Chính trị - Xã hội

Những chiến sĩ áo trắng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương căng mình điều trị bệnh nhân COVID-19

TĐKT - Tất bật, vất vả chạy ngược xuôi trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt, kín mít với các thao tác can thiệp khẩn trương nhưng vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác... đó là hình ảnh các chiến sĩ áo trắng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thức trắng nhiều đêm để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 từ tay tử thần. Quên mình vì người bệnh BS Phạm Văn Phúc là một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ròng rã hơn một năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, anh cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường. Các chiến sĩ áo trắng căng mình chống dịch chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 Thế nhưng đợt dịch lần thứ 4 này quá khắc nghiệt. Lượng bệnh nhân nhiều, bệnh viện lại trong tình trạng cách ly y tế toàn bộ cơ sở Đông Anh, song vẫn phải tiếp nhận điều trị các ca dương tính nên công việc của bác sĩ, điều dưỡng vất vả bội phần. Đêm rạng ngày 15/5 là đêm mà BS Phúc cùng các đồng nghiệp thức trắng để cấp cứu cho 5 bệnh nhân COVID-19 nặng mới vào, trong số đó có một bệnh nhân có diễn biến nguy kịch. BS. Phúc chia sẻ: “Đó là một đêm có nhiều “kỷ lục” đáng buồn”. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, chưa bao giờ khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế. Kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài được huy động tối đa lúc gần 0h đêm để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 1 ca COVID-19 nguy kịch… Trong bất cứ mọi tình huống, các bác sĩ đều đảm bảo cấp cứu một cách nhanh nhất. Đợt COVID-19 này các bác sĩ đã quá vất vả và lần này đúng là quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu lại vào giữa đêm khuya, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước. Mặc dù mệt nhưng các bác sĩ không vì thế mà chùn bước, nản chí mà luôn sẵn sàng vì người bệnh. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất. Không có gì làm khó được các chiến sĩ áo trắng TS. BS Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang là cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất cả nước. Đến trưa 15/5, có 318 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại cơ sở Đông Anh của bệnh viện. Trường hợp chạy ECMO là ca bệnh có nhiều thách thức. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/5, từ ngày 5/5 đến nay phải can thiệp ECMO, lọc máu. Bệnh nhân cũng có bệnh nền phức tạp, suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận chu kỳ, suy tim độ IV, tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt kéo dài - viêm hạch. Trước khi phát hiện mắc COVID-19, bệnh nhân từng có 1,5 tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức... Với mật độ bệnh nhân đông và mỗi ngày một gia tăng như vậy, chưa kể các bệnh nhân thường không mắc COVID-19 do bệnh viện bị cách ly nên chưa thể xuất viện, TS Thạch chia sẻ, mong muốn của bệnh viện là chuyển những bệnh nhân thường, không mắc COVID-19 và đã có kết quả xét nghiệm từ 2-3 lần âm tính sang các cơ sở y tế khác để tránh lây nhiễm, và cũng phù hợp với mong muốn của người bệnh.     16 tháng nay, các bác sĩ đã liên tục làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Các bác sĩ không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2 - 3 lần. Cả bệnh viện và bệnh nhân đều mong muốn "giải phóng" bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng không mắc COVID-19, để nhận bệnh nhân COVID-19 mới. Trong khi đó, các bệnh viện ở địa phương xung quanh Hà Nội vẫn chuyển bệnh nhân COVID-19 về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện vẫn luôn phải tiếp nhận. Cũng theo Giám đốc bệnh viện, sau khi có bác sĩ nhiễm SARS-CoV-2, toàn thể thầy thuốc ở đây đều trở thành F1. Nhưng với lượng bệnh nhân đông, ngoài những cán bộ y tế dương tính phải điều trị bệnh, còn lại các F1 là thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng, chống dịch theo các cách khác nhau. Tại bệnh viện, có một bệnh nhân ung thư mắc COVID-19 bị vỡ lách, các bác sĩ ở đây đã mổ cấp cứu ngay. Các trường hợp thai sản được các tuyến chuyển trong đêm, bệnh viện vẫn mổ, các bác sĩ không nề hà gì... Rồi không ít những câu chuyện không cầm nổi nước mắt đó là mẹ của một bác sĩ bị mất, rồi bác sĩ khác có một người em qua đời. Hiện, hai vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho mẹ được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào?  Lúc đó, họ lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 có diễn biến mới, cần thăm khám luôn. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân… Xa con cái, xa người thân yêu, bỏ lại sau lưng bố mẹ già yếu ốm đau, không thể kề bên chào tạm biệt lần cuối... Những hy sinh lớn lao ấy của những chiến sĩ áo trắng thật khó có gì đo đếm được. Mặc dù, khó khăn chồng chất với khó khăn nhưng bản thân họ đã sống và cống hiến một cách trọn vẹn, đẹp đẽ khi khoác trên mình chiếc áo blouse... Có thể thấy, trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hi sinh, mất mát, những nỗi đau khó diễn tả thành lời nhưng vượt qua tất cả như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi gắm trong bức thư gửi các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế “Những chiến sĩ áo trắng là những người đi trước về sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 kéo dài và chưa có ngày kết thúc. Chúng ta thầm gửi lời tri ân và cầu mong họ luôn có nhiều sức khỏe, đủ bản lĩnh để vượt qua tất cả những khó khăn đè nặng trên vai...” La Giang    

Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc-xin COVID-19 thứ hai từ Cơ chế COVAX với 1.682.400 liều

TĐKT - Ngày 16/5, Việt Nam đã tiếp nhận lô vắc-xin COVID-19 thứ hai từ Cơ chế COVAX với 1.682.400 liều. Và 20h cùng ngày, toàn bộ lô vắc – xin đã được chuyển tới kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tại Hà Nội. Trước lô vắc-xin này, Việt Nam đã nhận lô đầu tiên từ COVAX vào tháng 4 năm 2021. Lô vắc-xin này nằm trong số 4,1 triệu liều vắc-xin được cam kết hỗ trợ miễn phí cho Việt Nam của Cơ chế COVAX, một cơ chế quốc tế nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng với vắc-xin COVID-19 trên toàn cầu. Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Vắc-xin, Gavi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác triển khai chính. Hình ảnh lọ vắc-xin của AstraZeneca Từ khi lô hàng vắc-xin đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 4, đã có hơn 858.496 người đã được tiêm vắc-xin COVID-19 ở Việt Nam, chủ yếu là cán bộ y tế và các nhân viên tuyến đầu khác. Lô vắc-xin bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên. Lô vắc-xin Vaxzevria® lần này (trước đây được gọi là Vắc-xin COVID-19 AstraZeneca) do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Lô hàng này được vận chuyển từ cơ sở sản xuất của Catalent Biologics ở Anagni, Italy. Vắc-xin Vaxzevria COVID-19 đã được WHO cấp phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp và đã được tiến hành tiêm thành công tại Việt Nam kể từ tháng 3 năm 2021 dưới tên cũ. Được biết, trong nhiều tháng qua, các đối tác COVAX bao gồm CEPI, GAVI, WHO và đối tác cung ứng UNICEF, đã và đang hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực sẵn sàng và triển khai vắc-xin COVID-19 trên toàn quốc. Các đối tác đã hỗ trợ tích cực Việt Nam xây dựng Kế hoạch Tiêm chủng Quốc gia, vì Việt Nam tham gia Cam kết Thị trường Trước (AMC). AMC là một cơ chế tài chính sáng tạo để giúp đảm bảo tiếp cận toàn cầu và công bằng với vắc-xin COVID-19. Hồng Thiết  

Phát triển BHXH tự nguyện: Cần linh hoạt, vận dụng các biện pháp sáng tạo ngay từ cơ sở

