TĐKT - Ngày 16/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2019. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có hơn 800 đại biểu, trong đó có hơn 300 CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế đến dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Á lần thứ 10 và đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Được tổ chức lần đầu tiên trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, VBS đã trở thành một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của Việt Nam liên quan đến doanh nghiệp.
Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số”, Hội nghị năm nay tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ, các chính sách giúp thúc đẩy đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp tại Việt Nam; các xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới và khả năng thích ứng của Việt Nam; những thành công của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, start-up Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hội nghị cũng thảo luận về việc chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, những định hướng thị trường lao động Việt Nam trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng lao động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và các giải pháp của chính phủ để nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dẫn câu ngạn ngữ và ca dao xưa: “Buôn có bạn, bán có phường; “Sống trong bể ngọc kim cương không bằng sống giữa tình thương bạn bè” để khẳng định rằng: Việt Nam không chỉ là đối tác kinh doanh tin cậy, mà hơn thế nữa, Việt Nam muốn là người bạn chân thành. Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn là thành viên có trách nhiệm, góp phần vào mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, hướng tới một thế giới hòa bình và thịnh vượng.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam ngày hôm nay không chỉ là điểm đến, không chỉ là nơi kinh doanh mà còn là mảnh đất gắn bó với rất nhiều doanh nghiệp đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng phấn khởi là, không chỉ những tập đoàn sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới, mà những doanh nghiệp tham gia vào phát triển những công nghệ mới có thể làm thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn đều đã có mặt ở Việt Nam.
Từ mấy chục năm qua, Việt Nam luôn luôn mở cửa chào đón các doanh nghiệp đến kinh doanh và thực tế chứng minh là có rất nhiều doanh nghiệp đã thành công ở Việt Nam. Những thành tựu của Việt Nam trong thời gian qua có phần đóng góp hết sức quan trọng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi khẳng định nhất quán Chính phủ Việt Nam tiếp tục mong muốn và luôn luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi xác định rằng thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam… Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành cùng các bạn, cùng tháo gỡ khó khăn, coi khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn của chính mình”. - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác đầu tư
Tại Hội nghị, các diễn giả đã đối thoại với các lãnh đạo doanh nghiệp về các cách thức tối ưu cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong kỷ nguyên số trong các lĩnh vực: Tài chính, nông nghiệp và sản xuất. Cụ thể là các ứng dụng giải pháp đổi mới công nghệ và chuyển dịch lao động trong ngành tài chính, trong nông nghiệp hoặc các ngành dịch vụ truyền thống của Việt Nam.
Các chuyên gia kinh tế, các diễn giả cũng như các doanh nghiệp đã thảo luận về vai trò của Việt Nam trong sự phát triển của nền kinh tế khu vực. Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong suốt 30 năm qua với mức độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt gần 7%/năm.
Có được kết quả đó là nhờ môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Việt Nam coi phát triển công nghệ và nguồn nhân lực phù hợp là yếu tố tiên quyết để tăng trưởng dài hạn, từ đó, Việt Nam sẽ phấn đấu để trở thành đối tác tin cậy trong khu vực và thế giới.
Tiếp nối Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Châu Á (ABS) do VCCI lần đầu tiên phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) được khai mạc vào ngày 17/10 tại Hà Nội và tiếp tục thảo luận về hợp tác Châu Á trong kỷ nguyên số.
