TĐKT - Là một người lao động Dầu khí, trên cương vị Chi ủy viên Chi bộ 2, Trưởng giàn cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh, anh Nguyễn Thanh Tĩnh, Phòng Vận hành - Khai thác, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (Biển Đông POC) luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, là nét văn hóa trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Học và làm theo Bác từ những điều bình dị nhất, anh cùng các đồng nghiệp đã vận dụng vào công việc cũng như đời sống bằng những hành động cụ thể.
Anh Nguyễn Thanh Tĩnh báo công dâng Bác ở Quảng trường Ba Đình (ảnh: Petrovietnam)
Nguyễn Thanh Tĩnh được đề bạt làm quyền giàn trưởng cụm giàn Hải Thạch - Mộc Tinh, cộng thêm 1 giàn xử lý trung tâm và 1 kho nổi vào năm 33 tuổi. Thời điểm đó, anh là giàn trưởng trẻ tuổi nhất trên Biển Đông. Anh kể: Năm 2010, nguồn nhân lực trong ngành Dầu khí khan hiếm, đặc biệt là vị trí trưởng giàn. Lúc bấy giờ chưa có nhiều người Việt Nam có đủ kinh nghiệm để có thể đảm đương được vị trí này. Khi ấy anh mới hơn 30 tuổi, còn rất trẻ, bản thân lại chưa từng kinh qua nhiệm vụ này; dự án Biển Đông là một trong những dự án đầu tiên, quy mô lớn nhất do người Việt Nam chế tạo có áp suất và nhiệt độ cao bậc nhất trong khu vực. “Nhận thức sâu sắc trách nhiệm, bổn phận của mình trước công ty, tập đoàn, mặc dầu nhiệm vụ vô cùng khó khăn và rất nhiều thử thách, nhưng khi Tổ quốc cần, tôi luôn sẵn sàng.” - Anh chia sẻ.
Sau thời gian cố gắng, nỗ lực không ngừng, anh đã được bổ nhiệm quyền trưởng giàn kể từ tháng 6/2013 thay thế chuyên gia nước ngoài trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất trên các công trình biển chỉ sau 6 tháng, qua đó tiết kiệm được khoảng 13,8 tỷ đồng (600 nghìn USD) mỗi năm tiền thuê chuyên gia nước ngoài.
Thực hiện lời dạy của Bác: “Cán bộ phải đi đầu trong mọi công việc, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ”, trong 8 năm với vị trí trưởng giàn, anh luôn sáng tạo, không cứng nhắc, không chấp nhận tư duy lối mòn và chủ nghĩa kinh nghiệm, mà hướng tới sự đổi mới, hiệu quả để ngày càng đạt kết quả tốt hơn.
Anh đã chủ trì, phối hợp cùng các đồng nghiệp có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Tiêu biểu như: Sáng kiến đạt giải đặc biệt cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “Làm sạch giếng Mộc Tinh và Hải Thạch bằng hệ thống thiết bị khai thác” (phối hợp cùng nhóm 4 tác giả) với tổng giá trị tiết kiệm gần 70 tỷ đồng (3.040.000 USD). Sáng kiến cấp công ty: “Kết nối trực tiếp nguồn khí từ bồn ổn áp cấp cho bơm cao áp (cấp thủy lực cho các van an toàn đầu giếng Mộc Tinh 1), tách nguồn khí điều khiển, giảm thiểu nguy cơ dừng giàn do mất áp hệ thống khí điều khiển khi chạy bơm” đã tiết kiệm cho công ty hơn 5,94 tỷ đồng (258.494 USD). Anh còn tham gia vào đề án nghiên cứu để áp dụng công nghệ 4.0 và áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác vận hành sản xuất và bảo dưỡng.
Xây dựng văn hóa an toàn trên giàn, anh luôn khuyến khích người lao động viết thẻ quan sát an toàn, qua đó phân tích và tìm biện pháp khắc phục, tránh giảm tối thiểu tai nạn xảy ra, giúp cho Biển Đông POC kể từ khi đưa dự án vào vận hành khai thác đạt 3.094 ngày và 25 triệu giờ công lao động tuyệt đối an toàn không có tai nạn, sự cố.
Nhận thức được trách nhiệm lớn lao là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc giữa biển khơi, trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ duy trì sản xuất, anh đã lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp cùng với đồng nghiệp trên giàn kịp thời hỗ trợ nhiều ngư dân gặp nạn trên biển. Giàn Hải Thạch - Mộc Tinh nói riêng và các giàn khai thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam như là chỗ dựa tinh thần, như ngọn hải đăng hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Những năm qua, các anh đã phối hợp cùng Trung tâm Cứu hộ Cứu nạn khu vực III hỗ trợ, cứu nạn 7 trường hợp, trong đó 13 ngư dân được đưa lên giàn chăm sóc y tế, sau đó bố trí phương tiện đưa ngư dân về Vũng Tàu an toàn. Có trường hợp ngư dân bị tai biến mạch máu não, các anh đã đề nghị công ty điều trực thăng chở gấp ngư dân về Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm tối.
Ghi nhớ sâu sắc lời Bác dạy: "Đoàn kết làm ra sức mạnh", "Đoàn kết là then chốt của thành công", anh đã cùng đồng nghiệp xây dựng tinh thần đoàn kết nội bộ trên giàn Hải Thạch - Mộc Tinh với tinh thần “như anh em một nhà”, thông qua rất nhiều hoạt động như: Thăm hỏi động viên kịp thời người lao động có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động vui chơi cho cán bộ nhân viên trên giàn trong các ngày lễ, tết... Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại Biển Đông POC là: “Đoàn kết một lòng, Biển Đông ngời sáng”.
