Phong trào thi đua

Tổng kết Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018

TĐKT - Chiều 27/11, tại trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức Lễ tổng kết Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018. Dự Lễ tổng kết có Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Vân; Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Kim Quy, cùng 100 thành viên đoàn hành trình và đông đảo các bạn thanh niên, sinh viên TP Đà Nẵng. Lễ xuất quân Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với sự tham gia của hơn 100 thanh niên, sinh viên có dự án, ý tưởng khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp các thành viên tham gia Hành trình có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư. Qua đó, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ban tổ chức trao chứng nhận cho các thành viên tham gia Hành trình Hành trình chia thành 2 đoàn, xuất phát từ TP Hà Nội và TP Cần Thơ và sẽ dừng chân tại 11 tỉnh/thành phố: Hà Nộià Hải Phòngà Nghệ Anà Quảng Bìnhà Thừa Thiên Huếà Đà Nẵngß Quảng Namß Phú Yênß Lâm Đồngß TP Hồ Chí Minhß Cần Thơ.  Ngay sau Lễ xuất quân tại TP Hà Nội và TP Cần Thơ và các điểm dừng chân, các thành viên tham gia Hành trình đã tham gia Tọa đàm “Quản trị nguồn nhân lực trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”; Tọa đàm “Thương mại điện tử trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại TP. Hồ Chí Minh; Tọa đàm “Ứng dụng Công nghệ thông tin để đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp” tại Hải Phòng; Tọa đàm “Khởi nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp Công nghệ cao” tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An) và TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng); Tọa đàm “Xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, phát huy thế mạnh của địa phương” tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) và TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Đoàn hành trình đã tham dự  Hội thảo “Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương và kiến nghị chính sách từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế); Hội thảo “Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo  tại địa phương và chính sách từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần” tại TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) với các lãnh đạo địa phương, chuyên gia, doanh nhân thành đạt, các nhà tư vấn khởi nghiệp... Bên cạnh đó, các thành viên tham gia Hành trình còn được thăm quan các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp thành công ở địa phương… Tại Lễ tổng kết Hành trình, đã diễn ra phần thi Game Khởi nghiệp thực tế, do các thành viên tham gia Hành trình tổ chức thực hiện. Ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận cho các thành viên tham gia Hành trình. Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Câu lạc bộ Đầu tư Khởi nghiệp – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức cùng với sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Viettinbank). Hoàng Long

Học tập và làm theo gương Bác ở Trường THCS Nhân Hậu

TĐKT - Với phương châm “Rèn thầy trước, luyện trò sau”, những năm qua, thầy và trò Trường THCS Nhân Hậu (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã nỗ lực, tích cực học tập và làm theo gương Bác bằng những việc làm thiết thực, tạo sự lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, xứng đáng là một trong những lá cờ đầu phong trào thi đua của ngành giáo dục huyện và tỉnh. Trường vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong năm học 2017 - 2018 Thầy Trần Duy Trung, Hiệu trưởng Trường THCS Nhân Hậu cho biết: Ngay từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Chi bộ nhà trường đã phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên về việc đăng ký học tập và làm theo Bác phù hợp với nhiệm vụ chuyên môn của từng bộ phận, cá nhân. Trong đó nội dung trọng tâm là đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo. Để tạo chuyển biến trong nhận thức cho mỗi cán bộ, giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền thông qua các hội nghị, sinh hoạt chuyên đề. Trong đó, khuyến khích cho các cán bộ, giáo viên tìm tòi, sưu tập các câu chuyện, những tư liệu quý về tấm gương đạo đức, phong cách của Bác. Nội dung học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn được Nhà trường lồng ghép trong các buổi giao ban công tác hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Qua những buổi sinh hoạt chuyên đề, cán bộ, đảng viên và giáo viên được trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, cùng nhau rút ra những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn. Từ đó cán bộ, giáo viên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy với nhiều sáng kiến kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học được ứng dụng. Theo thầy Trung, để nội dung học tập, noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, có tác dụng giáo dục đối với thầy và trò thì việc phát huy tinh thần nêu gương có tầm quan trọng quyết định. Bởi vậy, chi ủy, ban giám hiệu, giáo viên nêu gương bằng việc nghiêm túc học tập, nâng cao trình độ về kiến thức giảng dạy, kiến thức xã hội, nêu gương khi đứng trên bục giảng cũng như trong cuộc sống hằng này. Đồng thời, chủ động lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của thầy cô, học sinh, chủ động trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập, đạo đức của học sinh. Đặc biệt là phát huy tinh thần dân chủ, nói đi đôi với làm. Đối với học sinh, nhà trường định hướng cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trao đổi, hướng dẫn học sinh tìm hiểu, liên hệ vận dụng thực hiện nội dung học tập phong cách, lề lối làm việc khoa học của Bác, nhất là thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”. Đồng thời, trường còn tích hợp nội dung học tập và làm theo Bác vào các môn học, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, thu hút đông đảo học sinh tham gia và phát huy tính tích cực của học sinh khi tìm hiểu về Bác. Những phong trào thi đua như “Học tốt - yêu khoa học”, “Phong trào giành nhiều hoa điểm tốt”, “Cùng bạn tới trường”, “Uống nước nhớ nguồn”… giúp các em rèn luyện đạo đức, khơi dậy tinh thần tương thân, sống có trách nhiệm với cộng đồng, biết giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhờ cụ thể hóa và vận dụng khéo léo nội dung học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các phong trào thi đua, chất lượng giáo dục của nhà trường luôn được giữ vững và nâng cao. Nhà trường luôn đứng tốp 3 trong tổng số 25 trường của huyện về kết quả thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp huyện. Nhiều năm, tập thể chi bộ nhà trường luôn đạt trong sạch, vững mạnh xuất sắc, được Huyện ủy Lý Nhân tặng Giấy khen về thành tích học tập, làm theo gương Bác. Trường cũng được nhận nhiều bằng khen của các cấp: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh… Đặc biệt trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Bảo Linh

