Hà Nội thi đua ái quốc

Trường THCS Sài Đồng – Quận Long Biên – Thành phố Hà Nội: 35 năm trọn vẹn với sứ mệnh trồng người

TĐKT - Hơn ba thập kỷ miệt mài trong sự nghiệp trồng người, Trường THCS Sài Đồng đã trở thành “một địa chỉ vàng” chắp cánh cho bao ước mơ của lứa tuổi học trò quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Với chất lượng, niềm tin, vị thế đã được khẳng định, thế hệ cán bộ, giáo viên nhà trường ngày nay đang vững vàng những bước tiến chinh phục đỉnh cao phát triển mới, bồi dưỡng nên những công dân toàn cầu. Có thể nói, qua 35 năm hoạt động, Trường THCS Sài Đồng đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, đóng góp những giá trị quan trọng cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo địa phương. Kế thừa truyền thống, vững bước đến tương lai với khát vọng đổi mới, sáng tạo, ghi dấu ấn đẹp trong sự nghiệp trồng người, trong những năm học gần đây, thầy và trò nhà trường đã ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, rèn đức, luyện tài, lập những thành tích xuất sắc và toàn diện. Năm 2017, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia lần 2; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp nhiều năm đạt 100%, tỷ lệ học sinh giỏi đạt giải cấp Quận, Thành phố xuất sắc nhiều năm của quận Long Biên. Cô giáo Nguyễn Thị Diệu Thúy nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội  tặng tập thể nhà trường Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Diệu Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS Sài Đồng tự hào cho biết: “Năm học 2020 - 2021, ở tuổi 35 rực rỡ, thầy và trò nhà trường đã chinh phục và đạt giải cao tại nhiều kỳ thi các cấp. Trường được công nhận xếp loại xuất sắc về phong trào giáo viên giỏi (GVG) với 1 giáo viên đạt giải Nhất cấp quận môn Âm nhạc được chọn dự thi cấp Thành phố năm học 2021 - 2022, 1 giải Nhì môn Toán, 3 giải Ba (môn Toán và giáo viên chủ nhiệm); 7 GVG cấp Quận; 2 giáo viên có bài giảng E-learning đạt giải Nhì cấp Thành phố. Các tiết dạy được đánh giá cao trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, nghiên cứu bài học, ứng dụng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) và đồ dùng dạy học hiện đại. Nhà trường đạt giải Nhất gian trưng bày trong ngày hội CNTT và có 1 giải Ba kỹ năng nhân viên CNTT. Toàn trường có 17 học sinh giỏi cấp Quận với: 2 giải Nhì môn Giáo dục Công dân và Vật lý, 2 giải Ba, 1 giải Tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật; 5 học sinh giỏi dự thi cấp Thành phố với 3 giải gồm 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích; 12 học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ Toán học quốc tế mở rộng và đạt 12 huy chương các loại gồm 2 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng”... Nỗ lực vươn lên, tỏa sáng trong sự nghiệp phát triển giáo dục quận Long Biên, Trường THCS Sài Đồng đã được tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng xứng đáng. Nhiều năm liền, nhà trường được tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì năm học 2007 - 2008; Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội tặng nhiều Bằng khen. Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen nhiều năm trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập trường, nhà trường vinh dự được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học từ năm học 2018 - 2019 đến 2019 - 2020; cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Diệu Thúy vinh dự được Chủ tịch nước và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 15. Ban Giám hiệu nhà trường nhận Cờ thi đua của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Cờ của Hội đồng Đội TP Hà Nội Phát huy những thành quả đạt được, tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục phấn đấu hết mình để góp công sức xây dựng THCS Sài Đồng mãi là nơi thắp lên ngọn lửa của niềm đam mê và khát vọng vươn lên, là niềm tự hào, nơi trở về đầy ắp những kỷ niệm đẹp và tình yêu thương của các thế hệ nhà giáo, các thế hệ học sinh. Đỗ Quyên

Hà Nội: Bầu xong các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026

TĐKT - Sáng 23/6, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ nhất. Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của kỳ họp này là bầu các chức danh của HĐND, UBND, Hội thẩm TAND nhân dân theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành phố nhiệm kỳ mới. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh tới tham dự. Cùng dự có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố… Lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội chúc mừng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố được bầu tại kỳ họp Tại kỳ họp, HĐND TP Hà Nội đã bỏ phiếu kín bầu ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố khóa XV, tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 với 92/94 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 97,87%). Bầu đồng chí Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố khóa XV tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu đồng chí Phạm Quí Tiên, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất giữ chức Phó Chủ tịch HĐND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố Hà Nội đã bầu đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố khóa XV, giữ chức Chủ tịch UBND thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 92/94 đại biểu có mặt tán thành bằng phiếu kín (chiếm 97,87%). Tiếp đó, các đại biểu HĐND thành phố cũng bầu các chức danh Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cụ thể: Đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2016 - 2021: Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; Dương Đức Tuấn, Thành ủy viên; Hà Minh Hải, Thành ủy viên; Nguyễn Mạnh Quyền, Thành ủy viên; Chử Xuân Dũng, Thành ủy viên - tiếp tục giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026. Các đại biểu HĐND TP Hà Nội bỏ phiếu bầu chức danh Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2021 - 2026 HĐND thành phố cũng đã bầu 21 thành viên UBND TP Hà Nội là lãnh đạo các sở, ngành. Các đại biểu cũng đã biểu quyết xác nhận kết quả bầu cử đối với 21 thành viên UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026. Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: HĐND TP Hà Nội đã bầu nhân sự lãnh đạo của bộ máy chính quyền theo đúng quy định để đảm nhận và gánh vác, thực hiện thắng lợi những công việc quan trọng của Thủ đô. Đồng chí Trần Thanh Mẫn mong muốn những đồng chí được bầu sẽ tập trung trí tuệ, đoàn kết, quyết tâm xây dựng Thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Đồng thời, đề nghị Thường trực HĐND tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Thường trực UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố thống nhất xây dựng và ban hành quy chế phối hợp, có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trong thực hiện từng nội dung. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại kỳ họp Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cần phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, tiếp tục tập trung cao độ cùng cả nước thực hiện "mục tiêu kép", vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Tận dụng tốt những cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù trong Nghị quyết 115, Nghị quyết số 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành để minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.... Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã gửi lời chúc mừng 95 vị đại biểu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng thời, khẳng định đây là niềm vui, niềm vinh dự, tự hào, cũng là trách nhiệm cao cả của mỗi đại biểu để đáp lại niềm tin, kỳ vọng của cử tri đã gửi gắm. Đồng chí mong muốn mỗi đại biểu HĐND cần chủ động nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng; có những việc phải thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất, kiến nghị sâu sắc, ý nghĩa, giá trị thiết thực, dám chịu trách nhiệm trước cử tri và HĐND trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Liên hệ chặt chẽ với cử tri và nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, xứng đáng là đại biểu của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đồng chí Trần Thanh Mẫn tin tưởng HĐND thành phố khóa mới kế thừa và phát huy những thành quả của các khóa trước, tiếp tục có nhiều giải pháp đột phá, đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đoàn kết, trách nhiệm, chung sức, đồng lòng, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ lớn lao mà Đảng bộ, nhân dân Thủ đô tin tưởng giao phó. Trong kỳ họp, HĐND TP Hà Nội cũng đã bầu 100 đồng chí Hội thẩm Tòa án Nhân dân thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026. HĐND thành phố thông qua nghị quyết về điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. HĐND thành phố thông qua nghị quyết về một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Theo đó, HĐND TP quyết nghị 6 mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội gồm: Chi chế độ hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung; hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tập trung…. Mai Thảo