TĐKT - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và tác động không nhỏ tới công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của ngành BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã chủ động, nỗ lực vượt khó, thực hiện các giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp, đảm bảo mục tiêu “kép”, vừa mở rộng hiệu quả diện bao phủ người tham gia BHXH tự nguyện, vừa đảm bảo đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt những kết quả nhất định.   BHXH tự nguyện được phổ biến đến người dân lao động Nỗ lực phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong bối cảnh dịch Covid-19 Năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là 224 nghìn người. Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH thì số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 đạt trên 277 ngàn người, tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017; năm 2019 là gần 574 nghìn người, tăng 296.700 người (tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018), chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác phát triển người tham gia BHXH của ngành BHXH Việt Nam. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cũng như thiên tai, lũ lụt tại miền Trung, Tây Nguyên nhưng nhờ thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ, kịp thời, ngành BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được những kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt  là công tác mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện với số người tham gia đạt 1,128 triệu người (tăng 554 nghìn người, gấp hai lần so với năm 2019), đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Những kết quả trên là minh chứng rõ nét cho những nỗ lực mà ngành BHXH Việt Nam đã quyết liệt triển khai thời gian qua, góp phần phát triển thêm nhiều người dân được tham gia vào lưới an sinh của Nhà nước, được chăm lo cuộc sống, chăm sóc sức khỏe khi về già không còn khả năng lao động, từ đó góp phần củng cố ngày càng vững chắc hơn nền an sinh xã hội vững mạnh của đất nước. Sang năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng ngay từ đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng các giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người (giảm nhẹ so với hết năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn tăng 527 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020). Một số địa phương thực hiện tốt công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, như: Nghệ An (tăng 9.499 người so với năm 2020 và tăng 34.471 người so với cùng kỳ năm trước), Thái Bình (tăng 4.547 người so với năm 2020 và tăng 16.623 người so với cùng kỳ năm trước), Phú Thọ (tăng 3.679 người so với năm 2020 và tăng 17.575 người so với cùng kỳ năm trước), Thanh Hóa (tăng 2.655 người so với năm 2020 và tăng 30.676 người so với cùng kỳ năm trước), Quảng Nam (tăng 1.861 người so với năm 2020 và tăng 12.922 người so với cùng kỳ năm trước)…. Huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) là một trong những địa phương đạt kết quả tốt trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Ông Phan Văn Rí - Giám đốc BHXH huyện U Minh cho biết: Trong tháng 4/2021, BHXH huyện đã phát triển mới được 819 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người đang tham gia trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm lên 3.519 người, đạt và vượt hơn 3% so với kế hoạch của cả năm 2021 về số người tham gia BHXH tự nguyện. Theo ông Phan Văn Rí, một trong những cách làm đạt hiệu quả của BHXH huyện là do đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp huyện/ xã, bám sát người dân để vận động, tuyên truyền, đồng thời yêu cầu đội ngũ đại lý thu quản lý và vận động người dân tham gia liên tục. Hiện U Minh đang vào mùa khô, thời tiết tốt, người dân trên địa bàn đang có nguồn thu nhập mùa vụ ổn định, nên công tác vận động tham gia BHXH tự nguyện có nhiều thuận lợi. Dù vậy, BHXH huyện luôn hết sức chủ động, thường xuyên làm việc trực tiếp với chính quyền các xã, huy động sự tham gia của Bí thư Chi bộ từng thôn; giám sát, kiểm tra hoạt động của các đại lý một cách thường xuyên… để ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn được tiếp cận, tham gia chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước. Từ thực tế công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện của BHXH huyện U Minh cho thấy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện hiệu quả công tác này. Đây cũng là minh chứng rõ nét của việc đưa nhiệm vụ, giải pháp “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” theo tinh thần Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống; nhiệm vụ, giải pháp này là điều kiện tiên quyết trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH tại các địa phương. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phù hợp với thực tiễn Tháng 5/2021 là năm thứ hai triển khai tổ chức thực hiện “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” theo Quyết định số 1676/QÐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Ðề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Việc tổ chức “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” nhằm tạo điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH; thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là chính sách BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động người dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động. Theo đó “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân” năm nay (tháng 5/2021) được ngành BHXH Việt Nam đẩy mạnh truyền thông với chủ đề “BHXH cho tất cả mọi người lao động”, gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, đặc biệt nhấn mạnh về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, qua đó, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa như: “Hướng tới mục tiêu thực hiện BHXH toàn dân là góp phần xây dựng sự nghiệp an sinh bền vững”; “Tham gia BHXH là đầu tư cho tương lai”; “BHXH giúp bạn giảm bớt khó khăn về tài chính khi gặp rủi ro trong cuộc sống”; “Lương hưu và BHYT - Chỗ dựa tài chính lúc tuổi già”; “Tham gia BHXH là bảo vệ cuộc sống của mỗi gia đình”… hướng tới nhóm đối tượng đích gồm người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức. Nhằm có những hoạt động thiết thực hưởng ứng “Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân”, phấn đấu hoàn thành đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung cũng như BHXH tự nguyện nói riêng trong tháng 5 và năm 2021, ngoài việc tiếp tục tham gia đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHXH Việt Nam xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển người tham gia, trong đó có một số giải pháp: Thứ nhất, tăng cường sự phối hợp vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Thứ hai, xây dựng kế hoạch cụ thể, thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng xã, phường, đại lý thu. Rà soát, phân loại và có số liệu chi tiết đối với các nhóm tiềm năng (theo độ tuổi, giới tính, công việc và thu nhập...) để tập trung tuyên truyền vận động có hiệu quả. Thứ ba, tiếp tục đa dạng hóa các hình truyền thông như tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi, tư vấn, đối thoại trực tiếp… chú trọng tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở theo các nhóm đối tượng… Thứ tư, tiếp tục đào tạo hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ đại lý thu; giao số chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, tháng đối với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện cho từng đại lý. Tập trung rà soát, dừng triển khai đối với các Điểm thu chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định. Thứ tư, chú trọng việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ, mua tặng sổ BHXH tự nguyện cho người dân nhằm hướng đến tính bền vững của chính sách an sinh xã hội cho nhân dân. Phó Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, các đơn vị phải xác định rõ tâm lý đối diện với khó khăn một cách thường xuyên; nâng cao hơn nữa việc dự báo trước những biến động ở từng quý, từng năm, giai đoạn 3 năm…; xác định chi tiết các nhóm đối tượng tiềm năng để có kế hoạch và cách tiếp cận, cách làm hợp lý, hiệu quả. Nhận định vai trò công tác truyền thông là tiên quyết, ông Trần Đình Liệu yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố cần xây dựng kịch bản truyền thông cho từng nhóm đối tượng, với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả. Hồng Thiết  

