Văn hóa - Thể thao

Chương trình “Mái ấm gia đình Việt” về với Vĩnh Phúc

BTĐKT - Sắp tới đây, vào 2 ngày 26 và 27/11/2023 tại Công viên 29/12, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ diễn ra chương trình truyền hình thực tế “Mái ấm gia đình Việt” do Công ty Golden Moon phối hợp với Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh thực hiện, với sự đồng hành tài trợ của hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home (Tập đoàn Hoa Sen). Chương trình Mái ấm gia đình Việt “Mái ấm gia đình Việt” là chuyến xe nhân văn tiếp nối chuỗi hành trình thiện nguyện đã giúp đỡ cho hơn 2.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các mái ấm, nhà mở, trường giáo dưỡng, làng trẻ em SOS,… do Tập đoàn Hoa Sen tổ chức thường niên hơn 10 năm qua. Nối tiếp dự án thiện nguyện cùng tên, chương trình “Mái ấm gia đình Việt” phiên bản truyền hình thực tế đã ra đời, ban đầu hướng đến những gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sau mở rộng ra để hướng tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với mong muốn tiếp tục đồng hành, nâng đỡ, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi và các gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn sau đại dịch Covid-19, ekip thực hiện chương trình “Mái ấm gia đình Việt” sẽ tiếp tục dừng chân tại tỉnh Vĩnh Phúc để thực hiện hành trình lan tỏa yêu thương mang sứ mệnh viết tiếp ước mơ đến trường cho trẻ mồ côi. Vượt qua những thử thách trong chương trình, các em và gia đình sẽ nhận được những khoản tiền có giá trị để cuộc sống bớt vất vả hơn Mỗi tập của chương trình sẽ có 3 gia đình và 2 khách mời, họ sẽ cùng nhau tham gia những trò chơi vận động. Trải qua 2 vòng thi đấu, đội nào có thời gian thấp nhất sẽ bước vào vòng 3 và cuối cùng là rút tiền thưởng. Gia đình có tổng thời gian hoàn thành qua hai vòng thấp nhất sẽ được bước vào vòng rút logo. Mái ấm gia đình Việt tiếp nối hành trình nâng bước đến trường cho trẻ mồ côi Sau hơn 1 năm phát sóng, chương trình “Mái ấm gia đình Việt” ghi dấu ấn với 63 chương trình đã sản xuất, đi qua 17 tỉnh thành, đã giúp đỡ được cho 189 gia đình cùng hàng trăm trẻ em mồ côi, tổng số tiền đã trao đi lên đến 6 tỷ 165 triệu đồng. Ekip “Mái ấm gia đình Việt” sẽ tiếp tục đến với Vĩnh Phúc vào 2 ngày 26 - 27/11/2023 tại Công viên 29/12, số 44 Lê Xoay, Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc để kết nối, mang yêu thương đến với các em nhỏ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Yên Bái. MC Quyền Linh tiếp tục đồng hành cùng trẻ em mồ côi trong chương trình truyền hình thực tế “Mái ấm gia đình Việt” tại Vĩnh Phúc Chương trình với sự dẫn dắt của MC Quyền Linh cùng sự góp mặt của các khách mời nổi tiếng như: Diễn viên Đỗ Duy Nam, diễn viên Ngọc Huyền, diễn viên Trung Ruồi, diễn viên Hương Giang, diễn viên Bình An, diễn viên Quách Thu Phương, NSND Tự Long, diễn viên Thanh Vân Hugo. Mời quý vị cùng đến theo dõi chương trình và cổ vũ tinh thần cho các em nhỏ mồ côi trong buổi ghi hình trực tiếp tại Công viên 29/12, số 44 Lê Xoay, Ngô Quyền, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ 7 giờ đến 17 giờ trong 2 ngày 26 và 27/11/2023. Xuân Phúc  

