Mang “cây lạ” về làm giàu trên đất Nà Tấu
06/01/2022 - 09:36

TĐKT - Xã Nà Tấu (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là xã thuần nông, trước đây chỉ có lúa và ngô là hai loại cây chủ đạo. Bà con quanh năm bám ruộng, bám rẫy nhưng cái đói, cái nghèo vẫn không thôi đeo bám. Những năm gần đây, cây dong riềng do anh Lò Văn Pâng tiên phong đưa về trồng và nhân rộng đã làm đổi thay đời sống kinh tế của bản vùng cao. Khoản thu nhập hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng từ bán củ dong riềng đã giúp họ có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Lò Văn Pâng là người tiên phong mang cây dong riềng về làm giàu trên đất Nà Tấu

Lập gia đình năm 2002, cũng như bao hộ khác trong xã Nà Tấu, anh Pâng cũng hăm hở bắt tay tăng gia sản xuất, nhưng không biết áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến năng suất không cao, hàng hóa sản xuất ra bán giá trị thấp, khó bán hoặc không bán được. Kinh tế gia đình kém phát triển, gặp khó khăn trong cuộc sống.

Không chịu khuất phục cái đói, cái nghèo, anh bắt đầu tìm hiểu khí hậu và thổ nhưỡng quê hương mình. Anh kể lại: “Nhận thấy trên địa bàn xã còn nhiều diện tích đất đồi bỏ hoang, lại có nguồn lao động dồi dào nên tôi đã đi tìm hiểu về cây dong riềng, đi tham quan các mô hình trồng dong riềng cho hiệu quả kinh tế cao ở Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình và đầu tư mua giống dong riềng về trồng. Vụ đầu năng suất bình quân đạt 52 tấn củ tươi/ha; với giá bán 1.500 đồng/kg củ tươi, trừ chi phí thu về khoảng 90 triệu đồng/ha (nếu so với trồng lúa, trồng ngô thì lãi gấp 2 - 3 lần)”. Những năm đầu, anh chủ yếu bán củ dong riềng tươi cho thương lái từ Hưng Yên lên thu mua về chế biến ra bột thành phẩm.

Nhìn thấy hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này, anh quyết định thành lập hợp tác xã (HTX), vận động bà con góp vốn, góp đất cùng trồng và xây dựng xưởng chế biến củ dong riềng. Đồng thời, anh cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con và các thành viên của HTX.

Để có vốn đầu tư sản xuất, anh hướng dẫn các thành viên làm thủ tục xin vay vốn xóa đói giảm nghèo từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Điện Biên. Kết quả ban đầu, anh vận động được 12 thành viên tham gia HTX, các thành viên đóng góp được 5 ha đất và 200 triệu đồng tiền mặt.

Có được ít vốn trong tay, một phần anh đầu tư mua giống củ dong riềng cho các thành viên và hộ gia đình khác liên kết với HTX trồng, phần còn lại đầu tư mua máy móc, xây dựng nhà xưởng.

Sau vài năm trồng và chăm sóc, nhận thấy trồng dong riềng thu nhập cao, sản xuất tới đâu thương lái thu mua tới đó, không phải phơi khô bảo quản như ngô, lúa, nên nhiều gia đình trong xã đã học hỏi và áp dụng, mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. Từ đó, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo, làm được nhà mới, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh.

Khi thị trường rất ưa chuộng dong riềng Điện Biên, anh Pâng đã mạnh dạn ký cam kết với nhiều địa phương trong tỉnh để mở rộng diện tích. Anh quy hoạch từng vùng nguyên liệu để đặt xưởng chế biến. Đến nay, anh đã đặt 5 xưởng chế biến bột dong ở nhiều vùng nguyên liệu trong tỉnh. Mỗi xưởng có công suất sơ chế biến 200 tấn củ dong tươi mỗi ngày nên luôn đảm bảo tiến độ thu mua, chế biến trong kỳ thu hoạch. Năm 2017, anh quyết định mở xưởng chế biến miến dong tại địa phương, mang thương hiệu “Miến dong Hồng Phước Nà Tấu”. Nhờ đó, người dân trên địa bàn xã đã có đầu ra ổn định cho củ dong riềng.

Anh Lò Văn Pâng kiểm tra cây mắc ca trước mùa thu hoạch.

Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, anh Pâng tập trung trồng dong riềng, trồng khoai và kinh doanh chế biến, sau đó tích lũy vốn đầu tư thêm cơ sở, máy móc để phục vụ sản xuất, trồng thêm cây cà phê, cây ăn quả, cây mắc ca, đào ao nuôi cá…

Sau 16 năm tập trung cho sản xuất, kinh doanh, đến nay, gia đình anh đã đầu tư, quản lý, khai thác, sử dụng: 5 ha cà phê (đã cho thu hoạch); 50 ha cây dong riềng; 30 ha cây mắc ca (trong đó, 5 ha đã có thu hoạch); 5 ha cây ăn quả; 0,5 ha ao nuôi cá; 4 cơ sở chế biến miến dong; 1 lò sấy sắn; 4 trạm cân ô tô điện tử 100 tấn; 3 ô tô tải; 2 máy xúc; 1 máy ủi.

Với tổng mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, anh tạo việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương, tiền công trung bình từ 4 - 10 triệu đồng/tháng, giúp đỡ bà con trong xã về vốn khoảng 100 triệu đồng không lấy lãi.

Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình, anh Pâng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người dân trong xã Nà Tấu và các xã lân cận kinh nghiệm và vốn làm ăn. Ngoài ra, hằng năm, anh còn quan tâm tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng quà các cháu học sinh, giúp bà con nhân dân sửa đường giao thông nông thôn…

Với những nỗ lực cố gắng trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, anh Lò Văn Pâng vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu Nông dân xuất sắc toàn quốc năm 2013, danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2015; Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên tặng 3 Bằng khen và được tặng nhiều giấy khen của các cấp, các ngành trong tỉnh.

Trang Lê