Phong trào thi đua

Thái Nguyên thi đua tập trung cải cách hành chính thu hút các nhà đầu tư

TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, tỉnh Thái Nguyên nỗ lực thi đua tập trung cải cách hành chính thu hút các nhà đầu tư. Kết thúc năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 10,44%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Một góc Thái Nguyên Đến nay, về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thái Nguyên luôn được đánh giá là khâu đột phá, mang lại những hiệu quả lớn trong việc thu hút các nhà đầu tư, đạt bước tiến dài trong quá trình phát triển kinh tế. Thời điểm hiện tại, Thái Nguyên đang đứng thứ 7 trên bảng xếp hạng CPI cả nước (năm 2011 đứng thứ 57/63), thuộc top 10 bảng xếp hạng các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các tỉnh miền núi phía Bắc. Phát huy những kết quả đã đạt được, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ trọng tâm mỗi năm. Cùng với các chính sách về cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư..., cải cách hành chính là một động lực, yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên để địa phương đạt mục tiêu xây dựng địa phương thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của vùng về công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục đào tạo, du lịch; tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững với những sản phẩm chủ lực chất lượng cao,... Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc làm việc với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG - một trong những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc hàng đầu Việt Nam có trụ sở và nhiều nhà máy tại tỉnh Thái Nguyên Để đạt được thành tích này, trong thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp, trong đó không thể không nói tới nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư và đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 679.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD - đứng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc và trong top đầu của cả nước. Thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người đạt 77,7 triệu đồng/người/năm... Giai đoạn từ năm 1993 tới 2011, mỗi năm Thái Nguyên chỉ thu hút từ 1-2 hai dự án đầu tư mỗi năm. Cả giai đoạn này, toàn tỉnh có được 23 dự án với tổng vốn đầu tư là 106,8 triệu USD. Trước thực trạng này, lãnh đạo Đảng bộ, Tỉnh ủy đã họp bàn, quyết định đưa ra định hướng phát triển để Thái Nguyên không bị tụt lại phía sau so với cả nước. Là một địa bàn có nhiều tiềm năng về vị trí địa lý, mạng lưới giao thông hợp lý - thuận lợi, có nhiều cơ sở giáo dục đào tạo nhân lực chất lượng cao, có tiềm năng du lịch, đất đai tương đối bằng phẳng, tài nguyên khoáng sản phong phú... chính sách của Thái Nguyên nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước ngay lập tức nhận được sự đồng thuận cao. Nhằm thu hút các nhà đầu tư, Thái Nguyên xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, mang lại sự tin tưởng, an tâm cho các nhà đầu tư và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp. Coi trọng vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân; từng bước yêu cầu các cấp ngành địa phương đánh giá đúng thực trạng cải cách hành chính. Tiến hành công khai, minh bạch 100% các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyểt, giúp các tổ chức cá nhân hiểu rõ, tiện liên hệ làm việc. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức phí và thời gian giải quyết các đầu việc tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của UBND thành phố và cổng thông tin điện tử phục vụ việc tra cứu của mọi đối tượng. Phối cảnh trên cao của khu dân cư Thiên Lộc Triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông suốt các cấp. Quy trình giải quyết tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của thành phố được thực hiện qua hệ thống tự động, trang bị phần mềm nối mạng nội bộ. Chất lượng công tác tại bộ phận một cửa ngày càng hoàn thiện và nâng cao. Mạnh dạn đầu tư, triển khai và nâng cấp hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc đến cán bộ, công chức, viên chức 100% cơ quan. Từ UBND thành phố đến 32 xã phường đã kết nối liên hệ thông một cửa, một cửa liên thông tới UBND thành phố và dịch vụ công của tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên đánh giá tiến độ, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, đặc biệt đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân. Lễ ký kết giữa UBND tỉnh Thái Nguyên & Times Garden Việt Nam Triển khai, áp dụng chỉ số đánh giá cải cách hành chính đối với các đơn vị, địa phương công khai, khách quan để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục. Đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, cắt giảm và nâng cao các thủ tục hành chính trong toàn bộ các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là những thủ tục liên quan tới người dân và doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế khuyến khích tập thể, cá nhân có sáng kiến, hiến kế cải cách hành chính. Liên tục đẩy mạnh tuyên truyền về cải cách hành chính trên các phương tiện truyền thông theo từng thời điểm để lãnh đạo, công chức, viên chức và nhân dân nhận thức rõ hơn về vai trò, mục tiêu, ý nghĩa, sự cần thiết của việc cải cách hành chính. Tích cực triển khai, áp dụng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, kịp thời hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3,4 ở các lĩnh vực: tư pháp, nội vụ, lao động thương binh xã hội, giáo dục đào tạo, công thương, quản lý đô thị,.. Song song với các biện pháp trên, Thái Nguyên còn thường xuyên đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đồng thời, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của lãnh đạo, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Định kỳ tổ chức các cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính, tăng cường giải pháp và cải thiện chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Tỉnh đã công bố kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên mọi địa bàn xã, phường trong tỉnh. Việc kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đồng nhất, kịp thời chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương cho cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính chung của toàn tỉnh. Thái Nguyên đã kết hợp với bưu điện, triển khai 34 thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, mang lại sự tiện lợi và giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nhằm tạo sự đồng bộ, tỉnh đã đầu tư xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho cơ quan Đảng, nhà nước để kết nối giữa các cấp, ngành. Xây dựng hệ thống thư điện tử cho 100% cơ quan, đơn vị nhà nước, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin vào hoạt động tác nghiệp, quản lý, điều hành. Với những nỗ lực không ngừng trong thời gian qua,  tỉnh Thái Nguyên được vinh dự xếp thứ 3 về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính... Hồng Thiết

Tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết

TĐKT - Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới (11/2/2019), Thủ tướng Chính phủ đã có công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Cán bộ, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp ngay từ những ngày làm việc đầu tiên Công điện nêu rõ: Những kết quả quan trọng, toàn diện của đất nước ta trong năm Mậu Tuất 2018 đã bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của đất nước, tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng đón chào Xuân Kỷ Hợi 2019 - năm nỗ lực, bứt phá theo chủ đề hành động của Chính phủ, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Không khí mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin và hy vọng đã lan tỏa rộng khắp trên mọi miền Tổ quốc và cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới. Trước và trong dịp Tết, các bộ, cơ quan, địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón Tết trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Thực hiện kịp thời, thiết thực các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công với Cách mạng, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu đói, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ. Rất nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái đã chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người gặp khó khăn cùng vui Xuân, đón Tết. Hàng hóa Tết phong phú, chất lượng bảo đảm, giá cả ổn định. Hoạt động thông tin, tuyên truyền, văn hóa, thể thao, du lịch diễn ra sôi động, đậm nét truyền thống. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, an toàn thực phẩm được quan tâm, thực hiện tốt. Chủ quyền đất nước được giữ vững. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tình hình tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí. Người Việt Nam đã đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sung túc và sum vầy hơn so với Tết các năm trước. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương, các lực lượng chức năng đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trong dịp Tết, đặc biệt là các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; các bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế ngày đêm trực cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh; cán bộ, công nhân, người lao động trực, làm việc trong dịp Tết; các nhà hảo tâm chung tay chăm lo Tết cùng đồng bào cả nước. Tuy nhiên, trong dịp nghỉ Tết, tình hình vi phạm quy định an toàn giao thông diễn ra phức tạp, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài còn xảy ra; một số địa phương còn có tình trạng đốt pháo nổ; việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, khu du lịch có nơi còn chưa tốt, nhất là vệ sinh môi trường. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai ngay các công việc sau đây: 1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, nêu cao tinh thần quyết tâm, phấn đấu ngay từ ngày đầu năm mới; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ; quán triệt chủ đề hành động năm 2019, cụ thể hóa chủ đề hành động của ngành mình, cấp mình; theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức quản lý, điều hành mới bằng những việc làm cụ thể. Từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ động xây dựng, hoàn thành kịch bản tăng trưởng năm 2019, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/2/2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kịch bản tăng trưởng, trình Chính phủ trong tháng 2/2019; đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay kế hoạch đầu tư năm 2019 hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao. 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thời tiết, chỉ đạo, hướng dẫn địa phương có kế hoạch sản xuất phù hợp, tập trung hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ lúa Đông Xuân. Tập trung các nguồn lực xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Thực hiện tốt công tác dự báo, cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới. Phát động và triển khai hiệu quả Tết trồng cây gắn với kế hoạch trồng rừng và bảo vệ rừng. 3. Bộ Công thương chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực ngay sau kỳ nghỉ Tết, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu. Phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo và có biện pháp hữu hiệu đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm, bảo đảm đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. 4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ giá cả thị trường; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2019. Khẩn trương cụ thể hóa các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. 5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình, tiếp tục giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh; phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; phối hợp với Bộ Công an có biện pháp hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen; bảo đảm an toàn và phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán điện tử. 6. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với các địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải, xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông sau Tết và mùa lễ hội. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng. 7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp. Tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực; không để xảy ra các hoạt động phản cảm trong lễ hội; ngăn chặn tình trạng tăng giá, chèo kéo, ép khách tại các điểm du lịch, lễ hội. 8. Bộ Y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh tiêm chủng bảo vệ sức khỏe nhân dân; tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, lễ hội; tích cực triển khai Đề án “Sức khỏe Việt Nam”. 9. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương chủ động nắm tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết tại các doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp, không để xảy ra tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh. 10. Bộ Công an tiếp tục nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; đẩy mạnh công tác phòng, chống cháy, nổ. Đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm hình sự, tội phạm buôn bán ma túy, hoạt động tín dụng đen. 11. Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp tục theo dõi, nắm tình hình, chủ động các biện pháp xử lý tình huống liên quan đến chủ quyền quốc gia và an ninh quốc phòng, không để bị động, bất ngờ; thực hiện tốt công tác tuyển quân theo kế hoạch. 12. Bộ Ngoại giao thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại, hội nhập năm 2019. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. 13. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong lao động, sản xuất, công tác và học tập; động viên người dân và doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. 14. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, huy động toàn dân, đoàn viên, hội viên chung sức phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ năm 2019. 15. Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, đặc biệt là những công việc tồn đọng, chậm tiến độ do nghỉ Tết, những công việc và thủ tục trực tiếp liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhân dân. Không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ và hiệu quả làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, các doanh nhân và toàn thể nhân dân tranh thủ thời cơ, khí thế mới, khắc phục khó khăn, thách thức, tổ chức lao động sản xuất, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp luôn cùng đồng hành với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, cùng nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, phấn đấu đạt kết quả trên từng lĩnh vực tốt hơn năm 2018. Bình Nguyên