“Tủ sách Đặng Thùy Trâm”: Lan tỏa văn hóa đọc tới các trường học, bệnh viện

BTĐKT - Nhằm góp phần “Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20”, tiếp tục lan tỏa những năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội, đồng thời, hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên, Hội đồng Họ Đặng Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính”, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” cùng thực hiện Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, trao tặng sách cho các trường học và bệnh viện trên toàn quốc trong 3 năm (2023 - 2025). Ban Tổ chức ký Thỏa thuận ghi nhớ hợp tác triển khai Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính”, người khởi xướng chương trình, cho biết: Điểm khác biệt của “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” so với nhiều tủ sách khác là: Sách sẽ được bổ sung hàng năm và “Tủ sách” sẽ được chăm sóc thường xuyên, với nhiều hoạt động phong phú như: Giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc; trao thưởng cho “Bạn đọc thông minh và sáng tạo”… Mặc dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, nhưng trong 3 tháng qua, đã có 6 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” được trao tặng cho các địa chỉ cụ thể: Trường THCS Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh); Trường TCHCS thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang); Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn); Trường Nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần - TP. Thủ Đức; Trường THPT Lý Thường Kiệt - TP. Hồ Chí Minh và Trường THCS Đức Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Hiện nay, có thêm 2 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” đã chuẩn bị xong, sắp được trao tại Trường THCS xã Phổ Cường và Trường THCS Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – nơi người nữ Anh hùng đã hi sinh hơn 50 năm trước)... Chương trình phấn đấu trong 3 năm (2023 - 2025) sẽ có ít nhất 15 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”; mỗi tủ sách trị giá từ 100 triệu đến 150 triệu đồng, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, được trao tặng cho các trường học, hoặc bệnh viện, ở nhiều vùng miền trên cả nước. Nhân lễ ra mắt chính thức của “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, tác giả, Á hậu Lê Thy Bình đã trao tặng tượng trưng và miễn phí 1.000 cuốn sách “Á hậu Lọ lem”, trị giá 200.000.000 đồng, cho Tổ chức “Trái tim người lính”, để gửi tặng các thư viện, tủ sách của các nhà trường và bệnh viện có nhu cầu. Trong khuôn khổ của sự kiện này, hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” do Tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức (2020 - 2025); cùng với sự nỗ lực sưu tầm của cán bộ Bảo tàng và sự vận động của chị Lê Thy Bình có 4 thân nhân liệt sĩ đến từ huyện Phúc Thọ, quận Hai Bà Trưng và quận Ba Đình, TP. Hà Nội đã trao tặng một số di vật của liệt sĩ và những kỷ vật trong kháng chiến chống Mỹ. Phương Thanh

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương: Sôi nổi các hoạt động kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

BTĐKT - Chiều 19/10, Công đoàn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tổ chức gặp mặt, chúc mừng nữ công chức, viên chức, người lao động cơ quan Ban và Hội thi nấu ăn với chủ đề “Gửi yêu thương - Trao ngọt ngào” nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu chúc mừng Gặp mặt, chúc mừng nữ công chức, viên chức, người lao động nhân dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của chị em phụ nữ cơ quan Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thời gian qua, dù ở vị trí công tác nào cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa chúc mừng các nữ công đoàn viên cơ quan Các đồng chí Phạm Đức Toàn, Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng hoa chúc mừng các nữ công đoàn viên cơ quan Trưởng ban mong muốn các đồng chí nam giới luôn trân trọng, tạo điều kiện thật tốt để chị em phụ nữ các phòng, đơn vị tiếp tục cống hiến, rèn luyện, có sự đóng góp và tiếp tục trưởng thành hơn nữa. Lãnh đạo Ban sẽ luôn tạo điều kiện, quan tâm, ủng hộ sự nỗ lực, cố gắng của các chị em trong Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Chúc toàn thể chị em phụ nữ cơ quan Ban luôn “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, luôn hạnh phúc, xinh đẹp và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng III, Chủ tịch Công đoàn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tặng quà chúc mừng Tổ Nữ công cơ quan Ban Trước đó, Hội thi nấu ăn “Gửi yêu thương - Trao ngọt ngào” đã diễn ra trong không khí vui tươi, sôi nổi và đầy hào hứng với sự tham gia của 8 đội dự thi đến từ Tổ Công đoàn các phòng, đơn vị thuộc Ban. Với sự chuẩn bị chu đáo và đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo, các nam công đoàn viên Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trình bày những món ăn hấp dẫn, đẹp mắt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ Công đoàn Phòng I Tổ Công đoàn Phòng II Tổ Công đoàn Phòng III Tổ Công đoàn Văn phòng Tổ Công đoàn Phòng Pháp chế - Thanh tra Tổ Công đoàn Phòng Tổ chức cán bộ Tổ Công đoàn Phòng Quản lý và Khai thác hồ sơ Tổ Công đoàn Trung tâm Thông tin - Truyền thông Ban Tổ chức đã trao giải Vàng cho các Tổ Công đoàn: Văn phòng, Phòng I, II, III; trao giải Bạc cho các Tổ Công đoàn: Trung tâm Thông tin - Truyền thông, Phòng Pháp chế - Thanh tra, Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Quản lý và Khai thác hồ sơ. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Phòng III, Chủ tịch Công đoàn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao giải Vàng Hội thi nấu ăn cho các Tổ Công đoàn Đồng chí Đỗ Ngọc Toàn, Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban trao giải Bạc Hội thi nấu ăn cho các Tổ Công đoàn Phương Thanh - Anh Minh