Phương Thanh
Kinh tế
Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể
TĐKT - Chiều 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT). Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, một số cơ quan, tổ chức quốc tế; đầu cầu trực tuyến các địa phương. Lễ trao các quyết định khen thưởng của Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ Hội nghị lần này, các HTX đã tổ chức trưng bày, giới thiệu những thành tựu trong 15 năm phát triển KTTT, HTX và triển lãm các sản phẩm tiêu biểu của các HTX trên toàn quốc. Các sản phẩm cho thấy sự tiến bộ về mẫu mã, chất lượng, chuỗi giá trị sản phẩm của các HTX. Đây là Hội nghị quan trọng nhằm tiếp tục củng cố niềm tin và đổi mới cách làm, cách chỉ đạo phát triển KTTT, HTX, tiếp tục nâng cao vai trò thực chất và hiệu quả hơn của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhận thức về KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được nâng cao, đây là điều rất quan trọng. Sự chuyển biến tích cực này được thể hiện ở các cấp, các ngành và toàn xã hội, đạt được sự đồng thuận về vai trò ý nghĩa, vị trí của HTX trong đóng góp, xây dựng vì sự thịnh vượng và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Chúng ta đã thể chế pháp luật về KTTT, HTX, tuân thủ theo 7 nguyên tắc do Liên minh HTX quốc tế đưa ra. Đóng góp vào nền kinh tế và quy mô HTX ngày càng tăng lên, nhiều HTX tổ chức kinh doanh có lãi, tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. KTTT, HTX đã có sự phát triển khá mạnh về lượng và chất. Tính đến ngày 31/12/2018, có 22.861 HTX (trong đó có 13.856 HTX nông nghiệp, 1.183 Quỹ Tín dụng nhân dân và 7.822 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. KTTT, HTX đã tạo việc làm, tạo ra diện mạo nông thôn mới, ổn định xã hội và giảm nghèo bền vững. Vai trò của HTX ngày càng được khẳng định, giá trị sản phẩm tạo ra có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng. Số lượng HTX tăng qua hằng năm và phát triển đồng đều trên nhiều vùng miền; có nhiều HTX có quy mô lớn, nhạy bén với thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ, tạo năng lực cạnh tranh… Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong công tác KTTT, HTX, từng bước xây dựng, thúc đẩy khu vực KTTT phát triển, cung cấp các dịch vụ đào tạo, tín dụng. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thể chế pháp luật, công khai minh bạch, bảo vệ xã viên chưa tốt. Cấp ủy chính quyền, người đứng đầu cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức về vai trò của KTTT và nòng cốt là HTX trong phát triển kinh tế - xã hội. Những kinh nghiệm tốt, cách làm hay chưa được đánh giá kịp thời để áp dụng vào bối cảnh thực tế của Việt Nam. Cơ chế huy động nguồn lực, cơ chế liên kết còn hạn chế, chưa đề cập đến phát triển kinh tế hộ. Trình độ và năng lực, kinh nghiệm quản lý cũng như số lượng, chất lượng cán bộ và năng lực quản trị vẫn còn hạn chế. Các vấn đề về quyền tài sản chưa được xác định rõ, còn gây nhiều xung đột. Về quan điểm định hướng phát triển KTTT, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian tới cần tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về vai trò của KTTT, HTX: Kinh tế Nhà nước cùng với KTTT là nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, phát triển KTTT có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, tạo sức mạnh, giúp các hộ kinh doanh phát triển, các xã viên, các hộ kinh tế nhỏ nâng cao năng lực, năng suất lao động; tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho từng xã viên; phát triển kinh tế hợp tác là mong muốn của người dân cùng tham gia, ổn định an sinh xã hội. Thế giới đã áp dụng nhiều mô hình thành công và Việt Nam cũng vậy, nhiều HTX nổi tiếng, tổ chức quản lý thành công nhưng việc nhân rộng mô hình tiên tiến chưa được làm tốt và cần phải tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, trong nước để phát huy tối đa các mô hình này. Cần có tầm nhìn dài hạn, chia sẻ lợi ích giữa các bên liên quan trên nền tảng tổ chức quản lý hiện đại. Tăng cường vai trò của Nhà nước, Chính phủ trong việc tham gia, tạo điều kiện phát triển KTTT, HTX. Sự vươn lên của HTX trong liên kết, huy động nguồn lực là cần thiết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 5 phương hướng để phát triển KTTT, HTX. Một là, cần xác định việc nâng cao hiệu quả của khu vực này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy Đảng để ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp. Hai là, tiếp tục phát triển theo tinh thần Nghị quyết TW 5 khóa IX, đề cao nguyên tắc dân chủ, hợp tác cùng có lợi mà Bác Hồ đã chỉ đạo. Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, sửa đổi Luật HTX theo hướng xác định mục tiêu rõ ràng, đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể khi tham gia. Đó là khắc phục vấn đề liên quan đến tiếp cận đất đai và nguồn vốn. Tăng cường sự liên kết, hợp tác với các thành phần khác, nhất là liên kết với doanh nghiệp để nâng cao năng lực, tham gia chuỗi giá trị sản phẩm, có một số cơ chế trong vận dụng thuê đất đai, giảm trừ thuế. Bên cạnh đó, rà soát lại chính sách đất đai, tài chính, đào tạo, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng… nhằm tạo thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển. Khuyến khích các HTX đổi mới, xây dựng mô hình tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực và phát triển số lượng thành viên. Bốn là, tiếp tục củng cố nguyên tắc tự nguyện tham gia HTX, phát triển cộng đồng HTX, hợp tác giữa các HTX với nhau. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển HTX, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị, Diễn đàn để báo cáo Chính phủ. Năm là, phát huy vai trò của các tổ chức Mặt trận Tổ quốc trong giám sát theo tinh thần 3 đồng hành, 5 hỗ trợ, tạo điều kiện kinh doanh xây dựng thương hiệu của HTX. Đẩy mạnh tuyên truyền về KTTT nói chung và HTX nói riêng. Khai thác lợi thế tiềm năng của mô hình HTX để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, phát động phong trào khuyến khích, hỗ trợ, học hỏi và truyền bá, tạo môi trường thuận lợi, nhân rộng mô hình HTX, hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích học tập mô hình HTX của các nước phát triển. Ban Chỉ đạo tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong việc xây dựng chính sách, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, KTTT, HTX sẽ phát triển, đưa kinh tế nhà nước cùng KTTT ngày càng phát triển trong nền kinh tế quốc dân. Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng các tập thể; các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (Nghị quyết số 13-NQ/TW năm 2002) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Hồng ThiếtTĐKT - Với chủ đề "Kết nối các chuyển động xanh", Hội nghị quốc tế VPPC' 2019 về ô tô điện được tổ chức tại khách sạn Melia, Hà Nội từ ngày 14/10 - 17/10.
