TĐKT – Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, 50 năm qua, các thế hệ thầy và trò trường Giáo dưỡng số 2 (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, chủ động đổi mới trong dạy và học, khẳng định thương hiệu của một ngôi trường giáo dục đặc biệt có hiệu quả, đã và đang được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.
Được thành lập ngày 2/6/1967, tại xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, với tên gọi đầu tiên là Trường Phổ thông Công nông nghiệp 2, trường có nhiệm vụ quản lý, giáo dục trẻ em hư, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự quốc gia. Sau đó năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, trường được di chuyển về huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình và được đổi tên thành Trường Giáo dưỡng số 2 từ năm 1996 đến nay.
Học sinh trường Giáo dưỡng số 2 đang luyện tập thể dục, thể thao
Từ một ngôi trường có cơ sở vật chất nghèo nàn, lớp học bằng nhà tranh vách đất, bàn ghế đơn sơ, mộc mạc, lại đóng trên vùng đất sình, lầy trũng sâu rộng trên 10 ha ngập đầy cỏ năn, với 6 cán bộ, chiến sĩ, quản lý 105 em học sinh … đến nay, Trường Giáo dưỡng số 2 đã là một ngôi trường khang trang, bề thế, sạch đẹp. Trường có khu nội trú của học sinh, thư viện, bệnh xá, nhà ăn, khu học văn hóa, học nghề với đầy đủ phương tiện trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và tổ chức các hoạt động ngoại khóa; với trên 500 lượt cán bộ; tiếp nhận, quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng hơn 20 ngàn học sinh, giúp các em làm lại cuộc đời, trở về hòa nhập với cộng đồng, là những công dân tốt, sống có ích cho xã hội và gia đình.
Thượng tá Trần Hữu Trung, Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 cho biết: Đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực không ngừng vượt qua bao khó khăn vất vả, thậm chí hy sinh cả máu xương và tuổi trẻ của nhiều thế hệ cán bộ, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2.
Với phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, công tác giáo dục học sinh ngày càng được đổi mới, đa dạng về hình thức, sâu sắc về nội dung, đặc biệt quan tâm đến điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập. Tất cả những điều đó đã có tác dụng cải biến rõ rệt tư tưởng, hành vi của các học sinh vào trường.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo không khí vui tươi, lành mạnh cho học sinh trong toàn trường
Người ta gọi Trường Giáo dưỡng số 2 là một trường học đặc biệt. Bởi ở đó, học sinh là những trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mắc lầm lỗi, với độ tuổi từ 12 - 18 tuổi. Hành vi phạm tội chủ yếu là trộm cắp tài sản. Ngoài ra còn có các hành vi lừa đảo, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, ngược đãi cha mẹ …
Phần lớn các em học sinh đó đều đã từ chối mọi hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nơi địa bàn cư trú; là những học sinh yếu, kém, có hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình không hoàn thiện do cha mẹ ly hôn, bỏ đi hoặc đã chết
Nhiều học sinh vào trường còn mang theo nhiều thói hư, tật xấu: Lười lao động, ngại học, thích sống buông thả, tự do, lại mắc các bệnh hiểm nghèo như viêm gan B, C, lao, HIV/AIDS... Do vậy, công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh đặt lên vai những người làm thầy, làm cô mang sắc phục công an gian nan hơn bội phần.
Tuy vậy, 50 năm qua, Trường Giáo dưỡng số 2 đã tổ chức quản lý học sinh chặt chẽ theo đúng các quy định của pháp luật. Thực hiện phương châm “Ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” nhà trường đã thực hiện phong trào thi đua “Ba cùng” trong cán bộ, giáo viên: Cùng học, cùng lao động, cùng vui chơi với học sinh.
Phong trào đã được đông đảo cán bộ, giáo viên tích cực hưởng ứng mà nòng cốt là giáo viên chủ nhiệm. Phòng ở của học sinh được bố trí sát với phòng ở của thầy cô, để khi có học sinh ốm đau, bệnh tật, học sinh gây mất trật tự… cán bộ, giáo viên sẽ có mặt kịp thời giải quyết. Cán bộ đội bảo vệ - cơ động, giáo vụ hồ sơ thường xuyên trực 24/24h trong ngày để quản lý, giám sát các em. Có những thầy cô đã dũng cảm kê giường ngủ ngay trong phòng ở của học sinh để kịp thời quản lý, chia sẻ, chăm sóc, động viên học sinh của mình.