Hà Nội: Tổng kết, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tổ chức thành công cuộc bầu cử

TĐKT - Sáng 17/6, Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính trụ sở Thành ủy Hà Nội tới các điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố. Dự hội nghị, đại biểu Trung ương có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam. Đại biểu TP Hà Nội có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Bầu cử thành phố; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử thành phố; Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo bầu cử thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, thành viên Ban Chỉ đạo bầu cử, Ủy ban Bầu cử thành phố và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các cá nhân Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Vũ Thu Hà, cho biết, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, an toàn, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân số lượng cử tri đi bầu tỷ lệ cao hơn nhiệm kỳ 2016 - 2021. Kết thúc việc bỏ phiếu, toàn thành phố có 5.396.170 cử tri đi bầu cử, đạt tỷ lệ 99,16%; không có khu vực bỏ phiếu tỷ lệ cử tri đi bầu dưới 50%. Các khu vực bỏ phiếu đã kết thúc cuộc bỏ phiếu theo đúng quy định. Thành phố đã bầu được 29 đại biểu Quốc hội, 95 đại biểu HĐND Thành phố, đủ số lượng, đúng cơ cấu thành phần, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu về đều trúng cử với số phiếu bầu cao. 30 quận, huyện, thị xã đã bầu được 1.052/1.054 đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã; cấp xã, phường đã bầu được 10.593 đại biểu HĐND xã, thị trấn. Số đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã về cơ bản đảm bảo đúng cơ cấu, thành phần. Số đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã, thị trấn phải bầu thêm giảm nhiều so với kỳ bầu cử 2016 - 2021. Tại Hội nghị, các đại biểu đã có những tham luận làm rõ thêm về công tác triển khai, cũng như những kết quả đạt được và những kinh nghiệm rút ra sau kỳ bầu cử. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và gửi lời cảm ơn chân thành tới những tập thể, cá nhân từ thành phố đến thôn, tổ dân phố, các tổ bầu cử, sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt tình của cử tri, nhân dân Thủ đô đã góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử - ngày hội lớn của đất nước. Đồng chí Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, cuộc bầu cử kỳ này diễn ra trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 diễn biến hết sức khó lường, phức tạp. Cùng với đó, Hà Nội với vị trí là Thủ đô, là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, hội nhập quốc tế, luôn là địa bàn trọng điểm, phải đối mặt với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Ngoài ra, Hà Nội còn là địa phương có số đơn vị bầu cử, số khu vực bỏ phiếu và số lượng đại biểu ứng cử Quốc hội, HĐND các cấp lớn nhất cả nước. Song với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, sâu sát, hiệu quả, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã tập trung cao độ, vượt qua những khó khăn thách thức, tổ chức thành công tốt đẹp về mọi mặt, bảo đảm đúng luật, an toàn tuyệt đối cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, có được những thành công như trên chính là nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, phải kể đến những cán bộ cơ sở, nhất là thành viên các tổ bầu cử ở các phường, xã, tổ dân phố đã không quản ngại khó khăn, vất vả; những cán bộ làm nhiệm vụ trong khu cách ly, thậm chí có những đồng chí phải mang hòm phiếu, phiếu bầu tới tận tay những người đang thực hiện cách ly, người cao tuổi... không đến được điểm bỏ phiếu tập trung; những chiến sĩ công an, quân đội thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, phòng, chống cháy, nổ...; các lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch đã góp phần bảo đảm cho cuộc bầu cử được diễn ra an toàn. Về nhiệm vụ tới đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Bầu cử các cấp của thành phố tập trung tổng hợp, hệ thống lại những ưu điểm, những cách làm hay, khoa học, hiệu quả, những điểm mới, sáng tạo cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế để từ đó đúc kết thành những kinh nghiệm quý báu cho các kỳ bầu cử sau. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Cờ thi đua của UBND TP Hà Nội cho các tập thể Đồng chí đề nghị, đối với các đại biểu trúng cử cần bắt tay ngay vào việc thực hiện chương trình hành động của mình, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan và địa phương. Thường trực HĐND, UBND các cấp khẩn trương hoàn chỉnh quy chế làm việc để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền nhà nước. Đồng thời, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy và Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố, các Nghị quyết cụ thể của HĐND, các chương trình, kế hoạch của UBND nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2021 và trong cả nhiệm kỳ. Tại Hội nghị, 9 tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 45 tập thể được UBND thành phố tặng Cờ thi đua và nhiều tập thể, cá nhân được UBND thành phố khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Mai Thảo

Kết thúc ngày thi thứ 2 THPT: Củng cố niềm tin về một Thủ đô đoàn kết, an toàn trong mọi hoàn cảnh