Các địa phương đồng loạt ra quân phát động Tết trồng cây năm 2019

TĐKT - Các địa phương trên cả nước đã đồng loạt ra quân phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Từ lâu, Tết trồng cây đã trở thành một phong tục, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu xuân. Việc phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" năm 2019 có ý nghĩa khởi đầu cho phong trào trồng cây, trồng rừng của cả nước, góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đô thị ngày càng sạch, đẹp, cải thiện môi trường sinh thái. * Sáng 10/2 (tức mồng 6 Tết), tại xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc), UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi 2019. Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy. Lãnh đạo tỉnh Nghệ An và người dân trồng cây tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc ngay sau Lễ phát động Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, suốt 59 năm qua, Tết trồng cây đã trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa đầu Xuân, tạo sức lan tỏa sâu rộng ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân ở Nghệ An. Phong trào Tết trồng cây đầu Xuân hàng năm đã thực sự thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng và bảo vệ rừng của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, nâng độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,7%. Phong trào bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng cũng đã góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh - quốc phòng của tỉnh: Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt gần 180 triệu USD; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn hộ gia đình vùng sâu vùng xa. Theo kế hoạch trồng cây, trồng rừng của UBND tỉnh, năm 2019, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới khoảng 17.000 ha; bảo vệ tốt 951.400 ha rừng hiện có, khoanh nuôi rừng 76.000 ha, chăm sóc 46.740 ha rừng trồng. * Sáng 11/2, tại TP Ninh Bình đã diễn ra Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Dự Lễ phát động, có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình; Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng đông đảo cán bộ, công chức, viên chức thành phố. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia Tết trồng cây tại TP Ninh Bình. Mùa xuân năm nay, TP Ninh Bình phát động tới các phường, xã, cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” bằng tinh thần và trách nhiệm cao nhất, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, xây dựng TP Ninh Bình ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Ngoài việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa các tuyến cây xanh đường phố, TP Ninh Bình còn phát triển nhiều loại hoa, cây cảnh, cùng các thảm cỏ, cây trang trí, tạo điểm nhấn ấn tượng, mang phong cách riêng có của TP Ninh Bình -  thành phố du lịch trong tương lai. Dự kiến trong ngày đầu phát động, toàn thành phố trồng 235 cây xanh và ngay tại điểm phát động (đường Lê Thái Tổ, phường Tân Thành) đã trồng được 35 cây bằng lăng. * Sáng 11/2, tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Lễ ra quân phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Năm 2019, tỉnh Phú Thọ sẽ trồng trên 463 nghìn cây phân tán, 858,5 ha rừng tập trung. Phong trào trồng rừng đã tạo nên chuyển biến trong ý thức của người dân trong việc phát triển kinh tế ngay trên vùng đất trống đồi núi trọc. Hiện tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt 39,5%; trong đó có rừng đặc dụng 17.304 ha; rừng phòng hộ hơn 33.474 ha; rừng sản xuất 29.300 ha. Tính riêng năm 2018, tỉnh Phú Thọ trồng mới 10.580 ha rừng sản xuất. Hoạt động trồng cây đầu năm tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống được tổ chức thường niên. Ngoài việc tạo không khí thi đua lao động còn gắn với giá trị tâm linh, phát huy truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc về trồng, chăm sóc và bảo vệ tài nguyên rừng. Bình Nguyên  

Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương giao ban đầu Xuân Kỷ Hợi - 2019

TĐKT – Sáng 11/2, tại Hà Nội, Ban Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức giao ban đầu Xuân Kỷ Hợi - 2019. Dự buổi giao ban có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; Vụ trưởng Vụ TĐKT Văn phòng Chủ tịch nước Lương Hồng Quang; toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi giao ban Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích Ban TĐKT Trung ương đã đạt được trong năm vừa qua. Ban đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt là tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và công tác TĐKT năm 2018. Phó Chủ tịch nước lưu ý, năm 2019, với tinh thần Chính phủ đề ra theo phương châm "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", phong trào thi đua yêu nước phải bứt phá để đạt được những thành tích cao hơn, tạo đà để đạt và vượt các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cũng như kế hoạch 5 năm 2015 – 2020. Phó Chủ tịch nước tin tưởng với tinh thần nỗ lực không ngừng, cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương sẽ tích cực làm việc, đạt được hiệu quả, chất lượng và những thành tích cao hơn nữa. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, đồng chí Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương thay mặt tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT thể hiện quyết tâm sẽ “Kỷ cương, đột phá, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019”. Trong đó, tham mưu với Đảng, Nhà nước và Hội đồng TĐKT Trung ương ban hành các văn bản tiến tới tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X – năm 2020; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về TĐKT… Phương Thanh