Tập trung bảo đảm, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày 14/5/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 106/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày 25/02/2021. Chiều ngày 10/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường Chính phủ về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Y tế, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải.  Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nội vụ, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp tập trung bảo đảm và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vào ngày 23/5/2021 một cách an toàn tuyệt đối về an ninh, trật tự, nhất là chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, từ nay đến ngày bầu cử 23/5/2021, Bộ Nội vụ cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Một là, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn cụ thể công tác chuẩn bị trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công. Đồng thời theo dõi, hướng dẫn, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình chuẩn bị bầu cử; kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về diễn biến công tác chuẩn bị bầu cử và tổ chức ngày bầu cử. Hai là, có văn bản gửi Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia để kiến nghị với Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn một số nội dung liên quan đến công tác bầu cử đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 như hình thức tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận đồng bầu cử (xem xét giảm số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để vừa bảo đảm quyền vận động bầu cử của người ứng cử, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tổ chức hội nghị trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử ...); phương án phân bố hợp lý thời gian cử tri đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử theo khung giờ để tránh tập trung đông người; phương án thực hiện bỏ phiếu đối với cử tri làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp đang cách ly y tế, điều trị bệnh... Ba là, cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình mọi mặt, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 để kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý nhanh chóng, hiệu quả. Mời bạn đọc xem toàn văn Thông báo số 106/TB-VPCP. Tại đây./. Theo tcnn.vn

Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19

Ngày 13/5/2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký ban hành Văn bản số 2135/BNV-CQĐP gửi Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, để bảo đảm thực hiện phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh Covid-19, phục vụ an toàn cho công tác bầu cử cần tập trung một số nhiệm vụ sau: 1. Để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả và công tác bầu cử diễn ra an toàn, đúng các quy định của pháp luật, những người tham gia công tác bầu cử (gồm cử tri và những người có liên quan, thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử) cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như sau: a) Thực hiện khai báo y tế trực tiếp hoặc khai báo y tế điện tử theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế thông qua các ứng dụng: Vietnam Health Declaration, Bluezone, Ncovi... nếu dùng thiết bị điện thoại thông minh hoặc nơi tổ chức có hỗ trợ các ứng dụng này. b) Thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, không khạc nhổ bừa bãi, phải che miệng mỗi khi ho và hắt hơi, bỏ rác thải đúng nơi quy định. c) Thực hiện việc xếp hàng để vào bầu cử, giữ khoảng cách giữa người trước và người sau tối thiểu là 2 mét, di chuyển theo hướng một chiều; thực hiện theo hướng dẫn của ban tổ chức về tiến trình bầu cử và đảm bảo y tế cho công tác bầu cử.  d) Trường hợp thành viên Tổ bầu cử có tiếp xúc gần với người được xác định mắc Covid-19 (F1, F2) phải cách ly thì địa phương chủ động bổ sung, thay thế và tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử đối với thành viên mới được bổ sung. 2. Hướng dẫn trình tự thực hiện bầu cử tại khu vực bỏ phiếu cố định; cho người đang thực hiện cách ly tại nhà; cách ly tập trung, nơi thực hiện giãn cách xã hội hoặc địa bàn bị phong tỏa; tại bệnh viện, cơ sở y tế. a) Về tổ chức bầu cử tại khu vực bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu) thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 1 (kèm theo);  b) Về tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại nhà thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 2 (kèm theo);  c) Về tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung và nơi thực hiện cách ly xã hội hoặc địa bàn bị phong tỏa thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 3 (kèm theo); d) Về tổ chức bầu cử tại bệnh viện, cơ sở y tế điều trị cho cử tri là bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19 thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 4 (kèm theo). Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền và tại hướng dẫn này, đề nghị Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ điều kiện, tình hình cụ thể, chủ động xây dựng phương án, kịch bản bỏ phiếu bầu cử linh hoạt, phù hợp với khả năng thực tế của địa phương, bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử và đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh. Mời bạn đọc xem toàn văn Văn bản số 2135/BNV-CQĐP và các Phụ lục 1,2,3,4. Tại đây./. Theo tcnn.vn