Toàn cảnh Hội nghị
VPPC (Vehicle Power and Propulsion Conference) là hội nghị quốc tế có chất lượng hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và điều khiển các phương tiện chạy điện, đặc biệt là ô tô điện. Chuỗi hội nghị quan trọng này do Tổ chức Kỹ sư Điện, Điện tử Quốc tế (IEEE) tổ chức quay vòng qua các châu lục: Châu Âu, châu Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên sự kiện diễn ra tại Việt Nam và Đông Nam Á, do trường Đại học Bách khoa Hà Nội đăng cai tổ chức. Với 5 bài phát biểu mời của chuyên gia, 2 bài giảng chuyên sâu và 238 bài báo của các tác giả được lựa chọn sau quá trình phản biện kín, được trình bày trong 28 phiên, VPPC' 2019 trở thành một trong những hội nghị lớn nhất trong lịch sử 16 năm tổ chức sự kiện này.
Hội nghị đón hơn 250 đại biểu từ 31 quốc gia, gồm các chuyên gia, giáo sư, nhà nghiên cứu, kỹ sư, các tổ chức chuyên ngành, hãng công nghiệp trong các lĩnh vực động cơ điện và bộ biến đổi, hệ thống năng lượng (ắc quy, pin nhiên liệu...), cơ sở hạ tầng và công nghệ sạc điều khiển thông minh... cho các phương tiện giao thông chạy điện, đặc biệt là ô tô điện và ô tô điện lai.
Theo PGS. TS. Tạ Cao Minh, Chủ tịch Hội nghị, việc đăng cai tổ chức Hội nghị tại Việt Nam sẽ đạt được 2 mục tiêu: Hội nghị quốc tế chất lượng cao (VPPC’2019 đạt các chỉ tiêu cao về chất lượng và tăng số lượng bài báo); tạo ra một cú hích thúc đẩy mạnh mẽ ô tô điện tại Việt Nam, trong nghiên cứu tại các trường đại học, trong đầu tư sản xuất của các hãng công nghiệp, thúc đẩy hoàn thiện các chính sách của Nhà nước định hướng, hỗ trợ và phát triển ô tô điện.
Ô tô điện được coi là phương tiện di chuyển của nhân loại trong một tương lai rất gần, thay cho ô tô chạy xăng truyền thống, do vấn đề cạn kiệt nguồn nhiên liệu tự nhiên và ô nhiễm môi trường. Các nước phát triển đều đã có lộ trình quốc gia về phát triển xe điện, đặc biệt là Na Uy, Đức, Nhật, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Tại Việt Nam đã có một số nghiên cứu về ô tô điện, điển hình là Đề tài cấp Nhà nước KC.03.08-11/15 "Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ truyền động và điều khiển cho ô tô điện” được thực hiện tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2012 - 2015. Một số công ty tư nhân đang nghiên cứu phát triển và chế tạo xe máy điện. Tuy nhiên, so với thế giới, chúng ta mới đang ở những bước đi ban đầu. Do vậy, Hội nghị này là một cơ hội vô cùng quý hiếm cho cộng đồng khoa học và công nghiệp trong nước tiếp cận trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu và với các thành tựu mới nhất của công nghệ xe điện.
Phương Thanh
TĐKT - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, với chủ đề “Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ,, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã dự và phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (KTHT, HTX) với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta.
