Kinh tế

Tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD

TĐKT - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 27,3 tỷ USD, tăng 1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 1,7%. Lũy kế 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 537,32 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2%. Tháng 10, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10 ước tính thặng dư 1,1 tỷ USD. Tính chung, lũy kế trong 10 tháng của năm 2021, Việt Nam vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD, ngược lại với con số xuất siêu 19,63 tỷ USD của 10 tháng năm trước. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 10 có tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 37,8 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 20,2 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước; nhập khẩu là 17,6 tỷ USD, giảm 4,1%. Lũy kế trong 10 tháng, khu vực FDI có trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 373,65 tỷ USD, chiếm 70% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này ước đạt 196,77 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2020 và trị giá nhập khẩu ước 176,88 tỷ USD, tăng 31,3%. Về tình hình thu ngân sách nhà nước, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/10 đến ngày 31/10 do Kho bạc Nhà nước cung cấp đạt 28.089 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 31/10 đạt 314.845 tỷ đồng, đạt 99,95% dự toán, đạt 95,1% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 25,24% so với cùng kỳ năm trước. Hồng Thiết

Tháng 10, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới giảm so với tháng trước

TĐKT - Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2021, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên toàn tuyến giảm hơn so với tháng trước về số vụ vi phạm, nhưng tính chất vụ việc lại rất phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu tinh vi hơn. Do nhu cầu sử dụng trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh tăng cao, Tổng cục Hải quan đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm tra thực tế một số các lô hàng quà biếu quà tặng tại kho hàng Công ty Cổ phần nhà ga hàng hóa ALS, hàng hóa được vận chuyển từ Nga về Việt Nam. Kết quả đã phát hiện nhiều lô hàng có thuốc điều trị bệnh Covid-19, bộ test nhanh Covid-19, thuốc điều trị ung thư… Số thuốc phát hiện bắt giữ đều chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Phát hiện nhiều lô hàng có thuốc điều trị bệnh COVID-19, bộ test nhanh COVID-19, thuốc điều trị ung thư Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch về phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan địa phương về công tác điều tra chống buôn lậu; trang bị một số máy phát hiện ma túy, chất nổ cho Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các địa phương, đề nghị Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an phối hợp thử nghiệm tính năng máy phát hiện ma túy, chất nổ. Theo đó, tính từ ngày 16/9 đến 15/10, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, tổng số 1.218 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 228,069 tỷ đồng; số thu ngân sách đạt 18,566 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 3 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 7 vụ. Một số vụ việc điển hình: Ngày 1/10, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sơn La chủ trì phối hợp Đồn Biên phòng Chiềng On, Đồn Biên phòng Chiềng Tương - BĐBP tỉnh Sơn La, Công an huyện Yên Châu, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy Cục Hải quan tỉnh Điện Biên tuần tra kiểm soát phát hiện 2 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm: 4 bánh heroin (1.400 gram) và 1.600 viên ma túy tổng hợp. Ngày 3/10, Công an huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã phối hợp Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy - Cục Hải quan Nghệ An tuần tra, kiểm soát, phát hiện 1 đối tượng có hành vi tàng trữ ma túy trái phép. Tang vật gồm: 404,87 gram ma túy tổng hợp. Ngày 6/10, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy - Cục Hải quan Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) - Bộ Công an; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy khu vực miền Bắc (Đội 5) - Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra 1 kiện hàng gửi từ Bỉ về Hà Nội phát hiện bên trong có chứa 3.986,40 gram ma túy tổng hợp MDMA... La Giang

