TĐKT - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội được thành lập năm 1949. 67 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của TP Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự đoàn kết, tâm huyết với nghề của đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức, lao động, nhà trường đã sở hữu một bề dày thành tích đáng khâm phục: Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 5 bằng khen của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và 10 Bằng khen của UBND TP Hà Nội.
Việc tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng được nhà trường tổ chức thường xuyên, kịp thời.
Vượt lên những khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng trong khi yêu cầu về khối lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng ngày càng nâng cao, nhu cầu mở lớp ngày càng nhiều, địa bàn giảng dạy trải khắp 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong TP Hà Nội đã luôn hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua của TP Hà Nội, một trong những điểm sáng của hệ thống các trường chính trị, trường bộ, ngành.
Bí quyết để tạo nên thành tích đó chính là nhà trường đã triển khai hiệu quả phong trào thi đua, coi đây là một trong những nội dung công tác quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, làm cho thi đua thực sự trở thành phong trào hành động sâu rộng, thường xuyên trong toàn trường. Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của cấp trên, nhà trường đã xây dựng kế hoạch công tác thi đua - khen thưởng và triển khai tới các đơn vị; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn công tác này đến cán bộ, viên chức, lao động giúp họ có nhận thức đúng về công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, nhà trường đã ban hành tiêu chí thi đua cụ thể cho từng đối tượng cán bộ, viên chức, lao động phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao, quy định về xét sáng kiến, kinh nghiệm để thống nhất thực hiện trong toàn trường. Các phong trào thi đua được phát động tại hội nghị cán bộ, viên chức và phát động theo các đợt ngắn hạn: đợt 1 (từ đầu năm đến 30/6) với nội dung “Thi đua lập thành tích mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm”; đợt 2 (từ tháng 7 đến 31/12) có nội dung “Thi đua lập thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước, Thủ đô, chào mừng ngày thành lập trường và Ngày Nhà giáo Việt Nam, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được giao”. Với trọng tâm là nâng cao công tác quản lý, giảng dạy, phục vụ giảng dạy, nhà trường đã phát động nhiều phong trào thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị được giao: “Giảng dạy tốt, học tập tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt”, “Người tốt, việc tốt”, phong trào Phụ nữ giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Mẹ lao động giỏi, con học giỏi” gắn với việc đẩy mạnh Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc bình xét thi đua, khen thưởng được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy trình, quy định, công khai, dân chủ. Qua đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, có tác dụng động viên, tạo sức lan tỏa, khích lệ phong trào thi đua ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả thiết thực hơn. Chính vì vậy, nhiều năm qua, phong trào thi đua ở Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đã thực sự sôi nổi với sự tham gia của 100% cán bộ, viên chức, lao động, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua đã giúp cho trường nhiều năm vượt kế hoạch được giao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 5 năm qua, nhà trường đã thực hiện giảng dạy và quản lý 1.031 lớp với 107.513 học viên. Đặc biệt, nhà trường đã thực hiện chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính, chuyên viên mới theo quy định của Bộ Nội vụ; xây dựng chương trình nghiệp vụ, kỹ năng cho các lớp nguồn công chức cấp xã… Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, thao giảng dự giờ cũng được trường thực hiện có hiệu quả. 5 năm qua, nhà trường đã thực hiện 2 đề tài khoa học cấp thành phố (1 đề tài xếp loại giỏi), 28 đề tài khoa học cấp trường (xếp loại bảo vệ giỏi, xuất sắc), 65 sáng kiến, kinh nghiệm, giải pháp trong công tác được nhà trường ứng dụng vào thực tế quản lý, giảng dạy, tác nghiệp. Đơn vị cũng đã xây dựng mới 12 nội dung chương trình (đã được thông qua và đưa vào giảng dạy); tổ chức thành công 10 hội thảo khoa học cấp trường, 50 hội thảo cấp khoa. Hầu hết giảng viên đều đạt định mức được giao, nhiều giảng viên vượt khối lượng định mức hơn 200%. Điều đáng ghi nhận nữa đó là cán bộ, giảng viên của nhà trường tích cực tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, công tác xã hội, từ thiện, tham gia hiến máu tình nguyện… với số tiền trên 300 triệu đồng và hơn 206 đơn vị máu.
