Phong trào thi đua

Cụm thi đua số 9 - Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2021

TĐKT - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Cụm thi đua số 9 - Khối các đơn vị trực thuộc Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2021. Toàn cảnh Hội nghị. Trong năm 2021, Đảng ủy, lãnh đạo các đơn vị trong Cụm thi đua số 9 luôn quan tâm, chỉ đạo tốt các phong trào thi đua do Bộ Công an tổ chức phát động, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ đảm bảo an toàn chống dịch trong lực lượng Công an nhân dân. Cụ thể, Cục Công nghiệp an ninh chủ động xây dựng, phương án phòng chống dịch, đảm bảo tốt mục tiêu “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo công tác, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch. Cục Hậu cần thực hiện tốt công tác tham mưu, phục vụ Bộ Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an tham gia phòng, chống dịch tại phía Nam, Bệnh viện dã chiến Bộ Công an; tăng cường cán bộ, nhân viên, đảm bảo hậu cần phục vụ công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Cục Y tế tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch, điều tra, truy vết cho học viên tăng cường vào phía Nam; đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của 4 bệnh viện hạng I các kỹ năng hồi sức cấp cứu cơ bản, kỹ năng sử dụng máy thở, máy ECMO…, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19; hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2; thiết lập Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh); thành lập Bệnh viện dã chiến thuộc Bệnh viện 30-4, thiết lập cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện 30-4, Bệnh viện 19-8, Bệnh viện Y học cổ truyền... Bên cạnh đó, các bệnh viện đã thành lập các đoàn cán bộ y, bác sĩ, kỹ thuật viên tham gia hỗ trợ cho Bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang và Bệnh viện dã chiến Phước Lộc và các tỉnh phía Nam; triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trong lực lượng Công an nhân dân an toàn, hiệu quả... Tại Hội nghị, các đại biểu đã tiến hành bình xét danh hiệu thi đua năm 2021 đối với các đơn vị trong Cụm và bầu đơn vị Cụm trưởng năm 2022. Theo đó, Bệnh viện 199 giữ vị trí Cụm trưởng Cụm thi đua số 9 - Khối các đơn vị thuộc Bộ năm 2022. Nguyệt Hà

Ngành Hậu cần Quân đội nêu cao tinh thần vì nhân dân quên mình

TĐKT - Ngày 30/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” tổ chức Hội nghị tổng kết và xét khen thưởng năm 2021. Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị. Quang cảnh Hội nghị (ảnh: Nguyên Hải) Trong năm qua, cấp ủy, chỉ huy, Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực các cấp đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần; tổ chức phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” toàn diện với chủ đề “Kịp thời, trách nhiệm, an toàn, hiệu quả”; đẩy mạnh xây dựng mô hình, đơn vị điểm, tuyên truyền nhân rộng trong toàn quân. Phong trào đã đi vào chiều sâu, thực chất, thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch COVID-19; các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Toàn quân thi đua bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là phòng, chống dịch COVID-19 và các sự kiện quan trọng. Với quyết tâm “Chống dịch như chống giặc”, ngành Hậu cần Quân đội đã nêu cao tinh thần vì nhân dân quên mình, hăng hái thi đua “Bộ đội làm vượt khả năng, không quản ngày đêm hay sớm tối, chưa hết dịch chưa về” và tinh thần “Bộ đội chủ động đến với dân, không để dân khó khăn tìm đến bộ đội”; thành lập, vận hành hiệu quả các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, huy động hơn 1.700 tổ, đội quân y cơ động, hơn 8.200 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân y tham gia xét nghiệm, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà và thực hiện chương trình tiêm vắc-xin toàn quốc; hoàn thành tốt nhiệm vụ tiểu ban an sinh xã hội. Các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, khám, tiếp nhận, cách ly người bị nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, hạn chế tối đa dịch lây lan. Tỷ lệ quân số khỏe đạt 99,2%. Toàn quân có nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương và nhân dân ghi nhận, thêm tin yêu. Cùng với đó, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt” với nhiều giải pháp đột phá, giữ vững chất lượng đời sống bộ đội như chủ động tạo nguồn lương thực, thực phẩm, bảo đảm vệ sinh, an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng gia sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt” đã phát huy nội lực, sẵn sàng hy sinh của đội ngũ quân y, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhiệm vụ đột xuất. Trong phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện tốt công tác quy hoạch mặt bằng doanh trại, củng cố cảnh quan, môi trường. Các phong trào “Quản lý, sử dụng xăng dầu an toàn, tiết kiệm, hiệu quả”, “Xây dựng đơn vị vận tải chính quy, an toàn, hiệu quả”… được triển khai sâu rộng. Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua biểu dương kết quả mà toàn ngành đã đạt được trong năm 2021. Đồng thời, yêu cầu năm 2022, toàn ngành Hậu cần tiếp tục đổi mới về nội dung, giải pháp; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thích ứng tốt với điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu để tổ chức hiệu quả các mặt công tác bảo đảm hậu cần. Cần tiếp tục bám sát nội dung phong trào thi đua của ngành Hậu cần và các ngành; phát huy tính sáng tạo, đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần gắn với cơ chế quản lý tài chính trong quân đội. Tập trung triển khai hiệu quả các đề án, chương trình trọng điểm của ngành, góp phần nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần ở tất cả các cấp, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ bảo đảm cả thường xuyên lẫn đột xuất. Cùng với đó, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện hậu cần, đẩy mạnh xây dựng chính quy, cải cách thủ tục hành chính, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí trong công tác hậu cần; triển khai toàn diện các biện pháp để xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Với chủ đề “Đề cao mẫu mực, siết chặt kỷ cương, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực hậu cần, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, năm 2022, phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng mô hình điểm, đơn vị điểm, nhân rộng điển hình tiên tiến, thực hiện “Một tập trung, ba đột phá và năm tốt” trong công tác hậu cần. Phương Thanh