Batdongsan.com.vn công bố nhận diện thương hiệu mới và ra mắt chuyên trang dự án

TĐKT - Ngày 2/11/2021, Batdongsan.com.vn chính thức sử dụng nhận diện thương hiệu mới và ra mắt chuyên trang dự án tạo nên điểm đến “tất cả trong 1” cho người tìm nhà khắp Việt Nam. Những thay đổi này được thực hiện đồng bộ trên tất cả phiên bản PC, mobile, app cũng như với các hoạt động truyền thông và sự kiện của Batdongsan.com.vn. Giao diện mới của Batdongsan.com.vn. Trước đây, khi việc tìm kiếm thông tin bất động sản (BĐS) qua báo giấy hoặc tìm bảng hiệu “nhà bán/cho thuê” vẫn rất thịnh hành, Batdongsan.com.vn đã bắt đầu bước chân vào nền kinh tế số còn non trẻ tại Việt Nam. Chính thức ra mắt vào năm 2008, Batdongsan.com.vn đã cách mạng hóa thị trường tìm kiếm BĐS, cho phép người dùng tìm kiếm trực tuyến các BĐS bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Bằng cách đó, Batdongsan.com.vn đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho các nhà môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư BĐS. Năm 2010, chỉ 2 năm sau khi ra mắt, Batdongsan.com.vn nhanh chóng trở thành website số 1 về bất động sản tại Việt Nam với lượng người dùng, traffic lớn nhất. Từ tháng 10/2018, Batdongsan.com.vn gia nhập Tập đoàn PropertyGuru và tiến thêm một bước dài khi có thể tận dụng lợi thế về công nghệ, dữ liệu, năng lực quản trị từ tập đoàn công nghệ BĐS hàng đầu ở châu Á. Một loạt những cải tiến đã được liên tục thực hiện từ năm 2019, đó là đổi mới giao diện, nâng cấp tính năng tìm kiếm, cải thiện tốc độ truy cập và điều hướng nội dung. Batdongsan.com.vn đưa quá trình cải tiến lên một bước tiến mới bằng cách tạo ra sự kết nối quan trọng còn bỏ ngỏ trên toàn thị trường Việt Nam, đó là một marketplace, một điểm đến duy nhất cho thị trường BĐS thứ cấp và sơ cấp với các dự án mới. Như vậy, người tìm kiếm BĐS ngoài tìm kiếm thông tin và các bất động sản có sẵn với hàng triệu tin đăng mỗi tháng còn có thể tìm kiếm thông tin về hàng ngàn dự án cũ và mới hoặc sắp mở bán tại Chuyên trang dự án Batdongsan.com.vn vừa chính thức ra mắt. Chuyên trang dự án sẽ giúp giải quyết những băn khoăn của người tìm nhà thông qua việc cung cấp: Thông tin đầy đủ, chính xác về dự án; so sánh, phân tích và đánh giá khách quan bởi chuyên gia của Batdongsan.com.vn; đánh giá khu vực, bao gồm cơ sở hạ tầng, xu hướng biến động giá bất động sản và đặc điểm dân cư, tiện ích tại khu vực và các khu vực lân cận. Chia sẻ về mục đích của những thay đổi và cải tiến về sản phẩm cũng như công nghệ, ông Robert Vũ - CEO của Batdongsan.com.vn - cho biết: Ngày hôm nay chúng tôi đặt dấu mốc cho một giai đoạn mới với mục tiêu phát triển vượt bậc, vươn xa hơn, nhanh hơn và đặt mình trong bối cảnh phát triển chung của thị trường tại khu vực châu Á. Chúng tôi cũng mong muốn mang giá trị thương hiệu của mình tới người dùng một cách thiết thực hơn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm BĐS phù hợp mà còn thể hiện sự thấu hiểu, chỉ dẫn người dùng trong quá trình tìm nhà và tìm kiếm mọi thông tin liên quan. Chúng tôi cam kết đầu tư mạnh mẽ hơn vào con người và công nghệ để phục vụ mục đích lâu dài, giúp mỗi người Việt Nam đều có một nơi để gọi là nhà.” Batdongsan.com.vn đã quen thuộc với người tìm nhà qua hình ảnh logo mái nhà màu xanh được sử dụng từ năm 2013. Nhận diện thương hiệu gồm logo mới sẽ chính thức được sử dụng từ ngày 2/11/2021. Logo mới kế thừa phần biểu tượng trong logo của Tập đoàn PropertyGuru hiện đang được sử dụng tại các thị trường chính ở Đông Nam Á. Phần biểu tượng được tạo thành từ hai mái nhà lồng vào nhau và hướng lên trên tượng trưng cho hành trình cuộc đời của mỗi người với mỗi giai đoạn cuộc đời là những ngôi nhà khác nhau. Sự liên kết giữa hai mái nhà thể hiện cách Batdongsan.com.vn hỗ trợ và dẫn lối người tìm kiếm trên mỗi nấc thang và giai đoạn tìm nhà. Luôn không ngừng tiến về phía trước và vươn lên, logo truyền tải sự tích cực, tự tin, không chỉ thể hiện Batdongsan.com.vn với tư cách là một thương hiệu mà còn là sự vươn lên của Việt Nam trên trường quốc tế. Phương Thanh

