TĐKT - Ngày 19/9, tại Hà Nội, Báo Hải quan, Tổng cục Hải quan, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) tổ chức toạ đàm với chủ đề “Quản lý Hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử”. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Hải quan, Báo Hải quan tổ chức buổi tọa đàm này nhằm cung cấp thêm thông tin giúp cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp có góc nhìn nhiều chiều và hiểu rõ hơn về hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
Thực trạng về quản lý hoạt động thương mại tại Việt Nam
Theo các số liệu thống kê, thương mại điện tử đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu và lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018, có 1,6 tỷ người trên toàn cầu mua sắm trực tuyến. Dự kiến, năm 2019 kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu ước tính 3,4 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên 4,06 nghìn tỷ USD trong năm 2020.
Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, do vậy, các tổ chức quốc tế không thể đứng ngoài cuộc. Cơ quan hải quan đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý lực lượng hàng hoá di chuyển giữa các vùng, quốc gia với nhau. Vì vậy, Tổ chức Hải quan thế giới nhận thấy cần có một tiêu chuẩn toàn cầu trong thương mại điện tử xuyên biên giới để quản lý hiệu quả và có tác động đến thuận lợi thương mại, an ninh, an toàn và tuân thủ.
Toạ đàm Quản lý hải quan đối với hoạt động thương mại điện tử
Tại Việt Nam, sau hai mươi năm xuất hiện, Internet đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế và xã hội. Năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 2,269 triệu USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất năm 2018.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho biết, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 đã giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”.
Mục tiêu đặt ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.
Hiện nay, thương mại điện tử được phát triển trên nền tảng phát triển của công nghệ thông tin, của các hệ thống phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, để quản lý được hoạt động này nhất thiết phải xây dựng được hệ thống phần mềm đảm bảo việc quản lý các giao dịch thương mại điện tử thời điểm giao dịch thương mại điện tử bắt đầu được hình thành.
Theo đó, để khuyến khích hoạt động lĩnh vực thương mại điện tử phát triển đồng thời vẫn quản lý được hoạt động này, Bộ Tài chính đề xuất mô hình hoạt động và phương thức quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử mà người mua thực hiện đặt hàng sau đó hàng hoá mới được vận chuyển về Việt Nam hoặc ra khỏi Việt Nam; đối với hoạt động thương mại điện tử mà doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử thực hiện vận chuyển hàng về Việt Nam trước khi người mua hàng thực hiện đặt hàng trên các trang thương mại điện tử.
Giải pháp quản lý
Để đảm bảo việc quản lý các đối tượng tham gia giao dịch thương mại điện tử dồng thời tạo thuận lợi, thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển tại Việt Nam. Theo đó cần thực hiện nhiệm vụ, thứ nhất xây dựng các thủ tục hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm kiểm soát được hàng hoá nhưng giảm thời gian, thủ tục cho người khai hải quan. Thứ hai, cần xây dựng một hệ thống nhằm quản lý được hoạt động thương mại điện tử.
Hiện nay, dự thảo Nghị định một cửa, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP đã quy định một số trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn kiểm tra chuyên ngành như hàng hoá nhập khẩu dưới dạng quà biếu, quà tặng, hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh trong định mức miễn thuế, hàng tạm nhập - tái xuất.
Hiện tại các bộ ngành quản lý chuyên ngành mới quy định việc miễn kiểm tra chuyên ngành, miễn giấy phép đối với một số trường hợp nhập khẩu hàng hoá không nhằm mục đích thương mại, tuy nhiên không quy định các trường hợp không nhằm mục đích thương mại mà không được miễn kiểm tra chuyên ngành, miễn giấy phép thì thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, xin giấy phép thế nào và thực tế thì các đơn vị quản lý chuyên ngành không thực hiện việc cấp phép trong các trường hợp này.
Hàng hoá giao dịch qua thương mại điện tử tính từ thời điểm hiện tại không chỉ gửi về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh, bưu chính mà còn có thể gửi qua các doanh nghiệp vận chuyển về Việt Nam bằng đường biển, đường sắt, đường bộ.
Vì vậy, cần có quy định về việc miễn kiểm tra chuyên ngành, cấp giấy phép đối với hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Đồng thời, có quy định về việc giảm thời gian kiểm tra chuyên ngành, kết quả đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử phải được cập nhật trên hệ thống xử lý chậm nhất 2 giờ làm việc sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành nhưng không được chậm hơn thời gian thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể về việc chấp nhận trị giá giao dịch qua thương mại điện tử là trị giá thực của giao dịch để thực hiện tính thuế với điều kiện các thông tin về giao dịch thương mại điện tử được gửi đến Hệ thống quản lý hàng hóa giao dịch thương mại điện tử.
Cùng với đó, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đang xây dựng dự thảo "Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu" dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ trong thời gian tới. Nội dung của đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử nhưng cũng có đầy đủ công cụ để các cơ quan chức năng quản lý tốt loại hình này.
Hồng Thiết