Thực tiễn đã chứng minh, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, khu vực KTHT, HTX luôn luôn có những đóng góp quan trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các tổ đổi công, tổ vần công… rồi đến HTX đã có những đóng góp trong việc hỗ trợ người dân, nhất là nông dân sau khi có ruộng đất biết hỗ trợ nhau sản xuất, vừa phục vụ bản thân vừa tham gia kiến quốc.
Nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, các HTX nông nghiệp là hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019
Bước sang thời kỳ đổi mới, KTHT, HTX mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đang nỗ lực tự đổi mới, vươn lên và có xu hướng phát triển chủ đạo theo đúng bản chất HTX; bước đầu thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.
Đặc biệt, từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.
Trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên.
Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã (trong đó có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, 9.005 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,2 triệu người.
HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên HTX nông nghiệp như: Giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên; góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX bò sữa Tân Thông Hội (TP Hồ Chí Minh), Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh (SaigonCoop)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTHT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy.
Để đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém để phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế, việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với HTX là một yếu tố rất quan trọng.
Các chính sách này được cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến kinh tế tập thể chưa thật sự phát triển, trong đó có việc chưa quan tâm đúng mức về chính sách, nhận thức và quan tâm không đồng đều đối với HTX.
Để giúp HTX phát triển, phải loại bỏ những khó khăn, tồn tại của mô hình HTX, cần có nhiều chính sách, ưu tiên ưu đãi hơn, cơ chế tài chính phải rõ ràng, minh bạch, cần rà soát lại bỏ những doanh nghiệp núp bóng mô hình HTX.
Việc sửa luật HTX sắp tới cần chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại cần phải sửa, cơ chế ưu đãi, ưu tiên phải rõ ràng và đưa những chính sách này đi vào cuộc sống.
Hồng Thiết
Nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới 37 thị trường lớn trên thế giới
TĐKT - Ngày 11/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề: “Từ CPTPP đến EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới.” Toàn cảnh Diễn đàn Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản. Dù vậy, giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam còn thấp do gặp nhiều rào cản, nhất là về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, hội nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc tìm ra giải pháp để có những kiến nghị chính sách đối với nông dân. Trong 2 năm 2018 và 2019, Việt Nam đã tham gia hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua 2 hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người. Bên cạnh cơ hội to lớn, các hiệp định thương mại tự do cũng đem tới những thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Trước bối cảnh mới, ông Nguyễn Xuân Định bày tỏ sự lo ngại về vấn đề giữ vững sản lượng và chất lượng nông sản để phục vụ thị trường xuất khẩu, đồng thời mở rộng được thị trường trong nước. Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Hiệp định CPTPP và EVFTA chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác. Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Chẳng hạn như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô… Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông - lâm - thủy sản có thế mạnh của Việt Nam. Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn. Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 USD trong năm 2018. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận qua 2 phiên đối thoại chính thức để tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam. Các đại biểu đã thảo luận, đối thoại, trao đổi xoay quanh các vấn đề: Nhận diện về tác động, ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP và EVFTA đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam như thế nào? Tình trạng hiện nay của sản xuất nông nghiệp và thương mại nông nghiệp của Việt Nam và xu hướng trong tương lai ra sao? Cơ hội, thời cơ cũng như thách thức, khó khăn mà các hiệp định thương mại tự do mang đến cho phát triển nông nghiệp nước nhà? Vị trí, vai trò của người nông dân trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có hội nhập về thương mại. Trong xu hướng đó, nông dân Việt Nam có khả năng thích ứng ra sao? Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong đó có Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo ra sao để nông dân hiểu, hành động thay đổi hành vi, nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức các hiệp định thương mại tự do mang lại? Nguyệt HàGrowtech Vietnam 2019: Điểm hẹn chuyển giao công nghệ ngành nông - lâm - ngư nghiệp
