TĐKT - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Trái tim những người lính, Tạp chí Môi trường và Đô thị và Nhà xuất bản Thanh Niên tổ chức Lễ ra mắt sách “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm.
Đây là những trang nhật ký hết sức chân thực của ông Đinh Đức Lâm, một thầy giáo làng, từng “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Qua những trang nhật ký của Đinh Đức Lâm, bạn đọc có thể hình dung ra phần nào cuộc sống, sinh hoạt của một chiến sĩ bộ đội quân giải phóng, sẽ được cứu chữa và chăm sóc chu đáo như thế nào, nếu không may bị thương.
Bìa nhật ký thời chiến "Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng" của tác giả Đinh Đức Lâm
Đặc biệt, nửa sau của nhật ký đã mô tả rất rõ chặng đường hành quân bộ, từ chiến trường miền Đông Nam Bộ ra Bắc phải đi qua những chặng đường nào, dòng sông nào, dừng chân nghỉ ở những binh trạm đón tiếp nào… Nếu như những tác phẩm nhật ký thời chiến đã được biên soạn trước đây, hầu hết là mô tả những khó khăn, vất vả, gian nguy của người chiến sĩ khi vượt Trường Sơn hành quân vào chiến trường miền Nam, thì đến nhật ký của thầy giáo, thương binh Đinh Đức Lâm đã mô tả tâm trạng của những người lính trên chặng đường ngược lại: Từ Nam ra Bắc.
Được biết, những nhật ký “Nhớ đêm cõng bạn lạc rừng” được tác giả Đinh Đức Lâm bắt đầu ghi chép từ ngày 21/7/1969 và khép lại trang viết cuối cùng vào ngày 3/3/1973. Đó chính là một ngày vui, khi gia đình ông bất ngờ nhận được tin người anh trai cả là Đinh Đắc Khâm không hi sinh như Giấy báo tử của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hải Hưng ngày 3/2/1972 thông báo và chính quyền địa phương cũng đã trang trọng làm lễ truy điệu. Sự thật là ông Đinh Đắc Khâm đã bị thương trong một trận chiến đấu ác liệt, rồi bị địch bắt làm tù binh. Ông Khâm đã bị địch giam giữ 5 năm 7 tháng, tổng cộng là 2.049 ngày, mà phần lớn là ở Trại tù binh Phú Quốc.
Tác giả Đinh Đức Lâm (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm với gia đình và người thân tại buổi lễ ra mắt sách
Đây thực sự là tài sản tinh thần vô giá của con cháu ông nói riêng và cả cộng đồng và xã hội, góp phần quan trọng trong việc lưu giữ những giá trị lịch sử, tinh thần người lính thời chiến, từ đó lan tỏa tình yêu dân tộc đến người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Chị Đinh Thị Thúy (con gái tác giả Đinh Đức Lâm) cho biết: Tôi vô cùng xúc động và tự hào khi đọc từng trang nhật ký của bố. Khi quyết định xin ý kiến ông cho thực hiện việc xin phép xuất bản là chúng tôi muốn gìn giữ một phần lịch sử của đất nước với mong muốn giá trị tinh thần tài sản vô giá này được lưu giữ và truyền lại cho thế hệ con cháu, cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước. Thế hệ trẻ sẽ có thêm nhiều bài học ý nghĩa giá trị về những phẩm chất đức tính tốt đẹp của người Việt Nam, từ đó luôn có tinh thần tự hào dân tộc, tạo sức mạnh đoàn kết để vượt qua bất cứ khó khăn thách thức nào, chiến thắng bất cứ đối thủ, kẻ địch nào để góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Nhà giáo, cựu chiến binh, thương binh Đinh Đức Lâm (còn có tên khác là Đinh Văn Sai). Ông sinh ngày 31/8/1945, tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương trong một gia đình nông dân. Dù là cậu bé mồ côi cha từ khi còn chưa ra đời, nhưng với tình yêu thương và sự lam lũ của người mẹ nghèo, cậu bé Đinh Đức Lâm nỗ lực học tập và rèn luyện, trở thành một thầy giáo mạnh mẽ và tràn đầy tình yêu thương. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thầy ấy đã “xếp bút nghiên”, phấn trắng, bảng đen, tạm biệt học trò, lên đường ra trận trong những năm gian khổ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 25 năm dạy học, thì có tới 16 năm thầy giáo Đinh Đức Lâm làm quản lý. Mới 32 tuổi, thầy đã là Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở (cấp I + II), lãnh đạo 54 thầy cô giáo và khoảng 1500 học sinh. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, mọi người vẫn tín nhiệm bầu ông làm Hội trưởng và Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã Tiên Động. |
Mai Thảo