Tết trồng cây Xuân Kỷ Hợi - 2019: Góp thêm hương sắc cho Đất Việt mãi mãi xanh tươi

TĐKT - Sáng ngày 10/2 (tức mùng 6 tháng Giêng), tại thôn 6 xã Việt Cường, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái), Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát động Tết trồng cây “đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Kỷ Hợi 2019. Buổi lễ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức. Cùng dự Lễ phát động, có các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, cùng đông đảo nhân dân địa phương. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển rừng còn hạn chế, ngành lâm nghiệp đạt được kết quả cao và toàn diện, nhiều chỉ tiêu chủ yếu vượt kế hoạch đề ra. Cả nước trồng được trên 231 nghìn ha rừng tập trung (vượt 18,7% kế hoạch) và trên 63 triệu cây phân tán (vượt 27,7% kế hoạch); khoán quản lý bảo vệ 6,5 triệu ha rừng; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 386 nghìn ha. Giá trị xuất khẩu lâm sản vượt ngưỡng 9,3 tỷ USD, xuất siêu 7 tỷ USD; thu chi trả dịch vụ môi trường rừng 2.860 tỷ đồng; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6,10%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%. Những thành quả của ngành lâm nghiệp góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, có ý nghĩa kinh tế, xã hội và nhân văn sâu sắc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ (ảnh: VGP) Tại lễ phát động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đánh hồi trống phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Kỷ Hợi năm 2019, đồng thời phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công tác trồng cây, trồng rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Cách đây gần 60 năm, ngày 28/11/1959, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết bài đăng trên báo Nhân Dân với nhan đề "Tết trồng cây", phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây, gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Người chỉ rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều"; "Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các cháu nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia". Cuối năm Kỷ Hợi (1959), Người kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây, gọi là "Tết trồng cây"; khuyên nhân dân cần duy trì bền bỉ "Tết trồng cây". Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, toàn dân ta đã thực hiện "Tết trồng cây" đầu tiên trong dịp Tết nguyên đán Canh Tý (1960). Từ đó tới nay, "Tết trồng cây" theo lời Bác đã thực sự mang lại lợi ích to lớn cho đất nước và trở thành một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong những dịp tết đến xuân về. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Mỗi năm đất nước phải dành một diện tích đáng kể để phát triển công nghiệp, đô thị. Cùng với quá trình này, chất lượng môi trường cũng đang ngày càng suy giảm đến mức báo động, những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất và nước biển dâng là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI. Những năm qua, thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề. Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên đã trở thành một xu thế chủ đạo, yêu cầu sống còn của mỗi quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh đó, việc trồng cây, gây rừng càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa to lớn. Trồng thêm cây xanh sẽ góp phần khắc phục sự tàn phá, khai thác rừng bừa bãi, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt; tạo ra một tiềm năng của cải vật chất to lớn cho đời sống của mỗi gia đình và xã hội. Đối với các thành phố, trung tâm công nghiệp, trồng thêm cây xanh còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giữ cho không khí trong lành. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia Tết trồng cây. (ảnh: VGP) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, các cấp, các ngành, các địa phương, toàn thể đồng bào, đồng chí hãy hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, trồng cây nào, tốt cây đó; đồng thời nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững. Ngay sau Lễ phát động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu có mặt, đồng chí, đồng bào địa phương tham gia Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Kỷ Hợi 2019, tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng 20 suất quà cho các hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trấn Yên nhằm động viên, chia sẻ khó khăn với các hộ gia đình trong dịp xuân mới 2019. Nguyệt Hà  

Bộ Tài chính dẫn đầu về số lượng Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