TĐKT - Sáng 11/10, tại Hà Nội, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Công ty cổ phần ADPEX tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm quốc tế Thiết bị và Công nghệ nông - lâm - ngư nghiệp Growtech Vietnam 2019. Họp báo thông tin về triển lãm Diễn ra từ ngày 31/10 - 2/11/2019 tại Trung tâm Triển lãm ICE, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Growtech Vietnam 2019 là điểm đến của tất cả các máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật liệu và sản phẩm từ nhân giống và hạt giống, cây trồng, thức ăn chăn nuôi, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, chế biến, giám sát, hậu cần, dụng cụ và thiết bị trong trồng trọt, làm vườn, trồng hoa, nuôi trồng thủy sản, vật nuôi. Với quy mô 250 gian hàng, năm nay Growtech tiếp tục là nơi tin cậy để trưng bày hơn 5000 sản phẩm thiết bị công nghệ đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hà Lan, Pháp, New Zealand, Ý, Chile, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Năm nay là lần đầu tiên tại Growtech có khu gian hàng của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, giới thiệu các thiết bị, công nghệ ngành nông nghiệp. Về phía trong nước, Growtech đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ Cần Thơ, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước và các tỉnh, thành phố có nền nông, ngư nghiệp phát triển như Hà Nội, Tiền Giang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Dương… hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà sáng chế chế tạo ra các sản phẩm được nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với địa hình và thổ nhưỡng, chi phí, giá thành đáp ứng nhu cầu thực tế cho những người nông dân đang sản xuất tại Việt Nam. Triển lãm Growtech hướng đến 2 mục tiêu chính: Trình diễn, giới thiệu các công nghệ, thiết bị mới nhất, tiên tiến nhất áp dụng trong nông nghiệp cho các đối tượng là các hộ nông dân, cơ sở trồng trọt, chăn nuôi không có điều kiện tham quan tìm hiểu các công nghệ mới trên thế giới nhằm phục vụ cho sản xuất, lao động hàng ngày; kết nối, chuyển giao công nghệ, tìm kiếm các đối tác là đại lý thương mại cho các sản phẩm máy móc, thiết bị nông nghiệp. Các sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm đa dạng và phong phú: Hệ thống robot quản lý trang trại, robot phun thuốc tự động, máy bay không người lái phun thuốc và tưới tiêu đến từ Hàn Quốc; sản phẩm màng che nhà kính, giải pháp hệ thống đường ống cung cấp nước tưới tiêu, hệ thống thoát nước thông minh, hiệu quả, tiết kiệm đến từ Pháp; các sản phẩm hạt giống từ các doanh nghiệp Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan; các giải pháp công nghệ xử lý tẩy rửa tồn dư hóa chất của đất, cung cấp dinh dưỡng cho đất với mục đích sản xuất ra sản phẩm nông sản sạch; các sản phẩm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp truyền thống đến từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc. Các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam năm nay tham gia với các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông minh: Ứng dụng sản phẩm IoT của Công ty Eplusi đến từ Cần Thơ; vườn ươm công nghệ cao của Công ty Hachi; máy gieo hạt tự động thế hệ mới, máy rửa củ quả tự động của kỹ sư Lê Thanh Trị tại Lâm Đồng; máy cấy không động cơ và máy cấy động cơ điện của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa… Qua các năm tổ chức, triển lãm Growtech đã đem lại cho nông dân, ngư dân cũng như người dân trong lĩnh vực lâm nghiệp cơ hội được tham gia trải nghiệm một sân chơi mang tầm vóc quốc tế quy tụ đầy đủ mọi hoạt động và công nghệ tiên tiến nhất phục vụ cho sản xuất, lao động hàng ngày. Bên cạnh đó, triển lãm đã hỗ trợ thành công công việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Phương ThanhThưởng thức hương vị ẩm thực Gyeongnam (Hàn Quốc) tại Hà Nội
