Điển hình tiên tiến

Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế

TĐKT – Sáng 26/2, tại Hà Nội, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế long trọng tổ chức Kỷ niệm 63 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2018) và đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế. Tới dự, có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao Cờ thi đua của Bộ Y tế cho Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế Những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, năng lực của hệ thống labo kiểm định còn hạn chế và thị trường tiếp tục có thêm nhiều vắc xin và sinh phẩm mới..., nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể Ban Giám đốc và tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hiện tại, các labo vi rút và vi khuẩn của Viện đã được nâng cấp, cải tạo, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), GLP, tạo điều kiện để triển khai ổn định hoạt động kiểm định. Năm 2017, Viện đã triển khai labo xét nghiệm đánh giá động vật thí nghiệm, bước đầu nâng cao chất lượng của động vật thí nghiệm trước khi kiểm định, đánh giá chất lượng vắc xin và sinh phẩm y tế. Nâng cao chất lượng của công tác kiểm định. Viện đã tiếp nhận và phân phối các mẫu chuẩn quốc tế, nhiều mẫu chuẩn Quốc gia, hoàn thiện hồ sơ của các chuẩn quốc tế. Năm 2017, làm thủ tục tiếp nhận 21 loại mẫu chuẩn quốc tế, tiếp nhận 9 loại mẫu thử, mẫu chuẩn cúm từ WHO phục vụ cho thử nghiệm hợp tác liên labo vắc xin cúm; giao 226 lượt mẫu chuẩn cho các khoa QC và nhà sản xuất để thực hiện thử nghiệm. Triển khai sản xuất xong các vắc xin mẫu chuẩn dự tuyển bạch hầu, rota, rubella, sởi… Viện đã triển khai hoạt động giám sát và hậu kiểm cũng như cử các đoàn thanh tra đột xuất khi có sự cố vắc xin, sinh phẩm; tăng cường giám sát chất lượng vắc xin, sinh phẩm trong cộng đồng; triển khai các công tác đánh giá NRA, các hoạt động của hệ thống chất lượng ISO/IEC17025. Trung tâm tư vấn và dịch vụ vắc xin hoạt động ổn định, có hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và hợp tác quốc tế luôn được quan tâm chú trọng. Năm 2017, Viện đang triển khai thực hiện 11 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, đã tổ chức nghiệm thu 7 đề tài, tổ chức xét duyệt đề cương và phê duyệt 4 đề tài cơ sở thực hiện năm 2018; thực hiện 2 đề tài cấp Bộ và bảo vệ đề cương 2 đề tài cấp Bộ trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Đề tài quốc gia “Nghiên cứu sản xuất 12 vắc xin mẫu chuẩn quốc gia dùng cho kiểm định vắc xin  thuộc chương trình sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người 2015 - 2020” đang được triển khai theo kế hoạch. Tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ quốc tế với WHO, JICA, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh và Cu Ba, năm 2017, Viện đã cử 18 đoàn cán bộ đi học tập tại các nước về kỹ thuật kiểm định. Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ghi nhận và biểu dương những thành tích Viện đã đạt được trong nhiều năm qua, gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tri ân tới tập thể cán bộ, viên chức của Viện đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong lĩnh vực phòng bệnh. Đồng thời mong muốn và tin tưởng rằng các cán bộ, công chức Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực đưa Viện thành một trong những đơn vị dẫn đầu thi đua, dẫn đầu trong khối các đơn vị nghiên cứu khoa học của Bộ, ngành Y tế. Nhân dịp này, Viện vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế. 6 tập thể, 14 cá nhân thuộc Viện được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Phương Thanh

Cán bộ, viên chức Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đón nhận nhiều phần thưởng cao quý