TĐKT - Dù vẫn tiếp tục xuất hiện bệnh nhân mắc Covid-19 tại một số tỉnh thành trên cả nước nói chung và tại Hà Nội nói riêng; cộng với diễn biến thời tiết mưa dông lớn diễn ra trên địa bàn Thủ đô, nhưng sáng 13/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021 – 2022 của TP Hà Nội vẫn diễn ra như kế hoạch. Đến trưa, kỳ thi đã chính thức khép lại sau khi các thí sinh hoàn thành 2 môn thi cuối cùng Toán và Lịch sử. Lực lượng công an tích cực phân luồng giao thông tại điểm thi Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân Bước ra từ điểm thi trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân), em Đỗ Gia Linh, lớp 9A5 trường THCS Nguyễn Trãi với tâm trạng phấn khởi cho biết: Đề thi Toán và Lịch sử đều là những kiến thức cơ bản mà chúng em đã được học. Vì vậy, hầu hết không chỉ em mà các bạn xung quanh em thấy đều làm bài khá tốt. Đề Lịch sử dưới dạng trắc nghiệm nên em làm xong khá sớm. Môn Toán tuy không khó nhưng vẫn có cả những câu phân loại cho các bạn học giỏi. Linh cho biết: Thi xong 4 môn rồi, môn nào em cũng tiếc một chút vì vẫn còn một số sai sót không đáng có. Nhưng em đã làm bằng hết khả năng của em. Những tiếc nuối đó sẽ là kinh nghiệm cho những cuộc thi sau của em. Còn thí sinh Nhữ Hiền Thu, tại điểm thi Trường THCS Hoàng Liệt cho biết: Đề thi môn lịch sử khá dễ, em làm xong sớm. Còn đề thi môn Toán sẽ dễ với những bạn học khá trở lên. Với em, tiếc nhất là phần 2, câu 2 em tính ra kết quả đúng nhưng lại viết nhầm công thức.” Dù mưa to nhưng học sinh dự thi tại điểm trường THCS Thanh Xuân Nam vẫn thực hiện đo nhiệt độ, khử khuẩn và đi theo luồng đến phòng thi Dù sáng 13/6, trời mưa to nhưng tại 5 điểm thi trên địa bàn quận Thanh Xuân đều đảm bảo điều kiện, không ùn tắc giao thông. Các lực lượng chức năng tại các điểm thi tiếp tục hỗ trợ hết mình cho các thí sinh. Theo báo cáo nhanh của Sở Giao dục và Đào tạo Hà Nội, so với ngày thi 12/6, toàn thành phố có thêm 9 thí sinh vắng (bao gồm: Các thí sinh vi phạm quy chế thi ngày 12/6/2021 bị đình chỉ thi; một số thí sinh thuộc hệ thống các trường liên cấp ngoài công lập đã được xét tuyển vào cấp THPT ngoài công lập nên không có nhu cầu tiếp tục dự thi). Kỳ thi vào lớp 10 THPT trên địa bàn TP Hà Nội năm nay có 184 điểm thi, với hơn 93 nghìn thí sinh dự thi. Mặc dù diễn ra trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng như trong thời tiết mưa dông, nhưng công tác tổ chức kỳ thi triển khai đúng tiến độ và bảo đảm các quy định về chuyên môn cũng như phòng, chống dịch Covid-19, góp phần tổ chức thành công kỳ thi, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho thí sinh. Tình nguyện viên che ô cho các thí sinh dù trời mưa rất to Ghi nhận nhanh, nhiều người dân Thủ đô đánh giá cao về công tác tổ chức kỳ thi này. Niềm tin về một Thủ đô đoàn kết, an toàn trong mọi hoàn cảnh được củng cố trong lòng nhân dân Thủ đô và cả nước nói chung. Chị Lê Thị Tố Như (quận Thanh Xuân) cho biết: Năm nay các học sinh thi vào lớp 10 được sự quan tâm của toàn thành phố. Dù dịch bệnh phức tạp nhưng thành phố, quận, nhà trường đã chủ động, kịp thời đưa ra các giải pháp trong tổ chức dạy học, ôn luyện thi cho các con. Cả thầy và trò đều động viên nhau khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt. “2 ngày thi diễn ra trong thời tiết mưa gió nhưng lực lượng công an làm rất tốt phân luồng giao thông nên không có cảnh ùn tắc. Sáng 13/6, trời mưa rất to, các chú công an rồi tình nguyện viên vừa làm nhiệm vụ nhưng còn nhiệt tình che ô cho một số thí sinh, thậm chí nói lời chúc các các thi tốt nữa. Có thể nói, sau kỳ thi này, niềm tin về một Thủ đô đoàn kết, an toàn trong mọi hoàn cảnh tiếp tục được củng cố không chỉ trong tôi mà trong rất nhiều người khác!” – Chị Như chia sẻ với tâm trạng hài lòng. Thí sinh Nhữ Hiền Thu cũng vậy, em cho rằng, hình ảnh đẹp để lại ấn tượng nhất trong em qua 2 ngày thi vừa qua đó là các anh chị đoàn viên, thanh niên tận tình che ô cho từng bạn, chỉ dẫn lên các phòng rất chu đáo. Còn với chị Nguyễn Hiền Chi (quận Hoàng Mai), hình ảnh các trường hợp thí sinh đến nhầm địa điểm được các lực lượng kịp thời hỗ trợ đưa đến phòng thi kịp giờ; hàng trăm thí sinh đến điểm thi bị ướt sũng người vì mưa đã được các thầy cô ngay lập tức hỗ trợ quần áo đồng phục, áo phông để thay… là những điều làm chị thật sự cảm động ở mùa thi vào THPT trên địa bàn Thủ đô năm nay. Mai Thảo

Thí sinh tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông ở Hà Nội hoàn thành ngày thi đầu tiên