Thanh niên khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao

TĐKT - Triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động của “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Viettinbank và các đơn vị tổ chức Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018: “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Là một trong những hoạt động của Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, ngày 22/11, Tọa đàm “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” được tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng như các bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tọa đàm “Khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao” Phát biểu tại buổi tọa đàm, chuyên gia nông nghiệp, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đã giới thiệu khái quát về thực trạng NNCNC, nông nghiệp thông minh và du lịch canh nông trong và ngoài nước hiện nay. Cũng theo TS. Phạm S, Lâm Đồng là địa phương đi đầu về phát triển NNCNC. Đến nay, toàn tỉnh có 52.000 ha đất sản xuất NNCNC (chiếm 20% diện tích canh tác), tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30% giá trị ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất NNCNC mang về doanh thu từ 1 - 5 tỷ/ha... Nhờ những chính sách hỗ trợ cụ thể, nhiều thanh niên Lâm Đồng đã khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu với mô hình sản xuất NNCNC. Khởi nghiệp với NNCNC là hướng đi đúng với nhiều bạn trẻ. Chị Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam, nhìn nhận thanh niên Việt Nam có lợi thế về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp vì Việt Nam là đất nước nông nghiệp và các bạn rất quen về sản xuất nông nghiệp, đồng thời chúng ta có 70% các bạn trẻ ở vùng nông thôn nên lợi thế sản xuất nông nghiệp của các bạn rất tốt.  “Chúng tôi thấy phong trào thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp phát triển rất mạnh và ngày càng có nhiều các mô hình, dự án của thanh niên ứng dụng những công nghệ mới, cách làm mới, cách sản xuất mới để cải tạo, canh tác trên những vùng đất của gia đình để phát triển kinh tế. Những dự án về NNCNC hiện nay đã nở rộ trong thanh niên. Năm 2018 này, chúng tôi có chỉ tiêu đối với các tỉnh, thành đoàn là phải hỗ trợ từ 3 - 5 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên và đến nay thì cả nước có hơn 1.300 dự án mà thanh niên ứng dụng NNCNC để sản xuất. Đó là con số ấn tượng, tạo ra những giá trị vật chất, giá trị trí tuệ lớn trong thanh niên và đóng góp cho xã hội”, chị Vân cho hay. Đoàn thăm, trải nghiệm ở trang trại hoa YSA Orchid Farm  “Địa phương tôi có khoảng 30 ha trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, chúng tôi muốn chuyển sang làm rau hoa theo hướng NNCNC thì như thế nào, có khó không?”, bạn Phạm Bá Nguyên (H.Krông Ana, Đắk Lắk) đặt câu hỏi. Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, cho rằng vấn đề đầu tiên là vốn và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ít hiệu quả sang cây khác hiệu quả hơn cũng là việc hợp lý. Tuy nhiên chúng ta phải tìm hiểu xem trồng cây gì và bán cho ai. “Quan trọng là phải xác định cho được thị trường tiêu thụ ở đâu để biết loại cây trồng phù hợp. Nên chọn chừng 5 ha và trồng nhiều loại sản phẩm để đa dạng các mặt hàng và xác định được thị trường rồi mới mở rộng diện tích”, ông Tùng khuyên. Cũng theo ông Tùng, thực tế trong quá trình khởi nghiệp, người trẻ Việt Nam thường gặp một số khó khăn, hạn chế như kỹ năng tiếp cận nguồn vốn, tiếp đến là đội ngũ tiếp cận với các vườn ươm và tư duy khởi nghiệp. Tư duy cần phải cởi mở hơn và cũng cần được hỗ trợ thông qua các chính sách từ địa phương đến Trung ương tốt hơn. Các bạn trẻ Việt Nam cũng có những ý tưởng khởi nghiệp mang tầm quốc tế, chứ không chỉ đơn thuần là một vài ý tưởng khởi nghiệp trong vùng nông thôn. “Vấn đề là các bạn cần có kỹ năng tiếp cận thị trường tốt hơn, làm thế nào để các quỹ đầu tư quốc tế, các quỹ đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn đều coi những ý tưởng khởi nghiệp của các bạn chính là cơ hội để họ làm giàu từ ý tưởng đó...”, ông Tùng nói. Anh Phan Thanh Sang (34 tuổi), chủ trang trại hoa YSA Orchid Farm (TP Đà Lạt), người khởi nghiệp với nông nghiệp từ khi là sinh viên năm 2 và đã rất thành công với doanh thu hiện nay đạt 30 tỷ đồng/năm, chia sẻ: “Trong quá trình khởi nghiệp, chúng ta phải luôn học hỏi qua nhiều kênh để biết là mình đứng ở đâu và biết áp dụng như thế nào. Trong lĩnh vực nông nghiệp thì chúng ta bắt buộc phải biết là sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và bán ở đâu để chúng ta tìm kiếm thị trường, biết định hướng để phát triển tốt hơn. Chúng ta phải thường xuyên đến những thị trường tiêu thụ để xem những sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh và những sản phẩm nhập từ nước ngoài về như thế nào để có thể cải tiến, phát triển tốt hơn”. Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” năm 2018 với chủ đề: “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên đã và đang có nhu cầu khởi nghiệp, giúp các thành viên tham gia hành trình có được kiến thức, sự hiểu biết và các mối quan hệ cần thiết để trở thành các nhà quản trị, điều hành thành công; tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh, sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo, áp dụng những kiến thức đã lĩnh hội để lập ra những dự án khởi nghiệp có tính khả thi trong đời sống kinh doanh, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tọa đàm “Xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, phát huy thế mạnh của Phú Yên” Với tinh thần đó, ngày 24/11, tại Phú Yên, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp – Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng tổ chức tọa đàm “Xây dựng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch, phát huy thế mạnh của Phú Yên”. Qua tọa đàm, các bạn thanh niên, sinh viên đã tham gia trao đổi, chia sẻ về các chủ đề về du lịch Việt Nam, du lịch địa phương và những khó khăn thực tế; nguyên nhân dẫn đến những khó khăn cho phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong du lịch; giải pháp đổi mới sáng tạo nào nên áp dụng cho ngành du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Bùi Hiếu  