TĐKT – Sáng 23/2, tại Hà Nội, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 và đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động cho bác sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đình Minh Phát biểu chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam, GS. Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trong những năm qua, cán bộ, viên chức của Bệnh viện đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tích trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, triển khai hàng loạt các kỹ thuật cao tiên tiến, trong đó có nhiều kỹ thuật đi trước các nước trong khu vực: Vi phẫu thuật ghép xương hàm và một phần khuôn mặt từ vạt xương mác cẳng chân có cuống mạch nuôi để khôi phục lại khuôn mặt tàn phế cho người bệnh; các kỹ thuật phẫu thuật chỉnh hình xương mặt hàm với gây mê hạ áp, các kỹ thuật cấy ghép nha khoa, các kỹ thuật điều trị nội nha... ngang tầm các nước tiên tiến. Nhờ vậy, Bệnh viện đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người bệnh và đã thành công trong việc giữ người bệnh điều trị trong nước, không để bệnh nhân phải ra nước ngoài điều trị rất tốn kém. Hơn nữa, còn có không ít người nước ngoài và người Việt định cư ở nước ngoài về Việt Nam điều trị. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ vừa được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú Bệnh viện còn dành sự quan tâm lớn tới hoạt động mổ nhân đạo. Hàng chục ngàn trẻ em sứt môi, hở hàm ếch và người bệnh nghèo khó có bệnh lý phức tạp đã được Bệnh viện phẫu thuật điều trị miễn phí, an toàn, hiệu quả và còn hỗ trợ thêm kinh phí cho người bệnh.... Với kỹ thuật điều trị tiên tiến và thái độ giao tiếp tốt với người bệnh, mỗi năm các y bác sĩ của Bệnh viện đã làm thỏa mãn và hài lòng cho trên 100.000 lượt người bệnh tới điều trị tại Bệnh viện. Cùng với đó, Bệnh viện dành sự quan tâm lớn đến các hoạt động dự phòng cho trẻ em và cộng đồng. Chương trình nha học đường ở các trường tiểu học đã được thực hiện ở nhiều địa phương. Hàng chục triệu trẻ em đã được chăm sóc răng miệng tại trường học. Chương trình đã mang lại hiệu quả to lớn về phòng bệnh, kinh tế và xã hội. Dự án dự phòng sâu răng cho cộng đồng bằng muối Fluor đã được triển khai ở Lào Cai từ năm 2012. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á thực hiện biện pháp dự phòng này và đã có tác dụng phòng ngừa sâu răng cho cộng đồng mà đã được nghiệm thu về khoa học. Bệnh viện đang xây dựng kế hoạch đề nghị Bộ Y tế và Chính phủ cho phép mở rộng dự án, vì biện pháp dự phòng sâu răng cho cộng đồng bằng muối fluor đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là biện pháp an toàn, ít tốn kém và rất hiệu quả. Trước thực tế  hiện nay có 90% người dân có bệnh răng miệng, cán bộ, viên chức Bệnh viện thường xuyên tới các địa phương để cố vấn và hỗ trợ mạng lưới răng, hàm, mặt các tuyến với mong muốn mỗi người dân ở bất kỳ đâu đều có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế để được khám, chữa các bệnh răng miệng thông thường. Về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, Bệnh viện là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế giao tự chủ toàn phần về tài chính từ năm 2009. Mặc dù rất khó khăn trong giai đoạn đầu, nhưng bệnh viện đã thích nghi được với cơ chế mới và đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do không phải sử dụng ngân sách nhà nước mà còn có đóng góp thêm vào ngân sách qua Cục Thuế Hà Nội. Tuy phải tự chủ về tài chính, nhưng bệnh viện đã dành kinh phí đáng kể cho xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu khoa học và đầu tư triển khai các kỹ thuật cao tiên tiến. Mỗi năm có hàng trăm bác sĩ được cử ra nước ngoài cập nhật kỹ thuật mới. Mỗi năm có hàng trăm nhà khoa học chuyên sâu các nước được mời tới bệnh viện để giới thiệu kỹ thuật mới. Hội nghị nha khoa quốc tế thường niên tại Hà Nội đã trở thành sự kiện nha khoa uy tín, lớn trong khu vực và thế giới, bên cạnh chương trình khoa học là triển lãm Nha khoa với trên 300 gian hàng thu hút hầu hết các nhà sản xuất nha khoa hàng đầu thế giới tham dự.... Với những thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cán bộ, viên chức Bệnh viện vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Tại buổi lễ, bác sĩ Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Đình Minh được trao tặng Huân chương Lao động; 9 cá nhân thuộc Bệnh viện được trao danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú; 2 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Phương Thanh

Học viện Tư pháp đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Sáng 6/2, tại Hà Nội, Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Tới dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Học viện Tư pháp Cách đây 20 năm, trước yêu cầu của việc đào tạo, chuẩn hóa trình độ cho các Thẩm phán, ngày 11/2/1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/1998/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp (tiền thân của Học viện Tư pháp ngày nay). Với quyết tâm mạnh mẽ, các thế hệ lãnh đạo và tập thể giảng viên của Học viện Tư pháp đã vượt qua khó khăn, thử thách để tìm tòi, lựa chọn, vận dụng sáng tạo mô hình, kinh nghiệm đào tạo chức danh tư pháp ở những nước tiên tiến để xây dựng mô hình đào tạo nghề tư pháp và phát triển mạnh hoạt động đào tạo nghề tư pháp ở Việt Nam. Từ đó, mô hình, triết lý, công nghệ đào tạo chức danh tư pháp tại Việt Nam được hình thành, mang đậm dấu ấn tư duy thực dạy, thực học, thực nghề, giàu trí tuệ, kỹ năng và bản lĩnh nghề luật, phù hợp với tuyên ngôn, sứ mệnh và tầm nhìn của một cơ sở đào tạo trẻ, sải cánh vươn xa trong nền tư pháp cách mạng. Với những kết quả đạt được ban đầu và để có thể tạo lập được nguồn nhân lực tư pháp bảo đảm đủ số lượng, trình độ cao đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 25/2/2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2004/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Tư pháp trên cơ sở Trường Đào tạo các chức danh tư pháp với nhiệm vụ tập trung thống nhất đầu mối đào tạo các chức danh tư pháp ở Việt Nam. Kể từ đó, tên gọi Học viện Tư pháp được các thế hệ giảng viên, học viên và các cán bộ ghi nhớ như là chiếc nôi, là mái nhà chung gìn giữ, nuôi dưỡng, chắp cánh cho những ước mơ nghề luật. Với những kết quả đạt được, nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập, Học viện Tư pháp vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trao Bằng khen của Bộ trưởng cho một số tập thể, cá nhân của Học viện đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Học viện Tư pháp đã đạt được trong 20 năm qua, đồng thời nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng cảm ơn các thế hệ nhà giáo, cán bộ, công chức, viên chức, học viên của Học viện Tư pháp đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ vào chặng đường 20 năm phát triển đáng tự hào của nhà trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực tư pháp, hội nhập quốc tế và sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo của đất nước. Với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Học viện cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đưa ra các giải pháp để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao; đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, phát huy hơn nữa vài trò là cầu nối giữa công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật của Bộ Tư pháp với thực tiễn hành nghề luật. Tập trung hơn nữa trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới mạnh mẽ các chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế… Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực nhắc nhở các học viên của Học viện phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với cơ quan, xã hội và tương lai của đất nước, nỗ lực học tập rèn luyện, phấn đấu để thực sự trở thành những chức danh tư pháp giỏi, uy tín, là niềm tin của công lý nước nhà. Trang Lê

“Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa

TĐKT - Sáng 6/2, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (16/2/1953 - 16/2/2018) và đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự, trao Huân chương và phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt truyền thống. Cùng dự, có: Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an. Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi gặp mặt Ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 41/SL thành lập Cục Cảnh vệ, với nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức quan trọng là bảo vệ an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương. Từ đó, ngày 16/2 hàng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân (CAND). 65 năm qua, lực lượng Cảnh vệ đã từng bước trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trong nước, đồng thời hoàn thành tốt nghĩa vụ quốc tế cao cả, giúp lực lượng Cảnh vệ Lào và Campuchia kể cả về xây dựng tổ chức, bồi dưỡng nghiệp vụ và trang bị phương tiện. Trong công tác nghiệp vụ, lực lượng Cảnh vệ CAND đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước và Bộ Công an ban hành các văn bản pháp quy làm cơ sở pháp lý quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ. Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Trung ương Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương, đặc biệt gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị 07/CT-BCA-X11 về “Tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh vệ luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, không ngừng học tập và rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học kỹ thuật; chấp hành nghiêm túc điều lệnh Công an nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thực hiện “6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”; thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, lực lượng Cảnh vệ CAND vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc mà lực lượng Cảnh vệ CAND đã giành được trong suốt chặng đường 65 năm qua. Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, ngày càng khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc, xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, giai đoạn cách mạng mới với nhiều thời cơ, thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi lực lượng CAND trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Cùng các đơn vị trong lực lượng CAND, lực lượng Cảnh vệ cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao khả năng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo cấp cao, các cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, các sự kiện quan trọng của đất nước trong tình hình mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng các mặt công tác nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác Công an, tăng cường biện pháp kỹ thuật bảo vệ; tổ chức tập luyện thuần thục các phương án, xử lý tình huống nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả mọi hoạt động phá hoại, khủng bố… của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đối tượng, mục tiêu cảnh vệ, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Lực lượng Cảnh vệ phải chú trọng chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện; tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực tu dưỡng, rèn luyện về mọi mặt, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh vệ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, suốt đời phấn đấu, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp “bảo vệ Đảng, bảo vệ lãnh tụ”. Nguyệt Hà