Phát triển phong trào đọc sách Ehon cho trẻ em Việt Nam từ 0 tuổi

BTĐKT - Với mong muốn góp phần hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ, mang đến cho thế hệ tương lai của đất nước “cội rễ và đôi cánh” trên con đường phát triển, bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH More Production Việt Nam, người sáng lập Quỹ Bắc Cầu và các cộng sự đã dành nhiều tâm huyết để lan tỏa phong trào đọc sách Ehon cho trẻ em Việt Nam từ 0 tuổi. Ehon là dòng sách tranh dành cho trẻ em của Nhật Bản. Mỗi trang chỉ gồm một tới hai câu ngắn phù hợp với khả năng ngôn ngữ của trẻ. Nội dung và nhân vật trong sách là những sự vật, hiện tượng gần gũi trong cuộc sống hằng ngày của các bé như ăn, ngủ, chơi đùa, các loài động, thực vật. Tại Nhật Bản, Ehon được các bậc cha mẹ đánh giá là một trong những cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, được ví như một thế giới đầy thú vị mà mỗi đứa trẻ đều muốn trải qua, được hòa mình vào câu truyện được tự do suy nghĩ về vô vàn những điều kỳ diệu trong từng cuốn sách. Theo nhận định của bà Kamitani Naoko, Trưởng ban Ban Văn hóa và Báo chí của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: “Ehon rất gần gũi với trẻ em Nhật Bản. Quá trình trò chuyện giữa bố mẹ và các con khi cùng đọc Ehon khơi gợi sự sáng tạo, tình cảm gắn kết và tạo ra những cảm xúc tuyệt vời. Với cá nhân tôi, Ehon đã mở ra một thế giới mới mẻ, thú vị nên tôi rất biết ơn những giá trị mà Ehon mang lại”. Tại chương trình “Tuần sách kết nối – Ehon week 2023”, các em học sinh lứa tuổi mầm non ở Việt Nam rất hứng thú với tranh truyện Ehon Nhật Bản Bản thân Hoàng Thái hậu Nhật Bản Michiko - một người yêu sách và cống hiến nhiều cho việc chăm lo cho tâm hồn trẻ thơ qua những trang sách đã từng chia sẻ rằng: “Sách mãi là người bạn quan trọng và là chỗ dựa cho trẻ em. Đọc sách mang đến cho trẻ em cội rễ vững chắc trong tâm hồn cùng đôi cánh mạnh mẽ của niềm vui và trí tưởng tượng”. Vì vậy, trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam hồi tháng 3/2017, Hoàng Thái hậu Nhật Bản Michiko đã có buổi gặp gỡ và gửi tặng cuốn sách “Bắc Cầu – Kỷ niệm đọc sách thời thơ ấu” do bà viết. Dịp này, hai CEO của Công ty TNHH More Production Việt Nam là bà Lê Thị Thu Hiền và Katsu Megumi vinh dự được diện kiến Hoàng Thái Hậu Nhật Bản Michiko và được truyền lửa về các hoạt động lan tỏa những cuốn sách hay và lan tỏa văn hóa đọc thông qua những buổi đọc truyện đầy ý nghĩa cho trẻ em Việt Nam. Từ cuốn sách "Bắc Cầu – Kỷ niệm đọc sách thời thơ ấu" ấy, tháng 10/2018, bà Lê Thị Thu Hiền cùng nhà sử học Phạm Lê Huy đã dịch cuốn sách và phát hành tại Việt Nam nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tiếp sau đó, bà Lê Thị Thu Hiền và bà Katsu Megumi đã nỗ lực lập ra Dự án Mọt sách Mogu, lần lượt phát hành những cuốn tranh truyện Ehon Nhật Bản với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam. Song song với đó, hoạt động phổ cập tranh truyện thông qua kêu gọi tặng sách, tổ chức các chương trình đọc truyện cho trẻ em được Quỹ Bắc Cầu triển khai rộng khắp trên cả nước. Tính đến tháng 5/2022, Dự án Mọt sách Mogu đã dịch và phát hành 111 đầu tranh truyện Ehon Nhật Bản với trên 630.000 ấn bản. Gần 400 buổi đọc tranh truyện Ehon cho trẻ em đã diễn ra tại 12 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Dự án đã trao tặng hơn 41.000 cuốn tranh truyện cho trẻ em miền núi, con em chiến sĩ y tế tham gia chống dịch Covid-19, tặng tủ sách cho khoa Nhi các bệnh viện và tham gia xây dựng 2 thư viện cho trường học vùng cao. Đặc biệt, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023), Quỹ Bắc Cầu đã và đang triển khai “Tuần sách kết nối – Ehon week” với nhiều hoạt động ý nghĩa về về sách, đọc sách và kết nối trẻ em với sách tại Hà Nội. Tiêu biểu như hoạt động trưng bày 100 bộ tranh truyện Ehon gồm bản gốc tiếng Nhật và bản dịch tiếng Việt tại tòa nhà Đại sứ quán Nhật Bản (Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội); Triển lãm tranh minh họa gốc "Chim sẻ Cosette" và "Nỗi buồn ốc sên" của họa sĩ Nhật Bản Yasumasa Suzuki (diễn ra từ ngày 14 đến 18/10 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, số 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội); Hội sách kết nối (diễn ra ngày 20/10 tại tầng 2, khách sạn Du Parc Hà Nội)… Những hoạt động kết nối ý nghĩa về về sách, đọc sách và kết nối trẻ em với sách do hai bà Lê Thị Thu Hiền và bà Katsu Megumi cùng các cộng sự của Quỹ Bắc Cầu nỗ lực thực hiện đã tạo thành chiếc cầu nối văn hóa quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, tạo dựng nên văn hóa đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu sách, hình thành nhân cách đẹp trong nhiều trẻ em Việt Nam. Mai Thảo

