Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội khai giảng năm học mới 2019 - 2020
TĐKT - Sáng 24/8, tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2019 - 2020. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường dự và phát biểu ý kiến. Chương trình văn nghệ chào mừng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) là trường đại học đa cấp, đa ngành, đa hình thức đào tạo. Người học có thể học liên tục từ đại học tới cao học, nghiên cứu sinh nếu đáp ứng các điều kiện học tập. Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên có nhiệt huyết, có kinh nghiệm, chất lượng cao, với 1.183 cán bộ, giảng viên, có 22 giáo sư, 62 phó giáo sư, 110 tiến sĩ, 680 thạc sĩ. Tỷ lệ cán bộ, giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên đạt 70%. Năm học 2019 – 2020, nhà trường chào đón trên 6500 tân sinh viên Đến nay, HUBT đã cho ra trường 20 khóa đại học chính quy, 17 khóa đại học liên thông, 15 khóa cao học và 4 khóa đào tạo tiến sĩ. Sinh viên tốt nghiệp hầu hết đã có việc làm. Trong số các cựu sinh viên của trường nhiều người đã trở thành giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp hoặc trưởng phòng, phó phòng của đơn vị, công ty, xí nghiệp; có em đã là Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp lớn. Năm học 2019 – 2020, nhà trường chào đón trên 6500 tân sinh viên khóa 24, ở 27 ngành học, thuộc 4 khối: Khối kinh tế, kinh doanh, quản lý; khối ký thuật - công nghệ; khối bảo vệ sức khỏe và khối ngoại ngữ. TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường phát biểu tại Lễ khai giảng Phát biểu tại Lễ khai giảng, TS. Đỗ Quế Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Hiệu trưởng Thường trực nhà trường dặn dò các tân sinh viên khóa 24 cần lưu ý một số vấn đề ngay từ năm đầu và cả quá trình học tập, rèn luyện tại trường để học tập đạt kết quả tốt: Phải tự xác định cho đúng thái độ và động cơ học tập; phải chọn ngành học phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân và thích hợp với yêu cầu của xã hội; phải chống tệ lười học, phải lựa chọn cách học phù hợp và hiệu quả; phải hiểu rõ và thực hiện tốt các nội quy, quy chế của nhà trường... Đặc biệt, cần xây dựng và thực hiện tốt văn hóa học đường của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội với 6 nội dung, tóm tắt trong 12 chữ: "Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, văn minh". Nhân dịp khai giảng năm học mới, TS. Đỗ Quế Lượng mong các thầy cô giáo và cán bộ, công nhân viên toàn trường quan tâm giúp đỡ cho các tân sinh viên khóa 24 nhanh chóng ổn định và hòa nhập với môi trường đào tạo của nhà trường. Chúc các em sinh viên thành công, có nhiều thành tích xuất sắc để góp phần tô đậm thêm thương hiệu của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Đồng chí Phạm Hồng Long, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng trao tặng nhà trường 1 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng Nhằm góp phần khích lệ phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tại buổi lễ, đồng chí Phạm Hồng Long, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã trao tặng nhà trường suất học bổng trị giá 10 triệu đồng để khen thưởng cho các sinh viên tiêu biểu, đạt thành tích tốt trong học tập. Phương ThanhPhong trào thi đua
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt CBCCVC Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương
TĐKT - Sáng 22/8, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng TĐKT Trung ương đã gặp mặt cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL lập ra Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch (17/9/1947 - 17/9/2019) và 15 năm thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (25/8/2004 - 25/8/2019). Cùng dự có: Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang. Toàn cảnh buổi gặp mặt Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Ban. Phó Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao Viện Huân chương, Ban TĐKT Trung ương trong 72 năm qua đã có những đóng góp to lớn trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước, đã đề xuất đúng người, đúng công trạng, đúng thành tích khen thưởng. Các đồng chí đã trách nhiệm, công tâm, khách quan để tham mưu cho Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong công tác khen thưởng; tham mưu tổ chức nhiều phong trào thi đua ý nghĩa. Hiện nay cả nước có 4 phong trào thi đua lớn, phong trào nào cũng có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi gặp mặt Phó Chủ tịch nước lưu ý năm nay là năm quan trọng để chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Thi đua yêu nước các cấp, nhiệm vụ đặt ra cho ngành TĐKT rất nặng nề. Đề nghị Ban TĐKT Trung ương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để ngày càng hoàn thiện pháp luật về TĐKT, trong đó có sửa đổi Luật TĐKT; tiếp tục tham mưu thúc đẩy các phong trào thi đua; thẩm định, trình đề xuất khen thưởng chính xác. “Nhiệm vụ hết sức vinh quang nhưng cũng đòi hỏi trách nhiệm, tinh thần khách quan, vô tư, công tâm để khen thưởng đúng người, đúng công trạng, đúng thành tích… Các đồng chí cần phát huy trách nhiệm người cán bộ, công chức, viên chức theo lời Bác Hồ dạy "vừa hồng, vừa chuyên", đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.” - Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban TĐKT Trung ương Trần Thị Hà thay mặt cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương xin hứa tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ của mình để có nhiều đổi mới, sáng tạo, tham mưu kịp thời, chủ động với Hội đồng TĐKT Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách đổi mới công tác TĐKT, thực hiện theo tư tưởng, lời dạy của Bác: Thi đua là động lực để phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Phương ThanhBan Thi đua - Khen thưởng Trung ương báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Ban