TĐKT - Tính đến nay, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính là 987 thủ tục. Trong đó, số lượng TTHC mức độ 1 là 127, số lượng TTHC mức độ 2 là 404, số lượng TTHC mức độ 3 là 163 và số lượng TTHC mức độ 4 là 293. So với năm 2017, tổng số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 của ngành Tài chính đã từ 331 lên 456 dịch vụ. Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế là 2 đơn vị có số lượng DVCTT mức độ 4 và số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến nhiều nhất. Ngoài ra, DVCTT cấp mã số quan hệ ngân sách, DVCTT lĩnh vực quản lý giá và DVCTT của Kho bạc Nhà nước cũng được người dân khai thác sử dụng hiệu quả. Bộ Tài chính dẫn đầu về số lượng DVCTT mức độ 3, 4 Ngành Tài chính đã thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, trong đó, cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế. Ngành Tài chính cũng tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng. Bên cạnh đó, hệ thống Hải quan điện tử tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN. Ngành Tài chính cũng phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan hải quan với các cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bảo hiểm và các dịch vụ khác có liên quan. Các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng cũng được Kho bạc Nhà nước xây dựng, triển khai. Có thể thấy, hệ thống DVCTT của cơ quan Bộ Tài chính đã cung cấp các tính năng, chức năng để phục vụ đa dạng các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Bộ và tạo lập các cơ sở dữ liệu cơ bản về thông tin liên quan đến các dịch vụ công của Bộ Tài chính. Nhờ đó, các cá nhân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công ngành Tài chính được thuận tiện, giảm thiểu chi phí, thời gian và công sức. Mặt khác, hệ thống cũng hỗ trợ các cán bộ trong ngành tài chính làm công tác quản lý, xử lý các quy trình thủ tục của dịch vụ công được thuận lợi, hiệu quả, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các cá nhân tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ công. Với những kết quả đạt được, DVCTT của ngành Tài chính luôn được người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá cao. Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, Bộ Tài chính xếp thứ nhất trong các bộ và cơ quan ngang bộ về số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 với 331 dịch vụ và số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến với trên 29 triệu hồ sơ. Bộ Tài chính cũng xếp thứ 2 về DVCTT trong bảng xếp hạng ICT Index 2017. Trong năm 2018, Bộ Tài chính được vinh danh đứng đầu khối các bộ, ngành ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng Chính phủ điện tử tại “Lễ công bố Đơn vị phát triển Chính phủ điện tử tiêu biểu năm 2017” được tổ chức bởi Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì phối hợp với Công ty IDG Việt Nam. La Giang

Phụ nữ xã Hạ Bì thi đua học tập và làm theo gương Bác

TĐKT - Thực hiện Chỉ thị 05, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hạ Bì (Kim Bôi, Hòa Bình) đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực. Nhiều hoạt động đã đi vào nền nếp, tạo sức lan tỏa trong hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư. Phụ nữ xã Hạ Bì tham gia mô hình thêu thổ cẩm, tăng thu nhập cho gia đình Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN xã Hạ Bì cho biết: Với phương châm thực hiện phong trào thi đua làm theo lời Bác phải cụ thể, thiết thực, hiệu quả, lời nói đi đôi với việc làm, Hội phụ nữ xã đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới; xây dựng người phụ nữ có sức khỏe, tri thức; năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc; phụ nữ tham gia xây dựng nông thôn mới… Ngay từ đầu năm, Hội đã xây dựng kế hoạch triển khai, chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền; quán triệt tới từng cán bộ, hội viên và phụ nữ về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa nội dung học tập và làm theo Bác vào sinh hoạt hàng tháng gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và ý thức tự giác của hội viên, phụ nữ trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt gia đình và công việc xã hội. Đồng thời, Hội cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên, Ban Văn hóa, Ban Dân số xã tổ chức các buổi tuyên truyền về dân số - kế hoạch hóa gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, Luật Hôn nhân và Gia đình… Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác vận động và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ngoài tăng cường các hoạt động tuyên truyền, Hội còn phát động các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... đến 100% các chi hội và thu hút sự hưởng ứng của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn xã. Xác định việc giúp nhau phát triển kinh tế là công tác trọng tâm, vừa góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, vừa là đòn bẩy trong việc thực hiện các nhiệm vụ, năm 2018 tổ chức nhiều buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; giúp 399 lượt hội viên vay quỹ Hội lãi suất thấp hoặc không lấy lãi với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Song song với đó, từ nguồn quỹ tiết kiệm 39,3 triệu đồng, Hội đã cho 26 hội viên vay. Hội cũng  hỗ trợ 345 hội viên vay bằng nguồn vốn do Hội nhận ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 9,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn giúp đỡ 48 hội viên khó khăn tại các chi hội với số tiền 13,9 triệu đồng và 112 ngày công lao động. Không chỉ giúp nhau vượt khó, vươn lên thoát nghèo, phụ nữ xã Hạ Bì còn tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm” được Hội LHPN xã phát động đầu năm 2018. Với phong trào này, Hội LHPN xã đã tổ chức giao lưu tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa tại chi hội Mớ Khoắc; chỉ đạo khảo sát và lập danh sách 34 hội viên tham gia xây dựng mô hình; tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho hội viên về vệ sinh, an toàn thực phẩm tại các buổi sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề tại các chi hội. Ngoài ra, chị em cũng tích cực tham gia các phong trào từ thiện của địa phương. Năm 2018, Hội đã hỗ trợ 11 học sinh nghèo dịp Tết, trị giá trên 1,27 triệu đồng; tặng quà 37 cháu có hoàn cảnh khó khăn học giỏi nhân Tết Thiếu nhi 1/6 trị giá 1,6 triệu đồng; hỗ trợ 16 học sinh khó khăn nhân dịp khai giảng năm học mới. Hội cũng quan tâm, thăm hỏi, tặng quà 16 gia đình có công; huy động 355 ngày công giúp 27 hộ chính sách… Học theo Bác, đoàn kết vượt qua khó khăn, Hội LHPN xã đã được Đảng ủy, chính quyền địa phương và tổ chức hội cấp trên đánh giá cao. Chị Nga nhấn mạnh: Hội LHPN xã Hạ Bì đã gương mẫu trong việc thực hiện làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động ở địa phương. Chị em phụ nữ tham gia sinh hoạt hội đông đủ, tích cực lao động, sản xuất và bảo vệ môi trường. Tuệ Minh  