Phát động “Chiến dịch Tin” – Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam

BTĐKT – Với thông điệp “Tin trên mạng, tin cho đúng”, mục tiêu của Chiến dịch “Tin” là cung cấp những thông tin, kỹ năng cơ bản để người sử dụng Internet có thể nhận biết, phát hiện, phòng tránh tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Đồng thời, nhận thức rõ trách nhiệm trong việc đăng tải, cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 11/10/2023, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phối hợp cùng Báo VnExpress, Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến FPT và TikTok Việt Nam tổ chức Chương trình phát động các hoạt động của chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức người dùng Internet tại Việt Nam mang tên “Chiến dịch Tin”. Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát động “Chiến dịch Tin” Phát động chiến dịch, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Tên gọi “Tin” vừa có ý nghĩa là tin tức, thông tin hàng ngày được sản xuất trên Internet, vừa có ý nghĩa là niềm tin, là sự tin tưởng. “Chiến dịch Tin” kỳ vọng tạo nên một sân chơi lành mạnh, khuyến khích người sử dụng Internet tại Việt Nam có thể sáng tạo, sản xuất nội dung tích cực, đem lại giá trị cho cộng đồng; tôn vinh những người làm trong lĩnh vực truyền thông và các nhà sáng tạo nội dung và tạo không gian gặp gỡ cho những người tham gia vào quá trình xuất bản thông tin trên không gian mạng có thể chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm và đạo đức làm nghề. “Chiến dịch Tin” được bắt đầu triển khai từ tháng 10 đến tháng 11 năm 2023 bao gồm 2 hoạt động chính: Cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” và Chương trình Tinternet - Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam Cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Báo VnExpress và TikTok Việt Nam phối hợp tổ chức từ 2/10 đến 28/10/2023. Với tổng giá trị giải thưởng lên tới 150 triệu đồng, cuộc thi là sân chơi dành cho mọi đối tượng có thể sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok nhằm hướng đến mục tiêu tuyên truyền phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Để tham gia, người dự thi cần đăng video tối thiểu 15 giây ở chế độ công khai kèm hashtag #AntiFakeNews #tin trên nền tảng TikTok với nội dung theo 3 chủ đề: Chủ đề 1: Thực hiện điệu nhảy “Anti Fake News” dựa trên điệu nhảy do Ban tổ chức công bố. Chủ đề 2: Hát bài hát chủ đề của chương trình hoặc sáng tác/viết lời bài hát theo chủ đề của cuộc thi “Anti Fake News”. Chủ đề 3: Kể câu chuyện hoặc diễn hoạt cảnh về tình huống và cách xử lý khi bản thân hoặc người thân gặp phải dựa trên những thông tin sau: Thông tin chưa đúng sự thật, chưa được kiểm chứng hoặc diễn giải chưa đúng bối cảnh gây ra hiểu lầm và ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác; thông tin lừa đảo, chưa đúng sự thật khiến cộng đồng hiểu sai và tin vào điều đó dẫn đến những tác động tiêu cực; đạo đức của người làm truyền thông khi sản xuất thông tin trên không gian mạng; vô tình chia sẻ thông tin sai hoặc thiếu kiểm chứng vì tin tưởng người đưa tin. Tọa đàm về giải pháp hạn chế tin giả, tin sai sự thật (ảnh: Giang Huy)  “Chương trình Tinternet - Nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam” dự kiến được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2023. Đây là chặng cuối của “Chiến dịch Tin” trong năm 2023 với các hoạt động chính bao gồm: Khu gian hàng với các minigame liên quan đến chủ đề của chương trình; Hội thảo “Tin nên tin” có sự góp mặt và chia sẻ đến từ các chuyên gia truyền thông, các nền tảng trực tuyến và những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng; Lễ trao giải cuộc thi “Anti Fake News” cùng những phần trình diễn, giao lưu của các nghệ sĩ khách mời. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình triển khai chiến dịch, hoạt động truyền thông bao gồm các tin bài, video cũng được thực hiện và chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng trực tuyến như Báo VnExpress, Fanpage VnExpress.net, Fanpage chính thức của chương trình Anti Fake News, TikTok,... nhằm góp phần đưa thông tin và thông điệp của chương trình tới đông đảo công chúng tại Việt Nam. Phương Thanh  