Người tự bỏ tiền xây cầu phao cho dân

TĐKT - Đến thôn Phú Lộc (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hỏi ông Lê Tất Dũng là ai cũng biết đến. Ông chính là người đã dùng số tiền dành dụm hơn 20 năm của mình để tự thiết kế và thi công cây cầu phao bắc qua sông Vu Gia, giúp người dân trong các thôn thuận lợi lưu thông qua khu vực này. Không những vậy, ông còn là người sáng chế ra nhiều nông cụ giúp bà con tăng năng xuất lao động. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, cuộc sống của ông Dũng đã sớm phải bôn ba. Thấy dân làng cứ mãi vất vả chờ những chuyến đò để qua sông canh tác, các cháu học sinh ngày ngày vượt đò tạm nguy hiểm đến trường, ám ảnh vì những cái chết đau thương trên sông, ông đã ấp ủ trong lòng ước nguyện xây cầu này. “Trăn trở là thế, nhưng để đi đến hiện thực quả là vô cùng khó khăn. Nếu chờ tiền ngân sách địa phương xây cầu thì chưa biết đến bao giờ. Vận động bà con nhân dân đóng góp tiền thì cũng rất khó, bởi với người dân miếng cơm còn phải chạy ăn từng bữa nói gì có tiền mà đóng góp. Suy nghĩ nhiều, cuối cùng tôi cũng quyết tâm xây bằng được cây cầu phao để phục vụ người dân”, ông Dũng tâm sự. Cây cầu đã giúp người dân đi lại thuận lợi hơn Ông mời người dân trong thôn đến họp xin ý kiến về việc tự nguyện bỏ tiền làm cầu. Được người dân hưởng ứng, ông lên kế hoạch ra Đà Nẵng mua 147 thùng phi, 1,8 tấn sắt thép và 2 tạ dây cáp cùng các dụng cụ cần thiết rồi miệt mài ngày đêm lắp ráp và tạo thành cây cầu dài 78 m, rộng 1 m, trọng tải 750 kg trong suốt 3 tháng ròng rã. Thế là số tiền hơn 300 triệu đồng tiết kiệm bấy lâu ông dồn hết cho việc xây cầu. Cây cầu phao do ông Dũng làm khá đặc biệt. Hai đầu cầu, ông đổ các trụ bê - tông vững chắc để nối hệ thống dây cáp kéo căng khiến cầu không bị uốn cong bởi dòng nước. Phía dưới mỗi hàng ngang, thay vì thông thường chỉ làm 2 thùng phuy, ông Dũng dùng tới 4 thùng được hàn chặt với nhau để giữ cầu cân đối. Ngoài ra, ông còn thiết kế lan can bằng dây cáp để tránh tai nạn mà theo ông rất ít cầu phao hiện giờ làm như vậy. Không giấu được niềm vui khi cây cầu được hoàn thành,  bà Trương Thị Sáu (thôn Phú Lộc, xã Đại An) phấn khởi: "Nhà tôi có 2 sào ruộng bên kia sông, mấy chục năm nay tôi đi làm phải qua cầu tre hay đò rất nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ. Nay có cây cầu phao của anh Dũng làm đã hoàn thành, bà con tôi vui lắm!”. Ông Dũng kiểm tra, bảo dưỡng cây cầu Từ khi ông Dũng làm cầu cho dân làng, không còn vụ tai nạn nào xảy ra. Cây cầu không chỉ giúp bà con quanh vùng đi làm đồng thuận lợi mà việc buôn bán nông sản cũng dễ dàng vì thương lái đến tận nơi, đời sống bà con vì thế mà khá lên. Đặc biệt, cây cầu còn giúp hàng trăm học sinh của thôn 10 xã Đại Cường đi học được an toàn. Vốn là thôn xa xôi nhất của xã Đại Cường, thôn 10 chỉ cách xã Đại An con sông Vu Gia nên hàng ngày người dân vẫn qua đây đi chợ, đến trường. Nhiều học sinh phải ở lại trọ học vì không dám qua sông bằng đò mỗi ngày. Dù cây cầu mang lại nhiều lợi ích vậy, tuy nhiên ông Dũng vẫn có nhiều trăn trở: Nhiều thuyền bè bị chặn bởi cây cầu nên hàng ngày phải đến gọi ông tháo ra để qua lại trong khi đó nhiều lúc tôi không có ở nhà. Bên cạnh đó, cây cầu phao cũng có hạn chế là mỗi mùa mưa bão phải gỡ ra neo lại, nếu không sẽ bị lũ cuốn làm lại rất tốn kém. Bởi vậy, tôi mong chính quyền thuê người hàng tháng làm quản lý cây cầu để phục vụ dân làng tốt hơn. Bảo Linh          

Học viện Tư pháp: Khẳng định tầm vóc một trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp

TĐKT - Sáng 1/2, tại Hà Nội, Học viện Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học "Học viện Tư pháp - 20 năm xây dựng và phát triển" và Lễ khánh thành phòng truyền thống. Tới dự, có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu. Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu ghi nhận:  Năm 2018 đánh dấu 20 năm chặng đường xây dựng, trưởng thành và phát triển của Học viện Tư pháp. Suốt chặng đường đó, Học viện Tư pháp đã có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tư pháp của đất nước, đang ngày càng xứng tầm là trung tâm lớn về đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp và nghiên cứu, phát triển khoa học ứng dụng đào tạo nghề luật. Hội thảo khoa học "Học viện Tư pháp - 20 năm xây dựng và phát triển" Qua 20 năm hình thành và phát triển, tính đến thời điểm hiện nay, Học viện Tư pháp đã và đang đào tạo 51.210 học viên, trong đó có 43.049 học viên đã được công nhận tốt nghiệp; đã tổ chức bồi dưỡng được 331 lớp cho 33.071 lượt người. Từ khi thành lập đến nay, Học viện đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển của hệ thống tư pháp, ngành nghề tư pháp cũng như hoạt động giáo dục, đào tạo chức danh tư pháp với 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 11 công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ và 86 công trình nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Học viện đã tích cực, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ thực hiện nhiều hoạt động hợp tác nhằm học tập kinh nghiệm của các nước trong đào tạo, bồi dưỡng chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu. Trong 20 năm qua, Học viện đã và đang thực hiện 11 dự án, có mối quan hệ hợp tác với 17 đối tác trong lĩnh vực pháp luật và đã ký 8 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế này. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá khách quan những điểm mạnh, điểm yếu và bài học kinh nghiệm của Học viện Tư pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học trong 20 năm qua, đồng thời, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để phát triển Học viện trong thời gian tới, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp tới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, quản trị giáo dục, quan hệ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và các ngành hữu quan… Phương Thanh