TĐKT - Sáng 22/8, tại Quảng trường Ba Đình, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Lễ báo công dâng Bác nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL lập ra Viện Huân chương thuộc Phủ Chủ tịch (17/9/1947 - 17/9/2019) và 15 năm thành lập Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (25/8/2004 - 25/8/2019). Dự Lễ báo công có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương Trần Thị Hà; Phó Trưởng Ban TĐKT Trung ương Phạm Huy Giang; lãnh đạo các vụ, đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban TĐKT Trung ương. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương Trần Thị Hà đọc lời báo công dâng Bác Ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân, Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của phong trào thi đua yêu nước để giải quyết nhiệm vụ cấp bách như chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 83/SL thành lập Viện Huân chương thuộc Chủ tịch phủ với nhiệm vụ: "Giúp Chủ tịch nước nghiên cứu, ban hành các chế độ, thể lệ khen thưởng Huân chương, Huy chương, xét duyệt, đặt sản xuất và cấp phát các loại Huân chương, Huy chương". 56 năm sau, ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật TĐKT. Ngày 21/5/2004, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, trong đó nhấn mạnh việc củng cố hệ thống tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác TĐKT các cấp. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, ngày 25/8/2004, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2004/NĐ-CP về việc thành lập Ban TĐKT Trung ương, là cơ quan thuộc Chính phủ, giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về TĐKT trong phạm vi cả nước; thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước và tổ chức các hoạt động TĐKT theo quy định của pháp luật. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT tham dự Lễ báo công dâng Bác Đến nay, sau 15 năm thành lập, bộ máy tổ chức của ngành TĐKT nói chung và Ban TĐKT Trung ương nói riêng không ngừng được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng. Ban TĐKT Trung ương hiện nay có 8 vụ, đơn vị, gần 100 công chức, viên chức và nhân viên, trong đó có 6 chuyên viên cao cấp, 36 chuyên viên chính. Đội ngũ cán bộ, công chức ngành TĐKT cũng ngày càng được kiện toàn với trên 1200 cán bộ, công chức ở các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và các địa phương. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành không ngừng được nâng cao về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Báo công dâng Bác, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà khẳng định: Phát huy truyền thống 72 năm của Viện Huân chương, đặc biệt từ khi thành lập Ban năm 2004 đến nay, Ban TĐKT Trung ương luôn nhận thức sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng; luôn chủ động, sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Hội đồng TĐKT Trung ương, Bộ Nội vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác TĐKT đúng định hướng, đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, tính giáo dục, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới đất nước. Ban đã tham mưu trình Quốc hội ban hành Luật TĐKT năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2013, tham mưu trình Bộ Chính trị Đề án đổi mới công tác TĐKT, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 về tiếp tục đổi mới công tác TĐKT; trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Tham mưu tổ chức thành công 3 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc (lần 7, 8, 9) để tổng kết phong trào thi đua qua các giai đoạn và biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng TĐKT Trung ương phát động 5 phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt: Cả nước hướng tới nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển; Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở; gắn các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2018, Ban đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và biểu dương, tôn vinh 700 điển hình tiên tiến qua các giai đoạn trong cả nước. Công tác khen thưởng luôn được thực hiện kịp thời, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và các bộ, ngành, địa phương; kịp thời tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước, đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và xã hội. Đoàn cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương vào Lăng viếng Bác Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành TĐKT, của các thế hệ đi trước, trong 15 năm qua, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Ban TĐKT Trung ương cố gắng phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ về mọi mặt để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ và Hội đồng TĐKT Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Cán bộ, công chức, viên chức Ban TĐKT Trung ương nguyện nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Nội vụ giao, thực hiện tốt chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", góp phần vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. Phương ThanhNhiều cách làm hay, sáng tạo của tuổi trẻ Tây Ninh trong học tập và làm theo gương Bác