TĐKT - Sáng 12/6, hơn 93 nghìn thí sinh Hà Nội bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021 - 2022. Đến trưa nay, ngày thi thứ nhất đã kết thúc sau khi các thí sinh hoàn thành 2 bài thi đầu tiên môn Ngữ văn và ngoại ngữ. Cơn mưa nặng hạt buổi sáng sớm ở Thủ đô khiến việc di chuyển đến trường thi của các thí sinh và việc thực hiện nhiệm vụ của những người làm thi có phần vất vả hơn. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại một số điểm thi trên địa bàn quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, lúc đồng hồ mới chỉ hơn 6 giờ sáng, các lực lượng công an, tình nguyện viên đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công tại các điểm thi. Các phụ huynh cũng rất cẩn thận, để chủ động tạo tâm thế tốt nhất cho con mình, nhiều người đã đưa con đến trường thi rất sớm. Thanh niên tình nguyện che mưa hỗ trợ các thí sinh đi vào trường thi THCS Thanh Xuân Nam Nhanh tay che ô cho một bạn học sinh vừa xuống khỏi xe của mẹ, bạn Nguyễn Quang Đạt, Bí thư Đoàn phường Kim Giang, Trưởng nhóm thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại điểm thi trường THCS Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) vui vẻ: Mưa cũng là điều may mắn cho các thí sinh dự thi, vì hôm nay các em học sinh ngồi trong phòng thi không có điều hòa. Mưa thì không khí mát mẻ hơn, phần nào giúp các em dễ chịu và làm bài tốt hơn. Còn tại điểm thi trường THCS Phúc Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, chị Ngô Mai Thu, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cho hay: “Sáng đưa con đi thi đúng lúc trời mưa to, nhưng 2 mẹ con không trú mưa vì sợ muộn giờ thi của con. Vì nhà xa nên tôi không về nhà mà tranh thủ đi giải quyết chút công việc, sau đó, sẽ quay lại đón con. Tôi tin là con sẽ làm tốt các môn thi trong kỳ thi này”. Dù trời mưa nhưng khi đến các điểm thi, tất cả các thí sinh đều được các lực lượng trợ giúp nhiệt tình. Có bạn học sinh đi nhầm điểm thi, được các thanh niên tình nguyện đưa đến đúng điểm thi của mình. Tại điểm thi, các thí sinh được đo thân nhiệt, khử khuẩn, phát sơ đồ, chỉ dẫn, nhanh chóng di chuyển vào bên trong và lên đúng phòng thi. Thí sinh tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm) được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và phân luồng di chuyển Còn các phụ huynh sau khi đưa con đến điểm thi đều ra về nhằm đảm bảo giãn cách. Từ 8h tại khu vực cổng các trường thi đều thông thoáng, lực lượng công an, tình nguyện vẫn ứng trực đầy đủ để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đúng 8h30, tiếng trống vang lên, thí sinh bắt đầu làm bài thi môn đầu tiên - môn Ngữ văn trong thời gian 90 phút. 10h30, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ trong thời gian 45 phút. Đúng 11h15, tất cả các thí sinh kết thúc buổi thi đầu tiên sau khi hoàn thành 2 bài thi môn Ngữ văn và Ngoại ngữ. Theo thông tin nhanh từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kết thúc 2 môn thi buổi sáng, trong số các thí sinh vắng mặt (vì nhiều lý do), có 38 thí sinh vắng mặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (1 trường hợp F0, 20 trường hợp F1, 7 trường hợp F2 và 10 thí sinh trong diện phong tỏa). Theo ghi nhận nhanh của phóng viên tại các điểm thi, nhiều thí sinh có tâm trạng khá phấn khởi vì làm được bài. Nhiều phụ huynh phấn khởi khi con làm được bài thi. Là thí sinh bước ra đầu tiên tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm), em Ngô Thị Mai Hương phấn khởi cho biết: “Hai môn thi đầu tiên em đều làm được. Em thấy đề thi năm nay thú vị, nhất là câu nghị luận xã hội của môn Ngữ văn. Còn môn Ngoại ngữ em thấy dễ, em đoán mình được khoảng 8,5 điểm”. Bước ra từ điểm thi trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân), em Nguyễn Gia Linh nói với mẹ: “Đề tiếng Anh dễ hơn nên con làm tốt mẹ ạ. Còn đề văn tương đối khó với con, nhưng con làm cũng rất ổn.” Sáng mai 13/6, thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng với hai môn còn lại là Toán và Lịch sử; trong đó, thời gian làm bài môn Toán là 90 phút, từ 8h30 đến 10h (rút ngắn 30 phút) và môn Lịch sử, thời gian làm bài 45 phút (rút ngắn 15 phút), từ 10h30 đến 11h15. Thời gian nghỉ giữa 2 môn là 30 phút. Mai Thảo

Hà Nội ra mắt Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19

TĐKT - Ngày 11/6, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Y tế Hà Nội đã chính thức ra mắt “Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 Hà Nội” phục vụ công tác phòng, chống dịch thành phố. Thông qua điện thoại di động thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng internet, người dân có thể tìm kiếm, phát hiện các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19 xung quanh mình hoặc tại một vị trí bất kỳ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, hệ thống cũng cung cấp các công cụ bản đồ phân tích mật độ, thống kê phục vụ người dân cũng như công tác quản lý, giám sát, phòng, chống dịch; các điểm xét nghiệm COVID-19; các khu cách ly tập trung; khu vực phong tỏa, cách ly y tế; bệnh viện, trung tâm y tế... Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 Hà Nội được truy cập trực tiếp tại địa chỉ https: https://covidmaps.hanoi.gov.vn/ Giao diện Bản đồ thông tin dịch tễ COVID-19 Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cho biết: Nguồn dữ liệu, số liệu chuyên môn về dịch tễ COVID-19 được cung cấp bởi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, Sở Y tế Hà Nội và được cập nhật liên tục ngay sau khi có thông báo chính thức của CDC. Sở Thông tin và Truyền thông hy vọng đây sẽ là một trong những công cụ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả cho người dân và các cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố. Trong giai đoạn 2, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội phối hợp Sở Y tế, CDC sẽ tiếp tục nâng cấp, bổ sung một số chức năng mới như: Thông tin các điểm dịch tễ, điểm phong tỏa, ca dương tính đã công bố trong vòng bán kính do người dùng xác định trên bản đồ; cập nhật thông tin bản đồ các quận - huyện, phường - xã đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19; xác định vị trí, tìm đường đi để xây dựng lộ trình di chuyển phù hợp, hạn chế tiếp xúc các điểm có nguy cơ lây nhiễm. Hưng Vũ