Kết nối cộng đồng, vượt qua thách thức ở Kim Sơn

TĐKT - Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, sự chung tay, đóng góp của cộng đồng nhằm bổ sung nguồn lực chống dịch, trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn là vô cùng cần thiết. Thấu hiểu điều này, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã phối hợp xây dựng, triển khai hiệu quả nhiều mô hình, chương trình ý nghĩa, góp phần kết nối cộng đồng vượt qua thách thức. Hội CTĐ huyện Kim Sơn phối hợp với các mạnh thường quân trao tặng nhu yếu phẩm để nấu ăn miễn phí cho lực lượng tuyến đầu và người dân tại khu cách ly tập trung Chung tay đẩy lùi dịch bệnh Ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn xã Cồn Thoi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 huyện đã quyết định phong tỏa chợ Cồn Thoi và khu vực xung quanh bán kính 500 m. Sau đó, nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch, UBND huyện Kim Sơn đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng Chính phủ. Chính từ thời điểm ấy, cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng dịch bắt đầu có nhiều xáo trộn; lực lượng tuyến đầu tại các chốt kiểm soát đã phải gác lại công việc gia đình, thường trực bám chốt để trở thành “tấm lá chắn” bảo vệ sự bình yên cho nhân dân. Để bảo đảm cuộc sống người dân, các cấp chính quyền, hội đoàn thể và các mạnh thường quân đã đồng hành, sát cánh, giúp đỡ nhân dân trong vùng cách ly bằng nhiều việc làm thiết thực. Trong đó, Hội CTĐ huyện Kim Sơn đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ tiền mặt và hàng hóa, nhu yếu phẩm để tiếp sức cho các lực lượng chức năng tại chốt và các hộ dân trong khu cách ly y tế. “Không quản ngại ngày đêm, đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm của các câu lạc bộ, mạnh thường quân gửi về để tập trung phân phối, vận chuyển đến các điểm cách ly, phong tỏa, trao tận tay người dân. Qua đó, thắp lên niềm tin, sự ấm áp tình người, thể hiện trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh.”- Ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn chia sẻ. Cũng theo ông Trường cho biết, trải qua 14 ngày thực hiện giãn cách xã hội, Hội CTĐ huyện đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm vận động, tiếp nhận gần 25 triệu tiền mặt và trên 10 tấn lương thực, thực phẩm, như: Gạo, sữa, thịt lợn, giò, chả, trứng, rau, củ quả, dầu ăn, khẩu trang y tế, nước súc miệng… với tổng trị giá trên 500 triệu đồng để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 và các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm dịch và hộ gia đình đặc biệt khó khăn nhằm động viên, hỗ trợ thiết thực, giúp người dân trong các khu phong tỏa yên tâm phòng, chống dịch. Song song với việc trao tặng quà, Hội CTĐ huyện đã chỉ đạo Hội CTĐ ở các xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và nhân dân chấp hành tốt các quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là tuyên truyền người dân thực hiện tốt khuyến cáo “5K” và “5T” của Bộ Y tế. Lan tỏa giá trị tốt đẹp Cùng với những mô hình, chương trình hình thành trong thời gian giãn cách xã hội, lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ huyện Kim Sơn bền bỉ kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tăng cường ủng hộ nguồn lực để giúp đỡ về nhiều mặt cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Với phương châm “một người tốt, một tổ chức, một đơn vị thì không thể làm xuể, mà việc tốt cần phải được lan tỏa và trở thành việc làm từ mỗi cán bộ, mỗi người dân, mỗi đơn vị”, Hội CTĐ huyện đã chú trọng việc triển khai các phong trào thi đua “người người làm việc tốt, nhà nhà làm việc tốt” với các nội dung, hình thức hoạt động đa dạng, phong phú thu hút sự tham gia hưởng ứng của các cấp, các ngành và nhân dân. Tiêu biểu là phong trào: “Tết vì người nghèo, tháng hành động vì người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam”; phong trào “Áo ấm tình thương”; "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo"… “Việc cứu trợ nhân đạo bằng cả vật chất và tinh thần để giúp đỡ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nạn nhân chất độc da cam, trẻ mồ côi, người già cô đơn, gia đình chính sách, giúp đỡ người dân trong và ngoài nước bị thiên tai, thảm hoạ… các hoạt động từ thiện đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng”. - ông Trường cho biết. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Kim Sơn cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ về kinh tế cũng như tinh thần để Hội CTĐ huyện triển khai các hoạt động nhân đạo từ thiện của mình như: Tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, xây nhà tình thương cho các hộ dân nghèo hàng trăm triệu đồng. Ông Trường cho biết: Trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân thì truyền thống “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” của dân tộc lại được khơi dậy mạnh mẽ và lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động của Hội để thực sự trở thành “cầu nối” tin cậy của những tấm lòng hảo tâm đến với những mảnh đời yếu thế. Đồng thời, vận động toàn dân cùng chung tay tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tùng Chi      

