Kinh tế

“Taste Of Korea 2021” - Quảng bá nông sản Hàn Quốc tại Việt Nam

TĐKT - Được sự tin tưởng và tín nhiệm của chính phủ Hàn Quốc, Tổng Công ty nhà nước lưu thông hàng nông thủy sản Hàn Quốc (aT) và các công ty sản xuất thực phẩm lớn tại Hàn Quốc, K-Market giới thiệu các sản phẩm nông sản tới người tiêu dùng Việt Nam qua chương trình “Taste Of Korea 2021”. Taste Of Korea 2021 diễn ra từ ngày 6/10/2021 đến ngày 15/10/2021 tại K-Market Keangnam, K-Market Sapphire, K-Market Emerald, sẽ mang tới cho người tiêu dùng các sản phẩm nông sản sản đặc trưng của Hàn Quốc bao gồm: Trà thanh yên, gà tần sâm nấu sẵn, nhân sâm, rau củ quả tươi, kim chi... Đây đều là các sản phẩm được nhập khẩu chính thức từ Hàn Quốc, được vận chuyển bằng đường hàng không tới Việt Nam, đảm bảo tươi ngon, chất lượng. Tại gian hàng, khách hàng sẽ được tư vấn phương pháp để tìm hiểu thêm về kim chi và các loại hoa quả Hàn Quốc, đặc biệt là nhãn (sticker) sản phẩm lê để chống hàng giả, mang lại cho người tiêu dùng sự an tâm, thông thái trong việc lựa chọn mua sắm sản phẩm. Gian hàng K-Market Keangnam Quý khách đến với gian hàng trong thời gian này không những được thỏa sức lựa chọn, mua sắm các dòng nông sản phong phú đặc trưng nhất của xứ sở kimchi, mà còn được dùng thử nhiều loại sản phẩm trong suốt thời gian diễn ra chương trình. Gian hàng K-Market Sapphire K-Market đã nhiều năm liền là đơn vị độc quyền quảng bá, giới thiệu thực phẩm Hàn Quốc đến với người tiêu dùng Việt Nam. K-Market cam kết toàn bộ thực phẩm được phân phối trên thị trường đều đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng và đa dạng về chủng loại. PT

