Cứ yêu nghề, nghề chẳng phụ
08/06/2018 - 14:04

TĐKT - Dù vất vả, cực nhọc, thậm chí nhiều nguy hiểm luôn rình rập,  thời gian rong ruổi trên đường nhiều hơn là ở nhà, nhưng hơn 30 năm nay, anh Hoàng Ngọc Sơn vẫn dành trọn một tình yêu với nghề mình đã chọn – nghề lái tàu. Mới đây, anh là cá nhân tiêu biểu của ngành Đường sắt Việt Nam vinh dự được lựa chọn biểu dương nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018).

Gia nhập thành viên của Đường sắt Việt Nam từ năm 18 tuổi với lựa chọn ban đầu là sinh viên Trường Trung học Đường sắt, sau hai năm miệt mài rèn giũa, năm 1986, anh Hoàng Ngọc Sơn chính thức trở thành công nhân lái tàu trên những đầu máy hơi nước.

Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết đã cảm nhận rõ những vất vả, nhọc nhằn ngay khi mới vào nghề. “Thời kỳ đó, các chuyến tàu thống nhất Bắc Nam chở người, chở hàng đều kéo bằng đầu máy hơi nước, cực nhọc lắm. Một ban máy bao gồm 3 người, 1 tài xế - chịu trách nhiệm kiểm tra máy móc và lái tàu, 1 phụ tài xế và 1 đốt lửa – chịu trách nhiệm lo dầu mỡ và xúc than để làm lửa cho tàu chạy. Ngày lễ, Tết mọi người được nghỉ ngơi, quây quần ấm cúng bên mâm cơm gia đình còn anh em lái tàu chúng tôi thường xuyên đón giao thừa trên những chuyến tàu xa…” - Anh Sơn chia sẻ.

Anh Hoàng Ngọc Sơn là cá nhân tiêu biểu của ngành Đường sắt Việt Nam vinh dự được lựa chọn biểu dương nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018)

Trải qua 11 năm học tập, tích lũy kinh nghiệm ở vị trí phụ tàu và vượt qua các kỳ thi khắt khe của ngành, năm 1997 anh chính thức trở thành tài xế, cầm vô lăng điều khiển các đoàn tàu tại Xí nghiệp đầu máy Hà Nội. “Trở thành người lái chính, tôi vô cùng vinh dự nhưng thực sự áp lực cũng rất nhiều bởi từ lúc đó tính mạng của hàng trăm hành khách nằm sau tay lái của tôi” – anh Sơn nhớ lại.

Không giống như những nghề nghiệp khác, lái tàu là một nghề đặc trưng và chỉ có ai ngồi trên buồng lái mới có thể hiểu thấu được sự nhọc nhằn đằng sau mỗi chuyến đi.

Bước lên ban tàu, chuẩn bị cho một hành trình dài là mọi mối lo toan gia đình, mọi cuộc vui cũng như những ưu phiền đều phải gác lại phía sau. Thay vào đó là sự tập trung cao độ vào việc tăng – giảm tốc độ để phù hợp với quy định của từng cung đường và đảm bảo thời gian chạy tàu, hãm phanh, kéo còi, xử lý sự cố và hàng trăm công việc khó gọi tên khác.

“Đặc biệt, khi qua những khu dân cư đông đúc và nhiều đường ngang, lái tàu có những lúc phải vận dụng 200% giác quan, mắt chăm chú theo dõi, tay đặt hờ trên cần hãm, tay còn lại kéo còi, chân trong tư thế sẵn sàng đạp thắng” - Anh Sơn chia sẻ.

30 năm làm bạn với buồng lái, anh Hoàng Ngọc Sơn thuộc hết từng chỗ tránh, từng đường ngang, mỗi nơi phải chạy tốc độ bao nhiêu mà không cần nhìn biển báo. Mọi nội quy, quy chế của ngành, của xí nghiệp, cũng như quy trình, quy phạm vận hành chạy tàu anh đều chấp hành triệt để và thao tác thuần thục.

Nhưng không chỉ riêng anh mà bất kỳ một kiện tướng lái tàu nào cũng phải thừa nhận rằng: Tai nạn, va chạm đã là một phần không thể thiếu của nghề, muốn tránh cũng không được mà chỉ còn cách cố gắng quên đi hoặc phải mạnh mẽ đối diện với nó. Anh Sơn tâm sự: Nhiều năm trong nghề, nỗi ám ảnh lớn nhất đó là khi thấy người sắp chết mà không cứu được, bất lực hoàn toàn nhìn người ta bị tàu cán.

