Tốt nghiệp trường Trung cấp xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng số 11 khi tuổi đời còn khá trẻ (19 tuổi), chàng thanh niên Mạnh khi đó ấp ủ bao ước mơ, hoài bão vì được học và làm đúng nghề mình yêu thích, hơn nữa ở thời điểm đó (1983) nghề xây dựng đã được đánh giá cao bởi thu nhập ít nghề sánh kịp. 5 năm công tác trong lĩnh vực xây dựng thuộc Tổng công ty xây dựng số 11 (1983 - 1988) cũng là thời điểm anh Mạnh “bén duyên” với nghề làm tăm. Cuối năm1988, khi nhà nước xóa bỏ bao cấp, anh Mạnh xin nghỉ và mở xưởng sản xuất tăm cho riêng mình. Sở dĩ anh đi theo nghề làm tăm mà không theo ngành xây dựng vì anh thấy rằng, nếu mở xây dựng thì chỉ tạo công ăn việc làm cho thanh niên khỏe mạnh, còn người già, phụ nữ, trẻ nhỏ, đặc biệt là người khuyết tật ở quê anh sẽ không có việc làm thêm để tăng thu nhập. Sau gần 2 năm mày mò, tìm kiếm, hiện nay, công nghệ làm tăm của anh Mạnh đang sử dụng đã và đang mang lại hiệu quả cao, tăm sạch 100%. Những gói tăm của xưởng anh Mạnh làm ra được thị trường ưa chuộng vì giá thành rẻ, chất lượng tốt và đặc biệt là tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản.
Anh Lê Hồng Mạnh, Trưởng phòng kinh doanh Hội Người mù Sơn Tây
Công việc đang trên đà phát triển thì mọi người bất ngờ khi anh quyết định dừng công việc kinh doanh của mình lại để nhận lời làm Trưởng phòng kinh doanh cho Hội Người mù Sơn Tây với mức lương gần như không có. Tuy nhiên, lý do mà ít ai biết đó là lá thư của một hội viên Hội Người mù Sơn Tây gửi cho anh với nội dung đầy xúc động: “Anh Mạnh thân mến! những người mù, khiếm thính… như chúng tôi được gọi chung là những người khuyết tật. Người khuyết tật đi đâu, làm gì cũng đều phụ thuộc vào người khác nên chúng tôi cảm thấy mình như một gánh nặng cho xã hội. Để giúp cho những người khuyết tật bớt mặc cảm và để chúng tôi được thấy mình là những người còn có ích cho xã hội thì mong anh hãy về Hội Người mù Sơn Tây để giúp Hội, giúp chúng tôi phát triển”. Đến giờ khi kể lại, anh Mạnh vẫn không khỏi xúc động và trân trọng tình cảm mà những người khuyết tật dành cho mình. Nhưng bài toán đặt ra ở đây là nếu anh dừng xưởng của mình thì cuộc sống của những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn trong xưởng của anh sẽ ra sao? Từ đó, anh Mạnh quyết định thuê người quản lý xưởng và trực tiếp về Hội Người mù Sơn Tây để vận hành bộ máy mới.
Công việc tại Hội Người mù Sơn Tây có thể nói là rất vất vả, bởi theo anh Mạnh, để dạy cho người lành làm tăm, làm chổi đã khó, hướng dẫn những người khuyết tật, trong đó có khiếm thị thì quả là khó vô cùng. Nhưng bằng tình yêu, sự kiên trì, anh đã từng bước giúp họ nhanh chóng bắt kịp công việc. Để hỗ trợ thêm đầu ra cho sản phẩm ở đây, anh Mạnh quyết định chuyển một số đơn hàng của xưởng mình sang cho Hội. Ngoài công việc thường ngày, anh Mạnh vẫn dành thời gian để đi vận động các tổ chức từ thiện, hỗ trợ quà, tiền… cho hội viên Hội Người mù Sơn Tây và cá nhân anh Mạnh cũng trực tiếp ủng hộ quà, tiền cho các Hội người mù: Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức... Từ khi có công việc làm ổn định, nhiều hội viên của Hội Người mù Sơn Tây không chỉ tự nuôi sống được bản thân mà còn phụ giúp kinh tế gia đình, có nhiều người đã lấy vợ, lấy chồng, sinh con... Đặc biệt, năm 2014, ngôi nhà chung của hội viên Hội Người mù Sơn Tây đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp và cá nhân anh Mạnh đã ủng hộ 30 triệu đồng để thêm kinh phí xây dựng.
Để ghi nhận và biểu dương những việc anh Mạnh đã làm vì người khuyết tật, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã tặng anh Kỷ niệm chương vì hạnh phúc người mù; Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì trẻ em tàn tật; Bằng khen của Hội Người mù Việt Nam; Bằng khen UBND huyện, xã… Nhưng đối với anh, phần thưởng vô giá chính là tình yêu, sự kính trọng và lòng biết ơn của những người khuyết tật Sơn Tây dành cho mình.