Qua thực hiện các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, được cấp trên khen thưởng: 45 lượt đơn vị được công nhận danh hiệu tập thể tiên tiến (9 lượt được UBND thành phố tặng Cờ thi đua xuất sắc, tập thể lao động xuất sắc), phòng Tổ chức - Hành chính được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 7 đồng chí được tặng Huân chương Lao động, 1 đồng chí được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 23 lượt cá nhân được Thành ủy, UBND thành phố, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, 5 đồng chí được tặng danh hiệu Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô, 7 đồng chí được công nhận danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu thành phố…
Hương Lan
Điển hình tiên tiến
Công đoàn Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
TĐKT - Chiều 24/10, tại Hà Nội, Công đoàn Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (14/9/1996 - 14/9/2016) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tại buổi lễ, Công đoàn Tổng công ty trao số tiền 1 tỷ đồng giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, với 27 công đoàn cơ sở và 10.000 đoàn viên, Công đoàn Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, luôn hướng về cơ sở, vận động cán bộ, đoàn viên đi tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, rộng khắp, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức công đoàn. Công đoàn Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Các công đoàn cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận chuyên môn xây dựng quy chế dân chủ, quy chế đối thoại, tổ chức hội nghị người lao động, ký thỏa ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại trong doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Các chế độ, quyền lợi của người lao động được đảm bảo. 100% đơn vị thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); tổ chức khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Công đoàn còn phối hợp tổ chức cho CNVCLĐ đi nghỉ dưỡng sức, tham quan, nghỉ mát hàng năm..., tạo điều kiện để người lao động có cơ hội nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe. Ngoài các chế độ theo quy định, người lao động còn được hỗ trợ thêm từ quỹ phúc lợi, quỹ lương, không có khiếu kiện xảy ra. Công đoàn Tổng công ty còn dành 1 tỷ đồng cho CNVCLĐ vay vốn phát triển kinh tế phụ gia đình, không tính lãi, giúp giảm bớt khó khăn cho người lao động. Với những kết quả đạt được trong 20 năm qua, Công đoàn Tổng công ty đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2007, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2012 và nhiều cờ, bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công thương Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Công đoàn Tổng công ty vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phương ThanhTĐKT - Chiều 23/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất và kỷ niệm 65 năm Ngày Truyền thống Học viện (25/10/1951 - 25/10/2016). Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Cách đây 65 năm, trước những yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam - tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay, để đào tạo cán bộ chính trị, tăng cường xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần cho các đơn vị quân đội, bảo đảm thắng lợi cho kháng chiến lâu dài.
Suốt 65 năm qua, Học viện đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích to lớn trong công tác đào tạo cán bộ chính trị, góp phần quan trọng vào thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Học viện đã đào tạo được gần 4 vạn cán bộ chính trị các cấp, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự, gần 1.300 cán bộ cho quân đội các nước bạn Lào và Campuchia, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam, Lào, Campuchia. Từ năm 2010 đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được 14.190 cán bộ các cấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Học viện Chính trị
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những thành tích các thế hệ cán bộ, học viên Học viện Chính trị đạt được trong những năm qua. Thủ tướng đề nghị Học viện tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu: tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng quân đội nhân dân, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng cho bộ đội, phát huy vai trò và hiệu quả của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tập trung những công trình trọng điểm có tầm ảnh hưởng lớn, có khả năng ứng dụng rộng rãi trong quân đội và trong xã hội; cung cấp luận cứ khoa học phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng. Đồng thời, tập trung xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng cấp uỷ, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao. Coi trọng công tác xây dựng cán bộ, nhất là đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu có phẩm chất, trình độ năng lực đạt chuẩn và có khả năng hội nhập. Tổ chức tốt các phong trào thi đua quyết thắng gắn với triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh: mỗi học viên phải là người cán bộ chính trị tiêu biểu ở các đơn vị quân đội; cần xác định đúng động cơ, thái độ, trách nhiệm học tập; tích cực chủ động, khắc phục mọi khó khăn; gắn đào tạo với tự đào tạo để không ngừng hoàn thiện về phẩm chất và năng lực của người chính ủy trung đoàn, sư đoàn, cán bộ nghiên cứu, giảng viên khoa học xã hội nhân văn quân sự, trở thành những cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực tư duy khoa học và tổ chức hoạt động thực tiễn, đáp ứng tốt yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao sau khi ra trường.