Tập đoàn Hoa Sen: Tăng trưởng ấn tượng trong niên độ tài chính năm 2020 - 2021

TĐKT - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ tài chính năm 2020 - 2021 (từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/9/2021) và lũy kế niên độ tài chính năm 2020 - 2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021). Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV đạt 940 tỷ đồng, bằng 2,1 lần so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất niên độ tài chính năm 2020 - 2021 đạt 4.313 tỷ đồng, bằng 3,7 lần  so với cùng kỳ niên độ tài chính năm 2019 - 2020. Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home Năm 2021 là năm thách thức lớn đối với tất cả các doanh nghiệp khi trải qua 2 làn sóng đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh doanh của HSG trong niên độ tài chính năm 2020 - 2021 đều tăng trưởng mạnh mẽ, cao nhất trong lịch sử 20 năm thành lập và phát triển của HSG, tiếp tục ghi tên HSG trong câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế nghìn tỷ năm 2021. Niên độ tài chính năm 2020 - 2021, tổng sản lượng tiêu thụ HSG đạt 2.253.733 tấn, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ, tương đương tăng 631.051 tấn. Doanh thu đạt 48.727 tỷ đồng, tăng trưởng 77% so với cùng kỳ, tương đương tăng 21.196 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.313 tỷ đồng, tăng trưởng 274% so với cùng kỳ, tương đương tăng 3.160 tỷ đồng. HSG cho biết, nhờ phát huy tối đa lợi thế về logistics của hệ thống nhà máy, lợi thế cạnh tranh của hệ thống chi nhánh - cửa hàng phân phối trải dài trên toàn quốc và đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thị trường đã đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh của HSG trong niên độ tài chính năm 2020 - 2021. Dù thị trường nội địa bị ảnh hưởng ngắn hạn bởi đại dịch Covid-19 nhưng HSG vẫn duy trì được sản lượng bán hàng ổn định hàng tháng. Sản phẩm thép của Tập đoàn Hoa Sen Đồng thời, nhờ hỗ trợ của giá thép và việc HSG tập trung bán hàng vào các thị trường, các mặt hàng có biên lợi nhuận cao dẫn đến lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận gộp của HSG tăng mạnh. Biên lợi nhuận gộp của HSG cải thiện từ mức 16,81% ở cùng kỳ lên mức 18,23% trong niên độ tài chính năm 2020 - 2021. Yếu tố thứ hai thúc đẩy kết quả kinh doanh là việc HSG quản lý hiệu quả các khoản chi phí. Cụ thể, chi phí tài chính của HSG giảm hơn 93 tỷ đồng, tương đương giảm 14%, còn 552 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí tài chính/doanh thu chỉ còn 1,13% so với mức 2,34% cùng kỳ. Trong đó, chi phí lãi vay giảm hơn 205 tỷ đồng, tương đương giảm 37%, còn 355 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp của HSG giảm 34 tỷ đồng, tương đương 7%, còn 426 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí quản lý/doanh thu giảm còn 0,87% so với mức 1,67% cùng kỳ. Chi phí bán hàng HSG tăng 1.123 tỷ đồng do sự gia tăng sản lượng, tuy nhiên tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu giảm còn 6,86% so với mức 8,07% cùng kỳ. Sản phẩm tôn của Tập đoàn Hoa Sen Nắm bắt sự thay đổi hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 bùng phát, HSG chủ động nâng cấp phương thức, mô hình kinh doanh bằng việc phát triển Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home, chủ động đổi mới phương thức bán hàng, đẩy mạnh bán hàng trên kênh online qua trang website thương mại điện tử và ứng dụng bán hàng trực tuyến Hoa Sen Home. Việc chủ động và linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, thích ứng với tình hình thị trường tại từng thời điểm, niên độ tài chính năm 2020 - 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố tiêu cực như đại dịch Covid-19, HSG vẫn tạo ra một mức tăng trưởng ấn tượng trong tất cả các chỉ tiêu kinh doanh. Trong thời gian sắp tới, những tín hiệu phục hồi của nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cùng nền tảng vững chắc và tiềm lực nội tại của HSG sẽ tạo động lực để HSG tiếp tục chinh phục những cột mốc mới. Xuân Phúc

Giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu

TĐKT - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước nói riêng, đặc biệt là tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn nhất trong cả nước, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu. Hải quan TP Hồ Chí Minh tích cực làm việc và kiểm tra hàng hóa Nhiều thuận lợi khi xuất khẩu hàng hóa Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu, đề xuất, chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương thực hiện một số giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể: Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại từ cấp Tổng cục, Cục Hải quan đến cấp Chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan đảm bảo hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hóa. Cho phép Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn được vận chuyển hàng hóa từ Cảng Cát Lái đến các khu vực cảng biển/cảng cạn trong cùng hệ thống cảng biển của Tổng Công ty trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai để giải tỏa tình trạng ùn tắc, quá tải tại cảng Cát Lái và hỗ trợ các doanh nghiệp có thể thực hiện thông quan hàng hóa ngay trên địa phương mình mà không phải di chuyển đến TP Hồ Chí Minh để nhận hàng. Hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng. Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp bản scan điện tử Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu AK, KV để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Tạm dừng tổ chức kiểm tra thực tế điều kiện hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan tại doanh nghiệp, cơ quan hải quan chỉ kiểm tra bộ hồ sơ do doanh nghiệp nộp để thực hiện việc gia hạn hoặc công nhận đủ điều kiện hoạt động đại lý hải quan theo quy định. Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong tỏa. Đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ): Tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật. Các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thu thập thông tin, đánh giá rủi ro để có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảogiám sát hàng hóa xuất nhập khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu thập, phân tích thông tin đối với các chuyên đề được giao; mở rộng điều tra, xác minh đối với các vụ việc giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ, EU, Ấn Độ để xây dựng kế hoạch định hướng KTSTQ; chuẩn bị kỹ kế hoạch kiểm tra khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2021. Hỗ trợ thủ tục xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như:  Thứ nhất, khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đóng gói gia cố bao bì, phân loại hàng hóa dưới sự giám sát của cơ quan hải quan... không làm thay đổi xuất xứ, nguồn gốc; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp. Hoạt động soi chiếu công-ten- nơ tại cảng Cát Lái – TP Hồ Chí Minh Thứ hai, bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm; Thứ ba, phối hợp với các lực lượng biên phòng, công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; Thứ tư, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía Trung Quốc và tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp; Thứ năm, trao đổi thông tin, gửi Công hàm cho phía Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên thủ tục hải quan đối với hàng nông sản, thủy sản để rút ngắn thời gian thông quan; Thứ sáu, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có hoạt động XNK qua địa bàn nắm bắt, hiểu biết đầy đủ các chủ trương, chính sách của phía Trung Quốc để chủ động điều tiết hàng hóa, quyết định loại hình mua bán, lựa chọn cửa khẩu, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện tham gia hoạt động XNK để không bị động, bất ngờ, thua thiệt trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Nhóm giải pháp thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch: Chỉ đạo, hướng dẫn việc tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm… hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố để phục vụ yêu cầu khẩn cấp công tác phòng, chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh như: Cho phép doanh nghiệp được đưa các lô hàng có yêu cầu bảo quản đặc biệt như thuốc, vắc xin, sinh phẩm… yêu cầu nhiệt độ bảo quản từ 20C-80C về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp. Đặc biệt, chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vắc-xin nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch hoặc cho giải phóng hàng hoặc đưa về bảo quản đối với các trường hợp chưa đủ hồ sơ hải quan theo quy định (chưa có giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế, tờ khai xác nhận viện trợ của Bộ Tài chính,…). Cùng với đó, chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan. Hơn hết, Tổng cục Hải quan đã triển khai đẩy mạnh chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác với các ngân hàng thương mại, thực hiện chương trình nộp thuế 24/7. Ngoài ra, tiếp tục triển khai Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu, giúp cho doanh nghiệp thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu có số lượng lớn tờ khai phải nộp tiền thuế, có đủ khả năng tài chính. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký thỏa thuận và triển khai và triển khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng phối hợp thu, trong đó có 37 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử 24/7, 7 ngân hàng tham gia chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu. Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ xử lý chung đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT). Hồng Thiết

Khánh thành hệ thống Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử ngành Thuế

