TĐKT - Được chính thức tái lập và trở thành đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bình Phước từ năm 2009, huyện Hớn Quản có diện tích tự nhiên 664,13 km2 và dân số trên 101.000 người. Chặng đường 10 năm qua đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” trong mọi mặt đời sống xã hội địa phương với mức thu ngân sách bình quân tăng 19,067%/năm; thu nhập tăng 4,1 triệu đồng/người/năm. Những biến đổi tích cực ấy xuất phát từ sự lãnh đạo sáng suốt của Huyện ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND huyện, sự điều hành linh hoạt của UBND huyện, sự phối hợp nhịp nhàng của MTTQ và các đoàn thể cùng nỗ lực của người dân.
Tạo mọi điều kiện cho kinh tế phát triển
Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, huyện Hớn Quản đã từng bước chuyển dịch kinh tế với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 17,12%; dịch vụ chiếm 27,35%; nông - lâm nghiệp chiếm 55,53% vào năm 2018.
Hớn Quản đã và đang tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết tập trung trong nông nghiệp. Hiện toàn uyện có 249 trang trại, 24 tổ hợp tác nông nghiệp, 15 hợp tác xã.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hớn Quản đã huy động được 1.3771 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới từ nguồn vốn trung ương, tỉnh, huyện, vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp và nhân dân. Huyện hiện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân đạt 15,92 tiêu chí.
Đại hội Thi đua yêu nước huyện Hớn Quản lần II (2010 - 2015)
Huyện đã áp dụng nhiều chính sách thu hút đầu tư, quy hoạch 5 cụm công nghiệp, 3 khu công nghiệp. Trên địa bàn huyện hiện có 152 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong ngành nghề: Chế biến gỗ, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản.
Công tác quản lý Nhà nước về thương mại - dịch vụ, thông tin thị trường, giá cả được siết chặt; các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được phát hiện và xử lý kịp thời. Huyện luôn khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Để tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế - xã hội phát triển, đem tới sự thuận lợi trong sinh hoạt, học tập, lao động sản xuất của người dân, huyện đã triển khai quy hoạch các dự án khu dân cư, công trình công cộng phù hợp với tình hình thực tế và kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài.
Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng công bằng, minh bạch đem tới sự đồng thuận trong nhân dân, đảm bảo tiến độ các dự án. Trong giai đoạn 2014 - 2018, huyện đã đầu tư xây dựng 157 công trình, hoàn thành và đưa vào sử dụng 88,5% công trình.
Quan tâm tới lĩnh vực văn hóa - xã hội trong quá trình hội nhập
Xác định phát triển văn hóa - xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã tạo sự cân đối trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Để những người con Hớn Quản cùng du khách gần xa thêm hiểu, trân trọng những giá trị truyền thống quý báu của mảnh đất này, huyện luôn chú trọng bảo tồn nét đẹp các lễ hội của đồng bào các dân tộc như: Tết CholChnămThmây, Tết SenĐônTa, Lễ hội cầu mưa, Lễ hội Cồng - Chiêng... Hội chọi trâu gắn với Lễ hội Cầu bông Đình thần Tân Khai đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Đời sống tinh thần của người dân Hớn Quản cũng trở nên phong phú với nhiều chương trình văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên.
Chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” được nâng cao với tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 93%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị văn hóa đạt 95,7%.
Dành sự quan tâm không nhỏ tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí, huyện đã mở rộng mạng lưới cơ sở giáo dục đến khắp các xã, phường với 47 trường học, trong đó có 16 trường đạt chuẩn Quốc gia. Năm 2018, Huyện có 13/13 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 1 xã đạt chuẩn mức độ 2 và 12 xã đạt chuẩn mức độ 3 về phổ cập giáo dục tiểu học; 9 xã đạt chuẩn mức độ 1 và 4 xã đạt chuẩn mức độ 2 về phổ cập giáo dục THCS. Trong giai đoạn 2014 - 2018, huyện đã phối hợp đào tạo nghề cho 3.013 lao động, giải quyết việc làm cho 17.113 lao động.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được đầu tư cả về chiều rộng lẫn bề sâu. Năm 2018, huyện có 10/13 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế so với tiêu chí mới; 76,92% trạm y tế có bác sĩ; 95% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng.
Trụ sở Đảng ủy huyện
Giữ vững quốc phòng - an ninh
Thời gian qua, các phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Kỷ cương, trách nhiệm hiệu quả trong lực lượng công an nhân dân”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa, vì nhân dân phục vụ”… đã góp phần không nhỏ trong đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Lực lượng quân sự cơ sở được củng cố đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tỷ lệ dân quân tự vệ đạt 1,42% tổng dân số và cán bộ, công nhân, viên chức trong huyện. Tình hình an ninh nông thôn, an ninh trong dân tộc, tôn giáo, an ninh kinh tế, chính trị nội bộ… luôn được đảm bảo. Lực lượng chức năng chủ động triển khai các phương án bảo đảm an ninh, không để phát sinh điểm nóng, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng giúp kiềm giảm tội phạm.
Một trong những điểm sáng của huyện là công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ giải quyết đơn trung bình hàng năm đều đạt trên 97%.
Huyện cũng mở rộng các tiêu chí khảo sát mức độ hài lòng của người dân để đưa ra những điều chỉnh kịp thời, đem tới sự thuận tiện cho cá nhân, tổ chức khi đến làm việc tại các cơ quan Nhà nước.
Sự phấn đấu không ngừng của cán bộ, nhân dân huyện Hớn Quản được đền đáp bằng diện mạo ngày càng khang trang, hiện đại của địa phương cũng như sự sung túc về mặt vật chất và tinh thần của cộng đồng. Ghi nhận những thành tích ấy, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của UBND tỉnh Bình Phước…
Thu Thủy