Chính lòng yêu thương học sinh thật sự của các thầy cô giáo đã dần cảm hóa những tâm hồn khiếm khuyết trẻ thơ. Các em tìm lại được tinh thần vui vẻ, hạnh phúc và thêm niềm tin trong cuộc sống; từ đó phấn đấu học tập và rèn luyện, trở thành người có ích.
Học sinh học nghề và trực tiếp thực hành tại trường
Bên cạnh đó, để giúp những đối tượng học sinh sớm tái hoà nhập cộng đồng, ngoài thực hiện hướng dẫn, tư vấn tâm lý, cung cấp những kiến thức và kinh nghiệm sống, Trường Giáo dưỡng số 2 Ninh Bình còn hướng nghiệp và đào tạo nghề, giúp các các em học sinh có niềm tin và kỹ năng cần thiết để vượt qua những khó khăn, sau này trở về sẽ là người có ích cho gia đình và xã hội.
Các học sinh học và thực hành nghề đan lát, thủ công
Từ năm 2013 đến nay nhà trường đã mở 27 lớp có 678 học sinh tham gia học các nghề: Cơ khí, mộc, điện dân dụng, vi tính văn phòng, cắt may, sửa chữa xe máy, đan lát thủ công mỹ nghệ... số học sinh tham gia học nghề tăng 25,3%; mở 45 lớp xóa mù chữ; xét và cấp bằng bổ túc trung học cơ sở cho 237 học sinh và hoàn chỉnh hồ sơ học tập, cấp giấy giới thiệu cho 256 học sinh học tiếp.
Gian nan, vất vả đồng hành cùng với lớp lớp các thế hệ học sinh cá biệt nhưng với mỗi người thầy, người cô ở trường Giáo dưỡng số 2, tương lai, sự tiến bộ của mỗi học sinh chính là động lực để họ vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với nghề.
Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, bằng bản lĩnh, trí tuệ, sự quyết, tập thể Trường Giáo dưỡng số 2 đã quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hơn 20.000 học sinh với tính chất, mức độ, hành vi vi phạm pháp luật rất đa dạng, phức tạp.
Đa số học sinh ra trường đều hoàn lương, trở thành người công dân có ích cho xã hội. Không ít em đã tham gia vào quân đội, chiến đấu dũng cảm. Đã có người hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc được phong tặng liệt sĩ. Không ít em trở thành đảng viên, bác sĩ, kỹ sư, nhà doanh nghiệp giỏi...
Năm tháng đã qua đi, lịch sử của trường lại thêm những trang mới, mang đậm dấu ấn thành quả giáo dục rất ý nghĩa và đáng tự hào. Qua khảo sát gần 600 học sinh đã học tập rèn luyện tu dưỡng ở trường từ năm 2007 đến năm 2012 tại 7 tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh và Nghệ An cho thấy, có gần 65% học sinh về địa phương tiếp tục học văn hóa, học nghề, tham gia lao động, sản xuất, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, sống lương thiện.
Năm 2015, nhà trường đã khảo sát 71 học sinh không có nơi cư trú ổn định (theo hồ sơ) của 13 tỉnh thành phố, có 81,1% học sinh chấp hành tốt quy định của pháp luật, sống lương thiện…
Năm 2018, Trường Giáo dưỡng số 2 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì
Sự trưởng thành của học sinh chính là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Giáo dưỡng Số 2 vững bước tiến lên trong sự nghiệp cao cả mà Đảng, Nhà nước và ngành giao phó.
Tính đến nay, đã có hàng trăm đoàn khách trong nước, quốc tế đến thăm, nghiên cứu, làm việc tại trường đều có chung quan điểm và đánh giá cao về giá trị nhân đạo, nhân văn, vì quyền con người. Đồng thời, cũng ghi nhận, khẳng định vai trò của Trường Giáo dưỡng Số 2, góp phần phòng ngừa tội phạm, giữ vững vững trật tự, an toàn xã hội.
Ghi nhận những đóng góp đó, Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và nhiều cá nhân Trường Giáo dưỡng số 2: Huân chương Độc lập hạng Nhì; 3 Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; 4 Nhà giáo ưu tú…
Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường (2/6/1968 – 2/6/2018), Trường Giáo dưỡng số 2 vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Đây là phần thưởng cao quý đối với tập thể cán bộ chiến sĩ và lãnh đạo nhà trường. Đồng thời là động lực để cán bộ chiến sĩ tiếp tục đoàn kết phấn đấu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Mai Thảo