Khai trương Công ty CP giao dịch hàng hóa quốc tế MXL

TĐKT - Ngày 6/10, tại Hà Nội Công ty CP giao dịch hàng hóa quốc tế MXL tổ chức Lễ khai trương và nhận giấy phép thành viên của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa quốc tế MXL (MXL) Nguyễn Châu Loan cho biết, công ty được thành lập với mục đích trở thành một trong những định chế tài chính được đánh giá cao trên thị trường hàng hóa – đáng tin cậy nhất Việt Nam. MXL không chỉ giúp các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận mà còn giúp các doanh nghiệp bảo hiểm rủi ro khi mua bán hàng hóa, giúp người nông dân chủ động được giá bán sản phẩm với giá cao và định mức được lợi nhuận sẽ có trong tương lai. Lễ khai trương Với khẩu hiệu “Giá trị tích lũy niềm tin”, MXL sử dụng công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển, luôn tập trung vào khách hàng lấy giá trị: Uy tín, chuyên nghiệp và hiệu quả làm phương châm trong mọi  hoạt động. Công ty thành lập khi thị trường phái sinh hàng hóa Việt Nam còn mới và non trẻ nên còn rất nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp chưa biết và hiểu về tiềm năng thị trường. Những nhà đầu tư mới hiện tại kiến thức còn nhiều hạn chế so với các nước có thị trường đã phát triển. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội lớn để MXL chiếm lĩnh thị trường thông qua các sản phẩm, dịch vụ ưu việt. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa quốc tế MXL (MXL) Nguyễn Châu Loan nhận giấy phép thành viên của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Thị trường phái sinh hàng hóa Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh nên nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao khan hiếm và cạnh tranh cao, MXL đã lường trước được nhu cầu phát triển của mình, có kế hoạch tạo nguồn nhân sự chuyên nghiệp chất lượng cao nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất ở hiện tại và tương lai. Điều đặc biệt và cũng là ưu điểm của giao dịch hàng hóa tới khách hàng là tính pháp lý: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam hoạt động theo giấy phép sửa đổi bổ sung số 486/GP-BCT do Bộ Công Thương cấp ngày 8/6/2018. Tính minh bạch: Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam liên thông với các Sở giao dịch hàng hóa thế giới nên thông tin về giá cả hàng hóa được công khai, minh bạch rõ ràng, cập nhật biến động nhanh chóng. MXL đăng ký danh sách Legal Entity Identifier (LEI) do The Financial Stability Board (FSB) áp dụng cho tất cả các giao dịch tài chính với các đối tác ở châu Âu. Tính thanh khoản: Với hàng chục triệu lot giao dịch, hàng triệu vị thế mở trong một tháng. Việc giao dịch trực tiếp với các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế như (CME Group - Mỹ 66,06 tỷ USD, ICE Futures Europe - 41,6 tỷ USD, TOCOM Nhật bản - 2.000 tỷ Yên – năm 2018) quy mô toàn cầu tạo ra tính thanh khoản cao. Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa quốc tế MXL (MXL) Nguyễn Châu Loan phát biểu tại Lễ khai trương Giao dịch hai chiều: Nhà đầu tư có thể liên tục mở và đóng vị thế (tức mua hoặc bán) trong phiên giao dịch để tìm kiếm lợi nhuận dựa trên biến động lên hoặc xuống của thị trường. Tỷ lệ ký quỹ tốt: So với các kênh đầu tư truyền thống được pháp luật Việt Nam cho phép như chứng khoán hoặc bất động sản thì phái sinh hàng hóa có tỷ lệ ký quỹ vượt trội hơn hẳn (tối đa 1:30, tùy theo một số mặt hàng). Do đó nhà đầu tư không cần tốn quá nhiều vốn để giao dịch. Chi phí giao dịch thấp: Khi tham gia chứng khoán, nhà đầu tư sẽ chịu chi phí tối thiểu (0,4% giá trị hợp đồng). Trong khi đó, thị trường phái sinh hàng hóa chỉ trả (0,07% đến 0,14% giá trị hợp đồng). Ngoài ra, không thu thêm bất kì một loại chi phí nào khác (không phí qua đêm, không lãi vay). Từ những ưu điểm trên, có thể thấy phái sinh hàng hóa là một kênh đầu tư tiềm năng có khả năng sinh lời hiệu quả. Bên cạnh đó,  Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa quốc tế MXL được thành lập với mong muốn trở thành một trong những định chế tài chính dẫn đầu thị trường hàng hóa phái sinh Việt Nam, giải quyết được các vấn đề lớn của thị trường và xây dựng được một cộng đồng đầu tư thành công và thịnh vượng. Hồng Thiết