Phỏng vấn trực tuyến với chủ đề “Ngày hội của toàn dân”

TĐKT – Ngày 14/5, Báo Điện tử Đảng Cộng sản việt Nam tổ chức cuộc phỏng vấn trực tuyến với chủ đề “Ngày hội của toàn dân” nhằm thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu đề dẫn buổi phỏng vấn trực tuyến Buổi phỏng vấn trực tuyến là cầu nối để bạn đọc gửi câu hỏi đến những vị khách mời là những người tham gia trực tiếp vào công tác chuẩn bị bầu cử, gồm các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó Trưởng Tiểu ban thường trực, Tiểu ban An ninh, trật tự bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bộ Công an; Nguyễn Chí Đoàn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Ủy viên Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội. Phát biểu đề dẫn phỏng vấn, Tiến sĩ Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước ta. Để sự kiện chính trị quan trọng này thực sự trở thành ngày hội của toàn dân, việc tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, từ đó có ý thức, trách nhiệm tham gia bầu cử. Đó cũng là bổn phận, trách nhiệm tuyên truyền của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện Hướng dẫn số 169 - HD/BTGTW về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, ngay từ đầu tháng 3/2021, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã mở chuyên trang “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp”. Từ khi chuyên mục ra đời đến nay, báo đã có hàng nghìn tin, bài tuyên truyền, hỏi -  đáp về bầu cử, về các văn bản quan trọng của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội như: Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026”. Đặc biệt là nhiều tin, bài giới thiệu những điểm mới của cuộc bầu cử lần này, nhất là cập nhật liên tục công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong cả nước dưới dạng đa nền tảng như inphographichs, mega story, video, audio… Để tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của cuộc bầu cử đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng thời phát huy thế mạnh và kinh nghiệm tổ chức rất hiệu quả nhiều cuộc giao lưu trực tuyến nhiều năm qua, ban đầu Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề "Ngày hội của toàn dân". Tuy nhiên trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để thực hiện công tác phòng, chống dịch, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển hình thức phỏng vấn trực tuyến (thay hình thức giao lưu trực tuyến). Thông qua đó, góp phần làm cho nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ nhiệt tình, nêu cao tinh thần làm chủ, ý thức tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cuộc phỏng vấn trực tuyến với độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam được tổ chức vào thời điểm cận kề ngày bầu cử cũng nhằm hướng tới mục tiêu làm cho mọi cử tri cả nước nắm vững được những nội dung chủ yếu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu HĐND, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử; các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, giúp cử tri có cơ sở lựa chọn và bầu được những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp. Đặc biệt, thông qua cuộc phỏng vấn trực tuyến nêu bật được sự hưởng ứng, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tích cực chuẩn bị hướng tới ngày bầu cử 23/5; giới thiệu với nhân dân trên thế giới biết được không khí dân chủ trong quá trình bầu cử; góp phần đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng và Nhà nước... Mời quý độc giả bấm vào đây để theo dõi cuộc phỏng vấn trực tuyến "Ngày hội của toàn dân"./. Phương Thanh