Hiệu quả từ phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” ở Cát Khánh

TĐKT - Những năm qua, phong trào “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu” luôn được Hội CCB xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) phát động sâu rộng và triển khai có hiệu quả, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên của cán bộ, hội viên CCB, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giữ vững ổn định chính trị tại cơ sở.. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội CCB xã Cát Khánh, cho biết: Để thực hiện hiệu quả phong trào, cán bộ, hội viên CCB xã đã tích cực, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện các cuộc vận động, các phong trào của địa phương như xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông… Với sự đóng góp của Hội CCB xã Cát Khánh, con đường vào thôn Chánh Lợi được bê tông hóa thông thoáng, sạch sẽ Các chi hội và hội viên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm ở cơ sở. Đến nay, Hội CCB xã đã tham gia hòa giải được 9 vụ việc mâu thuẫn phức tạp tại địa phương. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Bằng nhiều hình thức khai thác, huy động, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, Hội đã đứng ra tín chấp với nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng trên địa bàn, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhiều hộ hội viên. Hội CCB xã Cát Khánh cũng tích cực phối hợp với đoàn thanh niên trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ được các cấp hội quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Hàng năm các cấp hội đã chủ động phối hợp với đoàn thanh niên thực hiện chương trình phối hợp về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, xung kích xây dựng bảo vệ Tổ quốc; tổ chức các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh nhân ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7... Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Hội đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân hiến trên 2.500 m2 đất và trên 480 triệu đồng làm đường giao thông, các công trình phúc lợi. Trong đó hội viên CCB hiến trên 410 m2 đất và gần 60 triệu đồng.   Hội cũng đảm nhận quản lý 1 tuyến đường với chiều dài 2.300 m theo tiêu chí “xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Đồng thời, thành lập 1 tổ tự quản về an ninh trật tự trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, Hội đã tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện các tiêu chuẩn để đạt danh hiệu gia đình văn hóa; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên và nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư; bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường... Với những việc làm thiết thực, phong trào thi đua “CCB gương mẫu” ở Hội CCB xã Cát Khánh Khánh đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thực sự đi vào nền nếp và có bước phát triển cả về nội dung lẫn hình thức. Qua đó, khích lệ tinh thần để các hội viên hăng hái tham gia các phong trào do hội CCB các cấp phát động, là động lực thúc đẩy các phong trào hoạt động của hội CCB xã ngày càng đạt hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Bảo Linh

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khen thưởng 28 Chiến sĩ thi đua cơ sở