Thành phố Hà Nội: Dồn tâm sức cho kỳ thi an toàn trong tình hình mới

TĐKT - Theo kế hoạch, ngày 12/6, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Dù vẫn trong tình huống phải phòng, chống dịch COVID-19 nhưng công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại 184 điểm thi trên địa bàn TP Hà Nội đang diễn ra rất cẩn trọng, chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình mới. Sáng 11/6, dù đồng hồ đã điểm 11 giờ trưa, cơn mưa rào vừa ập đến đột ngột rồi tạnh ngay sau vài phút, cái nắng nóng oi bức cũng đồng thời xuất hiện nhưng tất cả 59 cán bộ nhân viên trong Hội đồng thi ở điểm trường THCS Thanh Xuân Nam vẫn say sưa thực hiện các tình huống diễn tập. Người thì đo nhiệt độ, người hướng dẫn phân luồng thí sinh; người trực ytế, người đóng vai thí sinh, người đóng vai cán bộ coi thi…ai nấy đều đã nắm rõ được vị trí và nhiệm vụ cụ thể của mình vào ngày 12 và 13/6 khi kỳ thi diễn ra. Điểm trường THCS Thanh Xuân Nam thực hiện diễn tập Trong chiếc váy vàng ướt sũng mồ hôi, cô giáo Nguyễn Phương Chinh, Trưởng Điểm thi trường THCS Thanh Xuân Nam vui mừng cho biết: Đến thời điểm hiện tại, điểm thi đã đảm bảo tất cả các yêu cầu theo các công văn chỉ đạo liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, đã sẵn sàng, đảm bảo điều kiện để đón toàn bộ 292 thí sinh đến tham dự kỳ thi. Mọi yêu cầu về phòng, chống dịch: Khử khuẩn, nước rửa tay, khẩu trang. 13 phòng thi được khử khuẩn, kê bàn đảm bảo khoảng cách. Trong sáng nay, toàn bộ các cán bộ, giáo viên, nhân viên của điểm thi đã được phổ biến rõ về quy chế. Chiều nay,  26 cán bộ coi thi 1, cán bộ coi thi 2 tại điểm thi này cũng sẽ tham gia lấy mẫu test nhanh nhằm đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi diễn ra vào sáng mai. Trung tá Trần Đức Quang, Trưởng Công an phường Thanh Xuân Nam – đơn vị được giao đảm bảo an ninh trật tự cả bên trong và bên ngoài khu vực 2 điểm thi trường THCS Thanh Xuân Nam và THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho biết: Vì kỳ thi năm nay diễn ra trong diễn biến có dịch bệnh Covid-19 nên theo quy định các phòng thi sẽ không sử dụng điều hòa và phải mở hết các cửa đảm bảo thông thoáng. Tuy nhiên, để đảm bảo trật tự, đảm bảo an toàn đề thi, tạo không gian yên tĩnh, tập trung cho các thí sinh, mấy ngày nay, lực lượng công an phường đã chủ động đến từng nhà dân xung quanh các trường để tuyên truyền và vận động ký cam kết không mở cửa hướng vào khu vực thi, không mở loa đài...trong suốt thời gian kỳ thi diễn ra. Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng nhắc nhở phụ huynh không tập trung trao đổi tại các điểm thi. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn kiểm tra phòng thi tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) Ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết: Vì thành quả chung của cả thành phố, những ngày qua, không chỉ ngành giáo dục, y tế căng mình chuẩn bị mà lãnh đạo, chính quyền và nhân dân toàn quận cũng dồn sức, chung tay vì một kỳ thi thành công và an toàn nhất. Đến thời điểm hiện tại, 5 điểm thi trên địa bàn quận Thanh Xuân đều đã sẵn sàng, đảm bảo điều kiện để đón 2.611 thí sinh bước vào kỳ thi an toàn. Đoàn công tác Thanh Xuân kiểm tra điều kiện phòng thi tại điểm Trường THCS Thanh Xuân Nam Không chỉ địa bàn Thanh Xuân mà tại 184 điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021 - 2022 tại các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố đều đã hoàn thành công tác chuẩn bị. Các điểm thi đều đã sẵn sàng, đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn và điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19. Theo nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội 10/6, phụ huynh và các em học sinh có thể yên tâm, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi đã được các cấp, các ngành chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng việc nhỏ,nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho thí sinh, phụ huynh, các lực lượng tổ chức kỳ thi. Mặc dù có con gái tham gia kỳ thi lần này nhưng chị Lê Thị Tố Như (quận Thanh Xuân, Hà Nội) không còn tâm lý quá lo lắng, hồi hộp như cách đây 1 tuần nữa. Chị Như tâm sự: Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã làm đảo lộn hết lịch học, lịch thi, lịch nghỉ hè của các con. Ban đầu, còn không biết lúc nào được thi hết cấp, các con luôn trong tình thế bị động, kéo dài việc ôn, còn thi thì phụ thuộc vào diễn biến của Covid-19. Nhưng kể từ khi thành phố thông báo ấn định lịch thi và triển khai quyết liệt các phương án đảm bảo an toàn cho cuộc thi trong tình hình mới, phụ huynh và học sinh như gỡ bỏ được phần lớn lo lắng. Mọi thông tin số báo danh, sơ đồ thi con đều cập nhật trực tuyến. Các thầy cô cũng tổ chức họp trực tuyến để dặn dò, động viên các con trong kỳ thi. Bây giờ chỉ mong con tập trung làm bài đạt kết quả cao nhất. Thiết nghĩ, với sự đồng hành của phụ huynh, quyết tâm của thí sinh và sự vào cuộc trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 của thành phố sẽ diễn ra thành công trọn vẹn. Mai Thảo  