Phương Thanh
Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
TĐKT - Ngày 21/10, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (UBGQ TKCN) tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập (23/10/1996 – 23/10/2016) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Tới dự, có các đồng chí: Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG TKCN; Trung tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho UBQG TKCN UBQG TKCN được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ngày 23/10/1996 với tên gọi tiền thân là “Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn trên không và trên biển”. Trải qua 20 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên làm công tác TKCN đã luôn nỗ lực hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao, vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm, sáng tạo trong ứng phó với các tình huống thiên tai, thảm họa, đặc biệt là việc tìm kiếm cứu người bị nạn, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại xảy ra. Trong giai đoạn 2006 - 2015, các lực lượng TKCN đã theo dõi và xử lý 35.221 vụ việc, cứu được 34.136 người với 4.109 phương tiện các loại. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, trước những diễn biến phức tạp, khó lường và chưa từng có tiền lệ của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, tai nạn, sự cố công trình…, lực lượng TKCN đã chủ động thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước đóng góp vào hoạt động TKCN trong khu vực. Nhiều sự cố, tai nạn nguy hiểm, có độ phức tạp cao xảy ra trên địa bàn rộng, hiểm trở, diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt đã được tập trung giải quyết có hiệu quả: sự cố sập cầu Cần Thơ, sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng, tai nạn máy bay Su 30 và CASA 212, các cơn siêu bão, các sự cố sạt lở đất… Đã có 31 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Những đóng góp, hy sinh của tập thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên UBQG TKCN đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý. Tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, UBQG TKCN vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương nỗ lực, phấn đấu và những thành tích đạt được trong 20 năm qua của UBQG TKCN, đồng thời khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm và xác định công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trong đó cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Phó Thủ tướng yêu cầu UBQG TKCN cần phải làm tốt công tác dự báo, tổ chức, huy động lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về những ảnh hưởng, tác hại của biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố... để từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó, hạn chế tư tưởng chủ quan, ỷ lại. Chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, tai nạn, sự cố có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai. Tổ chức, duy trì nghiêm các chế độ ứng trực, chú trọng tới các địa bàn trọng điểm về sự cố, thiên tai, từ đó, cập nhật, nắm chắc tình hình, tham mưu xử trí kịp thời, có hiệu quả các tình huống không để bị động, bất ngờ, góp phần giảm thiểu những thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị làm công tác TKCN; chỉ đạo chặt chẽ công tác huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai TKCN theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, nâng cao khả năng cơ động và kỹ năng thực hiện nhiệm vụ trong các điều kiện khó khăn, phức tạp cho các lực lượng. UBQG TKCN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện công ước, các cam kết quốc tế về TKCN, đặc biệt là cứu nạn trên biển, trên không; khu vực biên giới, các cơ sở công nghiệp, sự cố cháy rừng, tràn dầu...; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là với các quốc gia trong khu vực, các quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực TKCN. Nguyệt HàTĐKT - Tối 18/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Trao giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2016. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam được tổ chức từ năm 2002 với mong muốn cổ vũ, động viên chị em phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội phát huy tài năng, trí tuệ của mình, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong 13 năm qua, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam đã được xét trao cho 61 tập thể và 114 cá nhân phụ nữ có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực: lãnh đạo quản lý, kinh tế, văn hóa, thể thao, thông tin, y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, doanh nghiệp.
