TĐKT - Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học, anh Lý Quốc Dân, Chủ cơ sở sản xuất mắm 24 Tân Thịnh (xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống của gia đình.
Thôn Lâm Trúc 1, xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định là thôn nghèo, đất đai cằn cỗi, nhiều đồi gò, ít ruộng lúa, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông và ngư nghiệp.
“Cuộc sống gia đình tôi có phần khó khăn, bố mẹ làm nghề biển chỉ đủ ăn, trang trải cuộc sống cho con ăn học chứ không có dư giả. Qua tìm hiểu và sẵn có kinh nghiệm nên năm 2000, khi tôi 14 tuổi, ba mẹ tôi chuyển nghề sang chế biến nước mắm. Nước mắm làm ra chủ yếu bán cho bà con lân cận và chợ vùng quê, từ đó thu nhập ngày càng ổn định hơn.” - anh Dân chia sẻ.
Xưởng lọc nước mắm thủ công của anh Dân
Phụ giúp ba mẹ trong việc chế biến nước mắm, được ba mẹ chỉ dẫn nhiều, khi đến tuổi trưởng thành anh đã có thể làm nghề thành thạo. Đồng thời, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chế biến nước mắm do tỉnh và huyện tổ chức.
Qua những buổi tập huấn, anh Dân ấp ủ việc mở rộng nghề sản xuất nước mắm thủ công với quy mô lớn hơn so với cách làm “nhỏ giọt” lâu nay.
Sản phẩm nước mắm của anh Dân tham gia Hội chợ thương mại Quy Nhơn
Để thực hiện ý tưởng, năm 2008, anh Dân mạnh dạn vay 200 triệu đầu tư mua cá gốp để chế biến nước mắm và đăng ký thương hiệu nước mắm 24 Tân Thịnh. Ban đầu anh Dân áp dụng theo phương pháp chế biến truyền thống.
Sau khi được tập huấn và tham quan học hỏi các mô hình khác trong và ngoài tỉnh, anh dần cải tiến và áp dụng thêm một số tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Cùng với nguồn nguyên liệu và nguồn lao động dồi dào có tại địa phương, quá trình sản xuất của gia đình anh thuận lợi, cho thu nhập ổn định.
Lợi nhuận từ việc sản xuất, kinh doanh nước mắm mang lại cho anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tăng dần theo từng năm. Năm 2013, cơ sở nước mắm của anh bán được 12.000 lít nước mắm, cho lợi nhuận 180 triệu đồng. Đến năm 2017, anh bán được 18.000 lít nước mắm cho lợi nhuận đạt 400 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế từ sản xuất nước mắm, vừa qua anh Dân còn đầu tư vốn cùng ông Lê Văn Luận mở thêm một cơ sở bún, bánh tráng các loại, mang tên cơ sở Bánh tráng Phương Trang.
Cơ sở này hiện nay đang phát triển rất mạnh tại địa phương, giải quyết việc làm cho 15-20 lao động thường xuyên tại địa phương với mức thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng. Có tháng cao điểm, hàng nhiều, cơ sở của anh cần đến 30 - 35 lao động.
Chia sẻ về thành công của mình, anh Dân cho biết: Muốn thành công, bản thân phải quyết đoán, mạnh dạn đầu tư, phải cần cù, chịu khó. Đặc biệt tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình phát triển kinh tế ở các tỉnh khác. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt vệ sinh, an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất gắn với vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe con người.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế gia đình, anh Dân tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia Hội, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, tạo việc làm ổn định, giúp đỡ hộ nghèo có việc làm, thu nhập khá và vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, hàng năm gia đình anh còn góp tiền cho quỹ đền ơn, đáp nghĩa và quỹ khuyến học của địa phương, ủng hộ cho quỹ hỗ trợ nông dân của xã, thôn.
Tuệ Minh