Phát động Chương trình Bình chọn danh hiệu Sao Khuê 2018

TĐKT - Ngày 31/1, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (VINASA) chính thức phát động Chương trình bình chọn danh hiệu Sao Khuê 2018 - Danh hiệu uy tín nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Năm 2018 là năm thứ 15 Chương trình được tổ chức. Trải qua 14 năm tổ chức, giải thưởng Sao Khuê đã được trao cho 217 sản phẩm, dịch vụ phần mềm ưu việt Việt Nam và danh hiệu Sao Khuê (từ năm 2011 đến nay) đã được trao cho 457 sản phẩm, giải pháp phần mềm và dịch vụ CNTT xuất sắc của các doanh nghiệp Việt Nam. Lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê năm 2017  Đến nay, Sao Khuê đã trở thành danh hiệu uy tín nhất của ngành CNTT Việt Nam, được cộng đồng doanh nghiệp và thị trường CNTT Việt Nam tin tưởng và đánh giá cao. Các sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu Sao Khuê luôn có chất lượng cao, hiệu quả vượt trội, được thị trường tin tưởng, chiếm ưu thế trong cạnh tranh lớn, góp phần thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam với nhiều thành tựu lớn trong hơn 1 thập kỷ qua. Đồng thời, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cũng đã có bước phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trung bình từ 20 – 35% giai đoạn 2000 – 2010, 10 – 15% giai đoạn 2011 – 2016, luôn cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của cả nước. Doanh thu ngành phần mềm, nội dung số trong năm 2016 đạt gần 3.8 tỷ USD, tăng gấp trên 76 lần so với năm 2000. Vị thế của Việt Nam trên bản đồ CNTT quốc tế đã được khẳng định và ngày càng cải thiện. Việt Nam đang đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Việt Nam cũng được đánh giá là 1 trong 6 quốc gia hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm. Luôn đồng hành cùng sự pháp triển của ngành, trong suốt 15 năm qua, Sao Khuê đã đóng góp quan trọng vào việc xây dựng uy tín sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của các doanh nghiệp phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam; trực tiếp tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ tiếp thị, phát triển thị trường cho các giải pháp tiêu biểu. Không chỉ trong nước, nhiều sản phẩm, giải pháp của Việt Nam hiện đang được triển khai rất thành công ở một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Những danh hiệu Sao Khuê xuất sắc thông qua tiêu chí đánh giá, bình chọn được lượng hoá và theo chuẩn mực quốc tế, trong 2 năm qua, đã được Ban Tổ chức giới thiệu, đề cử tham gia tranh tài tại Giải thưởng APICTA - Giải thưởng CNTT uy tín nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đã có 3 sản phẩm của Việt Nam được APICTA công nhận là: Giải pháp thanh toán điện tử M-Pos và eMobiz năm 2016 và Ví điện tử Ví Việt năm 2017. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, mức độ lan tỏa và phạm vi tác động ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu. Ngành CNTT giữ vai trò là lực lượng tiên phong trong cuộc cách mạng này, có trách nhiệm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đặc biệt là những xu hướng công nghệ mới, trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của nền kinh tế, giúp Việt Nam tận dụng mọi lợi thế bắt kịp “chuyến tàu 4.0”. Chương trình Bình chọn danh hiệu Sao Khuê sẽ giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo đó, Chương trình mở thêm hạng mục danh hiệu Sao Khuê dành cho các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ CNTT tiêu biểu trong xu hướng công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: AI, IoT, Big Data, RPA, VR, AR, in 3D. Đây đang là những xu hướng công nghệ được giới công nghệ trên toàn thế giới tập trung nghiên cứu và phát triển. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết: “Những sản phẩm, dịch vụ thuộc nhóm xu hướng công nghệ mới: AI, IoT, Big Data, RPA, VR, AR, in 3D sẽ được ưu tiên, khuyến khích phát triển ở mức độ cao nhất. Vì đây sẽ là những sản phẩm, dịch vụ chủ lực và là những công nghệ mà trí tuệ Việt Nam, hoàn toàn có thể nắm bắt được trong một thời gian không quá dài. Nó sẽ tạo lợi thế vô cùng lớn cho không chỉ ngành CNTT Việt Nam mà toàn ngành kinh tế khi được ứng dụng mạnh mẽ trong cuộc cách mạng 4.0. Sao Khuê sẽ làm nhiệm vụ phát hiện và thúc đẩy những công nghệ này phát triển nhanh hơn, mạnh hơn cả về quy mô và chất lượng.” Theo kế hoạch, các doanh nghiệp có thể đăng ký các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tham gia Chương trình từ nay đến hết ngày 5/3/2018. Công tác bình chọn sẽ diễn ra trong tháng 3/2018. Lễ công bố và trao danh hiệu Sao Khuê lần thứ 15 sẽ được long trọng tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 4/2018. Phương Thanh  