Phát huy sức trẻ học tập và làm theo gương Bác

TĐKT - Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa rộng khắp trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Qua đó, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. ĐVTN xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) phát khẩu trang miễn phí cho khách du lịch và nhân dân trên địa bàn Đồng chí Nguyễn Thị Minh Yến, Bí thư Huyện đoàn Hoa Lư cho biết: Thực hiện Chỉ thị 05 trong ĐVTN, Ban Thường vụ Huyện đoàn Hoa Lư đã triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực cổ vũ tuổi trẻ phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, hăng hái thi đua xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nổi bật là các phong trào xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; tuổi trẻ đền ơn đáp nghĩa, vì an sinh xã hội, hiến máu tình nguyện, chung tay xây dựng nông thôn mới… được triển khai sâu rộng trong ĐVTN, đem lại nhiều kết quả tích cực. Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc triển khai phong trào, Huyện đoàn đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn trực thuộc thường xuyên tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Chỉ thị đến ĐVTN. Trong đó, việc học tập, quán triệt chuyên đề hàng năm được gắn với triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Đoàn cấp trên và của cấp ủy địa phương. Hàng năm, Huyện đoàn đều triển khai học tập 2 chuyên đề lớn đối với cán bộ Đoàn chủ chốt và ĐVTN trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở Đoàn trên địa bàn huyện thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề và lồng ghép triển khai với từng nội dung cụ thể. Từng tổ chức cơ sở đoàn phải trình bày, đề xuất phương hướng hành động rõ ràng, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi đoàn viên cũng tự xây dựng kế hoạch cá nhân, nỗ lực hoàn thành những mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, Huyện đoàn cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật cho thanh, thiếu niên; tham mưu tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo địa phương với thanh niên; triển khai thực hiện tốt Tháng Thanh niên, Mùa hè xanh, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... Triển khai hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp tuổi trẻ Hoa Lư tích cực hưởng ứng và trực tiếp tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐVTN. Nổi bật là việc tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương với các hoạt động vệ sinh môi trường, các công trình thắp sáng đường quê, lắp đặt các thiết bị thể dục thể thao tại nhà văn hóa... cùng nhiều hoạt động thiết thực trong Chiến dịch hè tình nguyện. Riêng 9 tháng năm 2021, tuổi trẻ Hoa Lư đã hoàn thành 3 công trình cấp huyện; tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; thăm hỏi và tặng hơn 60 suất quà trị giá 30 triệu đồng; tham gia hiến 750 đơn vị máu; vận động 100 đoàn viên, thanh niên lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự... Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Huyện đoàn đã chủ động xây dựng nội dung, đẩy mạnh tuyên truyền trên Fanpage của Hội; vận động thanh niên, người dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; huy động thanh niên tham gia các hoạt động hỗ trợ lực lượng tuyến đầu trong tham gia phòng, chống dịch. Các cấp bộ Hội trên toàn huyện đã thành lập 12 nhóm thanh niên tham gia tuyên truyền, vận động người dân đăng ký thông tin y tế qua ứng dụng Ncovi; ra quân hơn 100 buổi tình nguyện và tuyên truyền phòng, chống COVID-19; hỗ trợ hơn 18.000 khẩu trang y tế, 100 bộ quần áo bảo hộ, 1.700 kính chống giọt bắn.  “Trong thời điểm này, cả hệ thống chính trị huyện Hoa Lư đang nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, nơi nào cần đều có “màu áo xanh” tình nguyện của tuổi trẻ huyện Hoa Lư hỗ trợ kịp thời, từ công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, đến tham gia tuyến đầu chống dịch, công tác hậu cần, chăm lo đời sống người dân. Những phần việc thiết thực, ý nghĩa của ĐVTN huyện Hoa Lư trong phòng, chống dịch không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người, mà còn góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân.”- đồng chí Nguyễn Thị Minh Yến, Bí thư Huyện đoàn Hoa Lư chia sẻ. Tuệ Minh  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”