Tháng 9/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD

TĐKT- Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 53,5 tỷ USD giảm 2% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1%. Với kết quả ước tính trên thì trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 483,2 tỷ USD, tăng mạnh 24,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 9/2021 ước tính thặng dư 500 triệu USD. Qua đó, nâng mức thâm hụt trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 2,13 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 9/2021 có tổng trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 38,15 tỷ USD, giảm 0,7% so với tháng trước. Trong đó, xuất khẩu ước 20 tỷ USD, giảm 0,1% so với tháng trước; nhập khẩu là 18,15 tỷ USD, giảm 1,5%.  Tính trong 9 tháng đầu năm 2021, khu vực FDI  có trị giá xuất nhập khẩu ước đạt 33,58 tỷ USD, chiếm 69% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước và tăng 27,9 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này ước đạt 176,65 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2020 và trị giá nhập khẩu ước 159 tỷ USD, tăng 33,6%. Bên cạnh đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như dầu thô, trị giá xuất khẩu có thuế trong tháng 9/2021 ước đạt 96 triệu USD, giảm 65,7% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu dầu thô trong 9 tháng/2021 ước đạt 2,1 triệu tấn, trị giá ước đạt 1.121 triệu USD, giảm 46% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Clanhke và xi măngtrị giá xuất khẩu có thuế trong tháng 9/2021 ước đạt 151 triệu USD, giảm 6,3% so với tháng trước. Lượng xuất khẩu trong 9tháng/2021 ước đạt 32,7 nghìn tấn, trị giá ước đạt 1.253 triệu USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 20,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗtrị giá xuất khẩu có thuế trong tháng 9/2021 ước tính là 750 triệu USD, giảm 7,6% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng/2021 ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên phụ liệu dệt may, da giàyước tính trong tháng 9/2021, xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước là 150 triệu USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng/2021 ước đạt 1.458 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.    Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là xăng dầu các loại,nhập khẩu trong tháng 9/2021 ước tính là 340 nghìn tấn, tăng 29,3% so với tháng trước và trị giá là 204 triệu USD, tăng 32,8% so với tháng trước. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2021 ước tính đạt 5,18 triệu tấn, trị giá ước đạt 2,89 tỷ USD, giảm 18,9% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tửvà linh kiệnước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 9/2021 là 6,85 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng trước.  Ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của cả nước là 53,69 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùngước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 9/2021 là 3,9 tỷ USD, giảm 2,5% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng của cả nước là 35,06 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.  Điện thoại các loại và linh kiện ước tính nhập khẩu nhóm hàng này trong tháng 9/2021 là 1,9 USD, tăng 1,2% so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện của cả nước đạt 14,49 tỷ USD, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước. Sắt thép các loạiước tính nhập khẩu trong tháng 9/2021 là 950 nghìn tấn, tăng 12,9% và trị giá là 1.097 nghìn USD, tăng 17,5% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong 9 tháng/2021 ước đạt 9,8 triệu tấn, giảm 4,6 và trị giá là 8,8 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Chất dẻo nguyên liệuước tính nhập khẩu chất dẻo trong tháng 9/2021 là 590 nghìn tấn, tăng 1,8% so với tháng trước và trị giá là 991 triệu USD, tăng 4,3%. Ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu mặt hàng này của cả nước là 5,4 triệu tấn, trị giá 9,04 tỷ USD;  tăng 11,3% về lượng và tăng 50,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Kim loại thường khácước tính trong tháng 9/2021 là 180 nghìn tấn, tăng 17,5% và trị giá là 841 triệu USD, tăng 22,4% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu kim loại thường khác trong 9 tháng/2021 ước đạt 1.564 nghìn tấn, tăng 16,9% và tổng kim ngạch ước đạt 6,68 tỷ USD, tăng 55,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Ô tô nguyên chiếc các loạiước tính nhập khẩu có thuế nhóm hàng này trong tháng 9/2021 đạt 6 nghìn chiếc, trị giá đạt 160 triệu USD, giảm 38,1% về lượng và và giảm 27,9% về trị giá so với tháng trước. Ước tính đến hết tháng 9/2021, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại đạt 112 nghìn chiếc, trị giá đạt 2,51 tỷ USD, tăng 67,9% về lượng và tăng 69% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Số thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/9 đến ngày 30/9/2021 đạt 25.604tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 30/9/2021 đạt 285.624 tỷ đồng, bằng 90,6%dự toán được giao, bằng 86,29% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 25,83% so với cùng kỳ năm trước. Hồng Thiết      

Ngành Nông nghiệp giữ nhịp tăng trưởng trước sóng Covid-19

TĐKT - Dù phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn và nhiều thách thức của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng – tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản, 9 tháng qua, ngành nông nghiệp vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội cả nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp báo thường kỳ quý III/2021 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đạt tăng trưởng cao cả về sản xuất và xuất khẩu. Cả nước đã gieo cấy được 7,13 triệu ha lúa; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm ước đạt 3.642,4 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ. Đối với chăn nuôi, sản lượng thịt trâu ước đạt 86,6 nghìn tấn, giảm 0,4%; thịt bò đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thịt lợn hơi ước đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11,0%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%. Nhờ nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp 9 tháng qua đã đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu NLTS ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính ước đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, công tác tiêu thụ nông sản đối mặt nhiều khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ngay lập tức thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970) do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu và Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430 do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, để chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX… thực hiện các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản trong giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đặc biệt tại 19 tỉnh Nam Bộ. Tổ công tác đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website http://htx.cooplink.com.vn, kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân 300 – 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1000 tấn nông sản. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Khó khăn nhiều, thách thức lớn, nhưng với sự chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, biến “nguy” thành “cơ”, việc đạt được mức tăng trưởng dương 1,04% trong quý III năm nay là một thành tích đáng khích lệ của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành cần phải xây dựng kế hoạch hành động ngay lập tức để vượt qua khó khăn, đạt được các mục tiêu đề ra trong cả năm 2021 Ngành đề ra chỉ tiêu phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, sản lượng lúa gạo đạt 43,3 triệu tấn (còn hơn 10 triệu tấn); 18,5 triệu tấn rau; 8,5 triệu tấn quả; 6,2 - 6,3 triệu tấn thịt các loại; 16 nghìn quả trứng và 1,2 triệu tấn sữa. Về định hướng phát triển năm 2022, toàn ngành sẽ tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,8 - 3%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 45,5 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 73%; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%. Nguyệt Hà

Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

TĐKT - Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì, tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dự Hội nghị. Hơn 500 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông dự Hội nghị trực tuyến qua phần mềm Zoom và xem trên các Fanpage được livestream về hội nghị. Toàn cảnh Hội nghị Nhằm tiếp thực hiện nhiệm vụ tại kết luận số 77-/KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước của Bộ Chính trị ban hành ngày 5 tháng 6 năm 2020, Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bền vững, hiệu quả, cần nhiều hơn những giải pháp căn cơ, bài bản mang tính chất dài hạn trong thời gian tới thông qua tăng cường hoạt động đối ngoại đa chiều. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị Tại Hội nghị, các nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; tác động của dịch covid đến chuỗi cung ứng; khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội. Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, COVID-19 là phép thử mạnh với sức chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp. Rõ ràng, chuỗi cung ứng trên mọi quốc gia, kể cả Việt Nam và trên mọi ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. COVID-19 đã khiến doanh nghiệp nhận thức sâu sắc về vai trò của hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Theo ông Hải, để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý: Thực hiện tốt việc kiểm soát nguồn lây từ ổ dịch trong nước và đặc biệt là từ nước ngoài, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát. Cùng với đó, cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người lao động; lập kế hoạch, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô, tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường, tích cực, chủ động hội nhập, tận dụng lợi thế từ các FTA để tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu… Đồng thời, doanh nghiệp cần lên kế hoạch cho tình trạng thiếu hụt lao động do không có sẵn nguồn nhân lực trọng yếu tại chỗ. Phát triển các kế hoạch để duy trì bộ phận chức năng quan trọng bị ảnh hưởng bởi dịch, bao gồm sắp xếp nhân sự thay thế và sử dụng tự động hóa để gia tăng năng lực làm việc hiện tại của nhân viên, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng của chuỗi cung ứng thông qua việc nâng cao tính minh bạch qua tất cả các cấp của chuỗi cung ứng. Tăng cường rủi ro tấn công mạng phát sinh từ việc gia tăng sử dụng công nghệ… Hội nghị là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp và đề xuất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa Việt tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phương Thanh

Nestlé Việt Nam đầu tư 132 triệu đô la Mỹ tăng gấp hai công suất chế biến cà phê cho thị trường trong nước và xuất khẩu