Nhà khoa học luôn gắn bó tri kỉ với người nông dân

TĐKT - PGS.TS Nguyễn Kim Đường sinh năm 1950 tại xã Nam Lạc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An là nhà khoa học luôn gắn bó tri kỉ với người nông dân. Mặc dù tuổi đã cao nhưng PGS.TS Nguyễn Kim Đường luôn cháy bỏng trong mình nhiệt huyết, đam mê nghiên cứu khoa học và truyền đạt những kiến thức vốn có để chia sẻ với các em sinh viên, những người nông dân chân lấm tay bùn. PGS.TS Nguyễn Kim Đường Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ ông dù quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng con cái vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Lên 8 tuổi, ông đã phải ra đồng làm việc, cho nên lúc 12 tuổi tất cả những công việc của người nông dân như cày, bừa, cấy, gặt ông đều làm thành thạo. Mặc dù gia đình nghèo khó phải lo ăn từng bữa nhưng bố mẹ ông vẫn quyết tâm cho con đến trường, không phụ lòng bố mẹ, PGS.TS Đường luôn đứng đầu trong các kỳ thi. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 ông được cử đi học ngành chăn nuôi tại Cuba. Mặc dù đã hơn 40 năm nhưng khi nhớ lại cái ngày nghe tin được ra nước ngoài học, PGS.TS Nguyễn Kim Đường không giấu được niềm vui. Với ông, đó là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời. Ngày ấy, nghe tin vui, ông đã đi bộ hai ngày hai đêm để đến điểm tập trung mà không hề thấy mệt mỏi gì. Cuối năm 1974, tốt nghiệp Đại học Cuba ngành chăn nuôi về nước, nguyện vọng đầu tiên của ông là được về Nghệ An công tác. Tuy nhiên, ngày đó, do sự phân công của tổ chức nên đầu năm 1975, ông nhận quyết định về làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc. Những năm đầu, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ngoài việc giảng dạy Nguyễn Kim Đường còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Ông đã nghiên cứu các chương trình “Nghiên cứu tái tạo lợn lai giữa các giống lợn nội và lợn ngoại”, “Nghiên cứu tái tạo bò lai giữa bò vàng và bò Sind”, nghiên cứu của ông đã được ứng dụng và giúp cho nhiều người nông dân xóa đói, thoát nghèo. Đến năm 1979, ông Nguyễn Kim Đường đã bảo vệ xuất sắc đề tài khoa học cấp I (tương đương luận văn thạc sĩ bây giờ) về đề tài: “Đa hình di truyền protein huyết thanh của lợn thuần Lang Hồng, Đại Bạch, Landrace, DE và con lai F1 giữa lợn Đại Bạch, Landrace, DE với lợn Lang Hồng”. Năm 1983, ông Nguyễn Kim Đường được cử sang Hungary làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Tại Hungary, ông tiếp tục đi sâu vào hướng nghiên cứu di truyền với đề tài “Đa hình di truyền nhóm máu và kiểu transferring ở bò Holstien, bò địa phương Hungary và con lai F1 của chúng” và đến năm 1987, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Về nước, ông được cử vào công tác tại trường Đại học Nông nghiệp II – Huế (nay là trường Đại học nông lâm Huế). Tại đây, ngoài công tác giảng dạy, ông còn tham gia nhiều chương trình nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu lai tạo lợn lai có tỷ lệ nạc cao ở khu vực miền Trung”; “Nghiên cứu thay thế lợn đen Cornwall bằng lợn trắng Đại Bạch tại Thừa Thiên Huế”… Năm 1996, ông được phong học hàm Phó Giáo sư chuyên ngành chăn nuôi và tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp II đến năm 2001. Trải qua nhiều cương vị công tác và gặt hái được nhiều thành công trong giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học, dù ở đâu, PGS.TS Nguyễn Kim Đường vẫn mong muốn có ngày được trở về quê hương xứ Nghệ sống và làm việc. Mỗi lần nghĩ đến những hình ảnh người nông dân ở quê quanh năm chân lam lũ, vất vả, chân lấm, tay bùn, vẫn không đủ ăn, ông lại muốn về quê, đem những kiến thức mình học được để chia sẻ, giúp đỡ bà con. Nghĩ là làm nên ông đã xin về công tác tại trường Đại học Vinh năm 2001. Về quê, nhận thấy Nghệ An có thế mạnh về chăn nuôi bò, ông liền bắt tay vào nghiên cứu. Năm 2003, ông đã đề xuất và được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ chấp nhận cho triển khai đề tài “Đánh giá khả năng thích ứng và khả năng sản xuất của bò nuôi trong điều kiện Nghệ An”. Đề tài được nghiệm thu năm 2005 và đánh giá đạt loại xuất sắc. Đến năm 2007, ông lại tiếp tục đề xuất và được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ chấp nhận cho triển khai đề tài “Nghiên cứu hiện trạng tiềm năng và đề xuất giải pháp triển chăn nuôi bò hàng hóa bền vững tại Nghệ An”. Đề tài đã được nghiệm thu năm 2009 và được công nhận xuất sắc. Các nghiên cứu của ông đã góp phần không nhỏ để xây dựng khu vực thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn trở thành trung tâm nuôi bò sữa lớn nhất Việt Nam với những trang trại hiện đại bậc nhất thế giới của Vinamilk và của Tập đoàn TH. Ngoài nghiên cứu phát triển ngành chăn nuôi bò sữa, hiện tại ông đang tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lợn Sao Va, một giống lợn quý hiếm, có giá trị kinh tế cao ở khu vực miền Tây Nghệ An. Mặc dù tuổi đã cao nhưng đam mê được làm việc, được cống hiến luôn cháy trong con người PGS Nguyễn Kim Đường. Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông tham gia chủ biên, biên soạn nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, tiêu biểu: Giáo trình “Chọn giống và nhân giống gia súc” NXB Nông nghiệp 1992; “Di truyền học động vật” NXB Nông nghiệp 2000; “Chuyên khảo Di truyền quần thể” NXB Nông nghiệp 2008; sách tham khảo “Đa hình di truyền ở động vật” NXB Đại học Vinh, 2012; “Chăn nuôi cơ bản” NXB Đại học Vinh 2013; chuyên khảo “Chăn nuôi ở khu vực miền Trung” NXB Đại học Huế 2013 và giáo trình “Cơ sở di truyền chọn giống động vật thủy sản, NXB Đại học Vinh 2013. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong hơn 40 năm làm công tác đào tạo, ông có tới 23 năm được công nhận là giảng viên dạy giỏi và Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 3 lần được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. 1 lần được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. Ngoài ra, ông còn gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, với 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo; 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; 2 đề tài nhánh thuộc chương trình của Nhà nước về Bảo tồn Quỹ gien Vật nuôi và nhiều đề tài khoa học khác. La Giang

