Nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới 37 thị trường lớn trên thế giới
11/10/2019 - 13:30

TĐKT - Ngày 11/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề: “Từ CPTPP đến EVFTA: Cùng nông dân đi chợ thế giới.”

Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất, cũng như tiêu thụ nông sản. Dù vậy, giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam còn thấp do gặp nhiều rào cản, nhất là về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Diễn đàn lần này sẽ là cơ hội để lãnh đạo các bộ, ngành, hội nông dân, các doanh nghiệp, nông dân xuất sắc tìm ra giải pháp để có những kiến nghị chính sách đối với nông dân.

Trong 2 năm 2018 và 2019, Việt Nam đã tham gia hai Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Việc ký kết các hiệp định này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giá trị 43 tỷ USD của Việt Nam. Thông qua 2 hiệp định này, các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận tới 37 thị trường lớn với dân số hơn 1 tỷ người.

Bên cạnh cơ hội to lớn, các hiệp định thương mại tự do cũng đem tới những thách thức không nhỏ đối với lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Trước bối cảnh mới, ông Nguyễn Xuân Định bày tỏ sự lo ngại về vấn đề giữ vững sản lượng và chất lượng nông sản để phục vụ thị trường xuất khẩu, đồng thời mở rộng được thị trường trong nước.

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Hiệp định CPTPP và EVFTA chắc chắn mở ra một giai đoạn hợp tác mới đầy triển vọng, kỳ vọng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và tạo ra sức bật lớn cho ngành nông nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác.

Với CPTPP, phần lớn hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm. Chẳng hạn như một số loại thủy sản (cá, tôm), các loại rau quả tươi và rau quả chế biến, gạo, các loại hạt khô… Đây là cơ hội tiềm năng để các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng nông - lâm - thủy sản có thế mạnh của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA sẽ đem lại cơ hội lớn cho lĩnh vực nông nghiệp khi thuế hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU sẽ dần giảm xuống về 0% sau một lộ trình ngắn.

Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế 0%, một số ít các mặt hàng còn lại sẽ được nhập khẩu vào EU theo hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay với kim ngạch xuất khẩu là 42 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại song phương là gần 56 USD trong năm 2018.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận qua 2 phiên đối thoại chính thức để tìm hiểu rõ những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là các tác động cả tích cực và tiêu cực tới hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản của 11 triệu hộ nông dân ở Việt Nam.

Các đại biểu đã thảo luận, đối thoại, trao đổi xoay quanh các vấn đề: Nhận diện về tác động, ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP và EVFTA đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam như thế nào? Tình trạng hiện nay của sản xuất nông nghiệp và thương mại nông nghiệp của Việt Nam và xu hướng trong tương lai ra sao? Cơ hội, thời cơ cũng như thách thức, khó khăn  mà các hiệp định thương mại tự do mang đến cho phát triển nông nghiệp nước nhà? Vị trí, vai trò của người nông dân trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có hội nhập về thương mại. Trong xu hướng đó, nông dân Việt Nam có khả năng thích ứng ra sao? Chính phủ, các bộ, ngành, các nhà khoa học, doanh nghiệp trong đó có Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, đào tạo ra sao để nông dân hiểu, hành động thay đổi hành vi, nắm bắt những cơ hội, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức các hiệp định thương mại tự do mang lại?

Nguyệt Hà