TĐKT - Thời gian qua, tuổi trẻ Tây Ninh đã tích cực hưởng ứng Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bằng những kế hoạch và việc làm cụ thể, thiết thực, sau 3 năm triển khai, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong mỗi đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Để việc học tập và làm theo có sức lan tỏa, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, đổi mới các phương thức hoạt động. Trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ĐVTN về ý nghĩa của việc học tập và làm theo lời Bác, các cơ sở Đoàn đã thành lập chuyên mục trên website, chuyên trang “Tuổi trẻ Tây Ninh học tập và làm theo lời Bác” trên mạng xã hội; triển khai trực tuyến các chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ Đoàn và ĐVTN. Đồng thời, các cơ sở Đoàn cũng tổ chức sinh hoạt Đoàn tháng 5 hàng năm với chủ đề “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn”; duy trì kể chuyện về Bác trong sinh hoạt chi đoàn; thi tìm hiểu, triển lãm sách về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, ĐVTN có chuyển biến tốt, tạo được phong trào thi đua sâu rộng trong thanh thiếu niên, học tập, rèn luyện theo Bác. Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai, xây dựng nhiều mô hình, cách làm ý nghĩa. Nổi bật là mô hình “Ống tre Bác Hồ” của Huyện đoàn Dương Minh Châu. Mô hình được phát động thực hiện trong các chi đoàn khối công chức, viên chức, lực lượng vũ trang huyện Dương Minh Châu từ năm 2010 nhằm giúp đỡ học sinh nghèo, đồng thời giáo dục các bạn đoàn viên, thanh niên về tấm lòng nhân ái cũng như lối sống tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Để thực hiện mô hình, đoàn viên các chi đoàn đã tiết kiệm những khoản tiền chi tiêu hằng ngày để bỏ vào ống tre và đến tháng 3 hằng năm sẽ tổ chức thu hoạch. Qua 9 năm thực hiện mô hình, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu đặt được 850 ống tre, thu về số tiền tiết kiệm trên 150 triệu đồng. Huyện đoàn đã tổ chức trao hơn 425 suất học bổng cho học sinh nghèo ở địa phương. Mô hình “Ống tre Bác Hồ” của Huyện đoàn Dương Minh Châu Ngoài ra, còn có nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình “Tuyên truyền lời dạy của Bác Hồ qua tranh thư pháp” của Thành đoàn Tây Ninh; mô hình “Ghế đá danh ngôn” của Huyện đoàn Tân Biên, Hòa Thành, Gò Dầu, Đoàn Khối doanh nghiệp; mô hình “Em nuôi của Đoàn” của Huyện đoàn Trảng Bàng; mô hình “Gia đình tôi học tập và làm theo Bác” của Huyện đoàn Tân Châu; “Bữa ăn tình thương”, “Vui cùng bóng cả” của Huyện đoàn Hòa Thành; “Hạt gạo tình thương” của Huyện đoàn Châu Thành; “Treo ảnh Bác trong nhà” của Huyện đoàn Bến Cầu… Những công trình, phần việc thanh niên này đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với những mô hình hay còn có nhiều nhiều gương thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Điển hình là đồng chí Nguyễn Ngọc Khánh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bộ binh 14, Trung đoàn Bộ binh 174. Anh là một tấm gương đảng viên trẻ luôn nhiệt huyết với công việc. Là sĩ quan quân đội, anh không chỉ nắm chắc chuyên ngành, giỏi nghiệp vụ mà còn gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các chiến sĩ, yêu thương, tích cực giúp đỡ cấp dưới, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, nói đi đôi với làm. Trong 3 năm (2016 - 2018), anh Khánh đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cơ sở; được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; được UBND tỉnh tặng Bằng khen là “Công dân trẻ tiêu biểu” năm 2016 và Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phối hợp làm công tác dân vận năm 2017 và có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Quyết thắng giai đoạn 2013 - 2018. Anh Khánh được tuyên dương tại Chương trình “Tuổi trẻ Tây Ninh làm theo lời Bác năm 2019” Một gương điển hình nữa trong học tập và làm theo gương Bác của tuổi trẻ phải kể đến chị Võ Thị Kiều Diễm, Bí thư Ðoàn xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu). Trong năm qua, chị đã vận động và trao 20 suất học bổng, 2 xe lăn, 7 chiếc xe đạp tặng học sinh nghèo hiếu học và tàn tật. Sau khi học xong đại học và từ chối lời mời làm việc lương cao, chị về quê thành lập Câu lạc bộ gia sư trẻ, đồng thời vận động các bạn thanh niên dạy miễn phí cho các em học sinh khó khăn. Chị đã trích 10% thu nhập để tặng học bổng cho các em. Với những đóng góp của mình, chị Võ Thị Kiều Diễm đã được Tỉnh đoàn Tây Ninh công nhận gương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”. Có thể khẳng định, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã và đang tiếp tục có sức lan tỏa trong ĐVTN Tây Ninh. Tuổi trẻ Tây Ninh đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, nỗ lực xung kích vì cuộc sống cộng đồng, xứng đáng là người ĐVTN mẫu mực, đóng góp công sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Bảo LinhNgành Than - Khoáng sản Việt Nam thi đua học tập và làm theo Bác