15 năm cùng Thủ đô đổi mới, phát triển và hội nhập

TĐKT - Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, công chức, nhân viên Ban Thi đua – Khen thưởng (TĐKT) thành phố Hà Nội qua các thời kỳ luôn năng động, sáng tạo trong tham mưu tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện chính sách khen thưởng hiệu quả, tạo động lực to lớn thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Đi đầu trong tham mưu sửa đổi các văn bản về TĐKT Vốn là cử nhân kinh tế nhưng có duyên gắn bó với công tác thi đua, khen thưởng 15 năm nay, ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban TĐKTTP Hà Nội cho rằng: Điều tự hào trước nhất trong 15 năm qua với những người làm thi đua, khen thưởng Thủ đô đó là đã tham mưu giúp lãnh đạo thành phố xây dựng được khung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác TĐKTcủa thành phố và các cấp. Đây là điều kiện quan trọng, tạo hành lang pháp lý, là cơ sở giúp các địa phương, đơn vị thực hiện công tác TĐKTmột cách thống nhất; góp phần thúc đẩy các cấp, các ngành, các tổ chức, tầng lớp nhân dân phát huy sự sáng tạo thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kế hoạch. Đến nay, quy trình, thủ tục hành chính về công tác TĐKTcủa các cấp đều được công khai, rõ ràng, minh bạch, đơn giản hóa, tạo sự đồng thuận phát huy dân chủ, đoàn kết trong công tác khen thưởng. Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng ban Ban TĐKT TP Hà Nội Thủ đô Hà Nội vốn là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước, không ngừng vận động và phát triển. Vì vậy, công tác TĐKT cũng thay đổi không ngừng để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển. Theo ông Nguyễn Công Bằng, hàng năm, Ban TĐKTđều thuộc tốp đầu thành phố về số văn bản quy phạm pháp luật tham mưu. Trung bình, mỗi năm, Ban tham mưu thành phố ban hành từ 5 - 7 văn bản quy phạm pháp luật. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội có hàng trăm văn bản về TĐKT các loại gồm: Chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, công văn, hướng dẫn, thông báo… để chỉ đạo, hướng dẫn đã được ban hành. Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng và ban hành 4 văn bản khung quy định quản lý nhà nước về TĐKT trên địa bàn thành phố, 9 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản chỉ đạo, văn bản hướng dẫn nâng cao chất lượng công tác TĐKT. Thành công của Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025 có sự đóng góp quan trọng của những người làm công tác TĐKT Thủ đô Trong đó, nổi bật là việc ban hành các quy chế, quy định mới theo đặc thù của thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn như: “Quy chế khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố”; sửa đổi, bổ sung các quyết định về việc ban hành “Quy định xét, công nhận sáng kiến cơ sở” và xét, tặng Bằng “Sáng kiến Thủ đô”; Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”; Quy chế xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”; Quy chế “Khen thưởng thành tích đột xuất”, các văn bản hướng dẫn công tác khen thưởng Hội đồng nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố; hướng dẫn thực hiện nghi thức Nhà nước và quy định của thành phố về Lễ kỷ niệm, sơ kết, tổng kết trao thưởng; khánh thành và gắn biển công trình… Các văn bản đã cụ thể hóa Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, khen thưởng, Nghị định số 65/2014/NĐ-CP, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị trong thành phố. “Đó là sự lao động tâm huyết và thực sự nghiêm túc, không nề hà khó khăn, vất vả của những người làm TĐKTThủ đô suốt 15 năm qua; hướng tới “không hành chính hóa” công tác TĐKT; thực sự mang lại niềm vui, động lực, làm lan tỏa thêm nhiều điều tốt đẹp, ý nghĩa trong xã hội.” – ông Nguyễn Công Bằng khẳng định. Góp phần xây dựng bản sắc của Thủ đô Thực tế đã chứng minh, với cách làm khoa học và bài bản như vậy, các phong trào thi đua yêu nước và chính sách khen thưởng của TP Hà Nội luôn mang lại hiệu quả thiết thực.Khi nhắc đến Thủ đô là nhắc đến những phong trào thi đua mang bản sắc riêng, nhắc đến những danh hiệu cao quý đặc biệtđược đóng dấu bởi mảnh đất ngàn năm văn hiến như: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, phong trào thi đua Đẩy mạnh cải cách hành chính,phong trào thi đua “Trật tự văn minh đô thị”, “An toàn thực phẩm”; hay các danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, Sáng kiến Thủ đô, công nhân giỏi Thủ đô, Cúp Thăng Long... Được phát động và duy trì từ năm 1992, đến nay, “Người tốt, việc tốt” đã lan tỏa rộng khắp, đi vào hơi thở cuộc sống, trở thành việc làm hàng ngày trong mỗi tổ chức, đơn vị, cá nhân và gia đình. Đặc biệt, với những tham mưu cải cách theo hướng giảm bớt quy trình và đơn giản hóa thành phần hồ sơ, mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”… đã tạo động lực to lớn, khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội trong các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Tính riêng 5 năm qua, Hà Nội đã biểu dương trên 5.000 cá nhân tiêu biểu được lựa chọn trong số hàng trăm ngàn người tốt, việc tốt cấp cơ sở. Hàng trăm nghìn tấm gương sáng với nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái, không quản ngại khó khăn, vượt lên chính mình, được mọi người học tập và noi theo. Trong phong trào thi đua cải cách hành chính, những khẩu hiệu cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ thực hiện như: 5 rõ “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tránh nhiệm và rõ hiệu quả”, “Một việc, một đầu mối xuyên suốt” đã trở thành kim chỉ nam trong lề lối, phong cách làm việc mà mỗi cán bộ, công chức, viên chức thành phố khi giao dịch, làm việc với người dân và