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2016
Năm 2016, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam được trao cho 6 tập thể, 10 cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong chuyên môn và có những đóng góp quan trọng cho xã hội. Sự phấn đấu vươn lên không mệt mỏi cùng những thành tích đã đạt được của các chị đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề cao những phẩm chất cao quý “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam qua mọi thời đại. Dù ở bất cứ cương vị, hoàn cảnh nào, phụ nữ cũng luôn thể hiện vai trò và khả năng to lớn của mình. Họ là những chiến sĩ chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất; là những người dân lao động cần cù, thông minh, sáng tạo; họ cũng là những người gìn giữ giống nòi và trao truyền giá trị văn hóa dân tộc, là người mẹ đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Giải thưởng Phụ nữ cho các tập thể tiêu biểu.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, chị em đã vươn lên, vượt khó, phấn đấu rèn luyện, học tập, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ được thực hiện ngày càng đầy đủ hơn; đời sống vật chất, tinh thần và sức khoẻ của đại bộ phận phụ nữ được cải thiện. Phụ nữ tham gia với số lượng ngày càng cao, chất lượng ngày càng tăng trong các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, năng động, sáng tạo trong kinh tế thị trường; phát huy phẩm chất. Có thể nói rằng phụ nữ Việt Nam ngày càng trưởng thành về mọi mặt, được xã hội tôn vinh, song họ vẫn chú trọng vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đánh giá cao vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mọi tầng lớp phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động thiết thực của Hội đã phát huy tốt tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước.
Trong dịp kỷ niệm ý nghĩa này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng tặng bằng khen cho 9 nữ sinh đạt thành tích trong các kỳ thi Olympic quốc tế và các em đạt điểm cao nhất trong kỳ thi THPT để xét vào đại học, cao đẳng năm 2016 nhằm cổ vũ, động viên các em tiếp tục rèn đức, luyện tài đạt được thành tích cao trong suốt quá trình học tập và phấn đấu sau này.
Hưng Vũ
TĐKT – Vũ Thị Ninh, nữ sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, vừa được TP Hà Nội vinh danh là một trong 100 Thủ khoa xuất sắc tiêu biểu năm 2016.
Sinh ra và lớn lên ở xã Yên Hưng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, gia đình Ninh thuộc hộ cận nghèo. Bố làm nghề thợ xây, nhưng thường xuyên đau yếu nên không làm được việc nặng. Kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào những đồng lương ít ỏi của mẹ làm công nhân khu công nghiệp.
Ninh chia sẻ: “Bố mẹ em đã rất vất vả làm thêm kiếm từng đồng để bươn trải cuộc sống gia đình và nuôi chúng em ăn học. Năm em học đại học năm 2 là năm bệnh của bố em trở nên nặng hơn. Em còn nhớ có những hôm bố em đau ốm nằm ở nhà trong khi mẹ em phải đi làm ca 3, chỉ có 2 em ở nhà với bố. Em gọi điện về với bố mà nước mắt đầm đìa vì thương bố, thương mẹ và các em. May thay dần dần bố em đỡ hơn, mọi thứ dần trở nên khá hơn nên em có thể yên tâm học tập”.
Vũ Thị Ninh - Thủ khoa ngành Cơ khí trường Giao thông Vận tải khóa học 2012-2016
Tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng bố mẹ Ninh luôn động viên các con cố gắng học tập. Bố em từng nói “có phải đi vay hay cắm sổ đỏ thì bố cũng cho con đi học, bố chỉ muốn cho các con ăn học thành người” - Ninh bộc bạch.
Đó cũng là động lực để Ninh phấn đấu nhiều hơn trong học tập. Để giảm gánh nặng cho bố mẹ, trong thời gian nghỉ hè, Ninh đã đi làm gia sư kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.
Ninh kể: “Lần đầu tiên nhìn danh sách lớp có một mình là nữ, em đã rất sợ, bởi trước kia em học lớp chọn văn chỉ toàn con gái. Em đã nghỉ học mất 4 buổi chỉ vì không đủ dũng khí để bước lên giảng đường. Những ngày đó em thấy tủi thân và chán nản, một phần vì chưa thích nghi được với việc chỉ có mình là nữ, phần vì mới lên học em cũng chưa quen ai. Nhiều người thấy em ngồi ở lớp cơ khí còn nói “con gái mà học cơ khí”, em cảm giác như mình là thành phần cá biệt”.