TĐKT - Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử gần 180 năm, kể từ ngày Vua Minh Mạng ban Chỉ dụ cho phép khai thác than tại Yên Lãng, Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh (năm 1840). Cùng với tiến trình của lịch sử, đội ngũ công nhân mỏ được hình thành, tôi luyện và lớn mạnh cùng với lịch sử đất nước. Được sự giác ngộ cách mạng và dìu dắt của Đảng, ngày 12/11/1936, hơn 3 vạn thợ mỏ vùng than đã tổ chức cuộc tổng bãi công buộc chủ mỏ và chính quyền thực dân Pháp phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học to lớn về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh; về sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người thợ và nhân dân vùng mỏ. Cũng từ đây, khẩu hiệu của cuộc tổng bãi công “Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng” đã trở thành cương lĩnh hành động, là mệnh lệnh cho đội ngũ công nhân Vùng mỏ trong suốt chặng đường đi theo Đảng, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong suốt gần một thế kỷ qua. Ngày 30-3-1959, Bác Hồ thăm Công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (TP Cẩm Phả) Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến tỉnh Quảng Ninh, đến công nhân ngành Than - Khoáng sản. Người đã nhiều lần về thăm vùng mỏ, thăm công nhân mỏ. Ngày 15/9/1958, Người đã về thăm Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng). Ngày 30/3/1959, Người đã về thăm Mỏ than Đèo Nai. Ngày 15/11/1968, do tình hình sức khỏe không cho phép, Người đã cho mời Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ Ngành Than đến gặp mặt tại Phủ Chủ tịch. Sau khi biểu dương, khen ngợi những thành tích mà công nhân, cán bộ ngành Than đã đạt được, phê bình, nhắc nhở những tồn tại, khuyết điểm, Người ân cần căn dặn: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân, cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh quyết thắng rất vững, phải đoàn kết, nhất trí, phải có đầy đủ ý thức làm chủ nước nhà; làm chủ xí nghiệp, vượt mọi khó khăn, nhằm vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Thực hiện lời dạy của Người, suốt chặng đường hơn 50 năm qua, lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã luôn hăng hái thi đua trong chiến đấu, trong lao động sản xuất với tinh thần “sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”, lập nên những kỳ tích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn người con công nhân mỏ tham gia binh đoàn Than, cầm súng vào chiến trường để trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Tại vùng mỏ, những người công nhân trên tầng cao, trong lò sâu hay bên xưởng máy đã hăng hái lao động quên mình cho dòng than tuôn chảy với các phong trào thi đua một người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc, chi viện cho chiến trường miền Nam. Đất nước được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội với mục tiêu xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là từ khi thành lập Tổng công ty Than Việt nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất của ngành Than - Khoáng sản Việt Nam. Đó là thời kỳ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác hiện đại để tăng năng xuất lao động, tăng sản lượng khai thác và đặc biệt là tiết kiệm nguồn vàng đen của đất nước. Ngày nay, với công nghệ khai thác hiện đại như hệ thống cơ giới hóa đồng bộ khai thác than hầm lò, ô tô chở đất đá tải trọng hàng trăm tấn ở các mỏ lộ thiên, hệ thống băng tải vận chuyển than, đất đá thay cho ô tô, các hệ thống khai thác giếng đứng sâu 350 đến 500 mét ... đã khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn năng lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nếu như năm 1995 - năm đầu thành lập Tổng công ty Than Việt Nam - sản lượng than khai thác mới đạt trên 7,2 triệu tấn thì đến năm 2018 đã sản xuất và tiêu thụ được trên 40 triệu tấn. Tập đoàn cũng phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp khác như khoáng sản, luyện kim, hóa chất mỏ, công nghiệp điện: Năm 2018 đã sản xuất trên 12 ngàn tấn đồng tấm; gần 1,3 triệu tấn Alumin; 70 ngàn tấn thuốc nổ công nghiệp; trên 9,3 tỷ kWh điện; tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 122 ngàn tỷ đồng; nộp ngân sách trên 17 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận đạt trên 4.500 tỷ đồng. Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, đáp ứng đủ than cho các ngành kinh tế trong nước, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho gần 100 ngàn công nhân lao động với thu nhập bình quân đạt trên 10,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Tập đoàn luôn chú trọng đầu tư cải thiện môi trường vùng mỏ, đẩy mạnh đầu tư các dự án, góp phần đảm bảo tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GRDP của các địa phương, nhất là tỉnh Quảng Ninh, góp phần to lớn vào xây dựng tỉnh Quảng Ninh giảu đẹp như ngày hôm nay. Những kết quả mà Tập đoàn đạt được trong những năm qua đã khẳng định cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và người lao động Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản đã và đang kế thừa, phát huy giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của công nhân mỏ, của các thế hệ cha anh đi trước, đã và đang thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ. Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị khóa X, Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2017 của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai tuyên truyền 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và kỷ niệm 50 năm ngày mất của Người ( 02/9/1969 - 02/9/2019), các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn đã triển khai đồng bộ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các phong trào thi đua lao động, sản xuất giành năng suất cao, năng suất kỷ lục. Từ những phong trào ấy, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc: Trong lao động sản xuất có hàng triệu sáng kiến, cải tiến để góp phần tăng năng suất, giảm giá thành, tích cực giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Có những tấm gương hy sinh quên mình để cứu hộ, cứu nạn đồng đội. Hằng năm, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LĐ) Tập đoàn dành hàng trăm tỷ đồng để giúp đỡ 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, thực hiện công tác an sinh xã hội; xây dựng các trường học, trạm xá, công trình hạ tầng giúp đỡ các địa phương nới có đơn vị của TKV; xây dựng “Nhà tình nghĩa”, “Mái ấm công đoàn” giúp đỡ công nhân trong Tập đoàn … Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao được duy trì góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, “Văn hóa thợ mỏ”, tạo dựng con người mới. Những tập thể và cá nhân đó đã trở thành những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có sức lan tỏa để các thế hệ cán bộ, công nhân và người lao động học tập, phấn đấu noi theo. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, lao động sản xuất, đến nay, toàn Tập đoàn đã có 17 tập thể và 19 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 13 tập thể và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trên 700 huân chương các loại cho tập thể và cá nhân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngành Than đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng năm 1996 và danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005. Ý thức sâu sắc về kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ thợ mỏ, tiếp tục thực hiện tốt lời Bác Hồ đã dạy, cán bộ, đảng viên, CNVC-LĐ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nguyện mãi mãi nhiệt huyết, xây đắp truyền thống anh hùng của giai cấp công nhân vùng mỏ bất khuất, phát huy sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, tinh thần lao động sáng tạo, biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống vẻ vang của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam thành nguồn lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”. Hồng ThiếtTĐKT - Những năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã trở thành động lực lớn để thúc đẩy cán bộ, hội viên Hội cựu chiến binh (CCB) xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ để góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Ông Phạm Văn Chiều, Chủ tịch Hội CCB xã Khánh Thành cho biết: Nhận thức được nhiệm vụ hàng đầu của Hội là tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân, chống lại “âm mưu diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, các cấp Hội đã chủ động công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố tinh thần đoàn kết giữa các hội viên và nhân dân. Hội viên tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tham gia có hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở, giải quyết những vấn đề phức tạp, nhạy cảm ở cơ sở.
Nhiều cán bộ, hội viên CCB đã tiên phong hiến đất mở rộng đường giao thông liên xóm, liên xã
Bên cạnh đó, Hội thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên. Bằng nhiều hình thức khai thác, huy động, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, Hội đứng ra tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn. Hiện nay, Hội nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý số vốn trên 3 tỷ đồng hỗ trợ 150 hộ gia đình hội viên vay phát triển sản xuất.
“Từ nguồn vốn hỗ trợ, các hội viên tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Nhiều hội viên đã xây dựng thành công các mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau củ quả an toàn, trồng cây dược liệu, nuôi hươu, nuôi ong lấy mật... mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Một số điển hình trong thực hiện triển khai mô hình này có ông Hoàng Văn Hà, Đỗ Ngọc Ánh, Nguyễn Văn Hải…”- ông Chiều cho biết.
Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, những đồng vốn từ quỹ hội cũng đã góp phần lớn trong công tác giảm nghèo bền vững. Đến nay, trên địa bàn xã, số gia đình hội viên thuộc hộ nghèo chiếm tỷ lệ thấp với 6/449 hộ (1,3%), không có hội viên ở nhà tạm bợ, dột nát.
Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương, Hội đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, ngày công và vật tư để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đồng thời đăng ký với cấp ủy trực tiếp đảm nhận xây dựng 2 mô hình: “Tuyến đường CCB tự quản” và “Cải tạo vườn tạp” theo tiêu chí “sạch, đẹp, an toàn”.
Bên cạnh đó, các chi hội cũng hướng dẫn 100% hội viên thực hiện các tiêu chí để đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của xã thường xuyên sâu sát đến từng hộ gia đình nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Riêng năm 2018, 100% chi hội đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh; 95% gia đình hội viên đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”; 96% hội viên đạt danh hiệu “Cựu chiến binh gương mẫu”.