Liên đoàn Lao động TP Hà Nội: Không ngừng đổi mới vì lợi ích đoàn viên công đoàn

TĐKT - Năng động, sáng tạo không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên, năm 2018, phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn Thủ đô đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại Hội nghị tổng kết phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn Thủ đô năm 2018, phát động thi đua năm 2019, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội vinh dự được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Cũng dịp này, có 6 tập thể được nhận Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội và 14 tập thể nhận Cờ thi đua xuất sắc của Tổng LĐLĐ Việt Nam; LĐLĐ thành phố cũng tặng Cờ thi đua cho 10 tập thể xuất sắc. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội trao Cờ thi đua của Chính phủ cho LĐLĐ TP Hà Nội Vì lợi ích đoàn viên công đoàn Thực hiện chủ đề năm “Vì lợi ích đoàn viên”, năm 2018, các cấp công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai mạnh mẽ các chương trình nhằm đại diện, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên và người lao động (NLĐ). Đã có 2.236 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung cao hơn quy định pháp luật. Các cấp Công đoàn đã thăm hỏi, trợ cấp cho 56.500 CNVCLĐ và con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền trên 31 tỷ đồng; xét duyệt hỗ trợ xây dựng 68 “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 1,75 tỷ đồng. Các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã trợ cấp cho 32.400 trường hợp CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, con CNVCLĐ bị tật nguyền, nhiễm chất độc da cam, dioxin; gia đình CNLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các Công đoàn cấp trên cơ sở đã ký thỏa thuận với 63 doanh nghiệp trên địa bàn, có 5.009 CĐCS triển khai đến 244.389 đoàn viên sử dụng dịch vụ. Giá trị đoàn viên được hưởng lợi từ chương trình trên 1 tỷ 059 đồng và hầu hết các sản phẩm đều giảm giá từ 5 - 10%, cao nhất là 50% so với giá niêm yết. Riêng LĐLĐ thành phố ký thỏa thuận với 5 doanh nghiệp về chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội thành phố thành lập các tổ công tác hàng tháng trực tiếp xuống các khu công nghiệp để giải quyết các thủ tục về bảo hiểm cho CNLĐ và tư vấn giải đáp các kiến nghị, đề xuất của CNLĐ. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, LĐLĐ thành phố đã tổ chức Chương trình “Tết Sum vầy 2018” với sự tham gia của trên 1.000 CNLĐ tại Khu Công nghiệp Kim Chung, Đông Anh. Tặng quà cho 800 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tặng 3 sổ tiết kiệm cho 3 CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi sổ tiết kiệm 10 triệu đồng. Đã có 26 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 423 CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức chương trình “Tết Sum vầy 2018”. Các cấp Công đoàn đã tổ chức và phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 726 chuyến xe đưa 28.960 CNLĐ về quê đón Tết. Công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đạt được kết quả cao, đã thành lập mới 571/490 CĐCS (đạt 116,53% kế hoạch); kết nạp mới 38.443/30.000 đoàn viên (đạt 128,14% kế hoạch). Trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành lập mới 539/430 CĐCS, đạt 125,35% chỉ tiêu kế hoạch của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy giao năm 2018 và kết nạp mới 35.207 đoàn viên. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện một số mô hình thí điểm tiếp tục có những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn thành phố có 5 đơn vị đã thành lập được 15 nghiệp đoàn giáo viên mầm non ngoài công lập với 488 đoàn viên; năm 2018 đã có 17 đơn vị thành lập được 33 CĐCS với 1.161 đoàn viên theo phương thức mới, quy định tại Điều 17 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam… Sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước Cùng với đại diện, bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên và NLĐ, năm 2018, các cấp công đoàn Thủ đô tổ chức triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi, tập trung hướng về cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm, động viên đoàn viên, người lao động khắc phục khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Ngay từ đầu năm đã có 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chỉ đạo 90 đơn vị phát động điểm và hơn 90% các CĐCS phối hợp với chuyên môn phát động thi đua trong CNVCLĐ. Trong đó, tập trung vào phong trào thi đua “Lao động giỏi”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Hai tốt” trong ngành Giáo dục. Đặc biệt, chào mừng Đại hội XVI Công đoàn TP Hà Nội, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), LĐLĐ thành phố tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm tại Công ty TNHH Motor Việt Nam, với sự tham gia hưởng ứng của trên 400 CNLĐ; giới thiệu 2 gương điển hình tiên tiến giao lưu, tọa đàm với Cụm Thi đua số 10 thành phố, Tổng LĐLĐ Việt Nam; hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; tổ chức Hội thảo “Các giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua lao động giỏi, tăng năng suất lao động trong CNLĐ Thủ đô”, gắn biển 5 công trình có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn với tổng kinh phí đầu tư 254,8 tỷ đồng. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao Cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn cho các đơn vị  Kết quả, năm 2018, tại Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 556-QĐ/CTN tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho LĐLĐ TP Hà Nội. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho đội ngũ CNVCLĐ và các thế hệ cán bộ Công đoàn Thủ đô. Ngoài ra, trong năm, đã có 3 cá nhân được Tổng Liên đoàn trao giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018, 1 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen, 10 gương điển hình tiên tiến “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội. Cá nhân đồng chí Nguyễn Văn Cường, công nhân Công ty CP Điện cơ Thống nhất được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”. LĐLĐ thành phố cũng tổ chức Hội nghị tổng kết và tặng Bằng khen cho 12 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và chào mừng Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI. Đồng thời khen thưởng 170 tập thể, 90 cá nhân khối giáo dục phổ thông; khen thưởng 16 tập thể, 11 cá nhân khối các trường đại học, cao đẳng trực thuộc LĐLĐ thành phố có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn và phong trào thi đua năm học 2017 - 2018. Trong năm 2019, Công đoàn Thủ đô tiếp tục làm tốt công tác chăm lo, đại diện và bảo vệ quyền lợi ích cho đoàn viên, NLĐ; phát triển đoàn viên mới đi đôi với xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, đổi mới tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua một cách thiết thực và hiệu quả hơn, gắn với việc thực hiện chủ đề công tác “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” của thành phố trong năm 2019; khắc phục khó khăn phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Hưng Vũ  

Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương: Kỷ cương, đột phá, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019

  TĐKT - Ngày 23/1, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Hội nghị công chức, viên chức triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019. Dự Hội nghị, có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; Chủ tịch Công đoàn Ban TĐKT Trung ương Lê Văn Vũ; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các vụ, đơn vị thuộc Ban. Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang báo cáo tại Hội nghị Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Ban TĐKT Trung ương, năm kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018). Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2018 của Hội đồng TĐKT Trung ương và Bộ Nội vụ, Ban TĐKT Trung ương đã tập trung tham mưu triển khai thực hiện các phong trào thi đua, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khen thưởng, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Công tác tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Ban đảm bảo chất lượng, tiến độ theo quy định. Đặc biệt, Ban đã chuẩn bị tốt, chu đáo nội dung cũng như công tác hậu cần tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu Năm 2018, Ban đã hướng dẫn các cụm, khối thi đua tổ chức hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Các phong trào thi đua đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều đổi mới, cách làm hay, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống người dân. Đến tháng 12/2018, cả nước có 3.787 xã và 61 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Phong trào thi đua "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"được triển khai tích cực, hiện cả nước có 121.248 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.234.372 tỷ đồng, tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"được triển khai rộng khắp, tạo được sự thống nhất trong nhận thức của nhân dân, đồng thuận trong xã hội; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 5,5% vào cuối năm 2018. Công tác khen thưởng được thực hiện đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng cho 73.088 trường hợp. Trong đó, khen niên hạn cho lực lượng vũ trang 42.426 trường hợp (chiếm 58%), khen thưởng thành tích kháng chiến 8.351 trường hợp (chiếm 11,4%), khen cống hiến 2.851 trường hợp (chiếm 3,9%), khen thưởng đối ngoại 307 trường hợp (chiếm 0,4%), khen thành tích thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 19.153 trường hợp (chiến 26,3%). Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho các cá nhân Hoạt động cơ quan nền nếp, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính, đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan. Công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng được quan tâm nhiều hơn, qua đó, góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức. Công tác văn phòng đã phát huy tốt vai trò tham mưu, tổng hợp, hậu cần phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ban cũng như hoạt động của các đơn vị chuyên môn trong Ban. Công tác thanh tra, tuyên truyền, cải cách hành chính, triển khai thực hiện ISO, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần chuẩn hóa và đẩy nhanh tiến trình thực hiện công việc trong cơ quan. Ghi nhận những kết quả đã đạt được, Hội nghị đã tổ chức trao tặng Cờ thi đua của Bộ Nội vụ năm 2018 cho Vụ thi đua các bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương (VụII); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho 5 đơn vị và 3 cá nhân; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ cho ông Nguyễn Hữu đoạt, Phó Vụ trưởng VụI, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở cho 17 cá nhân; Bằng khen Trưởng Ban TĐKT Trung ương cho 3 tập thể và 23 cá nhân. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương trong năm qua. Về phương hướng năm 2019, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý 3 vấn đề cần tập trung thực hiện: Thứ nhất, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, nâng cao chất lượng công tác tham mưu.  Cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương cần nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu lưu trữ, tăng cường công tác phối hợp giữa các vụ, đơn vị. Thứ hai, tăng cường vai trò quản lý nhà nước thông qua việc tham mưu xây dựng thể chế, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các bộ ngành địa phương thực hiện các quy định của pháp luật. Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác TĐKT các cấp. Thứ ba, triển khai các công tác chuẩn bị cho Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Hướng dẫn các cấp sơ kết, tổng kết 3 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tại Hội nghị, Ban TĐKT Trung ương đã phát động phong trào thi đua với chủ đề "Kỷ cương, đột phá, sáng tạo, hiệu quả, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019". Chiều cùng ngày, Đảng ủy Ban TĐKT Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng và triển khai nhiệm vụ năm 2019 Phương Thanh  