Những ngày học đó với Ninh thật khó khăn, Ninh hiểu rằng nếu không học mà chỉ ở đó e ngại thì sẽ thất bại. Học cơ khí rất nặng và vất vả hơn nhiều so với các ngành khác. Đặc biệt, sống trong một tập thể toàn là các bạn nam, nếu bản thân không cố gắng thì không thể theo kịp.
Nhận thức được điều đó nên ngay từ đầu Ninh đã đề ra cho mình một lộ trình khoa học và tận dụng triệt để lợi thế của mình là chăm chỉ hơn các bạn nam. Ngoài việc chú ý nghe các thầy cô giảng trên lớp, phần nào chưa hiểu, Ninh hỏi thầy cô và các bạn ngay. Về nhà, Ninh dành thời gian tìm hiểu thêm tài liệu và kiến thức liên quan đến thực tế.
Với những nỗ lực không ngừng, Ninh chỉ mất học phí kỳ đầu còn những kỳ sau em đều được học bổng của trường và các tổ chức. Ninh là sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2012 - 2016 của Trường Đại học Giao thông vận tải với điểm số 3.65/4; sinh viên tiêu biểu các năm học 2012 - 2013, 2013 - 2014, 2014 – 2015. Ngoài chú tâm học tập, Ninh còn tích cực tham gia vào các hoạt động của Đoàn – Hội và giành được nhiều học bổng khác.
Trong ngày hội tôn vinh những thủ khoa xuất sắc tiêu biểu TP Hà Nội năm 2016, Ninh tiết lộ cô đã được một công ty thiết kế tàu thủy của Nhật Bản nhận làm việc và đầu tư cho học tiếng Nhật. Năm 2017 Ninh sẽ đi du học tại Nhật Bản, sau khi hoàn thành chương trình học, Ninh muốn được trở về và làm giảng viên tại Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Hưng Vũ
TĐKT - Thiết thực chào mừng kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2016), tối 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phối hợp tổ chức chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam”, tôn vinh 63 nông dân xuất sắc tiêu biểu năm 2016. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự và phát biểu chỉ đạo.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, nông dân Việt Nam đã hăng hái thi đua thực hiện 3 phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động: nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh. Từ thực tiễn cuộc sống và phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện lớp nông dân điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực: sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; cải tiến và sáng tạo máy cơ khí, tạo giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao; ngư dân dũng cảm bám biển, ra khơi vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; nông dân gương mẫu, tình nguyện hiến đất, đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình chưa biết làm ăn để sản xuất và kinh doanh có lãi, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Chương trình tôn vinh nông dân tiêu biểu xuất sắc hàng năm là hoạt động có ý nghĩa, sinh động và thiết thực, cổ vũ, động viên kịp thời những nhà nông xuất sắc, tạo nền tảng xây dựng nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng “hình mẫu người nông dân mới”, hình thành lớp chủ nhân đích thực của nông thôn mới, năng động, dám nghĩ, dám làm và hợp tác hiệu quả cao.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi lễ
63 nông dân được tôn vinh năm 2016 là những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền quốc gia; có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương sáng kiến tổ chức chương trình của Hội Nông dân Việt Nam và 63 nông dân tiêu biểu được tôn vinh năm 2016.
Chủ tịch nước chỉ rõ: nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, sinh thái của đất nước. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao.