TĐKT - Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng cà phê Việt Nam giá trị cao cho thị trường trong nước và thế giới, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 132 triệu đô la Mỹ nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhà máy Nestlé Trị An, tỉnh Đồng Nai. Khoản đầu tư này đã nâng tổng giá trị đầu tư nước ngoài của công ty TNHH Nestlé Việt Nam lên gần 730 triệu đô la Mỹ. “Quyết định tăng vốn đầu tư và nâng công suất chế biến là một minh chứng cho cam kết đầu tư lâu dài của công ty tại thị trường Việt Nam,” - Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, chia sẻ - “Chúng tôi mong muốn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng an toàn, chất lượng cao, đáp ứng khẩu vị của nhiều nhóm khách hàng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.” Dây chuyền sản xuất viên nén Nescafé Dolce Gusto tại nhà máy Nestlé Trị An Ông Binu Jacob cho biết: “Tác động của đại dịch Covid-19 từ năm ngoái đến nay làm cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống phải đương đầu với rất nhiều khó khăn và thách thức. Doanh nghiệp của chúng tôi cũng gặp phải nhiều vấn đề do tác động của đợt dịch bệnh lần này: Nhu cầu tiêu dùng giảm, vấn đề an toàn tại nơi làm việc, thiếu nhân công và nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong thời gian dài đã gây ra nhiều thách thức đối với khâu vận hành cũng như gây ảnh hưởng đối với các nhân viên, dẫn đến chi phí tăng và năng suất lao động giảm.” “Đặt trong một bối cảnh như thế, chúng tôi đã đề ra chiến lược gồm 3 ưu tiên: Sự an toàn của nhân viên; đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh; thực hiện các chương trình và hoạt động hỗ trợ cộng đồng phòng, chống đại dịch.” “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực. Chúng tôi vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới. Chúng tôi cũng tự đặt ra câu hỏi làm cách nào để đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất các mặt hàng thực phẩm và thức uống đóng gói cho cả thế giới vì với lực lượng lao động giỏi tay nghề và tinh thần làm việc cống hiến, hệ thống vận hành của Nestlé Việt Nam được ghi nhận đang nằm trong nhóm hiệu quả và linh động hàng đầu đối với tất cả thị trường mà tập đoàn Nestlé đang có mặt,” ông Binu Jacob phát biểu. Bên trong khu vực sản xuất cà phê hòa tan khử caffeine. Nhà máy Nestlé Trị An là một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của Nestlé tại Việt Nam và cũng là một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trong khu vực của Tập đoàn. Ngoài mục tiêu sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam, các sản phẩm sản xuất tại nhà máy Nestlé Trị An cũng được xuất khẩu đi hơn 25 quốc gia trên thế giới bao gồm những thị trường khó tính tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Úc. Khoản đầu tư mới cho nhà máy chế biến cà phê này sẽ giúp Nestlé Việt Nam sản xuất đa dạng các sản phẩm. Với dây chuyền, thiết bị và công nghệ tiên tiến, Nestlé Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm cà phê, đồng thời tăng cường xuất khẩu sản phẩm Made-in-Vietnam ra khu vực và thế giới. Bên cạnh các hoạt động chế biến, nâng cao giá trị cho hạt cà phê Việt, Nestlé còn là đơn vị thu mua cà phê lớn nhất với tổng giá trị thu mua hàng năm khoảng 20 - 25% tổng sản lượng cà phê Việt Nam, tương đương 700 triệu đô la Mỹ/năm. Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, chia sẻ: “Là một trong những nhà đầu tư lớn và uy tín tại tỉnh Đồng Nai, việc quyết định tiếp tục mở rộng đầu tư của tập đoàn Nestlé là minh chứng rõ nét cho việc tỉnh Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục là điểm sáng trong công tác thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với khó khăn của đại dịch Covid-19. Tôi cho đây cũng như là một sự khích lệ cho các nỗ lực tái thiết và phát triển kinh tế trong và sau đại dịch.” Nestlé tuân thủ nghiêm ngặt trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý chất lượng và an toàn lao động tại mỗi khâu trong quy trình hoạt động và sản xuất. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc của Nestlé Việt Nam, cho biết Nestlé Việt Nam tin tưởng vào quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam cũng như việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID19 và phục hồi kinh tế - xã hội. “Chúng tôi cam kết hỗ trợ các mục tiêu kép của Chính phủ là bảo vệ cuộc sống và sinh kế, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu sức khỏe của người dân. Chuỗi những ngày giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã bào mòn sức khỏe tinh thần của những người lao động và với cả những người phải làm việc ở nhà và làm việc từ xa. Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng để “sống chung với virus một cách an toàn”, tái mở cửa nền kinh tế và  thoát khỏi quy trình Chỉ thị 15 hoặc 16 hoặc các biện pháp hạn chế tương tự trong tương lai." Được thành lập năm 1995, Nestlé Việt Nam liên tục mở rộng đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng với mục tiêu tối ưu hóa vai trò của thực phẩm để nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi người, hôm nay và những thế hệ mai sau. Không chỉ thực hiện tốt các hoạt động kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, Nestlé Việt Nam còn đóng góp tích cực cho các sáng kiến và chương trình phát triển xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng. Trong hơn 25 hình thành và phát triển, công ty Nestlé Việt Nam đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ và nhiều Bằng khen của các bộ, ban, ngành trong các lĩnh vực: Đóng góp ngân sách Nhà nước, đầu tư nước ngoài, môi trường, chế độ phúc lợi xã hội dành cho công nhân viên, chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng… Liên tục trong hai năm 2019 và 2020, Nestlé Việt Nam được bình chọn là Top 3 Doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất. Mai Thảo  

Tập đoàn Hoa Sen đảm bảo sản xuất, kinh doanh nhờ linh hoạt ứng phó và chuyển đổi trong đại dịch