Đặc biệt, nhằm giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhắc nhở toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động Biển Đông POC nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, định kỳ anh tổ chức cho cán bộ, đảng viên, người lao động thực hiện Lễ chào cờ trên biển. “Đối với mỗi người thợ dầu khí thì giây phút này là giây phút vô cùng thiêng liêng, khẳng định chúng tôi như những người lính sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền của đất nước.” – Anh cho biết.
Cũng như 60 nghìn người lao động Dầu khí khác, anh Nguyễn Thanh Tĩnh luôn mang trong mình tinh thần cống hiến hết mình, phụng sự Tổ quốc. Anh tâm niệm sâu sắc rằng ngoài nhiệm vụ tìm nguồn “vàng đen”, các anh còn thực hiện nhiệm vụ rất thiêng liêng đó là góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Chính ý chí nội lực, tinh thần yêu nước và khát vọng của những người “đi tìm lửa” đã thôi thúc anh xây dựng, bồi đắp lòng tự trọng về nghề nghiệp và tác phong làm việc chuyên nghiệp, vì sự phát triển của đơn vị, của ngành và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Phương Thanh
Điển hình tiên tiến
“Chia sẻ cùng thầy cô năm 2021” tuyên dương giáo viên có nhiều sáng kiến trong dạy học
TĐKT - Nhằm triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam, hướng đến kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021. Chương trình sẽ tuyên dương những thầy giáo, cô giáo có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh COVID-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19. Theo đó, chương trình sẽ ưu tiên các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học và có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục. Dự kiến, chương trình được tổ chức tại Hà Nội vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Mỗi thầy cô được tuyên dương sẽ nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam, biểu trưng của chương trình, sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và các phần thưởng giá trị, cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 nhận hồ sơ xét tuyên dương từ ngày 1/8/2021 đến hết ngày 15/10/2021. Hồ sơ tham gia chương trình cần được gửi về Văn phòng Trung ương Hội LHTN Việt Nam trước ngày 15/10/2021. (Địa chỉ: 65 Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội – Bìa hồ sơ ghi rõ: Tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”) Đến nay, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã được triển khai 6 năm, góp phần cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy. Thục AnhThủ tướng yêu cầu khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân trong phòng, chống dịch COVID-19
TĐKT - Văn phòng Chính phủ có văn bản số 6892/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 (như quận 6, huyện Củ Chi của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...). Để kịp thời động viên các tập thể, cá nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố kịp thời động viên, khen thưởng và đề xuất khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có giải pháp sáng tạo, thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, có cơ chế, chính sách quan tâm về vật chất và tinh thần đến lực lượng tuyến đầu chống dịch và cha, mẹ già, con nhỏ... của những người tham gia tuyến đầu chống dịch. Nguyệt HàTĐKT - Sau khi Bệnh viện Dã chiến số 3 (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đi vào hoạt động một ngày thì ngày nữ bác sĩ Phạm Trường An (từ Bệnh viện Bưu điện) đã xung phong đến điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nơi tuyến đầu, BS An đã cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi gian nan và cả những sẻ chia nơi này.
Hiện bác sĩ Trường An đang là Phó Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện dã chiến số 3. Dù đã đủ thời gian tham gia nơi tuyến đầu và được cấp trên bố trí cho quay lại đơn vị công tác cũ là Bệnh viện Bưu điện nhưng chị vẫn viết đơn xin ở lại.
BS Trường An giữa đời thường
Chị chia sẻ, một ngày thu tháng bảy, dịch bệnh COVID-19 tại Sài Gòn bước vào giai đoạn căng thẳng, với sức trẻ và tinh thần của một thầy thuốc, chị đã nhập cuộc vào tuyến đầu. Khi được cấp trên đồng ý điều động, chị lập tức cùng đồng đội vội vã thu dọn hành lý lên đường vào Bệnh viện dã chiến 3 để điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thấm thoát đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày đầu tiên chị đặt chân đến nơi đây. Những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt đã rơi và còn biết bao nhiêu kỷ niệm vô giá mà có lẽ sẽ còn vương vấn trong chị mãi về sau. Hành trang theo trong cuộc đời bác sĩ trẻ như chị chính là những ngày này.
Nhiều đêm y, bác sĩ căng mình làm việc. Số ca F0 mỗi ngày tăng liên tục. Những đoàn xe chở bệnh nhân nối đuôi nhau đến Bệnh viện dã chiến 3. Chị cùng đồng đội trong bộ đồ bảo hộ trắng tinh lao vào nhận bệnh, tất bật bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi và thăm khám cho bệnh nhân. Những ca bệnh trở nặng cũng tăng dần theo số lượng bệnh nhân F0 nhập viện. Chị đã tích cực giúp bệnh nhân thở oxy và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Cùng với đó, động viên bệnh nhân cố gắng vượt qua “con virus COVID-19” đang hoành hành trong người. Đó là những công việc thường nhật trong ca trực của chị và đồng đội.
Sau ca trực dài 8 tiếng, rời khỏi bộ đồ bảo hộ là những bộ đồng phục nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi, những cơn khát vật vã do mất nước. Chị cùng đồng đội vừa nhìn lên những tầng lầu nơi những bệnh nhân F0 đang ở vừa động viên nhau: “Hơn 2.000 người trên đấy đang trông chờ vào chúng ta, chúng ta phải cố gắng để xứng đáng với điều đó. Mình cùng nhau đừng mệt nhé”.
BS Trường An trong phòng cấp cứu Bệnh viện dã chiến 3
Thời gian tiếp tục trôi nhanh, lần lượt nhiều bệnh nhân F0 được xuất viện trong niềm hân hoan khôn tả của người thân và gia đình bệnh nhân. Những lời chia tay và những lời cảm ơn như tiếp thêm động lực cho chị tiếp tục cố gắng gắn bó với nơi này.