Với phương châm mỗi hội viên CCB là một chiến sĩ trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự, Hội đã chủ động phối hợp với lực lượng công an địa phương thành lập các tổ tuần tra bảo vệ an ninh trật tự, xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội CCB tự quản về an ninh trật tự ở các khu dân cư.
Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện chương trình giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp; tổ chức các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, thăm hỏi tặng quà các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn; tham gia công tác dọn vệ sinh môi trường...
Với những việc làm thiết thực, phong trào thi đua “CCB gương mẫu” của Hội CCB xã Khánh Thành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thực sự đi vào nền nếp và có những bước phát triển cả về nội dung lẫn hình thức. Qua đó, khích lệ tinh thần để các hội viên hăng hái tham gia các phong trào do hội CCB các cấp phát động. Đây cũng là động lực thúc đẩy các phong trào hoạt động của Hội CCB xã ngày càng đạt hiệu quả, từ đó góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Tùng Chi
Hội Nông dân huyện Kim Bảng: Sôi nổi các phong trào thi đua “Dân vận khéo”
TĐKT - Với những hình thức phong phú, thiết thực, các mô hình “Dân vận khéo” của Hội Nông dân (HND) huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã góp phần quan trọng tạo dựng sự đồng thuận xã hội; khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong phát triển sản xuất, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Bà Phạm Thị Huệ, Chủ tịch HND huyện Kim Bảng cho biết: Để tạo bước đột phá trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, công tác tuyên truyền, vận động được các cấp hội triển khai bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trong các cuộc họp, trên hệ thống loa phát thanh của bản, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cuộc họp... Nhờ vậy các hội viên tích cực hưởng ứng, tham gia. Phong trào “Dân vận khéo” của HND Kim Bảng góp phần đưa Kim Bảng trở thành huyện NTM Cũng theo bà Huệ, nét nổi bật trong “Dân vận khéo” của HND Kim Bảng là dân vận trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Với phong trào này, dân vận khéo được thể hiện bởi việc các cấp Hội quan tâm thực hiện, thường xuyên vận động, tuyên truyền lấy ý kiến của người nông dân, giúp hội viên nông dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM và tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu, thay đổi bộ mặt nông thôn. Kết quả, các cấp Hội phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng NTM ở các xã đã huy động đóng góp được trên 9,2 tỷ đồng, trên 5.800 ngày công, tháo dỡ hàng trăm mét tường rào, cổng ngõ, chặt đốn hàng ngàn cây cối, hiến trên 9.200 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn với chiều dài hơn 39,7 km… Bên cạnh đó, để hỗ trợ nông dân thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, Hội đã quan tâm xây dựng các mô hình trồng cây hàng hóa xuất khẩu. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả đề án Silic-silicamom trên cây lúa, mô hình giống và lúa mới, xây dựng cánh đồng mẫu, sản xuất rau củ quả sạch, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cửa hàng cung cấp và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, phát triển đàn bò sữa, đàn dê sinh sản, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, không sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi… Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng khá và ổn định trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp thu hẹp. Đồng thời, Hội đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm các làng nghề, làng có nghề; phát triển hệ thống thương mại, dịch vụ; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề như làng nghề gốm son (HND thị trấn Quế), làng nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lạc Nhuế (xã Đồng Hóa)... “Dân vận khéo” của các cấp HND cũng đóng góp tích cực và tạo sự chuyển biến trên lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện. Hội đã xây dựng được 10 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện; 180 mô hình cấp xã, thị trấn. Các phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được thực hiện tốt. Hàng năm, 100% hộ nông dân đều đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa”. Việc tang được thực hiện theo nếp sống văn hóa. Hội cũng góp phần duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống; làm tốt công tác bảo tồn di tích. “Các mô hình này đã thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hóa cao, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân” - bà Huệ cho biết. Trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng, các mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Tiêu biểu có các mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại các xã, thị trấn. Thông qua các mô hình này, hội viên nông dân được nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật. Từ đó, hình thành lòng tin, ý thức tôn trọng pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, góp phần tích cực thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Có thể khẳng định, phong trào“Dân vận khéo” của HND Kim Bảng đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tạo sự đoàn kết thống nhất trong hệ thống hội, sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên và nông dân. Từ đó trở thành lực đẩy, đưa các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của nông dân đạt hiệu quả toàn diện trong giai đoạn mới. Bảo LinhKhối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2019