TĐKT - Sau hơn 3 tháng hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” và thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch bệnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) cơ bản đã đạt được mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và sẵn sàng hoạt động an toàn trong điều kiện bình thường mới. Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 kéo dài từ cuối tháng 4/2021 đến nay với nhiều diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hành vi, thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nắm bắt xu hướng này, bên cạnh việc nâng cấp và mở mới Hệ thống Siêu thị Vật liệu xây dựng và Nội thất Hoa Sen Home theo kế hoạch, HSG còn chủ động đổi mới phương thức bán hàng, đẩy mạnh bán hàng trên kênh online qua trang website thương mại điện tử và ứng dụng bán hàng trực tuyến Hoa Sen Home. Tất cả các thông tin của hàng nghìn mặt hàng được niêm yết rõ ràng, minh bạch để khách hàng có thể dễ dàng tham khảo và chọn mua, mang đến trải nghiệm mua sắm vật liệu xây dựng tiện ích cho khách trên toàn quốc. Siêu thị Vật liệu xây dựng & Nội thất Hoa Sen Home của Tập đoàn Hoa Sen Bên cạnh việc phát triển thị trường nội địa, HSG còn đẩy mạnh kênh xuất khẩu. Sản lượng và tỷ trọng xuất khẩu được HSG nâng cao rất nhiều trong năm qua. Biểu đồ sản lượng xuất khẩu của HSG trong niên độ tài chính 2020-2021 Hiện tại sản lượng xuất khẩu của HSG đã vượt mốc 120.000 tấn/tháng. HSG cho biết sẽ không ngừng gia tăng sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thị trường, tiếp tục chinh phục những cột mốc mới trong thời gian sắp tới. Với năng lực nội tại tốt và những phương án ứng phó chủ động, linh hoạt trong đại dịch Covid-19, HSG vẫn duy trì kết quả kinh doanh vô cùng tích cực. Tháng 8/2021, sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt 167.810 tấn, doanh thu ước đạt 4.701 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế HSG ước đạt 320 tỷ đồng, lần lượt đạt 94%, 166% và 147% so với cùng kỳ. Lũy kế 11 tháng niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ 1/10/2020 đến 31/8/2021) sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt 2.051.439 tấn, doanh thu HSG ước đạt 42.551 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế HSG ước đạt 3.994 tỷ đồng. Như vậy, HSG đã thực hiện được 114% kế hoạch sản lượng, 129% kế hoạch doanh thu và 266% kế hoạch lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2020 - 2021.   Xuân Phúc

Tập đoàn Hoa Sen: Tháng 8/2021 lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng

TĐKT - Ngày 29/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) vừa công bố ước kết quả kinh doanh tháng 8/2021. Theo đó, sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt 167.810 tấn, doanh thu ước đạt 4.701 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế HSG ước đạt 320 tỷ đồng, lần lượt đạt 94%, 166% và 147% so với cùng kỳ. Sản phẩm tôn của Tập đoàn Hoa Sen Lũy kế 11 tháng niên độ tài chính 2020 - 2021 (từ 1/10/2020 đến 31/8/2021) sản lượng tiêu thụ HSG ước đạt 2.051.439 tấn, doanh thu HSG ước đạt 42.551 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế HSG ước đạt 3.994 tỷ đồng. Với kết quả này, HSG đã thực hiện được 114% kế hoạch sản lượng, 129% kế hoạch doanh thu và 266% kế hoạch lợi nhuận sau thuế niên độ tài chính 2020 - 2021. Trong bối cảnh thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì xuất khẩu tiếp tục là động lực duy trì kết quả kinh doanh của HSG. Với lợi thế kênh xuất khẩu đến hơn 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, hệ thống 10 nhà máy gần các cảng biển lớn thuận lợi về logistics, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và dịch vụ hậu mãi tốt nên thương hiệu Hoa Sen đã tạo được uy tín trên thị trường quốc tế và ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn để nhập khẩu. HSG cho biết sẽ không ngừng nâng cao năng lực nội tại để gia tăng sản lượng xuất khẩu ở tất cả các thị trường, đặc biệt các thị trường đang có nhu cầu và tỷ suất lợi nhuận cao. Tại thị trường nội địa, HSG tin rằng nhu cầu tôn thép sẽ tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động sản xuất kinh doanh dần ổn định trong tình hình mới và các dự án xây dựng tiếp tục được triển khai. Xuân Phúc

Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới năm 2020 đạt nhiều kết quả nổi bật