TĐKT - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư biểu dương Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc phát động và triển khai thành công Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” vào dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Lao động tại Việt Nam. Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” được phát động trong đoàn viên công đoàn, công nhân, công chức, viên chức, người lao động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước. Trong thư, Chủ tịch nước đánh giá, Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” rất thiết thực vì lao động sản xuất là nguồn gốc tạo ra của cải và sự thịnh vượng của quốc gia. Chủ tịch nước đánh giá, “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” là chương trình rất thiết thực vì lao động sản xuất là nguồn gốc tạo ra của cải và sự thịnh vượng của quốc gia. Những người có khả năng đóng góp tốt nhất cho công việc hàng ngày là những người lao động trực tiếp va chạm với công việc, biết rõ vướng mắc ở đâu và hiểu rõ cần làm gì để cải thiện hiệu suất của tổ chức trên từng khía cạnh nhỏ nhất. Chương trình giúp khơi dậy và thúc đẩy kiến tạo văn hóa mới trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: Mỗi nhân viên đều hăng say, nhiệt huyết, trăn trở, đóng góp vào sự phát triển của tổ chức nơi mình làm việc. Chủ tịch nước chúc mừng Chương trình thực hiện thành công với 250.177 sáng kiến tham gia, vượt 300% so với mục tiêu. Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc”, Chủ tịch nước đánh giá, các sáng kiến tham gia chương trình có mặt ở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được trân trọng, ghi nhận và khích lệ kịp thời, rất nhiều sáng kiến đã ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn lao động, sản xuất và công việc của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mang lại giá trị gia tăng cao. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng và chúc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục phát huy Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”, tiếp tục có nhiều chương trình ý nghĩa và lan tỏa sâu rộng, góp phần nhân lên niềm tin và khát vọng phấn đấu cho một đất nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc. Mai Thảo

Quân đội triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các phong trào thi đua

TĐKT - Ngày 23/11, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Bộ Quốc phòng tổ chức Phiên họp cuối năm 2021. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng chủ trì phiên họp. Phiên họp cuối năm của Hội đồng TĐKT Bộ Quốc phòng Năm 2021, công tác TĐKT và phong trào thi đua Quyết thắng đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Phong trào thi đua Quyết thắng diễn ra liên tục, rộng khắp, có chiều sâu, gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Qua đó đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ toàn quân phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, chủ động khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Công tác khen thưởng, tuyên truyền về điển hình tiên tiến được tiến hành chặt chẽ, kịp thời. Công tác TĐKT đã tạo động lực quan trọng, trực tiếp góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và toàn quân vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021. Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Đại tướng Lương Cường yêu cầu, Hội đồng TĐKT tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện toàn diện, nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tiến hành công tác TĐKT chặt chẽ, đồng bộ, sát thực tiễn, gắn phong trào thi đua Quyết thắng với phong trào thi đua yêu nước, các phong trào thi đua, cuộc vận động của các cấp, các ngành, nhất là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; tiếp tục đổi mới nội dung thi đua và tiến hành công tác khen thưởng; thực hiện tốt “3 khâu đột phá” theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Cùng với đó, công tác huấn luyện, đào tạo phải thích ứng với trạng thái bình thường mới, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Nguyệt Hà