TĐKT - Ngày 25/10, Tổng cục Thuế khánh thành Hệ thống “Trung tâm điều hành triển khai hóa đơn điện tử” (HDĐT) tại 7 điểm cầu. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi những công việc mà Tổng cục Thuế đang khẩn trương triển khai để kịp thời đưa vào vận hành hệ thống áp dụng HĐĐT giai đoạn 1 từ trung tuần tháng 11/2021. Cắt băng khánh thành Phát biểu tại Lễ khánh thành Hệ thống “Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết: Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã quyết liệt triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy nhanh thực hiện điện tử hóa công tác khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế. Đến nay, số doanh nghiệp (DN) thực hiện khai thuế điện tử đạt 99,72%; nộp thuế điện tử đạt 98,71%; hoàn thuế điện tử đạt 98,64%. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, phải hạn chế tiếp xúc, người nộp thuế  (NNT) không phải trực tiếp đến cơ quan thuế, mọi thủ tục đều có thể thực hiện online qua mạng Internet. Đối với hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ, trước năm 2011, DN phải đến cơ quan thuế để mua hóa đơn; từ năm 2011, DN được tự in hóa đơn hoặc sử dụng HĐĐT nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn. Lễ bàn giao phần mềm ứng dụng hóa đơn điện tử Để khắc phục tình trạng này, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Quản lý thuế số 38, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Thông tư số 78/2021/TT-BTC quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, từ 1/7/2022, toàn bộ DN, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện HĐĐT (trừ một số đối tượng là DN nhỏ và vừa, HTX, hộ, cá nhân kinh doanh không giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, ...). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng HĐĐT, giúp tiết kiệm chi phí cho DN, xã hội, nâng cao hiệu quả quản trị, quản lý cho cả DN và cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định triển khai HĐĐT giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ. Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Quyết định số 1417/QĐ-TCT về kế hoạch triển khai áp dụng HĐĐT tại 6 địa phương này. Phòng Hóa đơn điện tử Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, trong bối cảnh triển khai áp dụng HĐĐT theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC với nhiều nội dung mới nhưng được triển khai trong thời gian ngắn, chắc chắn sẽ có vướng mắc phát sinh cần giải đáp, xử lý kịp thời cho cả NNT và cán bộ, công chức cơ quan thuế. Do đó, việc ngành Thuế thiết lập các Trung tâm điều hành trong quá trình triển khai HĐĐT là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu cơ bản. Cụ thể: Thứ nhất, hệ thống Trung tâm điều hành là bộ phận thường trực giúp Ban chỉ đạo, Tổ thường trực trong công tác tổ chức, chỉ đạo triển khai HĐĐT từ Tổng cục Thuế đến 6 Cục Thuế (và cả giai đoạn tiếp sau khi triển khai tại 57 tỉnh, thành phố). Thứ hai, ban lãnh đạo Trung tâm từ Tổng cục Thuế đến các Cục Thuế cần phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên trong Trung tâm, đảm bảo thường trực đường dây nóng 24/24. Thứ ba, trung tâm điều hành có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo, Tổ thường trực tại Tổng cục Thuế và Cục Thuế về tiến độ triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch; các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện (đặc biệt, giai đoạn đầu phải báo cáo hàng ngày - bắt đầu từ 25/10; giai đoạn sau khi đã vận hành ổn định thì có thể báo cáo theo tuần hoặc 15 ngày/lần). Mặc dù giai đoạn 1 mới thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố, nhưng với số lượng DN chiếm khoảng 60% tổng số DN đang hoạt động và lượng hóa đơn chiếm đến 70% hóa đơn của cả nước, việc thực hiện áp dụng HĐĐT thành công ở 6 địa phương đóng vai trò quyết định đến việc triển khai thực hiện HĐĐT trên phạm vi cả nước.   Để triển khai HĐĐT thành công, Tổng Cục trưởng Cao Anh Tuấn đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ thường trực tại Tổng cục Thuế và lãnh đạo 6 Cục Thuế địa phương đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong các tháng cuối năm để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đảm bảo thành công và theo đúng tiến độ thời gian đã đặt ra. Hồng Thiết  

Tổng cục Thuế giới thiệu ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động