Đường sắt Việt Nam thi đua “Đổi mới – phát triển và vững bước hội nhập”

TĐKT – Sau nhiều năm “tụt hậu” so với các phương thức vận tải khác, năm 2017, Đường sắt Việt Nam đã thoát đáy và khởi sắc, trên đà tăng trưởng trở lại. Đạt được những thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có cuộc phỏng vấn ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Phóng viên: Xin ông cho biết vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các hoạt động của Tổng Công ty như thế nào? Ông Đoàn Duy Hoạch: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là một trong những đơn vị có hệ thống các tổ chức chính trị khá đồng bộ, bao gồm Đảng ủy, công đoàn, đoàn thanh niên… Do đó, công tác thi đua, khen thưởng luôn được coi trọng và duy trì nền nếp qua nhiều năm. Ban lãnh đạo Tổng công ty luôn xác định công tác thi đua, khen thưởng đóng vai trò hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy, càng khó khăn, vai trò của của công tác thi đua, khen thưởng càng được khẳng định. Thi đua, khen thưởng thực sự là một công cụ quản lý, là biện pháp điều hành hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như các mặt hoạt động khác của ngành đường sắt Việt Nam. Đầu năm, căn cứ vào Nghị quyết của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên xây dựng kế hoạch liên tịch về phát động phong trào thi đua trong toàn tổng công ty. Vì ngành đường sắt có nhiều lĩnh vực, ngành nghề, do đó, bám sát chủ đề thi đua năm của toàn ngành, mỗi lĩnh vực ngành nghề lại chọn ra tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với thực tiễn của đơn vị mình để đăng ký, phát động, triển khai. Trong quá trình thực hiện phong trào đều có kiểm tra, đánh giá, chấm điểm, sơ kết và tổng kết. Quan trọng nhất trong đánh giá thi đua của ngành là tiêu chí an toàn; sau đó là các tiêu chí về sản xuất, kinh doanh, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, xây dựng đơn vị văn hóa, văn minh... Trên cơ sở các phong trào thi đua, các đơn vị thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện các gương điển hình tiên tiến, đề nghị Tổng công ty khen thưởng, động viên. Phóng viên: Cụ thể, công tác thi đua, khen thưởng đã đóng góp vào những thành tựu của ngành đường sắt Việt Nam trong năm 2017 như thế nào? Ông Đoàn Duy Hoạch: Năm 2017, công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều hình thức hoạt động tích cực, huy động được sức mạnh tổng hợp toàn ngành, lôi cuốn hàng vạn CBCNV hăng hái thi đua lao động sáng tạo, sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực. Phong trào thi đua đã đóng góp tích cực vào những thành công ban đầu của công cuộc đổi mới, tái cơ cấu Tổng Công ty. Năm 2017, với việc xác định rõ nguyên nhân gây ra sụt giảm sản lượng và doanh thu, không đạt kế hoạch được giao nhiều năm nay là do hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải khác, cơ sở vật chất lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng đúng yêu cầu… công tác thi đua, khen thưởng của ngành đường sắt Việt Nam đã tập trung giải quyết những khó khăn trên thông qua phát động, triển khai các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, tiêu biểu: Thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, quản lý và điều hành tốt, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh với hiệu quả cao nhất. Phấn đấu đảm bảo đủ việc làm, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động”; thi đua triển khai phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng “An toàn – thuận tiện – thân thiện – đúng giờ - hiệu quả” theo tiêu chí 4 xin, 4 luôn, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, chủ hàng; thi đua “Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng đường sắt”; thi đua “Đảm bảo máy tốt, lái tàu an toàn, đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu”… Xác định tái cơ cấu doanh nghiệp là một nhiệm vụ cấp thiết song cũng đối mặt với không ít khó khăn, Tổng công ty đã phát động thực hiện phong trào thi đua “Hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách, tạo động lực phát triển doanh nghiệp và đất nước” trong toàn Tổng công ty. Qua các phong trào thi đua, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của ngành được phát hiện và được Bí thư, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty gửi thư khen, Tổng Giám đốc tặng Giấy khen kèm theo tiền thưởng kịp thời; đồng thời được phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng trên website của ngành đường sắt và các cơ quan thông tấn, báo chí. Trong năm 2017, có 45 công nhân tiêu biểu của ngành được tuyên dương tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến Bộ Giao thông Vận tải và 1 điển hình được tham dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc. 4 đơn vị thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã được lựa chọn đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua dẫn đầu phong trào thi đua năm 2017. Năm 2017, sản lượng, doanh thu toàn Tổng công ty bước đầu hồi phục đà tăng trưởng, đặc biệt khối vận tải lần đầu tiên tăng trưởng lượng luân chuyển Tkm tính đổi trên 9%, chặn được đà sụt giảm thị phần vận tải đường sắt. Khối công nghiệp tăng trưởng đột phá, sản lượng đạt 169,0% kế hoạch, bằng 256,1% so cùng  kỳ; doanh thu đạt 197,5% kế hoạch, bằng 512,5% cùng kỳ. Đã đóng mới, đưa vào vận dụng 6 ram tàu khách thế hệ mới, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường, chất lượng đảm bảo. Công tác an ninh, an toàn giao thông đường sắt bước đầu kiểm soát được những tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu, an toàn giao thông đường sắt giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2016… Những kết quả trên có phần đóng góp thiết thực, hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng. Phóng viên: Năm 2018,  Đường sắt Việt Nam lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nào để tập trung triển khai thi đua? Ông Đoàn Duy Hoạch: Năm 2018 là năm bản lề để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm nhiệm kỳ 2015 -2020, Tổng công ty đã có kế hoạch liên tịch về việc phát động phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2018, lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đại hội Công đoàn Đường sắt Việt Nam lần thứ XV và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam. Trong đó, tập trung triển khai 4 nội dung thi đua: Một là, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, quản lý và điều hành tốt, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh với hiệu quả cao nhất và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt so với năm 2017 ít nhất 5 % trên cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; giảm ít nhất 5 % tai nạn chạy tàu nghiêm trọng, ít nghiêm trọng, sự cố chạy tàu do chủ quan. Cụ thể, trong đó toàn Tổng cổng ty: Sản lượng và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8% trở lên; lợi nhuận sau thuế đạt 158 tỷ đồng.  Hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách với nhà nước; đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, thu nhập bình quân của người lao động tăng 10% trở lên. Đối với công ty mẹ: Sản lượng đoàn tàu Km tăng 1,6% trở lên; tấn km tổng trọng tăng 7% trở lên; doanh thu đạt mức tăng trưởng 6% trở lên; đảm bảo đủ việc làm cho người lao động; phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tàu khách đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ 80% trở lên. Đối với các công ty cổ phần có vốn góp chi phối: Khối Vận tải, sản lượng Tấn Km đổi tăng 10% trở lên, doanh thu tăng 8% trở lên, kinh doanh có lãi, phấn đấu sản lượng HK.Km và lượt hành khách lên tàu tăng 20% trở lên và doanh thu tăng 10% trở lên so với cùng kỳ; Khối công nghiệp và cơ khí đạt sản lượng và doanh thu tăng 10% trở lên; Khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đạt sản lượng và doanh thu tăng 8% trở lên, phấn đấu tăng 20% so với cùng kỳ… Thứ hai, thi đua thực hiện tốt phương châm kinh doanh, phục vụ khách hàng theo tiêu chí 4 xin – 4 luôn, nâng cao chất lượng phục vụ, giữ gìn nhà ga, đoàn tàu, cơ quan xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn – thuận tiện – thân thiện – đúng giờ - hiệu quả - Vì sự hài lòng hơn của khách hàng, vì lợi ích của người lao động, của cơ quan, đơn vị. Thứ ba, phát động phong trào tăng gia sản xuất, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa – thể thao, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; xây dựng cơ quan, đơn vị “Chính quy – văn hóa – an toàn – đạt chuẩn văn hóa”. Thứ tư, triển khai, hưởng ứng có hiệu quả các phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các địa phương nơi đóng quân  tổ chức, phát động. Tin trằng, các phong trào thi đua sẽ tiếp tục khơi dậy tinh thần tự giác, trách nhiệm của mỗi cán bộ, CNVCLĐ toàn ngành, chung tay xây dựng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam “Đổi mới – phát triển và vững bước hội nhập”. Phóng viên: Xin cảm ơn ông! Mai Thảo (thực hiện)

Tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và 16 gương thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu năm 2017

TĐKT - Chiều 29/1, Thành đoàn Hà Nội họp báo giới thiệu Chương trình Tuyên dương "Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu" và "Gương thanh niên Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu" năm 2017. Ban tổ chức giới thiệu về Chương trình Diễn ra vào ngày 1/2 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chương trình là hoạt động đầu tiên Đoàn Thanh niên TP Hà Nội phát động trong đợt thi đua cao điểm chào mừng 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tại Chương trình, Thành đoàn Hà Nội sẽ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu và 16 gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2017. Trải qua 8 năm triển khai giải thưởng, Ban Thường vụ Thành đoàn đã vinh danh 80 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Năm nay cũng là năm đầu tiên Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội tổ chức vinh danh các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2017. Đây là phần thưởng cao quý của Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội trao tặng cho đoàn viên, thanh thiếu niên có thành tích và đóng góp đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và lĩnh vực khởi nghiệp hiện đang được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm, chú trọng hiện nay. *10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2017: Đinh Quang Hiếu, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Phạm Nam Khánh, học sinh lớp 12 Toán 1 Trường THPT Hà Nội - Amsterdam; Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trần Hữu Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ HVC; Nguyễn Tiến Quỳnh, Cục thuế TP Hà Nội; Đại úy Lê Thăng Bằng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra thành phố về ma túy, Công an quận Đống Đa; Bùi Thị Thu Thảo, vận động viên Bộ môn Điền kinh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội; Thạc sĩ Lưu Đức Anh, Học viện âm nhạc Malmo, Thụy Điển; Tiến sĩ Nguyễn Vũ, Bộ môn Ngoại, Trường Đại học Y Hà Nội; Vũ Huy Cảng, Khoa Công nghệ cơ khí, Trường Đại học Điện lực.  Phương Thanh  

Trang