doanh nghiệp. Tất cả đều hướng đến mục tiêu vì một Thủ đô có nền hành chính công khai, minh bạch. Bóc xóa biển quảng cáo, rao vặt; tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào sáng thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ, tết; vận động xóa bỏ “nhà siêu mỏng siêu méo”; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; vận động trồng một triệu cây xanh… những mô hình cụ thể, tưởng đơn giản, nhưng không dễ thực hiện, đến nay đã trở thói quen đẹp và văn minh được nhân dân Thủ đô tự giác hưởng ứng, thực hiện. Đó là thành quả rõ nét trong phong trào thi đua xây dựng “Trật tự văn minh đô thị” của người Hà Nội… Hà Nội liên tục được Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc trung ương suy tôn dẫn đầu phong trào thi đua, được tặng Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua Không chỉ nỗ lực tạo nên sắc hoa thi đua riêng có mà trong vườn hoa thi đua chung của cả nước, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn khẳng định vị trí đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động, được các tỉnh thành bạn trong cả nước đánh giá cao. Hà Nội luôn là địa phương có nhiều mô hình thi đua tiêu biểu để các địa phương đến tham quan, học tập. 5 năm qua, thành phố Hà Nội liên tục được Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương suy tôn dẫn đầu và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. “Đó chính là niềm tự hào, động lực to lớn để những cán bộ, công chức, nhân viên Ban TĐKTthành phố tiếp tục sáng tạo và góp sức mình vào sự nghiệp phát triển bền vữngThủ đô và đất nước” – Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng khẳng định. Sáng tạo, mạnh mẽ trong phát hiện, tuyên truyền và nhân điển hình tiên tiến Với việc coi trọng công tác tuyên truyền những tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt,coi đó là hình thức giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, những năm qua Ban TĐKT TP Hà Nội đã có nhiều sáng tạo trong công tác phát hiện, tuyên truyền và nhân điển hình tiên tiến. Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội ngày càng thu hút nhiều lực lượng tham gia dự thi, góp phần nối dài những cánh tay làm thi đua, khen thưởng Từ năm 2015, Ban đã tham mưu, đề xuất UBND thành phố xét tặng giải thưởng thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt” và xuất bản sách “Những bông hoa đẹp thành phố Hà Nội”nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân trong công tác phát hiện. Chỉ đạo thành lập Tổ Công tác chuyên đề phát hiện, đề xuất khen thưởng thành tích đột xuất, gương ĐHTT, NTVT cấp thành phố và chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã và 6 sở, ngành lớn thành lập Tổ công tác chuyên đề, yêu cầu các đơn vị hàng tháng gửi bài viết tham gia dự thi (đến nay đã có 30/30 quận, huyện và 6/6 sở, ngành thành lập Tổ Công tác)với nhiệm vụ thường xuyên phát hiện, xem xét,lựa chọn, đề xuất kịp thời các gương ĐHTT, NTVT. Tính đến nay, Cuộc thi đã thu được trên 10.000 bài dự thi, tác phẩm báo chí; qua đó đã lựa chọn, đề xuất và được thành phố khen thưởng trên 5.000 gương ĐHTT, NTVT; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã khen thưởng trên 30.000 gương; đã có11 gương được xét, chọn đề xuất tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” và 1 gương được khen thưởng cấp Nhà nước. Hằng năm,Ban cũng tham mưu thành phố tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú, kịp thời biểu dương, tôn vinh hang nghìn gương ĐHTT, NTVT trên các lĩnh vực; định kỳ xuất bản sách “Những bông hoa đẹp” TP Hà Nội… Đặc biệt, mỗi năm, Ban chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền hình nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm về gương ĐHTT, NTVT. Nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở cơ sở, hoạt động giao lưu cùng các ĐHTT, NTVT được mở rộng triển khai đến các cụm thi đua (đến nay, 50% các cụm thi đua của thành phố đã tổ chức giao lưu). Định kỳ hàng tuần, thành phố giới thiệu các gương ĐHTT, NTVT đề nghị các sở, ban, ngành, cơ quan báo chí phối hợp tuyên truyền… Qua đó, ngày càng lan tỏa mạnh mẽ những nghĩa cử cao đẹp, nhân văn đến cộng đồng, nhân dân Thủ đô. Mỗi thời điểm khác nhau, công tác TĐKT luôn đáp ứng kịp thời động viên nhân dân thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô Nhiều năm nay, một hành động dũng cảm, không màng đến nguy hiểm của bản thân, lao mình ra đỡ được cháu bé đang trong tình trạng rơi tự do từ tầng 12A xuống của chàng trai trẻ nguyễn Ngọc Mạnh, ở Đông Anh, Hà Nội hay hành động dũng cảm khống chế một tên tội phạm đang truy nã của người tài xế ở Long Biên; một công nhân dọn vệ sinh của một hãng hàng không nhặt được hàng tỷ đồng đã trả lại người đánh mất; một chiến sĩ lao mình vào biển lửa để cứu người; một tập thể dấn thân vào hang ổ để bắt gọn những tội phạm ma túy…tất cả đều được lãnh đạo thành phố, các cấp, các ngành quan tâm và kịp thời khen thưởng. Qua đó, đã tạo nguồn động viên to lớn đến không chỉ cá nhân, gia đình, tổ chức mà còn tạo nên làn sóng dư luận tích cực, khích lệ cộng đồng xã hội có thêm niềm tin về sự công bằng, tin vào những điều tốt đẹp, thiện lương và tấm lòng cao quý của con người; góp phần “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” - một giải pháp quan trọng của công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong mỗi giai đoạn, thời điểm khác nhau, công tác TĐKT sẽ được thực hiện bằng sự chủ động, sáng tạo, với những dấu ấn riêng. Nối tiếp truyền thống 15 năm tự hào của ngành TĐKT Thủ đô, cán bộ, công chức, nhân viên Ban TĐKT TP Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và thành phố giao, cùng Thủ đô đổi mới, phát triển và hội nhập. Mai Thảo