Bên cạnh niềm vui khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên từng ngày và ra viện, chị cũng nhiều lần cố nén đau thương khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Những bệnh nhân trở nặng và ra đi trong niềm đau tiếc quặn lòng. Đó là những người người vợ mất chồng, người con mất cha. Ước vọng nhìn mặt người thân lần cuối đã không có được trong cơn đại dịch này…
Nhiều gia đình chỉ còn lại một thành viên bần thần trong đau xót. Lúc này đây, điều duy nhất tôi có thể làm là chia buồn cùng gia đình bệnh nhân và cố gắng chữa trị cho những bệnh nhân còn lại với một hy vọng cháy bỏng sẽ không còn gặp nhiều cảnh chia lìa như thế nữa.
Ngoài những giờ trực căng thẳng, chị cùng đồng đội chia nhau thăm khám phòng bệnh, hỏi han việc ăn ở, sinh hoạt của bệnh nhân. Tại bệnh viện dã chiến này, ngoài chút ít thời gian sinh hoạt nghỉ ngơi là chị lại vội vã lao vào công việc. Cường độ làm việc của chị và các y, bác sĩ rất cao trong môi trường mà khả năng bị phơi nhiễm luôn hiện hữu. Thế nhưng tinh thần của chị luôn tràn đầy nhiệt huyết với một sự đoàn kết chặt chẽ, thương yêu. Còn nhớ những đêm khuya, nỗi nhớ nhà ập đến hay những lúc bệnh nhân nguy kịch, chị lại trách “con Covy” sao lại gây bao đau thương tàn khốc cho mảnh đất Sài Gòn đến thế.
Dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, những chuỗi ngày gian khó vẫn còn đó. Chị và đồng đội sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân với tất cả khát vọng của người thầy thuốc. Ở nơi gian khó này, mỗi ngày y, bác sĩ cũng như tình nguyện viên và bệnh nhân như xích lại gần nhau hơn, như một gia đình đặc biệt.
Bệnh viện dã chiến số 3 hiện nay có tổng công suất trên 2.500 giường bệnh. Trước thực trạng bệnh nhân chuyển nặng nhiều, được chấp thuận của cấp trên, bệnh viện đã thiết lập Trung tâm hồi sức người bệnh COVID-19 với quy mô 200 giường tại đây. Từ khi đi vào hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 8.000 người bệnh, điều trị khỏi, cho xuất viện hơn 6.200 người. Hàng ngày, hàng giờ chị và các y, bác sĩ căng mình chống dịch để mong một ngày mới tươi sáng, hết sạch Covid.
La Giang
TĐKT - Với tinh thần dám nghĩ dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như nhanh nhạy bắt kịp xu thế thị trường, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, mô hình bưởi da xanh của anh Huỳnh Tấn Thảo ở ấp Bình Chánh (xã Tấn Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho tổng lợi nhuận đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Mô hình trồng bưởi da xanh của anh là một trong những mô hình được đánh giá cao và có ưu thế vượt trội được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương.
Trước đây, anh Thảo làm nghề cắt tóc. Anh có một tiệm cắt tóc nhỏ ở chợ Gò Cát (Mỹ Phong, TP Mỹ Tho). Vừa làm nghề cắt tóc, vợ chồng anh vừa làm thêm nghề nông để trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi đó, gia đình có 5 công đất để trồng lúa. Công việc mặc dù vất vả nhưng theo anh Thảo, thu nhập rất bấp bênh, các con ngày một lớn lên nên cuộc sống rất khó khăn.
Gắn bó với nghề cắt tóc gần 10 năm, nhận thấy thu nhập từ công việc này khó để làm giàu, năm 2012, anh Thảo đã quyết định vay vốn cải tạo 5 công đất trồng lúa sang trồng bưởi da xanh và cũng không làm tiếp nghề cắt tóc mà tập trung đầu tư cho vườn bưởi.
Chia sẻ lý do dẫn đến quyết định này, anh Thảo nhớ lại: Có một ngày khi đang làm việc trong tiệm cắt tóc, có anh hàng xóm gần nhà hỏi xin tôi 2 tờ giấy báo để bọc tiền. Số tiền 90 triệu đồng đó là tiền anh ấy vừa mới bán 1,7 tấn bưởi. Thời điểm đó 90 triệu là con số rất lớn. Trước đó, tôi chưa bao giờ được thấy số tiền lớn như vậy. Sau đó, tôi trò chuyện với anh ấy và được anh ấy chia sẻ nhiều về mô hình trồng bưởi của gia đình. Lúc ấy tôi nghĩ mình cũng có đất mà chưa biết sử dụng có hiệu quả, hay mình cũng thử mạnh dạn thay đổi.
Nghĩ là làm, anh Thảo về bàn với vợ chuyển hết 5 công đất trồng lúa sang trồng bưởi. “Lúc đó, nhiều người trong xóm nói tôi khùng vì đang trồng lúa đã lên liếp mà lại bỏ hết để chuyển sang trồng bưởi 100% diện tích. Mọi người bảo bao công sức vậy mà vứt bỏ.” - anh Thảo chia sẻ.
Trong thời gian đầu trồng bưởi, để có kiến thức cũng như cách chăm sóc, kỹ thuật trồng cây, anh Thảo chịu khó học hỏi qua sách, báo, mạng internet. Không những vậy, nghe ở đâu có mô hình hay, cách làm hiệu quả, dù ở tỉnh nào anh cũng tìm đến để học hỏi.
