Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp
13/01/2022 - 13:32

TĐKT – Ngày 11/1, Chương trình Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp – GRAFT Challenge Vietnam2021 do Chính phủ Australia tài trợ đã có buổi tổng kết, đưa ra công bố về hành trình chinh phục Việt Nam của 9 giải pháp công nghệ.

Sự kiện trực tuyến Tổng kết chương trình GRAFT

GRAFT Challenge Vietnam 2021 là chương trình tìm kiếm các giải pháp công nghệ nông nghiệp để giải quyết thách thức cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam, được thực hiện bởi Beanstalk - một doanh nghiệp đổi mới có trụ sở tại Australia hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) và MBI Innovation Challenges (MBI).

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp Việt Nam nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và tiếp cận tốt hơn thị trường trong nước và quốc tế. Đây là ưu tiên của chính phủ Việt Nam và Chương trình Aus4innovation. Tuy nhiên, rào cản về chi phí đầu tư, tâm lý e ngại rủi ro cùng công tác chuyển giao công nghệ chưa theo kịp thực tiễn là một số khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ của Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp thường loay hoay trong việc đưa giải pháp công nghệ vào cuộc sống.

Hiểu được khó khăn này, GRAFT tập hợp các giải pháp công nghệ mới nhất trên toàn cầu, chọn lọc ra 9 công ty tiềm năng và kết nối với mạng lưới tại các địa phương để cùng giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. Thông qua một chương trình chuyên sâu kéo dài 15 tuần, các giải pháp công nghệ đã nhận được sự tư vấn từ hơn 40 cố vấn kỹ thuật và thương mại, đồng thời tham gia vào mạng lưới kết nối với 30 đối tác nông nghiệp hàng đầu Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm và đưa ra kế hoạch chuyển giao công nghệ.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cho biết, đổi mới sáng tạo là một trong 3 trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Australia và Việt Nam kể từ năm 2000 đến nay. Trong đó, đổi mới sáng tạo đã được triển khai thành các sáng kiến cụ thể trong chương trình nghị sự hợp tác giữa hai quốc gia.

Cũng theo ông Mark Tattersall, trong ngành nông nghiệp, các giải pháp về công nghệ vô cùng quan trọng, giúp có thể tăng cường năng suất lao động cũng như có thể tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của các doanh nghiệp và những người tham gia vào ngành nông nghiệp. Chương trình GRAFT Challenge Vietnam là một chương trình quan trọng trong toàn bộ danh mục hợp tác giữa Việt Nam và Australia. Chương trình một lần nữa đã xác định tầm quan trọng của việc hợp tác giữa hai quốc gia.

Tại sự kiện, ông Justin Ahmed, Trưởng Chương trình GRAFT, cho biết: GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công - tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về đổi mới sáng tạo. GRAFT là một “bến đỗ" được thiết kế để giúp đỡ các doanh nghiệp công nghệ nông nghiệp hàng đầu trên thế giới thâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam.

Sau hơn 3 tháng hoạt động, chương trình GRAFT Challenge Vietnam đã đi đến hồi kết và đạt được những thành công nhất định. Đến nay, Chương trình đã chọn được 9 doanh nghiệp quốc tế có giải pháp công nghệ tiên tiến sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, để trình diễn và chuyển giao vào Việt Nam.

Nhờ những thành công bước đầu, GRAFT được lãnh đạo các Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp và chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam công nhận và vinh danh  như một ví dụ điển hình về mô hình hỗ trợ kết nối khơi thông dòng chảy công nghệ, tạo dựng một hệ sinh thái vững mạnh về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tiến sĩ Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam (IPSARD) cho biết: “GRAFT là một dự án rất ấn tượng, tạo được hiệu quả một cách bền vững với các giải pháp công nghệ sáng tạo có tính khả thi cao dựa trên sự tích hợp và tăng cường hợp tác toàn cầu. Điều này sẽ giúp loại bỏ các rào cản lâu nay trong việc số hóa nông nghiệp”.

Phương Thanh