TĐKT - Diễn ra từ ngày 8/10 - 14/10 tại 3 cửa hàng K-market: K-market Golden Palace, K-market Keangnam, K-market Goldmark Sapphire (Hà Nội), Tuần lễ ẩm thực Gyeongnam 2019 mang đến những sản phẩm ấn tượng từ mẫu mã bắt mắt đến chất lượng, hương vị thơm ngon và đảm bảo an toàn. Sự kiện do Công ty TNHH Thương mại K&K Toàn cầu phối hợp với tỉnh Gyeongnam tổ chức. Lễ cắt băng khai mạc Tuần lễ ẩm thực Gyeongnam 2019 diễn ra vào ngày 10/10 Đến với sự kiện, khách hàng có thể thỏa thích lựa chọn và nếm thử hương vị của các nông sản tới từ tỉnh Gyeongnam với nhiều mặt hàng đa dạng như: Gạo, đậu, khoai, lúa mạch; các loại nguyên liệu nấu canh gà hầm, hải sản; các loại nước chấm xì dầu, tương ớt, các loại rau khô nấu canh như rau dọc mùng khô, quả cà tím khô, cây dương xỉ khô, bí ngô sấy khô; các loại kẹo sâm, bánh quy giòn; siro ngâm mật ong, sâm. Mặt hàng đông lạnh có các loại rong biển, nước mỳ lạnh nấu canh, salad rong biển lạnh... Các nông sản của Gyeongnam được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng Bà Ko Yoon Kyung, Trưởng ban Ban Quản lý lưu thông nông sản tỉnh Gyeongnam cho biết: Xác định Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng, thời gian qua, tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) thường xuyên tổ chức các tuần lễ quảng bá sản phẩm nông sản tại các chuỗi siêu thị lớn của Lotte, K-market ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ hai trong năm nay tỉnh Gyeongnam tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Các sản phẩm nước chấm đặc trưng của Gyeongnam được giới thiệu trong Tuần lễ Nông sản Hàn Quốc được sản xuất, chế biến với công nghệ ưu việt, được nhiều quốc gia trên thế giới công nhận về chất lượng và tính an toàn cho người sử dụng. Gyeongnam là địa điểm nổi tiếng với bông, vừng, hoa quả được trồng dọc theo bờ biển phía nam Hàn Quốc. Vùng đất này cũng cung cấp lượng hải sản hàng đầu cả nước. Các sản phẩm thế mạnh của Gyeongnam như sản phẩm tươi sống, dâu tây, sâm núi, nước trái cây và sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên đang được nhiều người tiêu dùng Việt Nam quan tâm, biết đến. Phương ThanhRa mắt ứng dụng xác định và xác thực rượu nhập khẩu chính hãng
TĐKT - Ngày 10/10, tại Hà Nội, Công ty TNHH Pernod Ricard Việt Nam tổ chức họp báo ra mắt và giới thiệu chính thức “Ứng dụng xác định và xác thực rượu nhập khẩu chính hãng”. Đến dự, có Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Trương Văn Ba; Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Phi Hùng. Được biết, hiện trạng sản xuất, phân phối đồ uống có cồn không rõ nguồn gốc đã và đang là vấn đề nhức nhối không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam. Hơn 80% sản phẩm đồ uống có cồn không được dán tem – đồng nghĩa với việc chất lượng của sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Điều này không chỉ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Giới thiệu ứng dụng xác định và xác thực rượu nhập khẩu chính hãng Trong những năm gần đây, cách mạnh công nghiệp 4.0 đang bùng nổ trên toàn cầu, Việt Nam cũng đang dần chuyển mình với các cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho kỷ nguyên mới với những con số vô cùng ấn tượng: Hơn 143 triệu thuê bao di động (trên tổng dân số khoảng 97 triệu người), độ phủ Internet đạt 66% dân số cả nước; hầu như người trưởng thành nào cũng sở hữu ít nhất 1 chiếc điện thoại thông minh với 45% trong số đó luôn trong tình trạng kết nối 3G, 4G. Nắm bắt được xu thế của cách mạng 4.0 và nhu cầu xác định tính xác thực của người tiêu dùng đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm và cả đồ uống có cồn, vào ngày 14 tháng 06 năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam mở cửa, cho phép các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đồ uống có cồn trên Internet, kèm theo các điều kiện nhất định nhằm quản lý cũng như giới hạn đối tượng mua hàng như người mua phải đủ 18 tuổi và sử dụng thẻ tín dụng khi thanh toán trực tuyến. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy thương mại điện tử của ngành công nghiệp đồ uống có cồn cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh của mình. Thấu hiểu sâu sắc những yêu cầu bức thiết của thị trường, Công ty TNHH Pernod Ricard Việt Nam đã nghiên cứu, xây dựng và phát triển “Ứng dụng xác định và xác thực rượu nhập khẩu chính hãng”. Đây là cánh cửa giúp người tiêu dùng tương tác với công ty nhằm xác định nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm. Qua đây, Pernod Ricard Việt Nam cũng đã hợp tác với các cơ quan chức năng trong công cuộc phòng, chống hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Sau hơn 2 tháng thử nghiệm, Công ty đã ghi nhận nhiều đóng góp cũng như phản hồi tích cực từ người dùng. Ứng dụng xác định và xác thực rượu nhập khẩu chính hãng là hệ thống hoàn toàn miễn phí, không yêu cầu người dùng phải cài đặt, tương thích với hầu hết các thiết bị di động thông minh hiện có trên thị trường có kết nối mạng 3G/4G hoặc wifi. Ứng dụng được thiết kế đẹp mắt, màn hình tương tác thân thiện và thông minh, sử dụng dễ dàng cho mọi tầng lớp và lứa tuổi. Ứng dụng được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ mã QR (mã phản hồi nhanh). Người dùng có thể truy xuất nguồn gốc cho cả mục đích sử dụng làm quà tặng lẫn mục đích thưởng thức chỉ với 3 bước đơn giản: Quét mã QR được dán trên cổ chai, xác nhận độ tuổi được phép truy cập hệ thống (bắt buộc phải trên 18 tuổi) và xác định sản phẩm đang có trùng khớp với kết quả từ hệ thống. Cuối cùng, người dùng chỉ cần nhập 3 mã số bí mật được in dưới lớp vỏ bảo vệ của sản phẩm/dưới lớp nhãn của mã QR nếu sản phẩm được sử dụng vào mục đích thưởng thức hoặc nhập số điện thoại di động để nhận thông tin xác minh từ Pernod Ricard Việt Nam nếu sản phẩm được sử dụng cho mục đích làm quà tặng. Cơ sở dữ liệu của toàn bộ ứng dụng được Tập đoàn Pernod Ricard nói chung và Pernod Ricard Việt Nam nói riêng xây dựng thành một hệ thống khép kín và được đồng bộ, quản lý từ nhà máy đến hệ thống, ứng dụng và cuối cùng là tới tay người dùng. Bên cạnh đó, mã QR và mã số bí mật là một cặp duy nhất không trùng lặp cho từng sản phẩm cũng giúp tăng cường tính bảo mật của hệ thống. Thông qua ứng dụng, người dùng còn có thể cung cấp thông tin nếu phát hiện sản phẩm không chính hãng hoặc các vấn đề khác liên quan trực tiếp cho nhà nhập khẩu, phân phối chính hãng – Pernod Ricard Việt Nam. Với sứ mệnh cung cấp cho người tiêu dùng những trải nghiệm sản phẩm tuyệt vời và hoàn mỹ nhất, Pernod Ricard Việt Nam đã, đang và sẽ phát triển cũng như ứng dụng giải pháp công nghệ cao này nhằm củng cố việc bảo vệ quyền lợi, nâng cao trải nghiệm và niềm tin của quý khách hàng trong việc lựa chọn các sản phẩm do Pernod Ricard Việt Nam chính thức nhập khẩu và phân phối. Hồng ThiếtTĐKT - Sáng 10/10, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes tổ chức Tọa đàm và Giới thiệu dự án truyền thông “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”, với sự tham dự của lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, phóng viên các cơ quan báo chí - truyền hình.
Tọa đàm và Giới thiệu dự án truyền thông “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”
Nhân dịp tròn 15 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam (13/10/1945 - 13/10/2020), Reatimes quyết định thực hiện Dự án truyền thông: Doanh nhân đồng hành cùng dân tộc.
Dự án nhận được sự cố vấn của Hội đồng khoa học, bao gồm các chuyên gia kinh tế, chính sách, nhà văn hóa, nhà quản lý hàng đầu của Việt Nam; sự bảo trợ thông tin của nhiều cơ quan báo chí - truyền hình; với chuỗi các chương trình, sự kiện diễn ra từ ngày 10/10/2019 - 15/10/2020.
Phát biểu chào mừng Tọa đàm, nhà báo Phạm Nguyễn Toan - Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam Reatimes nhấn mạnh: Lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại. Doanh nhân là lực lượng tiên phong trong các cuộc cách mạng kinh tế, công nghiệp và là “bà đỡ” của sáng tạo, phát triển.
Ở Việt Nam, ngày 13/10/1945, ngay sau khi thành lập nước, giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của giới chủ doanh nghiệp - những doanh nhân tiên phong để bàn chuyện kiến quốc. Người chia sẻ, đồng cảm và kêu gọi sự đóng góp cũng như khẳng định sự công nhận về vai trò, sự đóng góp của giới công thương, trong đó nhấn mạnh rằng "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".
Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng, nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm nên sự nghiệp lớn. Họ không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Có thể nói, doanh nhân Việt Nam hiện góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên cho đất nước.
Do đó, việc nhìn lại hành trình hình thành và phát triển giới doanh nhân Việt Nam, từ những thăng - trầm đã bộc lộ bản lĩnh - khát vọng, cho đến những cống hiến - đồng hành cùng vận nước, là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới. Đánh giá khách quan hơn vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng là cách để hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường, từng bước cải thiện và nâng cao vị trí đất nước trên trường quốc tế, đồng hành cùng nhân loại tiến bộ.
Đồng thời, việc nhìn lại và đánh giá đúng sự đồng hành của giới doanh nhân Việt Nam với dân tộc còn là việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, sự nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và đứng trước những thời cơ mới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân tài năng và có trách nhiệm xã hội.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: Tọa đàm Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc là việc làm có ý nghĩa, đúng thời điểm Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế rất tốt so với tình hình chung của thế giới, đó là nhờ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những sự đóng góp vươn lên của giới doanh nhân Việt Nam...