TĐKT - Ngày 8 - 9/8, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm và tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Dự Hội nghị có các đồng chí: Sơn Minh Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương; Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Phạm Huy Giang, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; đại diện lãnh đạo và cán bộ phụ trách công tác thi đua, khen thưởng 14 cơ quan trong Khối. Toàn cảnh Hội nghị 6 tháng đầu năm, các cơ quan trong Khối Thi đua đã hoàn thành một khối lượng lớn các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra; chủ động phát động các phong trào thi đua, thu hút sự tham gia đông đảo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Khối Thi đua đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức trao giải Cuộc thi viết “Cán bộ, đảng viên Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Khối; tổ chức khánh thành và trao 2 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho cựu chiến binh, hộ nghèo, trao 10 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho cựu thanh niên xung phong tại tỉnh Thái Nguyên; Hội nghị Sơ kết đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; tập huấn nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng cho đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác thi đua, khen thưởng của các cơ quan trong Khối; tham quan mô hình xây dựng nông thôn mới và tặng 25 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho cựu thanh niên xung phong và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đắk Lắk… Sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức đảng, đoàn thể cùng cấp trong mọi hoạt động thi đua, khen thưởng đã góp phần quan trọng thúc đẩy các mặt công tác của các cơ quan trong Khối. Hưởng ứng phong trào thi đua“Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, trong 10 năm qua, các cơ quan trong Khối đã nghiêm túc triển khai phong trào với nhiều nội dung, hình thức phong phú phù hợp với đặc thù riêng của các cơ quan. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo được thực hiện và tạo ra sức lan tỏa rộng rãi. Thông qua hoạt động của các thành viên trong Khối, phong trào được nhân rộng hơn, nâng cao được nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về việc thi đua thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ; huy động được nhiều nguồn lực của các địa phương, đơn vị và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương trao hỗ trợ gia đình bà Chu Thị Hường (xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) 50 triệu đồng tiền xây dựng nhà Đại đoàn kết Nhiều cơ quan đã có chỉ đạo điểm hoặc nhận giúp đỡ cho một số địa phương, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nơi còn nhiều khó khăn về xây dựng nông thôn mới; tổ chức cho cán bộ, học viên tham gia nghiên cứu thực tiễn, tìm hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới... Đặc biệt, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành nghiên cứu các đề tài khoa học về nông nghiệp, nông thôn, nông dân và sử dụng các kết quả nghiên cứu vào các bài giảng tại các hệ lớp tại Học viện. Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi thẳng thắn, đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư 08/2017/TT-BNV ngày 27/10/2017 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận ý kiến xây dựng Kế hoạch và Thể lệ cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng Trung ương thi đua thực hiện văn hóa công sở” sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay. Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương trao 10 suất học bổng tặng các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Diên Thọ (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Huy Giang, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã đánh giá cao kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2019 mà Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương đã đạt được. Đồng chí cũng khẳng định Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương là Khối đầu tiên thuộc Khối thi đua các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đã tổ chức hoạt động tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”. Những kết quả mà các đơn vị thuộc Khối đã thực hiện trong phong trào một lần nữa khẳng định ý nghĩa xã hội của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, sự lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, giúp cải thiện đời sống các hộ nghèo trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí cũng hy vọng với việc triển khai cuộc thi “Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Đảng trung ương thi đua thực hiện văn hóa công sở”, các cơ quan trong Khối sẽ có nhiều hình thức hưởng ứng để cuộc thi ngày càng lan tỏa, nhằm tạo dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp, trách nhiệm; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động; tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Ngày 9/8, thực hiện kế hoạch công tác an sinh của Khối, đoàn đã trao tặng 50 triệu đồng hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Chu Thị Hường – hộ gia đình chính sách nghèo tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh. Thăm và làm việc về mô hình nông thôn mới tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh. Đoàn công tác cũng trao 10 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn. Học ViệnTừ 9/10, toàn quân thi đua cao điểm “75 ngày hành động sáng tạo, quyết thắng”
TĐKT - Chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019), toàn quân sẽ triển khai đợt thi đua cao điểm “75 ngày hành động sáng tạo, quyết thắng”. Đợt thi đua cao điểm diễn ra trong 75 ngày (từ 9/10 - 22/12/2019), nhằm tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những chiến công oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; khẳng định vai trò nòng cốt của quân đội trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với tinh thần phát huy truyền thống quân đội anh hùng, sáng tạo, đẩy mạnh thi đua với tinh thần "về đích sớm", hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ năm 2019, đợt thi đua tập trung thực hiện tốt một số nội dung, chỉ tiêu chủ yếu: Nhận thức, trách nhiệm, ý chí quyết tâm cao; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; dân chủ, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm; tổ chức tốt các hoạt động. 100% đơn vị cấp tiểu đoàn, đại đội độc lập, đồn biên phòng và tương đương trở lên có công trình chào mừng kỷ niệ, hoặc sáng kiến, giải pháp công tác mới, hiệu quả, được thực hiện trong thời gian tổ chức đợt thi đua cao điểm. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sóc Trăng (thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9) là đơn vị được lựa chọn để tổ chức làm điểm Lễ phát động thi đua trước ngày 25/9/2019 cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân học tập, rút kinh nghiệm. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân hoàn thành tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm trước ngày 9/10/2019. Đây là hoạt động quan trọng trong phong trào thi đua Quyết thắng và thực hiện nhiệm vụ năm 2019 của toàn quân. Phương ThanhCác cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động hướng tới người lao động
