TĐKT- Nhịp sống hối hả thời hội nhập kinh tế đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Những giá trị tinh thần truyền thống dường như cũng đang lung lay trước sự lên xuống của thị trường. Nhưng dưới mái trường THCS Phương Tú, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn hàng ngày được mài giũa và bồi đắp bởi những thế hệ thầy cô giáo giàu nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, trong đó phải kể đến tấm gương mẫu mực của nhà giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú.
Nhà giáo tâm huyết, giỏi chuyên môn…
Vốn sinh ra trong một gia đình gia giáo, ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Hòa đã sớm ý thức được vai trò quan trọng của việc gìn giữ cũng như lan tỏa đến cộng đồng những giá trị sống tốt đẹp. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm ngữ văn, cô hăng hái nhận nhiệm vụ giảng dạy ở nhiều ngôi trường khác nhau. Từ năm 1996 về giảng dạy tại mái trường THCS Phương Tú (huyện Ứng Hòa) và gắn bó cho đến nay.
Dù ở ngôi trường nơi miền núi xa xôi, hay ngôi trường làng với cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cô giáo Nguyễn Thị Hòa vẫn luôn dành hết đam mê, nhiệt huyết, gieo vào lòng con trẻ những bài học giàu tình yêu thương và sự nhân văn sâu sắc.
Lê Thị Hoa là một trong số những học trò được cô Hòa truyền cảm hứng, lựa chọn theo nghề giáo viên. Đến nay, cô học trò ấy đã trở thành đồng nghiệp với cô giáo của mình dưới mái trường THCS Phương Tú.
Hoa tự hào chia sẻ: “Không chỉ với riêng tôi mà với nhiều thế hệ học trò trường Phương Tú, cô Nguyễn Thị Hòa như người mẹ hiền bao dung, kịp thời động viên, uốn nắn các lỗi lầm, khiếm khuyết của các con. Cô là hình mẫu về đạo đức, lối sống, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh chúng tôi những khát vọng vươn xa”.
Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng trường THCS Phương Tú (áo đen) đang trao đổi, góp ý nội dung giáo án với các đồng nghiệp
Cô Hòa có phương pháp dạy học đặc biệt, luôn xuất phát từ trái tim. Mỗi một bài giảng văn trên lớp của cô luôn nhẹ nhàng và dạt dào cảm xúc, khéo léo dẫn dắt học sinh đến với tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu thương giữa con người với con người; dạy học trò biết yêu, biết ghét, biết cái tốt, cái xấu; từ đó hình thành nhân cách sống lương thiện và tích cực một cách rất tự nhiên.
Cô luôn dành tình yêu và sự quan tâm đến học trò của mình một cách chân thành, sâu lắng. Gần 30 năm gắn bó với nghề giáo là chừng đó thời gian cô tranh thủ sau những giờ học trên lớp hay những ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời gian nghỉ hè để dạy phụ đạo, kèm cặp thêm cho các bạn học sinh yếu kém miễn phí; cũng là từng đó năm cô trích một phần từ đồng lương giáo viên ít ỏi của mình để ủng hộ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn có tiền đóng học phí, mua đồng phục, mua quà động viên các bạn có nhiều tiến bộ….
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của xã hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và học tập của lứa tuổi học sinh thanh thiếu niên ở huyện Ứng Hòa. Nhiều gia đình có con em mắc phải những bệnh lý đặc biệt như: Tăng động, tự kỷ, trầm cảm... Tuy nhiên, điều kiện nông thôn chưa có các trường chuyên biệt, nên có nhiều em học sinh đã phải nghỉ học vì không tìm được môi trường học tập phù hợp.
Với suy nghĩ “Ngoảnh mặt đi con dại, ngoảnh mặt lại con khôn. Học sinh cá tính gây cho mình nhiều mệt mỏi, căng thẳng nhưng chúng cũng như con mình”, cô Hòa đã mạnh dạn tiếp nhận và đỡ đầu nhiều đối tượng học sinh đặc biệt. Đồng thời, vận động nhiều giáo viên và học sinh trong trường, kết hợp với gia đình cùng tham gia hỗ trợ, giúp đỡ các bạn tiến bộ. Riêng năm học 2017 - 2018, cô đã nhận đỡ đầu, giúp 3 em học sinh tăng động tiến bộ rõ rệt trong học tập và thay đổi nhận thức tích cực.
Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, đồng thời là một trong những giáo viên có nhiều kinh nghiệm đỡ đầu học sinh đặc biệt trong những năm qua chia sẻ: Dạy dỗ một học sinh bình thường khó một thì dạy một học sinh đặc biệt khó hơn rất nhiều lần. Nhưng cô Hòa luôn động viên chúng tôi tìm hiểu thêm nhiều tài liệu để cập nhật những kỹ năng dạy trẻ chuyên biệt; từ đó theo sát, động viên, lấy yêu thương để cảm hóa chúng. Cô Hòa thường nói với chúng tôi rằng “Giáo dục con người nóng vội sẽ hỏng việc, phải lấy trái tim để làm rung động trái tim; phải đặt mình vào vị trí, tâm lý của học sinh để bình tĩnh giải quyết các tình huống”. Hơn 10 năm gắn bó với ngôi trường này, tôi chứng kiến nhiều học sinh “đặc biệt” dù đã tạm biệt mái trường nhiều năm nhưng vẫn luôn tìm về để được nói lời cảm ơn và được các cô giáo nơi đây tiếp lửa. Đó là động lực giúp những người giáo viên chúng tôi bền bỉ với công việc dạy dỗ học sinh nên người.
…đến người lãnh đạo mẫu mực
Gần 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô Hòa luôn là người mẹ hiền bao dung, động viên, uốn nắn các lỗi lầm, khiếm khuyết của bao thế hệ học trò. Đồng thời là hình mẫu về đạo đức, lối sống nhân ái, truyền cảm hứng không chỉ cho học sinh mà cả những đồng nghiệp thân yêu.
Với cương vị là người đứng đầu nhà trường (từ năm 2014), cô Nguyễn Thị Hòa luôn xác định phải đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Cô thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao và hiệu quả đến các hoạt động của nhà trường, tạo nên phong trào thi đua dạy và học sôi nổi, thu hút sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, giáo viên, học sinh và các gia đình phụ huynh học sinh. Qua đó, góp phần tăng cường sự đoàn kết nội bộ, tạo sự thống nhất từ chi bộ đến cán bộ, đảng viên, giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Hòa động viên học sinh đặc biệt có nhiều tiến bộ
Hằng năm, ngoài việc đảm bảo các giờ dạy theo đúng quy định chung của ngành, cô Hòa còn tích cực tham gia các buổi dự giờ vừa để hoàn thiện chuyên môn, vừa có những góp ý tích cực giúp các giáo viên của mình cải thiện các phương pháp dạy học nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác giảng dạy.
“Cô Hòa được mệnh danh là “linh hồn của các hội thi” bởi bất kỳ một hội thi nào nhà trường đăng ký tham gia cô luôn sát cánh. Từ chuẩn bị nội dung giáo án, bài giảng mẫu, trang phục hay bữa ăn, giấc ngủ của cán bộ, giáo viên, cô đều lo lắng, góp ý. Sự quan tâm của cô làm niềm vui của chúng tôi được nhân đôi, nỗi buồn thì vơi đi một nửa, yên tâm công tác, làm tốt những nhiệm vụ được giao.” - Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.
Dưới sự dẫn dắt của người lãnh đạo tận tâm ấy, những năm qua, thành tích của trường THCS Phương Tú luôn đứng ở tốp đầu của huyện Ứng Hòa. Năm học 2017 – 2018, nhà trường đã được đề nghị tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, Công đoàn được đề nghị khen thưởng Công đoàn vững mạnh xuất sắc và liên đội được đề nghị Liên đội mạnh cấp trung ương.
Nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường liên tục đạt các giải nhất, nhì, ba…trong các hội thi từ cấp huyện đến cấp thành phố. Năm nào nhà trường cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố.
Những kết quả ấy, đối với một ngôi trường ngoại thành là một sự động viên lớn, là minh chứng cho lòng nhiệt tình, tận tụy, say mê và đầy trách nhiệm với công việc của người thủ lĩnh Nguyễn Thị Hòa.
Tuy vậy, tâm sự với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hòa cho rằng: Gần 30 năm chèo lái những chuyến đò tri thức, sự trưởng thành của mỗi học sinh trên đường đời mới chính là “trái chín ngọt ngào” nhất mà cô gặt hái được trong cuộc đời.
Theo cô, trong xã hội hiện đại nhiều biến cố phức tạp, để có thêm nhiều “trái chín ngọt ngào” hơn nữa, những người làm thầy, làm cô chính là tấm gương sáng nhất để học trò noi theo. Tấm gương đó càng trong sáng thì những tiêu cực sẽ càng bị hạn chế và đẩy lùi.
Mai Thảo