TĐKT - Trong không khí tưng bừng chào mừng Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, vừa qua, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tổ chức Lễ khen thưởng thi đua, tuyên dương Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2017 - 2018. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhà trường chủ trì buổi lễ. TS. Đỗ Quế Lượng trao giấy khen cho các cá nhân đạt Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm học 2017 - 2018. Ngày 12/10/2018, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhà trường đã tiến hành xét khen thưởng thi đua tập thể và cá nhân năm học 2017 - 2018 với kết quả: Số đơn vị, tập thể được khen thưởng là 49, số cá nhân được khen thưởng 956 người (chiếm 86%). Trong đó, thưởng loại I là 131 người (11,7%); thưởng loại II là 825 người (74,2%). Nhìn chung, đối với xét thưởng cá nhân và tập thể, các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng thời hạn quy định. Việc xét và xếp loại thi đua được các lãnh đạo đơn vị thực hiện nghiêm túc. Đối với việc đăng ký phấn đấu trở thành chiến sĩ thi đua năm học 2017 - 2018, tỷ lệ tổng kết phấn đấu trở thành Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở cao hơn so với năm học trước (trên 60%). Đây là một tín hiệu đáng mừng vì phong trào này đã được giảng viên hưởng ứng tích cực, cho thấy lãnh đạo một số đơn vị đã động viên các giảng viên tích cực phấn đấu thi đua. Qua đó, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng đã xét và đề nghị Ban giám hiệu đã ban hành quyết định công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và trao giấy khen của Giáo sư Hiệu trưởng cho 28 cá nhân. Phát biểu tại buổi lễ, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhà trường nhiệt liệt biểu dương 28 Chiến sĩ thi đua được khen thưởng đợt này. Đồng thời, Phó Hiệu trưởng Thường trực cũng nhấn mạnh: Bác Hồ đã nói “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Đối với chúng ta, khi yêu quý trường thì phải thi đua mà có thi đua thì mới thực sự yêu quý trường. Dù còn nhiều thách thức, khó khăn nhưng phong trào thi đua của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói chung và chiến sĩ thi đua nói riêng đang từng bước phát triển, cùng nhau làm tốt nhiệm vụ và đoàn kết thống nhất. TS. Đỗ Quế Lượng mong rằng tập thể các cán bộ, giảng viên sẽ hoàn thành công việc ở từng vị trí công việc tốt hơn nữa, đồng đều hơn nữa và làm sao để có nhiều người đăng ký thi đua hơn nữa trong năm học sắp tới. Các thủ trưởng đơn vị, các đơn vị lớn và các đơn vị nhỏ đều phải chú trọng hơn nữa trong công tác thi đua nói chung và đăng ký Chiến sĩ thi đua nói riêng. Các tổ Công đoàn của nhà trường cần phát huy vai trò đẩy mạnh công tác thi đua tại đơn vị, có chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu, gặt hái được nhiều thành tích tốt đẹp trong năm học tới… Thay mặt cho Ban giám hiệu, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng nhà trường, TS. Đỗ Quế Lượng cũng đã phát động phong trào thi đua cấp cơ sở năm học 2018 – 2019. Đại diện cho toàn thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên trong trường, ThS. Nguyễn Hữu Chiến - Chủ tịch Công đoàn hưởng ứng phong trào thi đua cấp cơ sở do nhà trường phát động với quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao và cố gắng phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong năm học tiếp theo. Thu Hương

Gia Viễn đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

TĐKT - Hơn 2 năm qua, cùng với cả tỉnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng ở huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) đã tích cực học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chất lượng, hiệu quả công tác của mỗi cán bộ trong các cơ quan đơn vị. Mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới của anh Lê Văn Tiên ở xóm 4, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉthị 05-CT/TW và chuyên đề toàn khóa đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua nhiều hình thức phù hợp: Hội nghị, họp cơ quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, Bản tin Huyện ủy, Cổng thông tin điện tử huyện… Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo làm điểm tổ chức sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần, sau đó triển khai đồng bộ trong toàn huyện. Đến năm 2018, hoạt động này được bổ sung nội dung mới là biểu dương những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Đây được xem như nét đẹp văn hóa nơi công sở mỗi dịp đầu tuần, tạo hứng thú, phấn khởi cho 1 tuần làm việc hiệu quả… Tiêu biểu như Đảng bộ xã Gia Hòa có nhiều cách làm sáng tạo, vào dịp đầu tuần, các đồng chí cán bộ bán chuyên trách lên dự giao ban hay công dân có việc đến trụ sở đều được mời tham gia dự lễ chào cờ. Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Viễn đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của đơn vị mình để chủ động, sáng tạo trong xây dựng các chuẩn mực đạo đức về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên “tự giác học trước”, “làm theo trước”, “chuẩn mực trước”. Bám sát yêu cầu, hướng dẫn và tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, đến nay, tất cả các chi, đảng bộ cơ sở trong Đảng bộ huyện tổ chức quán triệt, triển khai các căn cứ và xây dựng chuẩn mực đến từng cán bộ, đảng viên, bổ sung vào kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của mỗi cá nhân. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng tăng cường quán triệt, giáo dục và kiểm tra ngăn chặn kịp thời hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức, uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc, ngày trực; xử lý nghiêm khắc cán bộ, đảng viên. Trong 2 năm qua các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong đảng bộhuyện đã xử lý kỷ luật 2 tổ chức đảng, 54 đảng viên. Trong 2 năm qua các tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong đảng bộ huyện đã xử lý kỷ luật 2 tổ chức đảng, 54 đảng viên. Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện, các cấp, các ngành công khai thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của huyện, niêm yết tại bộ phận 1 cửa của UBND các xã, thị trấn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, đẩy mạnh cải cách hành chính. Thông qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã có sự chuyển biến tích cực trong việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân; thực hiện tốt hơn kỷ luật, kỷ cương hành chính, gương mẫu về đạo đức lối sống. Cùng với việc xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, Huyện ủy Gia Viễn cũng đã tập trung lãnh đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân như thực hiện giao ban cụm xã, nâng cao chất lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri, chỉ đạo UBND huyện ban hành và thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân huyện. Đồng thời, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện cũng tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ đoàn các cấp trong huyện; chỉ đạo công an huyện, hội phụ nữ, các hội đồng giải phóng mặt bằng huyện tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến của hội viên và các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, nhiều vấn đề cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân chưa rõ, chưa hiểu được giải đáp kịp thời. Những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân được các cấp, các ngành tập trung giải quyết: Sửa chữa, nâng cấp kênh mương nội đồng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo cung ứng điện phục vụ đời sống nhân dân, tăng cường vệ sinh môi trường, thu gom rác thải ở các khu dân cư. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án bảo đảm quy trình, thủ tục để xây dựng Cụm công nghiệp Gia Vân, Cụm công nghiệp Gia Phú, Khu trung tâm hành chính huyện, mở rộng khu công nghiệp Gián Khẩu… Với những cách làm nghiêm túc, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả và thiết thực, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Huyện ủy Gia Viễn đã giúp nâng cao ý thức rèn luyện, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bảo Linh