Tìm hiểu lịch sử phát triển của Hà Nội qua triển lãm “Thành xưa phố cũ”

BTĐKT - Sáng 6/10, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm "Thành xưa phố cũ”. Lễ cắt băng khai mạc triển lãm Qua tài liệu lưu trữ, đặc biệt là khối tài liệu tiếng Pháp, triển lãm tập trung làm nổi bật những diễn biến, thay đổi của Hà Nội trên lĩnh vực quy hoạch, xây dựng trong khoảng những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Triển lãm giới thiệu khoảng 150 tài liệu, hình ảnh, gồm hai chủ đề: “Thành bên phố”; “Phố phường Hà Nội - Giao lộ Đông Tây”. Các chủ đề đã giới thiệu khái quát về không gian của thành Hà Nội thời nhà Nguyễn, những công trình mới được xây dựng tại khu vực thành Hà Nội, các con phố mới được mở ra xung quanh. Thành Hà Nội giữ vai trò trung tâm chính trị, quân sự, hành chính cao nhất của Tổng trấn Bắc thành, quản lý khu vực Bắc Bộ Việt Nam (1802 - 1831), rồi tỉnh Hà Nội (từ năm 1831) đến khi bước đầu có sự can thiệp của người Pháp (1873 và 1882), từng bước thay đổi diện mạo, không gian. Triển lãm đồng thời cung cấp những tư liệu về quá trình quy hoạch của người Pháp tại Hà Nội, chính sách xây dựng công trình mới của người Pháp, chính sách xây dựng các khu phố Tây và quy hoạch lại các khu phố cũ. Triển lãm giới thiệu chi tiết một số công trình tiêu biểu mang dấu ấn của kiến trúc Pháp trong lòng đô thị như: Phủ Toàn quyền Đông Dương; Ga Hà Nội; Trường Albert Sarraut; Sở Tài chính Đông Dương; Sở Bưu điện Hà Nội; Tòa án Hà Nội; Tòa án thành phố; Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. Trong đó, triển lãm giới thiệu nhiều tư liệu quý, đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và nhiều đơn vị khác, tiêu biểu là các tài liệu như: Bản đồ thành Hà Nội năm 1873; sơ đồ thành Hà Nội năm 1831; bản dụ của Vua Đồng Khánh; các bản đồ Hà Nội 1902, 1915, 1936, 1942… cho thấy sự thay đổi của địa giới Hà Nội, trong quá trình, quy hoạch, mở rộng của người Pháp. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: Ban Tổ chức đã lựa chọn, giới thiệu một phần các tài liệu, hình ảnh tiêu biểu trong khối tư liệu đồ sộ, minh chứng cho lịch sử phát triển của Hà Nội; đặc biệt chú trọng gắn kết mối liên hệ giữa việc thay đổi không gian thành Hà Nội với việc quy hoạch, mở rộng các khu phố mới và toàn thành phố Hà Nội. Hiểu về giai đoạn phát triển này của Hà Nội để thêm yêu từng con đường, góc phố Hà Nội, một thành phố Á Đông có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính và bản sắc độc đáo của mình. Trang Lê

Ra mắt cuốn sách và câu lạc bộ cùng tên “Trái tim người lính Thủ đô”