Việt Nam tăng cường năng lực xét nghiệm vi rút SAR-COV-2 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Ngày 13/5, tại Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, đơn vị xét nghiệm thuộc Bộ Y tế trên cả nước. GS. TS Trần Văn Thuấn khẳng định, hiện Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện, chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2, bao gồm: Realtime RT-PCR để xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19; test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể. Điểm cầu họp trực tuyến Về năng lực xét nghiệm, công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều, gấp từ 2 - 3 lần so với các đợt dịch trước đây. Hiện các phòng xét nghiệm trên cả nước có thể thực hiện tới 100.000 mẫu đơn/ngày. Công suất tăng mạnh gấp 5, 10 lần nếu thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu (gộp 5, gộp 10...). Cùng đó, Việt Nam đã ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện đối với từng loại hình xét nghiệm, cho các tình huống trong đó có tình huống toàn quốc có 30.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chỉ đạo Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo thường xuyên tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho các đơn vị khác và các cơ sở y tế ở địa phương. Quang cảnh buổi họp Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tăng cường truyền thông để người dân rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của xét nghiệm SARS-CoV-2 trong phòng, chống dịch COVID-19. Báo cáo cụ thể về năng lực xét nghiệm, bà Nguyễn Minh Hằng – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết test nhanh kháng nguyên nhằm hỗ trợ giám sát, dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ cho kết quả của RT-PCR, hiện nay Việt Nam mới có và bắt đầu sử dụng. Còn test nhanh kháng thể mang tính chất sàng lọc, nghiên cứu, đánh giá dịch tễ. "Các kỹ thuật này đều đã được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện đầy đủ, nhằm hỗ trợ các phòng xét nghiệm được cấp phép trên cả nước nâng cao năng lực xét nghiệm" – bà Hằng khẳng định. Đến nay, toàn quốc có 175 phòng xét nghiệm có khả năng thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó, có 125 phòng đủ năng lực xét nghiệm khẳng định. So với các đợt dịch trước, trong đợt dịch thứ 4 này khả năng xét nghiệm tăng rất nhanh. Chỉ tính từ 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đã thực hiện gần 310.000 mẫu xét nghiệm. Về sinh phẩm xét nghiệm, hiện có 3 loại sinh phẩm phục vụ cho các kỹ thuật xét nghiệm. Trong đó, có 16 loại sinh phẩm cho xét nghiệm RT-PCR, 4 loại sinh phẩm cho test nhanh kháng nguyên và 9 loại cho test kháng thể. Đây là các loại sinh phẩm được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Ngoài ra, Việt Nam còn sử dụng sinh phẩm do Tổ chức Y tế thế giới hay US CDC khuyến cáo. Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cả nước hiện có 100 bệnh viện có phòng xét nghiệm (gồm cả phòng xét nghiệm khẳng định và phòng xét nghiệm sàng lọc). Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết mới đây, Bộ Y tế đã có công văn chỉ đạo tất cả các bệnh viện có 300 giường bệnh trở lên phải có phòng xét nghiệm khẳng định. Ông đề nghị Cục Y tế dự phòng tiếp tục có công văn gửi các cơ sở về tăng cường năng lực xét nghiệm. La Giang

Thêm 1,682 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Covax sẽ về tới Việt Nam

TĐKT - Ngày 13/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, UNICEF đã khẳng định ngày 16/5 tới đây, sẽ có thêm 1,682 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZenceca qua nguồn COVAX facility sẽ được chuyển giao cho Việt Nam. Bộ Y tế sẽ tiến hành phân bổ nguồn vắc xin này cho tất cả các đơn vị, địa phương để thực hiện công tác tiêm chủng phòng, chống dịch COVID-19 theo kế hoạch đã đề ra. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán các nguồn vắc xin để đảm bảo đủ vắc xin tiêm chủng cho người dân. Song song với đó, Bộ Y tế cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo tiêm chủng an toàn của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất cho người dân. Tính hết ngày 12/5, cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố hoàn thành tiêm chủng vắc xin COVID-19, với 942.030 mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đối với những người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. La Giang

Triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch

TĐKT – Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương vừa ban hành công văn số 1141/BTĐKT-VP ngày 13/5/2021 về việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công văn số 1141/BTĐKT-VP ngày 13/5/2021 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Nội vụ tại Thông báo kết luận số 2047/TB-BCĐ ngày 11/5/2021 và trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đề nghị thủ trưởng các đơn vị thuộc Ban: Triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, của Bộ Nội vụ và TP Hà Nội; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương nếu để công chức, viên chức, người lao động của đơn vị vi phạm các quy định về công tác phòng, chống dịch. Căn cứ vào tính chất công việc và điều kiện cụ thể của đơn vị trong thời gian này để đề xuất với lãnh đạo Ban việc tổ chức hình thức làm việc phù hợp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo phòng, chống dịch nhưng không làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc, nhiệm vụ được giao. Trong đó, lập kế hoạch và lịch luân phiên làm việc tại nhà, thực hiện từ thứ Sáu, ngày 14/5/2021, đảm bảo tối thiểu 50% tổng số công chức, viên chức, người lao động của đơn vị làm việc tại nhà theo từng tuần (5 ngày làm việc), báo cáo Trưởng ban trước khi triển khai thực hiện. Giao Vụ Tổ chức Cán bộ làm đầu mối giúp lãnh đạo Ban theo dõi việc bố trí công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà và tại cơ quan của các đơn vị thuộc Ban. Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công chức, viên chức, người lao động của đơn vị thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Ban theo quy định. Nguyệt Hà

BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và BHYT cho người tham gia

TĐKT - BHXH và BHYT là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội của đất nước. Để đảm bảo quyền được an sinh cho mọi người dân, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam vừa có các Công văn số: 1179/BHXH-TST gửi Bộ Y tế và 1180/BHXH-TST gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho người tham gia. Nâng mức hỗ trợ đóng BHYT Tại Công văn số 1179/BHXH-TST gửi Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nêu rõ, tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia BHYT, vượt 0,15% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Trong đó, có 2,537 triệu người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT. BHXH Việt Nam nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện Nhóm đối tượng này chủ yếu tập trung ở các địa phương như: Bắc Giang (331 nghìn người tham gia); Nam Định (219 nghìn người tham gia); Hà Tĩnh (257 nghìn người tham gia); Hà Nam (195 nghìn người tham gia), Ninh Bình (155 nghìn người tham gia)… là những tỉnh có hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước với mức hỗ trợ 20% cho người tham gia. Bên cạnh đó, nhiều địa phương ngân sách chưa hỗ trợ thêm ngoài mức quy định của Nhà nước, nên chưa có người tham gia BHYT theo nhóm đối tượng này, như: Hòa Bình, Lạng Sơn, Bình Thuận, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có 95% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế báo cáo, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%. Thực tế triển khai các chính sách an sinh xã hội cho thấy, trong những năm qua, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng đồng hành cùng người dân khi ốm đau, bệnh tật để tiếp tục cuộc sống. Việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng BHYT nêu trên sẽ tạo thuận lợi giúp cho ngày càng có nhiều người dân được tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT, góp phần hoàn thiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng, Nhà nước ta. Đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia Thực hiện kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại văn bản số 2602/UBVĐXH14 ngày 18/3/2020 về giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH, theo đó, BHXH Việt Nam đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại. Theo đó, BHXH Việt Nam gửi Công văn số 1180/BHXH-TST đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục báo cáo, trình Chính phủ sửa Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, theo hướng tăng mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia  BHXH tự nguyện theo mức đề xuất nêu trên. Với mục tiêu phấn đấu để ngày càng có nhiều người được bảo đảm an sinh xã hội sau khi hết tuổi lao động, chính sách BHXH tự nguyện ra đời từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi người lao động thuộc khu vực phi chính thức đều được tham gia BHXH. Sau 12 năm triển khai, đặc biệt từ nửa cuối năm 2018 đến nay, cùng với định hướng chính trị thực hiện “BHXH toàn dân” được khẳng định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, công tác phát triển BHXH tự nguyện đã có nhiều bứt phá. Cụ thể, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt trên 277 nghìn người tham gia. Nhưng chỉ riêng trong năm 2019, số người tham gia đã đạt gần 574 nghìn người; trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại. Hết năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,128 triệu người tham gia (tăng 554 nghìn người, hơn gấp đôi so với năm 2019; đạt khoảng 2,1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, vượt chỉ tiêu năm 2021 được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII). Tuy trong những năm gần đây, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, ấn tượng, nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Do đó, với việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH toàn dân để mọi người dân đều được tham gia vào lưới an sinh và có chính sách BHXH chia sẻ, đảm bảo cuộc sống khi về già. Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, thì việc có cơ hội được trợ giúp tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc cho bản thân trước những rủi ro không may trong cuộc sống, người dân luôn cần có một điểm tựa an toàn và việc lựa chọn tham gia chính sách BHXH, BHYT chính là lựa chọn tối ưu và an toàn nhất cho mỗi người dân. Hồng Thiết

Trang