Nỗ lực truyền cảm hứng sống đẹp

TĐKT - Không quá xuất sắc, không nổi bật như một số thầy cô giáo khác nhưng cô giáo Lã Thị Thu Hằng, trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ học sinh cũng như những đồng nghiệp bởi chính trái tim tràn đầy tình yêu thương và sự chân thành của mình. Dạy học bằng trái tim ấm nóng Với những người làm nghề chèo lái chuyến đò tri thức, sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi học sinh trên đường đời chính là “trái chín ngọt ngào” nhất mà họ gặt hái được trong cuộc đời. Với cô giáo Lã Thị Thu Hằng cũng không ngoại lệ. Năm học 2019 - 2020 vừa qua, khi nhận được tin cậu học trò cũ Nguyễn Bình Minh được công nhận là một trong những học sinh giỏi của Trường THCS Cổ Nhuế 2, cô giáo Lã Thị Thu Hằng đã vỡ òa cảm xúc hạnh phúc xen lẫn niềm tự hào. Cô Hằng đang hướng dẫn, uốn nắn học sinh của mình Minh vốn là học trò cũ của cô Hằng. Em từng là một học sinh mải chơi, sợ học, hay gây lộn với bạn trong và ngoài lớp. Ngày đầu tới lớp, em nói rất nhiều, ngại học, ngại viết và có những biểu hiện tăng động, gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến cả lớp. Với suy nghĩ “Ngoảnh mặt đi con dại, ngoảnh mặt lại con khôn. Học sinh cá tính gây cho mình nhiều mệt mỏi, căng thẳng nhưng chúng cũng như con mình”, cô Hằng đã dành nhiều thời gian, kết hợp với gia đình cùng hỗ trợ, giúp đỡ em ngày càng tiến bộ. Qua tìm hiểu tâm tư, cô biết được Minh sợ học là do mỗi khi em làm bài sai, bố mẹ thường chì chiết, trách mắng, so sánh Minh với bạn khác, luôn tạo áp lực buộc em phải học giỏi. Lâu dần, cậu bé trở nên lì lợm, bất cần. Sự so sánh, chê bai càng lớn Minh càng ghét học, ghét luôn bạn bè khiến không một ai thích chơi, không một bạn nào thích nói chuyện với Minh. Các bạn trong lớp ngày một xa lánh cậu, cậu chỉ thui thủi một mình và nổi khùng khi có ai động đến. Cô Hằng đã chủ động đến gặp bố mẹ em và mong muốn gia đình hợp tác với cô giáo, bớt tạo áp lực cho Minh, gần gũi, quan tâm đến cảm xúc của con hơn, dành nhiều lời khen, lời động viên cho con hơn. Cô Hằng luôn âu yếm, tình cảm với học trò của mình Để giúp Minh có sự tự tin, hằng ngày, cô Hằng thường ở lại khoảng 20 phút cuối mỗi buổi học để nói chuyện, tâm sự với Minh; đồng thời dùng khoảng thời gian này để giúp em ôn tập lại bài tập trên lớp, kể cho em nghe những mẩu chuyện thú vị về tình bạn, về gia đình. Cô cũng thường khen em trước lớp và dành những phần thưởng nho nhỏ để khích lệ, động viên khi Minh có tiến bộ dù nhỏ. Cô tạo nhiều cơ hội để em trao đổi với bạn bè và gia đình. Nhờ đó,  em hứng thú hơn với các môn học, đặc biệt là môn Toán. Minh nói chuyện, giao lưu nhiều hơn với các bạn, em không còn cố tình trêu bạn để được chú ý nữa. Năm học đó, Minh dần tiến bộ, được ghi nhận là “Học sinh có tiến bộ vượt trội về môn Toán”. Nhìn Minh rạng ngời, vui sướng và đầy hãnh diện đón nhận giấy khen trong ngày tổng kết năm học, cả gia đình em và cô giáo đều không giấu nổi niềm hạnh phúc. Mẹ của Minh xúc động: “Cô Hằng như là người mẹ thứ hai của Minh. Con thật may mắn vì được là học trò của cô. Gia đình cảm ơn cô rất nhiều.” Truyền lối sống đẹp Chị Nguyễn Thị Thanh Vi, một đồng nghiệp cũ của cô Hằng, hiện đang công tác ở Phòng Giáo dục quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: Dù gia đình còn nhiều điều phải bận tâm, trăn trở; có khi vừa phải là “y tá” mát tay trị liệu cho đứa con thứ 2 hay bệnh tật, đau yếu; có khi vừa là người trụ cột trong gia đình mỗi khi chồng bộ đội đi công tác xa nhà… nhưng cô Hằng luôn làm tròn cả hai vai “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. “Không chỉ Minh mà bất kỳ học trò nào cũng đều nhận được sự quan tâm dạy dỗ và tình yêu thương chân thành từ cô Hằng. Đã 10 năm nay, trong 8 tuần đầu học kỳ một, cuối mỗi buổi học cô Hằng thường dành 20 - 30 phút để uốn nắn cho 7 - 10 học trò từng nét ngay ngắn sạch đẹp; mỗi tuần dành 3 - 5 buổi kèm nhóm trên dưới 10 học sinh từ 35 - 50 phút mỗi buổi giúp các em bổ sung kiến thức nâng cao hoặc kiến thức bị hổng…” – Chị Vi cho biết. Đặc biệt, rất nhiều năm nay, cô luôn dành tình cảm, sự quan tâm chân thành đến từng học trò của mình. Thấy học sinh Ngô Xuân Tùng ngại học, gặp bài khó là hay nổi cáu, lẩn trốn, chui gầm bàn, cô Hằng đã động viên gần gũi, thủ thỉ, giúp em hòa nhập. Thấy cô học trò nhỏ Bảo Anh hay buồn chán trong giờ, cô quan tâm hỏi han và biết rõ nguyên nhân do bố mẹ em thường cãi cọ, xô xát đã gây tổn thương không nhỏ tới tuổi thơ và tạo ký ức buồn cho trò. Cô Hằng đã gặp gỡ và trao đổi với cha mẹ, đồng thời động viên Bảo Anh để em bớt buồn. Tìm được sự yêu thương của cô giáo, cô trò nhỏ Bảo Anh đã thay đổi, không còn buồn chán, em học tập tiến bộ hơn… Biết em Huyền khó khăn, dù gia đình không dư giả nhưng cô Hằng vẫn dành tặng vở, bút viết, báo đội cho em với số tiền ít ỏi 50.000 đồng mỗi tháng làm cô học trò nhỏ cảm thấy rất vui. Học sinh Nguyễn Bùi Phương Vy không may bị ốm, với tình cảm của người giáo viên như người mẹ thứ hai, cô đã quan tâm thăm hỏi, mua quà tặng em. Mỗi lần như thế, học sinh của cô như được an ủi, động viên, tiếp thêm sức mạnh để mau khỏi bệnh. Năm học 2019 - 2020, lớp cô Hằng có em Hoa Khánh Linh, Hoa Chấn Phong là hai anh em sinh đôi, gia đình khó khăn, bố mẹ phải đi làm ăn xa, hai em ở nhà với bà già yếu. Nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6, cô Hằng đã tặng sách vở, mua quà cho các em và luôn dành thời gian quan tâm các em nhiều hơn. Trong tháng 5 vừa qua, có 5 học sinh lớp cô dự thi Toán HKIMO vòng quốc gia, cô đã tặng mỗi học sinh 50.000 đồng, khi các em đạt giải, cô lại tặng mỗi em một bút viết và 50.000 đồng… Dù đó là những quan tâm rất nhỏ, những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường, giản đơn nhưng hành động đẹp ấy của cô Hằng đã hằng ngày thấm dần vào những tâm hồn con trẻ, giúp các em thêm tự tin hơn trong cuộc sống, tìm được động lực để phấn đấu sống và học tập tốt hơn. Nhiều học sinh của cô đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi, giao lưu học sinh giỏi các cấp, các sân chơi trí tuệ HKICO, HKIMO, KANGAROO… Những dòng nhắn gửi yêu thương, lời tri ân ngây thơ, trong sáng, tình cảm chân thành của các học trò dành cho cô giáo Hằng Với sự say mê yêu nghề, cô Hằng cũng đã đạt nhiều danh hiệu và thành tích trong giảng dạy: “Giáo viên dạy giỏi” cấp quận, giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” lần thứ IV. Cô vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2020. Cầm trên tay những bức thiệp đủ sắc màu kèm những dòng nhắn gửi yêu thương, lời tri ân ngây thơ, trong sáng, tình cảm chân thành của các học trò, cô Hằng cười hạnh phúc: “Sự kính trọng của trò, sự tin yêu gửi gắm của cha mẹ học sinh” đó là món quà quý giá nhất, tiếp thêm động lực vượt qua mọi khó khăn cho mỗi người làm nghề giáo chúng tôi. Thảo - Vi      

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình

TĐKT - Hôm nay 31/5, quận Ba Đình (TP Hà Nội) tròn 60 năm thành lập (31/5/1961 - 31/5/2021). Dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi tới toàn thể cán bộ, đảng viên, quân và dân quận Ba Đình với những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi quận Ba Đình Trong thư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kế thừa truyền thống, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình đã luôn đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vượt khó, giành được nhiều thành tựu quan trọng, xứng đáng với vị trí trung tâm hành chính - chính trị quốc gia với an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội luôn giữ vững; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, thu ngân sách hàng năm đều vượt chi tiêu được giao, nằm trong tốp đầu của Thủ đô; an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng đời sống của người dân ngày một nâng lên. Quận Ba Đình xứng đáng được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích xuất sắc mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình đã đạt được trong 60 năm qua. TP Hà Nội đã tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" cho nhiều cá nhân thuộc quận Ba Đình Huân chương Độc lập hạng Ba mà quận được tặng thưởng vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong giai đoạn vừa qua cho thấy, cán bộ, đảng viên, quân và dân quận Ba Đình luôn giữ vững, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng Quận văn minh, phát triển bền vững. Với niềm tin tưởng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc quận Ba Đình tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, khẳng định vị thế địa bàn trung tâm hành chính - chính trị quốc gia, lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước của Thủ đô và cả nước, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mai Thảo

Trang