BTĐKT - Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 –10/10/2023), sáng 4/10, tại Hà Nội, tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Hội đồng họ Đặng Việt Nam và Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách và câu lạc bộ cùng tên “Trái tim người lính Thủ đô”, đồng thời, tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” và trao tặng tượng trưng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”.   Đại tá, CCB Nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam” phát biểu tại sự kiện Vào những ngày này cách đây 69 năm, từ 5 cửa ô của Hà Nội, từng đoàn quân bộ đội Cụ Hồ lớp lớp tiến vào tiếp quản và giải phóng Thủ đô, kết thúc thắng lợi 9 năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp, viết thêm những trang sử vẻ vang truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị của các nước, Hà Nội luôn có một vị trị hết sức quan trọng cả trong thời chiến và thời bình. Hình ảnh những người lính của Hà Nội luôn in đậm trong mỗi trái tim của người dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Với ý nghĩa đó, nhằm kết nối những người Hà Nội đang mang trong mình “Trái tim người lính”, góp phần tôn vinh và tri ân những người đã có công xây dựng và bảo vệ với Tổ quốc, đồng thời, “tiếp lửa truyền thống” cho thế hệ trẻ, sau một năm tích cực vận động và chuẩn bị, Câu lạc bộ “Trái tim người lính Thủ đô” đã chính thức ra mắt. Hội đồng Quản lý gồm các thành viên: Đại tá, CCB Trần Trọng Giá (nguyên Trưởng phòng Quân khu Thủ đô) - Chủ tịch; Đại tá, CCB Dương Văn Giáp (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Công an Hà Nội) - Phó Chủ tịch Thường trực; Thượng tá, CCB, nghệ sĩ, Nhà văn Nguyễn Quốc Toản và Đại tá, CCB Ngô Chí Doanh (nguyên Đoàn trưởng Đoàn Nghi lễ Quân đội) cùng đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch. Hội đồng Điều hành CLB “Trái tim người lính Thủ đô” gồm có 5 thành viên.   Ra mắt câu lạc bộ “Trái tim người lính Thủ đô” Đại tá, CCB Nhà văn Đặng Vương Hưng (người sáng lập và Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam) cho biết: Là một tổ chức có pháp nhân, nhưng phi lợi nhuận, với tôn chỉ mục đích “Kết nối và chia sẻ, tôn vinh và tri ân”, những năm gần đây, thông qua mạng xã hội facebook, diễn đàn “Trái tim người lính” đã quy tụ được hơn 200.000 thành viên ở khắp mọi miền Tổ quốc. Với nhiều hoạt động có nội dung nhân văn, truyền cảm hứng về truyền thống và lịch sử cho thế hệ trẻ như: Tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách tư liệu vô giá “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam”, chuẩn bị thành lập “Trung tâm Tư liệu và Không gian văn hóa trái tim người lính”. Các hoạt động đó không chỉ kết nối các cựu chiến binh từ nhiều phía, để góp phần hàn gắn vết thương hậu chiến tranh và hòa hợp dân tộc, "Trái tim người lính" còn hướng tới đối tượng là những người trẻ đã, đang, hoặc sẽ mặc áo lính; những người thân của lính cùng những người yêu hòa bình trên khắp thế giới, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng và ngoại giao nhân dân; lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội... Cùng với sự ra mắt chính thức của Hội đồng Quản lý và Điều hành câu lạc bộ, Ban Tổ chức còn giới thiệu cuốn sách cùng tên “Trái tim người lính Thủ đô”, do Nhà xuất bản Thanh niên cấp phép ấn hành. Ấn phẩm dày 344 trang, với 25 bài viết ký chân dung và tư liệu của gần 20 tác giả, do nhà văn Trần Trọng Giá đứng tên chủ biên, đã khái quát phần nào vẻ đẹp tâm hồn, thông qua lịch sử, truyền thống của những người lính Thủ đô thời đại Hồ Chí Minh. Trong khuôn khổ Lễ ra mắt “Trái tim người lính Thủ đô”, hưởng ứng cuộc vận động viết và sưu tầm kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” (2020 - 2025) do tổ chức “Trái tim người lính” phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đoàn thân nhân gia đình liệt sĩ Nguyễn Hồng Vũ đã ủng hộ 8 lá thư của liệt sĩ viết cho vợ và con trai, trước khi hi sinh. Cũng trong sự kiện này, CLB “Trái tim người lính Thủ đô” đã trao tặng tượng trưng 1 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, trị giá 150 triệu đồng cho xã Đức Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Phương Thanh

Sôi nổi chương trình “Vui Tết Trung thu năm 2023”

BTĐKT – Tối 23/9, tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, Công đoàn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức chương trình “Vui Tết Trung thu năm 2023” và trao quà tặng khen thưởng cho các cháu học sinh có thành tích trong học tập năm học 2022 - 2023. Tới dự chương trình, có đồng chí Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Bộ Nội vụ. Về phía Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Ban; đại diện lãnh đạo các phòng, đơn vị; các cháu thiếu niên, nhi đồng là con của công chức, viên chức, người lao động thuộc Ban. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Ban khai mạc chương trình Vui tết Trung thu là hoạt động thường niên được lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chỉ đạo Công đoàn chủ trì, phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức, nhằm mang lại mùa trung thu ấm áp, tràn ngập tiếng cười cho các em thiếu nhi, giúp các em thêm yêu cuộc sống, có ý thức phấn đấu, rèn luyện, vươn lên, trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Tham dự chương trình, các cháu thiếu niên, nhi đồng đã được hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt của ngày Tết Trung thu cổ truyền với các hoạt động: Xem biểu diễn múa rối nước, tìm hiểu sự tích Hồ Gươm, tham gia các trò chơi vui nhộn, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc và phá cỗ Trung thu. Đồng chí Phạm Huy Giang, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trao quà tặng thưởng các cháu thiếu nhi đạt thành tích tốt trong học tập năm học 2022 - 2023 Nhân dịp này, Công đoàn Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã trao tặng hàng trăm suất quà dành cho các cháu thiếu nhi đạt thành tích tốt trong học tập năm học 2022 - 2023. Các em thiếu nhi tìm hiểu về sự tích Hồ Gươm qua tiết mục múa rối nước và giao lưu với nghệ sĩ hài Minh Vượng Với cách thức tổ chức độc đáo, sáng tạo do Công đoàn Ban chủ trì cùng sự dẫn dắt chương trình hết sức vui nhộn và dí dỏm của chú Cuội, “Vui Tết Trung thu năm 2023” đã thực sự mang đến cho các em thiếu niên, nhi đồng một ngày hội trăng rằm thật đầm ấm, ý nghĩa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích nhân dịp Tết Trung thu. Phương Thanh

Nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng 22 năm thành lập Tập đoàn Hoa Sen

BTĐKT - Nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Tập đoàn Hoa Sen (08/08/2001 – 08/08/2023),Công đoàn Cơ sở Tập đoàn Hoa Sen tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, đồng thời đẩy mạnh sự gắn bó, đoàn kết trong toàn thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV)Tập đoàn. Hội thao “Hoa Sen Khỏe 2023” và chuỗi chương trình Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng 2023” là hoạt động thường niên do Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phối hợp cùng Ban Điều hành Tập đoàn Hoa Sen tổ chức theo chủ trương của Hội đồng Quản trị. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 22 năm Ngày thành lập Tập đoàn Hoa Sen (08/08/2001 – 08/08/2023). Kết nối sức mạnh tập thể cùng Hội thao “Hoa Sen Khỏe” Sáng 29/7, Hội thao “Hoa Sen Khỏe 2023” được tổ chức tại Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1 tại số 1 đường Huyền Trân Công Chúa, phường Bến Thành, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Hội thao “Hoa Sen Khỏe” thu hút hơn 600 CBCNV Tập đoàn Hoa Sen Hoạt động đã thu hút hơn 600 CBCNV Tập đoàn Hoa Sen làm việc tại Văn phòng đại diện Tập đoàn Hoa Sen và trụ sở Bình Dương; khối văn phòng Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen; nhà máy khu vực Phú Mỹ (Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, Công ty Cổ phần Nhựa Hoa Sen, Công ty TNHH MTV Hoa Sen Phú Mỹ) đến tham dự. Chương trình có sự hiện diện của Ban Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen: Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Trực, ông Nguyễn Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc, ông Bùi Thanh Tâm - Phụ trách Quản trị công ty kiêm Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Hoa Sen, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Kế toán trưởng Tập đoàn. Hội thao “Hoa Sen Khỏe” đem đến nguồn năng lượng tích cực cho người lao động tại Tập đoàn Hoa Sen Nội dung chương trình gồm 3 hoạt động thi đấu: Kéo co tập thể, nhảy Flashmob và trò chơi liên hoàn - “Hoa Sen Khỏe”. Những hoạt động thể thao được đầu tư chỉn chu về mặt trải nghiệm nhằm mang đến không gian vui chơi lành mạnh, tính kết nối, góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho CBCNV trong Tập đoàn. Toàn cảnh phần thi “Kéo co tập thể” của 20 đội tham gia Các tiết mục thi nhảy Flashmob được đầu tư trang phục và đạo cụ chỉn chu Tỏa sáng tài năng âm nhạc cùng Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng 2023” Chuỗi chương trình Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng 2023” được tổ chức từ ngày 4 - 5/8 tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TP Hồ Chí Minh. Sự kiệncó sự hiện diện củaBan Lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen: Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Trực, ông Nguyễn Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc, ông Bùi Thanh Tâm - Phụ trách Quản trị công ty kiêm Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Hoa Sen. Vòng chung kết Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng” Mở đầu cho chuỗi hoạt động ngày 4/8, Vòng chung kết Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng” được tổ chức với sự tham gia của hơn 200 CBCNV Tập đoàn Hoa Sen với tổng số 27 tiết mục dự thi, gồm 5 cụm trên toàn quốc: Cụm Văn phòng đại diện TP Hồ Chí Minh, cụm miền Trung, cụm miền Tây, cụm Đông Bắc, cụm Tây Bắc. Trải qua 5 tiếng thi đấu và biểu diễn, Ban Giám khảo đã tìm ra 9 tiết mục xuất sắc nhất để trao thưởng. Tiếp nối thành công Vòng Chung kết “Tiếng hát Sen Vàng 2023”, ngày 5/8, Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục tổ chức Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng 2023” mở rộng. Chương trình với sự quy tụ của hơn 300 thí sinh, khán giả đến từ Tập đoàn Hoa Sen và các trường đại học như: Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Hoa Sen; Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Nằm trong chiến lược hợp tác và phát triển nguồn nhân lực giữa Tập đoàn Hoa Sen với các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh, Hội thi “Tiếng hát Sen Vàng 2023” mở rộng giao lưu thêm với các bạn sinh viên của các trường đại học với mục đích tạo sân chơi lành mạnh, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Hoa Sen với các trường đại học trong công tác phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian sắp tới. Thành phần Ban Giám khảovới sự góp mặtcủa nhiều ca – nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT Đức Khuê; diễn viên - MC Quốc Thuận; Thạc sĩ - giảng viên thanh nhạc - ca sĩ Phạm Kim Thoa; ca sĩ Anh Thi – Quán quân duyên dáng Bolero; nhà báo Phan Lê Tuấn. Ban Giám khảo đều là những người có kinh nghiệm và nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và giảng dạy thanh nhạc, giúp tăng sự uy tín và tính chuyên nghiệp cho hội thi năm nay. Tiết mục "Bài ca Đất phương Nam" với phần dàn dựng đẹp mắt Kết quả chung cuộc, giải Nhất hạng mục Song ca - Tốp ca đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng với tiết mục “Bài ca Đất phương Nam”, giải Nhất hạng mục Đơn ca với tiết mục “Chuyện của mùa đông” của thí sinh Đào Thị Ngọc Thuý đến từ đơn vị Tập đoàn Hoa Sen. Ngoài ra, còn có các giải thưởng xếp hạng, 4 Giải thưởng Tiết mục có trang phục biểu diễn và dàn dựng ấn tượng nhất và 5 giải thưởng Nhóm cổ động viên sôi động nhất cũng được trao giải trực tiếp trên sân khấu. Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Trực Tập đoàn Hoa Sen và nhà báo Lê Tuấn trao giải Nhất cho thí sinh Đào Thị Ngọc Thúy Ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Trực Tập đoàn Hoa Sen; Ông Bùi Thanh Tâm - Phụ trách Quản trị công ty và NSƯT Đức Khuê trao giải Nhất cho nhóm sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng Chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 22 năm ngày thành lập Tập đoàn Hoa Sen đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Ban Lãnh đạo đến tập thể CBCNV toàn Tập đoàn. Các hoạt động không chỉ là sân chơi giúp CBCNV Tập đoàn Hoa Sen có thể phát triển thể chất và tỏa sáng niềm đam mê âm nhạc mà còn là cơ hội để đại gia đình Hoa Sen hội tụ, giao lưu và tạo thêm động lực để làm việc, cống hiến hết mình cho hoạt động kinh doanh, sản xuất của Tập đoàn, tạo tiền đề cho  những thành công lớn hơn trong những chặng đường sắp tới. Xuân Phúc

Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm”

BTĐKT - Tối 22/7, tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân Dân và 20 đài truyền hình địa phương trên cả nước, là lời tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 55 năm Ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2023) và 55 năm Chiến tích làng K130 (13/8/1968 - 13/8/2023) Dự chương trình có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, thân nhân các gia đình liệt sĩ, cựu thanh niên xung phong và đông đảo người dân tỉnh Hà Tĩnh. Tiết mục nghệ thuật tại chương trình "Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm" Phát biểu tại chương trình, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân bày tỏ: Sự hy sinh của các anh, các chị, của 10 bông hoa trinh liệt tại Ngã ba Đồng Lộc, cùng với những chiến tích thấm đẫm máu đào của các anh hùng liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước và tấm lòng yêu nước, hết lòng đi theo Đảng, theo cách mạng của nhân dân ta đã làm nên những chiến công hiển hách, để nhiều tên tuổi, nhiều địa danh trên mảnh đất hình chữ S này trở thành những di tích lịch sử cách mạng, để thế hệ sau luôn ghi nhớ, tri ân và tiếp nối. Chúc mừng, biểu dương những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Đảng bộ, quân và dân thị trấn Đồng Lộc, làng K130 nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng hoan nghênh và đánh giá cao Báo Nhân Dân đã khởi xướng và bền bỉ tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy, làm sống động những sự kiện lịch sử của dân tộc, trong đó có Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm”, thông điệp đó đòi hỏi mỗi người có trách nhiệm tiếp nối mạch nguồn của văn hóa, dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước. Chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm” có thời lượng 100 phút, với 3 chương. Chương 1 có chủ đề “Xe chưa qua, nhà không tiếc” tái hiện chiến tích của làng K130 (nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc). Hòa cùng ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, vào đêm 13/8/1968, hơn 100 gia đình ở xóm Hạ Lội, nay là làng K130, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc đã tình nguyện tháo dỡ hàng trăm ngôi nhà, nhiều nhà thờ họ, có người hiến cả quan tài để lát đường, làm cầu cho 130 chiếc xe an toàn chở hàng ra tiền tuyến. Chương 2 có chủ đề “Máu có thể đổ, đường không thể tắc” kể câu chuyện về một thời chiến đấu anh hùng, sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Chương 3 với chủ đề “Thênh thang đường mới” là hình ảnh Hà Tĩnh bước đến thời kỳ đổi mới với các tầng lớp nhân dân hăng say lao động, tăng gia sản xuất, chung tay xây dựng và phát triển quê hương. Thông qua chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc - nối mạch ngàn năm”, khán giả được sống lại với những mốc son lịch sử. Xuyên suốt chương trình thể hiện sự chuyển tiếp từ tư tưởng tới hành động; từ những ước mơ, hoài bão của thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì hòa bình, thống nhất đất nước tới quyết tâm của thế hệ hôm nay xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng. Hưng Vũ

Trang