Chủ tịch nước yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban, bộ, ngành, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn đồng bộ trên địa bàn nông thôn. Tích cực tuyên truyền, vận động nông dân hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình “Xây dựng nông thôn mới”, “Bảo tồn và phát triển làng nghề”, “Đào tạo nguồn nhân lực”, “Phát triển kinh tế hợp tác”... nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, xây dựng nông thôn mới với cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Chú trọng xây dựng và thực hiện các hương ước, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn trao thưởng cho các nông dân tiêu biểu năm 2016
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần triển khai các hoạt động thiết thực để đưa tiến bộ khoa học - công nghệ về khu vực nông thôn, tích cực hỗ trợ nông dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải phóng lao động thủ công và phấn đấu trở thành công nhân nông nghiệp của nền sản xuất lớn. Hội Nông dân các cấp phải thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Quan tâm nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân, tạo điều kiện để nông dân tham gia và thụ hưởng thành quả của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Chủ tịch nước khẳng định: Đảng, Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đến người nông dân, không chỉ trong việc tiếp cận các cơ hội phát triển và hội nhập, mà còn trong việc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân và người dân nông thôn.
Mai Thảo
TĐKT - Ngày 11/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2. Đến dự, có: PGS.TS Phạm Mạnh Hùng Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).
PGS TS Phạm Mạnh Hùng,Thứ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2 cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiền thân là Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội được thành lập vào ngày 11/10/1951. Trải qua 65 năm xây dựng và trưởng thành với nhiều lần đổi tên, nhiều thăng trầm cùng lịch sử đất nước, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay có 23 khoa, 2 bộ môn trực thuộc, hai trường phổ thông, một trường mầm non và hơn 30 viện, trung tâm nghiên cứu với gần 800 giảng viên trên tổng số hơn 1.200 cán bộ.
Trường đã cung cấp một đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho hệ thống giáo dục quốc dân, đã và đang đóng góp phát triển chương trình đào tạo đại học và sau đại học, chương trình phổ thông, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là trong các cuộc cải cách giáo dục. Trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục, khoa học cơ bản và khoa học công nghệ… góp phần tư vấn các chính sách về giáo dục, thúc đẩy sự phát triển giáo dục, khoa học và công nghệ của đất nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS. TS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gửi lời chúc mừng tới các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và ghi nhận những đóng góp của nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Hàng vạn sinh viên tốt nghiệp từ trường đã tỏa đi mọi miền Tổ quốc đóng góp vào sự nghiệp GD&ĐT, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực để xứng đáng là trung tâm nghiên cứu và đào tạo các nhà nghiên cứu khoa học giáo dục hàng đầu của đất nước. Tập trung nâng cao năng lực đào tạo và bồi dưỡng của nhà trường thông qua tái cấu trúc lại các khoa, trung tâm, các phòng, ban đạt hiệu quả cao nhất.
Với những nỗ lực không ngừng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; hai lần Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Tại buổi lễ, PGS TS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao tặng Huân chương độc lập hạng nhất lần thứ 2 cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Hồng Thiết
TĐKT - Đã vào cái tuổi 79, bị tai biến hai năm nay, nhưng ông Đỗ Quang Mạc ở xóm Bãi, cụm dân cư số 5, thôn Đông Viên, xã Đông Quang (Ba Vì - Hà Nội) vẫn âm thầm làm việc mình yêu thích là vá, sửa xe đạp, xe máy cho nhân dân trong cụm dân cư và người dân ở nhiều nơi khác. 26 năm nay, ông Mạc làm việc này mà không lấy một đồng tiền công nào.
Ông Mạc sửa xe cho khách
Năm 1990, khi về hưu, sống ở Chúc Sơn huyện Chương Mỹ, ông Mạc đã sẵn sàng vá xăm xe đạp, thay hộ các phụ tùng xe đạp cho mọi người mà không lấy tiền. Khi trở về quê hương xóm Bãi sinh sống, ông Mạc lại làm việc đó tự nguyện mà không mong chờ người khác cảm ơn hay báo đáp.
15 năm trước đây, vào năm 2001, khi nhân dân xóm Bãi đa số còn nghèo, đường đi lầy lội, ông Mạc đã đứng ra vận động mọi người trong xóm bê tông hóa đường xóm. Nhưng do kinh tế nghèo nên người dân không đủ sức đóng góp. Thế là ông đã quyết định cho nhân dân trong xóm vay 12 triệu đồng để bê tông hóa 150 m đường trong xóm. Số tiền này không phải là ông có sẵn mà được trừ vào lương hàng tháng khoảng 1 triệu của ông. Đến nay, nhiều hộ nghèo vẫn còn nợ tiền ông, nhưng ông đã xóa nợ cho họ.