Ninh Bình thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh

TĐKT - Nhằm phát động các phong trào thi đua tạo khí thế sôi nổi, rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh, vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND Phát động đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình (1/4/1992 - 1/4/2022). Thông qua các phong trào thi đua, góp phần giữ vững truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hoá của quê hương và con người Ninh Bình, khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng, thành tựu đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng, qua đó tiếp tục bảo tồn, phát huy tiềm năng và quảng bá những giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng của quê hương Ninh Bình đến bạn bè trong nước và quốc tế. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và sự đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn của các cấp, các ngành và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý IV năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022. Đợt thi đua được thực hiện từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/5/2022, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/11/2021 đến ngày 31/12/2021: Thi đua lập thành tích hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, hướng tới kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/5/2022: Đẩy mạnh thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2022) và 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022). Nội dung thi đua bao gồm: Thi đua lập thành tích hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021, hướng tới kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992 - 1/4/2022) và 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), trong đó quan tâm đẩy mạnh thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội; thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; thi đua nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; thi đua thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh; bảo vệ môi trường; đẩy mạnh chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện đợt thi đua phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, các khối thi đua và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ổn định và hiệu quả. Gắn tổ chức các phong trào thi đua với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022). Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong đợt thi đua. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các Khối thi đua của tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai phát động đợt thi đua cao điểm với mục tiêu, tiêu chí thi đua cụ thể, rõ ràng, nội dung thi đua bám sát các nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong Quý IV năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022 và các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày 18/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Minh Phương    

Phát động đợt thi đua cao điểm “70 ngày đêm xung kích, sáng tạo, quyết thắng”

TĐKT -  Sáng 18/11, tại Thái Nguyên, Đoàn cơ sở Trung đoàn 246, Sư đoàn 346 (Quân khu 1) tổ chức Lễ phát động đợt thi đua cao điểm “70 ngày đêm xung kích, sáng tạo, quyết thắng”. Đây là đơn vị được Tổng cục Chính trị chỉ đạo làm trước để rút kinh nghiệm cho toàn quân. Đại diện tuổi trẻ các đơn vị thuộc Đoàn cơ sở Trung đoàn 246 ký giao ước thi đua. Diễn ra từ ngày 1/12/2021 - 8/2/2022, đợt thi đua cao điểm “70 ngày đêm xung kích, sáng tạo, quyết thắng” là một trong những hoạt động trọng tâm của tuổi trẻ Quân đội hướng tới kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021), 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021), 70 năm Ngày truyền thống Thanh niên Quân đội và Ban Thanh niên Quân đội (8/2/1952 - 8/2/2022). Trong đợt thi đua cao điểm, Trung đoàn 246 đề ra một số chỉ tiêu cụ thể: 100% tổ chức Đoàn các cấp tổ chức thi đua cao điểm thực hiện thắng lợi “3 nhất” (chính trị, tư tưởng tốt nhất; trực sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra kết thúc huấn luyện năm 2021 đạt kết quả cao nhất; xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật tốt nhất) và “2 xung kích” (xung kích làm tốt công tác chuẩn bị huấn luyện năm 2022 và xung kích tổ chức tốt các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên). Mỗi chi đoàn đăng ký đảm nhận và thực hiện hiệu quả ít nhất một công trình thanh niên; mỗi đoàn viên, thanh niên phấn đấu làm nhiều việc tốt, hành động đẹp, cách làm hay… Phát biểu tại Lễ phát động, Thượng tá Nguyễn Giang Hà, Chính ủy Trung đoàn 246 yêu cầu các tổ chức Đoàn trong đơn vị bám sát đặc điểm tình hình nhiệm vụ để xây dựng chương trình hành động sát với thực tiễn, triển khai thực hiện đạt kết quả cao nhất. Quá trình tổ chức thực hiện cần gắn nội dung thi đua của tổ chức Đoàn với phong trào thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động; lựa chọn khâu đột phá, tập trung xung kích vào thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với tổ chức đoàn địa phương triển khai những công trình, phần việc thanh niên thiết thực, hiệu quả, gắn với thực hiện nội dung phong trào thi đua “Đoàn Tân Trào chung sức xây dựng nông thôn mới”… Trang Lê

“Kỷ luật và đồng tâm” - sức mạnh nội sinh của ngành Than và vùng Mỏ trên hành trình phát triển bền vững