TĐKT – Ngành Hải quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thời gian và chi phí xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao xếp hạng Chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới. Nổi bật qua các kết quả Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Hải quan, tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2020 khoảng 6,75 triệu tờ khai, tổng số tờ khai xuất khẩu khoảng 6,98 triệu tờ khai. Nếu tính thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới cho mỗi lô hàng tương ứng với mỗi tờ khai thì các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 730,4 triệu giờ cho hoạt động xuất nhập khẩu so với năm 2019. Cán bộ Hải quan kiểm tra hàng hóa Chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” là một cấu phần của bộ chỉ số đánh giá chất lượng Môi trường kinh doanh toàn cầu tại Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) được Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện thường niên từ năm 2001 đến nay đối với 10 lĩnh vực kinh tế của 190 quốc gia. Chỉ số “Giao dịch thương mại qua biên giới” đo lường thời gian và chi phí thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đánh giá một cách toàn diện về hoạt động của tất cả các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua biên giới bao gồm cơ quan hải quan và các đơn vị liên quan khác (cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh kho bãi cảng, đơn vị vận tải...). Căn cứ trên các tiêu chí và phương pháp của Ngân hàng Thế giới, Tổ công tác liên ngành thực hiện khảo sát ý kiến của doanh nghiệp về thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới nhằm nắm bắt được chính xác, cụ thể những thuận lợi, khó khăn, những nút thắt trong từng khâu, từng thủ tục của từng cơ quan, đơn vị trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp cho các bên liên quan nhằm giảm thời gian, chi phí, nâng cao năng lực và cải thiện thứ hạng Chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam. Khảo sát này được Tổ công tác liên ngành thực hiện từ năm 2019. Để đảm bảo tính khách quan và minh bạch, Tổ công tác liên ngành đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện hoạt động khảo sát doanh nghiệp thông qua kênh online (webform) và gửi phiếu khảo sát giấy đến các doanh nghiệp qua bưu điện. Khảo sát từ tổ công tác liên ngành Kết quả khảo sát của Tổ công tác liên ngành về Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới năm 2019 và 2020 cho thấy, tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới (bao gồm thời gian thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu và thời gian chuẩn bị hồ sơ – Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo Môi trường kinh doanh) đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 38,4 giờ, giảm 57,38 giờ so với năm 2019 (95,78 giờ); tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 338 USD, giảm  81,72 USD so với năm 2019 (419,72 USD). Thời gian trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu năm 2020 là 28,3 giờ, giảm 22,58 giờ; thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu là 10,1 giờ, giảm 34,8 giờ so với kết quả năm 2019. Chi phí trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu là 266,76 USD, giảm 15,52 USD; chi phí trung bình chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu là 71,24 USD, giảm 66,2 USD so với kết quả năm 2019. Tổng thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 54,8 giờ, giảm 48,88 giờ so với năm 2019 (103,68 giờ,); Tổng chi phí trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 313,17 USD, giảm 256,41 USD so với năm 2019. Trong đó, thời gian trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 27,17 giờ, giảm 20,83 giờ; thời gian trung bình chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu là 27,63 giờ, giảm 28,05 giờ so với kết quả năm 2019. Chi phí trung bình thực hiện các thủ tục tại cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu năm 2020 là 214,23 USD, giảm mạnh 195,65 USD so với năm 2019; chi phí trung bình chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu là 98,94 USD, giảm 60,76 USD so với năm 2019.  Phản ánh từ doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là việc điện tử hóa các chứng từ như: Các chứng từ kiểm tra chuyên ngành được gửi qua Hệ thống Một cửa quốc gia, áp dụng C/O điện tử…, đặc biệt là quy định về nộp chứng từ điện tử trong thực hiện thủ tục hải quan theo Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính. Trong số các doanh nghiệp trả lời khảo sát có đến 94% doanh nghiệp nhập khẩu và 98% doanh nghiệp xuất khẩu cho biết việc áp dụng chứng từ điện tử đã giúp họ giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan. Các doanh nghiệp cho biết việc nộp chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ cũng như thực hiện thủ tục thông quan như: Chi phí in ấn hồ sơ, thời gian và chi phí đi lại của nhân viên làm thủ tục…; thời gian thông quan nhanh cũng giúp doanh nghiêp đẩy nhanh tiến độ công việc, tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục giao nhận hàng tại cảng cũng là nguyên nhân giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì tổng số tờ khai (TK) nhập khẩu năm 2020 của Việt Nam là gần 6,75 triệu TK, tổng số tờ khai xuất khẩu của Việt Nam là gần 6,98 triệu TK. Cũng từ kết quả khảo sát, nếu tính thời gian trung bình thực hiện thủ tục thương mại qua biên giới cho mỗi lô hàng tương ứng với mỗi tờ khai thì năm 2020 các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã tiết kiệm được tổng cộng khoảng 730,4 triệu giờ tương ứng với khoảng 981 triệu USD chi phí gián tiếp và khoảng 2301 triệu USD chi phí trực tiếp, tổng cộng tiết kiệm được khoảng 3282 triệu USD cho hoạt động xuất nhập khẩu so với năm 2019. Hồng Thiết