Còn về việc vá xăm xe, sửa xe đạp đối với ông là niềm đam mê. Ông làm việc thiện không lấy công, ông cũng không kể với gia đình, ông cứ làm, nói dối vợ con là làm lấy tiền. Làm việc này, ông Mạc tâm sự: “Tôi tính thương người, lại sẵn có tay nghề nên giúp đỡ mọi người chút, chỉ mong có sức khỏe để giúp được nhiều người hơn”.
Nói là làm từ khi về quê hương từ năm 2000, đã 16 năm nay, không ngày nào ông Mạc không mở quán sửa xe của mình, sáng từ 7h đến 10h30, chiều từ 15h, cũng không trừ ngoại lệ, bất kể lúc nào người nào bị hỏng xe đến cần vá săm là ông giúp luôn, có nhiều trường hợp, sáng hôm sau phải đi chợ, đi học cần đến xe đạp là ông Mạc lại giúp tận tình. Xong công việc, nhiều người hỏi bao nhiêu tiền, ông Mạc nói luôn là không mất tiền. Ở xóm bãi này có khoảng 58 hộ, suốt 16 năm qua, đều đã đến nhờ ông Mạc vá săm xe, sửa xe đạp mà không lấy tiền. Điều đáng nói nữa là, nhiều người mua phụ tùng về nhờ ông thay thế cho xe máy nhưng ông Mạc làm cho và cũng không lấy tiền.
Tiếng lành đồn xa, nhiều trường hợp hỏng xe trên đê cũng nhờ ông và ông sẵn sàng đi xe máy đến giúp. Có trường hợp đi đường gặp xe bị thủng săm, ông cũng không ngại ngần vá giúp họ, bởi lúc nào xe của ông cũng trang bị đầy đủ đồ nghề vá săm. Để có tiền nhựa, miếng vá, ông đã trích nguồn lương của mình ra, mỗi tháng từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng.
Trong thôn, có trường hợp gia đình ông Đỗ Văn Mùi, có hai con đi học, xe hay hỏng, ông mua xe cũ về sửa sang lại và cho hai cháu. Ông Mạc cũng đã tặng 30 hộ ở trong xã bơm để họ bơm xe. Cũng để bớt công việc, ông còn mua miễn phí cho 4 hộ gia đình ông Kiểu, Thi, Thụ, Thái mỗi hộ một bộ đồ sửa xe đạp, để các hộ có thể tự sửa, vá, bơm… Suốt 16 năm qua, ông Mạc đã vá săm xe, sửa chữa, thay thế phụ tùng không công mỗi ngày bình quân khoảng 3 xe. Nhiều người trong xóm 5 và nhiều xóm lân cận đã thầm cảm ơn ông Mạc, việc tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đã bị tai biến nhẹ, gia đình can ngăn, nhưng ông không thể nghỉ ngơi, bởi đó là niềm vui của cuộc đời ông.
Có lẽ những đóng góp của ông Mạc khó nói hết bằng lời, bởi ông làm việc mà không nghĩ đến mình, chỉ mong giúp cho những gia đình ở quê có một cái xe để đi tốt hơn. Tấm lòng của ông thật đáng quý, đáng trân trọng.