Theo anh Thảo, chất lượng quyết định sản phẩm, do vậy anh luôn tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật trồng bưởi từ cách chọn giống đến chăm sóc, bón phân, thuốc. Anh cũng tích cực tham gia lớp tập huấn về trồng cây ăn quả do các cấp Hội Nông dân tổ chức. Mỗi khi nghe bạn bè hay các chú, các bác nói về kinh nghiệm, bí quyết trồng bưởi, anh Thảo đều ghi chép lại cẩn thận để áp dụng vào mô hình gia đình.
Để có thêm thu nhập trong thời gian chờ thu hoạch bưởi, anh Thảo đã dùng biện pháp lấy ngắn nuôi dài, kết hợp trồng bưởi xen canh với trồng bí hồ lô, đu đủ, chuối… Những loại cây này cho anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.
Đồng thời, anh cũng gieo thêm hạt đậu xanh với mục đích vừa để cải tạo đất vừa đem lại thu nhập, giúp anh xoay vòng vốn nhanh. Với 2 lần bán hạt đậu xanh anh thu được lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.
Sau hơn 3 năm miệt mài chăm sóc, năm 2015, cây bắt đầu cho quả. Anh bán tại vườn được 15 tấn với giá dao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg. Với gần 500 gốc bưởi sau khi trừ hết các chi phí, mỗi năm mô hình đã mang về cho gia đình anh từ 300 – 400 triệu đồng.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng bưởi da xanh, anh Thảo cho biết, trong quá trình canh tác, anh chú trọng lựa chọn cây giống tốt, áp dụng các kỹ thuật công nghệ vào chăm sóc và phòng trị sâu bệnh kịp thời trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm và hướng dẫn khoa học. Do đó, vườn bưởi của anh luôn tươi tốt, cho năng suất cao.
Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh của anh đã 2 lần đạt chứng nhận VietGap. Theo anh Thảo, trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap, nông dân cần tuân thủ rất nhiều nguyên tắc như: Ghi chép nhật ký sản xuất, phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”, xây dựng kho chứa thuốc và vật tư nông nghiệp. Bù lại, bưởi da xanh truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và môi trường, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng.
Vườn bưởi da xanh của anh Thảo hiện được địa phương lựa chọn xây dựng trở thành sản phẩm OCOP cho địa phương. Dự kiến cuối năm 2021, anh Thảo sẽ đăng ký sản phẩm đạt chuẩn Global GAP. Sau đó sẽ tự thành lập khu du lịch sinh thái miệt vườn bưởi da xanh, vừa quảng bá thương hiệu bưởi, vừa phát triển du lịch sinh thái.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Thảo đã vận động nông dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang mô hình trồng bưởi da xanh an toàn. Anh luôn tích cực đứng ra chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng công nghệ vào thâm canh giống cây trồng hiệu quả này cho bà con.
Bằng ý chí, nghị lực, chịu khó, làm giàu từ chính đôi tay, anh Huỳnh Tấn Thảo thật sự là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi để mọi người học tập và làm theo.
Tuệ Minh
TĐKT - Trải qua 74 năm hình thành và phát triển, ngành Thi đua, Khen thưởng đã thực sự có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của dân tộc, của đất nước. Công tác thi đua, khen thưởng luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu động viên chính trong từng giai đoạn, trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Những mốc son lịch sử
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9/1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay từ những ngày đầu lãnh đạo chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng.
Để có tổ chức bộ máy và cán bộ thực hiện các chủ trương, chính sách khen thưởng, ngày 17/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 83/SL, đặt ra Viện Huân chương thuộc Chủ tịch phủ. Viện Huân chương có nhiệm vụ: Tập trung xét tất cả các đơn từ của tư nhân hay của các bộ, cơ quan Chính phủ, các đoàn thể, xin cấp các thứ huân chương và huy chương. Đề nghị lên Chủ tịch cấp phát huân chương, huy chương và các thứ, các hạng. Ấn định và đề nghị chi tiết thi hành những luật lệ đặt ra các loại huy chương hay huân chương, đề nghị kiểu mẫu các thứ huy chương, huân chương các hạng. Phụ trách làm các huy chương, huân chương các hạng theo đúng các kiểu mẫu đã ấn định. Đề nghị lên Chủ tịch những dự thảo Sắc lệnh để sửa đổi hay bổ khuyết thể lệ hiện hành về huy chương, huân chương.
Đây là dấu mốc quan trọng, đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò quan trọng của Viện Huân chương, Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước, nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và trở thành ngày truyền thống vẻ vang của các thế hệ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng.
Cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Đến năm 1983, theo Nghị định số 160-HĐBT ngày 23/12/1983,Viện Huân chương là cơ quan giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thống nhất quản lý công tác khen thưởng trong cả nước.
Ngày 8/12/1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/HĐBT về việc sửa đổi tổ chức phụ trách công tác thi đua, khen thưởng, nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực của bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế - xã hội; đổi tên Viện Huân chương thành Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước, với nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Trung ương về thi đua, khen thưởng. Từ đây, công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về tổ chức các phong trào thi đua thống nhất với thực hiện khen thưởng trong một tổ chức Nhà nước.
Nhằm đẩy mạnh và thống nhất quản lý công tác thi đua, khen thưởng, ngày 25/8/2004, theo Nghị định số 158/2004/NĐ-CP, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương được thành lập trên cơ sở Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan trực thuộc Chính phủ và là cơ quan thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Ngày 8/8/2007, thực hiện sự sắp xếp lại tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2007/NĐ-CP chuyển giao Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang
Thấm nhuần tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Bác: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “Thi đua khen thưởng là động lực và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”; “Thi đua là thực hiện tốt công việc hàng ngày”, thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đoàn kết, tích cực thi đua lao động sáng tạo, đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã tham mưu, tổ chức lại, phân công thành viên Hội đồng theo dõi, chỉ đạo các cụm, khối thi đua; đồng thời đôn đốc các cụm, khối thi đua, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng hàng năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm tới; chấm điểm, tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua cho các đơn vị dẫn đầu cụm, khối thi đua hàng năm.
Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Huân chương
Ban đã tham mưu xây dựng các kế hoạch của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương về tổ chức Đại hội Thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Tham mưu cho các đồng chí thành viên Hội đồng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng hàng năm.
Với những nỗ lực, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, hệ thống các văn bản thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng đã có nhiều đổi mới và ngày càng hoàn thiện. Các Đề án Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Chính trị, Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013, Chỉ thị số 34 – CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng… và hàng chục nghị định, thông tư, hướng dẫn khác liên quan tới công tác thi đua, khen thưởng được hoàn thiện và đi vào cuộc sống đã đánh dấu bước phát triển mới và những thành quả đáng tự hào của cán bộ, công chức, viên chức ngành Thi đua Khen thưởng trong cả nước nói chung và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nói riêng.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phát động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; mới đây nhất là phong trào thi đua đặc biệt: “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Các phong trào thi đua đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Ban đã tập trung nâng cao chất lượng công tác thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng kịp thời thành tích thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội; khen thưởng thành tích đột xuất; khen thưởng quá trình công tác; khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ khen thưởng chặt chẽ, chính xác, công khai, kịp thời; tăng tỷ lệ khen thưởng đối với công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, giới thiệu các điển hình tiên tiến ngày càng được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, trả lời đơn thư công dân; phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, có nền nếp. Công tác văn thư, lưu trữ, tổng hợp liên tục được cải tiến, nâng cao hiệu quả. Cùng với đó, Ban thường xuyên quan tâm tới việc nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức, đào tạo những chuyên gia, công chức giỏi trong lĩnh vực thi đua khen thưởng. Công tác tin học và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi đua khen thưởng những năm qua đã có những bước tiến mới, đánh dấu bằng việc triển khai Dự án “Hệ thống quản lý tài liệu điện tử ngành Thi đua, Khen thưởng”, dự án “Thí điểm triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến và an toàn an ninh thông tin”, xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ khen thưởng điện tử...
Hoạt động hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng được đẩy mạnh. Ban đã tổ chức nhiều đoàn đi nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm về thi đua, khen thưởng tại các nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Nga, Úc, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... Những đợt nghiên cứu, khảo sát ở các nước đã giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng trong nước nâng cao nhận thức, tầm nhìn và tư duy, tham mưu, hoạch định, đề xuất với Đảng, Nhà nước ở trung ương và địa phương những chủ trương, chính sách về tổ chức phong trào thi đua và thực hiện khen thưởng phù hợp với thời kỳ hội nhập quốc tế của đất nước, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trải qua 74 năm hình thành và phát triển, ngành Thi đua, Khen thưởng đã có những bước tiến dài, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của dân tộc và đất nước. Thi đua, khen thưởng đã có tác dụng động viên, tạo động lực và nêu gương cho toàn xã hội, nhất là khen thưởng thường xuyên, đột xuất được kịp thời, gắn với tổng kết phong trào, nhân rộng điển hình tiên tiến, đã động viên khuyến khích mọi người tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới và khó.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang ấy, các công chức, viên chức và người lao động tại các vụ, đơn vị của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương vẫn đang ngày đêm cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Không ngừng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thiết thực và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.
Phương Thanh
TĐKT - Mong muốn hồi sinh nhịp thở và từng ngày, từng giờ dốc hết sức mình để chăm lo, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đó là khát vọng cháy bỏng của cử nhân vật lý trị liệu Trương Văn Hiền và rồi chẳng may anh đã nhiễm bệnh và trở thành F0. Mặc dù trở thành F0 nhưng anh Hiền không cho phép mình được ngơi nghỉ, anh vẫn hết lòng điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức người bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh (đóng tại Thủ Đức) với mong muốn hồi sinh hơi thở cho bệnh nhân COVID-19.
Anh Hiền vừa tập vận động vừa an ủi, khích lệ người bệnh
Anh cho biết, trong cuộc chạy đua giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19, việc tập thở là việc cần thiết để giúp mỗi người đi qua thời khắc nặng nhọc được ví như “chắp cánh cho sự hồi sinh”.
Được biết, anh Hiền là một người giàu kinh nghiệm và làm công tác vật lý trị liệu (VLTL) nhiều năm ở Bệnh viện Chợ Rẫy nên khi biết mình trở thành F0 vào đầu tháng 9, anh đã không yên với nỗi lòng bồn chồn, lo lắng, bởi anh biết rằng những phòng kế tiếp nhau ở bên cạnh kia có rất nhiều bệnh nhân với hơi thở rất yếu ớt, họ như ngọn đèn trước gió. Chính nỗi băn khoăn ấy luôn thôi thúc anh phải cố gắng gượng dậy ngày càng mạnh mẽ hơn nên không ngần ngại gì, anh đề đạt với cấp trên cho anh hàng ngày hướng dẫn bệnh nhân tập thở, tập vận động. Cuối cùng, mong muốn hết lòng vì người bệnh của anh đã được chấp thuận.
Từng ngày, từng giờ gắn buồn vui, hạnh phúc theo nhịp thở của người bệnh, anh Hiền chia sẻ: “Lúc đầu mới biết mình là F0, tôi cũng có chút lo lắng. Nhưng điều ấy được xua tan nhanh chóng. Khi chưa nhiễm COVID-19, tôi đã cận kề bên giường bệnh dìu đỡ từng thân thể yếu, nâng từng bàn chân... giờ đã là F0 rồi vẫn thế. Thậm chí còn tự tin hơn, bám sát từng người, vừa lo tập thở vừa an ủi, vỗ về.”