TĐKT - Sau một thời gian nghiên cứu, Tổng cục Thuế vừa chính thức giới thiệu ứng dụng eTax phiên bản 1.0 (eTax Mobile V1.0) trên nền tảng thiết bị di động. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành Thuế trong việc đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số và dần thân thiện hơn với người dùng. Ứng dụng eTax Mobile phiên bản 1.0 (V1.0) cung cấp dịch vụ, hỗ trợ cho người nộp thuế là cá nhân cài đặt, sử dụng trên thiết bị di động. Việc ra mắt ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế trên nền tảng thiết bị di động đã thể hiện rõ quyết tâm của ngành Thuế trong việc chuyển đổi số, hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế. Ứng dụng eTax Mobile V1.0 trên thư viện App store và CH play Với hơn 60 triệu cá nhân đã được cấp mã số thuế, ứng dụng eTax Mobile sẽ hỗ trợ người nộp thuế dễ dàng tương tác với cơ quan thuế, thuận tiện tiếp cận với các thông tin chính sách mới, tạo ra sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan thuế với người nộp thuế.  Được biết, về vấn đề đăng ký tài khoản đây là bước thiết lập giao dịch giữa người nộp thuế điện tử với cơ quan thuế. Khi tra cứu nghĩa vụ thuế còn phải nộp: Thuế của cá nhân (bao gồm: Thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế, phí, lệ phí của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cho thuê tài sản); tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, tiền chậm nộp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật); nghĩa vụ tài chính về đất đai; lệ phí trước bạ phương tiện. Tra cứu thông báo: Thông báo xử lý hồ sơ; thông báo lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Tra cứu hồ sơ: Hồ sơ khai thuế; hồ sơ quyết toán thuế; hồ sơ đăng ký thuế; lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Giao diện ứng dụng eTax Mobile V1.0. Các tiện ích khác hỗ trợ người nộp thuế như: Tra cứu thông tin người phụ thuộc; tra cứu thông tin người nộp thuế; tra cứu hộ khoán; tra cứu công cụ tính thuế thu nhập cá nhân; tra cứu bảng giá lệ phí trước bạ ô tô, xe máy; tra cứu ngân hàng ủy nhiệm thu; tra cứu ngân hàng nộp thuế điện tử; tra cứu địa chỉ cơ quan thuế; tin tức. Quản lý tài khoản: Thay đổi thông tin đăng ký tài khoản… Thiết lập cá nhân và hỗ trợ gồm có các tính năng của ứng dụng nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho người nộp thuế sẽ được cập nhật mới liên tục. Trong quá trình triển khai vận hành, Tổng cục Thuế sẽ tiếp nhận các ý kiến, phản hồi vướng mắc của người nộp thuế để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện ứng dụng. Ứng dụng eTax Mobile phiên bản 1.0 (V1.0) được ngành Thuế triển khai thực hiện theo tinh thần Quyết định số 1874/QĐ-BTC về kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đối số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hồng Thiết  

Bộ Tài chính thực hiện công tác thu chi ngân sách đảm bảo tiến độ

TĐKT -  Theo thông tin từ Bộ Tài chính, mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm vẫn đảm bảo tiến độ dự toán và tăng so với cùng kỳ, nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020. Thống kê kết quả công tác thu NSNN tháng 9 đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 55,1 nghìn tỷ đồng. Do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, số thu nội địa tháng 9 tiếp tục giảm mạnh (giảm khoảng 11 nghìn tỷ đồng so với tháng 8). Bộ Tài chính thực hiện tốt công tác thu chi ngân sách Khoản thu từ dầu thô đạt 3,7 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 9, giá dầu Brent thế giới tăng cao (hiện dao động ở mức 74-77 USD/thùng). Giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam đạt khoảng 72,3 USD/thùng, tăng 27,3 USD/thùng so giá dự toán. Về công tác thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 25,59 nghìn tỷ đồng, giảm 2,8 nghìn tỷ đồng so với tháng 8; sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ, thu cân đối ngân sách là 13,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 30/9/2021, lũy kế thu NSNN 9 tháng đạt 1.084,7 nghìn tỷ đồng, bằng 80,75% dự toán, tăng 10,75% so với cùng kỳ năm 2020 (Ngân sách Trung ương (NSTW) ước đạt 76,82% dự toán; ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 85,56% dự toán). Trong đó, thu nội địa đạt 878,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định các đề nghị gia hạn thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 78,5 nghìn tỷ đồng (trong đó số thuế được gia hạn đã nộp NSNN là 36,2 nghìn tỷ đồng). Đối với khoản thu từ dầu thô, lũy kế 9 tháng đạt 29,4 nghìn tỷ đồng, bằng 126,64% dự toán. Tổng chi NSNN tháng 9 ước đạt 116,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 9 tháng ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 218,55 nghìn tỷ đồng, bằng 45,8% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, bằng 72,1% dự toán; chi thường xuyên đạt gần 725,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán. Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách. Cả NSTW và NSĐP đã ưu tiên bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ước tính đến hết tháng 9, NSNN đã chi 29,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó do đại dịch Covid-19, trong đó, chi cho phòng, chống dịch là 19,7 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 9,4 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 là 5,2 nghìn tỷ đồng để mua vắc-xin. Đồng thời, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung 2.199 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2021 mua bù gạo dự trữ quốc gia, đã xuất cấp để viện trợ, cứu trợ và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 9 tháng có thặng dư. Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến hết tháng 9/2021 đã thực hiện phát hành được 237,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,21 năm, lãi suất bình quân 2,26%/năm. Trong quý IV, Bộ Tài chính đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết số 02-2021/NQ-CP của Chính phủ; triển khai các phương án giải quyết thủ tục hải quan trong những trường hợp diễn biến đặc biệt phức tạp của dịch bệnh Covid-19. La Giang