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổng kết thi đua – khen thưởng sinh viên năm học 2017 - 2018

TĐKT - Sáng 2/11, tại cơ sở Vĩnh Tuy, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ tổng kết thi đua - khen thưởng (TĐKT) sinh viên năm học 2017 - 2018. Tại buổi lễ, nhà trường đã khen thưởng 7 tập thể lớp đạt danh hiệu tiên tiến và 2222 sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, giỏi, khá trong năm học vừa qua. Tới dự có: TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Chủ tịch Hội đồng TĐKT nhà trường; PGS, TS. Đỗ Minh Cương, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy nhà trường. TS. Đỗ Quế Lượng trao giấy khen cho đại diện các lớp đạt danh hiệu tiên tiến Năm học 2017 - 2018 là năm học chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, những bước tiến vượt bậc trong công tác giáo dục và giảng dạy của nhà trường. Thầy và trò các khóa đều nỗ lực dạy và học đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Tổng kết năm học, nhà trường có 7 lớp đạt danh hiệu lớp tiên tiến; 7 sinh viên đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc với điểm chung bình chung học tập trên 9 điểm: Hoàng Anh, lớp TA20.02 (9,19 điểm); Nguyễn Kim Oanh, lớp KT20.01 (9,08 điểm); Phí Thị Thanh Thảo, lớp KT20.01 (9,04 điểm); Vũ Hoàng Bách, lớp TA22.03 (9,06 điểm); Dương Tuấn Sơn, lớp TA22.07 (9,5 điểm); Nguyễn Thị Thanh Hải, lớp TR22.05 (9,14 điểm); Nguyễn Thị Ánh Hồng, lớp TR22.08 (9,03 điểm). Cùng với 7 sinh viên xuất sắc, có 14 cán bộ lớp trong Ban Tự quản của các lớp đạt danh hiệu tiên tiến được khen thưởng. Các sinh viên xuất sắc và cán bộ lớp tiêu biểu đủ điều kiện sẽ được Hội đồng TĐKT nhà trường xem xét đề nghị trao tặng giải thưởng Kawai. Ngoài ra, ở khối đại học, có 284 sinh viên đạt loại giỏi, 1800 sinh viên đạt loại khá. Ở khối liên thông, có 16 sinh viên đạt loại giỏi, 115 sinh viên đạt loại khá. Tại buổi lễ, đại diện Ban giám hiệu nhà trường đã trao giấy khen cho 7 tập thể lớp đạt danh hiệu tiên tiến và 2222 sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, giỏi, khá trong năm học vừa qua. Phát biểu tại buổi lễ, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực, Chủ tịch Hội đồng TĐKT nhà trường nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương và chúc mừng các tập thể lớp và hơn 2200 sinh viên được tuyên dương, khen thưởng năm học 2017 – 2018. Đồng thời đề nghị các em sinh viên tiếp tục cố gắng, phát huy và giữ vững những thành tích đã đạt được trong năm học mới. Nhân dịp này, TS Đỗ Quế Lượng đã phát động phong trào thi đua sinh viên năm học 2018 – 2019. Trong đó, nhấn mạnh, các tập thể lớp cần đăng ký thi đua ngay từ đầu năm học. Ngoài thi đua học tập, rèn luyện tốt, sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cần thực hiện tốt văn hóa học đường " Đoàn kết – Dân chủ - Kỷ cương – Tình thương – Trách nhiệm – Văn minh”; thực hiện nghiêm quy định giờ giấc, tác phong lên lớp. Cán bộ, giảng viên nhà trường cần chủ động thành lập, quan tâm bồi dưỡng các đội tuyển sinh viên giỏi để tham gia các cuộc thi olympic, thi tài, thể dục thể thao, văn hóa – văn nghệ… do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cấp, các ngành tổ chức, phấn đấu giành thành tích tốt, mang vinh quang về cho trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đẩy mạnh thi trắc nghiệm trên máy tính để hạn chế tiêu cực trong thi cử… Phương Thanh