TĐKT - Ngành Than Việt Nam là ngành công nghiệp đầu tiên của đất nước ta với lịch sử hơn 180 năm khai thác. Trên hành trình phát triển, ngành than và vùng Mỏ Quảng Ninh luôn phát huy sức mạnh nội lực “Kỷ luật và đồng tâm”. Nhiều tập thể, cán bộ, công nhân TKV đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Đảng và Nhà nước có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến ngành Than. Ngày 10/10/1994 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày nay. Từ đây, nội lực trong công nhân vùng mỏ và ngành Than được phát huy, tạo ra sự chuyển biến liên tục về năng suất lao động, sản lượng khai thác và hiệu quả kinh doanh. TKV đã trở thành một tập đoàn kinh tế vững mạnh. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, TKV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại vào sản xuất. Cùng với cơ giới hóa, tự động hóa khai thác hầm lò, các mỏ lộ thiên của Tập đoàn cũng được đầu tư ô tô, thiết bị vận tải có tải trọng lên đến 130 tấn, liên thông để tạo ra các mỏ công suất lớn và từng bước băng tải hóa công tác vận chuyển. Nhờ đó, sản lượng than khai thác tăng nhanh, sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với trình độ kỹ thuật, công nghệ đạt mức tiên tiến hiện nay, sản lượng than sản xuất hàng năm của TKV đạt trên 40 triệu tấn, tăng gấp 7 lần so với năm thành lập (1996). Năng suất lao động giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 12%/năm. Tổng doanh thu TKV đạt 613,9 ngàn tỷ đồng, tăng bình quân 7,9%/năm. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 17,9 ngàn tỷ đồng, bình quân 3,6 ngàn tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 84,5 ngàn tỷ đồng, bình quân 16,9 ngàn tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng tiền lương bình quân 9,2%/năm. Tổng sản lượng khai thác toàn ngành từ 2011 - 2020 đạt 435,445 triệu tấn. Qua đó, khẳng định vị trí vững vàng của TKV sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh lĩnh vực chủ lực là than, TKV đã phát triển các lĩnh khác như: Khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp…  Đáng chú ý, giai đoạn 10 năm 2010 - 2020, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các đơn vị khối khoáng sản theo hướng tăng cường chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế với một loạt nhà máy chế biến kim loại màu hiện đại gồm: Đồng, chì, kẽm, thiếc, gang thép, cromit và các kim loại khác. Trong đó, tại Lào Cai, mỗi năm, Tổ hợp đồng sản xuất trên 11 nghìn tấn đồng tấm, cùng các sản phẩm vàng, bạc đi kèm… Ngoài ra,  mỗi năm TKV sản xuất 11 nghìn tấn kẽm thỏi, 180 nghìn tấn phôi thép… Đặc biệt, TKV đã triển khai thành công hai dự án khai thác bauxite tại địa bàn chiến lược Tây Nguyên đặt nền móng cho nền công nghiệp mới của Việt Nam, đó là ngành công nghiệp chế biến alumin - nhôm. Hiện, 2 nhà máy sản xuất Alumin đang vận hành ổn định, vượt công suất thiết kế với tổng sản lượng alumin bình quân mỗi năm trên 1,3 triệu tấn. Cùng với sự thay đổi từng ngày của vùng Mỏ, của ngành than, vai trò và vị thế của 80 nghìn lao động, thợ mỏ TKV đã bước sang một trang mới.  So với 85 năm trước đây, người thợ mỏ hôm nay đã ngẩng cao đầu với sức khỏe tốt, tri thức tốt, có đời sống vật chất, tinh thần lành mạnh, luôn sáng tạo trong lao động, dám đương đầu với thử thách, vượt khó đi lên. Trình độ mọi mặt từ nhận thức đến tư duy hành động đều nhạy bén, chuẩn chỉ hơn; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề có chuyển biến lớn do được học hành, đào tạo bài bản. Ngày nay, đông đảo công nhân mỏ đã có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... Công nhân ở các vị trí sản xuất từ hầm lò đến tầng than, xưởng máy... đã làm chủ được những xe máy, thiết bị hiện đại của các nước có nền công nghiệp khai thác than hàng đầu thế giới. Những ô tô trọng tải lớn 90 - 100 tấn chở đất đá và than trên vỉa chạy an toàn suốt ngày đêm dưới bàn tay của thợ mỏ Việt Nam, hoặc điều khiển những dàn chống thủy lực, những thiết bị đào chống lò, khấu than hiện đại trong hầm mỏ không còn là chuyện xa lạ của thợ lò Việt Nam nữa. Đây chính là nguồn nhân lực "vừa hồng, vừa chuyên" cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa TKV trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, Tập đoàn đang tiếp tục thực hiện trí thức hóa đội ngũ công nhân, tăng cường sự phấn đấu để trung thành với nghề, với ngành gắn với thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo Bác. Từ năm 2020, ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã phát động và nhân rộng phong trào xây dựng hình ảnh “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ” trong thời đại mới. Phong trào này được xem là điểm nhấn, là dấu ấn của ngành Than nói riêng và Quảng Ninh nói chung trong chiến lược xây dựng và nâng tầm vị thế của người thợ mỏ ngành Than trong thời đại mới. Đến nay, toàn ngành đã xây dựng và vinh danh được trên 4.000 tấm gương “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”. Thợ mỏ ngành Than đã biến truyền thống “Kỷ luật - đồng tâm” thành sức mạnh nội tại vượt qua những cam go, thách thức để phát triển. Đó là những giai đoạn sản xuất đình đốn, than tồn kho tăng cao, thiên tai, lũ lụt thiệt hại sản xuất hàng nghìn tỷ đồng; là những giai đoạn toàn Tập đoàn quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, tinh giản lao động. Đặc biệt, giai đoạn 2 năm 2020 và 2021 là minh chứng rõ nét hơn nữa cho tinh thần đoàn kết và truyền thống “Kỷ luật - Đồng tâm” của người thợ mỏ. Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 liên tiếp bùng phát, TKV đã chủ động và linh hoạt thích ứng, nỗ lực, sáng tạo vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: Chống dịch đi đôi với phát triển kinh tế. TKV là một trong số rất ít các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của TKV đạt từ 5 - 8%. Trong đó, than sạch sản xuất: 30,4 triệu tấn, tăng 4%. Sản xuất đồng tấm: 10,5 ngàn tấn, tăng 7%, tiêu thụ đồng tấm: 10,5 ngàn tấn, tăng 23% so cùng kỳ năm 2020. Doanh thu ước đạt 96,1 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận ước đạt 2 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 13,2 ngàn tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. TKV đã ủng hộ 230 tỷ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ và ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh của các địa phương. Với Quảng Ninh, ngành Than là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Cán bộ, công nhân, người lao động ngành Than là máu thịt của tỉnh Quảng Ninh. Văn hóa công nhân mỏ kết tinh từ truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” cũng chính là một trong những thành tố hợp thành văn hóa của vùng Mỏ. Mối quan hệ tương hỗ, chặt chẽ của Quảng Ninh và ngành Than xuất phát từ những yêu cầu thiết thực từ cả hai phía. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - đó là yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống công nhân. Đối với tỉnh Quảng Ninh - đó là yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển chung của tỉnh. Từ đó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định ngành Than là đối tác chiến lược, đóng góp lớn cho tỉnh về ngân sách, giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội. Từ quan điểm, nhận thức trên, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh đã chung sức thực hiện tốt chương trình, nhiệm vụ công tác chung, thông qua đó giải quyết được nhiều vấn đề trong quản lý tài nguyên than; bảo vệ môi trường; giải quyết việc làm và chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân mỏ; đảm bảo công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới... Có thể nói là thành tựu về mọi mặt của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua luôn có vai trò đóng góp quan trọng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Và ngược lại, tỉnh Quảng Ninh luôn đồng hành cao nhất, hỗ trợ tối đa giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của ngành Than, để TKV phát triển bền vững, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và quan trọng nhất là ổn định việc làm, thu nhập và bảo đảm đời sống lao động cho trên 80.000 lao động trên địa bàn. Đồng hành cùng ngành Than vượt qua những giai đoạn khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan trọng nhất là giải quyết kịp thời các thủ tục gia hạn giấy phép khai thác; các sở, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho TKV. Tỉnh Quảng Ninh cũng luôn ủng hộ, đồng thuận và mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho ngành Than để phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu than và đóng góp vào ngân sách Nhà nước; quan tâm, có cơ chế cụ thể để ngành Than xây dựng nhà ở cho người lao động theo hướng hình thành các “làng mỏ”, giúp cho gia đình mỗi người thợ mỏ dù ở miền quê nào cũng an tâm gắn bó với vùng mỏ Quảng Ninh. Cùng với đó, ủng hộ TKV khai thác, sử dụng hợp lý nguồn đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh theo mô hình kinh tế tuần hoàn, vừa giảm thiểu diện tích bãi thải mỏ, hạn chế các tác động tới môi trường, đảm bảo cảnh quan khu vực, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản. Trải qua 85 năm, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” được đúc kết từ ý chí kiên cường, triệt để cách mạng của công nhân vùng Mỏ Quảng Ninh đã phát triển thành giá trị nhân văn cao cả của ý chí và tình người ngành Than - Khoáng sản Việt Nam với Tổ quốc - giá trị tột đỉnh của văn hóa vùng Mỏ. Truyền thống và văn hóa này sẽ giúp ngành Than và tỉnh Quảng Ninh vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Trong giai đoạn tới, những khó khăn, thách thức của sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng thế giới; của điều kiện khai thác ngày càng xuống sâu và đi xa hơn; đòi hỏi đội ngũ công nhân mỏ giàu truyền thống cần có sự bứt phá mạnh mẽ để vượt lên chính mình, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Với điểm tựa là truyền thống cách mạng hào hùng, với sức mạnh “Kỷ luật và đồng tâm”, thợ mỏ ngành Than - Khoáng sản sẽ tiếp tục gương mẫu, tiến lên, xứng đáng là một trụ cột vững chắc về an ninh năng lượng quốc gia. Văn hóa người vùng Than sẽ ngày càng lan tỏa, là sức mạnh nội sinh để TKV và Quảng Ninh vững bước trên hành trình phát triển bền vững. Với những nỗ lực không ngừng, TKV đón nhận bằng công nhận Di tích cấp tỉnh “Trụ sở Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ” của UBND tỉnh Quảng Ninh. Nhiều tập thể, cán bộ, công nhân TKV đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; tặng cờ, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh. TKV khen thưởng mục tiêu thi đua, năng suất kỷ lục, chăm lo đời sống người lao động cho các đơn vị và khen thưởng các cơ quan y tế của tỉnh trong công tác phối hợp phòng, chống dịch. Hồng Thiết      