Gạt mọi lo âu, bật dậy đi chỉ dẫn, chăm sóc VLTL cho bệnh nhân với anh còn là muốn vơi bớt nỗi vất vả cho đồng nghiệp. Vì thực tế nhu cầu được tập VLTL của bệnh nhân COVID-19 rất nhiều, trong khi lực lượng VLTL từ Bệnh viện Chợ Rẫy cử sang đây chỉ có 3 người kèm theo mấy sinh viên của Đại học Hồng Bàng. Anh luôn nghĩ, anh tuy nhiễm nhưng không có triệu chứng, lại là người ham việc, ham vận động, nếu mà phải nằm cách ly thì anh thấy phí quá.
Công việc của anh Hiền được áp dụng cho nhiều bệnh nhân khác nhau như: Hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thở máy; hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân phải thở oxy dòng cao; thở oxy bình thường…
Đặc biệt, anh cũng chính là người đã cần mẫn hỗ trợ tập thở cho bệnh nhân 91 (là phi công người Anh từng mắc COVID-19 nặng tại Việt Nam vào năm 2020) ngay từ những ngày đầu bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh về Bệnh viện Chợ Rẫy. Song song với điều trị thì hỗ trợ thở, tập thở, tập vận động cho bệnh nhân COVID-19 đã có tác dụng giúp sự sống hồi phục nhanh nhất.
Hơn ai hết, anh Hiền luôn là người coi người bệnh như ruột thịt của mình, chính vì thế, anh dường như cảm nhận được mọi nỗi lo, sự mệt mỏi của bệnh nhân. Anh luôn hiểu rằng, căn bệnh này gắn chặt với các lá phổi, khi bệnh nhân kêu khó thở là cảm nhận được ngay đang ở mức độ nào để có phương pháp tập ngồi lên, nằm xuống hoặc hít mạnh, thở sâu… Từ đó, giúp ngăn chặn bệnh chuyển biến xấu, nhanh chóng hồi phục. Có những trường hợp từ tập VLTL đã ngăn được thở máy, đưa ra thở oxy ít ngày đã có thể xuất viện.
Chứng kiến những giờ làm việc với cử nhân Hiền mới thấy sự tất bật và những nỗ lực gấp 2 - 3 lần bình thường của nhân viên y tế. Vừa nâng niu đôi chân, nhịp nhàng tập cử động các khớp tay cho người này xong thì lại đôn đáo chạy đến với bệnh nhân khác.
Anh Hiền bộc bạch rằng: Việc làm này còn “thổi” vào tinh thần người bệnh sự lạc quan khi họ có thể tự vận động được. Tập VLTL ngăn chặn rất hiệu quả sự biến chứng nặng của phổi, tránh sự đông cứng của lá phổi. Mục đích cao nhất là giúp bệnh nhân tự thở được. Đưa bệnh nhân từ nằm im đến tự vận động.
Kinh nghiệm của anh cho thấy khi bệnh nhân đã phải thở máy, phổi đông đặc rồi thì nó rất xơ cứng. Cơ liên sườn cũng cứng theo. Nhiệm vụ của người tập VLTL là làm mềm phổi, xoa bóp bên ngoài làm cho các cơ quanh phổi, vai được mềm ra. Sau đó dùng kỹ thuật nén ép để gia tăng nhanh sự lưu thông của phổi, giúp ngăn ngừa phải thở máy, cứu lại những lá phổi.
Có bao nhiêu bệnh nhân đã chuyển nhẹ, xuất viện gửi lại những lời chào ấm áp, đó như là món quà tinh thần cổ vũ thêm cho anh Hiền cùng các đồng nghiệp khác của anh tiếp tục hăng say, miệt mài hơn với công việc đã lựa chọn, gắn bó. Anh Hiền chính là người đã kéo bao bệnh nhân bị Covid-19 trở lại với cuộc sống bình thường mới.
La Giang
TĐKT - Ngày 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa quyết định tặng Bằng khen cho bà Lê Thị Bé Ba đã có thành tích xuất sắc trong đóng góp hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp năm 2021.
Bà Lê Thị Bé Ba (bên phải) hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc toàn dân đoàn kết, chung sức phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 và phong trào thi đua “Đồng Tháp - Đất Sen hồng đồng lòng chống dịch Covid -19” do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát động, bà Lê Thị Bé Ba đã hăng hái vận động các nhóm thiện nguyện ủng hộ 200 triệu đồng, trực tiếp đóng góp 300 triệu đồng ủng hộ vào Quỹ vắc xin, Quỹ phòng, chống Covid -19, cùng hỗ trợ các phần quà gồm nhu yếu phẩm, khẩu trang phục vụ việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền 500 triệu đồng.
Xuân Phúc
TĐKT - Tình nguyện vào tỉnh Bình Dương chống dịch, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Linh Nhâm đã có 1 tháng làm việc ở Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội đặt tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quốc tế Becamex Thuận An. Ở nơi có nồng độ virus đậm đặc, điều dưỡng Nhâm không may nhiễm SARS-CoV-2, dù trước khi vào đây chị đã được tiêm 2 mũi vaccine.
Mặc dù quen với cường độ làm việc căng thẳng, nhưng khi chuyển sang chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, điều dưỡng Nhâm vẫn cảm thấy dịch bệnh quá tàn khốc.
Điều dưỡng Linh Nhâm chăm sóc bệnh nhân COVID-19
Nữ điều dưỡng chia sẻ, đa số những bệnh nhân vào Trung tâm Hồi sức tích cực chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 đều trong tình trạng nặng, nguy kịch hoặc có bệnh nền phức tạp.
Nhiều bệnh nhân trong số đó phải thở máy, một số ca thở oxy liều cao, số ít thở oxy qua mặt nạ. Có thời điểm Trung tâm được bổ sung thêm bao nhiêu giường là từng đấy bệnh nhân nặng được chuyển lên.