Đội ngũ doanh nhân là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao, cạnh tranh lớn.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, trong khuôn khổ Dự án, sau Tọa đàm, sẽ có chuỗi các sự kiện được tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có ý nghĩa sâu sắc như: Chương trình Truyền thông trên Reatimes và lan tỏa trên hệ thống báo chí – truyền thông (dự kiến 2 – 3 bài/tuần); Giao lưu và Tọa đàm trực tuyến: Vai trò của nữ doanh nhân Việt Nam trong sự phát triển kinh tế của đất nước; Phát động cuộc thi ảnh toàn quốc: Doanh nhân Việt Nam và trách nhiệm xã hội; Tọa đàm trực tuyến: Trách nhiệm xã hội của doanh nhân Việt Nam; Seri phim tài liệu 10 tập: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc; Hội thảo khoa học Quốc gia: Doanh nhân Việt Nam – 75 năm đồng hành cùng dân tộc; ra mắt ấn phẩm in: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc (1.000 trang)…
Phương Thanh
TĐKT - Ngày 10/10, tại Hà Nội, VinaCapital khai mạc Hội nghị Nhà đầu tư VinaCapital 2019. Sự kiện diễn ra trong hai ngày với sự tham dự của các diễn giả đến từ nhiều công ty và các đối tác đầu tư, trong đó có cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng DSB Singapore David Carbon với hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc ở châu Á, sẽ dự báo về tương lai các nền kinh tế trong khu vực và toàn cầu.
Họp báo Hội nghị Nhà đầu tư VinaCapital 2019
Ông Don Lam, đồng sáng lập và CEO của Tập đoàn VinaCapital cho biết: Sau 4 năm liên tiếp Hội nghị Nhà đầu tư VinaCapital được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nghĩ rằng 2019 là thời điểm nên đưa chương trình trở lại Hà Nội. Cùng với các địa phương khác tại Việt Nam, Hà Nội đang phát triển nhanh chóng, không chỉ là thủ đô chính trị mà còn là trung tâm sản xuất ở phía Bắc đất nước. Hà Nội tiếp tục là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đổ vào Việt Nam.
Ông Don Lam nhận định: Công nghệ, năng lượng sạch, khách sạn và bất động sản đang là những tiêu điểm cho các nhà đầu tư ngày nay và mang đến cơ hội to lớn cho những người biết cách tiếp cận với những ngành này.
Tại Hội nghị, các diễn giả sẽ thảo luận về các chủ đề đa dạng, phong phú: Các yếu tố cần quan tâm về môi trường, xã hội và quản trị trong đầu tư vào Việt Nam, cơ hội cho lĩnh vực công nghệ phát triển mạnh, sản xuất năng lượng bền vững và du lịch.
Giám đốc điều hành cấp cao của các công ty trong ngành ngân hàng, logistics, thép và bán lẻ sẽ thảo luận về cách các công ty của họ tiếp cận các cơ hội từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
VinaCapital là tập đoàn quản lý đầu tư và phát triển bất động sản hàng đầu có trụ sở chính tại Việt Nam với các danh mục đầu tư đa dạng có tổng giá trị tài sản quản lý hơn 3,3 tỷ đô la Mỹ (tính đến ngày 30/6/2019).
VinaCapital đang quản lý quỹ đầu tư dạng đóng VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) được niêm yết tại thị trường chứng khoán London.
Tập đoàn cũng quản lý Forum One - VCG Partners Vietnam, quỹ mở dành cho nhà đầu tư nước ngoài theo mô hình UCITS (EU) có quy mô hàng đầu tại Việt Nam, Vietnam Equity Special Access Fund (VESAF), cùng với hai quỹ mở dành cho nhà đầu tư trong nước và các khoản đầu tư ủy thác.
Bên cạnh đó VinaCapital đồng quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm DFJ VinaCapital L.P cùng tập đoàn Draper Fisher (Mỹ) Jurvetson và Lodgis Hospitality Holdings cùng tập đoàn Warburg Pincus (Mỹ) để đầu tư phát triển ngành du lịch tại Đông Nam Á.
VinaCapital có chuyên môn sâu rộng về đa dạng các loại hình tài sản bao gồm các thị trường vốn, đầu tư công ty tư nhân, bất động sản, đầu tư mạo hiểm và trái phiếu.
Phương Thanh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 79
- 80
- 81
- 82
- 83
- …
- sau ›
- cuối cùng »