TĐKT - Với phương châm "Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển” nhằm đưa phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), hoạt động công đoàn ngày càng phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, tổ chức Công đoàn Thủ đô luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng bám sát thực tiễn cơ sở, hướng về người lao động nên luôn có sức lôi cuốn, thu hút đông đảo CNVCLĐ tham gia và đạt những kết quả thiết thực. Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), từ 1/5 - 31/7/2019, các cấp Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh triển khai đợt thi đua cao điểm 90 ngày trong CNVCLĐ. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp to lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhằm củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của đoàn viên, CNVCLĐ với Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động CNVCLĐ thi đua lao động, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tham gia đóng góp xây dựng, tháo gỡ khó khăn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ổn định sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng tay nghề, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay. Tuyên dương 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu Các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức tiếp tục tập trung hướng về cơ sở, động viên được đoàn viên, người lao động khắc phục khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và kế hoạch sản xuất, kinh doanh được giao. Trong đó, tiêu biểu phải kể đến hiệu quả thiết thực của phong trào “Công nhân giỏi Thủ đô”. Đây là phong trào hướng đến lực lượng công nhân, lao động (CNLĐ) trực tiếp tại cơ sở. Cùng với đó, các cấp Công đoàn cũng tổ chức sôi nổi các hội thi thợ giỏi, thao diễn kỹ thuật, thi tay nghề, lựa chọn và biểu dương công nhân giỏi. Năm 2019, toàn thành phố có trên 61.000 CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở (tăng 57% so với năm 2018); 3.153 CNLĐ được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Từ những tấm gương điển hình tiên tiến đó, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã lựa chọn và quyết định tặng Bằng công nhận cho 90 CNLĐ đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô còn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, an toàn và tiết kiệm, góp phần cổ vũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hăng hái thực hiện phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước năm 2019. Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 133 năm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và phát động “Tháng Công nhân” năm 2019, tổ chức một chuỗi các hoạt động thiết thực, hiệu quả như: Truyền thông khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho hơn 600 CNLĐ; tặng quà cho 90 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức Lễ báo công dâng Bác và biểu dương 90 “Công nhân giỏi Thủ đô”; tổ chức Hội nghị biểu dương 90 “Gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu” năm 2019. Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, biểu dương 90 Chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc tạo ấn tượng sâu sắc trong đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô. Song song với các hoạt động tuyên truyền và thực hiện các phong trào thi đua, các cấp công đoàn Thủ đô chú trọng phát triển tổ chức, tập hợp đông đảo CNVCLĐ trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước gia nhập tổ chức công đoàn, gắn với việc củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các công đoàn cơ sở. Gắn công tác phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở với việc đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động theo hướng sát cơ sở, sát đoàn viên, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở. Các cấp công đoàn cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động gặp gỡ, trao đổi giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, người sử dụng lao động với người lao động nhằm nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách trong đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ; đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động. Lãnh đạo LĐLĐ TPHà Nội và LĐLĐ huyện Thanh Trì bàn giao kinh phí hỗ trợ mái ấm công đoàn Việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, tăng cường đối thoại, kiểm tra, giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể và các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động được các cấp công đoàn quan tâm đặc biệt. Đến nay, trên địa bàn Thủ đô có 2.150 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký TƯLĐTT, đạt 58,32% và một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hướng dẫn các doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Nhiều quyền lợi cốt lõi đã được công đoàn cơ sở thương lượng đưa vào TƯLĐTT như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao tay nghề; chính sách lao động nữ, đảm bảo bữa ăn ca của CNLĐ với mức thấp nhất 15.000 đồng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 7c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn. Nhân dịp Tháng Công nhân 2019, các cấp công đoàn tổ chức thăm hỏi, tặng quà với tổng số trên 1,8 tỷ đồng cho trên 3.600 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, kịp thời động viên, giúp đỡ nhiều CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, hoàn thành nhiệm vụ lao động, sản xuất. Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Thủ đô đã bàn giao 54 mái ấm công đoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu trao 90 mái ấm công đoàn trong năm 2019. Dịp này, LĐLĐ quận Ba Đình, Hà Đông, Hoàng Mai vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. 290 cá nhân thuộc hệ thống Công đoàn Thủ đô, có nhiều thành tích góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”. Dương ÁnhTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 57
- 58
- 59
- 60
- 61
- …
- sau ›
- cuối cùng »