Ngành Tài nguyên và Môi trường thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

TĐKT - Ngày 8/11/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 04/KH-BTNMT về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong ngành Tài nguyên và Môi trường (TNMT). Kế hoạch nhằm mục đích phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện tốt, hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 16/KH-HĐTĐKT ngày 31/8/2021 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong tổ chức phát động, thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng. Qua đó, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, nội dung về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị và cá nhân người lao động toàn ngành TNMT  trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, làm cho thi đua thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng, ý thức tự giác, trách nhiệm và việc làm thường xuyên hằng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân, tạo động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Kế hoạch đã đề ra các nội dung, giải pháp để tổ chức, triển khai thực hiện hiện hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Một là, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nội dung Chỉ thị số 19/CT-TTg, Kế hoạch số 16/KH-HĐTĐKT, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua, công tác khen thưởng. Hai là, hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước do Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phát động, như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia”; “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”… Thi đua toàn diện trên các lĩnh vực theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các phong trào thi đua yêu nước do Bộ trưởng Bộ TNMT phát động: Phong trào “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển” giai đoạn 2020 - 2025; “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới toàn diện để phát triển” năm 2021 và Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” bằng các nội dung, việc làm, hành động thiết thực gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua. Ba là, đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến theo Kế hoạch số 03/KH-BTNMT ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Bộ TNMT, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo phong trào thi đua giai đoạn 2021 - 2025. Coi trọng các biện pháp nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và các cán bộ chủ chốt, chủ động tự soi, tự sửa, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt nhằm thúc đẩy, cổ vũ, lan tỏa mạnh mẽ các phong trào thi đua. Bốn là, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng; các phong trào thi đua phải có mục tiêu, nội dung, tiêu chí rõ ràng, phù hợp với điều kiện cụ thể của cơ quan, đơn vị; tạo chuyển biến và hiệu quả trong công tác khen thưởng, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, khuyến khích, quan tâm đến các tập thể, cá nhân lao động trực tiếp; tăng cường kiểm tra, giám sát có biện pháp cụ thể để chống các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng; phát hiện, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc để phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự trở thành động lực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới. Năm là, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp trong thi đua, khen thưởng; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các đơn vị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Sáu là, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thi đua, khen thưởng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng, công tác lưu trữ phục vụ tra cứu, cung cấp thông tin, thống kê, báo cáo về thi đua, khen thưởng. Về tổ chức thực hiện, Bô trưởng giao Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Kế hoạch. Các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Khối, Cụm thi đua căn cứ vào Kế hoạch và điều kiện thực tế, chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng mục đích, yêu cầu đề ra. Hằng năm khi tiến hành sơ, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng cần gắn với kết quả thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg, kịp thời rà soát, bổ sung biện pháp phù hợp để thực hiện tốt các nội dung đã nêu trong Chỉ thị… Phương Thanh

Trang