Nhận được tin mình nhiễm COVID-19, chị buồn lắm, chị luôn nghĩ, chị chưa cống hiến được nhiều, vậy mà khi vào chiến trường lại bị thương. Nhưng được động viên của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và các anh, chị đồng nghiệp, đã giúp chị vượt qua khó khăn, xin ở lại chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Khi biết nhiễm SARS-CoV-2, theo nguyên tắc, điều dưỡng Nhâm được rút ra ngoài để theo dõi và điều trị. Nhưng chị tình nguyện xin được ở lại trong khu điều trị bệnh nhân nặng tiếp tục hỗ trợ đồng nghiệp và được làm công việc phân công ban đầu.
Giải thích về lý do xin ở lại trong khu điều trị, chị nói: Chị xin được ở lại trong khu vùng đỏ. Dù xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng chị thấy mình khỏe, có lẽ chỉ ở mức độ nhẹ. Với kinh nghiệm làm điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, chị sẽ hỗ trợ đồng nghiệp được nhiều hơn.
Chia sẻ về quyết định của mình, chị Nhâm cho hay, nếu chị không chăm sóc bệnh nhân thì đồng nghiệp cũng sẽ tận tình yêu thương, hỗ trợ điều trị. Thế nhưng, lúc này, chị Nhâm nghĩ bản thân từng dương tính với virus SARS-CoV-2, đã trải qua các bước điều trị nên nắm rõ quy trình chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 hơn.
Dù thế nào, chị vẫn quyết định ở lại hỗ trợ, chăm sóc người bệnh với mong muốn việc làm của mình sẽ phần nào làm giảm áp lực, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho đồng nghiệp.
Công việc hàng ngày của các điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 từ nặng đến nguy kịch rất vất vả. Bệnh nhân COVID-19 điều trị trong Trung tâm ICU cần chăm sóc toàn diện nên phần việc của những nhân viên điều dưỡng như của Nhâm vất vả gấp bội phần.
Với bệnh COVID-19, bệnh nhân không có người thân ở bên cạnh. Mọi công việc chăm sóc bệnh nhân đều dồn vào đôi bàn tay của các điều dưỡng. Từ việc thực hiện y lệnh của bác sĩ cho đến hướng dẫn bệnh nhân dùng thuốc, trực tiếp thay băng, đóng bỉm tã, hút đờm dãi, hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, vệ sinh.
Họ đi lại như con thoi giữa các giường hồi sức tích cực. Theo dõi từng chỉ số sinh tồn bệnh nhân trên máy monitor, kiểm tra từng ống thở, tai ghé sát để nghe rõ lời bệnh nhân muốn nói.
Khỏi bệnh, trở về vùng an toàn, điều dưỡng Nhâm lại mặc bộ đồ bảo hộ cấp 4, đi lại như con thoi giữa các giường bệnh, mắt không rời các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân, cho thuốc theo đúng y lệnh của bác sĩ. Những bệnh nhân COVID-19 nặng khi phải thở máy oxy liều cao nhiều ngày, khi tỉnh lại họ như không phải là chính mình, tay chỉ luôn chờ rút ống thở. Các điều dưỡng ở đây lại như người thân động viên họ yên tâm điều trị.
Theo điều dưỡng Nhâm, công việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng rất vất vả, chỉ cần sơ suất nhỏ trong vận hành máy thở, theo dõi nồng độ bão hòa ô xy trong máu là có thể ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Ở phòng ICU, nồng độ virus SARS-CoV-2 cao, là môi trường nguy cơ lây nhiễm rất cao.
“Trong ca trực 8 giờ đồng hồ, bác sĩ, điều dưỡng thay nhau được nghỉ một lúc để ăn cơm. Lúc đó mọi người tắm rửa, sát khuẩn, mặc lại đồ bảo hộ rồi trở lại công việc chăm sóc. Nóng thì không sao cả. Nhưng mặc bảo hộ kín suốt nhiều giờ, có chị không quen đã bị ngất, được chuyển qua chăm sóc bệnh nhân nhẹ ở phòng khác. Khi phủ kín bảo hộ, tôi cũng hay bị khó thở, đau đầu nhưng phải quyết tâm đứng vững để làm việc và không ngại khó, ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân mà cố gắng. Mỗi người cố gắng thêm một chút để tình hình dịch bệnh lắng xuống, mọi người khỏe mạnh, nhà nhà đoàn viên.” - Chị Nhâm chia sẻ.
Công tác ở vùng tâm dịch đến nay tròn 1 tháng, ở trong khu cách ly lâu ngày, chị rất nhớ chồng con, gia đình nội, ngoại. Nhưng rồi chị Nhâm tự động viên bản thân, dù sao con cái cũng đã có bố và ông bà chăm sóc. Các bệnh nhân ở đây hoàn cảnh đáng thương hơn nên mình cố gắng ở lại dỗ dành, chăm sóc cho bệnh nhân vượt qua khó khăn.
Hành động tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 của Nhâm và một số đồng nghiệp khác ở Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19 đã san sẻ gánh nặng cho đồng nghiệp khác.
Việc làm này của Nhâm và các đồng nghiệp rất ý nghĩa, làm lan tỏa những điều tốt đẹp trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nhớ gia đình và thương con nhỏ ở nhà. Cả 2 con của chị năm nay đều học đầu cấp và mới làm quen với học online. Chưa bao giờ chị xa gia đình lâu như này. Ngày Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới không xa, chị luôn tin ngày các đoàn bác sĩ tình nguyện hoàn thành công việc về đoàn tụ với gia đình đang đến gần.