Phát động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2021

TĐKT - Ngày 16/9, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2021 lần thứ 7 chính thức được phát động với chủ đề “Embracing Innovation - Reshaping The Future” ( “Đổi mới sáng tạo - Kiến tạo tương lai”). Năm nay, chuỗi hoạt động diễn ra từ tháng 9 - 12/2021 nhằm tạo điều kiện thu hút cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới cùng tham gia đồng hành. Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tuyến Theo đó, hơn 50 sự kiện sẽ được tổ chức xuyên suốt từ tháng 9 đến tháng 12 trên toàn quốc được tổ chức bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC), Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban NN về NVNONN), Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF), Văn phòng Đề án 844, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) hứa hẹn quy tụ….. doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các đơn vị hỗ trợ, chuyên gia, nhà đầu tư trên 16 lĩnh vực công nghệ/các khía cạnh liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo trong nước cũng như quốc tế. Năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo tổ chức TECHFEST quốc gia hướng đến mục tiêu: Nâng cao vai trò của các giải pháp đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong ứng phó với đại dịch và góp phần phục hồi nền kinh tế; thu hút nguồn lực chuyên gia, trí thức, doanh nhân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt; thúc đẩy hình thành tư duy đổi mới sáng tạo mở, giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra trong xã hội, bối cảnh dịch bệnh và nhu cầu từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chuỗi hoạt động của TECHFEST là nỗ lực lớn từ chính cộng đồng, vì cộng đồng, và do cộng đồng đổi mới sáng tạo quốc gia cùng chung tay tổ chức, trong công tác triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg năm 2016 và sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 188/QĐ-TTg năm 2021. TECHFEST Việt Nam bao gồm chuỗi hoạt động kết nối, trình diễn, thảo luận, đối thoại giữa các thành phần, các cấp, các ngành, các địa phương, khu vực và thế giới, và thực sự đã quy tụ được nguồn lực của hệ sinh thái nhằm hiện thực hóa khát vọng trở thành một bệ phóng cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, được tổ chức thường niên từ năm 2015. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, TECHFEST 2020 đã được tổ chức thành công với hơn 7.000 người tham dự tại hơn 40 hội thảo, hội nghị, tọa đàm, trên 35.000 lượt tham dự trực tuyến, thu hút hơn 360 nhà đầu tư, quỹ đầu tư tham gia sự kiện. Tổng số tiền quan tâm đầu tư từ sự kiện đạt khoảng 14 triệu đô la Mỹ. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, làm con đường khởi nghiệp sáng tạo, vốn chông gai lại càng thêm chông gai. Việc đổi mới sáng tạo, thay đổi phương thức sinh hoạt, làm việc và tương tác không còn là lựa chọn, mà đã trở thành bắt buộc. Trong nguy có cơ, trong gian nan, thách thức có hy vọng, phát triển. Thách thức trở thành động lực phát triển mới, đặc biệt là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hơn bao giờ hết, bây giờ là thời điểm để vươn lên, để “kiến tạo tương lai”. Phối hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, ứng dụng những công nghệ mới nhất nhằm xóa nhòa khoảng cách địa lý, vật lý và tâm lý, chuỗi sự kiện Techfest được thiết kế gồm chuỗi hoạt động của hơn 50 hội nghị, hội thảo, kết nối đầu tư, cuộc thi, tập huấn của 16 Làng công nghệ trải dài từ tháng 9 đến 12/2021, cùng với nhóm hoạt động đồng hành như đào tạo, tập huấn, chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp được tổ chức hàng tháng… Bên cạnh đó, mô hình đổi mới sáng tạo mở - thách thức từ thực tiễn cũng sẽ lần đầu tiên được thí điểm triển khai. Với sự tham gia của gần 50 chuyên gia kiều bào trong vai trò cố vấn cho chuỗi các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TECHFEST kỳ vọng sẽ thắt chặt sợi dây liên kết không biên giới giữa con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam và khát vọng Việt Nam. Đây là nỗ lực hợp tác rất tích cực giữa Bộ KHCN và Bộ Ngoại giao trong công tác thu hút nguồn lực doanh nhân trí thức kiều bào đóng góp phát triển quê hương đất nước theo tinh thần Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới. Phương Thanh

Trang