Hiệu quả từ mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở Lào Cai

TĐKT - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” là một trong những phong trào thi đua được Hội Nông dân tỉnh Lào Cai triển khai và thực hiện có hiệu quả. Phong trào đã thực sự đi vào cuộc sống và tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ động viên tinh thần, nghị lực vượt khó của quần chúng nhân dân vươn lên làm giàu chính đáng. Mô hình vườn chè nguyên liệu ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cho hiệu quả kinh tế cao Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền trong phát triển phong trào, 10 năm qua các cấp Hội Nông dân cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức được trên 60 nghìn buổi tuyên truyền cho trên 1,8 triệu lượt người. Đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức trên 10 nghìn lớp tập huấn kiến thức chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức 52 hội nghị đối thoại trực tiếp với nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu cho trên 4 nghìn lượt nông dân; 18 hội nghị tập huấn kỹ năng tổ chức xây dựng mô hình liên kết hợp tác theo chuỗi giá trị nông sản tại 9 huyện, thành phố cho trên 1.200 lượt người; xây dựng hàng trăm phóng sự, hàng nghìn bài viết biểu dương gương tập thể, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu các cấp… để động viên, khuyến khích hộ nông dân vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân thực hiện tốt phong trào, các cấp Hội trong tỉnh hợp đồng ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. Dư nợ từ 17 chương trình cho vay do Hội Nông dân quản lý đạt trên 665, 3 tỷ đồng cho trên 18,9 hộ vay, tại 641 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Song song với đó, Hội đã Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Lào Cai cho vay theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó có 9/9 huyện, Thành Hội đã ký chương trình phối hợp với chi nhánh Agribank, tín chấp thông qua tổ chức Hội đạt 1.054,4 tỷ đồng cho trên 15,2 nghìn hộ vay tại 650 tổ liên kết để tập trung đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh của hộ theo hướng sản xuất hàng hóa. Hàng năm hội nông dân các cấp cũng chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác tham gia chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại quảng bá tiêu thụ nông sản tại các hội chợ, điểm du lịch… Tham gia hoạt động tôn vinh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc; tôn vinh nông dân tiêu biểu, xuất sắc nhất do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ ngành trung ương tổ chức. Trong 10 năm, Hội đã triển khai 243 mô hình, dự án về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện là trên 75 tỷ đồng xây dựng mô hình. Các cấp hội cũng tích cực vận động các hộ nông dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu công lao động, hàng trăm tấn hạt giống, hàng triệu cây con giống hỗ trợ các hộ nghèo, các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh tận dụng các điều kiện tự nhiên, xã hội sẵn có, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, khắc phục khó khăn, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Người dân tham quan mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học tại xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên Bình quân, hàng năm có trên 20 nghìn hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. 100% xã, phường, thị trấn có hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào ngày càng duy trì và có bước phát triển tốt. Nhiều hộ kỳ trước đạt danh hiệu cấp xã vươn lên cấp huyện, cấp huyện vươn lên cấp tỉnh và cao hơn... 149 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi có mô hình mới đạt hiệu quả: Mô hình cây ăn quả có múi ở Sa Pa, Mường Khương, cây tam thất ở Si Ma Cai, sa nhân tím ở Bát Xát, chế biến sắn, gỗ Bảo Yên, Bảo Thắng, rau hoa cao cấp Bắc Hà, Sa Pa, chăn nuôi ngựa, trâu sinh sản tại Văn Bàn, Bảo Yên… Số hộ có thu nhập cao là 7.077 hộ, đạt từ 100 triệu đồng trở lên, chiếm 64,15 % trên tổng số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, 829 hộ thu nhập từ 201 triệu đến 300 triệu, 280 hộ thu nhập từ 301 triệu đến 500 triệu, 79 hộ có thu nhập từ 501 -  1.000 triệu đồng và đặc biệt có 11 hộ thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng/năm. Số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Tiêu biểu như ông Thào Thắng, dân tộc Mông xã Bản Lầu huyện Mường Khương thu nhập 1,3 tỷ đồng/năm; ông Tẩn Vần Chẳn dân tộc Dao, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa thu nhập 650 triệu đồng/năm; bà Cổ Thị Quân, dân tộc Tày xã Vĩnh Yên huyện Bảo Yên thu nhập 320 triệu đồng/năm… Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hình mẫu người nông dân gắn với nông thôn mới.  Đồng thời, làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức trong sản xuất, kinh doanh giỏi, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho nông dân có thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Bảo Linh

Nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ khí tài tác chiến điện tử hiện đại

TĐKT - Sáng 24/10, tại Hà Nội, Cục Tác chiến Điện tử (TCĐT), Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) tổ chức Đại hội thi đua Quyết thắng (TĐQT) giai đoạn (2013 - 2018) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Tới dự có: Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam dự và phát biểu chỉ đạo; Thiếu tướng Hồ Thanh Tự, Phó Bí thư Đảng ủy BTTM – Cơ quan Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Chính trị BTTM. Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam gắn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất lên Quân kỳ Quyết thắng của Cục Tác chiến Điện tử Thời gian qua, phong trào TĐQT luôn được Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Cục TCĐT và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Cục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Phong trào TĐQT của Cục được triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, có chiều sâu và đạt nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực hoạt động. Nhiều nội dung, chỉ tiêu thi đua đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ năm 2013 - 2018, Cục TCĐT đã triển khai 16 đợt thi đua đột kích và cao điểm. Hoạt động thi đua luôn gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" và các cuộc vận động, phong trào thi đua của các ngành, các cấp. Các phong trào thi đua yêu nước nói chung và thi đua Quyết thắng nói riêng đã tạo động lực mạnh mẽ động viên cán  bộ, chiến sĩ Cục TCĐT hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Cục đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý lực lượng TCĐT cơ động của Bộ Quốc phòng, duy trì nghiêm nền nếp sẵn sàng chiến đấu, quản lý, nắm chắc tình hình điện tử các khu vực trọng điểm. Công tác huấn luyện có nhiều chuyển biến tiến bộ, có nhiều đột phá tích cực về huấn luyện ngoại ngữ, huấn luyện khí tài mới, huấn luyện sát với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Nền nếp công tác kỹ thuật được duy trì nghiêm túc; bảo đảm tốt hệ số kỹ thuật cho trang bị khí tài làm nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu... 5 năm qua, Cục đã triển khai hàng chục đề tài, dự án khoa học công nghệ đúng tiến độ, nhiều đề tài được hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Quốc phòng, BTTM đánh giá xuất sắc. Các sản phẩm khoa học công nghệ đều được chuyển giao, đưa vào hoạt động thực tiễn, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng... Phát biểu tại Đại hội, Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam biểu dương, ghi nhận những thành tích Cục TCĐT đã đạt được trong phong trào TĐQT. Đồng thời, đề nghị, trong thời gian tới, Cục TCĐT cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng và phong trào TĐQT lên một bước mới. Cục và các cơ quan, đơn vị trong cục tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ Chính trị, của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong QĐND Việt Nam. Triển khai đồng bộ, sâu rộng, toàn diện phong trào TĐQT. Hướng các nội dung thi đua vào xây dựng lực lượng TCĐT cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh và vững mạnh xuất sắc. Nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm chủ công nghệ, vũ khí trang bị, khí tài TCĐT hiện đại; bảo đảm an toàn tiết kiệm. Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, xây dựng, phát hiện và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay và điển hình tiên tiến. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm bảo đảm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trong Cục... Tại Đại hội, Cục TCĐT vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. 8 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào TĐQT giai đoạn 2013 – 2018 được trao tặng giấy khen của BTTM, giấy khen của Cục TCĐT. Phương Thanh

Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng: Phát huy truyền thống, viết tiếp chiến công