Trần Phương
Người cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội tận tâm với công việc
TĐKT- Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình nhưng sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thương mại Hà Nội với hai tấm bằng cử nhân chuyên ngành quản trị kinh doanh và kế toán, anh Nguyễn Tiến Giang lại bén duyên với ngành bảo hiểm và công tác tại bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Hà Giang. Nguyễn Tiến Giang tại bộ phận một cửa Anh Giang chia sẻ, sau khi tham dự và trúng tuyển vào ngành BHXH, anh và 6 cán bộ nữa được điều động lên BHXH tỉnh Hà Giang. Do điều kiện địa bàn tỉnh Hà Giang là một tỉnh miền núi xa xôi, hẻo lánh, thời tiết khắc nghiệt, hầu hết các huyện trong tỉnh đều là huyện có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện nên 5 viên chức được điều động cùng anh đã làm đơn xin nghỉ việc. Thời gian đấy chỉ còn riêng mình anh vẫn quyết tâm bám trụ. Anh nhớ mãi kỷ niệm ngày đầu lên nhận công tác và nhận công việc. Anh Giang mới lập gia đình được 2 tháng, bố mẹ lại già yếu ở quê. Nơi anh nhận công tác là Xín Mần, một huyện vùng sâu phía tây của Hà Giang, cách đường Quốc lộ 2 Hà Nội - Hà Giang 150 km. Điều kiện hoàn cảnh gia đình như vậy không tránh khỏi làm anh nản lòng nhưng với sự quyết tâm của bản thân và sự an ủi động viên thường xuyên, kịp thời của Ban Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Giang, lãnh đạo BHXH huyện Xín Mần, anh Giang đã vượt qua khó khăn, thử thách ban đầu. Anh Giang được lãnh đạo giao nhiệm vụ là chuyên viên giải quyết chế độ BHXH kiêm tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả bộ phận một cửa tại BHXH huyện. Đây là một công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có chuyên môn sâu, kinh nghiệm xử lý các tình huống, đặc biệt phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, phải có tính kiên nhẫn, khả năng giao tiếp tốt…Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo; giải quyết công việc khách quan, công tâm, có lý, có tình, mặc dù mới nhận việc nhưng anh Nguyễn Tiến Giang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hơn hết, mọi chế độ của các đối tượng thụ hưởng được anh giải quyết thỏa đáng, đúng quy định của Nhà nước. Với cách nói chuyện khéo léo và sự tận tâm trong công việc, anh Tiến Giang đã làm hài lòng các đối tượng đến giao dịch qua bộ phận một cửa. Mọi người dân khi đến làm việc đều cảm thấy yên tâm, tin tưởng vào anh Giang, một người cán bộ chính sách trẻ nhưng đầy nhiệt huyết. Anh không những là người thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ở anh, luôn thể hiện tinh thần và tác phong, lề lối làm việc nghiêm chỉnh. Anh luôn nêu cao và thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành BHXH. Điều đặc biệt, ngoài công việc được giao, anh còn là người luôn hòa mình cùng tập thể khi có câu chuyện vui hoặc khi gặp vấn đề khó khăn cần giải quyết. Anh là người không nề hà bất cứ nhiệm vụ nào, miễn lãnh đạo cơ quan giao, anh đều quyết tâm làm cho tốt; tạo mối quan hệ phối hợp tốt giữa các bộ phận chuyên môn, kịp thời tham mưu. Song song với đó, anh luôn là người đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chung của lãnh đạo đơn vị. Nhận thấy ở Giang có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, giản dị, có trình độ, kiến thức và năng lực thực tiễn phù hợp, Chi bộ và lãnh đạo cơ quan thống nhất giới thiệu bầu chọn anh vào Ban chấp hành Công đoàn cơ sở. Một mình với 3 trọng trách được giao, công việc cứ liên tục, nhưng không bao giờ thấy Giang biểu lộ sự mệt mỏi hay than phiền nào. Có lẽ, bầu không khí làm việc của cơ quan đã tạo cho anh sự gắn bó, sự nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm cao. Với sự cố gắng tu dưỡng, rèn luyện và năng lực của bản thân, Nguyễn Tiến Giang đã chiếm được lòng tin yêu, quý trọng của anh em đồng nghiệp trong cơ quan, các đối tượng đến giao dịch, sự tin tưởng tuyệt đối của lãnh đạo đơn vị. Qua quá trình phấn đấu, hai năm liền, anh được bầu là Lao động tiên tiến, Giám đốc BHXH tỉnh và Chủ tịch UBND huyện Xín Mần tặng giấy khen. Ngày 3/2/2014, anh đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. La GiangTrang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 147
- 148
- 149
- 150
- 151
- sau ›
- cuối cùng »