Nguyễn Hân
TĐKT - Một đời làm việc thiện bằng cả trái tim nhân ái, cụ Trần Cang, ngụ xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, đã mang hạnh phúc đến cho nhiều người kém may mắn trong cuộc sống. Giờ đây, dù sức khỏe không còn được như xưa nhưng cụ ông gần 100 tuổi ấy vẫn miệt mài trên hành trình thiện nguyện của mình. “Tôi sẽ làm từ thiện tới chừng nào chết, hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nữa thì thôi.” – Cụ nói.
Cụ Trần Cang
Bước sang tuổi 99, cụ Trần Cang mắt vẫn tinh và trí óc vẫn còn minh mẫn. Cụ nhớ rõ từng hoàn cảnh gia đình mà mình đã từng giúp đỡ và những mạnh thường quân cùng đồng hành với mình trên con đường thiện nguyện.Cụ bảo: “Thấy việc gì có ích cho xã hội thì mình vẫn muốn làm”, bởi với cụ, làm việc thiện đã trở thành công việc thường ngày, “thấy người ta đau khổ là mình muốn giúp thôi”.
Bởi vậy, hễ nghe thấy ở đâu có người gặp khó khăn, không quản tuổi cao sức yếu, cụ vẫn lặn lội đến tận nơi để xác minh và tìm cách giúp đỡ họ. Cứ thế, không biết tự bao giờ, ngôi nhà của cụ đã trở thành địa chỉ tin cậy của những người gặp hoàn cảnh éo le. Ai bệnh tật, khó khăn tìm đến nhà đều được cụ dang rộng vòng tay nhân ái, tận tình giúp đỡ.
Công việc từ thiện được cụ Cang thực hiện từ khi còn rất trẻ, tính đến nay đã hơn 50 năm. Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2012, cụ được Đảng ủy, UBND xã Phú Tâm phân công làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã; là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Ủy viên Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh, Ủy viên BCH Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng 3 nhiệm kỳ và Ủy viên Thường vụ Hội Khuyến học huyện Châu Thành. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, cụ đã tích cực vận động nhà hảo tâm và nguồn kinh phí của con cháu hỗ trợ để chia sẻ đến những người neo đơn, khó khăn, gặp rủi ro trong cuộc sống. Từ năm 2012 đến nay, do tuổi cao nên cụ đã xin nghỉ không tham gia công tác.
Trên hành trình thiện nguyện của mình, cụ đã vận động được hơn 17 tỷ đồng, giúp đỡ trên 4.582 lượt người già neo đơn, hộ gia đình khó khăn có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, hộ khó khăn bị thiên tai, hỏa hoạn, học sinh nghèo hiếu học, hộ nghèo… Đặc biệt, đã hỗ trợ trên 2000 hộ gia đình khó khăn, hỗ trợ 500 người cao tuổi mổ mắt cườm và hỗ trợ nhiều áo quan cho gia đình có người thân qua đời không có khả năng mua áo quan. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, cụ đã nhận nuôi hơn 100 cụ già neo đơn, cung cấp gạo 10 kg/người/tháng, trường hợp nào ốm đau không đi được, cụ mang đến tận nơi. Hàng năm, nhân dịp Tết cổ truyền, lễ Vu lan và lễ tết dân tộc Khmer, cụ hỗ trợ gạo cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ gạo, thức ăn cho những bếp ăn từ thiện ở các bệnh viện…
Đặc biệt, cụ Cang đã tổ chức đưa 37 trẻ khuyết tật và bị bệnh bẩm sinh lên Trung tâm Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh điều trị, đưa 9 cháu lên Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị, đưa 10 người đi trị bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy; hỗ trợ 11 người bị tai nạn… Ngoài ra, cụ còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ khuyến học, cấp học bổng cho 103 học sinh nghèo, cấp quần áo hàng năm cho 150 học sinh nghèo…
Thực tế, công việc đóng góp từ thiện còn nhiều hơn thế, nhưng do tuổi cao, cụ Cang không thể nhớ hết. Tất cả tiền quyên góp và hỗ trợ đều được cụ ghi chép chi tiết, tỉ mỉ. Vì vậy trong quá trình làm từ thiện của cụ Cang luôn có người đồng hành, bởi họ hiểu, tin tưởng cụvà cùng có chung một tấm lòng muốn giúp đỡ người nghèo khó.
Cụ Trần Cang đón nhận Thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
CụCang sinh được 10 người con, các con đều được ăn học đầy đủ, có nghề nghiệp ổn định. Noi theo tấm gương của cụ, tất cả đều tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện. Cụ quan niệm: “Khi chúng ta biết sống yêu thương người khác và nhận được tình yêu thương thì tâm hồn chúng ta sẽ được bồi đắp trở nên trong sáng, cao đẹp hơn. Niềm tin vào con người và cuộc sống vì thế mà sẽ được củng cố, vun vén, bay xa hơn, lan tỏa trong cộng đồng”.
Với những việc làm thiện nguyện, cụ đã được các cấp, các ngành khen thưởng: 16 Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp chữ thập đỏ Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em; Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; 10 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Năm 2019, cụ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác xã hội từ thiện.
Bằng trái tim nhân hậu, cuộc đời của cụ Cang giống như một “cánh chim không mỏi”, suốt đời cống hiến, tỏa sáng giữa đời thường.Việc làm của cụ đã được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và gửi thư khen trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2021). Trong thư, Chủ tịch nước viết: “Những việc làm của cụ tiêu biểu cho hàng nghìn việc làm tốt đẹp của người cao tuổi đã và đang âm thầm diễn ra hàng ngày trên đất nước ta, giúp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm đẹp thêm hình ảnh người cao tuổi Việt Nam, gương sáng và chỗ dựa tinh thần cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.”
Phương Thanh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 35
- 36
- 37
- 38
- 39
- …
- sau ›
- cuối cùng »