TĐKT – Họ luôn một lòng trung thành với Đảng, vì nước, vì dân, luôn khẳng định sự bao dung, độ lượng, nhân ái, nhân văn, tất cả vì sự nghiệp giáo dục, cải tạo những người lầm lỗi trở thành người có ích cho gia đình, xã hội... Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành (7/11/1950 - 7/11/2018), cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng luôn đồng cam cộng khổ, sát cánh vượt qua mọi thử thách, hoàn thành xuất sắc trọng trách của Đảng và Nhà nước giao phó. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với các lực lượng khác của Công an nhân dân (CAND) Việt Nam, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam ra đời có nhiệm vụ quản lý, giáo dục cải tạo những người phạm tội, những kẻ chống lại chính quyền cách mạng, phá rối trật tự, an toàn xã hội. Để thống nhất quản lý các trại giam và thực hiện đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giam giữ, giáo huấn các loại tội phạm, ngày 7/11/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 150/SL về “Tổ chức các trại giam”. Đây là văn bản pháp lý cao nhất đầu tiên của Nhà nước ta về công tác quản lý trại giam và ngày 7/11/1950 đã trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành (07/11/1950 - 07/11/2018), dưới sự lãnh đạo của Ðảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng ngày càng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ cách mạng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Những trang sử truyền thống vẻ vang Thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam ra đời phục vụ cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 -1954). Qua 9 năm kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng CAND nói chung, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam nói riêng đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Chương trình thắp sáng ước mơ hoàn lương lần thứ IV năm 2016 tại trại giam Bình Điền Đất nước bước sang giai đoạn (1954 - 1975), lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam được củng cố và phát triển, đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Thời kỳ này, số lượng phạm nhân trong các trại giam tăng nhanh, nhiều trại giam bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt mang tính huỷ diệt: Trại giam số 3, Phú Sơn 4, Trại Yên Hoà, Yên Thọ... Song do chủ động phòng ngừa nên ta đã hạn chế được thiệt hại, quản lý chặt chẽ phạm nhân, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác, đảm bảo an toàn trại giam, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm tham gia chi viện cho lực lượng an ninh miền Nam, trong đó có gần 700 cán bộ cốt cán từ các trại giam phía Bắc đã chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây cũng là thời kỳ các trường giáo dục thiếu niên hư (sau này đổi tên là trường giáo dưỡng) ra đời. Các trường đã quản lý, giáo dục hàng ngàn học sinh hư từ bỏ tật xấu trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới - đất nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 -1986), lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam thực hiện nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, xây dựng và bảo vệ trại giam. Từ quản lý cải tạo gần 10 vạn đối tượng là ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho lực lượng trinh sát về tổ chức, hoạt động của bộ máy nguỵ quân, ngụy quyền, các tổ chức, đảng phái phản động..., tố giác những tên còn lẩn trốn, đấu tranh phát hiện những tên nội gián, làm trong sạch nội bộ, phát hiện, đấu tranh làm tan rã kế hoạch hậu chiến của Mỹ và các thế lực phản động. Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam còn tham gia làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Kế thừa và phát huy thành quả Từ năm 1986 đến nay, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã từng bước được kiện toàn, các hoạt động đi vào nền nếp, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng đã chủ động khắc phục khó khăn, tích cực tham mưu, đề xuất ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp: Luật Thi hành án hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ về quy định các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và các nghị định, đề án, thông tư khác. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trình Quốc hội thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác nghiệp vụ, quản lý, giám sát nghiêm ngặt, chặt chẽ các loại đối tượng, an ninh, an toàn cơ sở giam giữ được bảo đảm; chế độ, chính sách đối với đối tượng giam, giữ được duy trì; công tác quản lý, theo dõi, giám sát, giúp đỡ người có án phạt ngoài hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ, người chấp hành xong án phạt tù đi vào nền nếp, góp phần làm giảm tỷ lệ tái phạm; công tác hỗ trợ tư pháp, quản lý vật chứng được thực hiện theo đúng quy định. Phạm nhân đang tích cực lao động, sản xuất dưới sự giám sát, hướng dẫn của cán bộ quản lý Thực hiện Luật Đặc xá năm 2007, từ năm 2009 đến nay, lực lượng này đã tham mưu giúp Bộ Công an báo cáo Chính phủ trình Chủ tịch nước Quyết định đặc xá 6 lần cho trên 80.000 phạm nhân. Đặc biệt năm 2018, lần đầu tiên thực hiện các quy định của pháp luật về tha tù trước thời hạn có điều kiện - đây là cơ chế mới được quy định trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, đã có hơn 2.000 phạm nhân đủ điều kiện được tha tù trước thời hạn. Đồng thời, đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương trong việc bàn giao, tiếp nhận và xây dựng các mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, hạn chế tái phạm tội. Đặc biệt, thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng được tách từ Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, có chức năng giúp Bộ trưởng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về công tác thi hành án phạt tù, thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện công tác thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và trực tiếp quản lý các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở lưu trú theo quy định của pháp luật; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội theo quy định. Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng nhất (năm 1985, 2012),  Huân chương Độc lập hạng nhất (năm 2000), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2005), đặc biệt năm 2009 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; có 24 lượt đơn vị cơ sở và 77 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng ngàn lượt tập thể, hàng vạn lượt cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, các danh hiệu vinh dự nhà nước và bằng khen các loại. Không ngừng đổi mới, viết tiếp chiến công Đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế với những thời cơ, vận hội và thách thức mới đan xen. Tình hình thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những bất trắc, khó lường. Các thế lực thù địch vẫn ráo riết thực hiện các hoạt động diễn biến hòa bình, gây rối, bạo loạn làm mất ổn định chính trị xã hội, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm có những diễn biến phức tạp, các đối tượng đưa vào cơ sở giam giữ đa dạng về thành phần, phương thức, thủ đoạn chống đối ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, ngăn chặn phạm nhân vi phạm nội quy, tổ chức gây rối, chống phá, tấn công cán bộ, đòi yêu sách tại các cơ sở giam giữ là hết sức quan trọng. Cán bộ trại giam Thanh Phong đang hướng dẫn nghề làm mi mắt cho nữ phạm nhân Để góp phần đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng phải tỏ rõ bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, sáng tạo, kiên trì, bền bỉ, chủ động khắc phục khó khăn. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp công tác; chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của ngành. Quan tâm, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, Khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”. Khó khăn, thách thức còn nhiều, song với bề dày truyền thống 68 năm xây dựng và trưởng thành, với bản lĩnh, sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, chúng ta tin tưởng rằng lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, cũng như sự tin cậy, mong đợi của nhân dân. Mai Thảo

Trang