BTĐKT – Không chỉ là chất liệu truyền thống, gốm sứ tại Triển lãm “Đất nước trọn niềm vui” đã trở thành “người kể chuyện” - kể bằng men, bằng lửa và bằng trái tim của những nghệ nhân làng gốm Bát Tràng cùng những người yêu văn hóa Việt. Những tác phẩm như “Con Rồng cháu Tiên”, “Anh hùng Lĩnh Nam - Hai Bà Trưng khởi nghĩa”, hay bức tranh gốm Panorama rộng 16m² tái hiện đại thắng mùa xuân năm 1975... là những minh chứng sống động cho tinh thần dân tộc bất diệt.
Triển lãm mang chủ đề “Đất nước trọn niềm vui” vừa chính thức khai mạc chiều 21/4 tại sân vận động Mỹ Đình, giới thiệu đến công chúng hơn chục tác phẩm gốm sứ nghệ thuật đặc sắc, phản ánh dòng chảy 4.000 năm lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Nghi thức cắt băng khai mạc triển lãm gốm sứ “Đất nước trọn niềm vui”
Đại tá Phạm Văn Tú, Giám đốc Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật chính luận quốc gia “Hẹn ước Bắc Nam”, chia sẻ: Triển lãm là một hoạt động nghệ thuật đặc biệt ý nghĩa, nằm trong khuôn khổ chương trình “Hẹn ước Bắc Nam”, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Đây không chỉ là một sự kiện nghệ thuật mà còn là hành trình trở về cội nguồn – nơi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và niềm tự hào lịch sử được thể hiện qua từng thớ gốm, từng đường nét tinh xảo của các nghệ nhân Bát Tràng, cái nôi của tinh hoa gốm Việt.
Ông Vũ Đình Mạnh, Chủ tịch Tập đoàn InnoGroup, Trưởng ban Ban Tổ chức triển lãm chia sẻ thêm: Các nghệ nhân làng Bát Tràng như các ông: Phạm Minh Quang, Phạm Văn Hợi, Nguyễn Văn Phước, Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Văn Hưng... đã dành nhiều tháng bên lò nung để “thổi hồn” dân tộc vào từng tác phẩm. Những đêm trắng, những lần chỉnh lò, nung đi nung lại... tất cả đều nhằm tạo nên những sản phẩm hoàn hảo, kể lại những câu chuyện lịch sử bằng gốm, chất liệu truyền thống nhưng chưa bao giờ cũ.
Trong không gian văn hóa lịch sử ấy, nhiều tác phẩm tiêu biểu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người thưởng lãm. Có thể kể đến: “Con Rồng cháu Tiên”: Tái hiện truyền thuyết nguồn gốc dân tộc Việt với kỹ thuật điêu khắc và ám họa thủ công kết hợp men cổ quý hiếm của Bát Tràng. Tác phẩm hoàn thành sau 200 giờ chế tác và 72 giờ nung, là sự hòa quyện giữa truyền thuyết, thi ca và nghệ thuật dân gian. Tác phẩm “Quốc tổ Hùng Vương” gợi nhắc công lao dựng nước của các vua Hùng, biểu tượng của lòng biết ơn và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Tác phẩm “Anh hùng Lĩnh Nam – Hai Bà Trưng khởi nghĩa” khắc họa hào khí bất khuất của hai nữ anh hùng đầu tiên trong lịch sử dân tộc, tượng trưng cho khí phách quật cường của người phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, bức tranh Panorama gốm sứ (16m²): Tái hiện hành trình lịch sử đưa đến đại thắng mùa xuân năm 1975, gồm năm phần chính: “Điện Biên Phủ trên không”, chiến dịch thành cổ Quảng Trị, chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng Huế – Đà Nẵng và cuộc hội ngộ lịch sử tại Sài Gòn.
Anh Nguyễn Đức Thuận (Hà Nội), một người thưởng lãm xúc động chia sẻ: “Khi đứng trước những tác phẩm này, tôi cảm nhận được sự rung động của trái tim. Đây không chỉ là nghệ thuật mà còn là dòng chảy lịch sử oai hùng của dân tộc. Tôi mong rằng những tác phẩm này sẽ được số hóa và thuyết minh, để lan tỏa rộng rãi đến giới trẻ, giúp họ tiếp cận lịch sử một cách sâu sắc và đầy tự hào.”
Triển lãm diễn ra trong hai ngày 21 – 22/4, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như thưởng trà, ngắm gốm, giao lưu nghệ thuật... Đây không chỉ là dịp để chiêm ngưỡng những tuyệt tác gốm sứ, mà còn là cơ hội để mỗi người Việt ôn lại truyền thống, tưởng nhớ, tri ân các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền hòa bình, thống nhất và tương lai tươi sáng của đất nước.
Triển lãm là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của nghệ thuật truyền thống. Khi nghệ thuật kết hợp với lịch sử và lòng yêu nước, nó có thể chạm tới trái tim của hàng triệu con người – một dấu ấn văn hóa đặc biệt trong hành trình kỷ niệm 50 năm ngày đất nước trọn niềm vui.
Một số hình ảnh tác phẩm gốm đặc sắc trưng bày tại triển lãm:
Mai Thảo