Những mô hình tiêu biểu trong thực hiện học tập và làm theo Bác ở Bình Lục

TĐKT -  Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ huyện Bình Lục (Hà Nam) đã đưa việc học và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên trong mọi hoạt động của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện. Mô hình tích tụ ruộng đất trồng cây ăn quả, sản xuất nông nghiệp được người dân tích cực hưởng ứng Ông Chu Phương, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Lục cho biết: Việc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các Kế hoạch, Hướng dẫn của Tỉnh ủy đã được Huyện ủy Bình Lục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đề ra. Theo đó, Huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị trực thuộc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai học tập, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị và chuyên đề toàn khóa. Quan điểm chỉ đạo của Huyện ủy Bình Lục là cấp ủy, người đứng đầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị phải nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng và mục đích yêu cầu cũng như nội dung của Chỉ thị. Đối với các tập thể, cá nhân khi đăng ký làm theo tấm gương của Bác phải rõ ràng, không chung chung, có hiệu quả thiết thực với đơn vị công tác. Quá trình tổ chức thực hiện, các đảng ủy trực thuộc chỉ đạo tốt việc học tập, có kiểm tra, giám sát tại địa phương, đơn vị, nắm rõ số lượng cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung làm theo để việc học tập được triển khai sâu rộng và nhanh chóng phát huy hiệu quả ở các chi, đảng bộ. Từ năm 2017, Huyện ủy Bình Lục đã chỉ đạo xây dựng 3 mô hình điểm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức xã trung thực, gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân’’ của Đảng ủy xã Tràng An; “Nêu cao vai trò lãnh đạo của chi bộ trong việc tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế’’ của Chi bộ Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và “Nêu cao vai trò trách nhiệm của Hội Cựu chiến binh (CCB) trong việc phối hợp với Ban Công an xã bảo vệ an ninh, trật tự thôn, xóm” của Hội CCB xã Mỹ Thọ. Qua một năm thực hiện, Huyện ủy Bình Lục đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả của mô hình “Nêu cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức xã trung thực, gần dân, sát dân, gắn bó với nhân dân’’ của Đảng bộ xã Tràng An. Kết quả, xã đã đầu tư gần 2 tỷ đồng sửa chữa nhà làm việc, trang bị cơ sở vật chất của bộ phận “một cửa”, trong đó thiết kế 50% chỗ ngồi cho công dân đến làm việc. Bàn làm việc tại bộ phận “một cửa” được lắp đặt hệ thống quầy gỗ với bảng hiệu đầy đủ của lãnh đạo UBND xã và cán bộ thuộc 4 lĩnh vực: Địa chính - xây dựng; văn phòng – thống kê; tư pháp – hộ tịch; lao động – thương binh, xã hội để nhân dân dễ liên hệ. Thủ tục hành chính và các khoản lệ phí đều được công khai niêm yết rõ ràng. Ngoài đầu tư cơ sở vật chất, xã quan tâm công tác đào tạo cán bộ tại bộ phận “một cửa”, với tinh thần làm việc hiệu quả, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ. Mô hình này đã được nhân dân đánh giá cao và nhanh chóng nhân ra diện rộng. Tính từ tháng 1/2018 đến nay, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Lục đã tiếp nhận giải quyết gần 7.000 hồ sơ, trong đó có 91% hồ sơ được giải quyết trước hạn. Hai mô hình còn lại cũng đã đem lại kết quả tích cực. Tại xã An Ninh đã quy hoạch được vùng đất bãi trồng hơn 4.000 gốc cam Đường Canh. Mô hình tích tụ ruộng đất trồng cây ăn quả, sản xuất nông nghiệp tập trung ở An Ninh đã được nhân ra diện rộng trong toàn huyện.  Tại xã Mỹ Thọ, Hội CCB xã Mỹ Tho đã phối hợp với Ban Công an xã tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chủ động nắm bắt dư luận xã hội, kịp thời ngăn chặn những tệ nạn xã hội, những tiêu cực nảy sinh trong đời sống… Ý thức nêu gương của các CCB đã mang lại những ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Nhờ đó, tình hình trật tự, an toàn xã hội ở Mỹ Thọ được củng cố, ổn định, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bình Lục tiếp tục hướng dẫn các Đảng bộ học tập theo chuyên đề “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh’’. Trên cơ sở đó, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu chuyên đề trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.  Với chuyên đề này, cấp ủy đã phối hợp với lãnh đạo chính quyền, đoàn thể lựa chọn những vấn đề còn hạn chế, tồn tại có liên quan đến tác phong, phong cách của người đứng đầu để tập trung chỉnh sửa. Trong sinh hoạt, thảo luận nội dung lựa chọn, từng đảng viên liên hệ cụ thể việc học tập phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế và phương hướng phấn đấu. Có thể thấy, bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã lan tỏa sâu rộng trong mỗi tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện Bình Lục. Qua đó, góp phần xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, vững mạnh toàn diện, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Bảo Linh

Trang