60 buổi tư vấn bằng hình thức chuyên gia tại các trường THCS, THPT, cao đẳng, đại học, học viện… Dự kiến, sang năm 2021, Dự án Nhạc kịch hướng nghiệp sẽ triển khai tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, Thành đoàn Hà Nội đã giới thiệu về những hoạt động chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long Hà Nội (sẽ diễn ra từ ngày 8 - 11/10/2020), Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ TP Hà Nội lần thứ XIV năm 2020. Mai ThảoTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- …
- sau ›
- cuối cùng »