Anh kể, đầu năm 2006, được giao chuyến tàu chở hành khách từ ga Hà Nội vào Vinh, khi đến địa phận xã Nghi Liên, TP Vinh (Nghệ An) thì bất ngờ anh và người phụ lái nhìn thấy một chiếc ô tô con màu trắng dừng ngay cạnh đường ray. Tàu càng di chuyển lại gần thì bất ngờ có một người đàn ông trung niên vừa nghe điện thoại, vừa chậm rãi bước lên đường ray.

“Dù ra sức bấm còi báo hiệu, nhưng ông ta không để ý mà vẫn đứng đó tiếp tục cuộc nói chuyện. Thấy tình hình nguy cấp, tôi rung chuông để cảnh báo và dùng hệ thống phanh khẩn cấp để dừng đoàn tàu. Nhưng do khoảng cách quá gần, tàu không thể dừng bánh kịp và đã đâm vào người đàn ông kia. Nạn nhân tử vong ngay tại chỗ. Chuyến đi kết thúc, tôi đã phải xin nghỉ vài ngày để có thể ổn định tinh thần” -  anh Sơn vẫn bàng hoàng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của đường bộ và hàng không, đường sắt ngày càng chịu nhiều áp lực về thời gian trong lúc hệ thống hạ tầng ngày càng xuống cấp. Đặc biệt, sự gia tăng mật độ tham gia giao thông ngày càng đông đúc, thêm nhiều các đường ngang dân sinh… khiến cho đội ngũ những người lái tàu càng thêm căng thẳng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, có nhiều vụ tai nạn đường sắt thương tâm xảy ra, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những người lái tàu. Có người bỏ việc vì ám ảnh, có những người bị sang chấn tâm lý…

Anh Hoàng Ngọc Sơn (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi với kíp trước khi lên Ban tàu

Phó Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội Nguyễn Văn Thắng cho biết: Để góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc, ngành Đường sắt Việt Nam nói chung, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội nói riêng thường xuyên tổ chức các phong trào “Thi đua trở thành kiện tướng Chạy tàu an toàn”, “Tổ máy, tổ ba máy”, phong trào Chấm điểm 50 tiêu chuẩn; đồng thời duy trì buổi học tập, trao đổi kinh nghiệm dành cho các công nhân lái tàu định kỳ vào ngày thứ 5 hàng tuần… Qua đó giúp mỗi công nhân lái tàu thuộc và ngấm hết các quy trình, quy phạm một cách thuần thục, từ đó có cách xử lý chính xác, kịp thời trong từng chuyến.

Ngoài ra, “để chia sẻ những vất vả của những người lái tàu, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cũng có nhiều chế độ đãi ngộ, từ lương, thưởng cho đến chế độ ăn uống, thời gian làm việc đảm bảo, cơ chế bồi dưỡng độc hại… Tuy so với mặt bằng chung của xã hội, công việc lái tàu không mấy hấp dẫn mọi người, nhưng với ngành Đường sắt, đây là nghề hiện có hệ số lương cao nhất ngành, với 10 triệu đồng/tháng.” ông Thắng cho biết.  

Mỗi nghề đều có một khó khăn riêng. Những tai nạn đường sắt vẫn là những ám ảnh nhất trong nghề lái tàu. Nó có thể ngăn chặn được nếu mỗi người tham gia giao thông tự ý thức, tự giác chấp hành luật giao thông, chấp hành tín hiệu. Với anh Sơn, mỗi lần vượt qua những trở ngại để đưa những chuyến tàu “đi đến nơi về đến chốn” là niềm vui, hạnh phúc, giúp anh thêm gắn bó, yêu nghề hơn.

 “Cứ yêu nghề thì nghề chẳng phụ. Mà “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai?” Cho nên dù ngành Đường sắt có nhiều giai đoạn khó khăn, ngay cả bây giờ cũng vậy, chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề” –Đó là những điều mà anh Sơn và những kiện tướng an toàn tàu chạy ở Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội đang hàng ngày truyền đạt lại với lớp lái tàu trẻ hôm nay.

Anh Hoàng Ngọc Sơn công nhân lái tàu, Tổ trưởng Tổ máy 948- Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội là một người lái tàu tâm huyết, có thâm niên lại nhiều kinh nghiệm trong an toàn chạy tàu. Anh là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đảm bảo máy tốt, lái tàu an toàn, đúng giờ, tiết kiệm nhiên liệu”.

Anh Sơn thường xuyên có ý thức thực hành tiết kiệm, trong 5 năm (từ 2013 - 2017) đã chạy tàu tiết kiệm được 18.181 lít dầu DC, giảm chi phí nhiên liệu cho ngành. Anh đạt kiện tướng An toàn ngành Đường sắt lần thứ 6 (năm 2016); đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cở sở liên tục từ 2014 – 2017; được tặng thưởng Bằng khen Bộ Giao thông Vận tải năm 2016. Năm 2018, được Bộ Giao thộng vận tải tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn ngành.

Thục Anh