Bộ Tài chính đánh giá kết quả xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh

TĐKT - Bộ Tài chính, Công ty cổ phần FPT và Tập đoàn SOVICO đã đánh giá kết quả giải pháp xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc Trước tình trạng quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch tại một số công ty chứng khoán từ cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và các đơn vị liên quan khẩn trương tìm phương án kỹ thuật, xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và thị trường. Được biết, ngày 6/3/2021, tại Hội nghị “Đối thoại Việt Nam 2045” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Tập đoàn SOVICO và Công ty Cổ phần FPT đã đề xuất cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia xử lý vấn đề nghẽn hệ thống tại HOSE bằng nguồn tài chính, nhân lực và công nghệ của chính các công ty, tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn SOVICO đóng góp nguồn lực tài chính, Công ty Cổ phần FPT thực hiện các giải pháp kỹ thuật chuyên môn. Ngay sau đề xuất này, ngày 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã làm việc với Công ty Cổ phần FPT để nghiên cứu các phương án kỹ thuật, công nghệ. Bộ Tài chính đã nhất trí phương án mà Công ty Cổ phần FPT đề xuất do có nhiều điểm tương đồng với phương án mà Bộ Tài chính đang dự kiến thực hiện. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho Công ty Cổ phần FPT và Tập đoàn SOVICO Với sự nỗ lực của FPT cùng nhiều chuyên gia công nghệ, sự hợp tác hiệu quả của HOSE, các công ty chứng khoán thành viên và các đơn vị liên quan, sau 3 tháng đưa vào vận hành, hệ thống đã hoạt động thông suốt, an toàn và có thể xử lý từ 3 - 5 triệu lệnh/ngày, gấp 3 - 5 lần hệ thống cũ, có khả năng đáp ứng nhu cầu của HOSE và thị trường ít nhất từ 3 - 5 năm tới, đồng thời giúp HOSE hoàn toàn làm chủ về công nghệ trong tương lai, không còn phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Tính đến ngày 14/10/2021, số lượng lệnh và giá trị giao dịch trung bình ngày lần lượt là 927.759 lệnh và 21.571 tỷ đồng, bằng 116,64% và 98,61% so với trung bình ngày của 3 tháng trước ngày áp dụng giải pháp. Đáng chú ý, có 45/72 phiên giao dịch có lượng lệnh vượt giới hạn 900.000 lệnh của hệ thống cũ. Tại buổi làm việc, Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình cho rằng: Trong tương lai, FPT sẽ tiếp tục hiện đại hóa và thực hiện chuyển đổi số, những công nghệ như điện toán đám mây, Blockchain, Big data, AI… sẽ trở nên trọng yếu. Chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ để vươn lên và cạnh tranh với hệ thống tài chính quốc gia của các nước tiên tiến trên thế giới. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn SOVICO bày tỏ vinh dự khi được Chính phủ, Bộ Tài chính tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tham gia, hỗ trợ cho các chương trình tài chính lớn của quốc gia. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định: Với năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết của mình, SOVICO cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, sẵn sàng đóng góp vào các chương trình quan trọng của quốc gia, đặc biệt là các chương trình tài chính, chuyển đổi số. Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cảm ơn hai tập đoàn FPT và SOVICO đã đồng hành cùng Bộ Tài chính trong lĩnh vực quản lý ngân sách, quản lý thuế, kho bạc và chứng khoán, hải quan trong thời gian qua. Đặc biệt đã phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cho Bộ Tài chính giải quyết triệt để xử lý sự cố nghẽn mạch trong lĩnh vực chứng khoán. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng mong muốn tập đoàn FPT và SOVICO sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ Tài chính để triển khai một số chương trình hiện đại hóa công tác thuế, hải quan, kho bạc… trong thời gian tới, qua đó, góp phần vào sự phát triển của ngành Tài chính nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Để ghi nhận những thành tích xuất sắc trong việc tham gia xử lý sự cố nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE trong thời gian qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã quyết định tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho Công ty Cổ phần FPT và Tập đoàn SOVICO. Hồng Thiết

