Cán bộ đoàn làm kinh tế giỏi
09/08/2018 - 09:58

TĐKT - Vui vẻ, nhiệt tình, đó là nhận xét của nhiều người về anh Phạm Kim Ngân (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, tỉnh Cần Thơ). Không chỉ là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương, anh Ngân còn là cán bộ đoàn năng động, sáng tạo và luôn là người tiên phong đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của đoàn thanh niên địa phương.

Anh Ngân tự tay chăm sóc vườn chanh của mình

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, anh Ngân quanh năm trồng lúa để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, thấy việc trồng lúa vất vả nhưng không đem lại thu nhập cao, anh Ngân nung nấu ý nghĩ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nghĩ là làm, anh Ngân miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu tìm ra mô hình phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng quê hương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau một thời gian tìm hiểu, anh quyết định cải tạo đất để trồng hoa huệ.

Năm 2007, anh trồng thử nghiệm trên 2 công đất. Từ những hiệu quả ban đầu, anh Ngân dần mở rộng diện tích trồng huệ hết 1 ha trồng lúa trước đó. Các khâu từ nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc cây hoa huệ đều được anh làm kỹ để chuẩn bị cho mùa hoa cuối năm là thời điểm bán hoa được giá nhất.

So sánh việc trồng hoa huệ với cây lúa, anh Ngân cho biết: “Trồng hoa huệ hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa”. Mô hình này mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Thành công với mô hình trồng hoa huệ nhưng theo anh Ngân, trồng hoa huệ có điểm hạn chế. “Cây hoa huệ không thể trồng lâu trên một mảnh đất mà sau vài năm phải trồng ở đất mới. Do đó, người trồng huệ phải thay đổi đất trồng thường xuyên để phát triển loại hoa này. Khi đất đã bắt đầu bạc màu, cần phải thuê hoặc mua đất mới.” - anh Ngân cho biết.

Bởi vậy, anh quyết định tìm hiểu để chuyển sang trồng loại cây khác. Anh tham quan các mô hình trồng trọt hiệu quả ở các địa phương, tham gia các lớp tập huấn khuyến nông của xã, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường để trồng loại cây gì vừa cho năng suất cao, vừa có đầu ra ổn định.

Sau khi học hỏi kinh nghiệm, anh Ngân cải tạo lại 1 ha đất sau đó trồng chanh xen đu đủ. Loại chanh anh lựa chọn để trồng là chanh núm tứ quý. Theo anh Ngân, loại chanh này cho quả quanh năm, trung bình mỗi tháng, gia đình anh thu hoạch khoảng 1,5 tấn chanh.

Cũng theo anh Ngân, chỉ trừ vài tháng rộ mùa, chanh có giá 4.000 đồng – 5.000 đồng/kg, còn lại chanh có giá cao, đặc biệt là vào mùa nắng, giá chanh thường ở mức trên 20.000 đồng/kg.

Sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, gia đình anh Ngân thu nhập từ chanh ở mức trên 150 riệu đồng.

Ngoài ra, anh Ngân còn trồng 300 gốc đu đủ xen với chanh, cứ 5 ngày là thu hoạch một đợt trái, 5 - 7 tháng trồng lại một lứa đu đủ mới. Trung bình một năm anh thu hoạch khoảng 10 tấn đu đủ, trừ chi phí cho lãi khoảng trên 30 triệu đồng.

 Từ thành công của mình, anh Ngân tích cực hướng dẫn cho các đoàn viên, thanh niên, nông dân trong xã phát triển kinh tế. Anh còn chiết cành chanh bán cho những nơi có nhu cầu. Với những hộ khó khăn, anh giảm 50% giá hoặc hỗ trợ miễn phí.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, anh Ngân còn làm tốt công tác xã hội. Với vai trò là ủy viên Ban chấp hành chi đoàn ấp 1, anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Anh thường xuyên tìm tòi, cập nhật thông tin và tuyên truyền, vận động các đoàn viên thanh niên chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Ngoài ra, anh chỉ đạo chi đoàn tích cực tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về nghề nghiệp để giúp thanh niên có nhận thức đúng về lao động và việc làm; tăng cường tư vấn, định hướng, khuyến khích thanh niên chủ động tạo việc làm, giúp nhau lập nghiệp, góp vốn liên kết sản xuất kinh doanh... Đặc biệt, trong đợt bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, anh Ngân được người dân tin tưởng bầu làm đại biểu HĐND cấp xã và cấp huyện.

Tùng Chi