Tổng cục Thuế vượt qua khó khăn, nỗ lực thu ngân sách

 TĐKT - 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Thuế đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước. Theo đó, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý tháng 9/2021 đạt 52.000 tỷ đồng, bằng 4,7% so với dự toán và chỉ bằng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa ước đạt 48.600 tỷ đồng, bằng 4,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 53,4% so với cùng kỳ. Dịch Covid-19 bùng phát với mức độ lây nhiễm mạnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến hoạt động sản xuất, kinh doanh Tổng cục Thuế cho biết, mặc dù thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng đầu năm 2021 vẫn bám sát dự toán được giao, nhưng nguồn tăng thu tập trung chủ yếu trong 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 đến nay, đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát với mức độ lây nhiễm mạnh của các chủng virus mới, diễn biến phức tạp tại một số địa bàn trọng điểm kinh tế và có nhiều khu công nghiệp lớn như: TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… nhiều địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ khiến các cơ sở thương mại, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ đã có những ảnh hưởng đến kinh tế và số thu NSNN. Trong đó, thu thuế phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) từ mức tăng 19,6% của 4 tháng đầu năm 2021, đến tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21%, tháng 9 ước giảm 26,5% so với cùng kỳ. Về quy mô, số thu thuế, phí nội địa (loại trừ yếu tố gia hạn) không kể khoản thu phát sinh theo quý cũng đang giảm mạnh qua từng tháng. Đáng chú ý, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 CT/TTg tại TP Hồ Chí Minh và 19 tỉnh, thành phố phía Nam nên thu từ lệ phí trước bạ tại các tỉnh này giảm rất sâu. Tháng 8 giảm 56,5%, tháng 9 giảm 48,5% so với cùng kỳ. Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế trong năm 2021, ngày 19/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021, theo đó sẽ gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT) phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế GTGT quý I và quý II/2021, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp quý I và quý II/2021, gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2020 cho các DN và gia hạn thuế GTGT, thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Có thể nhận thấy, những giải pháp này cũng đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách. Ước thực hiện tháng 9, tổng số tiền cơ quan thuế tiếp tục thực hiện gia hạn tiền thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 khoảng 4.000 tỷ đồng (thuế GTGT phải nộp của kỳ khai thuế tháng 8/2021). Lũy kế hết 9 tháng đầu năm, cơ quan thuế thực hiện gia hạn với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất gia hạn là khoảng 78.501 tỷ đồng trong đó: Thuế GTGT là khoảng 44.916 tỷ đồng, thuế TNDN khoảng 30.887 tỷ đồng, thuế GTGT và TNCN của hộ khoảng 327 tỷ đồng, tiền thuê đất là khoảng 2.371 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, diễn biến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, do đó, thu NSNN trong quý IV/2021 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn, rủi ro. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết số 02-2021/NQ-CP của Chính phủ; Tổ chức tuyên truyền kịp thời đối với các chính sách miễn, giảm thuế sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, khẩn trương đưa chính sách vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế có thêm nguồn lực để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục tăng cường quản lý theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn và đôn đốc thu vào NSNN đối với những khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã được gia hạn vào NSNN khi hết thời gian gia hạn trong những tháng cuối năm 2021. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, tiền thuê đất mà Chính phủ, Quốc hội tiếp tục ban hành trong những tháng cuối năm 2021 để hỗ trợ DN và người dân vượt qua đại dịch. Trong thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, đồng thời, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế. Để đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế tăng cường công tác quản lý, phát hiện các trường hợp lợi dụng chính sách ưu đãi để trốn thuế, tránh thuế, dây dưa, chây ỳ nợ thuế...; rà soát các lĩnh vực còn tiềm năng, các lĩnh vực phát triển tốt trong điều kiện dịch bệnh (thương mại điện tử, kinh doanh online, chứng khoán, bất động sản…) nhất là tại các thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư. Song song với đó, các cơ quan thuế địa phương sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, trao đổi thông tin với văn phòng đăng ký đất đai tại địa phương... để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục để triển khai nhanh đối với các dự án, kịp thời đôn đốc các nguồn thu từ đất đai vào NSNN. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính để rà soát, đôn đốc thu NSNN đối với các nguồn thu thuộc ngân sách trung ương như: Thu từ dầu khí, thu cổ tức và lợi nhuận còn lại, các khoản thu từ phí, lệ phí, thu từ đất đai, thu từ chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước và các khoản thu khác của ngân sách trung ương. Hồng Thiết

Trang